Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

"Chuộc lỗi".


Các em học sinh đọc sách trong sân trường THCS Chu Văn An (Thị trấn Chư Sê - Gia Lai). Ảnh B.B - Báo Tuổi Trẻ.

"Chuộc lỗi" ở đây là "Khi thầy hiệu trưởng chuộc lỗi", một bài đăng trên trang Giáo dục -  Khoa học của báo Tuổi Trẻ thứ bảy (17-5-2014). Theo bài báo thì sáng hôm qua (16-5), gần 2.000 học sinh Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã vây kín các quầy sách, ngồi tràn ra các gốc cây dưới sân trường để đọc sách trong một sự kiện được nhà trường lần đầu tổ chức: ngày hội đọc sách gắn với tuyên truyền biển đảo.

Nhưng điều bài báo muốn nói ở đây, là ý kiến của thày hiệu trưởng: "Tôi cũng có một phần lỗi", và lỗi mà thày hiệu trưởng cảm nhận, vì đây chính là ngôi trường mà tháng trước đã có em học sinh bị bảo vệ của một siêu thị trong huyện bắt trói, đeo bảng ăn trộm ở trước ngực, khi em bị cáo buộc lấy 2 quyển sách trong siêu thị. Điều "tệ" hơn là người thanh niên của siêu thị đeo biển ăn trộm lên ngực em học sinh, cũng từng học ở trường trung học này, và bị đuổi học.

Sau khi sự việc xảy ra, lùm xùm ít ngày trên báo, trên mạng, mọi việc rồi cũng qua đi, đấy là một chuyện không hay, nhưng may mắn từ cái không hay, nếu biết suy nghĩ, người ta sẽ tìm ra được cái hay để thay thế. Thông tin từ bài báo cho biết để tổ chức ngày hội sách cho các em, nhà trường đã huy động gần 30.000 (ba mươi ngàn) đầu sách sẵn có trong thư viện, và mượn thêm của thư viện huyện Chư Sê. Đọc đến đây tôi có đôi chút suy nghĩ, 30.000 đầu sách là nhiều hay ít? Có thể nói là nhiều, rất nhiều đối với một thư viện trường học miền núi. Tôi chỉ có số sách chưa bằng 1/100 (một phần trăm) mà đã thấy đầy nhà, tha hồ tra cứu. Nhưng nhiều với điều kiện là sách chọn lọc, thực sự cần thiết và có ích lợi cho người đọc.

Tuy không được "mục sở thị" 30.000 quyển sách ấy, nhưng tôi có thể hình dung được đó là những loại sách gì? Có lẽ đại đa số là sách giáo khoa qua nhiều thời kỳ, có nhiều quyển không còn được dùng nữa, một số sách được tặng (bởi phụ huynh, những nhà hảo tâm...), một số sách do nhà trường mua... Nói tới đây tôi lại nhớ đến một vài điều liên quan đến sách. Mấy năm trước khi còn làm việc, có lần nơi phòng làm việc mấy vị cựu chiến binh khệ nệ vác về mấy quyển sách rất nặng ký, ít nhất là về nghĩa đen, sách bìa cứng, giấy bên trong trắng phau. Sách phải mua duyệt theo giấy giới thiệu, đó là mấy quyển sách của (hay nói về) vị Đại tướng mới mất cách nay không lâu. Sách mua về để ở trên bàn, thỉnh thoảng có người lật vài tờ rồi gấp lại. Quyển sách cứ để đó mãi, ngay cả người mua về cũng không hề đọc một trang... Lần khác tôi cũng được nghe một bạn trẻ trong cơ quan nói chuyện, đoàn Thanh niên, Công đoàn thỉnh thoảng cũng đi mua sách, nhưng là những quyển sách... khô như ngói, mua về rồi cất trong tủ, cho có, chẳng hề ai muốn lấy đọc...

Mới cuối tháng trước là Ngày sách, được tổ chức lần đầu tại Việt Nam, dĩ nhiên ngày sách phải có Hội sách, bày bán sách. Theo như thông tin, hình ảnh trên báo thấy có rất nhiều người (đại đa số là các bạn trẻ), tham dự, xem, mua sách, cũng thấy mừng, nhưng nếu để ý đọc kỹ hơn, ta có thể thấy các bạn trẻ bây giờ mua và đọc những sách gì? Mười đầu sách bán chạy nhất, thì hết chín là loại tiểu thuyết tình cảm, nhẹ nhàng (có một quyển Đắc nhân tâm do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch, quyển sách trong tủ sách Học làm người được in từ trước năm 1975, đã được tái bản rất nhiều lần). Tôi không hề ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ tìm đọc loại tiểu thuyết tình cảm, nhẹ nhàng, có bạn trẻ nói, chú ơi bây giờ cuộc sống đã đủ thứ mỏi mệt rồi, đọc cái gì cho đầu óc nó thư giãn. Và trên mạng các bạn trẻ cũng hay làm thơ, viết những tản văn tình cảm, hơn là tìm hiểu để viết những vấn đề thuộc về xã hội, kiến thức...

Có lẽ những ai thuộc thế hệ 4x, hoặc 5x ở miền Nam của thế kỷ trước còn nhớ, một học sinh tốt nghiệp trung học thôi, ít nhiều cũng đã biết đến văn học cổ điển, hiện đại trong và ngoài nước, biết đến những Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát... Biết thơ Văn Cao, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận... Thơ mới, thơ cũ... Biết Tự lực Văn đoàn... Tôn Dật Tiên, Lỗ Tấn... Biết Victor Hugo, Albert Camus, Tolstoi, Dostoievki, Shakespeare... Biết Cách mạng Pháp 1789... Biết về triết học... Cũng hồi còn đi làm, một bạn trẻ đã tốt nghiệp đại học, trong một buổi thi tìm hiểu trong cơ quan nhân ngày Quốc khánh 2 tháng 9, không hề biết bác Tôn (chủ tịch nước Tôn Đức Thắng) là ai?

Trở lại chuyện "Chuộc lỗi" của vị hiệu trưởng, nếu bài báo có thêm được thông tin nhà trường kết hợp với Siêu thị nơi em học sinh "bị nạn", tổ chức ngày hội sách này thì hay quá, từ cái dở chúng ta có thể sửa thành cái hay. Tổ chức một cái thư viện cho ra hồn trong trường học (việc làm trong tầm tay) là điều mà hình như chẳng có nhà trường nào nghĩ đến. Ngày trước, khi học Trung học đệ nhị cấp (cấp 3 - THPT), tôi đã thường xuyên đến Thư viện thành phố, hay Thư viện của một tổ chức tôn giáo, hoặc thư viện của nước ngoài để học, và tìm sách đọc. Có lẽ vị hiệu trường, ngành giáo dục bây giờ... cũng nên hiểu thêm điều này, một ngày Hội sách để "chuộc một lỗi lầm" là không đủ. Ngày Hội sách "Chuộc lỗi" này chỉ là một bước khởi đầu chập chững, cho một công việc cần thiết và lâu dài.

Có lẽ chẳng ai trong chúng ta sợ thua Thái Lan 95 năm về vật chất (như thua về số xe hơi chạy trên đường phố, hay thua về số nhà cao tầng), chúng ta chỉ sợ thua về văn hóa, giáo dục... Mà điều này thì "nhỡn tiền" rồi...





29 nhận xét :

  1. Khg biết cái tên bảo vệ ấy nghĩ sao mà làm 1 chuyện hết sức tồi tệ như vậy chỉ vì 2 quyển sách hả anh Hiệp .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước đây khi học tại trường này thì anh ta là học sinh quậy phá, bị chính thày hiệu trưởng đuổi học đấy :-(((

      Xóa
    2. Không phải ai trưởng thành về thể xác cũng trưởng thành cả về tâm hồn

      Xóa
    3. Bạn nói đúng, trong một buổi nói truyện với các em học sinh Pháp thời còn tổng thống Sarkozy vào đầu năm học ở Pháp, ông nói nền giáo dục của Pháp là để mang đến cho đất nước (Pháp) những con người trưởng thành cả về thể xác lẫn tâm hồn. Đó là một nền giáo dục đúng đắn :-)))

      Xóa
  2. hình như đã lâu lắm rồi e mới thấy có một vị hiệu trưởng quan tâm đến thư viện cho tụi nhỏ đến như vậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hy vọng rằng sự quan tâm của vị hiệu trưởng này sẽ lâu dài chứ không nhất thời đó Bố susu :-))

      Xóa
  3. Chỉ sợ cái sự chuộc này cũng nặng hình thức như vốn có ở môi trường giáo dục hiện nay thôi anh Phạm ui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng lắm đó Giáo, cái kiểu "đánh trống bỏ dùi" này thì mình là vua thiên hạ, cần phải duy trì lâu dài, muốn nâng cao dân trí phải thế :-)))

      Xóa
  4. Nghe nói các cháu ham mê đọc sách mà mừng trong bụng. Nhưng có đọc lâu dài với lòng say mê không hay chỉ đọc do phát động phong trào. Phải đọc các cháu ơi, phải giỏi giang lên cho không thua chúng kém bạn. Bác nghe nói Việt thua Thái 95 năm thì buồn lắm, nhưng gạo Việt giá thấp gạo Cam pu chía , người Cam pu chia đã chế ra được ô tô hơn người Việt thì buồn hơn. huhu mới đây ti vi thông tin Lào đã có 4G trong Việt Nam đang lẽo đẽo quảng cáo 3G thì không chỉ buồn mà xót xa lắm lắm ....

    Trả lờiXóa
  5. Đính chính: Trong khi đó Việt Nam...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Học, ngay cả đã tốt nghiệp đại học cũng mới chỉ là nền tảng của kiến thức, của tri thức, người ngoại quốc từ khi còn trung học học sinh đã phải tự học, theo hướng dẫn của thày, cô, và người ta muốn tồn tại thì phải học suốt đời, nhưng họ khác ta là cứ thế mà làm, còn ta thì hô khẩu hiệu mà chẳng làm gì cả.

      Bác Bu thấy đấy, mấy nước Á Chậu đâu có bảng cảnh báo người Lào, người Cambodia, người Miến Điện... vậy mà họ có bảng cảnh báo người Việt, mới đây nhập cảnh Thái Lan ở cửa khẩu nào đó người Việt phải "xòe" 700 đô chụp hình mới được vào, và mình cùng chung "cảnh ngộ" với "ông" Bắc Triều Tiên, và mấy nước Châu Phi nghèo khổ chuyên đi lừa đảo, huhu!

      Xóa
  6. Hôm nay chủ nhật 18.5 ông bạn PNH có đi chụp hình biểu tình chống Tàu chiếm biển đông không....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hôm nay ở nhà là lành nhất đó bác Bu ơi :)

      Xóa
    2. Hihi, sáng khoảng 9g tôi có đi qua khu vực NVH Thanh Niên nơi Q1, thấy có nhiều người tụ tập nhưng lực lượng chống biểu tình đông lắm, thời còn đi học bạn bè rủ đi biều tình là A lát xô đi liền, bây giờ thấy đám biểu tình không dám dừng lại xem chứ đừng nói chụp hình :-)))

      Xóa
    3. Haha, Bố susu trai trẻ sung thế mà còn ở nhà, hôm nay tình hình nó khác, muốn bày tỏ lòng yêu nước cũng khó quá :-((

      Xóa
  7. hihihi, anh Dũng spam dặn em như vậy đóa chứ :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tình hình này cũng phải thế thôi Bố susu, tôi nghe mấy bà nội trợ nói mấy hôm nay giá cả ngoài chợ có tăng rồi, biểu tình bày tỏ lòng yêu nước thì hay lắm, nhưng rồi có khi lại kéo theo bạo động (như đã xảy ra, dù do bọn xấu), những bất ổn xã hội, ngoài thì ngoại xâm, trong thì bất ổn, khó lắm :-(((

      Xóa
  8. Một bài viết phiến diện. Nếu kkhông tận mắt nhìn thấy thì đừng suy luận lung tung. Thử hỏi 30.000 đầu sách đưa ra toàn là sách giáo khoa, trong thời điểm học sinh vừa thi học kỳ xong, có đứa nào nó đọc không? Trong lúc đó hội sách đã thu hút hàng nghìn lượt bạn đọc. Hãy xem lại bài viết của mình nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. không có sách giáo khoa đâu chú, huyện khá phát triển nên sách rất nhiều

      Xóa
    2. Trước năm 75 tôi ở trên vùng núi Pleiku, Kontum, cơ sở cho giáo dục còn nghèo lắm, nay nhân sự kiện không may này đổi mới mạnh mẽ là tốt quá. Sách giáo khoa cũng rất cần thiết cho học sinh chứ, nhưng cũng rất cần những loại sách khác, nhất là sách về kiến thức cho các em học sinh. Cần phải hài hòa các loại sách bạn ạ.

      Xóa
  9. Nếu thế hệ trẻ bây giờ có niềm đam mê thích đọc sách quả là một điều rất tốt vì việc làm này sẽ bổ sung kiến thức cho các em trong việc học tập rất nhiều ...con bé của em cũng thế , bé rất thích đọc sách ..tiền lì xì bé đều để dành mua sách để đọc ..làm em mừng hết cỡ . Thế nên , nếu như các trường đều có ngày hội " Đọc Sách " dành cho các em ..thì quả thật phải hoan nghinh hết mình anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cần phải tập cho các em biết thích đọc sách hơn là chơi game hay suốt ngày "chít chát". Nhưng điều rất quan trọng bây giờ là "các em có sách gì để đọc?". Không biết nơi NangTuyet ở Pháp tình trạng in ấn sách ra sao, và người dân tiếp cận được sách hay thế nào? Chứ ở VN thì những nhà chuyên môn đã báo động sách in rất nhiều nhưng rât ít sách tốt. Có nhiều vấn đề người Việt muốn khảo cứu phải ra nước ngoài tìm nơi những thư viện, nhất là thư viện ở Pháp.

      Xóa
    2. Xin mời các bạn đến thư viện trường CVA Chư Sê để mục sở thị, quy mô thư viện như thế nào (nên nhớ đây là "thư viện tiên tiến" trường Phổ thông đã được kiểm tra và công nhận và thông điệp của trường THCS Chu Văn An: Ngày hội đọc sách là thông lệ hàng năm từ năm 2014.

      Xóa
    3. Xin mời các bạn đến thư viện trường CVA Chư Sê để mục sở thị, quy mô thư viện như thế nào (nên nhớ đây là "thư viện tiên tiến" trường Phổ thông đã được kiểm tra và công nhận và thông điệp của trường THCS Chu Văn An: Ngày hội đọc sách là thông lệ hàng năm từ năm 2014.

      Xóa
    4. Chúc mừng, từ một việc dở các vị có trách nhiệm đã biết sửa đổi thành việc tốt. Hy vọng điều này sẽ được nhân rộng trong ngành GD và xã hội :-)))

      Xóa
    5. Ở bên đây theo em biết thì trước đây ở mỗi thành phố hay thị trấn đều có thư viện dành cho người dân đến đọc miễn phí hoặc họ có thể mua thẻ cho nguyên năm ( rẻ lắm anh ạ ) để thuê sách về nhà đọc . Bây giờ em không biết có còn như thế không vì hiện nay tình hình kinh tế thay đổi ..nên chính sách cũng thay đổi luôn ...Còn sách tốt để đọc hay không , em cũng không biết nữa vì em vốn không có đọc sách anh ạ ...lại thêm tiếng Pháp của em quá giỏi nên em đọc ...mà chẳng hiểu gì hết há ...hihi ..

      Xóa
    6. Tôi đọc thấy nói ở các nước phát triển hệ thống thư viện rất thuận tiện cho người dân vào đọc sách, có lẽ tình hình kinh kinh tế của họ thay đổi nhưng những hoạt động của họ về văn hóa như thế chắc không thay đổi đâu, bởi họ biết văn hóa cho dân chúng là điều quan trọng, dân trí có cao thì đất nước mới phát triển.

      Xóa
    7. Hihi, lại vào từ trang của cu cậu con trai đó NangTuyet :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))