Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Từ Bồ đề Đạt ma đến Thế giới phẳng.



Có chút thời giờ rảnh tôi đọc lại hai quyển sách Bồ đề Đạt ma của Phạm Công Thiện, và "Thế giới phẳng" của Thomas L. Friedman, nhà báo của tờ The New York Times, ông đã nhiều lần đoạt giải Pulitzer, một giải thưởng danh giá của Mỹ trong lãnh vực báo chí. Học giả Phạm Công Thiện là một người viết có lẽ không xa lạ gì đối với độc giả ở miền Nam trước năm 1975. Bồ đề Đạt ma là một thiên khảo luận của ông về vị tổ sư thứ nhất của Thiền tông Trung Hoa, viết từ những năm 60 của thế kỷ trước, còn Thế giới phẳng là một quyển sách rất hay của Thomas L. Friedman viết sau cuốn Chiếc Lexus và cây ô liu, một quyển sách cũng rất hay khác của ông.

Như chúng ta đã biết, Bồ đề Đạt ma, vị tổ sư đời thứ 28 và cũng là vị tổ sư cuối cùng của Thiền tông Ấn Độ, mà người đứng đầu là Thích ca Mâu ni, nhưng Bồ đề Đạt ma là vị tổ đầu tiên của Thiền tông Trung Hoa. Đối với Bồ đề Đạt ma, một nhân vật có khá nhiều huyền thoại bao quanh, nhiều học giả, nhiều sách vở coi ông không có thật. Nhưng có nhiều học giả, nhiều sách vở khác coi vị tổ huyền thoại này là một nhân vật lịch sử, người ta cho là ông đã đến Trung Hoa vào khoảng những năm 486 đến 536, hoặc 420 đến 479, hay trễ hơn là vào khoảng năm 547.

Bồ đề Đạt ma được biết đến dưới khuôn mặt của một... hải tặc, hay của một... lục lâm thảo khấu chứ không phải như khuôn mặt hiền lành của Phật Thích ca, lông mày quặm, râu đen, mắt luôn trợn trắng. Người Trung Hoa gọi Bồ đề Đạt ma là "bích nhãn hồ", có nghĩa là "tên rợ mắt xanh", hoặc ngắn gọn hơn là "tên rợ". Đấy không phải là một tên gọi phạm thượng hay bất kính, mà chính là một tên gọi chân thành của các vị Thiền sư, họ hay dùng những nghịch lý để diễn tả ý niệm của mình.

Theo truyền thuyết được nhiều người chấp nhận, thì Bồ đề Đạt ma rời Ấn Độ sang Trung Hoa vào năm 520, cũng như vị tổ sư thứ nhất của thiền tông Ấn Độ là Thích ca Mâu ni, ông là con trai thứ ba của một vị vua ở miền Nam Ấn Độ. Sách vở nói ông là một người "thông minh tuyệt vời, rực rỡ và thâm trầm, học gì cũng hiểu tường tận hết mọi sự". Khi sang Trung Hoa, sau khi đối đáp với vua Lương Võ Đế, một vị vua mộ đạo Phật, nhưng không hiểu được lý lẽ của đạo. Chúng ta thử xem lại vài câu trong bài thuyết pháp của Bồ đề Đạt ma trước triều đình của vua Lương Võ Đế: "Đi tìm một sự vật nào ngoài tâm mình là muốn bắt lấy sự rỗng không. Phật là mỗi người tự tạo trong tâm bằng tư tưởng của mình. Tâm là Phật và Phật chính là tâm. Tưởng tượng Phật ở ngoài tâm, hình dung rằng thấy Phật ở một nơi ngoài, đó là mê sảng". Ở một đoạn khác: "Không có bất cứ một cuốn kinh nào, hay bất cứ sự tu khổ hạnh nào có thể đưa ta ra khỏi luân hồi". 

Tiếc là nhà vua không hiểu được những gì Bồ đề Đạt ma thuyết giảng, thất vọng Bồ đề Đạt ma bỏ đi về Giang Bắc, đến Lạc Dương ngụ nơi chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn ngồi diện bích suốt chín năm, chín năm diện bích trong niềm cô đơn tuyệt đối, có lẽ chỉ có sư mới biết được mình muốn tìm điều gì?.

Trong Thế giới phẳng của Thomas L. Friedman?, ít nhất cũng là khi con người ngồi trước cái màn hình vi tính hay truyền hình, hoặc chiếc điện thoại di động, cả thế giới ở trên cái màn hình phẳng đó. Không rõ có cái thống kê nào đối với những người thường "sống" trên thế giới phẳng đó không? Nhưng có lẽ phải có rất nhiều, rất nhiều người nhất là ở nơi những đô thị bỏ phần lớn thời gian trong thế giới phẳng, từ những nhân viên văn phòng, cho đến những học sinh, sinh viên... và cả những đứa trẻ chưa đến tuổi vào lớp một, bây giờ nhiều trẻ con ở thành phố suốt ngày ngồi trước màn hình truyền hình với những phim hoạt hình, có cả những đứa trẻ như thế sử dụng chiếc máy tính bảng iPad đắt tiền để chơi trò chơi, nhanh hơn là cầm muỗng, đũa.

Ngồi trước màn hình, là cả thế giới ở trước mặt bạn, chúng ta có thể xem một trận bóng đá tranh cúp vô địch thế giới ở cách nửa vòng trái đất, có thể nói chuyện, nhìn thấy người thân cũng với ở một khoảng cách xa như thế. Một tấm hình, một đoạn video clip khi đang đi du lịch, họp bạn, có thể được gởi đến ngay cho người thân đang ở xa tít tắp. Thế giới phẳng ra trên màn hình, không còn hình cầu, như ngày xưa Kha Luân Bố tìm ra Châu Mỹ. Nhưng thật là kinh khủng khi gần như cùng một lúc ở mọi nơi trên thế giới, chúng ta nhìn thấy cảnh hai tòa tháp của Trung tâm thương mại ở New York sụp đổ vào ngày 11/9/2001 bởi bọn khủng bố, sự sụp đổ của hai tòa tháp Trung tâm thương mại, không hẳn chỉ là sự sụp đổ của người khổng lồ có cái gót chân achilles. Cũng cùng một sự kiện chấn động như thế, cả thế giới cũng cùng một lúc nhìn thấy bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 9/11/1989. 11 tháng 9 và 9 tháng 11, những con số vô tình mà rất lý thú, hai biểu tượng đối lập nhau, tưởng chừng như bất diệt, đã tan rã như bong bóng xà phòng... Trong thế giới phẳng, cuộc sống, số phận của con người có lẽ cũng mong manh như thế...

Có một câu nói khá dí dỏm về Thế giới phẳng, đại khái như thế này: "Google là Thượng đế, muốn tìm gì cứ hỏi Google". Đúng là bây giờ đối với nhiều người sử dụng máy tính, muốn tìm kiếm gì cứ vào Google, tất cả mọi thứ đều có trên đó, từ Kinh thánh cho đến Kinh Phật, từ sex cho đến kiến thức phổ thông, từ lịch sử cho đến những gì của hiện tại, và của cả tương lai..., nhưng Google là một Thượng đế thiếu mất một trái tim, ngài trưng bày ra tất cả mọi thứ, cả những sai trái, không thiếu những thông tin sai lạc trên đó... Google, một vị Thượng đế không toàn năng trong Thế giới phẳng.


Chín năm Bồ đề Đạt ma ngồi diện bích, nhìn vào bề mặt phẳng của một vách đá, đối diện với cái Ta duy nhất, nhỏ bé và vô cùng... và bây giờ những màn hình phẳng mà chúng ta vẫn chăm chú nhìn vào mỗi ngày, cả thế giới mênh mông thu hẹp lại trong đó, có điều gì giống và khác nhau?



16 nhận xét :

  1. Bồ đề đạt ma nhìn vào vách đá mà thấy cả luân hồi, chứng quả được đạo Phật. Ông có được cái nhìn sâu và hiểu được bản chất của sự vật còn những người vô minh như em nhìn vào màn hình phẳng thì chỉ thấy một góc hạn hẹp của thế giới thôi và đôi khi còn nhìn với kiến chấp sai lầm nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những vị thiền sư tu hành xưa kia có nhiều thời gian hơn bây giờ (tuy có thể các ngài thọ ngắn hơn), nên mới có chuyện ngồi cả chục năm diện bích nghiền ngẫm cuộc đời như thế.
      Còn thời mình thời gian trôi qua nhanh quá, loáng cái đã về già, chưa hiểu rõ được bất cứ cái gì đã thấy... cuối con đường rồi, hìhì!

      Xóa
  2. Marg thì không hiểu hết ý nghĩa (và cũng không mong tìm hiểu) về việc diện bích , nhưng mà rất thích ngắm những bức tượng hay tranh vẽ chân dung Bồ Đề Đạt Ma , thấy đẹp (:
    Còn chuyện thế giới phẳng ... Hồi những năm đầu trung học (cấp 2 bây giờ) Marg si mê một cô bạn học đến nỗi ngày chủ nhật là nhớ bạn lắm , ước chi có một công cụ nào đó cho được nhìn thấy bạn hiện đang làm gì ở nhà ... Hơn ba mươi năm sau điều đó đã thành sự thật , qua webcam đã có thể nhìn thấy và nói chuyện với những người thân yêu ở cách xa mình nửa vòng trái đất...(:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi chỉ e rằng sau chín năm diện tích, có ai đó hỏi ngài Đạt ma nghĩ gì? Ngài tình thật trả lời rằng "Ta đã... bỏ phí mất 9 năm", hihi! Bồ đề Đạt ma là vị Tổ sư tôi cũng thích nhất, vì tư tưởng và tướng mạo... tướng cướp của ông :-)))

      Thế giới phẳng (hay mai mốt nó sẽ ra hình thù gì khác), là "cái tất yếu" của sự tiến hóa con người, có thể vài ngàn năm nữa con người lại tính toán bằng cách cầm cái que vạch vạch dưới đất... Bây giờ ta cứ tận hưởng nó đã, những tiện nghi mà nó đã mang lại, bạn Marg. nhỉ? Chẳng hạn con cái xa xôi hàng ngày ta vẫn được nhìn thấy và truyện trò. :-)))

      Xóa
  3. Nôi dung bài viêt noi vê Bô Dê Dat Ma thât hay ...cam on anh Hiêp rât nhiêu vi qua bài viêt này vi em co thê hiêu biêt thêm vê vi Phât này và dông thoi co thêm kiên thuc vê cach nhin vê thê gioi phang ...xem ra rât huu ich và tiên loi cho con nguoi ....thê nhung mat trai cua no cung co nhiêu diêu han chê ...nhung co le trong tuong lai ...thi se co rât nhiêu diêu thu vi hon nua anh Hiêp nhi ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, rảnh viết chơi thôi. Cái gì cũng có mặt trái hết, kể cả tiện ích của văn minh cũng mang lại cho con người nhiều phiền toái.
      Tương lai của con người ra sao? Chắc có trời mà biết, nhưng có lẽ sẽ thú vị lắm đây... :-)))

      Xóa
  4. Bồ đề Đạt ma diện bích là nhìn vào tâm mình, tự suy ngẫm. Còn chúng ta nhìn vào thế giới phẳng là cửa số nhìn ra ngoài thế giới. Ngày nay, qua thế giới phẳng ta nhận ra thế giới rõ hơn, còn ngày xưa các cụ tự phải suy đoán, tưởng tượng, và như thế có sai có đúng, nên rất lâu mới ra kết quả. Ngày xưa mà có máy tính chắc ngài BDDM chỉ ngồi 9 ngày thôi vì ngài cực kỳ thông tuệ... Hii

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Như Toro đã thấy, một đàng "tất cả do một tâm này mà ra", còn đàng khác "nhìn thấy và có mọi thứ rồi loay hoay đi tìm kiến cái "bản lai diện mục". Hihi!

      Đúng là nếu thời Bồ đề Đạt ma có computer chắc chỉ cần chín ngày là ngài sẽ tìm thấy cái mình muốn tìm :-)))

      Xóa
  5. Cùng nhau một chữ "phẳng" mà sau đó là cả một vũ trụ mông mênh hở anh!? Nô bé cái nhầm, tưởng anh nói về sự tương đồng giữa hai cuốn sách (!)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng như Hoàng tử bé của Saint Exupery đặt câu hỏi "người ta tìm gì trong những chuyến xe hỏa chật ních người?", trong khi chỉ cần rảo bước đến một giếng nước, nghe tiếng ròng rọc reo vang.

      Đằng sau cái phẳng, cái cô đơn tột cùng của Bồ đề Đạt ma là cả một thế giới tâm tưởng, đối lại đằng sau cái phẳng nhìn thấy cả thế giới của chúng ta ngày nay có khi là sự trống không.

      Xóa
  6. 1-Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì Bồ Đề Đạt Ma đi đường thủy đến Luy Lâu Đại Việt trước khi sang Tàu gặp Lương võ đế. Quanh ông này có vô số giai thoại nhưng người đời lại khoái việc ông đội mồ ra đi với một chiếc dép ở đầu gậy. Tranh tượng về BDĐM đều mô tả sự kiện này.
    2- Bỏ ra 9 năm nhìn mặt phẳng bức vách thành ra Bồ Đề Đạt ma. Bỏ cả đời nhìn thế giới phẳng và màn hình phẳng như chúng ta thì thấy nhân loại ngập ngụa trong tham sân si và đang tự hủy diệt mình...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là trong VN Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang căn cứ theo Tục cao tăng truyện của Đạo Tuyên, viết Bồ để Đạt ma sang VN trước khi đến TH. Hihi, tôi cũng khoái hình ảnh ông này quảy một chiếc dép ở đầu gậy.

      Cũng như "Phật", "Bồ đề Đạt ma", chỉ "là" Bồ đề Đạt ma sau 9 năm diện bích, 9 năm nhìn vách Đạt ma nhìn ra cái "bản thể Như lai" của mình, còn 9 năm ngồi nhìn màn hình phẳng và thế giới phẳng, ta chỉ thấy nhân loại đang trầm luân trong tham sân si...

      Tôi khoái ông Đạt ma còn hơn ông Phật (ông Phật có vẻ là nhà sư phạm, "giáo điều" hơn ông Đạt ma). Có lẽ sẽ lan man tiếp về ông này lần nữa.

      Xóa
  7. Thế giới phẳng phản ảnh thế giới ta bà này nhanh như tia chớp, mỗi ngày nhìn vào thấy cơ man điều khiến cho một bộ phận con người sinh ra trang thái bi quan u uất. Tuần vừa rồi vừa mở máy thấy tin "Tìm thấy mẹ của bé sơ sinh bị vứt vào toilet", tự nhiên thấy ớn lạnh cả người.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế giới phẳng là tấm gương phản chiếu những gì ở thế giới gồ ghề. Đúng là trong cõi ta bà này u uất quá hả chị M.?

      Xóa
  8. có ai xem phim về đạt ma sư tổ chưa hay lắm, nhiều lý lẻ hay và thực tế từ vị đạt ma này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thì chưa được xem phim về vị Tổ sư này.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))