Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Sưu tầm chữ nghĩa.



Trong một cái "còm" của ông bạn Bulukhin bên nhà của bạn, một người rất thông tuệ, mà tôi và bạn bè trên mạng lâu nay quen gọi là "Bác Bu", khi nói sơ qua về vài người bạn mạng hay qua lại, bác ấy có viết "PNH là nghệ nhân và nhà sưu tầm từ điển đông tây kim cổ". Hihi! ấy là tôi biết bác Bu thương mà nói thế, nghệ nhân, là tôi đã làm ra mấy con thú chim cò, dế men, bọ ngựa, cua cá... bằng giấy mà trẻ con (và có khi cả người lớn thích), còn nhà sưu tầm từ điển đông tây kim cổ thì với mươi lăm, cùng lắm là được vài chục quyển từ điển các loại trên kệ sách tôi đã cóp nhặt đây đó, chẳng thấm vào đâu so với tủ sách của bác Bu, mà có lần ra Quảng Bình, nơi sống cũ của bác tôi có ghé nhà bác ấy chơi, đã được chiêm ngưỡng.

Bác Bu nói về việc sưu tầm từ điển làm tôi nhớ đến một vị bác sĩ người Huế, hiện đang sống, làm việc và giảng dạy tại Hoa Kỳ, bác sĩ Bùi Minh Đức. Trong quyển sách "chữ nghĩa tiếng Huế" (nhà xuất bản Thuận Hóa, xuất bản năm 2008), ông đã viết về thú sưu tầm từ điển, và bản thân ông cũng là một người sưu tầm từ điển. Quả thật, qua những gì ông viết về chuyện sưu tầm từ điển mới thấy hết cái công phu, cái trí tuệ của việc sưu tầm, ông sưu tầm được cả từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes ra đời từ năm 1651, cho đến những quyển từ điển bề thế mới ra đời cách nay vài năm, như Đại từ điển chữ Nôm, Đại từ điển tiếng Việt, hay những bộ từ điển Bách khoa đồ sộ của các nước như Pháp, Anh, Đức... Thật đáng khâm phục cho cái thú chơi rất trí tuệ của ông.

Đối với tôi, chẳng qua chỉ là vấn đề tìm hiểu, học hỏi, khi kiến thức nhà trường của mình chẳng có bao lăm. Thời trẻ, ham chơi hơn ham học (đôi khi lấy hoàn cảnh, thời cuộc, chiến tranh của đất nước để... đổ thừa), nên cái học vấn của tôi rất... lôm côm. Thỉnh thoảng đọc sách báo có khi không hiểu chữ nghĩa, lời lẽ, ý tứ, cho nên đành phải bổ túc bằng việc tra cứu trên sách vở, từ điển. Xứ mình xưa nay không có viện hàn lâm chữ nghĩa, mỗi sách, mỗi từ điển lại nói một phách, giải thích một kiểu nên lại đành phải tìm kiếm ở hết sách này, đến từ điển kia, riết rồi thành thói quen, thấy rất thú vị nữa.

Không thể có tiền, hoặc có chỗ để chứa chỉ một phần rất nhỏ những sách vở trong đó có các loại từ điển đã xuất bản xưa nay, cho nên tôi cố gắng chọn lọc, để có được những quyển từ điển nào mình cảm thấy hay, hoặc nhiều người khen, hoặc là... chê, để xem người ta chê ở chỗ nào, nó dở cỡ nào, lắm khi mình lại học được nhiều điều từ cái dở, những điều ấy, rất cần thiết cho việc tìm hiểu. Chẳng hạn về từ điển tiếng Việt, tôi mày mò để có được quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, in năm 1895, 1896 (2 quyển một bộ, in trong 2 năm tại miền Nam), dĩ nhiên không phải là nguyên bản mà chỉ là bản phô tô, như vậy cũng là quá mừng, quyển từ điển này rất quý ở chỗ cho ta biết nghĩa của khá nhiều từ ngữ xưa, đã không còn hoặc rất ít dùng, lại là quyển từ điển phương ngữ miền Nam cách nay đã hơn một trăm năm, từ điển có cả chữ Hán, chữ Nôm kèm theo từ ngữ, tiện cho việc tra cứu đối với ai biết về chữ Hán, chữ Nôm. 

Quyển thứ nhì là Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, bản do Saigon in năm 1967, in lại bản in năm 1931 của Hà Nội, quyển này tôi mua thời còn đi học. Cũng có kèm theo chữ Hán trong mục từ, từ điển này do Phạm Quỳnh và một nhóm học giả miền Bắc lúc bấy giờ biên soạn (Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ - Hoàng Xuân Việt, NXB Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2007). Nhưng trái với Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, được coi là quyển từ điển phương ngữ miền Nam, thì Việt Nam Tự Điển, được coi là quyển từ điển phương ngữ miền Bắc, nhất là những từ xưa, thỉnh thoảng tôi vẫn tra cứu thấy có nhiều cái rất hay mà xưa nay mình không hiểu.

Đối với tiếng Việt, cơ bản là hai quyển từ điển ấy... Tôi cũng có những quyển từ điển tiếng Việt khác, được xuất bản ở cả hai miền Nam Bắc, qua nhiều thời kỳ (tôi không nêu tên tác giả, tên từ điển vì hơi dài, mất thời giờ các bạn đọc), ở miền Nam chủ yếu từ thập niên 50, 60, 70... Ở miền Bắc từ thập niên 60, 70 trở về sau này... Có lần thấy trên kệ sách có khá nhiều từ điển tiếng Việt mà thỉnh thoảng đi đâu tôi lại vác thêm về, bà xã tôi đã cằn nhằn, ông mua thế chưa đủ hay sao, tiếng Việt chứ có phải tiếng gì đâu mà bằng ấy quyển ở nhà chưa đủ? Nghe thế tôi chỉ biết cười xòa,. bà xã tôi đâu có hiểu, tiếng Việt coi thế mà ngữ nghĩa của nó mênh mông lắm, mỗi một thời kỳ, mỗi một vùng miền có khi lại viết khác, hay có nghĩa khác. Cũng chữ ấy từ điển xuất bản năm 50 nghĩa như thế, năm 70 nghĩa đã biến đổi, rồi miền này miền kia, hiểu có khi đã khác... Chữ "ốm" ở miền Bắc, chủ yếu hiểu là đau, bệnh, thì ở miền Nam lại hiểu là gầy gò. Miền Bắc nói cây bút thì miền Nam nói cây viết... Càng có nhiều sách, từ điển để tra cứu, mình càng vỡ ra nhiều vấn đề... Qua sách vở, từ điển, mình có thể hình dung ra được chữ nghĩa, từ ngữ, kể cả cái suy nghĩ, lối sống, cách sống của xã hội lúc ấy...

Ngoài từ điển tiếng Việt, dĩ nhiên lại phải có từ điển Hán Việt, Việt Hán, mỗi thứ lại có dăm ba quyển, tiếng phồn thể, rồi giản thể, không thể thiếu quyển từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, bản tôi có là bản in năm 1957, tôi đã mua từ thời còn đi học khoảng cuối thập niên 60 tại Saigon. Tuy gọi là từ điển Hán Việt, nhưng có thể dùng quyển từ điển này như một quyển từ điển để tra cứu tiếng Việt (đến 80, 90% từ ngữ tiếng Việt có nguồn gốc chữ Hán), từ điển sắp xếp mục từ theo A, B, C... như từ điển tiếng Việt, dễ tra cứu, thỉnh thoảng lại ghi chú thêm tiếng Pháp, rất hay. Tiếng Việt mà ta nói bây giờ xưa là tiếng Nôm, nên lại phải có từ điển chữ Nôm, cũng vài quyển, in tại Saigon trước năm 75, miền Bắc cũng thế, rồi từ điển mới in sau này...

Điển tích, điển cố, tầm nguyên, thành ngữ, tục ngữ, ca dao... những cái ta thường gặp trên sách vở, trong đời sống, nên lại phải có những từ điển thành ngữ, tục ngữ, điển tích, điển cố Trung Hoa, từ điển tầm nguyên... kể cả một số từ điển các loại khác nữa, từ điển văn học Việt Nam, văn học Trung Hoa, từ điển về hoa cỏ, thực vật, động vật... tôn giáo, triết học, địa lý, địa danh, thổ nhưỡng, văn hóa, điện, điện tử, công nghệ thông tin, du lịch..., từ điển nói về những thành phố lớn như Hà Nội, Saigon, Đà Nẵng... Muốn tìm hiểu lại phải có từ điển viết về những ngành ấy, những thành phố ấy, thế là dần dần đầy trên kệ sách... Tiếng Việt cũng liên quan đến một số tiếng của dân tộc thiểu số, cho nên gặp từ điển tiếng Mường, Tày, Nùng, H'Mong..., kể cả từ điển thành ngữ tục ngữ của họ là cũng... chớp ngay. Quả thật về rảnh lấy ra xem, mới thấy thú, người Tày, người Nùng, người Mường... lại có những suy nghĩ trong đời sống, thể hiện qua thành ngữ, tục ngữ nhiều khi rất giống với người Kinh mình, đúng là anh em một nhà...

Dĩ nhiên là tôi cũng phải có những quyển từ điển Pháp Việt, Việt Pháp, Anh Việt, Việt Anh... qua những thời kỳ..., bởi người Pháp, Mỹ (văn hóa, văn minh Âu, Mỹ có ảnh hưởng khá nhiều đến Việt Nam), chưa kể một số từ điển tiếng Anh các loại cho cu cậu con trai, rồi cũng có những quyển từ điển của Anh, Pháp, mình chỉ đọc hiểu được cái tựa, nhưng lê la sách vở vỉa hè thấy bán rẻ quá, kiểu giấy vụn cân ký lô, những quyển từ điển dày cộm của Oxford, Hachette..., tiếc vì sách in đẹp, nghiêm túc, thế là lại mua, vác về chất đầy nhà...

Nhân đây tôi cũng xin kể có trường hợp mình phải "xem lại" cái suy nghĩ của mình sau khi tra từ điển. Có lần đã lâu, đọc trong một quyển sách xưa của một nhà văn ở miền Bắc, thời Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... thấy có từ "dắn chắc", tôi cứ nghĩ có lẽ nhà văn viết sai chính tả theo cách phát âm của người miền Bắc "r" thành "d", hoặc lỗi nhà in, vì chúng ta thường thấy bây giờ dùng là "rắn chắc" chỉ sự cứng rắn. Nhưng đến khi tôi tình cờ đọc được trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức mới thấy ghi "dắn", nghĩa là "cứng", thậm chí tiếp theo là "dắn dỏi": chứ không phải là "rắn rỏi" như từ điển bây giờ. Như vậy tôi thấy, có thể cách nay 80, 90 năm ở miền Bắc, người ta viết là "dắn" chứ không phải là "rắn" như sau này, nghĩa là nhà văn thời ấy viết chữ "dắn" với nghĩa là cứng chưa chắc đã sai. 

Cũng có một chữ khác mà tôi đã viết trong một entry trước đây, đó là chữ "mắc mỏ" mà ta dùng bây giờ có nghĩa là đắt, đắt đỏ. Nếu ta có thấy trong sách cách nay bảy tám chục năm người ta viết là "mắt mỏ", với chữ "t" ở chữ "mắt" chứ không phải chữ "c" như bây giờ, cũng đừng vội cho là thời ấy người ta viết sai chính tả, bởi tất cả các từ điển trong Nam, ngoài Bắc tôi có in cách nay bốn năm chục năm trở về trước, đều viết là "mắt mỏ" chứ không phải là "mắc mỏ" như bây giờ...


Tra cứu từ điển các loại, được in qua nhiều thời kỳ, ở những miền khác nhau, thường cho chúng ta một cái nhìn "thoáng" hơn, và cũng cho chúng ta biết được rất nhiều điều thú vị...


14 nhận xét :

  1. 1- Tiếc là hôm dến nhà bạn PNH, không có thì giờ ngồi lâu để thống kê tỷ số từ điển trong số sách nói chung của bạn ấy. Nhưng xem qua thì thấy tỷ số đó khá cao, không chừng đến 30%. Thú vị nhất là được mục sở thị các từ điển "Mường, Tày, Nùng, H'Mong...". Hihihi bu tui đã được ở với mấy dân tộc đó nhưng chưa có dịp mua từ điến tiếng họ. Vì bu ở cái tỉnh lẻ nhà quê còn PNH thì thổ công thành phố lớn nhất nước, bạn có cái thế mạnh "địa lợi" mà ít ai có được.
    2- Các cụ có câu "Đói thì đầu gói phải bò" vậy thì đói kiến thức cúng phải lò dò đi mua sách. Nhờ trời bà xã thông cảm với cái hâm hâm của đức ông chồng, nên không kêu ca tốn kém. Hihihi con mằm trong bụng mẹ mà bố đã đi mua sách tặng con trai (cứ ghi đại thế chớ hồi đó không có siêu âm giới tính) nay con đã 35 tuổi mà sách vẫn còn mới nguyên, vì bố cũng chưa đọc.
    Đọc sách, nói theo sách thì là mọt sách, chớ thông tuệ gì được bạn PNH ơi
    3- Kiến thức trùng điệp điệp biết làm sao cho hết. Gs Cao Xuân Hạo nói như đinh đóng cột, người Việt Nan chưa được học ngữ pháp tiếng Việt , mà học ngữ pháp Tây dich ra tiếng Việt. Ông đã phá câu tiếng Việt có chủ vị (chủ ngữ vị ngữ). Ông kể, một siêu giáo sư Tây không hiểu nổi để dich câu "CHÓ TREO MÈO ĐẬY" của người Việt. Mâi đến năm năm sau ông ta bào với Cao Xuân Hạo, bốn câu ấy đâu là chủ ngữ đâu là vị ngữ tao bó tay...hihihi
    Chủ nhật chú bạn PNH vui khỏe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Bác Bu nhìn thế mà rất chính xác, khoảng 1/3 số sách của tôi có là từ điển, hoặc mang tính chất cung cấp thông tin như từ điển. Ở Saigon có rất nhiều nhà sách lớn, nhưng tôi ít khi mua ở trong những nhà sách ấy bởi hắn bán theo giá bìa. Có những nhà sách thứ cấp (tư nhân) bán cũng quyển ấy, rẻ hơn vài chục phần trăm. Chưa kể nhiều nơi bán sách cũ, biết tìm kiếm, lựa chọn, mình có thể mua được những quyển sách hay, hiếm mà rẻ, chẳng hạn như những quyển từ điển Mường, Tày Nùng, H'Mong... tôi có. Những quyển ấy có khi hết năm này năm khác không ai đụng tới.
      2- Bác mua những quyển sách từ lúc con còn nằm bụng mẹ mà nay con đã 35 tuổi còn chưa đụng tới chứng tỏ sách của bác nhiều lắm, mấy ngàn quyển sách trong một tủ sách gia đình là quá "hớp", thư viện trường đại học có khi còn chưa được như thế.
      Mình không nói theo sách thì nói theo gì bây giờ bác Bu?, nhưng tôi nghĩ ngay cả sách vở (cũng như những thông tin trên mạng), cũng có cái đáng tin, đáng theo, nhưng cũng có cái đáng ngờ, ấy là tùy theo nhận định của người đọc.
      3- Đúng, kiến thức thật trùng điệp như bác Bu nói, tiếng Việt mình nhiều khi nó cô đọng như thế, nói ít hiểu nhiều, ông Tây khó mà hiểu thấu.

      Cũng chúc bác Bu Chủ nhật vui vẻ bên bà xã, con cháu.

      Xóa
    2. Tiếng Việt mình cô đọng, Tây không hiểu , nhưng Tây cũng có những thành ngữ cũng cô đọng không kém . Chẳng hạn Tây có câu " Coq à l'âne . "Coq" là con gà trống , "l'âne" là con lừa , "à" là giới từ) . Câu này có nghĩa là nói bắt quàng , bắt xiên , chuyện nọ xọ chuyện kia ( Từ con gà trống mà bắt qua tới con lừa )

      Xóa
    3. Hihi, ấy là Tây nó qua mình đô hộ một trăm năm, nên học được cái cách cô đọng của người mình đấy, đùa thôi, thế là Tây với Ta cũng có cái giống nhau đấy chứ nhỉ bạn Marg.? Cám ơn bạn đã vào cho biết thêm về Tây :-))

      Xóa
  2. Hehehe xin đính chánh
    - Kiến thức trùng trùng điệp điệp
    - Chủ nhật chúc bạn PNH vui khỏe.

    Cái anh Spot này không cho sửa sai, mà mình thì hay sai khổ thế

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi nhiều khi cũng thấy khổ vì ông Spot không cho sửa câu còm. Đánh sai, mắt mũi lại mờ mịt, bấm lên đọc lại mới biết, chán thề.

      Xóa
  3. Kính nể sự sưu tầm công phu của bác Phạm.
    Tôi cũng có kha khá từ điển Việt-Nga, Nga- Việt, Nga -Nga. Bây giờ ông bạn Trần Hậu cho địa chỉ mạng, từ điển NGA-NGA một rừng, chả tốn tiền mua, chả mất không gian. Nhưng hại mắt khi tra!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vu Nho, chỉ là nhiều khi mình muốn tìm hiểu "tới đầu tới đũa" mà cứ phải đi kiếm sách mà xem, dần dần nó đâm ra nhiều, khá đầy đủ.
      Tôi có một quyển từ điển Nga Việt, mua từ hồi năm 1975, từ điển dành cho học sinh, đến bây giờ còn "y nguyên", chưa tra một từ nào bao giờ, vì có biết tí gì về chữ Nga đâu, hìhi!
      Bây giờ nhiều thông tin trên mạng, nhưng tra cũng khó, tra trên sách vẫn dễ và đáng tin hơn.

      Xóa
  4. Đọc sách, mê sách, sưu tầm sách... rồi lại đọc sách, con đường cam khổ bác Phạm nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, nhưng mà đến khi có một điều gì, chữ gì, hay một câu gì không hiểu mà nhờ sách mới vỡ ra thì cũng "sướng" lắm bác Nô ạ, nhưng thế này nữa, phải "điều khiển" được sách chứ đừng cho sách điều khiển mình, nếu chỉ biết một mực nói theo sách, cho dù có câu "nói có sách, mách có chứng", thì cũng không được, theo như bác Bu còm bên trên là "con mọt sách" mất thôi (nói thế chứ có khi mình cũng mọt sách thấy mồ) :-)))

      Xóa
  5. HN có một người bạn (vai em) là bác sĩ Y khoa nhưng có học 10 năm châm cứu với ngài Tâm Ấn nên thành BS đông tây y. Ngày anh ta chuyển từ khu tập thể ra nhà riêng, tài sản chở trên 2 xe bò. Một xe là giường chiếu, nồi niêu, áo quần vật dụng và xe kia là…sách. Hỏi, anh trả lời: “Em nghĩ rằng người ta bỏ cả năm, năm ba năm, có khi một đời viết một quyển sách, mình đọc chỉ vài ngày, một tuần, một tháng. Thế mà không đọc để kiến thức trần gian rơi vãi là…phí!”.
    Đọc “Sưu tầm chữ nghĩa” của bác NHP, HN suy nghĩ nhiều, mừng cho bác, bác Bu, cả chị GM và nhiều người khác sở hữu được nhiều sách họ thích và cần cho bồi bổ cái biết của mình, nghĩ về cái “duyên với sách”.
    Trong hơn nửa đời người của mình, HN có nhiều cơ hội có được những sách quý, cần cho mình thậtt bất ngờ nhưng cũng không ít lần sách rời xa mình hoàn toàn ngoài dự kiến.
    Hồi nhỏ anh chị trong nhà đã mua sách, vào trung học, đại học, HN tiếp tục mua, được tặng, có được do trao đổi vậy mà sau 4 lần mất với số lượng lớn vì chiến tranh, 2 lần hỏa hoạn, nhà nước bài trừ văn hóa Mỹ Ngụy…những quyển sách quý mất nhiều mà dầu có tiền cũng chưa chắc đã mua được. Đến nay, số còn lại để ở Nha Trang, Sài Gòn, một ít ở Bangkok khi đem từ SG qua, nói chung khi cần tham khảo thì không có. Tự an ủi rằng: “rất may, phần lớn kiến thức trong đó một ít đã nằm trong đầu mình, có rơi vãi dần do tuổi tác vẫn cón lại chút ít” và rằng: “Đến là thời, đi là thuận, được là thời, mất là thuận” chứ biết nói gì hơn! Bác NHP có chia sẻ với HN những tâm tư này?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi hoàn toàn đồng ý và chia sẻ với bác HN, bản thân tôi cũng thế, thời trong quân đội trước năm 75, có được chút tiền lương dư tôi mua sách hết, truyện dịch, từ điển, sách khảo cứu, sách về Phật giáo... Đến tháng 3 năm 75 "di tản" về đến Saigon, trong ba lô của tôi ngoài bộ quần áo, chỉ còn là sách, nhưng rồi sau năm 75 thì vụ "văn hóa đồi trụy" thế là bao nhiêu sách mất hết, chỉ còn giữ hay đúng hơn là "dấu" được vài quyển từ điển...

      Nhưng không sao bác HN ơi, tôi "may" hơn bác là từ đó ổn định ở Saigon, có việc làm, và tiếp tục mua, đọc sách... Nhưng như bác nói, cái quan trọng nhất là những gì "nằm trong đầu mình", có được cái đó mình sẽ có được rất nhiều thứ khác...

      Xóa
  6. Các cụ có câu "Đói thì đầu gói phải bò" vậy thì đói kiến thức cúng phải lò dò đi mua sách. Bác Bu còm thế em nghĩ câu "Tri sỉ cận hồ dũng" - thấy xấu hổ vì mình chưa biết nên phải cố cho biết, cũng người có dũng khí. Vậy là trong cái dáng lẻo khẻo của bác H có người dũng sĩ trong đó.
    Kính phục các đại ca!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, đúng quá Toro, có nhiều cái xấu hổ vì mình không biết, nên phải cố cho biết, tuy bể kiến thức là mênh mông nhưng cũng phải cố, tôi nghĩ bây giờ người ta suy nghĩ "trẻ con quá" như chúng ta thường thấy, kể cả những người lớn, rất lớn, bởi vì người ta không chịu cố như thế, không phải chỉ có đọc sách, có nhiều cách để có được tri thức, cuộc sống bây giờ quá đầy đủ để học hỏi, chắc tại người ta không muốn...

      Cám ơn, cám ơn, Toro là một người trẻ (hẳn thế), nhưng không "non dạ", tôi nói thật đấy :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))