Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Festival.

Lễ hội ánh sáng (đốt lửa) của đoàn Pháp ở cầu Trường Tiền vào tối 18-4-2014.

Festival, tiếng Anh có nghĩa là "ngày hội, lễ hội..." (tiếng Pháp là Fête), thì chắc ai cũng rõ, bây giờ nó trở thành một từ mang tính chất quốc tế, phổ thông... Học sinh cấp 2 bây giờ có khi nói Festival còn hiểu hơn là nói... lễ hội.

Nước ta là một nước có rất nhiều lễ hội, theo thống kê một năm ta có khoảng đâu trên 8.000 (tám ngàn) lễ hội trên khắp cả nước, có lẽ chưa kể những lễ hội nho nhỏ của tôn giáo, hội đoàn... Như vậy tính bổ đồng (bình quân) một ngày nước ta cũng có trên 20 lễ hội diễn ra đâu đó. Lễ hội cũng có nghĩa là dịp để vui chơi, vui vẻ, thường là kèm theo giao du, ăn uống, ca hát, nhảy múa... Nghĩa là sẽ có rất nhiều tiếng cười. Thảo nào mà có lần tôi đọc được ở đâu đó, nói dân ta được xem là một trong 10 dân tộc hạnh phúc nhất trên thế giới...

Bây giờ đang diễn ra một festival có lẽ là lớn nhất nước ở Huế (từ ngày 12-4-2014 đến ngày 20-4-2014, cứ 2 năm một lần tổ chức festival và là lần tổ chức thứ 8), lớn nhất vì lễ hội vượt ra khỏi khuôn khổ của một tỉnh, thậm chí là một quốc gia, tôi đọc trên báo thấy có gần 40 quốc gia cử đoàn đại diện đến tham dự. Rất tiếc là tôi chưa có dịp nào được tham dự vào một lễ hội tầm cỡ như vậy. Chỉ được xem trên truyền hình, báo chí, thấy có nhiều tiết mục rất hoành tráng. Cũng thấy có nhiều tiếng khen (thường là trên báo chí chính thống), rồi cũng thấy có nhiều tiếng chê (tường là những ý kiến của các trang mạng cá nhân).

Khen như chúng ta đã thấy, chẳng hạn một tờ báo mạng chính thống viết bài khen với tựa "Lễ hội bia hoành tráng tại festival Huế 2014", với những chương trình như "Tinh hoa bia", "Tinh hoa ẩm thực"... đua ghe truyền thống, và đua cả thuyền rồng trên sông Hương... hay cầu Trường Tiền bừng sáng bởi 4000 ngọn lửa rực rỡ vào tối 18-4 trong suốt 3 giờ của đoàn nghệ thuật Carabosse đến từ Pháp. Hoặc như việc Tế lễ đàn Nam Giao vào lúc 3g30 sáng 17-4...

Chê cũng thấy đây đó trên những trang mạng cá nhân, chẳng hạn như có trang nói festival Huế càng ngày càng đi quá xa tinh thần Huế, không còn thấy hình dáng gì của Huế nữa, bởi Huế là một thành phố cổ kính trầm mặc chứ không phải là một nơi để trình diễn tạp kỹ. Chắc có lẽ chúng ta đã từng xem những hình ảnh trên báo chí, hoặc trên truyền hình những lễ hội ở các nước khác, chẳng hạn lễ hội Carnival ở Brazil, chỉ nhìn một vài hình ảnh, một đoạn video clip vài giây là nhận ra ngay, hoặc lễ hội ném cà chua, bị bò rượt ở Tây Ban Nha, lễ hội Hoa anh đào ở Nhật, lễ hội Hoa hồng ở Mỹ... Những lễ hội của họ có những nét đặc trưng mang tính dân tộc rất cao, nhìn là nhận ra ngay, không phải là kiểu  "Trình diễn tạp kỹ" như những gì đang diễn ở festival Huế.

Ngay cả một hình ảnh rất xa xưa, rất Việt Nam, là chuyện phục dựng lại việc tế lễ đàn Nam Giao. Thấy nói là không còn cảnh lấy diễn viên đóng giả làm vua cho các bô lão thật lạy. Vậy đây là chuyện tiếp nối một truyền thống đã có từ xưa? Nhưng hình ảnh trên một trang báo mạng thì chẳng phài là vị đứng đầu đất nước (bây giờ có thể là 3 vị đứng đầu nhà nước), trên một trang mạng cá nhân thì thấy hình ảnh được đưa lên và nói đó là vị Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế. Lễ tế đàn Nam Giao là một Lễ tế cầu Quốc thái Dân an rất quan trọng của thời phong kiến, ở Huế là vào thời nhà Nguyễn, đích thân nhà vua phải đứng làm chủ tế, chỉ có 2 lần vào thời Tự Đức vua khó ở không tham dự, và thời Duy Tân vua đã bị bắt đi đày. Một vị Đại thần được chỉ định thay vua, nhưng chỉ được tế ở Phương đàn, chứ không được tế ở Viên đàn là nơi vua tế. Xem ra muốn "diễn lại" hoặc "tiếp nối" một truyền thống không phải là chuyện dễ, muốn làm gì thì làm...

 Khen, chê một festival chắc cũng là chuyện bình thường, điều quan trọng là từ những khen chê này, người ta có chịu xem lại và rút ra được những kinh nghiệm để lần tổ chức sau tốt hơn lần tổ chức trước...



10 nhận xét :

  1. trong đầu e cứ nghĩ 2 chữ "lễ hội" là người dân sẽ cùng hòa mình với những hoạt động của chính cái lễ hội đó chứ không phải đi đến đó ngắm nghía rồi đi về

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì đấy là mục đích chính của lễ hội đó Bố susu, ở tất cả mọi nơi trên thế giới xưa nay. Tôi đến lễ Ka Tê của người Chăm ở Ninh Thuận, tất cả mọi người Chăm đến khu tháp của họ tạo nên lễ hội, chứ không phải Ban tổ chức lễ hội. Xưa ở mình cũng thế, lễ hội là của người dân, nhất là phần hội, người ta đi xa, vẫn nhớ ngày hội làng mà về dự. Bây giờ ở mình lại khác, người ta đi "xem" hội, xem diễn cái gọi là lễ hội. Có lẽ tại mỗi thời mỗi khác chăng?

      Xóa
  2. Mấy hôm nay bu tui có dịp gọi về bà con ngoài Huế, thấy ai cũng thở dài bảo "Rứa là sắp thoác (thoát) được cái họa ầm ỉ của phẹt ti vang (van) rồi
    Một cái gì đó ngoài Huế, không phải Huế, chưa thâm nhập được vào tâm hồn Huế
    Lại nghe nói .festival Huế lần một chưa quyết toán xong, Không biết lần tám này xài hết mấy tiền kiểm toán ở đâu không thấy vào cuộc coi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, vậy là người ta nói cũng có lý. Người Huế "chánh hiệu" không thích ồn ào. TP Huế nhỏ, trong khoảng mươi ngày bị "tra tấn" bởi đủ mọi thứ hiện đại, dân oải là phải. Cái này chắc chắn không phải Huế rồi. Nghe nói cung An Định là nơi trình diễn nhạc trẻ, nhạc điện tử, "rốc nặng", haha, vua chúa xưa tha hồ nhảy nhót...

      Xóa
  3. Tất nhiên, festival Huế chưa đạt tầm đến một lễ hội truyền thống, nhưng khuấy động được một Huế trầm mặc, u hoài (thậm chí trì trệ) theo Nô vẫn là một điểm son. Chúng ta còn biết bao nhiêu thời gian đến Huế với tâm tình cũ kia mà, ai bảo đến Huế vào thời gian Fét là chi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Nô có lý lẽ của một tâm hồn trẻ trung, hoan hô, vậy thì cũng phải để cho Huế mới mới, ồn ào, trẻ trẻ trong vòng một tuần, rồi ba trăm sáu mươi ngày kia trầm mặc tiếp :-)))

      Xóa
  4. Giáo thì chưa biết Huế ngoài hình ảnh trên TV và báo chí. Nhưng có lẽ trong tương lai Huế sẽ mất dần những nét đặc trưng ngày trước. Đó là chuyện bình thường của tất cả các nơi trên đất nước VN trong sự sôi sục đổi mới và làm giàu! Bởi thế Giáo rất phục những đất nước hiện đại mà vẫn giữ lại được không gian và tập tục cổ truyền của dân tộc, về nội dung, chứ ko phải chỉ là những hình thức thô kệch, hời hợt bên ngoài. Điển hình là Nhật, Paris của Pháp vẫn giữ khu phố cổ, Ý, Tây Ban Nha, Anh... Điều đó đòi hỏi cái tầm nhận thức của lãnh đạo, dân thường như chúng ta thì chỉ có gồng mình mà... xấu hổ thui! hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái khác nhau giữa Ta và Người nó ở chỗ đó đó Giáo, giàu nghèo, sang hèn gì họ vẫn giữ được cái văn hóa, chứ không đánh mất như nhiều nơi ở Ta. Điều này không phải là chê bai chính mình, nhưng thật sự là như thế, qua nhiều sự việc xảy ra gần đây, từ chuyện lớn toàn dân đến chuyện nhỏ địa phương, đến làng xóm, gia đình... Người ta đánh mất hết tất cả, trách nhiệm, lòng tự trọng, thậm chí nhân tính...

      Giáo ở ngành GD chắc biết chuyện ba mươi mấy ngàn tỉ vừa qua, đó là con số báo cáo trước quốc hội, nghĩa là trước toàn dân, không phải chuyện đùa. Vậy mà khi bị phản ứng, vị đứng đầu ngành (Bộ trưởng) mới đính chính, nói số tiền đó là do... ai lỡ miệng nói chứ không phải tính toán của Bộ, nó chẳng hề có trong giấy tờ.

      Aha, ba mươi mấy ngàn tỉ, con số này nói tôi viết chắc tôi cũng không biết viết sao cho đúng, vậy mà cứ như trò đùa... :-((((((((((((((

      Xóa
  5. Thật ra việc khen hay chê em nghĩ chắc cũng tùy thuộc vào cách suy nghĩ và cảm nhận nét đặc trưng của ngày Lễ Hội đó ...và trên diễn đàn báo chí , việc bình phẩm của công chúng xem ra cũng cần nên chú ý nhằm góp phần cải tiến cho ngày Lễ Hội của đất nước sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó NangTuyet, khen chê là tùy mỗi người, nhưng những ai tổ chức phải nhìn lại điều này, tổ chức một Festival như thế có hiệu quả không? Có quảng bá và biến Huế thành một nơi người ta sẽ luôn nhớ bởi những nét đặc trưng, và sẽ đến khi có dịp du lịch, chứ không phải mấy năm một lần, kèn trống inh ỏi mấy ngày rồi thôi.

      Mấy "Ổng" bây giờ ít chịu suy nghĩ lâu dài, "chiện" là ở chỗ đó phải không NangTuyet?

      Xóa

:) :( :)) :(( =))