Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Một nét văn hoá.

 
                                                Nữ sinh Saigon năm xưa.                          

Không phải chỉ các ngành nghệ thuật, thời trang, sân khấu, thơ ca, sách vở... Ẩm thực, hay gọi nôm na là ăn uống cũng là văn hoá, thì hẳn là như thế miễn là đừng xô bồ và... tàn nhẫn quá, chẳng hạn xưa vua chúa xơi óc khỉ sống, hay mấy ông nhậu ngày nay xực những món làm tại bàn, như cắt tiết dơi, rắn sống cho vào rượu, moi gan, uống mật... Một hai lần tôi đi tiệc cưới sang trọng, có món tôm sú hấp mà những con tôm còn sống nguyên, khi bật bếp đậy nắp nồi thì con tôm quẫy tưng bừng... Thấy nhẫn tâm...

Một trong những nét văn hoá về ăn uống, nếu gọi được như thế, bằng không cũng rất dễ thương mà tôi nghĩ tất cả chúng ta, dù còn trẻ hay đã có tuổi, thậm chí đã... khú đế, ở bất cứ nơi đâu, cũng đã cảm nhận. Nhất là khi đã... về vườn, thỉnh thoảng chúng ta ngồi, một mình, hay cùng nhau, cảm nhậm qua những ký ức..

Thời tuổi trẻ, mười lăm, mười bảy, đôi mươi, học sinh, sinh viên, hay đã bước xuống đời làm việc đâu đó, chắc hẳn là cái thời đẹp nhất của một đời người, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, đang học trong lớp, thấy ngoài sân trường ồn ào, thế là cũng bày đặt cất sách vở xuống đường cùng thiên hạ... Các bạn nào đã ở Saigon trước năm 75, khoảng một thập niên, từ năm 65, đến năm 75, hẳn đã rõ... Saigon khi ấy là một Thủ đô, người ta còn ca tụng có lẽ hơi quá là Hòn ngọc Viễn Đông, thời ấy Saigon cũng như toàn miền Nam đang trong chiến tranh, và cả những bất ổn chính trị. Saigon tuy có lẽ là yên ổn nhất, nhưng chiến tranh luôn cận kề, chẳng ở đâu xa, đêm đêm người ta vẫn nhìn thấy hoả châu thắp đỏ vùng ngoại ô, tiếng đại bác vẫn thỉnh thoảng vọng về, thậm chí dân nhà giàu Saigon có thời gian ban đêm phải ngủ trong lô cốt bằng bao cát chất trong nhà, vì sợ bị pháo kích...

Saigon những năm trước 75 thường đi ngủ sớm, không thức khuya như bây giờ..., vì giới nghiêm, cho nên việc vui chơi, giải trí, cũng hạn hẹp. Giới thượng lưu có những sinh hoạt của họ, nhà hàng, vũ trường, rạp chiếu phim máy lạnh ghế nệm chiếu theo xuất,  những quán café thời thượng trung tâm Nguyễn Huệ - Lê Lợi... Giới còn lại, từ trung lưu trở xuống, cho đến học sinh, sinh viên có những chỗ khác, những quán xá bình dân, hè phố, rạp chiếu phim pẹc ma năng (permanent - thường trực), chiếu liên tục, hoặc hai, ba phim trong một xuất, ghế gỗ lọc xọc, không có máy lạnh, chỉ có những chiếc quạt trần treo tít trên cao, và coi phim về có khi chân tay nổi mẩn ngứa vì bị... rệp cắn.

                                                Rạp Casino Saigon.

Đi ăn uống đường phố, nhất là vào buổi chập tối, là một trong vài thú vui của đám sinh viên học sinh, hoặc người đã làm việc. Tôi còn nhớ về uống, có các xe sinh tố lề đường, mãng cầu xay, trái bơ, cà chua, cà rốt, rau má..., sang hơn là các quán café dành cho học sinh sinh viên, với âm nhạc phản chiến lúc ấy của Trịnh Công Sơn (Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam (sau bị cấm), Tình khúc TCS, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Lê Uyên & Phương, Ngô Thuỵ Miên... Và không thể thiếu là âm nhạc của một đại thụ đã mất mới đây, nhạc sỹ Phạm Duy, với những tình khúc nổi tiếng, qua những tiếng hát vang bóng một thời, Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu...

Trước năm 75 tôi không thấy, hoặc rất ít thấy giới trẻ nhậu như bây giờ, rượu bia là thứ xa xỉ, và không phù hợp với sinh viên, học sinh, hay những công, tư chức trẻ... Thời nay đám trẻ nhậu khiếp quá, nhất là nơi làm việc, công nhân lao động lai rai kiểu bia... lên cơn, đế dỏm, giới văn phòng, nhất là nơi có quyền thế nhậu theo kiểu quyền thế, rượu Tây ào ào mỗi chai vài triệu. Mà dân mình có cái rất lạ, đã uống là phải chết bỏ, tới bến, không say không về... Thậm chí ép, khích bác nhau mà uống, làm như ngày mai không còn dịp để uống nữa... Cái này thì chắc không thể gọi là văn hoá.

Ở entry trước, anh Minh, ông bạn Hồng Ngọc và các bạn, vào "động viên" làm tiếp về đề tài  ký ức ẩm thực đường phố Saigon, dĩ nhiên chỉ "gói gọn" trong sinh hoạt của đám học sinh, sinh viên, những bè bạn của một thời tuổi trẻ...


                                                 Nghêu hấp lá sả.

Một nét văn hoá về thực, của đám trẻ Saigon năm xưa như tôi và các bạn, đó là thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn vào buổi chiều, tối, sau một buổi học. Còn đi học làm gì có nhiều tiền, cho nên đám trẻ thời ấy chỉ có thể đến những trung tâm ẩm thực bình dân trên những vỉa hè, đường phố, chẳng hạn những quán bán nghêu, ốc..., mà chủ yếu là con nghêu ở khu vực đường Nguyễn Tri Phương gần vòng xoay Ngã Sáu Chợ Lớn, như anh Minh có nhắc. Dĩ nhiên nơi đây không chỉ có con nghêu, mà có cả nhiều món ăn bình dân khác, cháo, hủ tiếu mì..., nhưng nghêu là món chừng như được các bạn trẻ chiếu cố nhiều nhất. Con nghêu được đựng trong những chiếc thau nhôm chứ không đựng ra đĩa, hay tô, thau nghêu nóng hổi vừa chín tới còn bốc khói, mùi xả trong thau nghêu bốc lên thơm lừng, các bạn trẻ cứ thế mà bốc bằng tay, từng con, khi chín con nghêu có hai mảnh vỏ mở, nhón cầm một mảnh vỏ múc mảnh kia bên trong có con nghêu vào chén nước mắm ớt tỏi và đưa lên miệng... Ôi chao, tôi không thể tả nổi tiếp... Chắc anh Minh và các bạn còn nhớ, ở khu vực này vỏ ốc nghêu sau buổi tối mỗi hàng quán có cả đống.

                                          Một xe bán bò bía đường phố.

                                               Đĩa bò bía và nước chấm.

Một khu vực ẩm thực đường phố khác rất được các bạn trẻ thời ấy ưa chuộng, đó là khu Hồ Con Rùa ở gần Nhà thờ Đức Bà, bạn nào xưa học ở trường Luật, hay khu đại học Văn Khoa... gần đấy chiều chiều sau giờ học vẫn thường ra. Nơi đây nổi tiếng với món bò bía, bò bía chắc là tiếng của người Hoa, vì có chữ bò nhưng không hề có miếng thịt bò nào trong đó. Bò bía trông giống như chiếc gỏi cuốn, lớp vỏ ngoài cũng bằng bánh tráng mỏng, bên trong là củ đậu (người miền bắc gọi là củ sắn) xắt sợi xào, có thêm mấy con ruốc, mấy hạt đậu phộng chiên dầu để nguyên vỏ, vài lát mỏng lạp xưởng, rau thơm..., khi ăn chấm với tương đen, tương ớt đỏ và chút tương ớt sa tế, đậu phọng giã, đồ chua... Đông khách quá khi ăn có khi chẳng có bàn ghế gì cả, khách cứ kiếm cái vỉa hè mà ngồi bệt xuống, đĩa bò bía đặt trên đùi cứ thế mà chấm tương mà xơi... Món ăn đơn giản dân dã thế mà sao hút khách lạ lùng, ... Khu này cũng có một quán kem nổi tiếng một thời quen gọi là quán kem Hồ Con Rùa, đây là quán trong nhà có bàn ghế đàng hoàng, chuyên phục vụ cho giới sinh viên, học sinh nên giá cả bình dân, cũng đủ loại kem, dừa, dâu, chocolat, kem café, kem đựng trong một trái dừa tươi..., xưa ở quán kem ăn xong kem được kèm theo một ly nước lạnh có pha chút si rô hương bạc hà, thật đặc biệt...

                                                                 Kem ly.

                                                 Kem đựng trong quả dừa.

Một nơi ăn uống bình dân vỉa hè ở ngay giữa trung tâm Saigon, phía xưa là thương xá Chrystal, đó là món phá lấu của một ông Tàu, phá lấu gồm gan, cật, tim, phổi heo bò gì đó xắt miếng, chế biến theo kiểu gia truyền của người Hoa, thơm mùi ngũ vị hương, khi ăn cũng chấm với một thứ nước sốt của họ, tương ớt sa tế, có thể ăn kèm thêm với bánh mì... Món này bán vào ban ngày, và buổi chiều, cũng ngon hết biết... bên cạnh đó có một xe nước mía gọi là nước mía Viễn Đông, tất cả giả bình dân. Ăn một dĩa phá lấu nóng, khá cay xong rồi làm thêm ly nước mía lạnh ngọt lịm, thật là một thú vị không thể nào quên...

                                                       Món phá lấu.

                                                          Ly nước mía.

Đấy là một vài món ăn đường phố của Saigon năm xưa, thật sự vỉa hè, thật sự bình dân, cũng có những món ăn uống khác sang hơn một chút, gọi như thế vì ăn uống ở trong quán, nhưng giá cả cũng rất bình dân, chẳng hạn có quán chè Hiển Khánh của một gia đình người miền Bắc di cư năm 54 (vài quán nằm rải rác đây đó), đặc biệt là chén chè thạch trắng thơm mùi nước hoa bưởi, chè đậu xanh đánh nhuyễn, chè hạt sen, có cả bánh đậu xanh, bánh gai, bánh xu xê, bánh mật... Trong quán bày những bài thơ của khách tặng khi ghé ăn, và các bài báo viết về quán...

                                                        Chè.          

                                                  Tô bò viên.

Về thực tôi xin kể thêm một nơi quen của đám trẻ xưa nữa, đó là quán hủ tiếu bò viên ở khu vực đường Phan Đình Phùng (giờ là Nguyễn Đình Chiểu) và Nguyễn Thiện Thuật quận 3, quán nằm trong hẻm nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách, tô hủ tiếu ăn với những viên bò viên cỡ như quả trứng cút, bò viên có 2 thứ là thứ mềm, và bò viên gân ăn hơi sựt sựt, khi ăn chấm với tương đen, tương ớt và tương ớt sa tế. Trời Saigon buổi tối khi xưa mùa mưa mà ghé ăn tô hủ tiếu bò viên nóng hổi là hết biết...

                                              Cơm đựng trong thố sành.

                                                Cá kho tộ ăn với cơm thố.

Có một quán thực nữa mà ông bạn HN đã nhắc đến, đó là cơm thố của người Hoa ở Chợ Cũ. Nói Chợ Cũ ai ở Saigon đã lâu hẳn biết. Chợ Lớn là khu vực người Hoa trong quận 5, Chợ Cũ là nơi ở, làm ăn buôn bán của họ ở ngay Trung tâm Saigon, bên cảng Bến Nghé. Chợ Cũ là khu chợ đầu tiên, có từ trước chợ Bến Thành, sau xây chợ Bến Thành dời về đó thì Chợ Cũ chỉ còn là một chợ nhỏ, đến giờ vẫn còn. Con đường Tôn Thất Đạm xưa kia một thời với những sạp bán đủ loại bánh kẹo ngoại nhập, trên đường này có một tiệm cơm thố của người Hoa nổi tiếng ngày xưa, đó là tiệm Chuyên Ký (tiệm ăn của người Hoa hay có chứ , (như Chuyên Ký, Dìn Ký...). Tiệm ăn này chuyên phục vụ các ăn Tàu, ngon, lạ miệng so với khẩu vị của người Việt, nhất là bổ dưỡng thì vô địch. Món cơm thố là món chủ đạo, cơm được nấu trong những chiếc thố sành nhỏ thơm, dẻo. Món canh hầm cũng đựng trong thố, có cả hột sen, củ sen, bạch quả, đuôi heo..., hay gà ác tiềm thuốc bắc ăn quên thôi. Tuy nhiên dây là một loại quán đặc sản, khá cao cấp chứ không bình dân, thời trước năm 75 chỉ thỉnh thoảng mới có dịp cùng gia đình, bạn bè vào ăn, chứ không lê la thường xuyên như các quán xá hè phố...

                              Bữa cơm với canh rau đay, cà pháo chấm mắm tôm.

Tuy chỉ là chuyện ăn uống, nhưng đấy là những nét văn hoá khá đặc sắc của một Saigon xưa, có lẽ nói hoài cũng không hết. Để tạm kết thúc câu chuyện ở đây, tôi cũng xin nói thêm về một quán cơm gốc Bắc, cũng có tiếng ngày xưa, giá cả bình dân, ở ngay trung tâm Nguyễn Huệ Saigon, trong một con hẻm cụt, đó là quán cơm Bà Cả Đọi. Thực khách đi ăn sau khi vào hẻm, leo lên cầu thang đến một căn hộ kiểu chung cư, nhà cửa chật chội, khách ăn ngồi trên bàn, phản, gác xép..., gọi các món thuần tuý miền Bắc, thịt đông, canh cua rau đay, cà pháo chấm mắm tôm, lòng, dồi lợn... Quán xưa rất đông khách. Chắc những bạn nào đã ở Saigon năm xưa sẽ còn nhớ...





28 nhận xét :

  1. Bắt chước những người trẻ, đặc biệt là MTB, xí trước cái tem vàng rồi nói chuyện sau bác nhé. Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ối trời bác HN, đang đánh có công việc bỏ máy đó, ở nhà ai "xuất bản" luôn, hihi, thôi để viết tiếp vậy. Lần này bác nhanh tay hơn bạn MTB rồi :-))

      Xóa
    2. Anh Hongngoc ơi! Hôm qua em đặt cục gạch với chiếc dép rồi nhá, cho nên anh Hongngoc hụt con tem vàng rồi phải khg Bác hiệp....Haha

      Xóa
  2. Ở xứ ta có nhiều thứ văn hóa, văn hóa nghèo (chuyện cổ tích nào cũng ca ngợi người nghèo) Mà ông Kênh Kịa có dẫn ra ý OSHO: đã nghèo bên ngoài (Tiền của) thì nghèo luôn cả bên trong (tâm linh, tấm hồn), Văn hóa phá (người sau lên cầm quyền, phá người trước) Văn hóa Đảng Bác (cảm ơn công trạng), nay bu tui thêm văn hóa ZÔ. Trong nhà hàng người ta hè nhau nâng ly lên, một người gào to 1,2,3 Zô... Chả nhẽ gọi đó là bản sắc dân tộc???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếp tục đây bác Bu, cái văn hoá 1, 2, 3... Dzô vang trời bây giờ ồn ào quá, mà biết đâu mươi lăm năm nữa nó sẽ thành văn hoá dân tộc? :-(((

      Xóa
    2. Ở đâu mà bác Bu tổng kết và "nâng lên thành lý luận những "thứ" văn hóa này thật ĐỘC ĐÁO! Từ rất lâu rồi, mỗi lần dự đám cưới ở nhà hàng, lỗ tai mình vốn đã bị khủng bố vì âm thanh quá sức chịu đựng của màng nhĩ lại phải chịu thêm thứ văn hóa 1, 2, 3...Dô, rồi 3, 2, 1...Dô, hết bàn này sang bàn nọ. Quan sát thì những cái miệng hô "dô" này ở trên khuôn mặt của những người cũng có vẻ có chút chữ nghĩa trong đầu chứ dốt nát gì cho cam! Đi ăn nhậu cũng thế! Thì ra, nghĩ lại, người mình đâu có học được cái PHÉP LỊCH SỰ, GIỮ GÌN TRẬT TỰ VÀ VỆ SINH NƠI CÔNG CỌNG!!

      Xóa
    3. Ồn ào nơi công cộng, không tôn trọng cái không gian sống nói chung bây giớ lại rất phổ biến bác HN, kể cả nhà chùa. Nhà tôi ở kế bên một ngôi chùa tháng 7 âm vừa rồi nhà chùa liên tục tổ chức các lễ cúng, bắt ampli, loa inh ỏi sáng đêm, không còn cần biết người khác ra sao :-(((

      Xóa
    4. Hihi, mấy ông Tây Hàn Nhựt Tàu bi giờ đến Việt Nam, đầu buổi nhậu cũng nâng ly: Một Hai Ba Zô... hết đấy! Thấy họ cũng vui vẻ coi đó là một nét "zăn woá nhậu" của VN!

      Xóa
    5. Bây giờ tôi thấy cả ông Tây cầm cái bịch khăn lạnh đập cái bốp rồi cười, hay người ngoại quốc cũng dzô như dân mình, họ bắt chước, vì đôi khi họ thấy cũng vui vui...

      Xóa
  3. Về cái văn hóa ZÔ, khi còn công tác, tôi có thành tích: GV không đánh bài và khi uống không 1 2 3 ZÔ.
    Về chuyện ăn. Các cụ xưa đặt học ăn lên hàng đầu: Học ăn, học nói, học gói, học mở.

    Chuyện rằng, con dâu mới về, mẹ chồng nhắc. Con à, cắn cà (cà pháo muối) mày phải quay núm vào trong, chứ hạt cà phọt cả vào mặt bố rồi. Ả dâu lanh chanh: Bu (mẹ chồng) cứ nói, con ăn cả quả.

    Xưa dạy học, một lần tôi kể chuyện cho sinh viên nghe vì học khoa Toán rất khổ.
    Các em có biết khi khách đến nhà mời nước thế nào không. Bọn chúng chăm chú.
    Nếu răng em đẹp thì: Cháu mời bác uống nước chè (nhe cả hai hàm răng ra nhé). Còn không thì mời bác uống nước chum (bụm miệng lại).

    Sau này gặp lại một đứa (cũng u50 rồi), nó kể lại hồ đó một thời gian cả lớp bọn con gái rất ít cười trước đám đông. Nghĩ thương bọn chúng, bố mẹ cho uống thuốc têtaxilin, trẻ phần đông hỏng răng.

    Chủ nhật, kể hầu chuyện các bác cho vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác VanPham đã góp vui qua câu chuyện ẩm thực một thời của bác :-)))

      Xóa
    2. Chắc bác VanPham còn một thành tích nữa mà bác quên kể: Khi ăn uống ở nhà hàng trong các tiệc tùng, không bưng ly bia đi đến các bàn có người quen mời cụng ly? Chuyện này thật phổ biến, nhìn chóng mặt, nhiều khi uống ngà ngà, bưng ly đi mời, không hiểu vô tình hay cố ý còn va chạm vào những cô bé chạy bàn. Nghĩ lại, một là họ uống không tốn tiền, dại gì không mời người khác, hai là biết đâu còn chứng tỏ TA quen biết nhiều, xã giao rộng và...tửu lượng cao!!

      Xóa
  4. Các bác nghiên giúp luôn cái chữ "văn hóa" ở xứ ta, chẳng lẽ có sản phẩm văn hóa mang nội dung đồi trụy - văn hóa phẩm đồi trụy; rồi văn hóa phong bì để chỉ nạn hối lộ, tham nhũng hiện nay...
    Bây giờ văn hóa bình dân, công nông lên ngôi, biểu hiện sinh động nhất là tiếng Dô khi vào tiệc mà bác Bu than phiền, diễn ra từ Nam ra Bắc, từ tiệc vỉa hè đến lễ cưới, tiệc trong khách sạn.
    Các món ăn và quá ăn hồi cố của anh H ngon quá.
    Củ đậu ngoài Bắc vẫn là củ đậu anh H ạ, củ mỳ trong Nam mới là củ sắn ngoài Bắc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hìhì, đủ loại văn hoá Toro à.

      Chết thật, ngoài Bắc gọi là củ đậu, còn trong Nam mới là củ sắn, máy móc bắt đầu "tưng" rồi :-))

      Xóa
  5. Ngồi đọc anh Hiệp tả lại thấy.. thèm cái thủa ăn nghêu:) Cám ơn anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, cái thuở ăn nghêu, ở đây là "cái thuở", còn con nghêu là "cái cớ" phải không anh Minh?

      Xóa
  6. Vô cùng nhiều định nghĩa văn hóa nhưng bu tui tâm đắc với ông Trần Ngọc Thêm


    "Văn hóa là cái còn lại sau khi đã mất đi tất cả, và cái còn thiếu sau khi đã học hết tất cả"

    Trả lờiXóa
  7. Vẫn thích nhất là mấy cuốn bò bía, họ gói rất khéo và bắt mắt, khg cần nguyên cái bánh tránh lớn mà họ gói tỉnh bơ..và thêm món nước mía thấy thèm.....quá Bác Hiệp ơi, thanks Bác Hiệp nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Món ò bía rất bình dân nhưng lại "hút" khách trẻ kinh khủng, hình như bí quyết là ở cái sốt chấm.

      Xóa
  8. Cám ơn bác NHP đã chìu theo yêu cầu bạn bè để viết và post một entry đọc thật thú vị, cũng là dịp để những ai đã từng sống, có dịp hoài niệm về một Sài Gòn xưa! Qua entry này, nhiều người cùng cmt, entry thành phong phú hơn nhiều.
    Bác NHP nhắc món bò bía mà không nhắc Gan cà khìa (gan tim mề gà ướp gia vị, rim thật thấm và khô cắm trên các cây tăm xỉa răng), Xắp xắp (đu đủ bào, bò khô, gan heo rim, đậu phụng, tương ớt...) bán khắp nơi, rồi chè đậu đỏ bánh lọt gần trường Trưng Vương, cao cấp hơn là trứng gà lộn khu SaiGon Departo, Crystal Palace cũng là những thứ "hảo xực" của giới trẻ ngày xưa, tiếc ghê.
    Hy vọng rồi bài này sẽ gợi ý để bác Bu hay bác VanPham cho một bài về Làng văn hóa, thôn văn hóa, xã văn hóa, bưu điện văn hóa xã những thứ ít nhiều làm ra thứ tham nhũng ít văn hóa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhân bạn bè gợi ý mới nhớ lại một nét văn hoá của Saigon thời chúng ta còn trẻ, mỗi người nhắc một chút nhớ ra nhiều món ăn bình dân mà ngon quá bác HN, gỏi đu đủ khô bò đó, ly đậu đỏ bánh lọt...

      Không gian sống phong phú, con người cũng... tỉnh mỉnh hơn :-))

      Xóa
  9. Món gan gà khìa trên cây tăm xỉa răng mà bác HN nhắc, hình như nằm trong món phá lấu bác H kể . Mấy món này ngày xưa ăn thật hấp dẫn không nghe nói gì đến chuyện có dùng chất tẩy như bây giờ .
    Món bò bía hay chè đậu đỏ cũng vậy , bây giờ có dịp cũng ghé qua cái quán nằm ở đường Bà Huyện Thanh Quan , gọi là tìm chút hoài niệm xưa , nhưng cũng không thấy ngon như thời áo trắng nữa .
    Bác H nhắc chợ Cũ làm nhớ mấy ổ bánh mì "cốt xì tô" đặc ruột, nóng giòn mỗi chiều . Mua về là xé ra một miếng ăn không , trước khi ăn kèm thịt nguội , cũng đã thấy ngon tuyệt ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, món gan trên cây tăm xỉa răng, nghe ấn tượng, đúng là món phá lấu của ông người Tàu, có thể ăn vào đĩa, hoặc xiên trên cây tre dài như thế vừa đi vừa ăn. Xưa chắc người ta chưa dùng chất tẩy, ướp hoá chất như bây giờ đâu, cho nên ăn mới ngon thế.

      Bò bía, gỏi khô bò, chè đậu đỏ bánh lọt... Hay ổ bánh mì đặc ruột ổ bự "xì nái" Chợ Cũ, ăn vừa dòn vừa mềm là đặc sản một thời có phải không bạn Marg. :-)))

      Xóa
    2. Kiểu này thì chắc MB không thể quên bánh mì baguette Vĩnh Chấn và sữa đậu nành ở Minh Mạng sát hku Hòa Bình của Đà Lạt xưa rồi??

      Xóa
    3. Năm rồi M lên đà Lạt và thật thú vị một buổi tối lang thang khu Hòa Bình , ghé mua ổ bánh mì thịt, ra ngồi quán cóc lề đường , nhâm nhi với ly sữa đậu nành nóng trong làn mưa đêm lất phất . Dà Lạt vẫn tuyệt vời như ngày nào ((-:

      Xóa
  10. Đói bụng quá Bác Hiệp ơi................

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))