Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Thần.




Hôm nọ tôi nghe được một bác người Bắc ở gần nhà "đe" đứa cháu nhỏ: "Này, không được chạy ra ngoài đường, ông ba bị bắt đấy". Lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại từ ông ba bị. Ông ba bị, hay đầy đủ hơn là câu ngày xưa tôi nghe các cụ nói để dọa con trẻ trong nhà "Ông ba bị chín quai, mười hai con mắt, hay bắt trẻ con". Thời nhỏ mà nghe dọa Ông ba bị là sợ dúm người, tuy chẳng rõ Ông ba bị là ai..

Tình cờ đọc lại quyển Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần - NXB Giáo Dục xuất bản năm 2004), có nói tới Ông Ba Bị và coi như một vị Thần dân gian của người Việt, như thần bếp, thần đất, thần núi, thần sông, thần cửa, thần giếng... cùng với ký họa của Henri Oger (đầu thế kỷ XX), vẽ một ông to lớn khuôn mặt dữ tợn, râu ria lởm chởm, đeo trên người ba cái bị bằng tre hay bằng cói, trong mỗi bị có khuôn mặt của đứa trẻ con ló ra. Ông Ba Bị, chính là một ông đeo... ba cái bị, chuyên đi bắt trẻ con như hình vẽ... Và Ông ba bị này ngày xưa chừng như là sản phẩm của Đàng ngoài (miền Bắc), chứ không phải Đàng trong (miền Nam), tôi sống từ nhỏ đến lớn ở miền Nam không thấy người miền Nam dọa trẻ con bằng Ông ba bị, mà nói tới Ông kẹ, người lớn miền Nam sẽ nói "ra đường Ông kẹ bắt à".

Thử xem một vài quyển tự điển trong Nam, ngoài Bắc giải thích từ Ba bị. Tôi bắt đầu bằng từ điển trong miền Nam trước, theo thời gian. Quyển từ điển xưa là Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (xuất bản năm 1895-1896 tai Saigon) viết: "Ông bị, tiếng nhát con nít, có người hiểu là thần". Huỳnh Tịnh Của viết là Ông bị chứ không phải Ba Bị. Việt Nam tân từ điển của Thanh Nghị (NXB Thời Thế Saigon xuất bản năm 1952), giải thích chữ Ba Bị: ". Một thứ ông kẹ bịa đặt ra để dọa con nít. Croquemitaine. Ba Bị chín quai. Ba Bị y hà: ogre, croquemitaine". Croquemitaine, ogre, tiếng Pháp, đại khái nghĩa tiếng Việt là Ông ba bị, ông kẹ , quỷ sứ... Từ điền tiếng Việt, Hán Việt, hay Pháp Việt, Việt Pháp ngày xưa của Thanh Nghị, Đào Duy Anh, hay ghi chú thêm tiếng Hán, tiếng Pháp trong giải nghĩa, rất hay, bây giờ không thấy nữa. Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí xuất bản năm 1971 tại Saigon giải thích: Ba Bị: "một thứ ông kẹ bịa đặt để dọa con nít". Quyển Từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Văn Xô chủ biên (NXB Trẻ xuất bản tại TP. HCM năm 2000) ghi, Ba Bị: "Tên gọi một người có hình thù quái dị đặt ra để dọa con nít".
.
Sang đến sách vở miền Bắc, Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, Bản in tại Saigon năm 1967 in lại bản in năm 1931 của Hà Nội, giải nghĩa chữ Ba Bị: "Giống quái lạ người ta bịa ra để dọa trẻ con; Ba bị chín quai, mười hai con mắt. Nghĩa bóng là tồi tàn xấu xí: đồ ba bị". Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 1967 tại Hà Nội), giải thích tương tự như tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức. Ba Bị: "Giống quái vật người ta bịa ra để dọa trẻ con: Ba bị chín quai, mười hai con mắt, hay bắt trẻ con". Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học Hà Nội xuất bản năm 1997), ghi, Ba Bị: "Tên gọi một người có hình thù quái dị bịa ra để dọa trẻ con". Từ điển Tiếng Việt (Minh Tân - Thanh Nghi - Xuân Lãm, NXB Thanh Hóa xuất bản năm 1998) cũng ghi nghĩa chữ Ba Bị như Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên. Từ điển Tiếng Việt của NXB Từ điển Bách Khoa Hà Nội xuất bản năm 2007 ghi, Ba Bị: "Ông Kẹ, ông già cả, nhân vật tưởng tượng trưng ra để dọa trẻ con".

Như vậy chúng ta có thể thấy đại đa số từ điển đều giải thích Ba bị là một nhân vật tưởng tượng để dọa trẻ con (tiếng miền Nam gọi là con nít), chỉ có Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, một quyển từ điển xưa, gọi là Ông bị, tiếng nhát con nít, có người hiểu là thần. Và cũng theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, trong mục từ giải thích chữ Bị, có ghi: cái bao rộng đáy. Một cái bị một cây gậy, là đồ nghề ăn mày. Mang bị: đi ăn mày.

Không biết Ông ba bị, có phải lấy từ hình ảnh của một ông ăn mày không? Như chúng ta đã biết, trước đây có từ "bị gậy" để chỉ chung cho giới ăn mày, bởi ăn mày ngày xưa là dân lang thang không nhà không cửa, sống bờ bụi, đích thị là người cùng khổ trong xã hội. Không nhà không cửa thì đi đâu họ cũng phải mang vài ba cái bị đựng tất cả "tài sản" của họ trên người, xưa người ăn mày thường già yếu, bệnh hoạn, họ chống thêm cây gậy để đi đứng cho vững, cũng là để đối phó với lũ chó, trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung gọi là đả cẩu bổng, một vật bất ly thân của dân Cái bang, và trong giới giang hồ đả cẩu bổng pháp là một thế trận võ hiệp, tuyệt chiêu của Cái bang, đứng đầu bởi một nhân vật khoái hoạt là Lão ngoan đồng Hồng Thất Công. Bây giờ những người ăn mày thường chỉ đi xin ngoài đường với đủ "chiêu trò" và nhiều khi họ kiếm được khá nhiều tiền nhờ lòng trắc ẩn của bá tánh, chứ thuở nhỏ tôi nhớ có những ông ăn mày rách rưới, có khi tàn tật, đeo vài ba cái bị như thế thỉnh thoảng xộc vào tận cửa nhà để xin, không cho lắm khi họ đứng ăn vạ khá lâu, và lúc còn nhỏ thì bản thân tôi rất sợ khi thấy những người ăn mày như thế.

Đấy là tôi thử cố tìm hiều về Ông ba bị, thế còn chín quai mười hai con mắt là gì nhỉ? Ba bị chín quai, có phải là ba cái bị thì có chín cái quai? Kiểu như cái giỏ xách ngày nay, hai quai để xách và một quai dài để đeo ngang người? Nghe cũng tạm ổn. Còn mười hai con mắt? Ở đây là mắt gì mà có mười hai cái? Có liên quan đến cái bị như chín quai (quai với bị mà) không? Chín quai, có vẻ như là con số chính xác, thế còn mười hai con mắt? Nếu là con số chính xác như chín quai thì nó nằm ở đâu nhỉ? Mười hai con mắt chia cho ba bị vị chi mỗi bị có bốn con mắt, nghĩ mãi chẳng ra bốn con mắt này nằm ở đâu trên mỗi bị. Hay đây là con số ước lệ mà người ta nói khống lên để quái dị hình ảnh Ông ba bị mà hù dọa trẻ con, đấy chính là mục đích mà người lớn dựng lên hình ảnh của Ông ba bị. Một người đeo ba cái bị và có đến mười hai con mắt thì quả là đáng sợ, như nhiều quyển từ điển đã viết Ba bị (Ông ba bị) là giống người quái lạ, quái dị, giống quái vật...?


Còn từ Ông kẹ mà ở miền Nam thường dùng, ngoại trừ nghĩa như Ông ba bị, tôi xem trong sách vở cũng chưa thấy đâu giải thích rõ gốc tích của Ông kẹ, chỉ biết ngày xưa người miền Nam cũng hay dọa con nít "hư quá coi chừng Ông kẹ bắt", tuy nhiên từ Ông kẹ cũng còn được dùng để ám chỉ những kẻ dữ dằn trong đời sống, chẳng hạn một Ông cò (cò bót khi xưa) có tiếng ăn hối lộ, nhũng nhiễu, người dân cũng dùng từ "Ông kẹ" để gọi.



17 nhận xét :

  1. ôi, ở nhà em cứ hù susu "con cáo cộp", thế mà susu sợ lắm dù cả nhà chẳng ai biết "con cáo cộp" ra sao :)
    nhưng cuối cùng susu cũng tự vẽ "con cáo cộp" cho cả nhà cùng biết
    http://bosusu.blogspot.com/2012/07/con-cao-cop_26.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Con cáo cộp", có phải là "con ngáo ộp" không bố susu? Ngày xưa thì "ngáo ộp" cũng là một "ông kẹ" của trẻ con đấy.
      Tôi sẽ vào xem susu vẽ con cáo cộp :-))

      Xóa
    2. e cũng ko biết bắt nguồn từ đâu mà e lại dùng từ "con cáo cộp" nhưng có lẽ cũng cùng nghĩa với "con ngáo ộp" :)

      Xóa
    3. Cáo cộp, từ điển xưa nay không có chữ này, có lẽ là một biến thể từ chữ ngáo ộp, hoặc ngóao ộp, ý nghĩa cũng tương tự như Ba bị hay Ông kẹ, từ này hình như cũng của miền Bắc.

      Xóa
    4. Người Tây phương cho rằng đừng nên dọa trẻ vì sẽ làm cho trẻ trở nên nhút nhát , lo lắng , sợ sệt cản trở sự phát triển tự nhiên của trẻ . Nhưng xem ra những sản phẩm không thật đó cũng làm phát triển trí tưởng tượng của trẻ như hình vẽ con "cáo cộp" của susu

      Xóa
    5. Hihi, đồng ý với bạn Marg, đấy là cái khác của hai nền giáo dục, nhưng trong trường hợp susu thì xem ra dọa lại hay :-))

      Xóa
  2. Người già đi ăn xin hom hem, tiều tụy, mang bị, chống gậy, trông khác thường trẻ con nhìn thấy rất sợ. Người lớn dùng hình ảnh ấy dọa trẻ con rất hiệu nghiệm. Cho dù ông ăn xin chỉ mang một bị ba quai, nhưng người lớn lại hư cấu thêm hai quai nữa thành ba quai...Để bắt được nhiều trẻ con ông ăn xin phải mang ba bị mới có chín quai. Mười hai chắc là nói cho vần với chữ quai. Chả nhẽ mỗi bị lại nhét vào hai đứa trẻ con, ba bị vị chi 6 đứa, mới có 12 con mắt...thì cũng suy diễn cho vui vậy chứ không chắc đúng được...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình ảnh Ba bị là ông ăn mày tiều tụy hom hem thì rất có lý, nhưng chín quai, mười hai con mắt thì khá bí ẩn, xem ra giải thích thế nào thì cũng chỉ là suy diễn cho vui như bác Bu nói...

      Xóa
  3. hồi nhỏ tui cũng sợ Ông Ba Bị qua lời hăm dọa của mấy Anh trai tui....sợ muốn chết,còn giờ chắc Ổng sợ lại tui.....Hehe

    Trả lờiXóa
  4. Đang Trung thu, Tết trẻ em mà bác Phạm lại mang ông Ba Bị ra(?). Có đứa nào đang hư hở bác? :D

    Trả lờiXóa
  5. Bây giờ chẳng còn đứa trẻ con nào biết và sợ Ông ba bị nữa, tụi nhóc chỉ biết siêu nhân với bét men thôi :-))

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn bác Phạm Ngọc Hiệp về sự khảo cứu công phu.
    Riêng chuyện 9 quai của ông Ba bị, tôi NGỜ sự suy luận bị có 2 quai xách cộng 1 quai đeo = 3 quai. Ba bị x 3 quai thành 9 quai. Nghe có vẻ hợp lí, song không mấy thuyết phục. Con số 9 là con số ngẫu nhiên để nói về sự khác thường. Xin bác xem chuyện Sơn tinh Thủy tinh. Vua Hùng thách cưới : Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao.9 quai ở đây chỉ sự khác thường, cũng như 12 con mắt ( nói cho vần ). Sẽ khó có trường hợp 3 bị 9 quai, 9 mắt hoặc bất kì một số nào chỉ mắt, vì lẽ hơn 2 mắt là bất thường, ở đây 12 con mắt chỉ có ý nghĩa bắt vần để nói cái khác thường của ông Ba bị. Ngay cả con số 3, chừng như cũng là một con số mà dân gian hay nói : Ba hồn bảy vía, ba đầu sáu tay, ba chân bốn cẳng...( lại có 5 cha 3 mẹ...).
    Bàn góp với bác cho VUI!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn những ý kiến xác đáng của bác Vũ Nho, đúng là trong dân gian tồn tại những con số xem ra không có mấy ý nghĩa cụ thể, như 3, 5, 7, 9, 10, 12... Chẳng hạn 3 chìm 7 nổi 9 lênh đênh, 12 bến nước, 5 thì 10 họa... Những con số có lẽ là chỉ để ám chỉ số nhiều, sự khác thường, hoặc để chỉ sự may mắn như số 9...

      Xóa
  7. Trẻ con hư thì dọa ông ba bị, người lớn hư thì dọa cái gì đây bác Hiệp :D

    Trả lờiXóa
  8. Chắc phải dọa... bà ba bị thôi TT, nghe thấy... bà là mấy ông sợ hết vía :-)

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))