Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Chuyện thời sự.


Thực sự thì chuyện thời sự của nước ta hay nói rộng ra là của khu vực, thế giới, bây giờ nhiều quá. Giữa thời buổi bùng nổ thông tin như thế này thì không gì có thể che dấu được nữa. Ngày trước người dân chỉ hoàn toàn trông chờ vào báo chí, các hãng thông tấn (phóng viên, báo, đài...). Chỉ có họ mới có nghiệp vụ, phương tiện như máy ảnh, máy quay phim, hay máy ghi âm... trong tay, để mà tác nghiệp. Và sáng sáng ông bố sai đám nhóc tì chạy ra đầu hẻm mua tờ "nhựt trình", để theo dõi tin tức thời sự, hay tối đi làm về rảnh dán mắt vào cái Tivi, cái "đài" mà xem, mà nghe tin tức...

Bây giờ mọi chuyện đã khác, những chuyện trên thế giới, ở bất cứ đâu, máy bay mất tích, phà chìm, lở đất, bạo động, chiến tranh... Hoặc mọi điều nổi bật đang diễn ra ở trong nước..., đều được cập nhật hàng giờ, thậm chí hàng phút... Trên những trang mạng. Không phải bởi những phóng viên báo đài... chuyên nghiệp nữa, mà bởi tất cả mọi công dân trên thế giới, trong đất nước... Ai cũng có thể trở thành phóng viên đưa tin chỉ với một cái máy điện thoại "thông minh" trong tay, và mạng xã hội toàn cầu đã làm một cuộc đại cách mạng về thông tin, gần như những gì xảy ra ở những nơi công cộng, thuộc về thời sự, cộng đồng, chỉ trong chớp mắt có thể sẽ được phơi bày trên thế giới...

Một câu chuyện thời sự trên đất nước bây giờ là giáo dục, trên nhiều trang báo truyền thống, trang mạng xã hội đã và vẫn đang đề cập đến chuyện giáo dục nước nhà, chẳng hạn báo TT chủ nhật (4-5-2014) ngay ở trang nhất có bài và hình ảnh với tựa "Ngậm ngùi cử nhân", viết về những cử nhân tốt nghiệp xong không xin được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo, có cô gái trẻ tốt nghiệp cao đẳng Quản trị kinh doanh tối tối đi làm "tiếp thị bia" nơi những quán nhậu, hay cô gái khác tốt nghiệp cử nhân ngành Quản lý đô thị đi bán quần áo chợ trời, và nhiều người khác nữa, cũng do không tìm được việc làm thích hợp... Tại sao có chuyện như thế này? Có lẽ chỉ nằm trong 2 nguyên nhân: Thứ nhất cung đã vượt quá cầu. Thứ nhì sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu xã hội. Một thông tin khác tôi đọc được ít bữa trước, là hiện nay có rất nhiều thạc sĩ, cử nhân... ghi tên đi học lại... trung cấp nghề, để mong tìm được việc làm, giải quyết trước mắt chuyện cơm áo...

Đấy là những câu chuyện của cá nhân trong giáo dục, những bi kịch nho nhỏ. Tôi cũng đọc được những câu chuyện thuộc về giáo dục, nhưng ở tầm "vĩ mô", chẳng hạn chuyện ba mươi mấy ngàn tỉ để đổi mới giáo dục nước nhà, bởi giáo dục bê bết quá, chẳng hạn người ta nói giáo dục bây giờ tạo nên những sản phẩm, những con người "dối", qua cách dạy, cách học vẹt, nhồi nhét, học mẫu, cách thi cử, giá trị bằng cấp ảo (như câu chuyện cử nhân không kiếm được việc làm bên trên), thực tế những gì học sinh đã thu thập được nơi nhà trường qua mười mấy năm đèn sách..., (và cũng nhờ có thông tin nhiều nguồn mới biết ba mươi mấy ngàn tỉ người ta nói như đùa), đây chính là một bi kịch lớn.

 Cũng có nhiều người nói, tiền bạc là cần thiết, nhưng trước khi nói đến tiền bạc phải nói đến một thứ cần thiết hơn, cũng "vĩ mô" không kém, thuộc về "triết lý", nghe khá cao siêu, đó là "triết lý giáo dục". Với nhiều người (trong đó có tôi) chẳng rõ "triết lý giáo dục" là gì? Thì nghe vị đứng đầu ngành giáo dục khẳng định ngay, triết lý giáo dục chính là cái Nghị quyết số... Nghe thì biết vậy, chứ tôi cũng chưa được rõ mặt mũi cái Nghị quyết ấy ra sao, trong đó "triết lý" cái gì?

Thời may tôi có một quyển sách của nhà văn Nguyên Ngọc (ông cũng là một người nặng lòng với nền giáo dục nước nhà), quyển sách "nghĩ dọc đường" (NXB Văn Nghệ, xuất bản năm 2006), quyển sách tôi đã mua và đọc đã khá lâu. Đấy là một quyển sách tập hợp nhiều suy nghĩ, bài viết ngắn của ông về nhiều vấn đề trong cuộc sống, tôi nhớ trong sách nhà văn Nguyên Ngọc có viết vài bài về giáo dục, trong đó ông có trích ý kiến của GS. Hoàng Tụy: "Để khắc phục khó khăn hiện nay, chỉ có một lối thoát duy nhất là hiện đại hóa giáo dục". Và nhà  văn Nguyên Ngọc viết tiếp:

"Tôi hoàn toàn đồng tình với phương hướng đó. Nhưng thế nào là hiện đại hóa giáo dục, thế nào là một nền giáo dục hiện đại? Tôi nghĩ rằng một nền giáo dục hiện đại trước hết là ở trong tính hiện đại của triết lý giáo dục mà nó theo đuổi. Và triết lý giáo dục hiện đại là xây dựng một nền giáo dục không phải để nhằm tạo nên những cái máy tinh xảo được nạp một bộ nhớ kiến thức khổng lồ (như hiện nay ta đang ra sức làm, ngay từ bậc phổ thông, và do đó làm mụ mị đi bao nhiêu đầu óc đáng thương của lớp trẻ chúng ta, khiến họ càng học càng đần đi, một sự lãng phí sức lực cả về thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ của thế hệ tương lai quý nhất của dân tộc, sự lãng phí thậm chí có thể coi như một tội ác), mà là tạo nên những con người tự do, biết và dám độc lập suy nghĩ, biết cách tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi khám phá ra chân lý, lẽ phải, và từ đó làm chủ cuộc sống của mình, của đất nước...".

Hết trích, (những chữ in đậm là do tôi muốn nhấn mạnh).

Triết lý giáo dục hiểu theo như nhà văn Nguyên Ngọc đã viết mà tôi trích bên trên không rõ có đúng không? Nhưng nếu với triết lý giáo dục như nhà văn Nguyên Ngọc đã giải thích như thế, thì với một người chữ nghĩa, học hành... lôm côm như tôi hoàn toàn có thể hiểu...


Saigon, đầu tháng 5 - 2014.






6 nhận xét :

  1. Người ta nói về triết lý giáo dục trong nghị quyết nào bu tui chưa đọc, nhưng bộ giáo dục không dám trả lời thẳng câu hỏi của ông Ngọc rằng: Giáo dục đào tạo ra con người chấp hành cấp trẻn, chấp hành nghị quyết của Đảng hay đào tạo ra con người độc lập suy nghĩ sáng tạo ra cái mới.
    Bộ trưởng Luận rút lại dự án 34 ngàn tỷ để đưa ra dự án còn lớn hơn nhiều... huhuhu giáo dục ơi là giáo dục

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trả lời sao được bác Bu, những điều ai cũng thấy mà không sao thay đổi được.
      Giáo dục của những người như GS. Hoàng Tụy, nhà văn Nguyên Ngọc, hay nhà giáo Phạm Toàn..., là cách giáo dục dạy cho học sinh biết suy nghĩ bằng cái đầu của mình, trong khi giáo dục bây giờ lại dạy cho học sinh suy nghĩ bằng... cái đầu của người khác.
      Trời con số còn lớn hơn 34 ngàn tỉ nữa sao bác Bu? Hết biết!

      Xóa
  2. Hình như mỗi ngày trên internet đều có một thông tin mới mẻ ...càng đọc , càng suy ngẫm ...và cuối cùng là ngán ngẩm vô cùng ...Bài viết của anh nghe sao mà buồn thảm thế hở anh Hiệp ơi ...Mà nhiều khi học cái này ..nhưng cuối cùng làm cái nọ ..lân la , lây lết làm trái nghề nhằm để mưu sinh ..vậy chứ tốt hơn là bị thất nghiệp , còn khổ nhiều hơn anh Hiệp nhỉ ? Thôi thì chỉ mong sao nền giáo dục có sự cải tổ tốt hơn ...chứ em thấy nội trẻ em thôi , sao mà nhồi nhét quá chừng ...càng nghĩ , càng thương cho chúng ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời buổi Internet nó thế NangTuyet, nó phơi bày tất cả trên một "Thế giới phẳng", cái quan trọng là ta xem nhưng cũng nên cái gì giữ lại, cái gì không, chứ không bộ nhớ của mình cũng dẽ quá tải lắm.
      Coi vậy chớ tôi chỉ viết chơi chút đỉnh... vòng ngoài thôi, chứ không thì mệt cho cái đầu lắm.
      Hết cải cách tới thực nghiệm, mấy chục năm nay, càng cải càng... cách, hihi! Người ta còn ví học trò như đám chuột bạch, hù hù!

      Xóa
  3. Nô trộm nghĩ, Nguyên Ngọc chỉ mới nói đến kết quả của "triết lý giáo dục" là "tạo nên những con người tự do ... ", chứ chưa đề cập đến TLGD là gì. Chắc ổng còn e ngại, vì có nói gì gì đi nữa, thì cũng "vướng" những nội dung đã đề ra trong "triết lý giáo dục" VNCH.
    Bác Phạm ơi, Nô tui lại nghe một tỉnh nghèo nghèo như Bạc Liêu mà chơi luôn 2.000 tỷ cho cái "Phét tí vồ Đờn Ca Tài Tử". Hic!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Nô nói đúng, kết quả của "triết lý giáo dục" là "tạo nên những con người tự do ... ", đây là "hậu" triết lý giáo dục...
      Vụ Đờn ca tài tử, mấy cái công trình đạt kỷ lục chứ ít đâu, nói chung cái "tinh thần thiền" nó cứ bàng bạc trong "si nghĩ" của người mình đó thôi... "Bất tác bất thực" mà lị, Hichic!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))