Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Festival (2).


Festival Huế chưa lắng xuống bởi những khen chê, thì trên báo lại thấy dấy lên câu chuyện vé vào cửa của Hội An (TT ngày 23-4-2014), và những cách làm không mấy thân thiện của những người được giao nhiệm vụ kiểm soát viên, đã gây nên những phản ứng của du khách. Khách du lịch, cả quốc tế và nội địa cũng đều than phiền về giá vé tham quan phố cổ, người ngoại quốc 120.000 đồng tham quan được 5 điểm, trong khi người Việt Nam 80.000 đồng tham quan được 3 điểm. Một du khách người Úc nói, ở Rome giá vé tham quan là 1 Euro/ngày (khoảng 30.000 đồng VN). Vị du khách còn nói: "Họ đang nghĩ gì ở Hội An vậy? Họ chưa thu thuế đủ từ 600 cửa hàng may tại đó hay sao?"... Tôi đã đến Hội An 2 lần, và thực sự thích Hội An hơn nhiều nơi khác vì nhiều lẽ (trong đó có không gian sống và con người hiền hòa ở Hội An). Hội An là nơi tôi còn muốn trở lại. Những thông tin này làm tôi cảm thấy nao lòng...

Đèn lồng Hội An. Ảnh Internet.

Tôi sực nhớ trên kệ sách của mình có một quyển sách của nhà văn Nguyên Ngọc, ông có bài viết nói về Hội An nói riêng, và lễ hội nói chung. Tôi thử lục tìm lại bài viết ấy. Đó là một bài ngắn có tựa đề "Một câu hỏi mới của Hội An: nên chăng các "lễ hội du lịch?", và toàn quyển sách có tựa nghĩ dọc đường. Sách do NXB Văn Nghệ ấn hành năm 2006. Tôi trích trong sách:

"Bây giờ, như ai cũng biết, đã thành mốt, thành phong trào, liên miên lễ hội khắp nước, mọi lúc, mọi dịp. dù nhỏ nhất, là lập tức đẻ ra, bịa ra lễ hội. Mục đích cũng chẳng phải giấu giếm: để thu hút khách du lịch...
Trong các lễ hội ở Hội An, dù đó là lễ hội nằm trong các tua du lịch, như kiểu các "Hành trình di sản" lâu nay, vẫn thấy người dân chơi thật, chứ không phải lễ hội giả, lễ hội "đóng kịch". Nghĩa là đến đây, ta bắt gặp được văn hóa thật, chứ không phải cái giả làm ra văn hóa...
Tuy nhiên, nghĩ cho kỹ hơn nữa, hình như vẫn không phải hoàn toàn không có vấn đề... Hội An đang tự nêu ra một câu hỏi, một câu hỏi khiến chúng ta rất ngạc nhiên: có nên tổ chức lễ hội như lâu nay nữa không?
.......
Hội An là một thành phố văn hóa. Hội An không muốn đi theo con đường phi văn hóa, không muốn đem bán cho khách du lịch những sản phẩm văn hóa dỏm. Hội An sẽ trở lại với những lễ hội thật của mình, những lễ hội của dân, ở các làng, có tự ngàn xưa, là những ngày vui và thiêng liêng thật sự của các cộng đồng dân cư ở đây. Và xin mời khách du lịch đến vui cùng dân Hội An trong những ngày hội văn hóa thật ấy...".

Hy vọng rằng những câu chuyện về giá cả tham quan, và cách đối xử với du khách sẽ được sửa đổi. Hội An đừng để mất đi trong lòng du khách những hình ảnh và tình cảm tốt đẹp, và một ngày nào đó tôi sẽ lại muốn quay trở lại Hội An để tham dự vào những lễ hội thật...

Trên báo TT Online tôi cũng đọc được một tin khác: "Âm vang đại ngàn - Lễ hội văn hóa Tây nguyên". Trong 2 ngày 26 và 27 tháng 4-2014, tại TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Dak lak sẽ có Một lễ hội tái hiện những nét đặc sắc của xứ sở cồng chiêng và sử thi mang tên Âm vang đại ngàn.

Tượng nhà mồ Tây nguyên. Ảnh Internet.

Tôi đã có những năm tháng tuổi trẻ ở Tây nguyên trên cao nguyên Trung phần, trong những làng Thượng Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột..., từng sống với những con người hoang sơ nhưng chất phác, với tiếng cồng chiêng âm vang giữa bản làng và núi rừng của họ, họ chỉ đánh cồng chiêng trong những buổi lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ mừng cơm mới... Hay trong buôn làng khi có người chết. Tiếng cồng chiêng, hay chính con người họ là một phần của thiên nhiên, của rừng núi, của sông suối... Tiếng cồng chiêng tựa như những tiếng kinh cầu, là cầu nối giữa họ với những đấng thần linh ngàn đời...

Mang tiếng cồng chiêng về thành phố, hay cho dù trong một buôn làng, nhưng được tấu lên trong một "lễ hội diễn", hoặc theo như nhà văn Nguyên Ngọc là "bịa ra lễ hội" hay "lễ hội giả, lễ hội đóng kịch", để thu tiền vé vào cửa của du khách, điều này làm tôi liên tưởng đến những cái ấn đền Trần được "người ta phát để thu lại tiền thật", trong cảnh chen chúc nhau giành giật, của cái gọi là "Lễ hội khai ấn đền Trần" hằng năm, thì đúng như ông đã nói ở cuối bài viết: "Tất cả các thứ "sân khấu hóa" rất lắm khi kệch cỡm trong các vụ gọi là "lễ hội văn hóa du lịch" nhan nhản đang là một thứ tai nạn xã hội bây giờ".


Saigon, những ngày cuối tháng 4-2014.




26 nhận xét :

  1. theo nhiều thông tin tên báo chí mấy ngày nay thì dân du lịch dụi hình như vẫn phải mua vé để vào phố cổ...
    cuối cùng vẫn chưa giải quyết đc gì, đành đợi HA làm tiếp tục ra sao....
    Đi tham quan phố cổ mà phải mua vé ntn thì mất vui rồi :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xem ra cách làm du lịch "tận thu" ở xứ mình nó thế nào ấy, cái kiểu vào quán uống ly cà phê xong ra lấy xe phải trả thêm mấy ngàn tiền giữ xe, người ta thu bất cứ cái gì có thể nghĩ ra. Không khéo rồi ngay cả người trong nước cũng tẩy chay HA.
      Xứ sở kỳ lạ :-(

      Xóa
  2. Hôm ra Huế , M bị hụt tham quan một nhà vườn cũng vì chuyện thu tiền , không phải là do giá tiền vào tham quan , mà là do thái độ người thu tiền . Tình cờ đi ngang qua nhà vườn An Hiên ở Kim Long , M liền dừng lại , đang háo hức muốn vào xem thì nghe tiếng ồn ào ngay cái cổng cổ kính dẫn vào nhà vườn . Một phụ nữ đang to tiếng với vài vị khách . Người khách móc tiền , vẻ bực dọc nói " vậy cứ thông báo bán vé tham quan rõ ràng đi" . Đoàn khách bước ra ngoài , người phụ nữ thu tiền vẫn làu bàu vẻ dữ dằn .
    Mình cẩn thận hỏi :" Nhà có tiếp khách vào tham quan không vậy chị ? " Chị ta trả lời chẳng khác khách đi xin : "20 ngàn một người , muốn vô tham quan thì trả tiền rồi vô "
    Ông nhà mình liền kêu mình ra : " Thôi đi , đi ... khách đến tham quan nhà, mà mụ đó làm gì thấy ghê vậy " . Mình còn tiếc xem nhà vườn , nên nói bà ta chỉ là người giúp việc thôi mà .Nhưng OX cũng nhất định không dừng lại . Thế là hụt một chuyến tham quan nhà vườn Huế , hihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chết thật, đến Huế và Hội An cũng đã như thế ư? Cái cách muốn người khác phải móc túi (hay móc túi người khác), mà lại còn muốn "làm cha" nữa? Vậy là hỏng hết trơn rồi, những nơi có truyền thống về văn hóa mà đã thành thế. Thảo nào mà du khách nội, ngoại mấy hôm nay phản ứng chuyện Hội An.

      Có lẽ những người có trách nhiệm và thực sự cầu thị cũng phải nhìn lại nhân viên của mình đã hành xử thế nào. Những người du lịch vì văn hóa đi bao nhiêu ngàn cây số, tiêu nhiều tiền hơn số tiền vé rất nhiều chắc chắn họ không phải vì tiếc mấy chục, hoặc thậm chí một vài trăm tiền vé tham quan, mà phản ứng như thế. Cái cách mình làm du lịch như thế chẳng khác nào đuổi người ta.

      Thảo nào mà xứ sở cứ mãi lẹt bẹt, hù hù!

      Xóa
  3. Ah ! Vào năm 2007 em cùng với OX có đi Hội An chơi , nhưng đâu có mua vé vào tham quan đâu nà ? Việc giá vé khác nhau giữa người Việt và du khách nước ngoài đã gây phiền toái rất nhiều đối với họ . Ở Huế cũng thế đó anh . Vào thăm các lăng tẩm của các vị vua , giá cũng khác nhau nữa ....mua vé máy bay ra Huế cũng ưu tiên ...mắc hơn đối với người nước ngoài nữa cơ !!! Rồi đến việc bao xe con cho cả chuyến du lịch từ Sài Gòn ra Huế , họ cũng tính giá mắc hơn so với người Việt mình ? Nói chung người nước ngoài đến nước mình bị chém quá chừng ....rồi việc đi taxi nữa ...mua hàng hóa ..ôi , cái gì cũng được ưu tiên hàng đầu ...là bị chém đẹp ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ưu tiên... yếu tố ngoại, hihi, bởi thế cho nên có nhiều du khách... một đi không trở lại, ra đi không hẹn ngày về. Cái cách suy nghĩ "chặt đẹp", rồi chỉ móc túi người ta được một lần.

      Nghĩa là mọi thứ đều đảo lộn tùng phèo hết á :-(((((

      Xóa
    2. Ấy là tôi ở bên trên đấy NangTuyet, haha, vào nhầm trang của cậu con hoài.

      Xóa
  4. Bác Hiệp ơi, "nước lạ" móc đất, móc biển, móc biên giới... của nước mình trung ương không làm gì được thì phải quay sang móc địa phương, địa phương còn cách nào khác hơn là móc túi dân đen và khách ngoại quốc? Cũng vì thế nên du khách quốc tế đến VN rồi "một đi không trở lại"! Thấy báo đăng cái ông Nguyễn Sự bí thư thành ủy này khá lắm sao mà theo thời gian lại ra nông nổi này?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xem chừng câu chuyện Con gà đẻ trứng vàng ta chưa học thuộc phải không bác HN? Thay vì chăm sóc nó để mỗi ngày có một quả trứng vàng thì người ta chỉ muốn "thịt" nó một lần? Hồi nào tới giờ thấy báo chí khen HA nói chung và vị Bí thư này nói riêng, vậy mà mấy ngày nay lại lùm xùm vụ này. Chẳng hiểu ra sao nữa?

      Xóa
  5. Những bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc vè Lễ hội, về Tây nguyên cực hay. Cồng chiêng là tiếng nói gửi lên thần linh, nhờ thần linh cứu giúp mưa thuận gió hòa làm ăm khấm khá. Nay mang cồng chiêng ra đường nhựa mà gõ cho Tây cho Tàu nghe thì việc làm đó phản văn hóa. Với khách thứ âm thanh ấy không có nội dung, chỉ là động tác hình thức, với chủ âm thanh đó là vô lễ, là xúc phạm thần linh. Nhưng bây giờ người ta chạy theo tiền...cái gì cũng tiền ...thì còn đâu là văn hóa nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Nguyên Ngọc viết về Tây nguyên quá hay. Bây giờ cũng đang có festival Đờn ca tài tử ở Bạc Liêu, cùng mấy cái công trình to to được ghi danh ghi nét VN. Đờn ca tài tử cũng tựa như cồng chiêng và Sử thi Tây nguyên, nó không phải là thứ để mang lên sân khấu trình diễn, nó là "máu thịt" của văn hóa Nam bộ, cũng như Cồng chiêng và Sử thi là linh hồn của Tây nguyên . Tựa như Lên đồng ấy, thử Lên đồng trên sân khấu cho tây xem ra sao?

      Những điều này cũng như những tấm bảng Khu phố văn hóa, hay tấm giấy chứng nhận Gia đình văn hóa... Văn hóa hay không nó không nằm ở festival, tấm bảng hay tấm giấy, hù hù!

      Xóa
    2. Tại sao bu không vào được ông Bố susu PNH ơi?

      Xóa
    3. Hihi, bấm ngay ở Ava Bố susu thì máy chủ không tìm thấy, tôi vào bằng cách qua nhà chị TTM Gốc Mai bấm vào địa chỉ bố susu phía dưới thì vào được, hơi lòng vòng :-)))

      Xóa
    4. hả hả!!!!!!
      sao kì vậy ta....
      bây giờ em mới biết.....

      Xóa
    5. Đúng vậy bố susu, chắc bên bác Bu cũng thế.

      Xóa
    6. e cũng thử như bấm vào ava của chính mình và kết quả cũng ko đc.
      hix, potay.net.vn luôn :(

      Xóa
    7. Hihi, chắc có trục trặc gì đó Bố susu!

      Xóa
    8. Đúng là thế, cho nên không biết được bố susu post bài mới để vào xem

      Xóa
    9. nếu đc bác Hiệp thử thêm đc blog của Bố susu vào thư mục INBOX theo dõi các blog bạn bè, khi đó có bài mới sẽ tự động cập nhật lên đầu tiên liền
      e vẫn làm thế với các blog của các anh chị mà e hay theo dõi
      http://bosusu.blogspot.com/

      còn lỗi hiện tại, chắc e phải tìm hiểu để khắc phục
      cám ơn mọi người đã quan tâm đến blog của Bố susu :)

      Xóa
    10. Haha, thêm tên bố susu vào inbox thành công :-))

      Xóa
    11. hihihi, cám ơn bác Hiệp nhiều :)

      Xóa
  6. Nghe tiếng HA nhiều, Giáo vẫn mong có lần ra thăm xứ sở cổ kính và cách làm du lịch độc đáo nơi đây. Nhưng bây giờ nghe anh Phạm ngậm ngùi thế này, Giáo cũng... phát rầu cho du lịch xứ mình nói chung! hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy ngày nay đọc báo và cả trên mạng thấy HA lùm xùm, nói chung là xứ mình vẫn có cái gì đó chưa ổn, về nhiều mặt... Ráng vậy :-)))

      Xóa
    2. Hôm nào HN về VN, sẽ gọi mời giao ra, HN sẽ làm tourguide nhé.

      Xóa
  7. Hãi cái món tái hiện, sân khấu hóa quá các bạc ạ. Phá hoại văn hóa kinh hoàng. Ở TN thì tượng nhà mồ thật mất không gian, các khu du lịch thì làm tượng nhà mô bê tông to như cột trụ... Xu hướng kiếm tiền, quy ra tiền, làm văn hóa kiểu bất chấp tất cả đang là một dịch bệnh đấy ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thay vì tìm hiểu và giữ gìn những gì thuộc về truyền thống, văn hóa có thể giữ gìn trong chính cuộc sống, thì người ta chỉ lo "tái hiện" trên sân khấu, ồn ào thâu tiền bán vé mấy ngày rồi thôi. Còn cái kiểu "Lễ hội ấn đền Trần" thì nhất quyết giữ, đúng là kinh hãi quá :-(((

      Xóa

:) :( :)) :(( =))