Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Văn hoá.



Trong entry trước các bạn đã nhắc đến chữ văn hoá, Toro nói "chẳng lẽ có sản phẩm văn hoá mang nội dung đồi truỵ - văn hoá phẩm đồi truỵ; rồi văn hoá phong bì để chỉ nạn hối lộ, tham nhũng hiện nay...". Ông bạn Bulukhin trích dẫn một câu khác "Văn hoá là cái còn lại sau khi đã mất đi tất cả, và cái còn thiếu sau khi đã học hết tất cả". Hoặc nói theo sách vở "là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử".

Nhân đây tôi muốn nhắc lại thêm một nét văn hoá xưa kia, mà cách nay khoảng 20 năm thỉnh thoảng tôi vẫn còn bắt gặp trong những xóm nhỏ lao động của thành phố Saigon. Đó là một nhóm dăm ba cô bác đã lớn tuổi, có người đầu đã bạc trắng, buổi tối sau bữa cơm chiều, ra ngồi nơi cái phản trước hiên nhà đờn ca. Tôi rất thích cái khung cảnh, hình ảnh đó.Với vài cây đàn kìm, đàn cò, đàn nhị, cái song lan gõ làm nhịp, có khi thêm cây đàn tranh... Những cô bác với phong cách Nam bộ rặc ngồi với nhau đàn ca, âm nhạc ở đây là những bài hát vọng cổ xưa... Sau này tìm hiểu thì tôi biết đây là ca nhạc tài tử... Một nét văn hoá đã có từ thời xưa nơi người dân Nam bộ.



Ca nhạc tài tử Nam bộ bắt nguồn từ âm nhạc tài tử Nam bộ, từ khi những lưu dân miền Trung, miền Bắc, vào khai phá vùng đất mới phương Nam mấy thế kỷ trước. Những cư dân Việt đầu tiên rời bỏ quê hương, xứ sở, hẳn khi đi họ sẽ mang theo những gì có thể mang theo được đến vùng đất mới, những vật dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong sản xuất. Trong tâm hồn của họ là những điệu hò, điệu lý, câu dân ca của từng miền, cùng cây đàn kìm, đàn nguyệt... Khi cuộc sống đã tạm ổn định, đình, đền thờ... được lập, có đình, có đền, có nơi thờ tự gởi gắm tâm linh, những câu ca, điệu hát dâng lên thần linh đã hình thành... Đất Nam bộ cũng là nơi gặp gỡ của những nền văn hoá, người Chân Lạp bản địa, người Chăm từ miền Trung, người Minh Hương từ Trung Hoa, người thuộc khu vực Nam đảo (Java, mà ta quen gọi chung là Chà Và). Tất cả đã hoà quyện, tạo nên một cuộc sống, một nền văn hoá mới độc đáo.

 Đây là một hình thức âm nhạc thính phòng, nghĩa là đờn ca để nghe chứ không phải để xem, hay trình diễn trước đám đông. Buổi đầu của nó là sau một ngày làm việc vất vả, năm bảy cư dân tụ tập nhau lại, trên chiếc tam bản, giữa mênh mông sông nước, dưới mái hiên góc vườn, hay trên bộ ván bên hè..., cùng nhau đờn và ca cho nhau nghe, gọi là tri âm tri kỷ, tạm quên đi nỗi nhớ quê hương trên vùng đất mới...




Nền tảng của ca nhạc tài tử Nam bộ là thang âm ngũ cung, Hò - Xừ - Xang - Xế - Cống. Ngũ cung từ cao đến thấp tương ứng với Ngũ hành, Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Trong nhạc tài tử có nhịp ngoại và nhịp nội thường đối nhau, tương ứng với triết học Đông phương, trời (dương) đất (âm) sinh ngũ hành, ngũ hành sinh vạn vật. Nhạc tài tử Nam bộ có nhịp ngoại - nội, lấy ngũ cung làm nền tảng để các nghệ nhân dân gian sản sinh ra biết bao nhiêu bài bản cho người ca và người nghe.

Ca nhạc tài tử Nam bộ mang tính dân gian, nhưng lại là dòng nhạc bác học chính thống Nam bộ. Có lẽ chữ "tài tử" mang đến cái cảm giác "nghiệp dư, không chuyên nghiệp". Thật ra những nghệ nhân dân gian hình thành nên dòng ca nhạc tài tử Nam bộ, ban đầu là những người giữ nhạc lễ nơi những đình miếu, họ giỏi về nhịp, điệu..., giữa người ca và người đờn phải đúng hơi, đúng nhạc, người ca yếu hoặc người đờn dở không thể hình thành cuộc chơi. Khi xưa ca nhạc tài tử là một lối sinh hoạt tao nhã, tài tử ở đây là những người tài, ngón đàn giọng ca thường điêu luyện.

Từ ca nhạc tài tử đã ra đời những bản vọng cổ đặc sắc mang tính cách Nam bộ, được rất nhiều người yêu thích, một trong những bản vọng cổ đầu tiên là bản vọng cổ Dạ cổ hoài lang của cố soạn giả Cao Văn Lầu. Sau này, khoảng thập niên 20 của thế kỷ XX, những bài ca vọng cổ đã là nền tảng cho một bộ môn sân khấu được nhiều tầng lớp ở miền Nam yêu thích, đó là ca cải lương. Sách vở cũng ghi nhận, vào năm 1920, ông Trương Văn Thông từ Sa Đéc lên Saigon lập gánh hát và đặt tên là "Gánh cải lương Tân Thinh", lấy từ hai câu đầu của câu liễn: "Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh". Có lẽ đây là gánh cải lương đầu tiên ở miền Nam...

Cách nay vài năm tôi có dịp về miền Tây, đi ghe len lỏi trong những kênh rạch, ghé thăm những lò làm kẹo dừa, kẹo chuối... Buổi trưa ghé nơi một cù lao giữa sông Hậu nghỉ và ăn trưa. Bữa ăn mang nhiều nét dân dã, rất ngon, thoảng nghe tiếng đàn ca, hỏi mới biết nhà hàng có phục vụ ca nhạc tài tử, đó là những ban nhạc gồm dăm bảy người, có đàn, phách, và vài cô gái trẻ mặc áo bà ba xanh đỏ giúp vui... Nghe người tài xế hợp đồng xe nói, ban nhạc dành cho mấy ông ham vui hơn là những người thích nghe nhạc....


Tham khảo:
- Tìm hiểu nghệ thuật cầm ca Việt Nam, Toan Ánh, NXB Đồng Tháp, xuất bản năm 1998.
- Sân khấu cải lương Nam bộ, Đỗ Dũng, NXB Trẻ, xuất bản năm 2003.

* Ãnh internet.



 

30 nhận xét :

  1. Lụm con tem vàng trước anh Hongngoc...Kaka.
    Bác Hiệp quả là người rất uy tín....Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tuy chỉ là vui chơi, nhưng Uy tín - Chất lượng, luôn là tiêu chí của bổn tiệm, hìhì!

      Xóa
  2. Trả lời
    1. Cám ơn bác NguoiGia đã vào xem ủng hộ :-))

      Xóa
  3. 1- Được biết Đờn ca tài tử – loại hình nghệ thuật được nhiều thế hệ người Việt yêu thích đang chờ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
    2- Người ta đã biến khái niệm rất khái quát về văn hóa thành ra một cái gì cụ thể và thô thiển: "Khu phố văn hóa". "làng văn hóa"...Người phương Tây ăn bằng thìa, nĩa, dao, không thể chê người Ấn Độ ăn bốc là thiếu Văn hóa.
    3- Để tham khảo thêm về đàn nhị và đàn cò
    Đàn nhị là nhạc cụ thuộc bộ dây có cung vĩ, do đàn có 2 dây nên gọi là đàn nhị (二). Đàn xuất hiện ở Việt Nam khoảng thế kỷ 10. Ngoài người Kinh, nhiều người dân tộc thiểu số Việt Nam cũng sử dụng rộng rãi nhạc cụ này (Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Giấy, H’Mông v.v.)
    Tuy phổ biến tên gọi "đàn nhị", nhiều dân tộc tại Việt Nam còn gọi đàn bằng tên khác nhau. Người Kinh gọi là "líu" (hay "nhị líu" để phân biệt với "nhị chính"), người Mường gọi là "Cò ke", người miền Nam gọi là "Đờn cò". Hình dáng, kích cỡ và nguyên liệu làm đàn nhị cũng khác nhau đôi chút tùy theo tộc người sử dụng nó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã đưa thêm những thông tin bổ ích về văn hóa. :-))

      Xóa
    2. Để dịch những khái niệm "Khu phố văn hóa" cho mấy ông Tây bà Đầm hiểu, chắc phải toát mồi hôi hột, hai bác nhỉ!

      Xóa
    3. Hihi, những tên gọi "khu phố văn hóa", "làng văn hóa", "gia đình văn hóa", là những sản phẩm "thuần" XHCN VN, văn hóa, từ một khái niệm triết học, biến thành một khu phố, một làng, một gia đình... Và ở xứ ta, cái gì càng "vỗ ngực xưng tên", lại càng ngược với tên gọi...
      Tây đầm thì khỏi nói rồi, có bao giờ một ông Tây dám vỗ ngực nói "gia đình tao là gia đình văn hóa"?

      Xóa
  4. Cám ơn bác Phạm Ngọc Hiệp về bài viết thú vị.
    Bác băn khoăn :Có lẽ chữ "tài tử" mang đến cái cảm giác "nghiệp dư, không chuyên nghiệp". Rồi bác khẳng định : tài tử ở đây là những người tài, ngón đàn giọng ca thường điêu luyện.
    Tôi nghiêng về sự khẳng định này. Tài tử nghĩa thứ nhất là người (đàn ông) có tài, nghĩa thứ hai mới là "không chuyên". Tôi thấy các diễn viên ca nhạc, điện ảnh cũng được gọi là tài tử : tài tử xi-nê, tài tử Ngọc Bảo ( ca sĩ Ngọc Bảo)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ tài tử trong truyện Kiều Nguyễn Du có nói đến "Dập dìu tài tử giai nhân", và cụ Đào Duy Anh đã giải nghĩa là "người đàn ông có tài". Về sau tài tử là để chỉ người diễn viên điện ảnh, tài tử xi nê ma như bác Vũ Nho nói bên trên, là từ tiếng Pháp "amateur", và sau này biến thể của chữ tài tử là "không chuyên nghiệp", hoặc "không chú tâm vào việc làm", chẳng hạn xưa ở miền Nam hay nói "cha đó làm việc tài tử lắm", nghĩa là tay đó làm việc theo kiểu "ầu ơ ví dầu".

      Xóa
    2. "amateur" để chỉ người không chuyên nghiệp còn tài tử xinêma tiếng Pháp là "acteur" , bác H hơi quên rồi ((-:

      Xóa
    3. Hihi, vậy mà nhớ ra tài tử xi nê ma là amateur mới chết chứ, cám ơn bạn Marg. đã sửa sai :-)))

      Xóa
    4. Tại nhiều "tài tử" sống cũng amateur lắm nên mới vận vào... nghĩa của từ vậy!

      Xóa
    5. Nói chung tài tử thuộc nhóm nghệ sỹ, mà nghệ sỹ thì "amateur" rồi, chịu không thấu :-))

      Xóa
  5. HN thấy bên khu du lịch Bình Quới cũng tái hiện lọai hình nghệ thuật này nhưng không bằng khung cảnh đồng bằng sông Cửu Long với những "tài tử" thật sự. Có lần HN đi nghe ca Huế trên sông Hương vào một đêm trăng khi thuyền đi từ cầu Trường Tiền lên cầu Giả Viên. Giờ giải lao, hỏi chuyện các ca sĩ, nhạc công, họ toàn là dân Quảng Bình vào học trường nghệ thuật rồi đi diễn kiếm tiền, không có "một o mô là Huệ"! Bài viết của bác cùng với những cmt giúp thêm hiểu biết cho nhiều người!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở Saigon thì khu du lịch Bình Quới đã tái hiện một số nét văn hóa Nam bộ, chẳng hạn về ẩm thực, những trò chơi dân gian, trong đó thỉnh thoảng có đá cá lia thia, đá dế, đờn ca tài tử... Tuy nhiên đó cũng chỉ là tái hiện để phục vụ cho du lịch, tức là "giả" hơn là thật, nhiều khi nhạt nhòa, không thể hiện được cái "hồn" của sự việc, vì các "diễn viên"
      chỉ biết "diễn" theo kịch bản, mà không hiểu gì mấy cái mình đang làm.
      Tiếc là bây giờ loại hình đờn ca tài tử này gần như đã biến mất trong những xóm nhỏ ở thành phố, có lẽ lớp người rành về "sáu câu" đã không còn, thay vào đó là những nhóm nhậu chơi gui ta om xòm...
      Ra Huế mấy lần trong tour có nghe ca Huế trên sông Hương vào buổi tối, thấy họ hát cũng hay, có thả hoa đăng, nhưng cũng cảm nhận đây là "dịch vụ" kiếm sống chứ không phải là nghệ thuật.

      Xóa
    2. Nô nghe ca Huế ngày xưa cũng toàn mấy o Quảng Bình vô ca thôi! Vì mấy o QB đa phần đều có giọng hát.... Huệ còn hơn Huế!

      Xóa
  6. Những mùa hè trước 75 có dịp về miền Tây , đúng là khi chiều xuống , ngồi trước hiên nhà nhìn ra sông Tiền mênh mông , chung quanh cây cỏ im ắng, không biết làm gì hơn là ngồi tụm lại ca hát nghêu ngao . Nhớ có lần mấy anh xóm bên nghe nói có các cô ở Sài Gòn về thì tìm qua ngồi ca hát cho vui . Trong khi cô gái SG hát : " Nhà em bên chiếc cầu soi bóng ... ", thì anh chàng kia tiếp theo bằng những câu giọng cổ mùi mẫn . Các cô SG sau đó cười khúc khích nói nhỏ với nhau : " Nghe xuống mấy câu vọng cổ ... hết mê !!!"

    Cho tới bây giờ có thể thích nghe đờn ca tài tử như bài Dạ cổ hoài lang ... nhưng cải lương thì vẫn chưa thích được , có lẻ tại nó lê thê , lướt thướt , sướt mướt quá ((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hihi, những câu "giọng" cổ mùi mẫn là nói theo kiểu miền Tây đó nghe , haha ...

      Xóa
    2. Những bản vọng cổ trên sông nước miền Tây nghe rất hay. Cải lương theo tuồng tích xưa xem hay, nhưng cải lương tân thời kiểu tuồng xã hội thì đúng là khó tiếp thu, chỉ nội cái tên thôi ghe đã thấy oải, chẳng hạn "giọt máu oan cừu", "đứa con rơi của quân vương"..., tuồng tích gì mà lê thê quá... Bởi vậy sân khấu cải lương miền Nam đến hết thế kỷ XX là ngắc ngoải, không thích hợp với cái nhanh, gấp gáp của cuộc sống bây giờ. "Giọng" cổ thì phải mùi mẫn rồi :-)))

      Xóa
    3. Hát "Đàn chim việt" của Văn Cao mà chuyển sang nghe "Trời ơi bởi sa cơ giữa chiền trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà!" thì cũng hơi "bị" khó nạp, đúng như MB nói!

      Xóa
    4. Hihi, kiểu hát "Tân cổ giao duyên" ngày trước trong cải lương cũng rất "chọn lọc" bài hát, những loại nhạc tiền chiến, hoặc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng... không thể chuyển sang tân cổ giao duyên được, những bài chuyển được thường mang âm hưởng "nhạc sến"...
      Nhân đây tôi cũng được đọc một vài bài trên mạng về "nhạc sến", hình như có một số người (kể cả nhạc sĩ), nếu không sống ở miền Nam trước năm 75 thì thường không hiểu (hay cảm nhận) rõ lắm về từ "nhạc sến", người ta thường gộp chung nhạc sến là "nhạc tình" hoặc "nhạc não tình". Chắc bác HN cũng biết là không phải thế. Nhạc sến định nghĩa khá khó, nhưng những ai như tôi nói, ở miền Nam trước năm 75 có quan tâm tới âm nhạc hẳn sẽ rõ.

      Xóa
    5. Cũng lạ, Nô mà về miền Tây, được một buổi chiều mưa trên sông, ngồi với bạn bè cùng dàn rượu đế mà nghe VC, TCS, PD... (nói chung là nhạc quí phái), lại hổng vô bằng một câu "zọng" cổ hoặc nhạc bolero!

      Xóa
    6. Aha, cái này thì đúng như bác Nô nói, âm nhạc luôn "có nơi chốn" của nó, bềnh bồng sông nước này xưa có câu hò, điệu lý, rồi đến sáu câu vọng cổ... Bác Nô đã từng sống trong một xóm bình dân, hay một trại gia binh trước năm 75 không? Buổi trưa nhà tôn thấp lè tè trời nóng hầm hập, bên hàng xóm con nít khóc, nghe một câu cải lương, hay vọng cổ mới thấm thía, nhạc PD với Tuấn Ngọc, TCS hay Khánh Ly không hợp trong không gian ấy.

      Xóa
  7. Đúng là đặc sản miền Tây, lần nào xuống Cà Mau em cũng được mời đến quan Tuấn Liêm - Hồng Chi nghe ca cổ... Thật là vui và vui hết mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ca cổ, vọng cổ nghe rất hay, nhất là trong một khung cảnh đồng quê sông nước miền Tây Nam bộ phải không Toro?

      Xóa
    2. Đúng ạ... Nó da diết mà lại hồn nhiên.

      Xóa
    3. Cho nên có nhiều người thành phố nói không thích vọng cổ, nhiều khi tại không được nghe trong không gian, thậm chí thời gian thích hợp.

      Xóa
  8. Đúng là khi ở Tp em không bao giờ nghe ca cổ, nhưng về miền Tây thì lại thấy hay hay anh H ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bởi ca cổ được đặt đúng vào môi trường, vào "đất" của nó, :-))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))