Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Cuối năm.



"Dĩ nhiên các con tôi sẽ có máy tính. Nhưng trước hết chúng phải có sách đã". Bill Gates.

Đây là một câu nói của Bill Gates, ông sinh ngày 28-10-1955, là ông vua phần mềm của máy vi tính, với các phiên bản Microsoft Windows hiện diện trên các máy vi tính, và với phiên bản đầu tiên được phát hành vào ngày 20-11-1985, cùng với Paul Allen, Bill Gates là người sáng lập ra Tập đoàn Microsoft lừng danh. Ông luôn có mặt trong tốp vài người giàu nhất thế giới trong nhiều năm qua (trong nhiều năm ông luôn đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới, kể cả năm 2013), với tài sản luôn được tính bằng nhiều chục tỉ đô la Mỹ. Không những là một nhà kinh doanh có một bộ óc siêu hạng về kiến thức khoa học, về gần cuối sự nghiệp ông còn là một người nổi tiếng trong lãnh vực từ thiện, ông đã quyên góp và ủng hộ những số tiền rất lớn cho những tổ chức từ thiện và nghiên cứu khoa học, thông qua Quỹ Bill & Melinda Gates, một Quỹ từ thiện mang tên ông và vợ bà Melinda French. Họ có kế hoạch dành tới 95% tài sản cho từ thiện, một con số thật đáng nể phục.

Cuối năm, sắp đến Tết tây, rồi Tết ta, nhà chỉ có ba người lớn mà cũng thấy bộn bề, cũng phải loay hoay dọn dẹp lại nhà cửa gọi là đón năm mới, cu cậu con trai thì "biến" tối ngày, công ăn chuyện làm, bạn bè... Thật ra mọi thứ cũng đã đâu vào đấy, quần áo trong tủ, đồ đạc cũng có chỗ của nó, báo chí thì thỉnh thoảng gom lại... bán ve chai, chỉ còn sách vở, trên kệ, trong tủ sách, trên giá sách, trên bàn... Sắp xếp lại những quyển sách thì cứ như là "thày bói dọn cỗ", nghĩa là chỗ này để sang chỗ kia, cố gắng sắp lại theo chủ đề để dễ lục tìm khi cần đến, cái chuyện sách vở trong nhà là tôi bị bà xã cằn nhằn nhiều nhất. Sách cứ luôn được khuân về, đôi khi bề bộn, cũng may là bà xã tôi cũng thuộc loại chịu mua sách, tuy bây giờ chỉ hay mua và đọc những sách về Phật giáo. Còn tôi thì thú thiệt, cũng như ông bạn Bulukhin mê sách đã nói, có lẽ tôi phải mất nhiều năm nữa mới đọc hết được số sách có mà chưa đụng tới.

Hôm nọ tôi cùng bà xã ghé một cuộc trưng bày và bán sách của một nhà xuất bản có tiếng ở thành phố, nơi Nhà trưng bày thành phố. Những buổi trưng bày và bán sách như thế tôi và bà xã vẫn luôn đi xem, thường tôi cũng kiếm được ở đó một vài quyển sách phù hợp với mình, giá có giảm hơn thường ngày. Cũng có khi may mắn tìm được vài quyển sách "tồn kho" rất hay mình cần, mà không còn bày bán trong nhà sách. Hôm đó cuối tuần nên rất đông người đến xem và mua sách, đa số là các bạn trẻ, điều này thật đáng mừng. Rất nhiều sách của nhà xuất bản này, cả chục ngàn đầu sách, nhưng thú thật tôi và bà xã chen toát mồ hôi mà không lựa được cho mình một quyển nào. Đây là một nhà xuất bản lớn, nhưng sách của họ chỉ chuyên về tiểu thuyết, gần như không có những sách về kiến thức, lịch sử, văn hóa... Có lẽ những loại sách tôi vừa kể không thu hút được giới trẻ, bây giờ giới trẻ không mấy người đọc nữa, họ càng không mua những loại sách đó (qua cu cậu con tôi thì biết). Ở Saigon có những nhà xuất bản như nhà xuất bản Trẻ, nhà xuất bản TP HCM... là những nhà xuất bản chú trọng in nhiều đầu sách về những thể loại tôi vừa kể. Trong quyển Tự học một nhu cầu thời đại, học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết "hiện thời ở nước nào sự giáo dục sau khi ra trường cũng hóa ra cần thiết, những lớp học cho người lớn, những loại sách, báo phổ thông tri thức càng phải phát triển mạnh".

Nhắc tới học giả Nguyễn Hiến Lê ở miền Nam, trong một entry trước ông bạn Bulukhin đã nói ở Saigon có sách của học giả Nguyễn Hiến Lê là được nhất. Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Trong tủ sách của tôi từ xưa đến nay có khá nhiều sách của ông, những quyển sách như Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến quốc sách (viết chung với Giản Chi), Đại cương văn học sử Trung Quốc, và những quyển trong bộ sách "học làm người", như Đắc nhân tâm, Gương kiên nhẫn, Gương thành công, Kim chỉ Nam của học sinh, Luyện tinh thần, Tự học một nhu cầu thời đại, Sống 365 ngày một năm... Ông giỏi chữ Hán, Anh, Pháp..., là một tấm gương của hiếu học và tự học. Sách của ông viết hay dịch đều rất dễ hiểu, nhiều tri thức. Ông cũng là người đã từ chối giải thưởng văn học của chính quyền Saigon trước năm 1975, khi nhận thấy đây chỉ là một giải thưởng không có thực chất. Ông viết: "Từ khi có bản "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền" của các nhà cách mạng ở Pháp, dần dần dân trong mỗi nước văn minh được tham gia chính trị. Quốc gia không phải là của riêng một nhóm nào nữa và ai cũng có bổn phận lo việc nước. Thực đúng như lời cổ nhân: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Hoặc: "Trong trường học, giáo sư nên khuyến khích những học sinh tự đọc thêm sách, chứ đừng khen những trẻ giỏi học thuộc lòng".

Goethe đã nói: "Một cuốn sách dở tới đâu cũng có chỗ hay". Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với câu của đại văn hào người Đức sống ở nửa cuối thế kỷ thứ XVIII và đầu thế kỷ thứ XIX (1749-1832), có nghĩa là đại văn hào khuyên người ta nên đọc nhiều sách. Khi chúng ta đã quen với việc đọc sách, đã có một nhận thức cơ bản, chúng ta dễ dàng nhận ra cái hay, cái dở trong những quyển sách đã đọc, và quả thật, kể cả những quyển sách dở, thậm chí sai sót, cũng cho ta học được nhiều điều... Ngạn ngữ cổ có câu: "Tôi sợ người nào chỉ đọc có mỗi một quyển sách". Mạnh Tử 孟子 cũng có nói "Tận tín thư bất như vô thư "  ( tin hết ở sách, thà đừng đọc sách). Điều quan trọng khi đọc sách, là cần phải biết suy xét.

Học giả Nguyễn Hiến Lê rất coi trọng sách của Lệ thần Trần Trọng Kim viết, ông viết thời còn trẻ ông đi làm trong ngành công chánh ở vùng đồng bằng Nam bộ, tình cờ mua được bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim trong một tiệm tạp hóa, bán chung với nhang đèn, và đã say mê đọc. Nhưng ông cũng nói, cần phải đọc nhiều sách, của những tác giả có tiếng, viết nghiêm túc, chẳng hạn nếu muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam, mà chỉ đọc mỗi một cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thì không đủ. Sử chép Hồ Quý Ly là tên loạn thần có tội với quốc gia; ta có thể chưa tin mà còn xét lại. Càng có nhiều sách, nhiều nguồn để đối chiếu, ta càng đến được gần hơn sự thật...

Tôi thường tra nghĩa của một chữ trên nhiều quyển từ điển, chứ không chỉ tra trên một quyển, cho dù đó là quyển từ điển có tiếng được nhiều người dùng, do một người, hay một "ê kíp" nổi tiếng viết. Đó cũng là lý do tại sao ông bạn Bulukhin ghé nhà chơi về đã cho tôi là một người "sưu tầm từ điển". Từ điển tiếng Việt, Hán Việt, Việt Hán, Pháp Việt, Anh Việt, Việt Pháp, Việt Anh..., và từ điển điển cố, tầm nguyên, văn học... từ loại dùng cho trẻ em, học sinh, đến cho người lớn... cùng nhiều loại từ điển khác. Mỗi loại tôi có nhiều bản, qua nhiều thời kỳ, của mọi miền... Sách về sử cũng thế, tôi may mắn có được khá nhiều... Khi đối chiếu, tôi thấy được những khác biệt, cũng cùng một từ cách nay năm bảy chục năm có thể được viết khác, hiểu khác, rồi cái hiểu cũng tùy theo từng vùng miền... Bây giờ đọc lại những sách thời ấy ta cứ nghĩ họ viết sai, dùng từ không đúng, nhưng qua từ điển xưa ta mới thấy ngày xưa lại được viết và hiểu thế, khác bây giờ. Hiểu được "tương đối" một vấn đề chứ chưa dám nói là "hiểu tường tận", cũng là một cái thú.


Nói đến sách mà không nhắc đến mạng xã hội là một thiếu sót lớn, thế giới bây giờ có thể thiếu sách chứ không thể thiếu Internet. Dĩ nhiên cái gì cũng có "hai mặt của một vấn đề", tôi không muốn bàn sâu về chuyện đó, vì sẽ khôn cùng. Mạng xã hội mà ta gọi là Internet* bây giờ quá phổ biến, trẻ con học tiểu học, thậm chí mẫu giáo cũng biết sử dụng mạng, để chơi trò chơi, có khi còn rành hơn cả người lớn. Mạng không như sách, sách dù sao cũng còn phải có nhà xuất bản, in ấn, kiểm duyệt, giấy phép..., còn mạng thì... vô tư, thượng vàng hạ cám trên đó. Bill Gates, một ông vua về truyền thông đã nói: "Nét đẹp của Internet chính là thuộc tính mở của nó. Nó không thể bị kiểm soát, bị thống trị hoặc bị cắt lìa, vì nó đơn giản chỉ là một chuỗi các liên kết liên tục thay đổi. Nó là một phương tiện sáng tạo và linh động đến mức cho đến giờ không một ai có thể hiểu thấu đáo toàn bộ các cơ hội của nó". Tôi cũng nhớ khi đọc quyển Thế giới phẳng (The world is flat) của Thomas Friedman, một cây viết trong chuyên mục ngoại giao, kinh tế của tờ tạp chí nổi tiếng New York Times, ông có viết về một câu nói cũng của một người có tiếng trong lãnh vực truyền thông (tôi không nhớ tên), "Google là Thượng đế, cái gì không biết cứ hỏi Google".


Internet khiến thế giới trở nên nhỏ hẹp, những khoảng cách bị xóa nhòa. Internet kết nối mọi người, thế giới trở nên "đại đồng" theo nghĩa rộng. Mọi người bình đẳng trên Internet, cũng như bình đẳng trước Thượng đế, bạn có thể là bất cứ ai, màu da, tôn giáo, chủng tộc, giàu nghèo, chức danh, bằng cấp không còn giá trị. Tất cả chỉ còn là một "thực tế ảo", và "giá trị" của bạn là những gì bạn đã thể hiện trên đó. Tờ New Yorker ngày 5/7/1993 có bức tranh biếm họa của Peter Steiner vẽ hình hai chú chó nói chuyện với nhau, với lời chú thích "Trên mạng Internet, không ai biết bạn là một chú chó". Người ta nói Internet có tính toàn cầu, và một trong những mặt tích cực của nó là tăng cường tính minh bạch. Với một chiếc điện thoại di động có chức năng quay phim, một người dân bình thường có thể dễ dàng quay được những cảnh "bất bình" trên đường phố, chẳng hạn như cảnh nhân viên công lực lạm quyền và tung lên mạng. Cái sai không thể bị che dấu, chối cãi, và bị xã hội lên án.

Thật tuyệt vời khi chúng ta có thể xem trực tiếp một trận bóng đá tranh cúp vô địch thế giới ở cách chúng ta nửa vòng trái đất, nhưng cũng thật bi thảm khi phải chứng kiến vụ khủng bố, nhìn tòa tháp đôi sụp đổ trên màn hình ở New York với cả ngàn người bên trong. Internet kết nối mọi người, là một xã hội thu nhỏ "Khái niệm 'tôi thuộc về một quốc gia nào đó' sẽ không còn chi phối nhiều đến các cá nhân như đã từng xảy ra trước đây. Về nhiều phương diện, đây là một điều tốt lành". Bill Gates cũng đã nói như thế. Nhưng Internet cũng có những vấn đề của nó, khi những biên giới trở nên mong manh, ông nói tiếp "Có thể cuối cùng bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc sẽ phai nhạt đi và nếu quả như vậy thì điều đó thật đáng tiếc". Và khi những "người chơi" không tuân thủ những "quy định bất thành văn" của nó, chẳng hạn những vấn đề thuộc về đạo đức, khi những cái xấu, cái ác, đồi trụy... bị phơi bày quá trần tục... Như chúng ta cũng đã thấy trên nhiều tờ báo bị cho là "lá cải"...

Internet cũng có những mặt trái, không ít lần trong quán cà phê tôi thấy vài ba bạn trẻ ngồi chung trong một bàn, nhưng mỗi bạn lại chăm chú vào chiếc điện thoại hoặc laptop hay máy tính bảng mang theo. Các bạn ngồi chung với nhau nhưng lại quên những "bạn thật" trước mặt, mà chăm chăm vào màn hình với những "bạn ảo" xa tít đâu đó. Alain Blinder đã nói "kỹ năng giao tiếp với người khác còn quan trọng hơn kỹ năng vi tính". Thế giới cũng còn những điều khác, đâu chỉ dành cho mỗi máy vi tính. Các nhà khoa học nói "Khoa học viễn tưởng có nói rằng rồi đến một ngày hàng trăm người sẽ lên tàu vũ trụ khổng lồ để thực hiện chuyến du hành kéo dài hàng mấy thế hệ để tới một vì sao nào đó. Ví dụ, có thể cháu chắt của những nhà du hành đầu tiên sẽ đến được vì sao đó". Và đây là suy nghĩ của ông vua máy tính Bill Gates: "Có lẽ như vậy thật, nhưng tôi sẽ không có mặt trên chuyến tàu đó! Tôi sẽ bám trụ nơi này. Ở đây chúng ta có những hồ nước lung linh, có những dòng sông róc rách, những núi non hùng vĩ. Trái đất vẫn là nơi có nhiều ngạc nhiên thú vị hơn tất cả những hành tinh cách chúng ta vài năm ánh sáng". Đúng là rất thú vị khi chúng ta được sống với thiên nhiên, hồ ao, sông núi, cây cỏ... Tôi thường vào nhà các bạn Marguerite, NangTuyet... để xem những cảnh đẹp thiên nhiên ấy.

Và điều sau cùng để khép lại năm 2013, cũng là một câu nói của Bill Gates: "Được sống, là quãng thời gian thật tuyệt vời". Chúc các bạn xa gần luôn bình yên trong cái không gian tuyệt vời ấy.

Saigon, 20/12/2013.

* Internet: là một hệ thống gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau trên phạm vi toàn thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ truyền thông dữ liệu, như đăng nhập từ xa, truyền các tệp tin, thư tín điện tử, và các nhóm thông tin.


Tham khảo:

- Tự học một nhu cầu thời đại, Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Hóa & Thông Tin-2003. 
- Bill Gates đã nói như thế, Vũ Tài Hoa, Hoài Nam, Nguyễn Văn Phước, Ban biên tập FIRST NEWS, NXB Trẻ-2004.
- Thế giới phẳng, Thomas L. Friedman, nhóm biên dịch và hiệu đính Nguyễn Quang A, Nguyễn Hồng Quang, Vũ Duy Thành, Lã Việt Hà, Lê Hồng Vân, Hà Thị Thanh Huyền, NXB Trẻ-2009.

- Từ điển cho người sử dụng máy vi tính, Ph.D. Bryan Pfaffenberger, người dịch Bùi Xuân Toại, NXB Giáo Dục - 1995.



24 nhận xét :

  1. Đọc sách là một thói quen tốt vừa thu thập , mở mang được kiến thức mà lại vừa thư giãn nữa anh Hiệp nhỉ ? Ấy thế mà em lười kinh khủng !!!! Lúc còn nhỏ thì mê lắm , hỏng hiểu sao bây chừ lại vác cái cục lười ở trên lưng như vậy đó . Bù lại thì mê đọc thông tin trên mạng nhiều hơn . ..riết rồi đâm ra giống như ghiền vậy đó anh Hiệp ạ . Quả thật , với hệ thống Internet , chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều mới lạ và hình như tìm cái gì cũng có ở trên mạng hết á ...rất tiện lợi nhưng cũng có nhiều điều cần phải thận trọng anh Hiệp nhỉ ? Nhất là những vấn đề riêng tư , cá nhân ...riêng ở blog thì yên tâm hơn , chứ ở FB...nói thiệt em chẳng dám viết entry nữa là ...cảm ơn anh Hiệp đã chia sẻ bài viết thật hay ...lúc này em hơi bận vì Noel sắp đến , thế nên mỗi ngày sẽ chạy qua anh tham khảo chút ít đó cơ ! Cuối tuần thật vui và bình an anh Hiệp nhé .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tùy từng thời, từng lúc đó NangTuyet, đọc trên mạng cũng là một thói quen, như khi xưa đọc báo, tôi cũng vẫn hay đọc nhiều thứ trên đó, nhưng trên mạng phải "cẩn thận" hơn, vì có những cái rất hay, nhưng cũng đủ thứ "rác".
      Tôi không "chơi" bên FB nên không rõ ra sao, hình như nó có tính"phổ thông" hơn bên này? Noel bên Tây chắc tưng bừng, chúc NangTuyet và gia quyền Noel, năm mới vui, khỏe.

      Xóa
    2. Em cũng không thích ở bên FB đâu anh Hiệp ạ , hình như ở bên đó rất bề bộn , đông đúc ...chính sự đông đúc đó mới là nguy hiểm và cần cẩn trọng hơn ...do đó , thỉnh thoảng em mới vào để xem hình của mấy đứa em , nhưng tụi nó cũng ít vào lắm . Chơi blog như thế này , không đông bạn bè nhưng yên tĩnh hơn để mình có thể chia sẻ với những người bạn tốt ở đây ....

      Em cũng không thích ở bên FB đâu anh Hiệp ạ , hình như ở bên đó rất bề bộn , đông đúc ...chính sự đông đúc đó mới là nguy hiểm và cần cẩn trọng hơn ...do đó , thỉnh thoảng em mới vào để xem hình của mấy đứa em , nhưng tụi nó cũng ít vào lắm . Chơi blog như thế này , không đông bạn bè nhưng yên tĩnh hơn để mình có thể chia sẻ với những người bạn tốt ở đây ....Cảm ơn anh nhiều anh Hiệp nhé . Noel sắp đến nên em cũng rất bận vì phải chuẩn bị tiệc cho gia đình bên chồng ...vậy chứ , tối đến em cũng tranh thủ vào blog để đọc bài của các bạn đó cơ ..... anh cũng thế nha , em cũng kính chúc gia đình anh có được một đêm Giáng Sinh thật vui và một năm mới nhiều may mắn và tràn đầy hạnh phúc anh nhé .

      Xóa
    3. Hình như mỗi nơi có một đặc điểm, nhiều người thích bên FB hơn, vì tính "đại chúng", nghe nói chơi bên đó có tính cách giao tiếp, "tám" nhiều hơn, giới trẻ thích bên đó hơn, blogspot thích hợp cho "người già", thích trầm lắng hơn là sôi nổi.
      Tôi cũng không thích đám đông cho lắm, "chơi blog" như thế này, dăm bảy bạn bè thân quen, dù sao cũng biết (đôi chút) về nhau, chuyện trò dễ hơn là năm bảy chục người vào comments, với nhiều ý kiến chẳng biết nói sao nữa.
      Vào blog ghé các bạn, cũng là để trao đổi, thăm hỏi, học thêm, biết thêm được nhiều điều, chẳng hạn qua bên nhà NangTuyet hoặc Marguerite hay được đi du lịch đây đó, xem nhiều hình phong cảnh, kiến trúc..., những nơi mà mình không có dịp đến, các bạn khác thì chia sẻ một vài suy nghĩ trong cuộc sống... Thế là vui rồi.
      Chúc NangTuyet nhiều an lành trong mùa Giáng sinh và Năm mới.

      Xóa
    4. Cho phép em chen ngang vô tí nha 2 Vị...Hihi, quả thật bên Face phức tạp hơn bên Blog nhiều, NHƯNG điều quan trọng mình đừng kết Bạn từa lưa là ok thôi, vả lại Bạn Bè của chúng ta đều có bên Face nhiều lắm ah, chẳng hạn như Bác Nô, Bác Bu, chị Như Thị......và còn nữa đấy 2 Vị à, Mùa Thu Buồn cũng có nhà bên Face nhưng Bạn Bè vẫn là các Bạn ( nói chung) bên Blog này đấy, nên cũng an tâm 888 mà khg sợ người ta rượt quánh tui........Hihi

      Xóa
    5. Nếu bên FB cũng bằng này bạn thì chỉ nhà này thôi cũng được phải không MTB? Hihi, Nhiều nhà quá coi sóc quét máng nhện thôi cũng mệt, già mất rồi, chán như con gián vậy đó MTB, híhí!

      Xóa
  2. Cụ Nguyễn Hiến Lê có dịch quyển Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường hay lắm các bác ơi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi quên không ghi quyển này, cụ NHL dịch rất hay, hơn hẳn những người dịch khác.

      Xóa
  3. Cái gì hầu như cũng đều có hai mặt LỢI và HẠI. Tuy nhiên, nếu mình biết tận dụng mặt LỢI, hạn chế mặt Hại thì chẳng ngại dùng. Tôi dùng FB thấy cũng hay, bên cạnh Blog và G+. Và vẫn thích thú đọc sách đã có mà chưa đọc, hay đọc rồi, cần đọc lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái gì cũng có 2 mặt Lợi và Hại, ăn thua cái nhìn và suy xét của mỗi người thôi phải không bác? FB chắc chắn có rất nhiều cái hay cho nên mới là mạng phổ thông nhất bây giờ. Sách hay mạng xã hội là những thành tựu của trí tuệ con người, hay lắm.

      Xóa
  4. Bill Gate cho rằng Google là Thượng đế còn người mình thì nói: "Dân ta phải biết sử ta/ Những gì không biết mình tra Google". Bác Bu giới thiệu "Sống đẹp" mà cụ NHL dịch chắc nói đến bản tiếng Anh "Way of living" của Lâm Ngữ Đường? Trên VN Thư quán cũng có quyển này nhưng thấy ghi là "Một quan niệm về Sống đẹp" cũng NHL dịch. HN khoái nhất khi ông ta bình ba mươi mấy cái thú của Kim Thánh Thán.
    Người đọc sách thì nhiều, mua sách thì nhiều nhưng sưu tầm và tích lũy từ điển như bác NHP thì hiếm và nó sẽ giúp ích cho mình nhiều vì nếu inernet (có thể) giúp được thì vẫn mất rất nhiều thì giờ bác ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng vẫn thường tra trên trên Google nhiều vấn đề (chẳng hạn trang Wikipedia), nhưng thường cũng phải tra lại sách vở (nhiều nguồn nếu có thể) để xem tính chính xác. Gần đây trong một buổi hội thảo ở miền Tây, Ban tổ chức đề nghị các vị được mời soạn và gởi trước bản tham luận, từ đó người ta mới phát giác ra rằng đến quá nửa bản tham luận được copy từ Internet, mà nhiều bản giống y hệt nhau và chép lại từ những trang sai mới chết.
      Bản của cụ NHL dịch in thành sách ghi là Sống đẹp thôi. Cụ là tấm gương tự học, khiêm nhường, đáng để ta học hỏi.
      Có nhiều từ điển rất hay trong việc tra cứu chữ nghĩa, bởi mỗi thời (xưa, nay), mỗi miền (Nam, Bắc) đều có cái nhìn và giải thích khác nhau về cùng một từ ngữ. Muốn tra những từ như mậu dịch quốc doanh, tên lửa (hỏa tiễn)... thì không gì hơn là phải có quyển Từ điển tiếng Việt xuất bản vào những năm 60 của thế kỷ trước.
      Không phải trên Internet sách nào người ta cũng đưa lên đầy đủ nội dung, nên sách in giấy cũng vẫn rất cần thiết phải không bác HN?

      Xóa
  5. Bill nào cũng khg bằng bill điện, bill nước nhà cửa và các bills khác Bác Hiệp à........Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi nghe nói bên Mỹ dân VN sợ nhất là những cái "biu" này :-)))))

      Xóa
    2. Rất sợ và có khi "ngủ cũng mơ" thấy Bills đấy Bác Hiệp à......Hihi

      Xóa
    3. Haha, "ông bills" này sao giống như "ông ba bị" hay "ông ngáo ộp" ở VN quá :-)))

      Xóa
  6. 有 書 眞 富 貴
    無 事 是 神 仙

    Trả lờiXóa
  7. Bác Nano Bobi nhiều lần vào nhà PNH thấy bàn đến sách liền viết ra 8 chữ nho rồi ra về. Bác kiệm lời làm người không quan tâm đến loại chữ này chẳng biết mô tê chi cả. Bu tui cũng đặc cán mai nhưng liều mạng phiên âm dịch thuật thử chơi

    Hữu thư chân phú quý
    Vô sự thị thần thiên

    1- Có người dịch câu đầu: "Sách vở là cái gốc làm nên phú quý", nghe cũng xuôi nhưng nghĩa chữ chân không rõ. Phải phú quý một cách chân chính, còn phú quý do tham nhũng (chẳng hạn) thì không được rồi
    2- Câu thứ hai không thấy ai bàn đến. Vô sự ở đây không phải không làm gì cả mà phải làm như Lão tử dạy là hợp quy luật. Phật giáo có lời khuyên xả bỏ tức không tham lam không vơ vào cho mình, mà phải thực hành hạnh bố thí, ta vẫn gọi là làm từ thiện. Sống hỷ xả như vậy là thần tiên.

    Trong ngũ ngôn thi có mấy câu
    Thi tửu cầm kỳ khách,
    Phong hoa tuyết nguyệt thiên.
    Hữu danh nhàn phú quí,
    .Vô sự tản thần tiên
    Tạm dịch:
    Khách là thi tửu cầm kỳ,
    Phong hoa tuyết nguyệt thiếu gì thú vui.
    Thanh nhàn, phú quí tót vời,
    Thần tiên tự tại sống nơi cõi trần.

    Chữ "tản" ( Vô sự tản thần tiên) không ăn nhập gì với ý câu này, mà chữ thị (là) của bác Nano Bobi nghe có lý hơn.


    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn bác BoBi đã vào đưa một câu chữ Nho rất hay, và bác Bulukhin đã "diễn Nôm" ý nghĩa của câu ấy để tôi (có lẽ và các bạn nữa) được hiểu rõ hơn.

    Trả lờiXóa
  9. Đến giờ Nô vẫn chưa quen với đọc sách điện tử. Nhưng phải tập thôi vì nó có quá nhiều lợi ích! Sách giấy thì không thể bỏ được, cầm trên tay cuốn sách cảm giác thú vị hẳn, bác Phạm nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sách điện tử, là một xu thế tất yếu, cũng như những chiếc xe chạy bằng xăng thay thế những chiếc xe chạy bằng hơi nước, rồi mình cũng sẽ quen. Nhưng đến như Bill Gates vẫn còn thấy cần phải có sách (in giấy), thì quả là sách in giấy vẫn có cái giá trị riêng của nó. Mình đi mua sách cũng như quý bà đi shopping vậy, chắc cụ Nô cũng đồng ? hìhì!

      Xóa
  10. Tiếp lời kết của bác H : thú vị nhất là biết tận hưởng cái hiện tại đang có của mình . Hiện tại là những ngày cuối năm trời se se lạnh, đây là khoảng thời gian hiếm hoi Sài Gòn có tiết trời đẹp nhất . Phải tận hưởng thôi , hì hì ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sống thôi, được làm người, cho dù là người VN cũng thú vị lắm. Thời tiết cuối năm năm nay khá hay phải không bạn Marg.?

      Xóa

:) :( :)) :(( =))