Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Chuyện chữ nghĩa.

Lai rai đọc lại một vài quyển sách cũ, trong quyển Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam (tập I, gồm 5 tập, của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo Dục tái bản năm 2005), có nói về chữ VIỆT trong quốc hiệu của nước ta.

Theo sách chữ VIỆT trong quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT - ĐẠI VIỆT có tự dạng khác với chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM Hình tôi chụp lại hai chữ trong sách dưới đây:


Quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT ở nước ta có từ thời Nhà Đinh năm 968, bởi Tiên Hoàng Đế (Đinh Tiên Hoàng). Đến đời nhà Lý đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) đổi quốc hiệu thành ĐẠI VIỆT. Còn quốc hiệu VIỆT NAM chúng ta có từ năm Giáp Tý (1804) đời vua Gia Long. Quốc sử quán triều Nguyễn chép vua Gia Long sai Lê Quang Định mang thơ sang Tàu xin cầu phong, quốc thơ cầu phong nói: "Mấy đời trước mở đất Viêm Giao, càng ngày càng rộng, gồm cả nước Việt Thường và nước Chân Lạp, đặt quốc hiệu là NAM VIỆT, truyền nối hơn 200 năm. Nay tôi lấy hết cõi Nam, có toàn cả đất Việt, nên theo hiệu cũ để chính quốc danh". Tuy nhiên vua nhà Thanh lúc bấy giờ cho rằng nước Nam Việt xưa bao gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây nên không đồng ý và đổi lại thành VIỆT NAM, sai sứ là Bố Sâm mang cáo sắc và Quốc ấn sang tuyên phong. Nước ta có quốc hiệu VIỆT NAM từ đó.

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần có ghi chú và lưu ý: "Chữ VIỆT mà thư tịch cổ của ta cũng như Trung Quốc dùng để chỉ người VIỆT hay nước ĐẠI VIỆT có mặt chữ Hán khác hẳn với chữ VIỆT (trong quốc hiệu VIỆT NAM) do nhà Mãn Thanh đặt ra sau này. Một số người nhân thấy chữ VIỆT (trong quốc hiệu Việt Nam) có bộ tẩu (nghĩa là chạy) ở bên trái nên cho rằng VIỆT NAM nghĩa là chạy xuống phương Nam. Theo chúng tôi, nhìn từ bất cứ góc độ nào cũng là một ý kiến hoàn toàn sai".

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần có nói sự khác biệt giữa hai chữ VIỆT, nhưng tác giả chỉ giải thích chữ VIỆT trong VIỆT NAM có bộ tẩu (nghĩa là chạy), còn chữ VIỆT trong quốc hiệu Đại Cồ Việt Đại Việt tác giả nói dùng để chỉ người Việt, nhưng không giải thích rõ nghĩa thêm. Trong từ điển Hán Việt của Thiều Chửu thì chữ VIỆT trong VIỆT NAM, cũng để chỉ nước Việt, đất Việt, giống người Việt.

Như chúng ta đã biết, theo sử sách đến đời nhà Hồ (1400-1407), Hồ Quý Ly đã đổi quốc hiệu là ĐẠI NGU, và sang đời vua Lê Thái Tổ (1428-1433) quốc hiệu của nước ta được đặt trở lại là ĐẠI VIỆT. Chữ VIỆT trong ĐẠI VIỆT của nhà Lê về tự dạng, cũng giống nhu chữ VIỆT trong ĐẠI CỒ VIỆT thời nhà Đinh, và ĐẠI VIỆT thời nhà Lý, điều này được biết qua bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư.

Hình tôi chụp trang bìa của bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư với chữ VIỆT (hàng chữ lớn ở giữa từ trên xuống là Đại Việt sử ký toàn thư, chữ VIỆT đứng thứ nhì):



Phần giới thiệu của Viện Sử Học về Đại Việt sử ký toàn thư viết, "Sách Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ sử ký lớn của Việt Nam, chép từ đời Hồng Bàng đến Lê Gia Tôn năm thứ 2 tức năm Ất Mão (1675) , đầu tiên là Sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên dựa vào bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, và bộ Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên mà viết ra vào nửa cuối thế kỷ XV (Biểu dâng sách của Ngô Sỹ Liên chép năm Kỷ Hợi Hồng Đức thứ 10 - 1479, tiết Đông chí). Đến năm Ất Tỵ (1665) đời vua Lê Huyền Tông (Cảnh Trị thứ 3), Tây vương Trịnh Tạc sai Phạm Công Trứ khảo đính bộ Sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên và viết thêm phần Bản kỷ tục biên. Đại Việt sử ký toàn thư được Phạm Công Trứ sửa chữa bổ sung, mười phần mới in được năm, sáu. Đến năm Đinh Sửu (1697) đời vua Lê Hy Tông, Định Vương Trịnh Căn lại sai Lê Hi và Nguyễn Quý Đức sửa chữa và viết nốt phần Bản kỷ tục biên từ năm 1663 đến năm 1675. Như vậy bộ Đại Việt sử ký toàn thư hiện nay không chỉ do Ngô Sỹ Liên biên soạn, mà do nhiều người viết ở những thời kỳ khác nhau".

Tôi đã thử tra những quyển từ điển Hán - Việt hiện có trên kệ sách, từ quyển của Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Nguyễn Tôn Nhan, cho đến Trần Văn Chánh, đều không thấy có chữ VIỆT trong quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT và ĐẠI VIỆT hay của sách Đại Việt sử ký toàn thư, mà chỉ thấy chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM. Như vậy có phải chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM sau này là biến đổi của chữ VIỆT trước đó? Có lẽ không phải như thế.

Trong tác phẩm Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi cũng có nhắc đến hai chữ VIỆT NAM, chẳng hạn trong đoạn sau: "Những sách, chương của Thiên Vương, có lúc gọi Việt Nam, Nam Việt, Giao Chỉ, An Nam. Nay cũng gọi là Việt Nam". Trong phần chú thích của sách có ghi chú: Thiên Vương là chỉ vua Trung Quốc.


Hình bên trên tôi chụp lại trong Dư Địa Chí bản in chữ Hán của Nguyễn Trãi (còn có tên gọi là An Nam Vũ cống, vì được viết theo thể văn của thiên Vũ cống - Kinh thư), với chữ VIỆT NAM ở trên cùng, hàng bìa bên tay phải. Nếu so sánh chữ VIỆT trong VIỆT NAM của sách Dư Địa Chí và chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM đời vua Gia Long, hai chữ hoàn toàn giống nhau. Đại văn hào Nguyễn Trãi sinh năm 1380 và mất năm 1442, trong khi bộ Đại Việt sử ký toàn thư mãi đến năm 1697 mới được in ấn hoàn chỉnh. Như vậy chúng ta có thể thấy từ thời Nguyễn Trãi vẫn tồn tại hai chữ VIỆT, một chữ VIỆT viết như chữ VIỆT của Đại Việt sử ký toàn thư, và quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT, ĐẠI VIỆT mà tôi không tìm thấy trong sách vở, và một chữ VIỆT khác viết trong sách Dư Địa Chí, viết giống chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM vẫn còn được dùng đến tận bây giờ. Điều này làm tôi khá thắc mắc.

Ghi chú của bản dịch Dư Địa Chí trong quyển Nguyễn Trãi toàn tập tôi có ghi nơi tham khảo, có nói hiện có 5 bản chép tay ở thư viện Hán - Nôm (Hà Nội), và lưu ý là tác phẩm Dư Địa Chí đã được người đời sau viết thêm, sửa chữa, cho nên cần lưu ý khi sử dụng. Tuy nhiên rõ ràng là chữ VIỆT trong Đại Việt sử ký toàn thư còn tồn tại đến năm 1697 (cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII) khi in.

Trong sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (1882-1953), tên người, tên đất, quốc hiệu, đều ghi chú thêm bằng chữ Hán, sử gia Trần Trọng Kim khi nói về quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT, ĐẠI VIỆT, VIỆT NAM đều chỉ chép một chữ VIỆT có tự dạng giống như chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM.

Không biết ông bạn Bulukhin, bạn Vũ Nho và các bạn khác, có bạn nào rành hay có tài liệu nào nói về ý nghĩa khác, hoặc giống  nhau của hai chữ VIỆT này không? Xin được chỉ giáo.


Tham khảo:

- Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo Dục tái bản năm 2005).
- Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Văn hóa Thông tin, xuất bản năm 2004.
- Nguyễn Trãi toàn tập, Mai Quốc Liên, Nguyễn Khuê, Nguyễn Quảng Tuân, NXB Văn Học - TT Nghiên cứu Quốc học xuất bản năm 2001.
- Quốc sử quán triều Nguyễn - Quốc triều chính biên toát yếu, Tổng tài Cao Xuân Dục chủ biên, NXB Thuận Hóa xuất bản năm 1998.
- Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Thanh Hóa xuất bản năm 2006.

47 nhận xét :

  1. 1- Nói cho ra vụ này không đơn giản rồi.
    Những sách bạn có thì bu tui nhờ trời cũng có và đã đọc đối chiếu, thấy bạn mô tả không có gì sai. Chỉ tiếc chúng ta không có từ điển Từ Hải, Từ nguyên để tra cứu thêm
    2- Vấn đề là tại sao chữ Việt trong Đại cồ Việt khác chữ Việt trong Việt Nam. Cái này phải truy từ nguồn gốc thời Giáp cốt và Kim văn....cho đến nay. Bu tui cho mượn quyển Tìm về cội nguồn chữ Hán, phải đòi về để ngâm cứu và có ý kiến thêm
    3- Hehehe mấy dòng này xem là nhận tem vàng theo cách nói các bạn trẻ mà bu chưa biết là gì...nói theo là chính.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng thấy như bác nói tìm cho ra vụ này không đơn giản, cần phải có những từ điển của người Trung Quốc như Từ Hải, Từ Nguyên, hoặc thư tịch xa hơn nữa... để tra cứu về chữ VIỆT trong trong ĐẠI CỒ VIỆT, ĐẠI VIỆT. Tuy nhiên rõ là chữ VIỆT ấy vẫn còn tồn tại đến tận cuối thế kỷ 17, đầu 18 (1697), qua sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, rồi sau đó mất dấu, còn chữ VIỆT trong VIỆT NAM đã thấy từ thời DƯ ĐỊA CHÍ của Nguyễn Trãi, khoảng nửa cuối thế kỷ thứ 15 (cho dù có được người đời sau sửa chữa), thì vẫn còn tồn tại đến bây giờ.

      Xóa
    2. Quên, còn chuyện "Tem vàng" theo như cách gọi của các bạn trẻ bây giờ khi là người đầu tiên comment một entry. Tôi nghĩ đó là do cách gọi bấy lâu nay (có lẽ phổ biến ở miền Nam hơn chăng?). Khi ta là người đầu tiên sử dụng một vật gì gọi là "bóc tem", chắc là bóc đi cái "ga răng ti" (tiếng Pháp Garantie: sự bảo đảm) của món hàng. Cái garantie này còn được gọi là "tem" bảo đảm của món hàng.

      Xóa
    3. Haha.....dạo này các Bác cũng tranh nhau lụm tem vàng dữ ta...tui chậm chân gòi.............

      Xóa
  2. Thì ra mấy hôm trước Bác Hiệp dọn mâm cho ăn rất ngon xong nay lại bắt học chữ......Huhu, chạy trốn thôi....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người ta thường nói "ăn - học", ăn rồi phải học chứ :-))

      Xóa
    2. Đúng là có 2 từ "ăn-học", NHƯNG cũng có 2 từ "ăn-chơi" nữa đúng khg Bác Hiệp?? Mỗi cái tui đều "học 1 chút" , "học để biết, " học để hiểu" và "cũng học để biết cách "quậy phá" và "mang niềm vui" tiếng cười đến "chia vui" và cũng là để các Bác có "đề tài" viết nhiều bài hơn hơn nữa đễ tui mới có dịp "học và hỏi".....Kha...Kha. Xin lỗi Bác Hiệp nhá, tại tui có quen 1 số các Anh, Chị người ĐN....nên hay cãi...Hihi

      Xóa
    3. Ăn rồi phải chơi, chơi rồi phải học, đúng quá đấy bạn MTB, này nhé sau mấy bài về "thực" là ăn, rồi đến "đờn ca tài tử" là chơi, bây giờ mới sang "chữ nghĩa" là học, hihi, đúng là chỉ có... biết cãi thôi :-))
      Nhưng mà cãi như vậy được lắm, có chuyện để mà "tám" (tán dóc).

      Xóa
    4. Tui phái cãi lắm...Haha. Mà sao 2 bài vừa qua Bác Hiệp khg chia sẻ ngoài Google để tui biết chạy qua lụm tem vàng...??? 2 bài vừa qua tui "bị hụt" rồi.....Huhu

      Xóa
    5. Chia sẻ ngoài Google thì lần này máy nó báo nhiều quá không được, chẳng biết sao? hùhù.

      Xóa
    6. Ngay bên trái của bài viết Bác Hiệp chắc thấy ô chia sẻ mà?? Bấm vào đó là ok đâu có bị gì????

      Xóa
    7. Tôi khá dốt mấy vụ này, cám ơn bạn MTB, lần sau tôi sẽ thử :-))

      Xóa
    8. Bác Hiệp đừng nói chữ dốt với Mùa Thu Buồn, như thế tui cũng ngại lắm. Vì hầu như từ trước tới giờ tui ghé qua nhà mọi người mà có bao giờ comment vào nội dung của bài viết đâu, điều đó thật sự tui xấu hổ lắm, vì vốn liếng kiến thức tui khg có, vậy tui mới là dốt đấy Bác à....Hihihi, nhưng khg vì vậy mà tui buồn đâu, trái lại rất " ganh tị"...Haha

      Xóa
  3. Bắt chước MTB cũng huhu ... Nhiều khi chúi mũi cả ngày trong những trang dày đặc con số vẫn chưa huhu ... vậy mà vào trang chữ nghĩa của bác H thì huhuhu , kỳ thế .
    Mà hôm nay bác H bàn về chữ VIỆT . Hôm nào bác H nói về chữ ĐẠI CỒ nhé , vừa ĐẠI vừa CỒ ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, cái vụ này đâu có rõ ràng rành mạch như những con số 1 cộng với 1 bằng 2. Ngay như nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần dịch và viết bao nhiêu quyển sách sử mà khi so sánh hai chữ VIỆT này cũng chỉ nói khác chứ không thấy giải thích rõ hơn. Tôi thích đọc sách sử của NKT viết vì ông thường chú thích rất cặn kẽ.
      Chữ ĐẠI CỒ trong ĐẠI CỒ VIỆT hình như học giả An Chi đã có giải thích, không nhớ đọc ở đâu, hôm nào thử lục lại xem :-))

      Xóa
  4. Hehe đang học lại bài còm ảnh để tiếp tục nói chuyên chữ nghĩa VỚI ÔNG PNH,
    Dốt vi tính nó thế đấy...huhuhu Lão tài tận rồi.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. I- Chữ Hán phát triền từ phôi thai cho đến Khải thư qua 5 thời kỳ sau:
      1- Giáp cốt: Thời nhà Thương khoảng 1700-1400 tcn
      2- Kim văn: Thời nhà Chu khoảng 1122- 249 tcn
      3- Tiểu triện: Thời nhà Tần 221-207 tcn
      4- Lệ thư: Cuối nhà Tần khoảng sau 207 tcn
      5- Khải thư: Cuối thời Hán khoảng sau năm 220 scn
      II – Sách Đại Việt sử ký toàn thư khắc gỗ năm 1627 tức là sau khi có chữ Khải thư khoảng 1400 năm và sau khi có chữ Lệ thư khoảng 1800 năm. Phần ruột Đại Việt sử ký toàn thư khắc bằng chữ Khải như bạn PNH đã chụp hình đưa lên blog. Sáu đại tự ở bìa cũng khắc theo lối chữ Khải riêng chữ Việt có bộ tẩu không khắc theo lối chữ Khải mà giông giống chữ Lệ thư, xin xem dẫn giải dưới đây.


      Xóa
  6. [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_4972_zps920d2d81.jpg[/IMG]

    Trả lờiXóa
  7. Bản chụp sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán”. chữ việt được minh họa bằng hình người quỳ kết hợp với cây búa. Hình người biến thành bộ tẩu, cây búa biến thành chữ việt cổ chỉ vũ khí (ảnh số 1)

    Trả lờiXóa
  8. [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_4973_zpsa4b3eb49.jpg[/IMG]

    Hình 2
    Chữ Việt Viết theo lối khải thư cuối thời Hán sau năm 220 scn

    Trả lờiXóa
  9. [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_4974_zps26f1b2ba.jpg[/IMG]

    hình 3
    Chữ việt trên bìa sách Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó bộ tẩu giông giống bộ tẩu chữ Lệ thư ở hình tiếp theo

    Trả lờiXóa
  10. [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_4975_zpsf0f70699.jpg[/IMG]

    Hình 4

    Chữ việt viết theo lối Lệ thư (trong sách tìm về cội nguồn chữ Hán) Bộ tẩu của chữ này rất giống bộ tẩu chữ việt phía trên.

    III Kết luận
    Hai chữ Việt bạn PNH đưa ra khác nhau do bộ tẩu của chúng khác nhau. Người khắc chữ bìa sách năm 1697 hơi cẩu thả, để một nét của chữ việt (cổ) cắt ngang một nét của bộ tẩu. Cớ sao toàn bộ sách, chữ việt đều viết theo lối chữ Khải thư , đến chữ việt trên bìa lại vừa Khải vừa Lệ như vậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã cất công tra cứu về hai chữ VIỆT bên trên. Như vậy chữ VIỆT trong VIỆT NAM được viết theo lối Khải thư và chữ VIỆT trong ĐẠI VIỆT được viết theo Lệ thư lẫn Khải thư. Tuy nhiên bác có thể cho biết hai chữ VIỆT này có phải cùng một nghĩa? Trong bài viết thì tác giả Nguyễn Khắc Thuần có nói "khác mặt chữ", tuy không giải thích rõ nhưng ý tác giả NKT theo tôi hiểu thì đây là hai chữ VIỆT khác nghĩa nhau. Tôi khá thắc mắc về mặt ý nghĩa này.
      Cám ơn bác Bu rất nhiều.

      Xóa
  11. Thật là thú vị khi bác Phạm Ngọc Hiệp phát hiện ra hai chữ Việt khác nhau. Bác Hiệp cũng rất thận trọng cho thấy chữ Việt trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi ( thế kỉ XV) giống với chữ Việt trong Quốc hiệu nước ta đầu thế kỉ XIX.
    Về chuyện này, tôi hoàn toàn tin tưởng vào bác BU. Bác Bu đã dẫn chứng đầy thuyết phục bằng hình ảnh sự biến đổi của chữa Việt qua các thời kì và các kiểu viết. Không còn nghi ngờ gì về chuyện hai chữ viết khác nhau, nhưng cùng là MỘT chữ, và tất nhiên sẽ có cùng nghĩa.
    Tôi chỉ băn khoăn rằng không vì có bộ TẨU mà suy ra là chạy xuống phía NAM. Suy diễn như thế thiếu căn cứ xác đáng. Tôi tán thành nhận xét của bác Hiệp :"Theo chúng tôi, nhìn từ bất cứ góc độ nào cũng là một ý kiến hoàn toàn sai".
    Bác Bu đã làm cho mọi người sáng tỏ sự khác nhau của hai chữ Việt. Một lần nữa cám ơn bác đã cho tôi mở to con mắt hạt đậu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác BU và bác Vũ Nho. Cám ơn hai bác đã vào giúp làm sáng tỏ vấn đề.

      Cám ơn bác Vũ Nho đã vào nhận xét. Thật ra là từ sách của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã nói có sự khác biệt giữa hai chữ VIỆT, ông NKT không nói rõ, nhưng tôi tin là ý của ông NKT cho là hai chữ VIỆT đó khác nghĩa nhau, nên tôi đã thử tím hiểu. Chứ không phải do tôi phát hiện. Và ngay cả câu: "Theo chúng tôi, nhìn từ bất cứ góc độ nào cũng là một ý kiến hoàn toàn sai", tôi trích dẫn cũng là của tác giả Nguyễn Khắc Thuần chứ cũng không phải của tôi.

      Qua tra cứu của bác Bu tôi nghĩ mới nói ra được một phần của vấn đề tôi suy nghĩ. Như bác Bu đã còm bên trên về sự phát triển của chữ Hán qua 5 thời kỳ, từ Giáp cốt văn cho đến Khải thư (trừ chữ Giản thể sau này). Thì khi loại chữ này ra đời (theo niên đại), và được sử dụng, thì loại chữ kia đã không còn sử dụng nữa. Bác Bu có thể lý giải được một phần, nhưng tôi vẫn chưa thấy thỏa đáng, vì từ sự lý giải này tôi lại nảy sinh thêm một thắc mắc nữa. Ngoài điều bác Bu đã thắc mắc "Cớ sao toàn bộ sách, chữ việt đều viết theo lối chữ Khải thư , đến chữ việt trên bìa lại vừa Khải vừa Lệ như vậy". Thắc mắc của tôi là:

      Đây là một bộ sách sử lớn nhất của nước ta cho đến lúc bấy giờ (1697), chắc chắn việc in ấn, phát hành khi đó phải do bộ phận được giao phụ trách về soạn thảo của triều đình (thời Nguyễn gọi là Quốc sử quán), hẳn là phải do những nhà Nho uyên bác, từ việc viết bản thảo, sửa chữa, hiệu đính bản thảo, cho đến việc khắc bản in (thời đó là in mộc bản từng tờ), sửa chữa bản in, việc in ấn... của bộ Đại Việt sử ký toàn thư phải được làm rất cẩn thận... Cũng như ta thấy về sau này dưới triều Nguyễn, việc in ấn các bộ sử được giao cho rất nhiều người tài giỏi phụ trách, mà Tổng tài ta thường thấy ghi là Cao Xuân Dục. Thế tại sao ngay bìa trang nhất của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, lại có chữ VIỆT (lại là tên nước mới lạ), sai sót như thế (theo bác Bu là chỉ có một chữ VIỆT là vừa viết theo chữ Lệ lại vừa viết theo chữ Khải, còn các chữ khác viết theo chữ Khải, mà cũng theo bác Bu "Người khắc chữ bìa sách năm 1697 hơi cẩu thả, để một nét của chữ việt (cổ) cắt ngang một nét của bộ tẩu".

      Đấy là những sai sót tôi nghĩ không thể chấp nhận được, và cũng khó có thể xảy ra được với trang bìa của một cuốn sách sử quan trọng như thế. Như tôi đã nói, từ việc viết bản thảo, cho đến việc in ấn bộ sử này, chắc chắn phải do những người rất giỏi của triều đình lúc ấy thực hiện dưới lệnh của nhà Vua (hay Chúa). Tôi nghĩ nếu có sai sót (tôi nhấn mạnh chữ nếu), chắc chắn ngay từ khi thực hiện bản khắc gỗ, hay cùng lắm là in thử tờ đầu tiên, những người có trách nhiệm sẽ nhận ra, và cho sửa chữa ngay, chứ không đến nỗi cứ in ấn phát hành thoải mái. Và lỡ giả sử điều này có xảy ra, thì sau khi in ấn phải dâng lên Vua, hoặc Chúa (thời vua Lê, chúa Trịnh) xem, tôi nghĩ "sẽ có chuyện" ngay tức khắc, bởi hệ thống vua chúa, quan lại xưa rất khó, người phụ trách bộ sử này có khi mang họa, tù mọt gông chứ chẳng phải chơi. Đấy là một dấu hỏi của tôi.

      Trở lại chuyện bên trên

      Xóa
  12. Trở lại chuyện bên trên entry, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã viết sự khác biệt của chữ VIỆT trong quốc hiếu VIỆT NAM, khác với chữ VIỆT trong quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT nữa chứ không phải chỉ trong quốc hiệu ĐẠI VIỆT, chẳng lẽ quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT cũng viết sai sót như quốc hiệu ĐẠI VIỆT?. Ông NKT là giảng viên đại học, đã viết, dịch rất nhiều tác phẩm chữ Hán, sách của ông ghi chú rất cặn kẽ.

    Mới đây, tôi đã mua vỉa hè được một quyển sách rất hay của ông Nguyễn Khắc Thuần viết chung cùng Nguyễn Quảng Tuân xuất bản năm 1987, thời đó in giấy xấu nhưng sách còn rất tốt, bìa bọc plastic đàng hoàng, quyển Từ ngữ thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Quyển này giống như quyển Từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh, trong đó giảng nghĩa những chữ cổ khó hiểu trong các tác phẩm của cụ Đồ Chiểu, theo mục từ A, B, C, D... như các loại từ điển, và in thêm những bài mà phần giải thích từ ngữ đã dẫn, kể cả những bản khảo dị.

    Nếu hai chữ VIỆT đã nói chỉ là một, và cùng một ý nghĩa như ý kiến của bác Vũ Nho, hay khác tự dạng là do viết, hoặc do khắc bản in sai như bác Bu đã chứng minh bên trên. Một người tôi cho là rất giỏi về Hán Nôm, dịch rất nhiều sách chữ Hán như ông NKT, chẳng lẽ lại không nhận ra? Và ông NKT cũng đã viết là khác? (mà không giải thích rõ).

    Tình thân.


    Trả lờiXóa
  13. HN trân trọng công phu tìm tòi tra cứu của bác PNH, cố gắng đi sâu của bác Bu và ý kiến bạn bè. Là người học Sử nhưng rất "i tờ rít" về Hán Nôm nên xin "dựa cột mà nghe" và chỉ đọc của các bác thôi nhé. Nhờ những cố gắng này mà ai đọc được sẽ biết thêm (dẫu rằng biết cũng chẵng...để làm gì!). Mừng cho hai bác có nhiều cách để ngăn ngừa đà lão hóa do tuổi tác đem lại. Rất vui khi đọc những lời cmt thú vị của Mùa Thu Buồn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi đọc, nhất là về sử tôi thường đánh dấu, ghi nhớ lại những gì mình cho là thú vị, rồi tra cứu trên nhiều nguồn (nhất là sách vở của những người viết tôi thấy có thể tin cậy), so sánh, nhận xét và từ đó sẽ có những câu hỏi "tại sao"?. Từ cái "tại sao" này mình lại tiếp tục đi tìm câu trả lời.
      Tôi có được "cái may" (hoặc cũng là "cái dở"), là ngày trước năm 75, tôi đã học được từ ngành của tôi (trong đó đa số là giáo trình của người Mỹ nên rất khoa học) những nguyên tắc nhận xét, phân tích vấn đề, dự đoán, kết luận... Bây giờ có áp dụng những cái này trên blog cũng là để tìm hiều, chia sẻ với bạn bè (không phải là để tranh luận hơn thua), và cũng là để qua sự tinh thông của bạn bè mình có thể tìm ra được cái mình thắc mắc, chưa hiểu.
      Và cũng như bác HN nói, ở vào cái tuổi như tụi mình, đây là cách ngăn ngừa lão hóa hữu hiệu, vì cái đầu của ta vẫn còn phải làm việc, chứ cứ ngồi đó mà chờ giờ ăn với ngủ, hay đi nhậu thì oải lắm.


      Xóa
  14. Tôi rất trân trọng sự cẩn trọng của bác Hiệp. Nhưng tôi cảm thấy bác quá nệ vào ông Nguyễn Khắc Thuần. Tôi có thói quen là bất cứ cụ nào đức cao vọng trọng đến đâu, tôi cũng không xem là chuẩn mực. Các cụ vẫn có thể sai, có thể sót như thường.
    Trở lại chuyện Khải thư và Lệ thư. Đúng là có sự xuất hiện xếp về mặt thời gian. Nhưng tôi không cho rằng khi kiểu này xuất hiện thì thay thế và phủ định kiểu kia. Người ta vẫn dùng cả cá loại Khải thư, Lệ thư và Thảo thư...đó thôi. Cũng như lối viết thường, viết hoa và viết in của chữ quốc ngữ vậy. Tôi vẫn tin rằng chữ Việt để chỉ Đại cồ Việt, Việt Nam chỉ là hai cách viết của MỘT chữ, và ý nghĩa chỉ VIỆT NAM, ĐẠI VIỆT chỉ là một. (Còn nghĩa khác nữa thì không thành vấn đề, vì một từ có thể có nhiều nghĩa).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Như bác Vũ Nho đã biết bên trên, tôi chỉ trích dẫn ông NKT như là một ví dụ phụ, cái chính vẫn là ở thắc mắc về bìa của bộ sách sử Đại Việt sử ký toàn thư, ngày xưa thời vua chúa, một bộ sử lớn như thế chắc hẳn không phải do những "nhà xuất bản" hay "nhà in làng nhàng" in ấn, mà phải do Nội các quan bản, hay Quốc tử giám tàng bản (như bác Bu đã trích dẫn phía dưới) phụ trách, từ khâu bản thảo, kiểm tra, in ấn, đến khi phát hành. Tôi vẫn thắc mắc là tại sao lại có chữ VIỆT như thế ở trang bìa đầu tiên của sách? Nếu là sai sót như bác Bu đã chứng minh thì tại sao có thể xảy ra? Một sai sót về chữ VIỆT (quốc hiệu) vừa "lai" giữa Lệ thư và Khải thư (chẳng thà viết đúng như Lệ thư, trong khi tất cả các chữ khác đều viết theo Khải thư, lại còn viết "cẩu thả" nữa (ý bác Bu), có thể chấp nhận được không? Các quan ở Nội các quan bản chẳng lẽ không biết? Nếu biết chẳng lẽ không sửa?

      Thật ra tôi cũng như bác, cũng vẫn ngờ là hai chữ là một, chữ VIỆT ở Đại Việt sử ký toàn thư là viết sai, nhưng để có thể chứng minh được là viết sai, thì chứng minh của bác Bu bên trên với tôi vẫn chưa đủ thuyết phục. Để "rộng đường dư luận" tôi cũng đã nói tác giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược, vẫn ghi chú quốc hiệu Đại Cồ Việt, Đại Việt giống như chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM.

      Xóa
    2. Tôi cũng đồng ý hoàn toàn với bác Vũ Nho về các kiểu chữ Lệ, chữ Khải, chữ Thảo, hoặc cả chữ Triện vẫn còn được dùng. Nhưng riêng trong trường hợp tờ bìa 1 của sách Đại Việt sử ký toàn thư (ta đang xét tới trường hợp này), nó chỉ đúng với điều kiện: -Với người "hơi khó tính" thì chữ ở nguyên cả tờ bìa này phải đều là kiểu chữ Lệ. -Với người "dễ tính" thì chỉ một dòng chính "Đại Việt sử ký toàn thư" là kiểu chữ Lệ. -Với người "cực kỳ dễ tính" thì chỉ một chữ VIỆT là kiểu chữ Lệ. Tiếc thay chữ VIỆT ở đây (theo bác Bu) thì lại "nửa kiểu chữ Lệ nửa kiểu chữ Khải, lại còn viết hơi cẩu thả, nét này ngoặc vào nét kia", nói chính xác ra là chữ VIẾT SAI. Sách sử do Nội các quan bản làm có thể chấp nhận được như vậy không? Đấy là chưa nói đến ý nghĩa của chữ.

      Xóa
  15. 1- Sách ĐVSKTT tập 1, kỷ nhà Đinh, trang 211 viết: “Mậu thìn năm thứ 1 (968) (Tống Khai Bảo năm thứ 1). Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt 大瞿越, chữ Việt ở đây viết theo lối chữ khải (có cách nay khoảng 1400 năm) . Nó không khác gì chữ việt trong quốc hiệu Đại Việt hoặc Việt Nam cả
    2- Trong tập 1 ĐVSKTT
    - Ở trang 78 giới thiệu: Bìa ĐVSKTT bản Nội các quan bản PD2310 tại Thư viện Hội Á châu (Société asiaticque)
    - Ở trang 79 giới thiệu: Bìa ĐVSKTT bản Nội các quan bản khi còn lưu giữ tại Thư viện của Paul Demiéville.
    Chữ Việt trong hai trang này có bộ tẩu viết theo lối Lệ thư như PNH đưa ra . Bu tui chỉ giới thiệu hình trang 78 (trang 79 viết giống trang 78)

    [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_4976_zps8a2c2cf6.jpg[/IMG]


    - Ở trang 80 giới thiệu: Bìa ĐVSKTT Bản Quốc tử giám tàng bản VS.4
    - Ở trang 81 giới thiệu: Bìa ĐVSKTT Bản Quốc tử giám tàng bản A.3.
    Chữ Việt trong hai trang này có bộ tẩu viết theo lối khải thư
    Bu tui chỉ giới thiệu hình trang 80 (trang 81 viết giống trang 80)

    [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_4977_zpsb1e20d08.jpg[/IMG]

    3- Như vậy, sách ĐSKTT có hai loại bìa với hai kiểu chữ việt khác nhau. Bạn PNH mới đưa ra một loại , nay biết thêm loại thứ 2 hihihi
    4- Theo bu cứ chữ nào gồm bộ tẩu đi với chữ việt (cổ) thì phải đọc là việt, tất nhiên nghĩa nó như nhau.

    Dòng chữ nhỏ trên hình 1 (có hình người quỳ với chiếc búa) viết :
    “Ví dụ trong Hán Việt, việt dã {Cross – country ra ce}. người Việt
    {vietnamese, originally the name of Yue peoples that populated present-day southeastem china}. Ví dụ trong Hán Việt, Việt hóa, vượt { Cross or pass}. Âm Bắc Kinh: Yué.”

    5- Ông Thuần nói "Chữ VIỆT mà thư tịch cổ của ta cũng như Trung Quốc dùng để chỉ người VIỆT hay nước ĐẠI VIỆT có mặt chữ Hán khác hẳn với chữ VIỆT (trong quốc hiệu VIỆT NAM) do nhà Mãn Thanh đặt ra sau này. Một số người nhân thấy chữ VIỆT (trong quốc hiệu Việt Nam) có bộ tẩu (nghĩa là chạy) ở bên trái nên cho rằng VIỆT NAM nghĩa là chạy xuống phương Nam. Theo chúng tôi, nhìn từ bất cứ góc độ nào cũng là một ý kiến hoàn toàn sai".
    - Phần đầu ý này ông Thuần nói hơi tù mù, không mạch lạc khúc chiết. Thư tịch cổ của ta thì duy nhất có chữ việt bộ tẩu 越 đã thấy trong ĐVSKTT, trong Đại cồ Việt, trong quốc hiệu Việt Nam. Thư tịch cổ Trung Quốc là thư tịch nào ông không nói rõ.
    Có thể ông Thuần gặp phải chữ việt (bộ mễ) 粵 trong văn bản
    nào đó của Tàu chỉ tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây hay dân của hai tỉnh ấy chăng. Người Tàu có học vấn khi viết việt của Việt Nam thì dùng chữ việt bộ tẩu, ngoại trừ cha nào đó nhầm viết chữ việt bộ mễ làm ông Tuần cứ yên chí trong đầu .
    (粵 việt: …..Tên đất cổ, dân Bách Vệt cổ ở hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây, việt dùng để chỉ hai tỉnh ấy. Thiều Chữu và Trần văn Chánh còn ghi 粵 dùng như chữ Việt bộ tẩu 越)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất cám ơn bác Bu đã đưa ra 2 bản bìa của sách Đại Việt sử ký toàn thư. Bản có chữ VIỆT mà tôi thắc mắc là bản của NỘI CÁC QUAN BẢN, còn bản có chữ VIỆT giống với chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM, là bản của QUỐC TỬ GIÁM TÀNG THƯ.

      Thứ nhất bản Đại Việt sử ký toàn thư của NỘI CÁC QUAN BẢN, là bản gốc, bản chính, vì NỘI CÁC QUAN BẢN chính là nơi được triều đình nhà LÊ giao làm bộ sách sử này năm 1697, còn bản của QUỐC TỬ GIÁM TÀNG THƯ, là bản của triều Nguyễn (theo tôi được biết Quốc Tử Giám được lập dưới triều Nguyễn).

      Tôi chỉ hỏi bác Bu một điều, nếu bác Bu phụ trách NỘI CÁC QUAN BẢN , bác Bu có chấp nhận một tờ bìa của bộ sử rất quan trọng thời ấy là VIẾT SAI chữ VIỆT của quốc hiệu? Như chính bác Bu đã lý giải chữ VIỆT này.

      Xóa
    2. 1- Bu tui dù chơi như chơi blog cũng nghiêm túc, huống nữa làm việc nhà nước, nhất là việc lưu truyền hậu thế như làm bìa bộ ĐVSKTT. Nguyên thấy nét chữ Việt cắt ngang nét bộ tẩu thì sử quan Bulukhin bắt làm lại ngay tức khắc, chưa nói bi trị tội xuyên tạc chứ nghĩa thánh hiền...
      2- Quốc tử giám được làm từ năm 1070 dưới triều vua Lý Thánh Tông chứ không đợi đến Triều Nguyễn mới có cái tên ấy.

      Xóa
    3. Vậy là đã rõ, người chữ nghĩa ấm ớ như tôi còn không chấp nhận được nếu chữ VIỆT đó viết sai, chứ đừng nói giỏi chữ nghĩa hơn như bác Bu (điều này tôi thật lòng nói), hoặc là rất giỏi như NỘI CÁC QUAN BẢN triều Lê, và triều đình vua chúa thời phong kiến còn khó khăn, khắt khe giàn trời gấp trăm ngàn lần bây giờ, vua chúa ngày xưa được học hành dạy dỗ từ bé, xưa chữ được gọi là "chữ Thánh hiền", sai kiểu này chỉ có nước bị "trảm" hết thôi.

      Rất đồng ý với bác Bu là Quốc tử giám có từ năm 1070 dưới triều Lý, nhưng ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ chỉ được hoàn chỉnh và in ấn từ năm 1697, nghĩa là tên bộ sử này chỉ tồn tại từ năm 1697 trở về sau này, nên bản ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ của QUỐC TỬ GIÁM tàng thư KHÔNG THỂ LÀ bản từ thời triều LÝ được, mà chỉ có thể là Quốc Tử Giám của triều NGUYỄN thôi, bác Bu đồng ý chứ?, mà đến triều NGUYỄN thì chữ VIỆT được viết như chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM cũng là dễ hiểu.

      Cho nên theo tôi cái nghi vấn về chữ VIỆT trong ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ vẫn còn nguyên đó, hù hù!

      Xóa
    4. Và nếu hai chữ VIỆT này cũng dùng chỉ để chỉ một ý nghĩa, thì như bác Vũ Nho đã nói, "chỉ là hai cách viết của MỘT chữ, và ý nghĩa chỉ VIỆT NAM, ĐẠI VIỆT chỉ la một". Tiếp theo nữa cũng là ý của bác Vũ Nho "(Còn nghĩa khác nữa thì không thành vấn đề, vì một từ có thể có nhiều nghĩa)".

      Theo như những lý giải bên trên thì khó có thể đây là chữ viết sai. Vậy hai ý kiến của bác Vũ Nho tôi vừa nêu là xác đáng. Đấy cũng chính là cái câu hỏi ở cuối entry của tôi "có bạn nào rành hay có tài liệu nào nói về ý nghĩa khác, hoặc giống nhau của hai chữ VIỆT này không?

      Xóa
    5. Tôi muốn nói là Quốc tử giám có từ thời Lý Thánh Tông và tồn tại cái tên đó cho đến triều Nguyễn. Tất nhiên phải qua nhà Trần nhà Lê. ...Vậy thì Quốc tử giám tàng thư trên bìa sách chắc gì là Quốc tử giám triều Nguyễn. Đây lại vấn đề khác nữa....

      Xóa
    6. Hihi, sau nhà Lê (hậu Lê) thì đến nhà Nguyễn, nhà Lê thì từ năm 1697 có Đại Việt sử ký toàn thư của Nội các quan bản rồi, thì bản Đại Việt sử ký toàn thư Quốc sử quán tàng bản tôi vẫn nghĩ là của Quốc tử giám nhà Nguyễn, và chắc chắn không thể là của nhà Trần, nhà Mạc, nhà Hồ...

      Bác Bu nói đúng, đấy lại là vấn đề khác nữa... Cho nên tôi nghĩ nên trở lại vấn đề chính mà tôi đã thắc mắc ở entry: ĐÓ LÀ CHỮ VIỆT của Đại Việt sử ký toàn thư Nội các quan bản. Đây là thắc mắc của bản thân tôi (không liên quan gì đến chuyện ông NKT, vì ông chỉ đề cập đến cái khác của chữ VIỆT trong quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT - ĐẠI VIỆT, với quốc hiệu VIỆT NAM, mà điều này bác Bu đã chứng minh là hai chữ đó giống hệt nhau, và tôi đã đồng ý).

      Xóa
    7. Hihi, xin đính chính "Đại Việt sử ký toàn thư Quốc tử giám tàng bản" chứ không phải "Đại Việt sử ký toàn thư Quốc sử quán tàng bản"

      Xóa
  16. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  17. Trên hình thứ nhất.
    Dòng trên cùng: (phải qua trái) Nội các quan bản.
    Dòng bên phải: Vị lịch triều chi sự tích.
    Dòng bên trái: Công vạn thế chi giám hành.

    Trên hình thứ hai.
    Quốc tử giám tàng bản.

    Trả lờiXóa

  18. Để khẳng định chữ Việt trong Đại Cồ Việt là bộ tầu Bu tui đưa ra ba chứng cứ.

    1- Gõ Đại Cồ Việt vào Google, ta có Đại Cồ việt : 大瞿越
    2- Đọc Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, ở Chương II trang 93 có “Đại Cồ Việt 大 瞿 越”
    3- Đọc ĐVSKTT tập 4 chữ Hán, trang 91 “BẢN KỶ TOÀN THƯ QUYỂN I”. Tại cột 12 -13 (có đánh dấu mũi tên trong hình chụp). Đọc được một số chữ theo hàng dọc (các chữ khác quá mờ kính lúp mạnh cũng thua) như: Mậu thìn nguyên niên ….Tống Khai Bảo…quốc hiệu Đại Cồ Việt tỷ kinh ấp vu Hoa Lư động ( ba chữ Hoa Lư động ở cột 13) Đại Cồ Việt viết được viết : 大 瞿 越
    4- Đối chiếu với bản tiếng Việt tập I, tại trang 211 sẽ gặp dòng
    “ Mậu Thìn năm thứ 1 (968) (Tống Khai Bảo năm thứ 1). Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư





    [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_4978_zps5e6537f7.jpg[/IMG]


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đồng ý với bác Bu là chữ VIỆT trong ĐẠI CỒ VIỆT hay ĐẠi VIỆT là chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM. Bây giờ chúng ta trở lại vấn đề chữ VIỆT Trong Đại Việt sử ký toàn thư của Nội các quan bản triều Lê. Tại sao chữ VIỆT này lại viết khác chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM?

      Xóa
  19. Bác Bu, bác Vũ Nho, và các bạn.

    Trước hết tôi xin cám ơn tất cả các bạn đã nhiệt tình vào chia sẻ entry này. Có lẽ tôi xin mạn phép tạm khép lại, nếu chúng ta không có ý gì mới, bởi tôi nghĩ những gì liên quan đến câu hỏi của tôi đã được các bạn, nhất là bác Bu, bác Vũ Nho vào chia sẻ, góp ý tận tình. Với riêng bản thân tôi câu hỏi ở cuối entry vẫn còn đó "có bạn nào rành hay có tài liệu nào nói về ý nghĩa khác, hoặc giống nhau của hai chữ VIỆT này không? Xin được chỉ giáo."

    Tôi trân trọng những gì bác Bu, bác Vũ Nho đã bàn bạc. Bởi với tôi tuy cậu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng, nhưng tôi đã học hỏi thêm được nhiều điều, nhiều kiến thức, nhất là nơi bác Bu, khi chúng ta bàn về những gì liên quan. Khi nêu ra ý kiến của bác Bu lý giải về chữ VIỆT, tôi chỉ muốn nói với tôi thì chưa "thỏa mãn" thôi, chứ tôi không bác bỏ ý kiến của bác Bu, cũng như nếu các bạn thấy ý kiến đó là thỏa đáng, mỗi người chúng ta tự do hiểu theo suy nghĩ của mình.

    Nếu các bạn có những lý giải gì mới, ngay cả việc chứng minh được chữ VIỆT trong trang bìa của Đại Việt sử ký toàn thư của Nội các quan bản là chữ viết sai, mà thuyết phục, tôi nghe theo liền, hihi!

    Tình thân.

    Trả lờiXóa
  20. 1- Tại sao có hai chữ Việt viết khác nhau trong bìa ĐVSKTT mà ngày xưa các sử quan vẫn chấp nhận được là một câu hỏi khó trả lời…Vụ này phải có chuyên ngành lịch sử, ngôn ngữ, Hán Nôm may ra gỡ được.
    Nhưng theo bu tui, sử học nước nhà nên trả lời mấy câu hỏi này:
    - Ông Kinh Dương Vương nhân vật tiểu thuyết Tàu, được cho là ông nội vua Hùng có xứng đáng để Bắc Ninh bỏ ra 500 tỉ làm lăng miếu thờ không, trong thực tế có ông này không… hihihi.
    - Có nên loại bỏ kỉ Hồng Bàng ra khỏi sử sách nước nhà không
    - 18 đời vua Hùng có chiếm hết 2800 năm như sử sách nói không , - Việt Nam ta có đúng là có 4000 năm lịch sử không. Mấy ngàn năm thì đúng…
    - Và rất nhiều Vấn đề động trời do Giáo sư - thiền sư Lê Mạnh Thát nói ra, ai phản biện để tìm lẽ phải.
    …….
    2- Trước khi PNH kết thúc ẻn này bu tui đưa thêm thông tin về ĐVSKTT bản Quốc tử giám tàng bản. Nó có phải sản phẩm của thời Nguyên không.
    Giáo sư Phan Huy Lê chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam viết trong lời giới thiệu ĐVSKTT:
    “ Năm 1964, Trần Văn Giáp giới thiệu hai bản in Đại Việt sử ký toàn thư mang kí hiệu HV.118 của Viện Sử học và A.3 của Thư viện Khoa học xã hội (nay chuyển sang Viện Hán Nôm). Mặt bìa đề rõ tên sách Đại Việt sử ký toàn thư và bên trái ghi “Quốc tử giám tàng bản”. Tác giả kết luận “bản mộc bản sách ấy còn lại hiện nay mà chúng ta thường dùng là bản khắc khoảng năm triều Lê”(1). Năm 1970, trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Trần Văn Giáp xác nhận lại một lần nữa những bản in gỗ sách Đại Việt sử kí toàn thư ở trong nước, có ghi “Quốc tử giám tàng bản” đều là nhưng bản in từ mộc bản năm 1697, tức đều là những bản Chính Hòa….
    …………………………………………
    (1) Trần Văn Giáp, Lược khảo về bộ ĐVSKTT cùng tác giả của nó. Nghiên cứu lịch sử số 63, tháng 6-1964. tr 10

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã đưa ra những nghi vấn lịch sử ở mục 1, những nghi vấn này tôi cũng có được biết qua sách, báo, tạp chí... và bản thân tôi cũng thắc mắc không kém khi đọc những sách sử. Cũng rất cám ơn bác Bu đã cho biết thêm về thông tin của bản Đại Việt sử ký toàn thư Quốc tử giám tàng bản. Sáng nay tôi sực nhớ lục lại quyển Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Bộ Văn Hóa Giáo Dục in tại Saigon năm 1964, thì phần viết về bộ Đại Việt sử ký toàn thư, từ Đại Việt sử ký, Đại Việt thông gíam, Đại Việt sử ký tục biên, Đại Việt sử ký toàn thư... đều chú thích phần chữ Hán về chữ VIỆT, giống như chữ Việt ở Việt Nam, kể cả một bản chụp ghi "Trang đầu bộ Đại Việt Sử ký ngoại kỷ toàn thư thì chữ VIỆT trong ĐẠI VIỆT cũng ghi giống chữ VIỆT trong VIỆT NAM.

      Cho nên trang bìa của Đại Việt sử kí toàn thư Nội các quan bản ghi chữ VIỆT khác như thế thật lạ, nếu một hai chữ VIỆT bên trong sách ghi như thế thì tôi tin ngay là chữ bên trong sách ghi sai.

      Nếu bác phát hiện ra gì khác xin xho biết.


      Khó thật đấy bác BU, chắc cái này phải đi hỏi ông Nguyễn Xuân Diện.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))