Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Dơi và Chuột. (1)

Tôi làm những con dơi và những con chuột bằng những sợi giấy vụn, một trò chơi của... mọi lứa tuổi, từ 7 đến... 70, miễn là mắt mũi chưa đến nỗi quá... kèm nhèm. Trò chơi cuốn những sợi giấy này thành những con vật nho nhỏ chim chóc, ve, dế, chó, mèo, chuột, tắc kè, chuồn chuồn, cánh cam, bọ ngựa... nói chung là những con vật ở quanh chúng ta, dễ thương hay đáng sợ... tôi đã làm lâu nay, có thời gian ngưng nghỉ để... thoát khỏi nó, bây giờ rỗi rỗi, tĩnh tâm ngồi làm lại, hình như cũng thấy khác. Con người ta chừng như thế, chẳng phải lúc nào cũng giống nhau, như... Ông trời vậy, lúc mưa, lúc nắng...

Trong entry này tôi sẽ post lên hình ảnh những con dơi tôi đã làm bằng giấy trước, một trò chơi có lẽ giống như trò chơi Origami, nghệ thuật xếp giấy của người Nhật.


Dơi và chuột hình như có họ hàng xa gần với nhau, tuy một con bay trên trời, còn một con chui rúc trong góc nhà, ít nhất cũng là qua hình dạng. Là loài hữu nhũ, dơi là động vật có vú duy nhất thực sự biết bay. Trong quá trình tiến hóa hàng triệu năm, chừng như có một loài chuột sống trên cây ăn côn trùng, hoa trái... phát triển đôi cánh, và bay vào không trung. Nhưng tại sao chúng lại chọn ban đêm để sống nhỉ? Săn mồi ban đêm có vẻ khó khăn hơn ban ngày nhiều. Nhưng không phải như vậy, ban đêm chúng lại bắt được nhiều côn trùng, hoa trái hơn, vì ít bị cạnh tranh hơn ban ngày...








"Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài..."*, nói đến những con dơi, tôi chợt nhớ đến một câu hát thời còn trẻ. Quả thật những con dơi mù trong bóng đêm, nhưng bù lại chúng phát triển một khả năng khác. Người ta làm một thí nghiệm, bắt những con dơi, bịt mắt thả vào một căn phòng tối đen có treo những quả chuông nhỏ, chúng bay mà không hề đụng vào những quả chuông. Ngoài thiên nhiên để sống được trong bóng đêm, chúng phát triển một khả năng khác để nhìn, như chúng ta đã biết đó là hệ thống nhận biết những tiếng dội của sóng siêu âm, để điều chỉnh đường bay, và điều này thì những con dơi là bậc thày của con người. Chúng ta bắt chước những con dơi để chế tạo ra radar, hữu dụng trong rất nhiều lãnh vực, dân sự, y tế, quân sự...









Người Tây phương không thích những con dơi, giống gì chẳng phải chim cũng chẳng phải chuột, và trông mặt mũi chúng như... quỷ. Có những con dơi khá nhỏ nhưng chúng sống bằng cách hút máu những động vật to lớn như trâu, bò, chứ không xơi muỗi hay hoa quả, chẳng khác gì Dracula vậy. Cũng có những loài dơi rất to, như những con dơi ở chùa dơi Sóc Trăng, sải cánh của chúng đến cả mét. Cái chùa dơi này đáng chán, một ngôi chùa cổ cả trăm năm, mấy năm trước chẳng hiểu nhang đèn ra sao mà để cháy rụi...

Nhưng người Trung Hoa lại thích con dơi, chúng ta thường thấy hình ảnh, phù điêu những con dơi ở nhiều nơi, chùa chiền, nhà cửa..., và một số nơi ở Việt Nam cũng thế. A ha, chẳng qua trong tiếng Hoa (hình như tiếng Quảng Đông), tiếng gọi con dơi đồng âm với chữ Phúc, cho nên người ta tin con dơi sẽ mang đến cho họ những điều tốt lành...






* Trong bài hát "Tình khúc thứ nhất", thơ Nguyễn Đình Toàn, nhạc Vũ Thành An.


22 nhận xét :

  1. Trả lời
    1. Chút khéo tay, tựa như người làm con tò he :-))

      Xóa
  2. Bạn có tài quá, giỏi về mọi mặt (Có hoa tay thì tốt, nhưng đừng có hoa.... mắt... nhé hihihi)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihì, mắt may còn tốt để làm mấy cái tỉ mỉ...

      Xóa
  3. Nhìn con dơi thực ngoài đời không thể nào có thiện cảm được , nhưng những con dơi xếp giấy của bác H đặt trên nền trang sách thì thật mỹ thuật (:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những con dơi giấy đặt trên nền của mấy trang sách trông cũng hay ha, cũng có thể gọi là thêm chút nghệ thuật sắp đặt :-)))

      Xóa
  4. Dơi xếp giấy mà lại phù hợp với tranh thuỷ mạc :)

    Trả lờiXóa
  5. 1- Những con dơi giấy đặt bên cạnh thư pháp có triện đỏ, có cây lá, mới trông tưởng tranh cổ của Tàu.
    2- con dơi Tàu kêu bằng biên bức 蝙 蝠 (chữ bức có 1/2 chữ phúc nên có người đọc là biện phúc, na ná từ hạnh phúc) cho nên nhiều bức chạm trổ có 5 con dơi gọi là ngũ phúc lâm môn. Con dơi trên quả đào tiên gọi là lưỡng phúc trường tồn.
    3- Con dơi có cánh bay như chim, lại có vú cho con bú nên xếp nó vào loài nào xem cũng được. Bởi vậy hể ai thấy mạnh thì theo, thấy yếu là bỏ thì được gọi là phái biên bức.
    4- Thành ngữ "dở dơi dở chuột" để chỉ người làm việc không đến đầu đến đũa...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn những luận rất hay của bác Bu về con dơi. :-))

      Xóa
  6. bác Hiệp mà xếp giấy thì chỉ biết thán phục tài của bác thôi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này không phải là Nghệ thuật xếp giấy Origami của Nhật Bản. Tôi đã "biến thể" từ trò chơi tranh làm thiệp "quilling" có nguồn gốc từ Châu Âu (cuốn những sợi giấy và ghép thành những hình thể như hoa lá, con thú và dán lên tấm bìa). Entry sau tôi sẽ post hình những con chuột nhắt vui hơn con dơi... :-)))

      Xóa
  7. Öi ...anh Hiệp khéo tay quá ! Trông thật hay !!!

    Trả lờiXóa
  8. Rất độc đáo! Những vật xếp giấy đã độc, mà những nét thủy mạc, thư pháp... còn độc hơn! Đã in thành sách với bút danh Nghiêm Thức hay sao đó bác! (Méo mó nghề nghiệp một chút, các tác phẩm này ... có bán hông?) :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, con dơi là do tôi làm bằng giấy, một trò chơi có thể nói là do tôi "sáng chế", biến thể từ trò chơi quilling (cuốn những sợi giấy để làm thành hình hoa cỏ, con thú, dán lên tấm giấy làm thiệp).

      Còn Tranh chăn trâu, hoặc thư họa, thư pháp là sách của người ta, tôi chỉ lấy làm "nền" cho mấy con dơi. :-))

      Xóa
  9. Chỉ xin được khen cái khéo tay và phương pháp ngừa bệnh lão hóa của bác NHP, chuyện dơi chuột xin cho suy nghĩ thêm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi dơi chuột kệ tụi nó bác HN, thỉnh thoảng trở về tuổi thơ là được :-))

      Xóa
  10. Con dơi ở ngoài nhìn đen đen xấu xí, sợ lắm thế mà xếp hình của Bác trông lại dễ thương. Tâm hồn thế này còn...trẻ thơ lắm :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi chính là một đứa trẻ con... nhiều tuổi :D

      Xóa
  11. bạn ơi bạn bít làm con ngựa bằng quilling ko? mk mún làm 1 con nhưng chưa bít bắt đầu thế nào hjx...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc sắp năm Ngọ nên bạn muốn làm con ngựa bằng quilling? Tôi cũng chưa thử làm, nhưng đó là một ý kiến hay, có thời giờ tôi sẽ thử suy nghĩ. Cám ơn bạn.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))