Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Những Địa danh mang tên cây cỏ, hoa ở Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh.

Ảnh Internet.

TP. HCM bây giờ xưa kia được gọi là Sài Gòn, và tên gọi Sài Gòn đã có ít nhất trên ba thế kỷ nay. Sách Gia Định Thành Thông Chí viết: "Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Kính (còn gọi là Nguyễn Hữu Cảnh) làm kinh lược, lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đặt dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa) và dinh Phiên Trấn (tức Gia Định). Mỗi dinh đều đặt chức lưu thủ, cai bạ, ký lục để cai trị". Trải qua hơn ba trăm nay lịch sử Sài Gòn có rất nhiều thay đổi về mọi mặt, những thay đổi về địa lý, chính trị, xã hội... trong đó có những thay đổi về địa danh... Xưa kia khi còn thuộc Chân Lạp Sài Gòn có tên là Prey Nokor có nghĩa là "phố ở giữa rừng", còn là một vùng rừng rậm hoang vu đầy sông rạch, do phó vương Chân Lạp Nặc Ong Nộn cai trị. Sài Gòn năm xưa, và TP. HCM ngày nay có khá nhiều địa danh mang tên cây cỏ, có những tên hiện nay vẫn còn được sử dụng trong sách vở, hoặc trong dân gian, cũng có những địa danh về hoa mới được đặt sau này.

Trên địa bàn thành phố qua ba thế kỷ có đến 271 địa danh mang tên cây cỏ, khoảng 132 địa danh chỉ sông rạch, và có gần 100 loài cây cỏ được kể tên. Trong bài Gia Định phú (tác giả vô danh) có kể đến một số địa danh mang tên cây cỏ như: Vườn Mít (Xóm Vườn Mít ở khu vực quận 1, khoảng tòa án TP bây giờ); Chợ Cây Da Thằng Mọi (Chợ Cây Da Thằng Mọi cũng ở quận 1, khu vực đường Cống Quỳnh-Ngã Sáu Nguyễn Trãi); Làng Cây Gõ, Cầu Cây Gõ (Làng Cây Gõ, Cầu Cây Gõ ở vùng Phú Lâm nay thuộc quận 6); Gò Vấp (Gò Vấp, tên chính là Gò Vắp, gò có trồng nhiều cây vắp. Vắp có nguồn gốc từ tiếng Khmer Kompăp, là một loại cây gỗ cứng như gỗ lim được dùng trong xây dựng, trong một câu phú khác có nói đến gỗ cây vắp "Cái rạch cầu Con Miên, thấy làm nguyên cột vắp ván trai", cầu Con Miên (Cao Miên), sau đổi tên thành Cầu Hoa, ngày nay là Cầu Bông, giáp ranh quận 1 và quận Bình Thạnh bây giờ); chợ Cây Vông (Chợ Cây Vông gần Cầu Bông, ở lối nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, bây giờ là công viên Lê Văn Tám quận 1); Chùa Cây Mai" (Chùa Cây Mai nay không còn, xưa tọa lạc trên Gò Cây Mai, thuộc quận 11).

Tôi thử kể tên một số các loài cây cỏ, hoa được đặt cho địa danh trong khắp các quận, huyện của Sài Gòn xưa cũng như ngày nay là TP. HCM:

Quận 1: Hẻm Cây Điệp (quận 1), Rạch Cây Cám (Cám là loại cây lớn, trái có phấn nhám như cám); Quận 3: Chợ Vườn Chuối, Nhà thờ Vườn Xoài; Quận 4: Cầu Dừa; Quận 5: Chợ Bàu Sen, Xóm Trĩ (Trĩ là loại cây sác); Quận 6: Cây Da Xà (cây Da có nhiều rễ nhánh xuống đất, gọi chệch thành ), Kênh Hàng Bàng (Hàng Bàng ở đây là hàng cây bàng); Quận 7: Rạch Bàng (Bàng ở đây là một loại cỏ gọi là cỏ bàng),Quận 8: Đường Cây Sung, Xóm Cui, Rạch Cui (Cui là một loại cây to gỗ tạp cứng nhưng giòn); Quận 9: Cầu Rạch Chiếc (Chiếc có tên gốc Khmer Prêk Cèk, là loại cây bụi thường mọc ở ven sông rạch, lá có thể ăn như rau), Rạch Bần (còn gọi là Thủy liễu, là loại cây to thường mọc ven bờ nước, lá có vị chua, chát); Quận 10: Vườn Lài (Lài, hoa nhài); Quận 11: Đầm Sen; Quận 12: Gò Sao (Sao là loại cây cổ thụ cao, thân thẳng có trái tới mùa rơi quay tít trong gió, gỗ dùng để đóng ghe thuyền).

Ở quận Bình Thạnh có: Cầu Sơn (Sơn là cây sơn ta dùng trong sơn mài), Ngã Ba Hàng Xanh (tên đúng là Sanh, cây sanh một loại cây như cây si), Ngã Ba Cây Quéo, Chợ Cây Quéo (Quéo là một giống xoài trái nhỏ, hơi tròn, vị chua), Ngã Tư Cây Thị, Chợ Cây Thị (Cây Thị trong truyện Tấm Cám, quả có mùi thơm); Quận Phú Nhuận: Cầu Kiệu (củ kiệu); Quận Tân Bình: Vườn Điều (hạt điều làm thực phẩm); Quận Tân Phú: Gò Dầu (Dầu là cây gỗ dùng trong xây dựng); Quận Thủ Đức: Rạch Quao (Quao là loại cây có lá có chất nhuộm màu đen), Suối Lồ Ồ (Suối bắt nguồn từ Bình Dương chảy qua quận Thủ Đức, Lồ Ồ là một loại tre thân to), Gò Dưa (tên vùng đất); Huyện Hóc Môn: Môn là cây môn nước; Vườn Trầu (Mười tám thôn Vườn Trầu), Rạch Nhum (Nhum là loại cây giống như cau), Giồng Bằng Lăng (Bằng lăng là loại cây gỗ dùng trong xây dựng); Huyện Củ Chi: Củ Chi là tên dân gian gọi cây mã tiền, dùng làm thuốc, Bàu Lách (Lách là một loại cỏ thân tròn, cao đến 2-3m, có đốt như mía), Ấp Cây Sộp (Sộp là loại cây mộc thân to lá xanh đậm, mọc chùm dày, đọt trắng, mùi vị chua, chát), Ấp Cây Trôm (Cây Trôm là loại cây cổ thụ cho mủ trong, ăn mát); Huyện Bình Chánh:  Rạch Bà Môn (Môn là cây môn nước); Huyện Cần Giờ: Cầu Dần Xây (Dần Xây tên đúng là Giằng Xay, tên một loại cây dân gian dùng làm thuốc), Sông Cần Giuộc (Cần Giuộc tên gốc Khmer là Kantuôt, là cây Chùm Ruột, Tầm Ruột), Rạch Chà Là (Cây Chà Là có trái làm mứt)...


Mấy năm trở lại đây ở TP HCM có những con đường mang tên các loài hoa, những con đường này ở quận Phú Nhuận, thuộc khu dân cư mới được chỉnh trang, xây dựng, quanh khu vực đường Phan Xích Long. Các con đường có tên là đường Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Sứ, Hoa Cúc, Hoa Sữa, Hoa Huệ, Hoa Hồng, Hoa Lan. Những con đường mang tên các loài hoa nghe khá lãng mạn...


Tham khảo:

- Từ điển TP Sài Gòn - Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ-2001.
- Hỏi đáp về Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ-2006
- Sổ tay Địa danh TP. HCM, Lê Trung Hoa - Nguyễn Đình Tư, NXB Văn Hóa & Văn Nghệ-2012.



22 nhận xét :

  1. Chắc người ta đặt tên đường theo tên các loài hoa cho nó đẹp và " rực rỡ" như những bông hoa Bác Hiệp ha......Hihi. Lụm tem luôn thể nha Bác Hiệp....Haha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc mừng lụm tem. Đặt tên đường bằng loài hoa dù sao cũng hơn mấy cái tên chẳng hạn đường Tên Lửa, hay đường... út Tịch :-)))

      Xóa
  2. Huyện Hóc Môn . Môn là cây môn nước , còn Hóc là gì, có phải là "hóc bò tó" không bác H? (-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quên không giải thích từ Hóc, theo PGS, TS Lê Trung Hoa thì Hóc là tên cổ để gọi con rạch nhỏ cũng như từ Hói. Còn Đại Nam Quấc Âm Tự Vị thì giải thích Hóc là nơi cùng, kẹt (hẻm hóc, hiểm hóc). Từ Hóc Bà Tó nghĩa bóng là để chỉ nơi xa xôi hẻo lánh, còn không biết nghĩa đen có phải là để chỉ con rạch nhỏ tên của bà Tó không? Cũng như ta gọi là Rạch Thị Nghè :-)))

      Xóa
  3. Bu có nhà gần cầu Sơn
    Qua đó hoài nhưng không thấy cây sơn đâu cả
    Dân ở đó cũng không biết luôn
    Có lẽ cây sơn có từ thời xa xưa ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tên địa danh cây cỏ ở Saigon đặt từ thời xưa, bây giờ chẳng còn các loại cây ấy nữa đâu bác Bu, chẳng hạn chỗ bác nói là cầu Sơn gần Ngã Ba Hàng Xanh (cây Sanh), nhưng có thấy cây Sanh, hoặc hàng cây xanh nào đâu. Cũng như Vườn Chuối, Vườn Xoài, Cây Quéo, Cây Thị... Chẳng còn cây chuối cây xoài, cây quéo cây thị nào.

      Xóa
  4. Bài viết của anh rất hay và nghe thật thú vị bởi lẽ tên của mỗi địa danh đều có ý nghĩa riêng của nó . Riêng tên của thành phố Hồ Chí Minh của mình hiện giờ , người Pháp ở đây họ cứ thắc mắc mãi là tại sao không giữ tên Sài Gòn như trước ? Tên của Bác Hồ có thể đặt là tên của sân bay quốc tế ở đất nước mình ? Nếu như thế , giống như ở đất nước của họ đã đặt tên sân bay quốc tế lớn của Pháp ở Paris là Charles - De - Gaule ( tên của vị tổng thống mà người dân Pháp rất ngưỡng mộ vì ông là vị tổng thống đầu tiên của nền cộng hòa thứ V của Pháp .Ông đã lãnh đạo và có nhiều chinh sách cải cách lớn trong lĩnh vực kinh tế dựa trên một nền tảng của thập niên 60 đầy thịnh vượng. Đồng thời , ông cũng cho ra chính sách giải phóng thuộc địa , xây dựng châu Âu và độc lập dân tộc : và đặc biệt từ đó nước Pháp đã có một vị trí ngang tầm trên trường quốc tế ) . Thế nên hình ảnh của ông luôn luôn ở trong trái tim của người dân Pháp , cũng giống như hình ảnh của Bác Hồ luôn luôn ngự trị trong trái tim của những người con Việt ...nói là nói thế thôi chứ suy nghĩ của mỗi dân tộc đều không giống nhau anh Hiệp nhỉ ? Có điều là khi nói đến thành phố Hồ Chí Minh thì họ không biết ở đâu ? Đến khi giải thích là Sài Gòn thì họ mới biết ? Họ nói nếu nói đến Sài Gòn là họ biết ngay là Việt Nam , cũng như nói đến Paris là Pháp và Berlin là Đức ....em chỉ mỉm cười khi họ đặt vấn đề này ra ...và câu giải đáp cuối cùng để họ có thể hiểu là mỗi đất nước có cách suy nghĩ độc lập riêng dựa theo nền tảng văn hóa và phong tục của họ mà thôi ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Saigon thì chắc chắn là người Pháp biết rồi, vì hồi Pháp còn là "Mẫu quốc" của Việt Nam, thì Saigon là thủ phủ, là nơi Toàn quyền Đông Dương ở, Saigon có một quá khứ cận đại gắn liền với nước Pháp.
      Kể ra lấy tên người đặt cho thành phố trên thế giới cũng là bình thường, chẳng hạn Thủ đô Washington của Mỹ, Sihanoukville của Cambodia... Dĩ nhiên cái tên Saigon đã có trên 300 năm nay, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thế giới đã nghe nhiều. Với người miền Nam thì cái tên Saigon vẫn là quen thuộc, họ vẫn nói đến, có lẽ một phần cũng dễ nói, ngắn gọn.

      Xóa
    2. Tên Sài Gòn có dính dáng chi đến cây gòn không bác?

      Xóa
    3. Trong sách vở người ta bàn nhiều về nguồn gốc tên Saigon đó cụ Nô. Cũng có giả thiết cho là từ Sài Gòn thì từ Gòn là để chỉ cây gòn, là loại cây cho trái có "bông gòn", xưa hay dùng để nhồi gối, nệm và làm bông gòn y tế, và nguyên chữ Sài Gòn có nghĩa là "củi cây gòn", cây gòn nay vẫn còn rải rác trong thành phố. Nhưng giả thiết được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận hơn là từ tiếng Khmer như tôi nói ở trên Prey Nokor, có nghĩ là "phố ở giữa rừng".

      Xóa
  5. e thấy tên Sài Gòn vẫn dễ nghe, dễ mến hơn tên gọi như bây giờ
    :)

    Trả lờiXóa
  6. Đọc bài này thiệt vui và bổ ích vì biết thêm nhiều địa danh của SG xưa và nay. Hình như ở quận 10 có chợ Da Bà Bầu nữa đó anh Phạm à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin phép Bác Hiệp nha.....Giáo nói chính xác luôn ah, chợ này tui biết....Hihi. Còn giờ cái chợ nằm trên đường nào thì để Bác Hiệp tiếp nha Giáo....Hihi

      Xóa
    2. Chợ Da Bà Bầu xưa ở quận 10, gần đường Nguyễn Tri Phương, và mấy con đường nhỏ nhỏ như Vĩnh Viễn, Hòa Hảo tôi không nhớ chính xác là đường gì. Không rõ Da Bà Bầu có phải là... da của bà bầu không? hay là từ gì đọc trại thành? Tôi cũng không thấy sách vở nào nói về tên gọi này.

      Xóa
    3. Nếu MTB biết ngôi chợ này thì tôi đoán chừng đây là ngôi chợ có bán món gì ăn ngon quá, hihi!

      Xóa
    4. Vậy là nhà của MTB cũng gần đâu đó thui mừ! Còn anh Phạm ui, từ "da" là âm trại của cây đa mà. Có chỗ người ta kêu cây da tức cây đa đó. Vùng của giáo ngày xưa gọi vậy. Thí dụ người ta hay đồn về "con ma ở cây da đầu làng..."
      Cây da cũng có thể là cây dâu da ko anh Phạm, cái đó thì Giáo chưa biết rõ.

      Xóa
    5. Cây da hình như là âm gọi của miền Nam, như địa danh Cây Da Sà tôi đã viết trong entry, nhưng cụm từ là tên chợ Da Bà Bầu có ý nghĩa gì? Da là tên cây thì được rồi, nhưng còn "bà bầu"? Cây da có liên quan gì đến bà tên Bầu, hay bà mang bầu? Hay đó là một cái tên "ngoại" nào đó có âm Việt na ná nên thiên hạ mới gọi thế, như tên cầu Bạc Má Hồng (cầu Công Lý xưa nằm trên đường nối sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm Saigon), có tên thế bởi con đường thời Pháp có tên là Mac Mahon? Chịu chết!

      Xóa
  7. Đường phố có tên cỏ cây hoa là hoặc bến nước, miếu hoang... rất giản dị, chân chất, nhưng đó là lịch sử, vì thường gắn với quá trình hình thành và phát triển của một vùng dân cư, gắn với ký ức của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên ở địa danh đó. Các địa danh đó thấm vào máu thịt của những người do hoàn cảnh buộc phải xa xứ. Đó là tình yêu quê hương, tình yêu tổ quóc... Phản cảm nhất là đường phố đặt tên những người gọi là danh nhân đời nay, vì họ không được nhân dân chấp nhận, hoặc tên đó đã dẫm đạp lên lịch sử, lên tâm tư tình cảm của cộng đồng, của dân tộc... Rồi sẽ có ngày những tên đó bị bãi bỏ khi sự thực lịch sử bị phơi bày (giống như ở các nước Đông Âu vừa qua). Đề tài này có nhiều điều để viết, nhưng có lẽ bài thơ số 290 của nhà thơ Lê Bá Tân đã nói lên nhiều điều:
    ...
    BÀI THƠ SỐ 290
    FACEBOOK Thái Bá Tân

    290
    Tự nhiên ghét tên phố -
    Đường Mồng Ba tháng Hai.
    Ghét cả phố bên cạnh
    Là Nguyễn Thị Minh Khai.

    Rồi Trường Chinh, Lê Duẩn,
    Đại lộ Phạm Văn Đồng,
    Ba mươi năm thủ tướng
    Mà có cũng như không....


    Công viên Lê Văn Tám,
    Một ngọn đuốc sáng ngời,
    Mà cả người lẫn đuốc
    Được phịa để dạy đời.

    Rồi nhiều con phố cũ,
    Thân quen bao đời nay,
    Những cái tên dung dị
    Đã đồng loạt bị thay

    Bằng tên các lãnh tụ
    Của giai cấp vẻ vang.
    Đủ các loại lãnh tụ,
    Lớn nhỏ và nhàng nhàng.

    Hơn nữa, còn nghe nói,
    Lãnh tụ chết, cháu con
    Chạy xin tên đường phố,
    Để được mãi trường tồn.

    Đại khái là như thế.
    Toàn phố mang tên người.
    Những người đáng nghi vấn,
    Còn lâu mới “sáng ngời”.

    Trong khi lại không có
    Tên phố Ngụy Văn Thà,
    Một chiến sĩ dũng cảm
    Hy sinh vì Hoàng Sa.

    Càng nghĩ càng thêm bực.
    Uống cà phê mất ngon.
    Vũng Tàu trời nắng đẹp.
    Thôi, về với cháu con.


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, bài thơ "vui" quá bác BoBi, tên địa danh ngày xưa ở nước ta đa số là do người dân đặt, theo tên cây cỏ, tên người, giản dị chất phác, không "đao to búa lớn". Chẳng hạn nhiều chợ mang tên "bà", như chợ Bà Hoa, chợ Bà Chiểu..., chỉ là những người đàn bà đầu tiên bán hàng xén ở đó, địa danh Ông cũng thế, Ngã ba Ông Tạ, vì trước đây là cái Ngã ba có tiệm bán thuốc của ông tên Tạ. Rồi xưa có cái bót cảnh sát là "Bót Hàng Keo", vì chỗ đó có hàng cây me keo... Chân chất thế.

      Xóa
  8. cho em hỏi, tại sao gọi là cần giờ vậy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo PGS. TS. Lê Trung Hoa trong quyển Sổ tay Địa danh TP. HCM. địa danh Cần Giờ có nguồn gốc từ tiếng Khmer "Kanchoeu", có nghĩa là "cái thúng". Thúng ở đây là thuyền thúng bởi người dân thường dùng thuyền thúng để di chuyển.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))