Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Ký ức đường phố.



Đọc bên nhà bác Hồng Ngọc thấy bài viết mới có nói về xe hủ tíu hay hủ tiếu (mì gõ), món được bán ở cái xe mà ngày xưa gọi là "Sực tắc", tức hủ tíu (hủ tiếu) mì hoành thánh (hoằn thắn, vằn thắn) tuỳ theo người gọi, làm tôi nhớ lại cái thuở ấu thời cùng gia đình bố mẹ, chị em sinh sống ở trong một khu xóm nhỏ bình dân khu Chợ Lớn của Saigon xưa. Bây giờ vẫn còn những xe gọi là mì gõ trong những xóm nhỏ, hay trên đường phố, vẫn còn những chú nhóc đi loanh quanh gõ lóc cóc để rao những tô mì, hủ tíu bình dân, nhưng giữa món sực tắc của mấy chú Ba trong Chợ Lớn xưa kia, và món mì gõ bây giờ khác xa nhau một trời một vực, có chăng chỉ còn giống ở cái tiếng gõ, thay cho tiếng rao. Tuy nhiên nếu xét kỹ hơn chúng ta cũng thấy cái khác biệt giữa âm thanh của tiếng gõ, miếng để gõ của mì gõ trong tay mấy chú nhóc bây giờ là miếng nhôm dày cong của cái dùng đập nước đá cho nhỏ bỏ vào ly, còn miếng gõ ngày trước làm bằng cật tre già, nghe kỹ ta sẽ thấy cái âm sắc của tiếng gõ mảnh tre xưa nghe hay và có hồn hơn.

Đã lâu tôi có đọc một bài báo viết về món mì gõ đường phố bây giờ, có nói đa phần do người Quảng bán, Quảng ở đây là Quảng Ngãi, Quảng Nam... miền Trung nước ta chứ không phải là người Hoa gốc Quảng Đông, Quảng Tây bên Tàu ngày trước. Đúng thế thật, tôi biết bây giờ có những cách làm ăn theo thời thế khá hay. Hồi còn làm việc, thỉnh thoảng tôi có đến những khu xóm lao động ở Saigon ở quận 3, quận 5, quận 6, Bình Thạnh... có gặp những nơi chuyên kinh doanh chè, mì gõ..., họ không trực tiếp bán, mà sắm năm bảy chiếc xe mì, hay dăm gánh chè..., đầy đủ nồi niêu, dụng cụ, rồi nấu sẵn, giao cho những cư dân nhập cư mang đi bán, về ăn chia. Cách làm có vẻ hay, giúp được những người nhập cư nghèo, một số có gốc từ xứ Quảng miền Trung, không có vốn làm ăn. Nhưng cũng có nhiều cái dở kèm theo, là chất lượng món ăn thường tệ, vì phải làm giá rẻ cốt bán bình dân, chè thường nấu bằng đường hoá học, còn mì gõ cũng thế, chắc các bạn cũng có lúc nghe đồn chẳng rõ đúng sai, là nấu bằng con... trùn chỉ để lấy nước ngọt (trùn chỉ là loại giun màu đỏ hớt dưới kênh mương bùn, làm thức ăn cho các loại cá kiểng). Đấy là món mì gõ bây giờ, được bán ở những chiếc xe đẩy trên đường phố, chúng ta vẫn thường gặp.

Món ăn tôi muốn nói đến dưới đây là món sực tắc mà bác Hồng Ngọc đã nhắc. Tôi không rõ ở các tỉnh thành khác ra sao? Chứ các bạn nào trước năm 75 sống ở Saigon, nhất là vùng Chợ Lớn chắc biết cái xe mì của người Hoa hay bán vào buổi tối, nơi những góc phố chợ. Cái xe đặc biệt được đóng chỉ để chuyên bán hủ tíu mì hoành thánh..., bản thân chiếc xe như một cái bếp, đầy đủ tất cả, bếp lửa, nồi nước lèo, tủ kiếng để thịt thà, gia vị, rau... tô chén, xì dầu, tiêu, ớt ngâm..., có cả chỗ để cho thực khách ngồi ăn ngay ở xe, thêm cái bàn cái ghế bên cạnh, ngoài chuyện món hủ tíu mì nấu rất ngon, thì điều đáng nhớ nhất nơi chiếc xe là những tấm tranh kiếng bên trên xe. Những tấm tranh kiếng này thường vẽ tích xưa của người Hoa, Quan Công, Triệu Tử Long múa đao, Tề Thiên Đại Thánh đằng vân, Bát Tiên, hay con rồng con phụng...



Xưa có hai loại xe mì bán trên đường phố Chợ Lớn, một loại đậu cố định một chỗ, thường là bên hông hay trước mặt những ngôi chợ, như Chợ Bình Tây, Chợ Thiếc.., hoặc đậu nơi những góc đường lớn khu Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương, Tổng Đốc Phương... Còn một loại xe lưu động chứ không đậu cố định, cũng cùng kiểu xe, xe này được đẩy lòng vòng trên vài con đường, chú ý đến thực khách trong xóm, trong những ngõ ngách, bình dân hơn. Một điều nữa là những xe mì bán như thế là vào buổi chiều tối, bắt đầu từ giờ tan tầm cho đến khoảng 10 giờ tối, Saigon hồi đó còn chiến tranh, bất ổn, có khi giới nghiêm, không thức đêm như sau này.

Xe mì người Hoa ngoài món mì được làm từ bột mì có màu vàng gồm 2 loại sợi, sợi mì nhỏ và sợi mì lớn dẹp, còn có hủ tíu (hủ tiếu), như sợi mì nhưng được làm từ bột gạo màu trắng. Trong quyển sách Sài Gòn Năm Xưa và Sài Gòn Tạp Pín Lù, học giả Vương Hồng Sển có nói về xe hủ tíu năm xưa của chú Chệch Chợ Lớn. Dân giàu có thông phán, làm ăn, dân áp phe, cò bót quyền thế... quen ăn nhà hàng Đồng Khánh, Ngọc Lan Đình, Bát Đạt, Soài Kình Lâm... mà xưa gọi là đi ăn cao lầu, vẫn suýt xoa khi khuya đi chơi về ghé xe hủ tíu mì có tiếng nơi góc chợ, gọi một tô mì hoành thánh nóng hổi, nghi ngút khói...

Hủ tíu mì ăn với thịt xá xíu xắt miếng mỏng nhỏ, hoặc vài miếng gan, cật, có thêm món há cảo ăn thêm đựng trong chén nhỏ chứ không cho vào tô hủ tíu mì, được làm từ bột lọc hấp nhân thịt heo, món sủi cảo, cũng giống như há cảo nhưng nhân tôm băm, hoành thánh, hay hoằn thắn, vằn thắn, cũng làm từ mì, cán thành lá mỏng cuốn nhân thịt bằm cho luôn vào tô... Học giả họ Vương cũng có viết, người Hoa có người gốc Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến... cũng tô mì nhưng tô mì của người Quảng Đông nấu có bỏ thêm miếng bánh bằng bột chiên mỏng vàng rọm, trên bánh có một hai con tôm nhỏ ốm nhách dài ngoằng để nguyên cả râu, chân cẳng...



Và điều quan trọng nhất ở nơi cả hai loại xe mì của người Hoa xưa tôi đã nói, khi bán dù đậu cố định một chỗ, hay được đẩy lưu động, luôn có một đội ngũ vài đứa trẻ nhỏ chạy đi rao quanh khu vực xe mì, thường trong vòng bán kính một vài trăm thước. Tiếng rao ở đây là âm thanh của 2 miếng thẻ tre gõ vào nhau nghe rất vui tai, có âm điệu đàng hoàng. Một thanh tre già cong cong to bản và một thanh tre nhỏ hơn để gõ phát ra âm thanh. Xưa người ta gọi xe mì gõ như thế là xe sực tắc, trong sách vở tôi không thấy những bậc đại thụ năm xưa viết về Saigon như học giả Sơn Nam, Vương Hồng Sển... giải thích về hai tiếng sực tắc, từ ngữ này thuở tôi còn nhỏ nghe người lớn giải thích chính là âm điệu tiếng gõ của hai miếng tre mà mấy chú nhóc đi rao mì, mà bây giờ ta gọi là tiếp thị. Quả thật việc gõ 2 thanh tre của mấy chú nhóc đi rao mì phải là quen tay lắm. Chú ý ta sẽ nghe được những âm thanh sực tắc... tắc... sực tắc... tắc... sực tắc... chuỗi âm thanh dòn tan liên tục như thế lan toả trên đường phố, trong từng ngõ hẻm mỗi khi đêm về. Các chú nhóc dùng ngón tay để chặn, buông... trên miếng tre khi gõ, mới phát ra được những âm thanh dòn dã, quen thuộc đầy âm điệu ấy, xem ra cũng rất nghệ thuật...

Người Hoa rất giỏi trong buôn bán lớn nhỏ, tô mì, hủ tíu bình dân xưa chỉ vài hào, vài đồng mà họ cũng rất chăm chút trong việc nấu nướng, tiếp thị, rao bán tới nơi tới chốn, khách ngoài đường tiện ghé ăn, nhưng khách trong xóm, trong nhà hôm ấy không khoẻ, ể mình không muốn ăn cơm, không muốn ra đường, vẫn có thể kêu mấy chú nhóc đi rao sực tắc như thế bưng cho tô mì nóng hổi đến tận nhà, lát sau ăn xong chú ta lại ghé đến lấy tiền, lấy tô, tiện cho cả đôi đàng.

Nhắc đến xe mì xưa trong Chợ Lớn, có lẽ cũng không thể nào bỏ qua được một loại xe nữa cũng giống như thế, luôn bên cạnh xe mì, đó là xe bán các loại chè của người Hoa, quen thuộc là món chè sâm bổ (bửu) lượng ăn với đá bào, trong ly có đậu xanh, nhãn nhục, quả táo tàu, phổ tai là sợi rong biển xắt nhỏ. Xe chè này bán đủ các loại chè, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chè chí mà phủ (chè mè đen), chè hột sen, chè bạch quả rất bổ dưỡng..., một món chè độc đáo là món chè trứng có nguyên trái trứng gà màu nâu sậm trong chén... Buổi tối xưa đi đâu đó vùng Chợ Lớn, trời mùa mưa mưa lâm râm, đội áo mưa cùng người thân, hay bạn bè, xong việc ghé vào xe mì góc đường làm một tô hủ tíu mì hoành thánh nóng hổi, kêu thêm chén chè đậu xanh, hay chè hột sen nữa thì thật tuyệt, nói thế mới hay cái câu "ăn cơm Tàu...", để chỉ người Tàu rất giỏi về ẩm thực xưa nay là rất chính xác...

                                                   Chén chè trứng.

Bên bác Hồng Ngọc có viết một cách giải thích khác, sách vở hơn của nhà văn Thạch Lam xưa về chữ sực tắc, sực tắc theo nhà văn Thạch Lam là do tiếng Tàu thực đắc mà ra, có nghĩa là ăn được, quà chỉ cốt ăn được, không cốt gì ăn ngon... Một cách giải thích từ nguyên theo văn chương cũng rất lý thú. Riêng chuyện nhà văn Thạch Lam nói quà chỉ cốt ăn được, không cốt gì ăn ngon, chắc là nói tới món sực tắc ở Hà Nội là nơi nhà văn sống ngày xưa? Có khác gì với món sực tắc của người Hoa Chợ Lớn? Chứ món sực tắc, hủ tíu mì của người Hoa ở Chợ Lớn, nơi tôi đã sống thuở thiếu thời, trong ký ức của tôi là món ngon bá cháy, cùng với chiếc xe có những bức tranh kiếng, suốt đời không thể nào quên...

Saigon, tháng 9 - 2013.


* Hình ảnh được sử dụng từ internet.




34 nhận xét :

  1. Em xí lụm con tem vàng mai sẽ qua đọc sau nha Bác Hiệp...hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rồi, đặt cục gạch hay để chiếc dép đó mai qua coi tiếp :-))

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    3. Tui qua lấy cục gạch đem dìa nha Bác Hiệp. Mà công nhận Bác Hiệp và các Bác ở đây ai cũng viết hay quá....
      Bác Hiệp bấm xóa vĩnh viễn cái comment ở trên dùm em nha. Thanks

      Xóa
  2. 1- Bu ở Huế 13 năm nghe nói có chè thịt quay, chưa nhìn thấy.
    Nay mục sở thị chè trứng lấy làm lạ. Hình như Nam Bộ có cả chè ớt sao ông PNH ơi?
    2- Đắc là được, nhưng được trong “cầu được”, “ước được” chứ không đơn giản là ăn được. Cho nên thực đắc phải hiểu thêm là ăn ngon nữa. Như ta nói đắc chí là khoái chí chứ không chỉ là được chí.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chè thịt quay tôi cũng có nghe nói nhưng cũng chưa thấy, chắc cũng của người Hoa. Người Hoa họ có mấy món chè lạ, hồi đó nhà tôi ở kế bên có gia đình Triều Châu, mỗi lần họ cúng mang sang cho ít thứ trong đó có tô chè mì, sợi mì nấu với nước đường, mình ăn không nổi.
      Thực đắc là ăn ngon, ăn khoái chí nghe có lý :-))

      Xóa
    2. Ôi cha, bác Bu ở Huế những 13 năm mà chưa nếm chè thịt quay Huế là sao hè???

      Xóa
    3. Tán được con gái Huế thế mà chưa nếm chè thịt quay Huế thé mới lạ hehehe

      Xóa
    4. Chè thịt quay không phải của người Hoa đâu bác H . Một món chè rất Huế đó . Nó làm bằng bột lọc ( bột từ củ khoai mì ), bọc lấy miếng thịt ở giữa nấu với nước đường trắng ( kiểu như chè trôi nước , nhưng chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái và nhân là miếng thịt quay )

      Còn món chè mì thì ở miền Tây cũng có nhưng sợi mì làm bằng bột gạo cán, xe sợi , nấu với nước đường vàng , có rắc mấy đậu xanh trên mặt và chan nước cốt dừa . Loại chè này cũng đặc biệt về miền Tây mới thấy .

      Xóa
    5. Hihi, cứ tưởng thế bởi thịt quay cũng là món của họ, ai dè của Huế, dâu xứ Huế có khác :-)))

      Vậy hôm nào phải theo bạn Marg. về miền Tây xơi thịt... chuột với chè mì :-))

      Xóa
    6. Chị MB giải thích chè thịt quay là đúng boong rồi. Gần 40 năm nay, về Huế HN cũng có ý tìm lại hương vị Huế xưa qua món này nhưng các em hầu như không biết. Nơi bán món này ngày xưa là đường Phan Đăng Lưu (Phan Bội Châu cũ, Huế còn nổi tiếng món chè bông cau nữa.
      Về chuyện chè trứng gà bác Bu nhắc,hồi xưa gần khách sạn Thủy Tiên Đà Lạt cũng của người Hoa rất ngon và đắt khách (như hình minh hạo của bác NHP), ngoài ra, cũng còn món chè trứng gà nấu cách khác đó là thắng đường phèn thật sôi, múc đổ ra chén, đập trứng gà lấy riêng lòng đỏ bỏ vào chén (dĩ nhiên là chén nhỏ)đây lại 5 phút sau là có thể ăn được. Nước đường nóng sẽ làm chín tròng đỏ trứng, có người còn rãy vào vài giọt dầu chuối hoặc rắc tí bột vani nữa, việc này làm chè có mùi thơm nhưng mất vị thơm của trứng!

      Xóa
    7. Rể Huế có khác, thế mới đúng điệu :-))

      Xóa
  3. Ngày xưa em cũng thường hay ăn món mì gõ hay hủ tiếu gõ vào buổi tối . Tuy rẻ nhưng rất ngon , hương vị đậm đà ...giờ nghĩ lại mà cũng còn thèm .....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tô hủ tíu mì ăn buổi tối hồi đó tuyệt cú mèo :-))

      Xóa
  4. Thừa thắng xông lên đi hi hi. Bác Hiệp viết luôn những món ăn đường phố của con đường Nguyễn Tri Phương, người Hoa gọi là "thiếm cái sực?" để đọc mà nhớ cái ngày được ngồi bên chậu nghêu "lai rai" ăn.. Cám ơn bác trước.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, anh Minh rành "thể loại" thiếm xực đường phố ở Saigon trước năm 75 quá, chậu nghêu ngã sáu Nguyễn Tri Phương, tô hủ tíu bò viên trong con hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật-Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu bây giờ ở quận 3), hay tô cháo mực ở khu gần rạp hát gì nhỏ nhỏ phía gần bên đường Nguyễn Thái Học quận 1, cả chè Hiển Khánh. Những món ăn chơi mà ngon hết biết thời học sinh sinh viên Saigon.
      Để nhớ lại "làm" một entry nữa phục vụ anh Minh và bạn bè :-))

      Xóa
    2. ở đường Nguyễn Thái Học ngày xưa có món cháo lòng bò hương vị ngon đặc biệt chỉ bán vào buổi chiều tối . Còn món cháo mực hồi đó thì M lại không biết . Chỉ biết món cháo mực ở đường Nguyễn đình Chiểu bây giờ thôi (-:

      Xóa
    3. Xe cháo mực lề đường Phạm Ngũ Lão nằm ngay gần ngã ba nhìn sang công viên 23 - 9 bây giờ, trong cháo có mực (khô mực xắt miếng nhỏ), tôm khô, da heo xắt miếng, tiết heo, ăn cho thêm vài miếng giò chá quảy chiên dòn, bán cho học sinh sinh viên, dân lao động, rẻ mà ngon hết biết.
      Cháo mực quán Nguyễn Đình Chiểu bây giờ cũng ngon, chiều mưa ghé ăn tô cháo mực nóng cho nhiều ớt xay ngon tuyệt.

      Xóa
  5. Em đã được thấy cái xem mỳ này được trưng trong một rì sọt ngoài Phan Thiết. Cái xe quá đẹp, tranh kính vẽ cảnh "Tam anh chiến Lã Bố" rất cầu kỳ.
    Hà Nội xưa cũng có món sực tắc, mỳ gõ như thế, nhưng mất lâu rồi ạ. Đây là món của người Hoa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xe mì này vẫn còn trong Chợ Lớn, nhưng trông bóng bẩy hơn, tranh kiếng gắn trên xe trông rất hay phải không Toro?
      Mì gõ bây giờ lại là loại xe mì của những người xứ Quảng nhập cư, như tôi đã nói, xe mì của người Hoa vẫn còn nhưng người ta "trụ" một chỗ chứ không đẩy loanh quanh nữa, và cũng không còn mướn mấy chú nhóc đi gõ, bưng bê tận nhà như xưa...

      Xóa
  6. Bài "Ký ức đường phố" này nhắc nhớ cho nhiều người lắm bác NHP ơi! Hình post kèm cũng làm người ở xa "thèm hủ tiếu" quá cỡ, tiếc là muốn tô hủ tiếu nhìn "bắt mắt" hơn, người ta dùng tô chỉ màu trắng bác ạ!
    Nghe kể ở Nguyễn Trãi hiện cũng có nhiều xe mì gõ bá cháy lắm và HN khi vào quận 5 thường tìm các xe mì càng cũ càng tốt và có kính trang trí như bác nói. Bác NHP viết về cơm thố Chợ Cũ nữa nhé bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong quận 6 bây giờ có một vài xe mì còn những vật dụng y như xưa, chẳng hạn cái ống đựng hạt tiêu to dài ngoằng, mấy cái vợt trụng mì... chén bát tiếc bây giờ người ta xài thứ màu mè bằng melamine, ăn tô sứ loại men không bóng ấy... Hihi, hoài niệm quá.
      Cơm thố Chợ Cũ Saigon bá cháy rồi, cao cấp thỉnh thoảng mới đuợc xực, để tôi sẽ nhắc lại :-)))

      Xóa
  7. Thấy Bác Hiệp nhắc món mì gõ, làm tui còn nhớ xe bán mì gõ đậu ngay góc bên trái chợ Nguyễn Tri Phương buổi tối, rất ngon ...Hic...hic, còn món hủ tiếu mì có xe bán trên đường Bà Hạt ngay chỗ chùa nước lạnh ( nghe mọi người gọi vậy )của người Hoa bán thì phải,ngon "dữ lắm "..., khg biết Bác Hiệp có biết xe hủ tiếu ấy hông ta...thèm...huhu. Hy vọng lần sau Bác Hiệp và các Bác đổi món khác ngon, nếu khg nghe mà......Hic.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chợ Nguyễn Tri Phương gần Chợ Thiếc, nhà tôi cũng gần khu đó, xưa đi xem đá banh sâh Cộng Hoà hoài, mà leo rào xem cọp không :-))

      Coi bộ bạn MTB này rành mấy món ăn quá xá :-))

      Xóa
    2. Xin hỏi Bác Hiệp. Chợ Thiếc có phải bây giờ gọi là Chợ bán đồ kim khí điện máy chỗ đường Nguyễn Kim lên tí hay khg ạ ? Sân Cộng Hòa là Sân Banh Thống Nhất bây giờ???

      Xóa
    3. - Về Chợ Thiếc thì đây không phải là chợ bán đồ kim khí điện máy chỗ Nguyễn Kim-Nhật Tảo, Chợ Thiếc gần đó ở đường Phó Cơ Điều. Đây là một chợ xưa của vùng này, xưa là Chợ Nhỏ để phân biệt với Chợ Lớn (chỗ Bưu điện quận 5), và Chợ Lớn Mới là chợ Bình Tây. Có sách nói là Thiết (chữ "t"), nhưng không phải. Tôi ở gần đó 50 năm biết, "thiếc" là tôn, thiếc. Quanh con đường chợ ngày xưa toàn những tiệm gò hàn thùng thiếc để tưới rau, làm rẫy cung cấp cho toàn vùng.
      - Sân Cộng Hoà chính là sân Thống Nhất bây giờ.

      Xóa
  8. Sáng nay chủ nhật 8.9.2013 máy nó bảo trang có bài "Một nét văn hóa" không tồn tại là sao bạn PNH ơi??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, đang viết dở dang bác Bu, sáng chủ nhật thanh thản :-))

      Xóa
  9. Chưa ăn sáng mà vào đọc bài này bụng dạ biểu tình ghê quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đi chơi về phải tích cực bồi bổ lấy lại phong độ TT à :-)))

      Xóa
  10. Cám ơn bác Hiệp nha!
    Nhờ bác mà tôi được biết và xơi món " Sực tắc" ngon thiệt là ngon!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, có bác VuNho ghé đọc là mừng rồi :-))

      Xóa
  11. Lâu quá mới sang nhà anh Hiệp ngửi ké mùi hủ tíu của Saigon xưa..
    Gió nhớ hồi đó Gió thích nhìn hình ảnh vễ trên những xe hủ tíu của những người Hoa mỗi lần được mẹ dắt đi ăn hủ tíu..cảnh như những bức tranh thủy mạc nhiều màu sắc.
    Nhớ cả mùi thơm từ cái nồi nước dùng _ cái mùi đặc trưng mà chỉ hủ tíu của những người Hoa của Saigon ngày ấy mới có. Tự dưng thèm tô hủ tíu ghê :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy thì hôm nào ghé một xe hủ tíu mì trong quận 5 làm một tô đi bạn Gió. Cả một trời dĩ vãng trong một tô hủ tíu nhỉ? :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))