Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Bên ly cà phê.

Ảnh Internet.

Có dịp ngồi uống cà phê tán dóc với một anh bạn trẻ. Câu chuyện cuối năm lan man, chợt anh bạn hỏi chữ "Sớn sa sớn sác - Xớn xa xớn xác" viết ra sao?, S hay X, hoặc chữ nào viết S chữ nào viết X, có người nói viết thế này, có người nói viết thế khác. Nghe bạn hỏi tôi cũng chẳng biết trả lời sao, có vẻ như những gì viết chơi trên blog tôi viết đỡ sai chính tả, nhưng thật sự ra tôi chẳng giỏi gì hết, rất nhiều lần tôi cũng bối rối không ít về chữ nghĩa, chẳng hạn chữ hay gặp như Xoài (trái xoài) có khi tôi cũng quên khuấy mất viết là X hay S, hoặc chữ Sếp (cấp trên) cũng không nhớ viết S hay X luôn. Thế là lại đành phải dở từ điển. Cũng may là tôi "góp nhặt" được một vài quyển từ điển tiếng Việt thông dụng (vẫn còn thiếu nhiều quyển), đành có được bi nhiêu xài bấy nhiêu.

Lần này cũng thế, đành hẹn với anh bạn để tôi về xem lại "bửu bối" (coi lại sách vở) và sẽ trả lời anh bạn sau. Trước khi giở sách tôi thử điểm lại một số câu theo như cách nói bên trên trong tiếng Việt thì thấy có rất nhiều, như "nhấp nha nhấp nhổm", "nhấp nha nhấp nháy", "nhớn nha nhớn nhác", "tấp ta tấp tểnh", "tất ta tất tưởi, "chập chà chập chờn", "lấp la lấp lửng", "vật và vật vờ", "ngổn nga ngổn ngang", "ngớ nga ngớ ngẩn", "xập xà xập xình"... Ôi thôi, coi vậy mà quá xá, còn nữa nói không hết...

Những chữ như thế thì chỉ có hai chữ sau là có ý nghĩa, chẳng hạn "nhấp nha nhấp nhổm" thì chỉ có nghĩa của từ "nhấp nhổm" là "đứng ngồi không yên", còn hai chữ đứng trước "nhấp nha" chỉ là từ dùng để nhấn mạnh thêm ý nghĩa của hai chữ sau và nhấn mạnh câu nói, không có ý nghĩa và cũng không dùng riêng một mình.

Trở lại câu anh bạn hỏi "Sớn sa sớn sác" hay "Xớn xa xớn xác"? Sau đây tôi chỉ chép những quyển từ điển có ghi chữ muốn tìm hiểu. Quyển Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của có chữ "Sớn sác" (không có từ xớn xác), và được giải thích: Sớn sác: mắt văng mắt vượt, không coi trước xem sau. (Giải nghĩa rất nôm na, dân dã nhưng rất dễ hiểu, đúng kiểu Nam bộ). Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng chỉ có chữ "Sớn sác" ghi nghĩa như "nhớn nhác", và chữ "nhớn nhác" giải nghĩa: trỏ bộ hoảng hốt bỡ ngỡ. Xét trên 2 quyển từ điển này xem chừng ý nghĩa đã "hơi khang khác". Chúng ta hay nghe nói "Mấy đứa nhỏ này đi đâu coi bộ sớn sác dữ?", thì nghĩa của Đại Nam quấc âm tự vị "Sớn sác" là "không coi trước xem sau" nói "mấy đứa nhỏ đi đâu không coi chừng để ý gì hết (có phần bặm trợn không sợ cái gì)", nghe chừng đúng hơn là "Sớn sác" của Việt Nam từ điển - Hội Khai Trí Tiến Đức là "trỏ bộ hoảng hốt bỡ ngỡ" (có vẻ sợ sệt trong đó). Đấy là giải nghĩa của hai quyển từ điển hồi xưa in trong Nam, ngoài Bắc tôi có.

 Tiếp đến sách vở ngày nay thì Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cũng chỉ có chữ "Sớn sác", ghi chú là phương ngữ, nghĩa như "nhớn nhác", và cũng giải thích như Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức. Quyển Chính tả tiếng Việt của Hoàng Phê cũng chỉ ghi nhận từ "Sớn sác". Đến quyển Từ điển tiếng Việt của NXB Từ Điển Bách Khoa in năm 2007, có cả  hai chữ "Sớn sác" và "Xớn xác", chữ "Sớn sác" ghi: trạng từ, vô ý, không dè dặt, không nhắm trước xem sau, nghĩa này tương tự như Đại Nam quấc âm tự vị, nhưng cũng ghi chú thêm như nhớn nhác dớn dác. Còn chữ "Xớn xác" cũng ghi chú như nhớn nhácdớn dác. Quyển Từ điển chính tả thông dụng của GS. Nguyễn Kim Thản xuất bản năm 1995, ghi nhận cả hai từ "Sớn sác" và "Xớn xác" (quyển này chỉ ghi nhận chính tả, không giải thích từ ngữ). Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản năm 1998, đều ghi nhận "Sớn sác" và "Xớn xác" là từ láy và nghĩa như nhớn nhác, và giải thích từ "nhớn nhác": có vẻ luống cuống, sợ hãi.

Như vậy theo hai quyển từ điển xưa là Đại Nam quấc âm tự vị và Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, chỉ ghi nhận từ "Sớn sác", có thể hiểu ban đầu chỉ có từ "Sớn sác", và thời gian sau này phái sinh thêm từ "Xớn xác", từ điển ghi nhận cả 2 từ "Sớn sác" và "Xớn xác". Và ý nghĩa của câu "Sớn sa sớn sác", hoặc "Xớn xa xớn xác", theo tôi cách giải nghĩa của Đại Nam quấc âm tự vị từ "Sớn sác" là "mắt văng mắt vượt, không coi trước xem sau" có lẽ chính xác nhất.

Hai từ "Sớn sác" hoặc "Xớn xác" không phải từ Hán Việt (không có trong âm Hán Việt). Có điều không rõ từ "Sớn sác" (Xớn xác) này có từ bao giờ? (ít ra cũng phải có trước năm 1895, vì đã được Huình Tịnh Paulus Của đưa vào Đại Nam quấc âm tự vị (in năm 1895-1896). Tôi tra thêm trong Từ điển truyện Kiều (Đào Duy Anh), Từ điển Lục Vân Tiên (Nguyễn Quảng Tuân & Nguyễn Khắc Thuần), Từ điển tầm nguyên (Bửu Kế), Từ điển từ cổ (Vương Lộc), Điển cố văn học (Đinh Gia Khánh chủ biên), Từ điển văn học quốc âm (GS. Nguyễn Thạch Giang) đều không thấy có.

Hy vọng là entry ngắn này sẽ giải thích được phần nào thắc mắc của anh bạn trẻ, và nếu có giúp ích thêm được chút nào cho các bạn khác trong việc dùng chữ nghĩa thì hay quá.



30 nhận xét :

  1. Cũng chưa tra tự điển lần nào về hai từ này, viết chính tả thì cũng không thấy có bài nào có 2 từ này, nhung có lẽ chữ "sớn sác" đúng hơn nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ "sớn sác" là chữ ban đầu được Đại Nam quấc âm tự vị của Huyình Tịnh Paulus Của và Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức nhắc đến, còn "Xớn xác" là từ phái sinh có sau này.

      Mới làm xong 2 con khỉ cho chị M. trông ngộ, mai mốt post lên cho chị M. coi.

      Xóa
    2. Huhu............Có phần em khg Bác Hiệp.........Hic........Hic

      Xóa
    3. MTB cầm tinh con gì? Chừng nào về Sè Goòng cà phê nhớ báo sẽ có con đó, hihì!

      Xóa
    4. Nói ra méc cỡ lắm Bác Hiệp ơi, em cầm tinh con 32+3...............Huhuhu,

      Xóa
    5. Aha, con này tôi tưởng chỉ dành cho... quý ông chứ? :-)))

      Xóa
    6. Huhu......... là Tui cầm tinh con ấy đấy Bác Hiệp, nhưng có điều tui hông có dê ai nha, toàn bị người ta dê kìa...........Hahaha

      Xóa
    7. Chắc là coi còn "đặng" lắm người ta mới dê chứ, hihi!

      Xóa
    8. Hihi......Nói giởn thôi Bác Hiệp.
      Nhân tiện thấy anh Hiệp viết chữ ĐẶNG mà trước đây có lần ở quê nhà em có nghe , vậy mạn phép và nhờ anh Hiệp cho em hỏi vì sao mà có nơi người ta dùng chữ ĐẶNG có nơi dùng chữ ĐƯỢC vậy......Hihi, thanks anh Hiệp trước nha.

      Xóa
    9. Hihi, tôi nghe người miền Nam hay dùng chữ ĐẶNG thay cho ĐƯỢC, Đại Nam quấc âm tự vị giải thích "Chẳng đặng" là "không được", tức là chữ ĐẶNG có nghĩa là ĐƯỢC. Còn tại sao mà có nơi nói ĐƯỢC, có nơi lại nói ĐẶNG, có thể do cách phát âm từng địa phương, (như ở miền Bắc có nơi gọi quả ỔI, nơi gọi quả ỦI) hoặc do kỵ húy ĐƯỢC thành ĐẶNG (như CẢNH thành KIỂNG, hay KÍNH thành KIẾNG).

      Xóa
  2. Ah ...hôm nay lại qua thăm anh Hiệp và học thêm nghĩa của hai chữ : Sớn sác và Xớn xác ..coi bộ rắc rối về nghĩa anh nhỉ ? Bởi lẻ hai từ này có cách phát âm giống nhau mà nghĩa thì lại khác xa nhau ? Không biết là em có nhận xét đúng không hay em dở về chữ nghĩa vì đôi khi em còn viết sai chính tả nữa cơ nhất là sống ở bên đây , nếu em không chơi blog thì càng tệ hơn vì sẽ không có cơ hội để nói và viết tiếng Việt của mình ! Và thật thú vị với từ " Xớn xác " bởi vì theo em nhớ ra từ nào đến giờ em chưa thấy chữ này cơ ? Và càng thú vị hơn nữa khi nó đồng nghĩa với từ " Nhớn nhác " ? Hay thật anh Hiệp hén ? Người Việt mình mà chưa rành chữ nghĩa ...đến người nước ngoài mà học tiếng của mình thì cũng đủ " khùng " rồi !! Đó là chưa kể đến màu sắc nữa đó anh nhỉ ? Chẳng han như cũng thời là màu đen mà cách dùng từ lại khác nhau giữa các con vật ...rắc rối thật ! Chả thế mà ông xã em kêu học tiếng Việt là anh ấy lắc đầu ...nói là khó học ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ nghĩa tiếng Việt mà mình người Việt nhiều khi còn toát mồ hôi nữa là mấy ông Tây, sớn sác, xớn xác, nhớn nhác, dớn dác... phân biệt được cũng đến... ốm :-)))

      Ba cái vụ chữ nghĩa này thỉnh thoảng gặp tôi hay lẩn thẩn tìm xem cách viết, nghĩa của nó ra sao? Cũng may là có một số sách vở để tra, thấy cũng hay đó NangTuyet. Chơi blog cũng là một cách cho ta suy nghĩ, học được nhiều điều.

      Hôm qua có đưa cho chị Marg. 2 con búp bê Nhật chị ấy nhờ chị Mai gởi cho con của NangTuyet.

      Xóa
    2. Dạ , chơi blog cũng là hình thức để giao lưu và học hỏi thêm nhiều kiến thức mới lạ và vô cùng bổ ích anh Hiệp hén . Em rất thích qua nhà anh để đọc và học hỏi nhiều điều thật mới lạ !

      Oh ...thế thì để ngày mai em gọi điện về gặp em gái của em mới được ....em cảm ơn anh Hiệp trước nhá !

      Xóa
    3. Đúng đó NangTuyet, còn tôi qua nhà NangTuyet cũng như được đi du lịch vậy, được ngắm những cảnh vật mới lạ mà chắc cả đời mình chẳng biết.

      Tôi nhớ năm ngoái chị Mai có tổ chức tất niên, không biết năm nay có không, hìhì!

      Xóa
    4. Nếu có , thì anh Hiệp nhớ chụp ảnh của các anh chị cho em xem với anh Hiệp nhé !

      Xóa
    5. Năm ngoái nghe nói NangTuyet cũng tính tham dự mà không được, tôi cũng vậy, chị Mai làm ngày 28, 29 tết gì đó cận tết quá tôi cũng không đến được. Năm nay chưa rõ nữa.

      Xóa
    6. Hihi, chị Mai năm nay ngó bận rộn với chuyện làng xã nên không biết có tổ chức gì không nữa .
      Còn hai búp bê Nhật đặt gọn trong hộp quà trông thật xinh xắn , nghe nói Tina thích lắm ((-:

      Xóa
    7. Năm nay hình như tết đến... sớm thì phải, quay đi quay lại đã qua rằm tháng chạp. Coi bộ chị Mai có duyên với làng xã :-))

      Cám ơn Marg. đã gói quà cho Tina :-))

      Xóa
  3. cám ơn bác Hiệp đã giải tìm hiểu và giải thích nghĩa của cụm từ này. Buổi cafe với bác thật thú vị, hy mọng sẽ có dịp lại cafe với bác lần nữa :)
    nhok susu vẫn chưa biết mình sắp có món quà là con Oggy đó bác Hiệp ơi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng mới học được cách viết chính tả của 2 từ này. Chừng nào rảnh có dịp lại cà phê.

      Con Oggy có thể bỏ vào máy giặt được nếu mai mốt susu chơi bị bẩn, loại bông nhồi là loại tốt không bị xẹp.

      Xóa
  4. Gì chứ nghe gọi "xếp, xếp " là thấy dị ứng lắm , vì giống như nghe "xẹp lép" hay "xếp xó" . Gọi sếp thì đỡ hơn vì nó gần giống như phát âm từ "chef " của Tây với nghĩa là người đứng đầu , người chỉ huy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, thì từ "Sếp" là từ chữ "Chef" của Tây mà ra, chắc người miền Bắc ít uốn lưỡi nên nó mới thành "Xếp". Cũng như Sớn sác thành Xớn xác vậy :-)))

      Xóa
  5. Bác Hiệp còn tĩnh tâm để tra thấu đáo chữ nghĩa, sướng thật đấy. Ở ngoài đời nhiều khi cứ dùng từ một cách bản năng, theo thói quen chứ làm gì biết tra từ điển đến tận ngọn nguồn như bác Hiệp. Em thấy ở ngoài này gọi Sếp là Sếp thì đúng rồi còn từ xớn xa xớn xác liên tưởng đến người hớt hơ hớt hải... đúng như bác giải thích vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu quá mới thấy TT. Bây giờ không tĩnh tâm thì bao giờ mới tĩnh được TT? Nói chơi vậy thôi chứ thời buổi này tĩnh tâm khó lắm, bao nhiêu thứ làm tâm mình phải động :-))

      Chuẩn bị Tết chưa TT?

      Xóa
  6. Nô thì luôn viết "sớn sác". Có vẻ mấy cái từ điển sau 75 "ba phải", làm cho người muốn tra cứu cũng mù mờ luôn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tại Bác Nô " nói điệu" vậy mà Bác Hiệp ui......Hihi

      Xóa
    2. Cái khó của chữ nghĩa xứ mình là không có một quyển từ điển "đúng tầm" của nó. Cũng từ điển của Viện Ngôn Ngữ nhưng của người này hay nhóm này soạn chữ nghĩa đã có khác người khác, nhóm khác. Như vậy sẽ xảy ra điều gì? Học sinh viết "Xớn xác" đúng hay sai? Thày cô căn cứ theo từ điển và chính tả của GS. Hoàng Phê sẽ nói viết sai, vì không có chữ "Xớn xác" (Tôi không kể những từ điển Tiếng Việt cũ như Đại Nam quấc âm tự vị, hay của Hội Khai Trí Tiến Đức). Nhưng học sinh vẫn chứng minh được là mình viết đúng khi đưa ra những quyển Từ điển, chính tả cũng của Viện Ngôn Ngữ có chữ "Xớn xác". Khó thế.

      Bao nhiêu năm mà một đất nước Bốn ngàn năm Văn hiến không có được một quyển từ điển Tiếng Việt "xem được".

      Xóa
    3. Cụ ấy còn chở... ai đó đi lòng vòng chơi thành Diên Khánh là còn... điệu lắm đó MTB, hihi!

      Xóa
  7. 1- Đụng đến tiếng Việt coi như lạc vào bát quái trận đồ
    Ông Phan Ngọc chứng minh tính đối xứng trong tiếng Vệt cũng không dễ hiểu tí nào
    Ông Tây Pierre Guiraud đưa ra thuyết "Sự cố ngôn ngữ" bu tui có dùng để bàn về "Con gái 12 bến nước"...bu thuộc diện đặc cán mai về ngôn ngữ nên cho là sớn sác không thể giống nhớn nhác được...hihihi
    2- Học ngoại ngữ người ta còn gọi là học sinh ngữ. Sinh là sống, sống thì có thể lớn lên hoặc chết đi. Trong Kiến văn tiểu lục ông Lê Quý Đôn cho hay thời nhà Trần gọi trời là "bột mạt" , mây là "mai", nước là "lược" , gió là "giáo" , chồng là "chùng" vợ là "đà bi" ...hihihi bây chừ hỏi nhau tại sao giáo lại biến ra gió đà bi biến ra vợ thì học giả cũng bó tay chấm com
    3- Dạo này thầy thuốc bảo bu không ngồi vào máy tính, em Hà quàn lý chặt, mấy dòng này phải mở máy chui ...huhuhuhu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, chữ nghĩa, mà lại tiếng Việt nữa thì thật... hãi phải không bác Bu? Nhưng mà ráng đi vào tìm tòi lục lọi nó cũng cho ta đôi chút thú vị.
      Tiếng nói, ngôn ngữ, chữ viết... hẳn là sinh ngữ, chứ không nó đã là... tử ngữ và biến mất (như hàng ngày người ta biết có nhiều ngôn ngữ cổ biến mất trên thế giới). Đọc những sách vở xưa xưa mới hay các nay một vài trăm năm chữ nghĩa nó khác hết. Chẳng gì xưa, vài năm thôi nghe tụi trẻ bây giờ chát chít cũng... hết bít lun.

      Hehe, nghe bác nói phải mở máy... chui mà mắc cười quá. vậy mà người ta nói bản chất con người là tự do :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))