Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Lá cải.

Ảnh Internet.

Ai cũng biết lá cải là lá của cây... cải, một loại rau ta thường ăn hàng ngày, luộc, xào, nấu canh ăn đều hảo, tôi còn nhớ hồi còn nhỏ bà cụ thân sinh ra tôi hay đọc câu ca dao tục ngữ này: "Canh cải mà nấu với gừng/ Không ăn thì chớ xin đừng có chê", mỗi khi ngồi vào mâm cơm mà có đứa nào trong nhà phụng phịu chê cơm canh. Hồi nhỏ nhà không mấy khá giả, lại đông con, đám trẻ con xưa chỉ những hôm trong nhà có giỗ chạp, tết nhất mới được ăn miếng thịt gà, thịt heo quay, hay miếng chả lụa, còn tứ thời quanh năm dưa cà, rau muống, cá kho cho nên trẻ con chẳng thích tô canh cải, dù được đập thêm miếng gừng ăn thơm, mát, giải nhiệt.

Nhân đọc bài "Mười phát ngôn ấn tượng nhất Việt Nam năm 2013" trên một trang mạng, trong đó xếp thứ 10 là phát ngôn của vị Thượng thư một bộ về truyền thông, khi trả lời chất vấn trước cơ quan dân cử, câu nói như sau (nguyên văn): “Báo chí nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một phương tiện thông tin truyền thông thiết yếu của đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân. Như vậy có thể khẳng định rằng, trong xã hội ta không có báo lá cải”.

Từ ngữ Báo lá cải (tiếng Anh Tabloid journalism) thì chắc những ai sống thời xưa ở miền Nam, nhất là ở Saigon nơi tập trung các tờ báo cũng đều hiểu. Là những tờ báo hàng ngày (nhật báo), hay tạp chí (tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san), chuyên khai thác những tin tức giật gân, những chuyện tình cảm, "hậu trường" của giới nghệ sỹ, chuyện ma quỉ, mê tín dị đoan, bói toán, đoán điềm giải mộng... đánh số đề, những tin tức thuộc loại "Xe cán chó, chó cán xe" nhảm nhí để câu độc giả, nhất là giới độc giả bình dân, những tờ báo này thường được người ta bán dạo ở bến xe, khu chợ, đọc giết thời giờ... Ngày xưa người ta gọi những tờ báo này là báo 4T (Tình, tiền, tù, tội...), và gọi chung là báo lá cải. Xưa song hành với Báo lá cải còn có tiểu thuyết ba xu, là những quyển tiểu thuyết có nội dung rẻ tiền...

Nói về báo chí, trước năm 1975 ở miền Nam đại đa số báo là của tư nhân, chỉ có Công báo* là của nhà nước, báo của tư nhân nhất là nhật báo thường chia làm ba khuynh hướng, thân chính phủ, trung dung, hoặc đối lập. Tôi thử điểm lại một vài tờ báo xa xưa ở miền Nam, những tờ báo đầu tiên là ba tờ báo tiếng Pháp và tiếng Hán: - Le bulletin officiel de l'expédition de la Cochichine (1861-1888), - Le bulletin des Comnumes (1862), - Le courrier de Saigon (1864...). Tờ Gia Định báo là tờ báo quốc ngữ đâu tiên xuất bản năm 1865, do Đô đốc Thống đốc Ohier giao cho Potteau. Đến năm 1869 Trương Vĩnh Ký được giao làm giám đốc Gia Định báo, còn ông Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Đây là tờ Công báo mỗi tháng ra một số, nhiệm vụ của Gia Định báo là: - Cổ động cho lối học mới - Phát triển quốc ngữ - Khuyến khích dân chúng học quốc ngữ. Những tờ báo quốc ngữ nổi tiếng thời ban đầu của báo chí ở miền Nam có thể kể thêm: Tuần báo Nông cổ mín đàm** (1901-1924), Nhật báo tỉnh (1905-1912), Lục tỉnh tân văn (1907-1943) do ông Trần Chánh Chiếu làm chủ bút tới số 51 thì ông bị Pháp bắt, và chủ bút được thay thế bởi ông Lương Khắc Ninh...

Trở lại chuyện báo lá cải, tôi không rõ trước và sau năm 1975 (không kể mươi năm trở lại đây), ở miền Bắc có báo lá cải hay không? Từ điển tiếng Việt khá xưa như Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức không thấy có định nghĩa báo lá cải. Quyển Từ điển Tiếng Việt do GS. Văn Tân chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 1972 tại Hà Nội, thấy nơi mục từ Lá cải giải nghĩa: Tờ báo tồi. Còn Từ điển Tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ Học, GS. Hoàng Phê chủ biên, in năm 1997 giải thích từ Lá cải rõ hơn: Ví tờ báo tồi, viết nhảm nhí, không có giá trị. Như vậy đã rõ, từ ngữ lá cải (báo) đã có mặt từ lâu, và chắc một người dân bình thường cũng hiểu rõ nghĩa của từ báo lá cải là gì? Cách nay ít lâu những tờ báo phát hành tại TP. HCM như Tuổi Trẻ, Phụ Nữ... có những bài viết về tình trạng báo lá cải. Báo lá cải là một thực tế trong cuộc sống, nó vẫn có một lượng độc giả (có khi người đọc báo lá cải còn nhiều hơn đọc những tờ báo "chính danh" khác), nhưng nếu lá cải trở thành tiêu chí trong nghề báo, thì thật là tai họa.

Như chúng ta đã biết, một tờ báo bị gọi là lá cải, là ở nội dung của những bài viết trên báo, chứ không phải ở chuyện tờ báo thuộc quản lý của ai, như vị Thượng thơ bộ nọ đã phát biểu vì là báo của Nhà nước nên nước ta không có báo lá cải. Tôi cũng lấy làm lạ là tại sao khá nhiều người bây giờ có những suy nghĩ lầm lẫn về khái niệm như thế? Mà nhiều vị trong đó là những người có địa vị, học hàm, học vị cao, giữ những trọng trách trong xã hội chứ không phải đám thảo dân. Chẳng lẽ các vị không hiểu? Hay rất hiểu nhưng vẫn cố tình trả lời thế? Nếu không phải là một kiểu trả lời như người ta thường nói bây giờ là "đánh tráo khái niệm" để ngụy biện, thì đây là một cách trả lời do lý luận sai. Thực tế xã hội đã cho chúng ta thấy trong thời gian vừa qua, báo chí và ngành Tư pháp đã nêu ra nhiều văn bản pháp quy, nghị định... có những nội dung quy định rất phi lý, bị phản ánh nhiều sau phải bãi bỏ.

Trong một quyển sách có tựa là Luyện lý trí, ngay ở chương đầu học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết "Tại sao chúng ta lý luận sai?", và ông đã nêu ra 5 nguyên nhân: 1/ Ngôn ngữ của ta thiếu thốn. 2/ Ta không chịu suy nghĩ. 3/ Ta không suy nghĩ bằng óc mà bằng tim. 4/ Ta lý luận không hợp cách. 5/ Sự hiểu biết của ta cạn do: - Ta không chịu điều tra. - Ta thiếu học. Và khi đã lý luận sai, thì người ta sẽ đưa ra những cách trả lời, hoặc giải quyết sai. Quyển sách này được tái bản trong những năm gần đây, nhưng bản in đầu là vào thời trước năm 1975 ở miền Nam, trong tủ sách Học làm người, nội dung của sách nằm ở cái tựa là để Luyện lý trí, nhất là cho học sinh, sinh viên.

Trong một quyển sách khác do GS. TS. Nguyễn Đức Dân viết, ông cũng có nói đến vấn đề mà học giả Nguyễn Hiến Lê đã nêu bên trên, là những môn học các nước Âu Mỹ đã chú trọng từ lâu. Những môn học giúp tư duy mạch lạc, logic học, ngôn ngữ học, thuật hùng biện, thuật giao tiếp... Điều mà học giả Nguyễn Hiến Lê nêu là "Tại sao chúng ta lý luận sai?", thì GS Nguyễn Đức Dân gọi là "Phương pháp lập luận" (Argumentation). Để có thể xem xét, hiểu rõ, và trả lời chính xác một vấn đề, cần phải biết lập luận. Ông viết "Lập luận là một môn học đang được nhiều trường, cả đại học và trung học ở Mỹ và Châu Âu giảng dạy", ông cũng nêu ở Việt Nam trong các trường từ trung học đến đại học, học sinh, sinh viên không hề được dạy môn lập luận (sách xuất bản năm 2002), dẫn đến việc học sinh, sinh viên thường tư duy sai, trả lời sai ngay cả trong những điều rất đơn giản.

Trong sách GS. TS. Nguyễn Đức Dân nêu có sinh viên đã viết: "Chính vì là người có tài viết chữ đẹp như vậy nên khi Huấn Cao bị ở tù, ông còn là một người can đảm không sợ bất cứ một điều gì". Thật là buồn cười khi lập luận như thế. Chữ đẹp có liên quan gì đến can đảm? Thế nếu viết chữ xấu có lẽ Huấn Cao sẽ là người hèn nhát? Hoặc một câu khác: "Tố Hữu thương cho số phận của Nguyễn Du, cũng như Nguyễn Du đã từng thương cho số phận của Kiều vậy". Việc Tố Hữu thương cho số phận của Nguyễn Du cũng như Nguyễn Du đã từng thương cho số phận của Kiều? Một cách so sánh khập khiễng. Chúng ta cũng đã thấy ngay cả những quyển gọi là Sách giáo khoa, được xuất bản chính thức, có những bài toán đáp số kiểu cha 16 và mẹ 12 tuổi, hoặc bài toán cộng trừ bằng cách chặt ngón tay hay cướp kẹo... Người viết sách suy nghĩ và lập luận thế nào mà có thể viết ra được những bài dạy trong sách giáo khoa phản sư phạm như thế?

Ở một góc nhìn khác, GS. Nguyễn Văn Tuấn, một người đã có nhiều năm trong nghiên cứu khoa học tại Úc, đã viết trong sách Đi vào nghiên cứu Khoa học xuất bản năm 2012, ông viết: "Cách thức giảng dạy ở Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa có thay đổi theo cách "thầy đọc, trò chép"; đây là một hình thức hướng dẫn đạo văn vô tình". Và: "Khi trò trả bài hoặc làm bài thi mà không viết đúng ý thầy hoặc nguyên văn lời thầy giảng thì bài thi không đạt; ngược lại để đạt tức là đạo văn". Tình trạng GS. Nguyễn Văn Tuấn nêu cũng chính là cách dạy học theo mẫu nơi trường học tại Việt Nam, như dạy văn mẫu. Không phải chỉ học sinh mới học theo mẫu, người ta cũng muốn cả người lớn cũng suy nghĩ theo mẫu trong cách nói lề trái, lề phải, và một vị giáo sư toán học có tiếng đã ví chỉ có những con cừu mới đi cùng một lề.

Học theo mẫu đã khiến học sinh, sinh viên trở nên thụ động, lười suy nghĩ, tạo nên thói quen lấy những gì của người khác viết làm của mình (đạo văn). Chúng ta đã thấy những vụ lùm xùm đạo văn trong những cuộc thi thơ, văn, đạo hình ảnh trong cuộc thi nhiếp ảnh. Mới đây trên báo chí có một vụ kiện cáo khi một vị chức sắc bị rút bằng cấp do cáo buộc đạo luận văn trong kỳ thi tốt nghiệp.

Muốn tránh lý luận hoặc lập luận sai (dẫn đến tư duy và đưa ra cách giải quyết vấn đề sai). Trong bài viết của GS. TS. Nguyễn Đức Dân, ông đã đề nghị cần phải đưa ngay môn lý thuyết lập luận vào chương trình đại học và trung học. GS. TS. Nguyễn Đức Dân đã viết điều này từ năm 2002, đã trên mười năm rồi, không rõ môn học quan trọng cho cuộc sống này đã được đưa vào giảng dạy chưa?


* Công báo: báo của nhà nước, công bố những văn bản pháp luật quan trọng của các cơ quan lập pháp, hành chính trung ương.
** Nông cổ mín đàm, tên đúng của âm Hán Việt là Nông cổ mính đàm (uống trà bàn chuyện nghề nông và buôn bán (nông = nghề nông, làm ruộng; cổ = buôn bán; mính = trà; đàm = bàn luận). Tên một tờ báo mà viết sai chính tả. 

Tham khảo:

- Địa chí Văn hóa TP HCM, tập II Văn học, Báo chí, Giáo dục, nhiều tác giả, NXB TP. HCM-1998.
- Từ điển TP Sài Gòn-Hồ Chí Minh, NXB Trẻ-2001.
- Luyện lý trí, Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Hóa Thông Tin-2003.
- Nỗi oan thì, là, mà, GS. TS. Nguyễn Đức Dân, NXB Trẻ-2002.
- Đi vào nghiên cứu Khoa học, GS Nguyễn Văn Tuấn, NXB Tổng Hợp TP. HCM- 2012






8 nhận xét :

  1. 1- Cái ông Thượng thơ nọ nói như đọc sách: Báo chí của Đảng nhằm tuyên truyền giáo dục người dân chấp hành mọi chính sách chủ trương của Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sớm đưa toàn dân tiến lên CNXH cơm no áo ấm. công bằng dân chủ...thì làm sao mà lá cải được.
    2- Báo Nhân Dân là báo sang trọng nhưng lạ một điều không thấy nhân dân nào mua đọc, các sạp báo chỉ toàn thấy Dân trí, Tiền phong, Thanh niên... cho dù không ai đọc nhưng bố bảo cũng không ai dám nói báo ấy là lá cải.
    3- Mà cũng oan cho lá cải, nó là bữa ăn của dân chúng, còn báo nói chuyện tào lao, phản động, thì làm sao giá trị bằng rau cải được... hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông này nói trước quốc hội, tức là nói trước "Dân" mà giống như mơ ngủ, hay nói trước đám... con trẻ. Không trông mong làm gì được cho dân cho nước.
      Lạ là những báo sang trọng như thế thì ngay trong cơ quan của nhà nước, mua để lăn lóc chẳng hề có người cầm đọc.
      Rau cải bây giờ có giá, được bán trong siêu thị đàng hoàng :-)))

      Xóa
  2. Từ lá cải dẫn đến sự quan trọng của phương pháp lập luận hoặc lý luận, anh Phạm đã dẫn ra một trong những mặt yếu kém của ngành giáo dục VN. Điều đó thật đúng nhưng cũng thật buồn, và ko biết đến bao giờ những hồi chuông cảnh tỉnh của bao người có tâm huyết mới vang vọng đến tai quý ngài có trách nhiệm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viết sao mà nó lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia, hihi! Tôi có một đứa cháu gái con cô em ruột ở Úc về chơi đang học lớp 7. Nghe bố mẹ nó kể chuyện giáo dục ở Úc (cô em tôi cũng làm giáo viên bên đó), và thấy, nghe được chính đứa cháu nói chuyện mới phục cái giáo dục của họ. Đến nhà tôi chơi, đứa cháu cầm quyển sách có phần chữ Hán của tôi xem, nó nói được những chữ Hán tương đối đơn giản (theo âm Bắc Kinh), hỏi thì ra sinh ngữ nó chọn trong trường là tiếng Trung quốc, và mới chỉ được học từ năm lớp 7.

      Đứa cháu kể chuyện ở trường học được học nhiều thứ, âm nhạc (biết thổi kèn clarinet), chơi thể thao (nó chọn môn bóng chuyền, và chơi bàn bản), trong trường dạy cả diễn kịch, đọc thơ... Điều rất hay là học đàng hoàng, nhưng chương trình không nặng nề, và quan trọng là tụi nhỏ thích học. Hôm ấy trên tivi có chiếu cảnh cấp cứu nạn nhân (ấn tay lên ngực để hô hấp nhân tạo) thì đứa cháu nói trong trường nó học cũng có dạy cách cấp cứu này, để phòng lỡ học sinh có chuyện gì thì tự cứu lẫn nhau trước khi cứu thương đến. Cô em tôi nói đúng, cô giáo bên ấy cũng phải biết những cái cơ bản cấp cứu ấy, lỡ có gì còn xử lý kịp thời. Phải thấy rằng giáo dục của họ thật tuyệt.

      Giáo dục của người là thế, trong khi giáo dục của ta cứ loay hoay như gà mắc tóc, hết cải cách đến thực nghiệm, cái cần không học. Sáng mới đọc báo thấy dự thảo giáo dục dự định đưa môn sinh ngữ ra khỏi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, chết thật như thế thì học sinh sẽ không thèm học sinh ngữ nữa. Mà không có sinh ngữ thì làm gì được trong thời buổi này?

      Xóa
  3. Bác Phạm ơi, nhà miềng chưa có báo, đào đâu ra báo lá cải hở bác! Tờ báo SUN tự nhận nó là báo lá cải đấy bác à!

    Trả lờiXóa
  4. Hay quá , hôm nay qua nhà anh Hiệp , em lại được học hỏi thêm một kiến thức rất hay về từ " Lá cải " . Quả thật em chưa bao giờ nghe nói đến từ này trong lĩnh vực báo chí . Nay được học hỏi thêm từ anh , quả thật em rất thích vì rất lạ và đầy thú vị ! Cảm ơn anh rất nhiều , anh Hiệp nhé .

    Bên cạnh đó , nói về ngành giáo dục ở đất nước mình , chắc là cần phải thay đổi thôi anh ơi bởi lẽ học sinh học tập chẳng khác nào như một cái máy ...nếu như đưa bộ môn ngoại ngữ ra khỏi kỳ thi tốt nghiệp ...thì dân trí của người dân mình , nhất là với thế hệ trẻ sẽ về đâu ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ối chao, cám ơn NangTuyet quá khen, cuộc sống luôn có những cái thú vị cũng như... buồn phiền của nó. Có lẽ khi trước năm 1975 những ai đã lớn ở miền Nam thì rành hơn về từ báo lá cải, sau năm 75 từ báo lá cải ít thấy nhắc đến, nhưng nay thì báo lá cải lại xuất hiện đầy nơi sạp báo rồi.

      Nếu đưa ngoại ngữ ra khỏi tốt nghiệp phổ thông thì thực sự là tai họa cho nền giáo dục, và tai họa cho đất nước. Tốt nghiệp đại học bây giờ mà không biết một ngoại ngữ thì cũng như không, ngán thật!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))