Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Rằm tháng tám nhớ chuyện đèn lồng và bánh trung thu.


                                         Đèn lồng phất bằng giấy bóng kính.

                                                      Đèn ông sao.

Sắp đến rằm tháng tám, Tết trung thu, một cái tết cổ truyền của trẻ em Á đông nói chung, và của trẻ em Việt Nam nói riêng (tạm không nói tới chuyện Trung thu lâu nay là của người lớn, là dịp để họ biếu xén, ơn nghĩa qua lại...), đối với Trung Hoa có tích Hằng Nga - Hậu Nghệ, Đường Minh Hoàng du Nguyệt điện, còn người Việt thì có tích Chị Hằng, Chú Cuội, Thỏ Ngọc... Nói đến Trung thu là nói đến đèn lồng con cá, con thỏ, tàu bay, đèn ông sao, đèn xếp... phất bằng giấy bóng kiếng màu dành cho con trẻ, và cũng không thể không nhắc đến các loại bánh trung thu, dành cho... người lớn nhiều hơn là cho trẻ em.

 Đèn xếp.




Đối với đèn lồng trung thu, ở đây tôi cũng chỉ muốn nhắc đến loại đèn cổ truyền, làm bằng giấy, chứ không nói đến loại đèn bằng nhựa thắp sáng bằng pin, và có nhạc điện tử eo éo bây giờ. Đèn trung thu thường có 2 loại, loại có khung bằng nan tre phất giấy bóng kính để trẻ nhỏ xách đi rước lòng vòng trong xóm, đèn hình con cá, con chim, con gà, con bướm... dành cho trẻ nữ, và đèn tàu bay, tàu thủy, xe tăng..., sau này có đèn Tề Thiên, Trư Bát Giới, Đô Rê Môn, hay Siêu nhân... dành cho trẻ nam, loại khung tre phất bằng giấy còn có đèn kéo quân, khi đốt nến hay thắp đèn điện bên trong hơi nóng tỏa lên làm quay một cái cánh quạt, chuyển động những hình người hay con vật, in lên thành của đèn rất đẹp, loại này thường để treo trong nhà. Một loại đèn bằng giấy khác đơn giản hơn không có khung tre, được xếp bằng giấy mờ, có dạng hình ống, hoặc tròn như quả bí ngô (bí rợ)... gọi chung là đèn xếp. Còn ngày xưa lũ nhóc tì nhà nghèo không có tiền mua đèn, thường chế lấy đèn để chơi, một loại đèn đơn giản nhưng khá sáng tạo. Tụi nhóc xin người lớn một lõi chỉ bằng gỗ đã hết chỉ làm bánh xe, một cọng dây kẽm cứng và một cái ống lon sữa bò bỏ đi, thế là đã có chiếc đèn trung thu tự chế, khi đẩy chiếc lon sữa bò quay tít, bên trong lon cũng có đốt cây nến nhỏ tỏa ra ánh sáng lung linh...

                                                         Đèn kéo quân.

                                            Đồ chơi "cải biên" từ vỏ lon bỏ đi.

Nói tới đèn trung thu ở Saigon, có lẽ không thể không nhắc đến "xóm làm lồng đèn" ở khu vực Phú Bình thuộc khu vực Bình Thới quận 11, nguyên là một xóm đạo di cư từ miền Bắc năm 54. Từ khi vào định cư tại miền Nam, trên nửa thế kỷ nay những giáo dân đã làm ra những lồng đèn xinh xắn phục vụ cho đám trẻ con khắp vùng, thậm chí những tỉnh lân cận cũng về lấy hàng. Những lồng đèn con cá, con bướm, tàu bay, tàu thủy... luôn hấp dẫn đám trẻ nhỏ, ngày xưa khi còn nhỏ đó là những món đồ chơi đáng mơ ước của lũ trẻ con nhà nghèo mỗi dịp trung thu về. Làm lồng đèn chỉ là nghề tay trái của họ, bởi mỗi năm chỉ làm được một mùa trung thu, chủ yếu kiếm thêm chút thu nhập, họ làm chủ yếu là yêu nghề, một cái nghề đã truyền mấy đời từ quê hương đất Bắc.

Làm ra một chiếc đèn lồng coi vậy mà có khá nhiều công đoạn, từ chọn loại tre thích hợp mang về cưa xẻ, chẻ thành từng chiếc nan tre, từ những chiếc nan tre uốn và cột lại với nhau thành những chiếc khung lồng đèn, sau khi hình thành chiếc khung đến công đoạn hoàn thiện, phất giấy bóng kiếng, tất cả là một nghệ thuật, họ dán sao đó mà tấm giấy bóng kiếng của lồng đèn thẳng băng, không chùng quá cũng không căng quá, chùng quá trông lồng đèn xấu, nhăn nheo, căng quá khi thắp nến hơi nóng làm giấy căng quá mức có thể làm đèn bị rách, phất giấy bóng xong đến khâu vẽ trang trí, họ dùng màu tô điểm thêm mắt, cánh, hoa văn. Mỗi cái lồng đèn được gắn thêm một cái đế bên trong để cắm ngọn nến nhỏ. Mấy năm gần đây nghề làm lồng đèn có nguy cơ mai một, vì đã bị những món đồ chơi bằng nhựa, điện tử khác áp đảo...


                                                 Xóm làm lồng đèn.


Về bánh trung thu ở Saigon bây giờ có khá nhiều loại, nội có, ngoại có, với nhiều hương vị, và những nhà sản xuất bánh có tiếng, sản xuất theo dây chuyền công nghiệp hợp vệ sinh, những thương hiệu Tây ngày xưa chuyên làm bánh Tây như Givral nay cũng làm bánh trung thu. Ở đây tôi cũng chỉ nhắc đến vài loại bánh trung thu cổ truyền quen thuộc. Trước hết phải kể đến bánh nướng và bánh dẻo. Đây là hai loại bánh phổ biến nhất xưa nay, thường làm thành hình vuông, hoặc hình tròn. Ngày xưa bánh nướng là do người Hoa làm, đây là loại bánh "đặc sản" của họ, cách làm hoàn toàn thủ công, vỏ bánh được làm từ bột mì theo bí quyết riêng, sau khi nướng chín vỏ bánh vẫn mềm, mịn chứ không bị khô. Xưa tôi ở bên cạnh nhà một người Hoa chuyên làm bánh trung thu, một năm họ chỉ làm một mùa bánh trung thu, và một mùa mứt tết là dư dả ăn cả năm. Nghe người ta nói để làm vỏ bánh mỏng, mềm, mịn là ở nước đường, họ phải nấu trước cả năm, hoặc ít nhất mấy tháng, dĩ nhiên đấy chỉ là một cách giải thích, còn cách nấu nước đường như thế nào, có cho gì vào nữa không thì đấy là bí quyết nhà nghề của họ, chẳng bao giờ họ nói cho người ngoài biết.

Bánh nướng có nhiều loại nhân, đậu xanh, hạt sen, khoai môn, thập cẩm, cao cấp có thập cẩm vi cá, gà quay, lạp xưởng, hạt dưa..., và có thêm một, hoặc hai cái lòng đỏ hột vịt muối... Bánh nướng như tên gọi, phải đem bỏ vào xửng cho vào lò nướng chín mới ăn được. Bánh nướng theo hương vị của người Hoa họ thường ăn rất ngọt, béo, mới ăn thấy ngon nhưng mau ngán, nhất là các loại bánh thập cẩm. Khi chiếc bánh đến tay người tiêu thụ thấy thơm ngon hấp dẫn là thế, nhưng xưa có nhìn thấy những sản xuất ra chiếc bánh theo cách thủ công của họ mới thấy sợ, mức độ mất vệ sinh có một không hai...




                                                           Bánh nướng.

Một loại bánh trung thu khác là bánh dẻo, khi xưa là loại bánh của người Bắc, ở Saigon trước năm 75 có nhà làm bánh người Bắc di cư hiệu Bảo Hiên Rồng Vàng mùa trung thu làm bánh dẻo có tiếng. Bánh dẻo được làm từ bột gạo nếp rang chín xay mịn thành bột, người làm bánh ngon vỏ bánh mềm không khô, không nhão, ngọt vừa, nhân bánh dẻo thường bằng đậu xanh, hạt sen, cũng có loại nhân thập cẩm gồm mấy thứ mứt, sau này cũng bắt chước như bánh nướng người ta cho thêm lòng đỏ hột vịt muối, đặc biệt bánh dẻo thơm mùi nước hoa bưởi... Bánh dẻo không phải nướng chín như bánh nướng, bởi bột gạo nếp làm lớp vỏ đã được rang chín trước khi xay thành bột, chỉ trộn bột với nước đường để làm vỏ bánh, cũng như bánh nướng, bánh dẻo ăn cũng khá ngán, ai ăn một lúc hết được nửa cái bánh nướng hoặc nửa cái bánh dẻo cũng đã là giỏi, hẳn là người hảo ngọt..


                                                              Bánh dẻo.



Những cái bánh nướng và bánh dẻo ngày xưa bánh được nhồi trong những cái khuôn bằng gỗ, rồi đập ra thành hình như ta thường thấy, mỗi một cái khuôn là một hoa văn khác nhau. Xưa kia trong Chợ Lớn, khu vực Bưu điện quận 5 bây giờ có những ông Tàu chuyên làm khuôn bánh cung cấp cho các lò bánh, họ thực sự khéo tay, xứng danh là nghệ nhân.

                                                         Khuôn bánh bằng gỗ.



Ngoài bánh nướng và bánh dẻo hình vuông, tròn, còn có những loại bánh nướng, bánh dẻo hình con heo, con cá, trông khá vui mắt, loại này ăn không ngon vì thường chỉ có bột, nhưng nếu nhà nào bày cỗ bàn thì trẻ con rất thích.



                                  Bánh nướng, bánh dẻo hình con heo, con cá.

Khi xưa có một loại bánh trung thu nữa mà ngày nay hiếm thấy, đó là loại bánh tương tự như bánh khảo của người miền Bắc, hay bánh in của người miền Nam, bánh được làm bằng bột gạo nếp như loại bột làm bánh dẻo. Bánh được đóng vào khuôn tròn to như cái dĩa, màu trắng trông như hình mặt trăng, trên mặt bánh cũng có hoa văn khá đẹp... Bây giờ có một loại được làm trông như chiếc bánh nướng, bánh dẻo, nhưng bằng rau câu nhiều màu sắc chứ không phải là bằng bột bánh, bày trên mâm cỗ cũng rất đẹp...



                                                 Bánh trung thu bằng rau câu.

Xưa nhà có vài đứa trẻ con, tết trung thu bố mẹ thường bày một mâm cỗ, vài cái bánh nướng bánh dẻo, ít trái cây, thêm vài cái lồng đèn buổi tối thắp nến lung linh, trẻ con trong xóm tụ nhau lại rước đèn, ca hát, xong được phá cỗ, thật ra trẻ nhỏ cũng chẳng ăn được gì mấy, nhưng rất vui...


* Ảnh Internet.






30 nhận xét :

  1. Bánh dẻo bánh nướng xưa cũng có thứ tròn to bằng cái khay con .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi bạn Duy Nguyen, chiếc bánh mỏng tròn to như chiếc khay, ít phổ biến hơn loại vuông và tròn nhỏ.

      Xóa
  2. Lồng đèn thì Nô cũng chỉ khoái lồng đèn nan tre phất giấy bóng kính. Còn bánh TT thì hồi nhỏ được cái bánh nướng be bé hình con heo (cỡ bằng nửa lòng bàn tay) là sướng rên mé đìu hiu rồi! Bây giờ nghe quảng cáo bánh: Trung Thu là Tết của Tình Thân(!), thấy nó khôi hài thế nào í!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đèn lồng phất giấy bóng kiếng là đúng kiểu trung thu, đúng là ngày xưa được con heo bằng bột nửa lòng bàn tay là sướng rên. Bánh trung thu bây giờ là của tình thân, tình thương mến thương..., hihi!

      Xóa
  3. Cứ như em biết thì bánh trung thu có hột vịt bên trong là văn hóa miền Nam tràn ra Bắc, đa số người Bắc vẫn không quen. Theo truyền thống, ngoài Bắc có thể nhân thập cẩm, nhân chay như đỗ xanh, hạt sen nhưng không hề có món hột vịt.

    Và không hiểu sao bánh trung thu bây giờ đắt một cách phi lý như vậy nữa...

    Điều dễ nhận thấy là bây giờ hình thức cầu kỳ, khoa trương hơn xưa rất nhiều, nhà em được biếu một hộp bánh to như cái mâm, trong đó có bảy loại, mỗi loại trong một hộp quá ư cầu kỳ... Rõ ràng đây là bánh cho người lớn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bánh trung thu có cái lòng đỏ hột vịt muối là theo người Hoa, thậm chí bánh dẻo người ta cũng cho vào. Xưa bánh dẻo chỉ có nhân đậu xanh, hạt sen, nhân thập cẩm gồm mấy loại mứt thái nhỏ hạt lựu, giờ cũng có hột vịt muối.
      Bánh đắt đến cả năm bảy trăm ngàn, hoặc bạc triệu một hộp 4 cái là để dành cho người lớn ơn nghĩa mà Toro, mà nhiều khi một cái bánh trung thu thập cẩm gà quay, vi cá ăn không ngon lành chút nào hết.

      Xóa
    2. Vâng, sao lại để cái thằng hột vị Tàu tràn khắp Nam Bắc thế anh nhỉ? Đâu có ngon lành gì cái trứng muối...

      Xóa
    3. Hihi, vụ này tôi cũng không biết sao. Đến như bánh dẻo nhân đậu xanh, hạt sen, nghĩa là ngọt hoàn toàn, từ vỏ bánh đến nhân, thế mà cũng nhét thêm trứng muối. Bánh nướng của người Hoa họ theo khẩu vị của họ xưa nay là có thêm trứng muối thì không nói.
      Một sự lai căng kỳ cục, may mà không cho thêm cái trứng... cút như nhân bánh bao.

      Xóa
  4. Mùa Thu Buồn vẫn nhớ hồi nhỏ mỗi lần gần tới Trung Thu là được Ông Nội làm cho những chiếc lồng đèn nho nhỏ để vui chơi với các Bạn cùng trang lứa ở xóm, thích lắm anh Hiệp à, mà hầu như ngày xưa trẻ em đều thích như thế. Còn bây giờ chắc là lồng đèn điện tử ??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xưa trung thu mà được người lớn làm cho cái lồng đèn ông sao thôi là sướng mê tơi rồi phải không bạn MTB? bây giờ trẻ con chơi lồng đèn bằng nhựa thắp sáng bằng pin, và có nhạc điện tử...

      Xóa
    2. Khg những mê có lồng đèn ông sao mà thích nhất là được Ông Nội ra tay làm mới ghê chứ Bác hiệp ui...Còn bây giờ như vậy đâu có gì gọi là Trung Thu Bác Hiệp ha ???

      Xóa
    3. Giời, được ông nội tự tay làm cho lồng đèn là nhất rồi đó, còn những đứa khác xưa nay không có ông nội làm thì phải hài lòng với lồng đèn mua thôi :-))

      Xóa
    4. Dĩ nhiên là nhất rồi, nhưng vì Ba tui mất sớm nên Ông Nội phải ra tay như thế mờ...Hihi

      Xóa
    5. Ôi, ôi, bởi thế nên đâu dám théc méc :-)

      Xóa
  5. Bánh nướng heo mẹ với một đàn heo con lít nhít , mình người lớn nhìn còn mê huống gì trè con , hihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhìn đàn heo mẹ heo con mê thật. Hôm nọ tôi có hỏi một hiệu bánh khá nổi tiếng sao không thấy làm loại bánh này, thì họ nói có người đặt mới làm, vì mấy năm trước làm mà... ế quá không ai mua, hìhì!

      Xóa

  6. Đưa cháu ngoại đi chơi trung thu tháy đèn đóm xanh đỏ tím vàng hoa cả mắt. Cháu vui cười chạy nhảy ông ngồi một góc mà cũng thấy mình trẻ lại với tuổi thơ.
    Nhìn bánh trung thu của PNH đã thấy ngon rồi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có cháu dắt đi chơi thì ông như trẻ lại.
      Trẻ con nhìn thấy đèn, bánh thích, còn người lớn nhìn bánh thấy ngon, nhưng ăn thì ngán quá.

      Xóa
    2. Vậy 2 Bác cứ dắt chau đi chơi thoải mái nha, bánh Trung Thu để đó tui " xử lý" dùm cho...Hihi

      Xóa
    3. Bánh vẽ mà cũng dành, hichic!

      Xóa
  7. năm nay em cố gắng tự làm cho susu cái lồng đèn bằng lon bia, thấy susu ngồi xem bố làm lồng đèn cho mình tự nhiên lại thấy thích hơn chở susu đi mua lồng đèn :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tự tay làm lấy nó vẫn có cái thú vui riêng, susu xem bố làm lồng đèn chắc phải phục bố lắm đấy :-))

      Xóa
  8. Bài viết thật hay và có ý nghĩa vô cùng về các loại lồng đèn đầy màu sắc trông mê hoặc trẻ con ......và nhìn những cái bánh trung thu , nhất là bánh dẻo ...ngon tuyệt luôn ! May mà lần này em trai của em nó có dịp qua thăm em nên em mới có được vài cái bánh trung thu ăn đở nghiền ...chứ nếu không chắc cũng chạy qua nhà anh ...ngắm ké hinh ảnh ...cũng đở thèm rùi ..hihi..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Nang Tuyet. Vậy là năm nay có bánh trung thu xực rồi, xa quê hương mà có vài cái bánh trung thu mới thấy quý :-))
      Tiếc là cậu em không mang qua vài cái đèn xếp treo chơi trong nhà :-))

      Xóa
  9. Tui qua xin Bác Hiệp cái lồng đèn và cái bánh Trung Thu, tối đem theo đi rước đèn nha Bác Hiệp...Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tối nay là Trung thu ở VN, Mỹ chắc sau nửa ngày, bạn cứ mang đèn và bánh về đi rước đèn và... ngắm thoải mái :-))

      Xóa
    2. Có chỗ tui đâu có Trung Thu mà rước hả Bác Hiệp..........Huhu

      Xóa
    3. Ý, Trung thu có khi nằm trong tâm hồn mỗi người ấy chứ, cho nên bạn cứ rước... vô tư đi. :-))

      Xóa
    4. Vâng thưa Bác Hiệp, tui đang cầm đèn dầu đi ngoài sau vườn nãy giờ...Haha

      Xóa
    5. Cái này chắc là đèn dầu Hoa Kỳ rùi :-))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))