Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Xóm nghề.


Nghề dệt chiếu.


 Ở Saigon ta thường hay nghe tên gọi một khu xóm liên quan đến ngành nghề, như trồng trọt, sản xuất hay thương mại. Những xóm nghề này không có tên chữ đẹp đẽ, chỉ đơn giản gồm một chữ Xóm ghép vào tên gọi của ngành nghề, đơn giản như tính cách của người dân Nam bộ. Xóm (chữ Nôm: Xóm , mượn chữ Điếm tiếng Hán), theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích là một chỏm nhà ở, tương đương với một thôn, tiếng Việt cổ ngày xưa gọi là chạ (chung chạ là cùng chung một xóm, một thôn). Chúng ta có thể kể, vùng gần chợ Bà Chiểu có Xóm Giá, Xóm Gà, khu chợ Phú Nhuận có Xóm Kiệu (nay còn tên gọi Cầu Kiệu), ở quận 4 có Xóm Chiếu, quận 1 có Xóm Vườn Mít (khu vực Tòa án Thành phố), Xóm Cối Xay. Khu vực Chợ Lớn có Xóm Huê Nương (còn gọi là Xóm Lồng Đèn), Xóm Củi, Xóm Than, Xóm Chỉ, Xóm Lò Vôi, Xóm Đất, Xóm Lò Gốm, Xóm Bột... Một số tên gọi vẫn còn nghe nhắc tới như Xóm Gà (quận Bình Thạnh), Xóm Chiếu (quận 4), Xóm Củi (quận 8), Xóm Lồng Đèn (ở khu Phú Bình quận 11 chuyên sản xuất lồng đèn dịp Trung thu).. Ngoài một số vẫn còn được nhắc đến bằng tên đường (đường Xóm Đất), tên cầu (Cầu Kiệu), tên rạch (Rạch Lò Gốm), hoặc tên chợ (Chợ Xóm Củi, Chợ Xóm Chiếu)..., còn lại những tên tuổi một thời nay đã mất dấu, vì theo thời gian đã không còn gắn bó với ngành nghề..

Nghề làm lồng đèn.

Như tên gọi của xóm, đó chính là ngành nghề liên quan đến trồng trọt, sản xuất, hay thương mại của khu vực, chẳng hạn Xóm Giá chuyên làm giá đỗ (giá làm bằng đậu xanh). Xóm Gà (xóm này nay thuộc quận Gò Vấp) trước đây là một xóm nghèo thuộc ngoại ô, có nhiều dân ở các nơi khác đến tạm trú thường làm thuê, làm mướn, hoặc buôn bán nhỏ. Xóm Gà như tên gọi, ngày xưa nuôi nhiều gà, có gà thịt, cũng có cả những giống gà chọi đá độ ăn tiền như gà tre, gà nòi... cung cấp cho những trường gà cá độ ăn thua. Xóm Kiệu ở khu vực chợ Phú Nhuận bây giờ xưa chuyên trồng kiệu, loại cây có củ để làm củ kiệu cho dân nhậu lai rai. Tương tự Xóm Chiếu chuyên dệt chiếu. Quận 1 có Xóm Vườn Mít trồng mít, theo học giả Vương Hồng Sển ngày xưa những người dân nghèo xóm này xay hột mít ra làm bột để bán. Xóm Cối Xay chuyên đục đẽo đá làm cối xay. Xóm Củi bên quận 8 là nơi bán củi, Xóm Than bán than. Xóm Lò Vôi nung vôi, Xóm Lò Gốm làm đồ gốm, đồ gốm Chợ Lớn-Cây Mai nổi tiếng Nam kỳ Lục tỉnh một thời. Xóm Đất chuyên bán các loại đất sét làm gốm cho lò gốm. Xóm Bột chuyên sản xuất các loại bột, trong bài Phú Gia Định có câu "Ngoài Xóm Bột phơi phong trắng dã, nhiều bột mì, bột đậu, bột lọc, bột khoai".

Khoảng đầu thế kỷ 20, Xóm Gà cũng là nơi tạm trú của khá nhiều văn nhân thi sĩ trong cả nước đến tá túc, làm việc, trong đó có những nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng một thời như Phan Khôi, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Tế Xuyên, sau này nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Bùi Giáng cũng có sống tại Xóm Gà...

Gốm Chợ Lớn-Cây Mai xưa.


Nơi khu vực Chợ Lớn khi xưa nay thuộc quận 5, có Xóm Chỉ, ít năm trước đây khi chưa làm Đại lộ Đông Tây vẫn còn một cây cầu sắt bắc qua kênh rạch gọi là cầu Xóm Chỉ, theo cố học giả Vương Hồng Sển khi xưa nơi này bán chỉ. Tuy nhiên theo sách Lược khảo Nguồn gốc Địa danh Nam Bộ của Bùi Đức Tịnh, thì tên đúng là Xóm Trĩ. Thời xưa vùng này là nơi buôn bán trĩ, là những nhánh hay cành cây to cỡ ngón chân cái, dài khoảng 2m, dùng để làm hàng rào, hay làm bủa để nuôi tằm. Khu vực trung tâm Chợ Lớn có Xóm Huê Nương, còn gọi là Xóm Lồng Đèn, cũng  theo học giả Vương Hồng Sển ngày xưa dân Sài Gòn - Chợ Lớn quá mười giờ đêm muốn ra đường phải xách theo một cái lồng đèn. Ở Xóm Huê Nương (Xóm Lồng Đèn) về khuya dân ăn chơi sau khi đi ăn nhậu khuya về thường xách lồng đèn tìm đến Xóm Huê Nương, là nơi những cô gái sống về đêm... Dĩ nhiên Xóm Huê Nương (Xóm Lồng Đèn) đã bị dẹp bỏ từ lâu, khác với Xóm Lồng Đèn làm lồng đèn Trung thu cho trẻ nhỏ ở khu vực Phú Bình quận 11, nay vẫn còn làm thời vụ một mùa Trung thu.

Những xóm nghề của Saigon một thời nay đa số không còn nữa, may ra thỉnh thoảng chỉ  còn được nhắc đến qua sách vở, hay nơi ký ức của những người hoài niệm...


Tham khảo:

- Sài Gòn Năm Xưa, Vương Hồng Sển, NXB TP. HCM - 1997.
- Sài Gòn tạp pín lù, Vương Hồng Sển, NXB VH-TT - 1998
- Lược Khảo Nguồn Gốc Địa Danh Nam Bộ, Bùi Đức Tịnh, NXB Văn Nghệ TP. HCM -1999.
- Sài Gòn Xưa, Sơn Nam, NXB Trẻ - 2008.

* Ảnh Internet.

22 nhận xét :

  1. Lụm tem vàng nha Bác Hiệp.....Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói khg phải khoe , chớ hồi trước đây khi còn sống dưới quê, nhà tui cũng có lảnh chiếu về làm đấy Bác hiệp à...Lúc đầu dập khung ( hông nhớ kêu là cái gì bị quên...Hihi) chưa đều tay nên 1 bên đầu lớn và nhỏ ...Hihi, nhưng dần dần cũng làm được đấy Bác Hiệp à...Giờ thấy bài này tự nhiên nhớ lại hồi xa xưa.....vì lúc đó tui với Mẹ là thường xuyên lảnh về làm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.........Huhu. Thanks Bác Hiệp nha

      Xóa
    2. Chúc mừng lụm tem vàng :-)))

      MTB giỏi dữ ha, nghề làm chiếu này tôi cũng có biết sơ qua, mới đầu làm chưa quen, chưa đều hay chắc tay chiếu không đẹp. Nghề này cũng đi vào ca dao rồi đó chứ "Giúp em đôi chiếu em nằm". Thế MTB có dệt được cho mình đôi chiếu nào không?

      Xóa
    3. Đúng rồi Bác Hiệp à, nếu dập 2 tay khg đều là chiếu sẽ có đầu lớn và nhỏ phải sửa lại rất cực, nếu khg sửa thì đem ra giao cũng bị người ta mắng cho 1 trận...Huhu. Tui lảnh về làm mà nên khg códệt chi cho mình đâu Bác Hiệp, ngày trước phải phụ mẹ làm để kiếm tiền mà...Huhu , vì ngày trước 2 mẹ Con phải bơi xuồng ra tận Sadec nhưng phải bơi ra ngoài sông cái mới lên được tới chỗ lảnh chiếu về làm, tui nhớ mãi có 1 lần 2 Mẹ Con đi giao chiếu nhưng vì xuồng nhỏ mà nước sông lớn chảy xiết nên xém chút là bị lật úp và bị dìm cả xuồng lẫn người đó Bác Hiệp à, cũng may 2 Mẹ Con cố gắng bơi xuồng qua khỏi chỗ nước chảy xiết đó và an toàn, vì lần sau khg dám đi đường ngoài sông lớn mà đi ngõ khác xa hơn nhưng an toàn

      Xóa
    4. Vậy quê MTB ở miệt Sa Đéc ha? Người dân xứ Sa Đéc, Đồng Tháp, Long Xuyên nói chung hiền hòa, ở miệt gần Sa Đéc thì hơi thích... huhu. Bây giờ dân vùng quê sông nước cũng thế, lâu lâu thấy báo chí đăng tin những vụ lật xuồng, lật ghe, bạn may lắm đó.

      Dệt chiếu phải có cái khung dệt, hơi giống như khung dệt thổ cẩm của người Cao nguyên, rồi phải pha màu, vẽ chữ (thường là Song hỷ, Hạnh phúc nữa). Sao qua Mỹ không mở "Xom dệt chiếu"? :-)))

      Xóa
    5. Quê Ngoại và Nội đều ở Sadec......chỉ sau giải phóng mấy Mẹ con mới chuyển về ở dưới quê khoảng hơn 10 năm, đến khi Mẹ tui lâm bệnh lại chuyển về thành phố sống , còn làm chiếu chỉ trong thời gian ngắn thôi à, nên cũng khg có rành mấy, nhưng cũng kiếm cơm được.....Hihi.

      Xóa
    6. Xin cho Mùa Thu Buồn hỏi Bác Hiệp 1 chút nha, những cọng dây mắc làm khung để dệt chiếu có phải được gọi là CỌNG TRÂN hay khg ạ....hơi lâu nên tui nhớ mài mại......Hihi, thanks Bác Hiệp nha

      Xóa
    7. Sao không lập Công ty Chiếu cói MTB (Chiếu cói Company)? Hihi, vậy là gái Sa Đéc đấy chứ, nghe nói con gái vùng này đẹp có tiếng, nhất là gái Nha Mân gì đó.

      Tôi cũng không rành về tên gọi của mấy sợi dây khung dệt. Sau giải phóng kế nhà tôi cũng có người làm chiếu nên biết sơ qua thôi.

      Xóa
    8. Tại gia đình có truyền thống đi làm mướn khg hà Bác Hiệp ơi....Hihi. Vâng cũng là gốc quê dân Sadec , hiền hòa, dễ thương....thì có , nhưng có điều khg phải gái Nha Mân nên xấu hoắc à.....Hehe

      Xóa
    9. Theo tôi hiền hòa dễ thưng là ưu tiên hàng đầu, đẹp nhiều khi... sinh chuyện, hihi!

      Xóa
  2. 1. Nghe nói ở thời lưu dân thế kỷ 20, 21 này ở SG đã hình thành những xóm nghề mới: Xóm mì gõ, Xóm ve chai, Xóm viên chiên... nữa bác Phạm à!
    2. Nghe nhắc chữ trĩ: những cành cây cỡ nhỏ, mới nhớ cách làm tường nhà đất ở quê miền Trung thời trước, dùng các cành cây nhỏ đan làm cốt rồi trát đất hai mặt. Những cành cây này gọi là mầm trĩ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là Saigon cuối thế kỷ 20 sang 21 có những xóm nghề mới, chẳng hạn xóm mì gõ, xóm ve chai, xóm cá viên chiên, thậm chí còn có xóm "thầy chùa dởm", xóm hành khất... (2 xóm sau này quy tụ nhà sư dởm đi hành khất, bán nhang đèn, xin tiền từ thiện, xóm hành khất cũng thế... thường họ ở vùng ngoại ô nơi những xóm nhà cho thuê cấp 5 cấp 6, nhưng tiền xin được có khi khá nhiều).
      Cụ Nô nhớ hay lắm, tôi cũng có nghe nói đến loại "mầm trĩ" này, xưa để làm "cốt" nhà.

      Xóa
  3. Đọc bác H giải thích từ Xóm : chữ nôm , mượn từ chữ Điếm tiếng Hán , làm M nhớ chuyến đi thăm khu di tích Cổ loa vừa rồi , M có đọc thấy trong khu di tích ,từ xa xưa, ở mỗi khu xóm như xóm Chùa , xóm Chợ v.v.. đều có một ngôi Điếm dùng làm nơi hội họp của làng xóm , gọi là Điếm xóm Chùa , Điếm xóm Chợ, những ngôi Điếm ấy bây giờ vẫn còn , đó là những ngôi nhà cổ mang nét đặc trưng của miền quê Bắc bộ. M rất thích nên có chụp một tấm hình và giới thiệu trên blog của M . Nhưng khi chú thích lại ghi là " Xóm điếm" thay vì " Điếm xóm". Thiện tai , may là sau đó đã kịp nhận ra và edit (-:
    Bây giờ đọc bác H viết thì hiểu Điếm và Xóm có cùng nghĩa . Lúc ở Cổ Loa cứ nghĩ từ " Điếm xóm" là có nguồn gốc từ " Điếm canh "

    Trả lờiXóa
  4. Chữ Xóm 坫 Đại Nam Quấc Âm Tự Vị đã viết chữ Xóm như thế, âm Hán Việt là Điếm, Hán Việt từ điển trên mạng giải thích (theo tiếng Hán Việt) là cái bục, cái bệ (chỗ ngày xưa để vua chúa khi hội họp xong bày yến tiệc hoặc tế lễ).

    Còn Điếm canh hay Khách điếm (chỗ trọ) chữ Nôm viết khác 店 .

    Nếu Marg. ghi "Xóm điếm" hay "Điếm xóm" nghe ấn tượng quá :-))))) Bởi chữ Nôm 惦 cũng đọc là Điếm có nghĩa là những cô gái giang hồ.


    Trả lờiXóa
  5. Về làng nghề bạn PNH nói đủ, bu xin nói thêm về chữ xóm để thấy ông cha chúng ta thuở xưa lúng túng đến cỡ nào về vụ chữ nghĩa. huhuhu
    1- Cụ Nguyễn Du viết 3250 câu Kiều không có chữ xóm, nên không biết cụ sẽ viết chữ xóm như thế nào trong trường hợp cần đến.
    2- Bạn PNH nói chữ xóm là mượn chữ điếm 坫….theo cách Giả tá là đúng, ngoài ra còn 5 cách nữa theo kiểu Hình thanh sau đây.

    xóm = ( nhân人 + điếm 店)
    xóm = (khẩu 口 + điếm 店)
    xóm = (đồn屯 + thôn村)
    xóm = ( ấp邑 + chiêm占)
    xóm = (trúc 竹 + điếm 坫)
    (Không thể viết được chữ nhân đứng bu dùng chữ 人 Các bạn đọc tạm)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo Đại từ điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính thì chữ Xóm bao gồm đến 6 chữ như bác Bu đã viết bên trên, một chữ Giả tá mượn chữ Điếm Hán Việt 坫, 5 chữ nữa là:

      1/ nhân亻+ điếm 店
      2/ khẩu 口 + điếm 店
      3/ đồn屯 + thôn村
      4/ ấp邑 + chiêm占
      5/ trúc 竹 + điếm 坫

      Chưa kể trong sách Bảng tra chữ Nôm của NXB Khoa học Xã hội Hà Nội in năm 1976 còn một chữ Xóm nữa khác cả 6 chữ Xóm kể trên.

      Xét thế mới hay ngày xưa học hành còn khổ sở hơn gấp bội bây giờ :-)))

      Xóa
  6. Thiệt là thú vị! Những chuyện lan man này nếu không có người kể lại thì sẽ "theo ngày tháng phôi phai (HN nhắc lại "phai" chứ không phải "pha"), nếu "lên mâm lên bát" thành một biên khảo thì đôi lúc, chỉ dành cho người nghiên cứu, ít người đọc. Bác NHP có thời gian sống một thời gian dài của Sài Gòn xưa, viết lại những chuyện này thất giá trị, giúp ích cho những ai thường hoài niệm quá khứ và có hướng nhìn xã hội học cũng như ưa tìm hiểu về thời sự quá khứ của một vùng đất về mặt xã hội.
    Có một chỗ HN muốn hỏi lại, trong reply cho MTB bác dẫn câu ca dao: "Giúp em đôi chiếu em nằm", HN hơi ngờ ngợ, nếu đó là bài "Thách cưới": Em là cô gái nhà giàu/ Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao..." thì câu đó là "Cưới em đôi chiếu em nằm/ Đôi chăn em đắp đôi tằm em đeo", cũng lùng bùng cả rồi, bác coi lại giúp nhé!
    Nếu HN viết bài này chắc sẽ chua thêm phần...dự báo! Sau thế hệ chúng ta, chắc sẽ có thêm "Xóm bụi đời", "Xóm dao búa", "Xóm bia ôm", "Xóm đại gia"... Biết thế nào! Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện xưa ở Saigon chắc có nhiều để nói đó bác HN.

      Bài ca dao đó cũng chính là bài hát ru của những bà mẹ xưa:

      Hôm qua tát nước đầu đình,
      Bỏ quên cái aó trên cành hoa sen.
      Em được thì cho anh xin,
      Hay là em để làm tin trong nhà.
      Áo anh sứt chỉ đường tà,
      Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
      Áo anh sứt chỉ đã lâu,
      Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
      Khâu rồi anh sẽ trả công,
      Đến khi lấy chồng, anh lại giúp cho:
      Giúp em môt thúng sôi vò,
      Môt con lợn béo, môt vò rượi tăm;
      Giúp em đôi chiếu em nằm,
      Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo;
      Giúp em quan tám tiền cheo,
      Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.

      Có sách viết "đôi tằm em đeo", nói chung không rõ "chằm" hay "tằm" là món trang sức gì? Có lẽ là đôi bông (hoa) tai chăng?

      Vài ba chục năm nữa thì Saigon sẽ có thêm nhiều xóm lắm, đúng như bác HN nói. :-)))

      Xóa
    2. Bài ca dao trên tôi copy lại trên một trang mạng, đọc lại mới hay viết là "Giúp em một thúng sôi vò", "sôi vò" trời ạ. :-)))

      Xóa
    3. Quên, trong comment bác HN nhấn mạnh chữ "phai" trong phôi phai thay vì là "pha" (phôi pha), chắc phải có ý hay lý do gì đó? Bởi chữ đúng là "pha", như câu Kiều "Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha", Từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh giải nghĩa là "phai nhạt đi, kém đằm thắm".

      Xóa
  7. Vào nhà thăm anh Hiệp , em rất thích ở chỗ là được học hỏi rất nhiều kiến thức mà có lẽ em chưa bao giờ có dịp nghe nói đến ! Có lẽ tại em lười đọc sách báo nên chẳng biết gì , nhưng hỏng sao , hôm nay có cả một tủ sách ở nhà anh ...em tha hồ mà vào để đọc ...hihi ...thích thật đó ! Cảm ơn anh Hiệp nhiều nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn NangTuyet đã thường xuyên ghé thăm, nếu ở nhà tôi là kiến thức sách vở thì bên nhà NangTuyet lại là kiến thức thực tế từ thiên nhiên, hoa cỏ, nhân văn, rất sinh động, bổ túc cho nhau hay lắm đấy, hìhì!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))