Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Tản mạn về một vài địa danh ở miền Nam.

Chợ Cao Lãnh. Ảnh Internet. Trông hiện đại, nhưng chợ vẫn bán đầy đủ những đặc sản Chuột, rắn, rùa, thằn lằn..., và những món ăn đồng quê, dân dã.


Chẳng hiểu từ lúc nào tôi lại chú ý đến những địa danh, có lẽ tại thỉnh thoảng đọc trong sách vở hay được nghe nói đến, hoặc có dịp du lịch đây đó gặp. Những tên gọi có thể còn nguyên vẹn qua bao thời kỳ thăng trầm của đất nước, cũng có thể đã biến đổi theo thời gian, theo thời cuộc. Địa danh trong đất nước thì rất nhiều, trong Nam chí Bắc, đếm không kể hết. Tôi chỉ thử điểm qua một số địa danh bắt đầu từ Nha Trang trở vào:

Một vài địa danh thuộc miền Nam Trung bộ:

- Nha Trang: có nhiều giả thuyết về tên gọi địa danh Nha Trang, nhưng có hai giả thuyết đáng chú ý: 1/ Nha Trang là từ chữ "Nhà Trắng" (Quách Tấn, Xứ Trầm hương, NXB Lá Bối, Sài Gòn 1969). 2/ Nha Trang từ tiếng Chăm Ya Trang, có nghĩa là Sông lau (Ya: nước, sông; Trang: cây lau sậy). Thuyết Nha Trang là từ chữ Nhà Trắng nhiều người cho là để nói chơi vui, những nhà nghiên cứu phần đông ngả về Nha Trang là từ tiếng Chăm Ya Trang (sông lau). Ở miền Nam có rất nhiều địa danh có nguồn gốc từ tiếng bản địa xa xưa, khi vùng đất còn thuộc Chiêm Thành, Chân Lạp, hay những dân tộc Thiểu số trên cao nguyên. Tên gọi Nha Trang đã có từ rất lâu, trong sách Phủ Biên Tạp lục của Lê Quý Đôn, hay Đại Nam Nhất Thống Chí Quốc Sử Quán Triều Nguyễn có nhắc đến.

- Phan Rang: Phan Rang hiện nay là thành phố thuộc tỉnh Ninh Thuận. Đại Nam Nhất Thống Chí chép:  Đời Lê, năm Hồng Đức thứ nhất (1470), vua Thánh Tôn đi đánh Chiêm Thành, phá thành Đồ Bàn, bắt vua Chiêm. Tướng nước Chiêm là Bô Trì Trì chạy đến Phan Lung chiếm cứ đất ấy, tự xưng là Chiêm Thành vương, lấy được một phần năm nước ấy. Vua Lê nhân đó sắc phong, để Trì nộp cống lễ.
Đời Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế (1648-1686), mở đất đến sông Phan Rang. Năm Nhâm Thân (1692) vua Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, vua sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh) đánh dẹp, bắt được Bà Tranh, đổi tên nước ấy thành trấn Thuận Thành. Năm Đinh Sửu (1697) đặt phủ Bình Thuận... Lại đặt dinh Bình Thuận và các đạo Phan Rang, Phan Thiết, Ma Li, Phố Hài. Như vậy tên Phan Rang, Phan Thiết đã có từ trên 300 năm nay.
Trong quyển Sổ tay địa danh Việt Nam của tác giả Đinh Xuân Vịnh, mục từ địa danh Phan Rang viết: đất xưa của nước Chiêm Thành, gọi là Panduranga. Như thế từ tên gọi phiên âm Hán Việt Bang Đô Lang, Phan Lung mà sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép có lẽ là đất Phan Rang, có phải là phiên âm của tiếng Chiêm Thành Panduranga?
 
- Phan Thiết: là thành phố thuộc tỉnh Bình Thuận, sách Đại Nam Nhất Thống Chí trích dẫn bên trên đã chép từ năm Đinh Sửu (1697) đã đặt dinh Bình Thuận, đạo Phan Rang, Phan Thiết... Ở Bình Thuận hiện nay có những địa danh hành chính mang từ Hàm phía trước, như Hàm Tân, Hàm Thuận, Hàm Trí, Hàm Nhơn... Từ Hàm này mang ý nghĩa gì? Theo những nhà nghiên cứu Hàm bắt nguồn từ tiếng Chăm (Chiêm Thành) Hamu, có nghĩa là "ruộng". Dictionnaire Căm - Vietnamien - Francais (xuất bản tại Saigon 1971) có ghi chép một loạt địa của người Chăm có từ Hamu đứng trước, tương ứng với địa danh Việt: Hamu Rok (Tân Thành); Hamu Lithit (Phan Thiết); Hamu Ram (Mông Đức)... Cũng có thuyết cho rằng xưa kia người Chăm gọi vùng đất này là Hamu Lithit, hamu là ruộng, lithit là ở gần biển. Khi vua nhà Lê đặt vùng đất này là Phan Thiết không biết có phải đã lấy từ Phan từ chữ Phan Rang, ghép với âm cuối của Lithit (Hamu Lithit chỉ vùng Phan Thiết), để thành Phan Thiết?

Một vài địa danh thuộc miền Tây Nam bộ:

Nếu ở miền Trung có những địa danh được cho là bắt nguồn từ tiếng Chăm vì là vùng đất xưa của người Chiêm Thành, thì ở Nam bộ lại có nhiều địa danh bắt nguồn từ tiếng Chân Lạp (Khmer), vì vùng đất miền Nam xưa thuộc Chân Lạp, như:

- Mỹ Tho: Mé-sâ (người con gái da trắng).
- Cần Thơ: Kìntho (tên loại cá sặc rằn).
- Cà Mau: Srôk Tưk Khmau ( xứ nước đen).
- Sa Đéc: Phsar Dek (chợ bán sắt), nay là thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp. Theo nhà văn Sơn Nam thì Phsar Dek là tên một thủy thần của người Khmer.
- Nha mân: Oknha Mân (ông quan Mân) thuộc huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, nơi nổi tiếng với câu ca dao "Gà nào ngon bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân", để chỉ vùng Nha Mân có nhiều con gái đẹp. Nhiều người cho rằng trong một trận chiến giữa Nguyễn Huệ với Nguyễn Ánh năm xưa vào năm 1785 tại vùng này trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã đại phá quân Xiêm và quân của Nguyễn Ánh, khiến Nguyễn Ánh phải bỏ chạy bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ tại vùng Nha Mân, và những mỹ nhân ấy đã ở lại Nha Mân để tạo nên một lớp "hậu duệ" đẹp nổi tiếng như sách vở còn nói đến. Tuy nhiên theo cụ Vương Hồng Sển thì từ thời xưa vùng đất này còn thuộc Chân Lạp, con gái Nha Mân đã có tiếng là đẹp, và đã được lựa chọn để tiến vào cung cho vua Miên.
- Cái Răng: Karan (một loại lò bằng đất nung chuyên dùng để đun nấu trên ghe thuyền, nơi vùng ẩm ướt).
- Sốc Trăng: hiện nay viết là Sóc Trăng, tên xưa của người Khmer là Srôk Khléang (xứ có kho bạc).
- Trà Vinh: Srôk Préah Trapéang (xứ tượng Phật trong ao).
- Bến Tre: có sách viết xưa người Miên gọi là Sốc Tre, là vùng có tre, sau người Việt đổi thành Bến Tre. Tuy nhiên theo cụ Vương Hồng Sển Bến Tre cũng phát xuất từ tiếng Thổ (Khmer) nhưng là Srôk Treây, Srôk (Sốc) là XứTreây . Sốc Cá chứ không phải Sốc Tre.

Một vài địa danh ở miền Nam không bắt nguồn từ tiếng Chân Lạp:
- Cao Lãnh: thành phố Cao Lãnh ngày nay thuộc tỉnh Đồng Tháp, nhưng tên gọi Cao Lãnh không phải từ tiếng Khmer như Sa Đéc hay Nha Mân. Theo nhiều sách vở thì bắt nguồn từ tên gọi của ông Đỗ Công Tường, tục gọi là Lãnh người gốc Quảng Nam, di cư vào làng Mỹ Trà dưới thời Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh, được cử làm chức Câu Đương. Vào năm Canh Thìn (1820) vùng này có dịch lớn, dân chúng chết như rạ. Là người có lòng thương người, ông bà Đỗ Công Tường lập đàn ăn chay cầu khẩn Trời Phật xin được chết thế mạng cho dân. Chỉ trong vòng mấy ngày thì cả hai ông bà lâm bệnh mất. Tuy nhiên sau cái chết của ông bà thì bệnh dịch chấm dứt. Để tưởng nhớ công đức của hai người dân chúng đặt tên cho ngôi chợ kế bên nhà của ông bà là chợ "Câu Lãnh" (gồm chức và tục danh của ông). Dần dần Câu Lãnh trở thành Cao Lãnh.

- Cai Lậy: Sách Sổ tay địa danh của Đinh Xuân Vịnh giải thích: "Nguyên là Cai Lễ, người Hoa đọc là Cai Lậy, trở thành tên gọi chính thức là Cai Lậy". Ông Đinh Xuân Vịnh không giải thích thêm có phải Cai Lễ là ông tên Lễ có chức Cai? Như ông Lãnh có chức vụ Câu Đương ở địa danh Cao Lãnh.

Có những địa danh vùng đồng bằng miền Tây Nam bộ có tên gọi tưởng chừng là âm Hán Việt, nhưng theo cụ Vương Hồng Sển cũng bắt nguồn từ tiếng Khmer, như:

- Vĩnh Long: Tiếng Khmer xưa gọi là Kompong-luông, cũng có sách phiên âm là Tầm Phong Long, có nghĩa là "chỗ vua ngự tắm", người Việt gọi là Vũng Luông, Vũng Long (Long Úc) đổi lần ra Vĩnh Long.

Một vài địa danh thuộc miền Đông Nam bộ:
- Vũng Tàu: Gia Định Thành Thông Chí chép là Thuyền Úc, Vụng Úc. Úc (chữ Nôm ) có nghĩa là Vũng, cửa biển, vịnh đi sâu vào đất liền. Thời Pháp được người Pháp gọi là Cap Saint Jaques. Thời Mỹ ở miền Nam hay gọi Ô Cấp, Cấp. Ở Vũng tàu trên đỉnh núi Nhỏ có tượng Chúa Jésus đứng dang tay nhìn ra biển được xây dựng từ năm 1974, tuy nhiên do chiến cuộc và thời cuộc đến năm 1975 bị ngưng và bỏ phế. Đến năm 1992 được Tòa Giám mục địa phận Xuân Lộc đề nghị sửa chữa, tu bổ, và ngày 01-12-1994 chính thức khánh thành bởi Giám mục Giáo phận Xuân Lộc Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật. Tượng Chúa Jesus ở Vũng Tàu được mô phỏng theo như tượng Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro - Brasil (dựng năm 1931).

- Tây Ninh: người Khmer xưa gọi Tây Ninh là Srok Rôn Damrey (xứ chuồng voi). Ở Tây Ninh có núi Bà Đen (Bà Đinh), cũng gọi là núi Điện Bà, Chiêng Bà Đen (pic de Badinh). Vua Gia Long đã phong cho Bà là "Linh Sơn Thánh Mẫu". Người Khmer có thờ một nữ thần gọi là Mẹ Đen. Theo truyền thuyết thì núi Bà Đen là bàn chân của Bà.

Một vài địa danh thuộc Cao nguyên Trung phần: còn gọi là Tây nguyên, là vùng có nhiều dân tộc Thiểu số, cho nên có nhiều địa danh vùng này bắt nguồn từ tên gọi của người Thiều số:

- Đà Lạt: nhiều người cho rằng địa danh Đà Lạt bắt nguồn từ một câu tiếng La Tinh "Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem", có nghĩa "Cho những người này niềm vui thích, những người khác sự khỏe khoắn". Ráp những chữ đầu của câu La Tinh trên ta có tự dạng theo tiếng Pháp DALAT. Tuy nhiên đây chỉ là sự trùng hợp, vì là tiếng của người thiểu số sở tại, Đà Lạt có nghĩa là "Suối Lạt". Tên gốc của Đà Lạt là Đạlat, Đạ có nghĩa là nước, Lat là tên gọi của một nhóm thuộc dân tộc Kơho sinh sống tại vùng này. Suối Lat chính là suối Cam Ly.
- Kontum: tên gọi của người Bana, Kon: làng, tum: hồ, ao.
- Pleiku: tên gọi của người Gia Rai, Plei: làng, ku: cái đuôi, phần cuối.
- Buôn Mê Thuột: tên gọi của người Êđê, Buôn: làng, Mê Thuột: tên người (ông Thuột).
- Dak Lak: tên gọi của người Bana, M'Nông, Ka Tu, Dak: nước, sông, suối, Lak: hồ.

Trên Cao nguyên có một số địa danh mang yếu tố Hán Việt như: Lệ Thanh, Lệ Minh, Lệ Cần, Lệ Chí, Lệ Ngọc, Lệ Kim..., sở dĩ có những tên như thế bởi đầu của những năm 1950, khi chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm lập dinh điền tại vùng này, bà Trần Lệ Xuận phu nhân của ông Ngô Đình Nhu, đã lấy chữ "Lệ" trong tên của bà ghép với một số tên người thân trong gia đình để trở thành những địa danh như trên.


Tham khảo:

- Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch Hoàng Văn Lâu, NXB Lao Động - TT Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây-2012.
- Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức, NXB Giáo Dục-1999.
- Sổ tay Địa danh Việt Nam, Đinh Xuân Vịnh, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội-2002.
- Địa danh học Việt Nam, PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Khoa Học Xã Hội-2011.
- Cửa sổ Tri thức - Tập 2, PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Trẻ-2006.
- Chuyện Đông Chuyện Tây - Tập 1, An Chi, NXB Trẻ-2005.
- Bên lề Sách cũ, Vương Hồng Sển, NXB Tổng Hợp TP. HCM-2013.
- Một số trang mạng như Wikipédia.




28 nhận xét :

  1. Nếu đọc một quyển sách chuyên về nghiên cứu, có người sẽ... ngán lắm, trong đó có Giáo, hehe... Nhưng đọc những bài ngắn ngắn ở blog của anh thế này, lại thấy... dễ nuốt, như được cho ăn một món bánh dân dã, vừa ngon vừa bổ vậy! Anh cứ chế biến nhiều món nữa cho em út thưởng lãm nhe anh Phạm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chia tui 1 nữa nha Giáo...Hic...Hic..........?????? Hay Giáo ưu tiên cho tui nguyên con tem quàng nhé.........Hic....Hic......Hic.

      Xóa
    2. Tôi có thói quen đọc và đánh dấu, nhớ lại những gì hay hay trong sách, khi cần sẽ mở lại xem.
      Viết lại về một cái gì đó thường cần tra cứu, thể là tìm lại, đọc kỹ hơn. Viết ra bằng ba lần đọc đó.
      Giờ già rồi, cũng không lãng mạn được như cụ Nô nên viết ra mấy chuyện này may ra bạn nào đọc thấy có ích thì tốt quá. :-)))

      Xóa
    3. Phải bầu MTV là vua... tem quàng (nếu không thì cũng tem bạc), hì hì!

      Xóa
    4. Cụ Nô... lãng mạn thiệt hả anh PHạm?! hic...

      Xóa
    5. Rất lãng mạn, cụ ấy có entry chở ai ngồi sau đấy thôi, hihi!

      Xóa
    6. bác gaiolang nói quá đúng ạh. Ngăn ngắn nhưng lại dễ đọc, dễ nhớ. Vào blog bác Hiệp thì luôn đc học thêm đc nhiều điều thật mới :)

      Xóa
    7. Cám ơn bố susu, và cả Giaolang, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ thế là đạt yêu cầu, chứ cao siêu quá chính mình viết cũng mệt, hìhì!

      Xóa
  2. Trả lời
    1. Cụ Nô nói thế là thấy đạt yêu cầu :-)))

      Xóa
  3. Ah, ah , ở chợ Cao Lãnh , chuột, rùa , rắn thì có bán , nhưng thằn lằn thì phải xem lại ấy nha ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, có cả thằn lằn nữa đó, hồi đi Cao Lãnh có chụp hình đàng hoàng :-)))

      Xóa
    2. Tôi gốc Bắc kỳ kêu con Rắn mối là Thằn lằn, còn con Thằn lằn là Thạch sùng, híhí, chữ nghĩa rối như tơ vò :-)))

      Xóa
    3. À , rắn mối thì có , đó cũng là một món để nhậu . Còn thằn lằn là con hay bò trên trần nhà , bác kêu bằng thạch sùng đó . Hihi , không sao , miễn là bác đừng nói có bán khủng long thôi ((-:

      Xóa
    4. Hichic, tiếng Việt quá phong phú, cho nên nhiều khi nói... không hiểu. Dân miệt vườn coi bộ con gì cũng nhậu được nhỉ? nếu có khủng long chắc cũng nhậu tuốt. :-)))

      Xóa
  4. Heee ...ai nói gì thì nói , em khoái nhất là câu này nè : " Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân" ! Bởi lẻ quê nội em ở Nha Mân và phân nửa tuổi thơ của em cũng lớn lên ở đó ...rồi sau đó lại đến Tây Ninh , lại là quê ngoại của em , và phân nửa tuổi thơ của em cũng lớn lên ở đó nữa ...hôm nay qua đọc bài của anh , được học hỏi rất nhiều điều mới lạ và nhất là nói về hai quê hương của em đó ...cảm ơn anh Hiệp nhiều nhé .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe, gốc Nha Mân thảo nào Hoàng tử Tây rước về Dinh. Quê nội Nha Mân, quê ngoại Tây Ninh. Vậy NangTuyet là dân Nam bộ...thuần thành ha?

      Xóa
    2. Nàng Tuyết ở Nha Mân vậy chắc biết chợ Sadec rồi phải hông.....??

      Xóa
    3. Chợ Sadec kêu là... Sài Đéc đó :-)))

      Xóa
    4. Dạ , rặc ri Nam Bộ luôn ...nhưng hỏng biết có lai Huế hay không nữa í ....bởi vì ông nội của em gốc Thừa Thiên Huế rặt ròng luôn ...hihi ...

      Xóa
    5. Hihi ...lúc đó NT còn bé hay đi theo bà nội đi chợ ở gần nhà , phía bên kia cầu : chợ được gọi là chợ Nha Mân í ...hình như nó cũng còn được gọi là chợ Sa Đéc thì phải ? NT chỉ biết là chợ nằm sát bên bờ sông há ...bây giờ , gia đình bên nội mất hết rồi . Mỗi năm gia đình NT đều về Nha Mân để tảo mộ ông bà và các cô , các bác ....năm 2013 NT cũng có về thăm mộ ông , bà ....thấy cái chợ ngày nào cũng còn đó , nhưng không có ghé qua ...

      Xóa
    6. Nam bộ rặc mà còn có gốc Thừa Thiên nữa, hay quá đó NangTuyet. Nha Mân-Sa Đéc là một vùng đất xưa từ thời Miên (Nha Mân là tên ông quan Miên), trù phú ở Nam bộ. Có lẽ thế nên dân nhiều, người giàu có nhiều nên con cái chắc đẹp, chứ cái thuyết cả trăm cung phi nhà Nguyễn bị để lại nghe hơi mơ hồ.

      Xóa
    7. Dạ , có thể đúng như thế anh ạ . Ngày xưa gia đình ông nội em vốn rất nổi tiếng giàu có ở Nha Mân . Các bà cô ( chị và em của ông nội em ) để móng tay dài thườn thượt ( vì hỏng làm gì hết bởi lẽ đã có kẻ ăn người ở đầy đống trong nhà ) . Sau đó đến đời của ông nội em cũng còn rất giàu , nếu ai đã từng sống có gốc gác chính cống ở Nha Mân thì khi hỏi :" Öng Cả Tý " ai cũng biết hết há ...nhưng có lẽ thế hệ trước hoặc cùng lứa với ba của em chắc hỏng còn lại bao nhiêu ...ba của em nếu còn sống thì Tết năm nay ông đã được 78 tuổi rồi . Mẹ của em thì 75 tuổi ....nhưng những người giàu có ở thời điểm đó ...họ ...sống hỏng có đức anh ui ...

      Xóa
    8. Bần cùng thì dễ sanh đạo tặc, còn giàu có quá lại dễ sanh ăn chơi hư hỏng. Ngày xưa Công tử Bạc Liêu lấy tờ giấy "Xăng" (100 đồng, thời đó lớn lắm) vấn thuốc hút. Vùng Đồng Tháp, Sa Đéc, Nha Mân xưa ruộng thẳng cánh cò bay, người giàu nhiều chắc con cái không phải lam lũ hẳn sẽ đẹp thôi.
      Hôm nào có dịp về Nha Mân tôi thử hỏi thăm coi có ai biết Ông Cả Tý không? :-)))

      Xóa
    9. Dạ , đúng rồi anh Hiệp ạ . Em nghe kể lại ông nội em đánh bài dữ lắm ...mà mấy cô của em cũng thế ! Họ rất đẹp , nhìn sang lắm . Riêng ba của em , lúc ông nội em mất, ba của em chỉ mới được 8 tuổi thôi anh Hiệp ơi ...đời ông nội giàu , nhưng ông không chịu làm phước , thể nên đến đời của con cháu thì ...nghèo ơi là nghèo ...hix ...đúng là nhân quả anh ạ ...

      Xóa
    10. Hihi, người ta nói thế nên mình cũng tin thế. Bên tôi cũng thế, ông nội tôi xưa ở Nam Định giàu lắm, mà sống đàng hoàng lo làm ăn chứ không "hoang đàng chi địa", vậy mà do thời cuộc sau năm 1954 mất ở ngoài Bắc không có cái hòm chôn.

      Xóa
  5. Thật bổ ích. Cảm ơn Bác Hiệp

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thấy bác VanPham ghé thăm là mừng, hồi này trời ngoài ấy lạnh bác có khỏe không?

      Xóa

:) :( :)) :(( =))