Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Tra từ sách.


                                                      Ảnh Internet.

Cuối tuần ghé siêu thị cùng bà xã mua ít đồ dùng lặt vặt trong nhà, tôi nghe hai ông bà kia đi mua hàng than với nhau cái gì bây giờ cũng mắc mỏ quá, chai dầu ăn mấy năm trước có mười mấy ngàn bây giờ mắc gấp đôi gấp ba, đến ba, bốn chục ngàn. Tôi chợt nhớ ngày xưa các cụ tôi là dân di cư từ miền Bắc vào Nam, các cụ không nói mắc mỏ mà dùng từ đắt hoặc là đắt đỏ, chẳng hạn các cụ nói món hàng này đắt quá, hoặc là hàng họ bây giờ đắt đỏ quá (hàng họ chứ không phải hàng hóa). Vậy có vẻ như đắt hay đắt đỏ là phương ngữ của miền Bắc, còn mắc hay mắc mỏ là phương ngữ của miền Nam.

Về nhà lẩn thẩn tôi thử tra lại vài quyển từ điển về hai từ mắc, mắc mỏ, và đắt, đắt đỏ mới thấy có điều thú vị. Từ Hán-Việt không có chữ mắcmắt. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của xuất bản năm 1895, được coi là quyển từ điển tiếng Việt phương ngữ miền Nam xưa nhất thì chỉ có từ mắt (mắt với chữ t chứ không phải c) mới đồng nghĩa với chữ đắt. Thoạt đầu tôi nghĩ chắc ngày xưa ông Huỳnh Tịnh Paulus Của là người Nam Bộ, nên sai chính tả ở chữ c thành ra t như chúng ta thường thấy. Giở quyển tiếp theo là Việt Nam Tự Điển của Ban Văn Học Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1931 tại Hà Nội (bản in lại ở Saigon năm 1967) được coi là quyển từ điển phương ngữ miền Bắc, lạ thay cũng ghi nhận mắt có nghĩa là đắt, mua cái này mắt quá. Tiếp tục một quyển từ điển tiếng Việt khá xưa nữa là Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị do Nhà xuất bản Thời Thế xuất bản tại Saigon năm 1952 cũng ghi nhận mắt có nghĩa là đắt, không rẻ. Rồi đến Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí in tại Saigon năm 1971 ghi nhận mắt: đắt, và mắt mỏđắt đỏ, đời sống mắt mỏ. Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, do Nhà xuất bản TP HCM xuất bản năm 2000 cũng ghi nhận mắt: đắt. Từ điển Từ cổ của Vương Lộc do Trung Tâm Từ Điển Học, Nhà xuất bản Đà Nẵng in lần thứ hai năm 2002 cũng ghi mắtđắt, và mắt mỏđắt đỏ.

Không riêng gì từ điển tiếng Việt, những từ điển Việt-Pháp xưa xuất bản tại miền Nam, như quyển Từ điển Việt-Pháp Phổ Thông của Đào Văn Tập, do nhà sách Vĩnh Bảo Saigon in năm 1953, Việt- Pháp Từ điển của Đào Đăng Vỹ, tác giả xuất bản tại Saigon năm 1961, hai quyển này cũng chỉ ghi nhận từ mắt, có nghĩa là đắt, dịch sang tiếng Pháp là cher. Từ điển Việt-Anh của Nguyễn Văn Khôn do Nhà xuất bản TP HCM ấn hành năm 1991 cũng giải nghĩa chữ mắt sang tiếng Anh là đắt: Expensive, dear, costly.

Như vậy chúng ta có thể thấy từ mắt, mắt mỏ, đồng nghĩa với từ đắt, đắt đỏ, là cách dùng chung cho cả hai miền Nam, Bắc. Tôi tiếp tục tra thêm một vài quyển từ điển tiếng Việt nữa, như quyển Từ điển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Điển Học, Hoàng Phê chủ biên, do Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 1997 (bản in lần thứ 5, đợt 3), ghi nhận cả hai mục từ mắtmắc, đều có nghĩa là đắt. Trong quyển Chính tả tiếng Việt cũng do Hoàng Phê chủ biên cùng nơi xuất bản in năm 1999, cũng đều ghi nhận cả hai từ mắtmắc là đắt. Tuy nhiên đến quyển Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ, do Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa xuất bản năm 2007 thì không còn hai từ mắt mắc với ý nghĩa là đắt. Cho đến quyển từ điển Từ và Ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín, do Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia ấn hành năm 2009, là một quyển từ điển phương ngữ Nam Bộ, thì chỉ ghi nhận từ mắc (với chữ c phía sau) có nghĩa là đắt, giá cao hơn mức bình thường. Quyển Chính tả tiếng Việt do Ngô Thanh Loan-Nguyễn Tam Phù Sa biên soạn, Nhà xuất bản Lao Động in năm 2008 cũng thế, chỉ có từ mắcđắt, mắc viết với chữ c.

Qua tra cứu trên đây, tôi thấy viết đúng chính tả phải là mắt, mắt mỏ, chứ không phải là mắc, mắc mỏ. Nhưng hiện nay người ta chỉ còn viết mắc, mắc mỏ, đồng nghĩa với đắt, đắt đỏ, không thấy dùng từ mắt, mắt mỏ nữa. Và người miền Nam hay dùng từ mắc, mắc mỏ hơn người gốc miền Bắc. Điều này tôi nghĩ là do cách phát âm của người miền Nam, thường phát âm lẫn lộn chữ t và chữ c cuối của từ, và lâu ngày đã trở thành quen, sách vở bây giờ đã ghi nhận theo cách phát âm ấy. Người miền Nam phát âm như thế đã cả trăm năm nay, nhưng sách vở ngày xưa, hoặc gần đây, với người hiểu biết, cẩn trọng, vẫn ghi nhận đúng cách viết, còn sách vở bây giờ thì cứ theo cách phát âm mà "phang", cho nên tôi thấy sách mới bây giờ viết rất cẩu thả, hời hợt, xuất bản nhiều đầu sách, trong nhiều lãnh vực, đề tài, nhưng sai hoặc thiếu sót be bét. Cái ẩu, gian dối, làm lấy có, lấy được hiện diện khắp nơi, đường chưa đi đã hỏng, đập thủy điện chưa khánh thành đã vỡ, những cuộc thi ảnh, văn học thì lần nào cũng lùm xùm việc đạo ảnh, đạo văn, đạo thơ...

Đấy là nói về chữ mắc, thế còn chữ mỏ trong cụm từ mắc mỏ? Trong những quyển sách tôi nêu bên trên thì đại khái tất cả đều giảng nghĩa mỏ có mấy nghĩa như mỏ chim, mỏ ác, mỏ khoáng sản... Riêng quyển Từ điển Từ cổ của Vương Lộc giải nghĩa mỏ (động từ) là mắng mỏ với câu trích từ Phạm Công tân truyện "chớ thì tao hỏi những người mỏ bay". Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, có viết thêm mỏ là tiếng trợ từ, và trong quyển Từ điển Từ láy tiếng Việt do Hoàng Văn Hành chủ biên, của Viện Ngôn Ngữ Học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1998, thì ghi nhận mỏ là từ láy trong mắc mỏ. Như thế chữ mỏ trong mắt mỏ, mắc mỏ, chỉ là tiếng trợ từ, và là từ láy.


Tham khảo:

- Những sách đã dẫn.





18 nhận xét :

  1. 1- Ở miền trung như Huế và thành phố Đồng Hới đều dùng âm c thay cho âm t ở một số từ như; biết- biếc, mắt - mắc, hát - hác....
    2- Ngoài nhiệm vụ trợ từ thì MỎ theo học giả Phan Ngọc là một phần của tính đối xứng trong tiếng Việt. Chẳng hạn: gà qué, chó má, đắt đỏ...
    3- Làm từ điển mà người ta còn "phang" bậy thì tiếng Việt còn gì là trong sáng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Ở miền Trung đúng là như bác Bu nói cũng phát âm c thay cho t, dấu hỏi thay cho dấu ngã, giống như dân miền Nam... Như bác mới viết bên bác mỏ thay cho mõ, hihi!
      2- Tính đối xứng trong tiếng Việt, cái này hay đây, tôi chưa nghe.
      3- Từ điển bây giờ họ làm sai và thiếu sót nhiều quá, chẳng hạn bộ Từ điển Bách khoa VN 4 quyển, ở lần in đầu có nhiều cái sai. Đọc sách nhiều bác Bu có nhận thấy khoảng từ năm 2000 trở về trước người ta viết sách cẩn thận, hay hơn khoảng về sau này. Tôi có được khá nhiều quyển sách viết về nhiều đề tài trong xã hội, đọc rất hay đều in từ khoảng năm 2000 trở về trước.

      Xóa
  2. Ngôn ngữ nó thế, cái sai được dùng lâu ngày, phổ biến thì lại được chấp nhận. NHưng trong tình trạng chung, mọi thứ đều loạn chuẩn nên ngữ pháp cũng vậy. Nhiều văn bản chính quy của Trung ương cũng sai be bét... Chán quá các bác ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng cũng như đường đi ấy, rừng mà đi riết lâu ngày cũng thành đường. Hồi còn đi làm tôi đọc những văn bản của thành phố, các sở ngành nhiều khi phát ngán, viết dài ngoằng nhưng đọc mãi chẳng hiểu nói cái gì chính cái gì phụ. Cái giỏi bây giờ là người ta nói, viết rất nhiều nhưng chẳng nói được điều gì hết!!

      Xóa
  3. Không hiểu sao, ngay từ bé tôi học đã hiểu và viết chính tả "mắc" để chỉ "đắt". Người Huế thường dùng " mắc" mà không dùng đắt. " Mắt " là để nói về " con mắt để nhìn". Người Huế phát âm " mắc" và " mắt" như nhau nhưng viết thì không sai, phân biệt rõ. Tương tự như " lươn" trong " con lươn" và " lương" trong " lương bỗng" phát âm tuy giống nhau nhưng trên chữ viết vẫn phân biệt rõ.
    Có thể sách trước đây viết chưa chuẩn, vì chữ quốc ngữ đang thời kỳ mới phát triển, sau này người ta hiệu chỉnh lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi là người gốc miền Bắc (sinh ngoài ấy), nhưng lớn lên trong miền Nam. Trong chữ viết thì xưa tôi dùng chữ "đắt đỏ", nhưng trong khẩu ngữ thường ngày cũng hay nói "mắc mỏ", cũng như nói "thiệt tình", thay vì "thật tình".
      Tôi nhớ trên báo chí, văn học ngày trước cũng thường dùng chữ "đắt đỏ", chẳng hạn "giá cả ngoài chợ dạo này (hay hồi này) đắt đỏ quá", chứ hiếm khi viết "mắc mỏ quá". Tôi nghĩ "mắc mỏ" là khẩu ngữ của người miền Nam nói chung (xưa được gọi là Đàng Trong, và trước năm 75 được tính từ vĩ tuyến 17 trở vào), và người miền Nam thì đúng là hay viết sai chính tả ở chữ t và c cuối chữ, dấu ngã và dấu hỏi, có thể như bạn viết bên trên "lương bỗng" thay vì "lương bổng".
      Tôi không nghĩ là xưa viết chưa chuẩn bây giờ hiệu đính lại.

      Xóa
  4. Xin lỗi " lương bổng" chữ " bổng" dấu hỏi không phải dấu ngã.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, viết trả lời bạn bên trên rồi mới nhận được cái đính chính của bạn :-))

      Xóa
  5. Bây giờ từ (hay tự?) điển được nhiều học "giả" soạn quá, nên không tinh bằng ngày xưa. Chắc vì internet cho người ta cái quyền tra cứu rất rộng, nên ai cũng tưởng mình là học "giả" hết trọi. Ngay phóng viên báo chí bi giờ mà còn dùng sai từ nhan nhản trong bài viết thì... pó tay thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng vậy, vẫn cho internet chỉ là một "kênh" để tham khảo trong nhiều lãnh vực, không ai phủ nhận cái tiện ích của nó, nhưng trong nhiều vấn đề nhất là "tự, từ, chữ nghĩa thì khó lòng tìm được cái chính xác trên đó, đành là phải quay về tra cứu cổ điển là sách, mà sách cũng thế, "linh tinh" không kém, tra cứu cũng cần phải biết tìm ở đâu, sách nào, tác giả nào, thậm chí nhà xuất bản nào nữa... Cuộc chơi nào cũng có cái khó và thú vị của nó bạn Nô ạ!

      Xóa
  6. Vậy bác H thử xem tiếp từ "rắn mắc" thì mắc viết với chữ c vậy có thực đúng chưa hay lại nguồn gốc xưa là chữ t , hihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, "rắn mắt" chứ không phải "rắn mắc", "rắn mắc" chắc là từ ngữ của mấy ông nhậu Nam bộ (nhậu thịt rắn mắc quá). Còn "rắn" ở đây là "cứng" (cứng rắn), và "mắt" là mắt tre, mắt gỗ, cái phần cũng rất cứng nơi cây.
      Biến âm của nó là "rắn mặt", chẳng hạn để chỉ một đứa trẻ ngỗ nghịch, khó dạy.

      Xóa
    2. Vậy rắn mắt là muốn nói cứng rắn ha? Hồi đó hay nghe nói "Thằng nhỏ đó rắn mắc lắm , " mắc" phát âm kiểu người Nam bộ , là ý muốn nói thằng nhỏ nghịch ngợm chứ cũng không phải đến nỗi ngỗ nghịch ...

      Xóa
    3. Đúng rồi, rắn mắt, khi nói "thằng nhỏ đó rắn mắt lắm", tức là muốn nói đứa đó cứng đầu, nghịch ngợm, ít chịu nghe lời "không được nghịch ngợm" của người lớn. Còn khi nói "con nhà rắn mặt", là... hết thuốc chữa rồi.
      Người miền Nam phát âm và hay viết sai chính tả ở chữ t, c phía sau.

      Xóa
    4. Chữ rắn mắt mà MB nói hình như còn có nghĩa là khó chơi, láu cá nữa??

      Xóa
    5. Nói chung chữ rắn mắt có khá nhiều cách hiểu na ná như nhau, thường là để nói thiếu nhi, thiếu niên cứng đầu, cứng cổ, phá phách nghịch ngợm, khó bảo... nhưng chưa hẳn là đứa hư hỏng (khoảng 15 tuổi trở xuống, thanh niên, người lớn thì không nói rắn mắt). Còn khó chơi (do lưu manh, hư hỏng), hay tính tình láu cá, khôn lỏi, khôn vặt, ăn người... xưa tôi không thấy gọi là rắn mắt.

      Xóa
  7. Chỉ là mới đi siêu thị nghe một từ mà đã "ối" chuyện để đàm đạo rồi. Vui thật! HN có thấy hình chụp một thư tay dăm ba hàng của cựu bộ trưởng giáo dục (đương kim phó thủ tướng) gửi cho Ban giám đốc Đại Học Huế viết còn sai nữa là! (mà chắc chắn hình này không qua photoshop!)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, vị này rất hay bị ông THD "móc lò", viết sai chính tả hay sai từ ngữ, nói năng câu cú lủng củng là "chuyện thường ngày" của các vị ấy :-))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))