Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Lại nói chuyện ẩm thực.



Bạn Marguerite là dân Nam bộ gốc miền Tây, ở comment trước có nhắc tới ẩm thực thời khẩn hoang Nam bộ, đề tài rất rộng, mênh mông như vùng đất quê bạn vậy. Những học giả Nam bộ nổi tiếng ngày xưa như nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của, nhà văn Hồ Biểu Chánh... Thời sau này có những nhà Nam bộ học như Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc... cũng đã nói nhiều tới vùng đất phương Nam, trong đó có ẩm thực Nam bộ thời khẩn hoang. Nhà văn Sơn Nam chuyên viết về vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà ông gọi là nơi văn minh miệt vườn, những món ăn dân dã thời khẩn hoang lập ấp, lúc người Việt mới ở Đàng ngoài di dân vào từ những thế kỷ trước. Học giả họ Vương người miền Tây, lập nghiệp tại đất Saigon, trong Saigon năm xưa, Saigon tả pí lù... cũng có những chương sách viết về ẩm thực vùng Saigon - Cholon năm xưa, đọc rất hấp dẫn. Tập hợp lại được những gì đã viết của những người đi trước thôi chắc cũng có thể chép ra được vài quyển sách, cho nên tôi cũng chỉ xin ghi lại vài nét chính về đề tài bạn Marguerite đã nhắc.


Dân tộc Việt Nam như tên gọi, là một dân tộc có truyền thống nam tiến, ngoài cuộc di cư đầu tiên từ vùng lưu vực sông Dương Tử phía Nam Trung Hoa đến vùng đồng bằng Bắc bộ từ thời cổ đại mà sách vở đã ghi chép, chúng ta còn hai cuộc di dân khác đánh dấu những cột mốc mở mang bờ cõi rất quan trọng, để có được một nước Việt như ngày nay. Hai cuộc di dân này đều bắt nguồn từ những cuộc hôn nhân có lẽ mang nhiều toan tính của tiền nhân. Cuộc di dân lần đầu liên quan đến hôn nhân xảy ra vào năm 1306 dưới triều đại nhà Trần, vua nhà Trần đã gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân (Po Devada Svor 1281-1306), để đổi lấy 2 Châu Ô và Châu Lý của người Chiêm Thành, cuộc hôn nhân cung đình này đã khởi đầu cho những cuộc nam tiến của người Việt sau này.



Cuộc di dân lần thứ nhì cũng từ hôn nhân cung đình khác, là cuộc hôn nhân thời chúa Nguyễn, khi công chúa Ngọc Vạn được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả cho vua nước Cao Miên là  Chey Chetta II vào năm 1620, từ cuộc hôn nhân này vua Cao Miên đã cho di dân của chúa Nguyễn vào khai phá vùng Đồng Nai, và đặt sở thu thuế tại Saigon... Nam bộ xưa là đất của Chân Lạp (Khmer), ít nhất trước khi người Việt đặt chân đến vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XVII, hoàn tất trong khoảng một thế kỷ, từ khoảng giữa thế kỷ thứ XVII đến giữa thế kỷ thứ XVIII. Những sách sử của Việt Nam nói về vùng đất Nam bộ quan trọng có bộ Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã chép trong Phủ Biên Tạp Lục từ Sài Gòn trở vào toàn là rừng rậm đến mấy ngàn dặm, để nói về vùng đất mới Nam bộ.

Trở lại chuyện ẩm thực Nam bộ thời khẩn hoang, người Việt ở vào khoảng cuối thế kỷ XVII sang đầu thế kỷ thứ XVIII đã có mặt khá đông ở vùng đất Nam bộ, bước đầu chắc chắn gặp nhiều khó khăn trong hội nhập vào một vùng đất xa lạ mà Lê Quý Đôn đã tả toàn là rừng rậm đến mấy ngàn dặm, sông nước mênh mông, sách vở đã chép muỗi kêu như sáo thồi/ đỉa lội như bánh canh, hay dưới sông sấu lội/ trên rừng cọp um. Một câu ca dao khác nữa để chỉ cái hoang sơ, đáng sợ của một vùng đất mới xứ đâu có xứ lạ lùng/ con chim kêu cũng sợ con cá vùng cũng ghê. Họ phải chống chọi với thiên nhiên, bệnh tật, tập làm quen từ cái bếp cà ràng (chon kryang, tiếng Khmer Nam bộ) một loại bếp bằng đất nung chuyên sử dụng ở vùng sông nước, trên ghe thuyền, cái nóp (nộp, đan bằng lá dùng để ngủ tránh muỗi), đến vị thần địa phương bản địa là Ông Tà (Néak Ta, như Thổ thần của người Việt), và cà tha (ka tha) là tấm bùa mà người Miên hay đeo trong người.

Trước hết chúng ta có thể xét qua từ ẩm, ẩm là uống nói chung, uống, xưa không quan trọng với người dân Nam bộ. Đó là nước uống thường ngày, nước giải khát thỉnh thoảng uống, và rượu dùng trong cúng tế, giỗ chạp, nhậu nhẹt... Về nước uống thường ngày xưa người dân miền Nam phải dùng nước mưa, như chúng ta còn thấy ở nhiều vùng cho đến tận ngày nay, vì đây là một vùng đất ngập nước có nhiều phèn, nước hồ, ao, sông rạch, hoặc nước giếng đào thường bị nhiễm phèn, không uống được. Nước mưa được người dân đựng trong những chum vại bằng đất nung hoặc bằng sành, để dành dùng quanh năm. Về nước giải khát thỉnh thoảng uống thì người Nam bộ xưa không có thói quen uống trà pha đậm đặc như người dân Đàng ngoài, họ chỉ uống trà pha loãng, uống trong tô, chén, như chúng ta còn thấy qua ly trà đá ngày nay, nước trái dừa thì khỏi nói, có sẵn đầy ngoài vườn, là một thức uống giải khát tuyệt hảo. Một thức uống khác là rượu thì người dân Nam bộ xưa chỉ quen với rượu đế, được chưng cất tại chỗ bằng lúa, gạo, để dùng trong việc thờ cúng, lễ lạt, hoặc đưa cay nơi chiếu nhậu, các loại bia, rượuTây là đồ uống ngoại nhập sau này.



Còn về thực, là ăn, không như ẩm, đây là cái thực sự phong phú của người dân Nam bộ thời khẩn hoang. Tuy thời buổi đầu ấy việc ăn uống chỉ cốt để sinh tồn nơi vùng đất lạ, không có nhiều phương tiện và thời gian để nấu nướng cầu kỳ, nhưng với những thứ được thiên nhiên ưu đãi, trên bờ dưới ruộng, nơi sông rạch, cửa biển, các loại cây trái, rau, củ, cá, tôm, cua, chim chóc, rắn, rùa, chuột, ếch... Con cá lóc bắt được dưới ruộng khi cày cấy, mang lên bờ vùi vào đám lửa rơm rạ, thế là lát sau có món cá lóc nướng trui chấm muối ớt, ăn kèm với những loại rau cũng có sẵn tại chỗ. Ẩm thực thời khẩn hoang Nam bộ như thế, là một nét văn hoá đa dạng và độc đáo còn lưu truyền cho đến các thế hệ sau.

Bây giờ chúng ta vào nhà hàng hay quán ăn gọi món cá kho tộ, một món "đặc sản" quen thuộc miền Nam, được kho trong chiếc nồi đất, nhà văn Sơn Nam cho biết xưa kia thời khẩn hoang còn khó khăn, thoạt đầu người dân kho con cá trong cái mẻ kho, là cái tô bể ngoài vành, kiểu tạm bợ, ăn không hết để dành ngày mai bắc lên than hồng của cái cà ràng kho ăn lại. Cá trong tô thường là loại cá vụn nhà nghèo. Cá có khi kho tới kho lui, nước trong tô quẹo lại, ăn hết cá còn cái nước quẹo ấy gặp lúc lỡ bữa "quệt" với cơm nguội lùa cũng được vài chén, người bình dân gọi là ăn cơm mắm kho quệt. Nay món cá kho tộ lên ngôi đã vào nhà hàng. Một món ăn khác cũng có tiếng xưa nay ở vùng sông nước miền Nam là canh chua, món canh chua Nam bộ học theo món canh chua của người Khmer bản địa, nhưng canh chua của người Khmer chỉ nấu con cá với mẻ và mắm bò hóc, còn canh chua của lưu dân người Việt phong phú hơn nhiều, chỉ riêng món canh chua đã có thể viết được vài chương sách. Canh chua cá lóc, cá bông lau nấu với bông súng hoặc bông so đũa, canh chua cá linh nấu bông điên điển, canh chua cá kèo hay gà nấu lá giang, canh chua lươn nấu bắp chuối, canh chua cá hú nấu với măng... cộng thêm những loại rau thơm gia vị ngoài vườn ngoài ruộng không thể thiếu như húng, tía tô, bạc hà, ngổ, mò om (còn nghe gọi mò ôm, cái tiếng... gợi cảm)... Miền Nam khí hậu nóng ẩm quanh năm, tô canh chua ngày hè ăn vào giải nhiệt, nói theo từ ngữ dân gian Nam bộ là nghe mát trong người...



Ngoài cá, tôm, cua... dưới sông, rạch, ruộng, đìa, ao..., vùng sông nước miền Nam quanh năm luôn có sẵn các loài khác như rắn, rùa, thằn lằn, chuột đồng... mùa nào thức nấy, cùng các loại rau cỏ... thiên nhiên đã hào phóng ban tặng, về vùng đồng bằng sông Cửu Long bây giờ ra chợ vẫn còn thấy bày bán từng lồng rắn, rùa, chuột đồng, thằn lằn..., vào các quán ăn, nhà hàng cũng thế, đấy vẫn là những món ăn quen thuộc xưa nay của người dân Nam bộ. Một món ăn khác cũng rất hấp dẫn, cũng đã là đặc sản đó là món lẩu mắm, một cái lẩu mắm đặt ở hiên nhà khói bốc nghi ngút, sau một ngày đồng áng vất vả, ăn kèm với trên 20 loại rau rừng..., cùng với lít rượu đế hẳn là rất hấp dẫn với những dân nhậu miệt vườn.

Không những chỉ có các loại rau rừng, chúng ta còn thấy các loại hoa mà người miền Nam gọi là bông hiện diện trong bữa ăn hàng ngày, như bông so đũa, điên điển, bông bí, bông hẹ, bông súng... Thương chồng nấu cháo le le/ nấu canh bông lý nấu chè hột sen.  Le le là con vịt trời luôn có sẵn ở vùng sông nước, bông lý, hột sen đầy ngoài vườn, ngoài ruộng, là những món ăn chắc chắn rất bổ dưỡng mà những má hai, má tư đã dành cho những tía... để bồi bổ lấy sức mà mần việc...



Một món tuy được xem là ăn chơi của miền Nam dân dã là bánh xèo, nay cũng đã vào nhà hàng đặc sản thậm chí đã được giới thiệu sang nước ngoài. Bánh xèo được đặt tên có lẽ là theo như tên gọi khi các bà, các chị nội trợ đổ bánh, muỗng bột khi đổ vào chảo mỡ nóng nghi ngút khói kêu xèo một tiếng trước khi trở thành chiếc bánh xèo hấp dẫn khẩu vị.  Sách vở nói bánh xèo đã được du nhập từ miền Trung theo lưu dân, có nguồn gốc là món bánh khoái (bánh khói), cái từ bánh khoái hay bánh khói sách cũng có giải thích, người gọi là bánh khoái nói vì ăn khoái khẩu, người nói bánh khói vì khi làm bánh nấu bằng bếp củi lửa to khói lên nghi ngút. Khi vào đến vùng Nam bộ đã được cải biên cho phù hợp với phong thổ, thêm nhiều giá, chiếc bánh được đổ trong chảo lớn, có tôm, thịt heo, đậu xanh, về sau này người ta thay giá bằng cổ hũ dừa, bồn bồn, ăn với nhiều loại rau rừng..., ngon hết biết.

Nhắc đến ẩm thực miền Nam xưa nay phải kể đến món mắm, tôm, cua, cá, còng, ba khía... đầy đồng, ăn không hết người dân làm mắm để dành. Có thể kể đến như mắm thái Châu Đốc, mắm ruột cá Đồng Tháp, mắm ruốc Kiên Giang, mắm còng, mắm tôm chà Gò Công, mắm ba khía, mắm cá linh, một loại cá nhỏ màu trắng bạc có rất nhiều theo mùa nước nổi, mắm thái có lẽ là mắm của người Thái du nhập, cũng như mắm bò hóc là mắm của người Khmer... Nước mắm Phú Quốc là món nước chấm nổi tiếng xưa nay vùng Nam bộ, trong bữa cơm của người Việt chắc chắn không thể thiếu chén nước mắm. Ngoài việc làm mắm ông bà ta xưa ở miền Nam cũng chế biến thực phẩm thành các loại khô, để dành ăn được lâu, khô cá sông, cá đồng như khô cá tra, khô cá lóc, khô cá sặc, khô cá bống... các loại khô cá biển như khô gộc, khô khoai, khô cá đuối, khô mực, tôm khô, khô cá thiều..., bên cạnh đó còn có khô nai, khô bò, khô vịt... các loại khô là món lai rai khoái khẩu của dân nhậu miệt vườn...

Trong ẩm thực Nam bộ xưa nói riêng, và cho đến tận ngày nay nói chung, có một nguyên liệu không thể thiếu đó là trái dừa. Sau khi chế biến nước dừa tươi, người dân có nước màu dừa để kho cá, tôm, cua..., nước màu chế biến từ nước dừa thơm ngon hơn hẳn nước màu chế biến bằng đường mà người miền Bắc xưa gọi là kẹo đắng. Nước màu dừa được chế biến từ nước trái dừa, nước dừa sau khi lấy phải đem thắng ngay tránh để lâu, nhất là qua đêm, sẽ bị chua, khoảng 30 lít nước dừa tươi mới cô đặc thành 1 lít nước màu dừa, thắng sao nước dừa cô lại có màu nâu sậm, bốc mùi thơm, để nguội cho vô trong chai, trong cái keo, dùng dần.



Nước dừa tươi, hay nước cốt dừa (cùi dừa bào nhuyễn cho nước lạnh vào vắt lấy nước cốt), dùng để chế biến món ăn xưa nay của người dân Nam bộ, rất nhiều món ăn dân dã của người dân được chế biến như thế, thịt heo kho nước dừa, thịt heo xắt miếng to có lớp mỡ dầy, kho cho rục, cho thêm trứng vịt luộc, món quen thuộc xưa không thể thiếu trong ngày, giỗ, tết, cá bống kho dừa, tép rang dừa, ốc bươu hầm dừa, rắn xào dừa, chuột quay nước cốt dừa, lươn om dừa..., các món canh cũng cho nước dừa như canh bí rợ nấu nước cốt dừa, cháo cũng cho dừa như cá tra nấu cháo dừa... Các món ăn chơi như kẹo, bánh, các loại chè thì khỏi phải nói, kẹo dừa Bến Tre có tiếng xưa nay, bánh bò nước dừa, chuối chưng, chuối nướng bọc nếp chan nước dừa (món này có sách nói gốc là của người Khmer), chè thưng, chè bà ba, chè trôi nước... tất cả đều được chan nước cốt dừa, tạo nên một mùi vị đặc trưng cho ẩm thực khẩn hoang Nam bộ...

Nam bộ xưa nay là một vùng nhiều cây trái nhất nước, với nhiều loại trái cây tiêu biểu cho Đất phương Nam, như trái vú sữa, măng cụt, mãng cầu, xoài, bòn bon, nhãn, bưởi, bưởi năm roi và bưởi da xanh bây giờ là đặc sản..., đặc biệt có trái sầu riêng, mà nhiều người miền Bắc khi vào Nam chỉ ngửi mùi thôi đã phải... bỏ chạy, nhưng một khi ăn quen sẽ ghiền, nhiều chị phụ nữ ra chợ mua trái sầu riêng bổ xơi luôn tại chỗ, không chờ nổi mang về nhà. Nhưng sầu riêng lại không phải là loại cây trái có từ thuở Nam bộ thời mới khẩn hoang. Sách vở có chép sầu riêng do các vị cố đạo người Pháp mang từ Mã Lai về trồng ở vùng Lái Thiêu và Cái Mơn, là những nơi sớm mở chủng viện và thành lập những họ đạo tại miền Nam, nghĩa là trái sầu riêng chỉ có từ sau này, khi nhà Nguyễn đã thu phục được hoàn toàn miền Nam sau khi đã đánh bại nhà Tây Sơn, và thống nhất đất nước. Có sách chép sầu riêng cũng không phải là tên Việt mà là tên có nguồn gốc từ tiếng Mã Lai thu rên. Cây thốt nốt cho trái thốt nốt và đường thốt nốt cũng thế, nếu ai đã có dịp sang nước Cambodia sẽ thấy trồng đầy bên đó, có tên Chân Lạp là Thnot.



Ẩm thực Nam bộ thời khẩn hoang, với những lưu dân hào phóng trên sông nước, trên ruộng vườn, rất hiếu khách, trọng nhân, trọng nghĩa, trong mình mang sẵn chút máu phiêu lưu, anh hùng hảo hán, sẵn sàng cởi áo chơi tay đôi chứ không đánh lén ai bao giờ... có lẽ nói hoài cũng không hết, cho nên tôi xin dừng ở đây, với một cư dân gốc Bắc như tôi chắc cũng không thể nào nói hay, nói hết được... Nếu có gì thiếu sót xin bạn Marguerite và các bạn khác vui lòng bổ sung.

Saigon, tháng 9-2013.




* Hình ảnh trong entry được lấy từ internet.


38 nhận xét :

  1. Trả lời
    1. Cám ơn bác NguoiGia đã vào xem còn khen :-)) Rất phấn khởi.

      Xóa
  2. Cho tui xin dĩa chuối nếp nướng để nước cốt dừa ít thôi nha Bác Hiệp...Huhu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ tự nhiên đi MTB, chắc ăn kiêng sao chứ dân Nam bộ rất ưa ngọt và béo :-))

      Xóa
    2. Tại khg thích nước cốt dừa Bác Hiệp ui, nhưng ăn chuối nếp nướng mà khg có nước cốt dừa thì khỏi ăn luôn chp khỏe....
      Tui vẫn nhớ cái quán ven đường gần trường đua phú thọ...ăn ngon dễ sợ...Huhu

      Xóa
    3. Thì chừng nào bạn MTB về Saigon lại tái... nạm cái quán ven đường ấy :-)))

      Xóa
  3. Hồi đó về miền Tây , không có món lẫu mắm như bây giờ mà chỉ có món mắm kho . Nồi mắm kho nước đậm đặc hơn nồi lẫu mắm , kho với cà tím ,thịt ba rọi , các loại cá đồng tươi roi rói :cá chốt , cá út ,cá linh , cá lóc ... Nói chung là trong nồi mắm kho cái ngang với nước rất chất lượng . Khi ăn bỏ rau ghém gồm bông súng , rau đắng ,giá ,hẹ, dưa leo , khóm băm nhỏ vào một cái tô , chan nước mắm kho xâm xấp , vắt chút xíu chanh , dầm ớt đỏ . Rồi cứ thế mà và với cơm nóng . Ăn tới no mà chưa muốn dừng , hihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Huhu......Xin Marguerite Bangtam đừng nói thêm nữa, tui thèm......1 mình Bác Hiệp " quánh" nhiêu đó là thèm muôn chết rồi...Huhu

      Xóa
    2. Nghe bạn Marg. tả không đã thấy muốn rụng rời với ẩm thực Nam bộ, quá sức hấp dẫn. Chừng nào có dịp chiêu đãi một bữa đi bạn Marg. :-)))

      Thảo nào mà bạn MTB cứ HuHu vì... thèm :-)))

      Xóa
    3. Nhà nghiên cứu ẩm thực thứ thiệt PNH còn "rụng rời" với mấy dòng của Marguerite Bangtam huống nữa là bu tui đây mới chân ướt chân ráo tập là dân Nam Bộ. Trên Sài Gòn có quán nào bán rặt món ăn như Bangtam kể không PNH ơi, tăm tia rồi cho địa chỉ nhé.
      Không thưởng thức bây giờ, mai kia lên ngồi nóc tủ ngắm gà khỏa thân thì chán mớ đời huhuhu.

      Xóa
    4. Haha, về ăn thì tôi rành... lý thuyết hơn thực hành bác Bu à, không biết bạn Marg. có giỏi hơn không?
      Ngắm gà khoả thân? Ý bác "nàm thao?" đấy? Hihi!
      Tôi định viết tiếp về một món ăn đường phố Saigon nữa đấy :-))

      Xóa
    5. Bác Hiệp cho em xin nhé, cứ kể hoài ẩm thực là kể như tui tiêu...Thèm....Thèm.....Huhuhu. Nhưng thôi kệ Bác hiệp cứ tự nhiên trình diễn để mọi người thưởng thức ảo nhá...

      Xóa
  4. Đọc xong muốn leo xe đò zìa miền Tây!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cho tui dìa ké miền Tây dới Bác Nô ui...Huhuhuhuhu

      Xóa
    2. Tui đăng ký một vé nữa hai bạn à :-))

      Xóa
    3. Kể thêm để bạn Mùa Thu Buồn đã lỡ huhu thì cho huhuhu luôn ((-:
      Món chuối nướng nếp đó , M mong một ngày kia sẽ có dịp trở về Chợ mới An Giang , ngoài việc tìm về ngồi trước một dòng sông rộng mênh mông, M sẽ đi tìm ăn món chuối nướng bọc nếp . Đi từ xa đã nghe mùi chuối nướng thơm lừng . Chuối không ăn với nước cốt dừa , mà nếp với cơm dừa được trộn chung , bọc lấy trái chuối , nướng vàng . Cắn một miếng , phần nếp và dừa nướng giòn rụm , thơm ngào ngạt , còn chuối thì dẽo ngọt thanh thanh . Hic , chưa ở đâu có món chuối nướng ngon như vậy .

      Xóa
    4. Ối trời, có đi cho tôi... bám càng với, miam...

      Xóa
    5. Sẵn sàng rủ bác H đi nhưng mà với điều kiện , nếu M mời bác món chuột đồng thì bác phải xơi đấy nhé . Món chuột thì chỉ nướng mọi với rôti là ngon thôi bác ơi , nấu món có nước cốt dừa như bác nói ngán lắm ((-:

      Xóa
    6. Dế cơm còn chưa dám xơi nữa mà bắt xực chuột đồng, hùhù!

      Xóa
  5. một bài viết quá hay bác Hiệp ơi. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sang bên bố Susu thấy hình ảnh về miệt vườn cũng hay lắm :-))

      Xóa
  6. Bác Hiệp với chị Băng Tâm song kiếm hợp bích về ẩm thực thế này thì mọi người đến chết vì thèm mất thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng chết vì thèm đấy TT, chắc "ta bà" đã đời rồi ha?

      Xóa
  7. Bác Hiệp viết ngon quá, sau 2 lần đọc em hiểu hết. Mắm ba khía, mắm cá linh; con ba khía ngoài Bắc gọi là con cáy; con cá Linh là cá lành canh?

    Như Thủy nói: Bác Hiệp với chị Băng Tâm song kiếm hợp bích về ẩm thực. Ngó thèm luôn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác VanPham vào đọc là thấy mừng. Con cáy ngoài miền Bắc làm mắm nghe cũng có tiếng, còn con cá linh là loài cá nhỏ cỡ bằng ngón ray út màu trắng bạc mùa này nước nổi có rất nhiều từ Biển Hồ Cambodia trôi về. mắm cá linh miền Nam cũng ngon có tiếng.
      Luôn chúc bác khoẻ để lui tới với bạn bè :-))

      Xóa
    2. Ngoài em, lành canh thường nấu canh chua hoặc kho.

      Xóa
    3. Cá lành canh, nghe... hiền lành bác VanPham nhỉ?

      Xóa
  8. Đọc thấy ngon. Nhìn hình cũng thấy đã quá!
    Cám ơn bác Hiệp!

    Trả lờiXóa
  9. Hehehe nếu nước ta còn công chúa mà gả...thì mở mang được đến dâu nữa nhỉ !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu thời thế kéo dài thêm chút nữa có lẽ bây giờ ta đã có thêm... Thái Lan, Miến Điện. Mà bây giờ người Việt mình cũng làm... mẹ thế giới rồi (thông qua việc con gái Việt lấy chồng đủ các xứ). :-)))

      Xóa
  10. Để bạn PNH biết thế nào là gà khỏa thân

    Ngày xưa sung sức thì nghèo
    Bây giờ rủng rỉnh thì teo mất rồi.
    Ngày xưa sức khỏe tuyệt vời
    Bây giờ nó có đàn hồi nữa đâu.
    Ngày xưa sức mạnh như trâu
    Bây giờ công cụ nát nhàu như dưa.
    Ngày xưa chẳng kể sớm trưa
    Bây giờ loáng thoáng lưa thưa gọi là.


    Ngày xưa như sắt như đồng
    Như đinh đóng cột như rồng phun mưa.
    Bây giờ như cải muối dưa
    Mười thang Minh Mạng vẫn chưa ngẩng đầu.
    Trải qua một cuộc bể dâu.
    Ôi thời oanh liệt còn đâu nữa mà...
    Nay mai về với Ông Bà
    Nấp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe, mười thang Minh Mệnh mà cũng thua nữa thì... gà gì cũng pó tay bác Bu à :-)))
      Thơ của bác hay sao? Hay quá đấy :-)))))

      Xóa
  11. Đọc bài này của bác em lại muốn dìa miền Tây một chuyến đây... Các món lẩu, món mắm, món cá nướng, nhậu rồi nhe ca cổ, thiệt đúng chất anh Hai quên sầu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Toro có vẻ có duyên với miền Tây Nam bộ nhỉ? Ai nhậu được thì hợp đấy :-))

      Xóa
  12. THơ bác Bu ghi là dân gian nổi tiếng, bác H không biết là rất chi quan liêu đấy ạ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, vậy mà tôi tưởng chỉ quan liêu (thứ thiệt) mới rành gà khoả thân chứ? Thật là mới nghe bài này qua bác Bu.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))