Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Bến.

                                                      Ảnh Internet.

Chị M. có entry nói về bến xe, vì là người có "chân đi", hay phải di chuyển nhiều nên chị M. có dịp qua lại nhiều bến xe ở nhiều nơi trên thế giới, những bến xe to, bến xe nhỏ, bến xe hiện đại, bến xe thô sơ, bến xe lạc hậu, vân vân... Hồi nào tới giờ tôi ít đến những bến xe, những bến xe trong nước, bến xe nước ngoài lại càng không, vì tôi cũng ít có dịp ra nước ngoài. Thú thật là xưa nay tôi rất sợ những bến xe ở nước ta, cái gì bát nháo tầm bậy nhất đều có ở những bến xe, mất vệ sinh, lừa lọc, gian manh..., đủ thứ ở đấy... Bến xe thật sự là một "vùng trũng" trong xã hội Việt Nam, tất cả tệ nạn xã hội đều ở đó.

Bến xe ai cũng hiểu là nơi người ta đến để đón xe đi đâu đó, hoặc là nơi "nhà xe" trả người ta xuống sau khi  được chở đi một chặng đường dài ngắn từ nơi này đến nơi kia, ở bến xe thường có nhà cửa, là nơi bán vé, để hành khách chờ đợi xe khởi hành, hay chờ người thân... Ở đây tôi không muốn nói tới những bến xe (như đã nói là nơi tôi rất ngán, nhất là những bến xe trong ngày lễ tết thì phải biết).  Ngoài bến xe thì chúng ta cũng còn nhiều bến khác, như bến tàu, bến đò, bến cảng (cảng biển và cảng hàng không), nhà ga xe lửa (cũng là một loại bến xe)... Tôi chỉ muốn đề cập đến từ "bến", một từ ngữ có lẽ đã có từ rất xưa rồi, trước khi những bến khác ra đời.

Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của, quyển từ điển tiếng Việt xưa của Việt Nam cắt nghĩa chữ Bến như thế này: Bến: mé sông, chỗ ghe thuyền ghé. Ngày xưa xưa như các bạn đã biết, người dân Việt sống dựa vào sông nước. Sách vở chép người Tàu sang đây thấy người Việt suốt ngày lọ mọ nơi sông nước, mò cua bắt ốc, thân mình thì xâm vằn vện để tránh thủy quái, chống giao long. Đường xá chưa có, may ra chỉ là những con đường mòn ngắn ngắn đi bộ qua lại, con người sống chủ yếu nhờ vào sông suối, nơi có nguồn nước, và nguồn lợi về thủy sản để sinh tồn. Làng xã thuở ban đầu ấy luôn được lập theo những con sông, cho nên người ta nói người Việt xưa có một nền văn minh sông nước.

Xe cộ thời xưa nếu có chắc cũng chỉ rất thô sơ do người hay súc vật kéo, chuyên chở đồ đạc lặt vặt đoạn đường ngắn ngắn, chắc chưa có bến xe để đi đâu xa. Nhưng những bến ở sông, suối thì chắc đã phải có. Bến ở đây đơn giản như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích, chỉ là một mé sông, chỗ ghe thuyền ghé, như chúng ta đã thấy qua câu "cây đa (cây da) bến cũ/ con đò năm xưa". Cái bến này chắc hẳn phải rất thiên nhiên, có khi chỉ là một bến nước, nơi người dân ra đó giặt giũ, lấy nước về dùng, hoặc là một bến đò ngang chở khách sang sông, chẳng có "cơ sở hạ tầng phục vụ" gì cả. Bến thường nằm ở đầu làng, dưới bóng một gốc đa cổ thụ, như câu đã trích dẫn bên trên, cái bến đơn giản thế, nhưng có lẽ thật tiện ích trong cuộc sống hàng ngày, là nơi gặp gỡ và chắc cũng đã chứng kiến bao cảnh chia tay, chia ly..., khi người thân phải đi xa đâu đó khỏi ngôi làng của mình... Thường là người đi xa xuống bến thuyền ở đầu làng, để đi thuyền sang sông hay một đoạn  lên xã, lên huyện, rồi từ đó mới có đường đi bộ, đi cáng, đi ngựa tiếp tục lên tỉnh, lên kinh đô... và rồi, con người đi xa đó hay nhớ về một bến xưa, nơi ngày xưa mình đã ra đi để lại biết bao nhiêu kỷ niệm thuở ấu thời...

Dần dà từ bến không chỉ gói gọn trong cái bến sông, bến nước, bến đò. Trong tín ngưỡng, người ta cũng dùng từ bến, bến giác, người tu hành ai cũng muốn đến được bến giác, bờ bến của giác ngộ, dĩ nhiên bến giác không phải là một bến sông cụ thể, bến giác là một nơi chốn tâm linh mà người tu hành luôn hướng tới... Trong văn chương người ta cũng hay dùng từ bến, bến xưa, bến mơ, trong cuộc sống chừng như ai cũng có một bến bờ của mơ mộng... Thuyền ai đậu bến đêm trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay. Câu thơ của Hàn Mặc Tử về một bến trăng trong một đêm trăng sáng. Hay một câu nhạc khác, Thuyền ơi sao mê say nhiều quá/ Đường mê khôn ai ngăn cản lối/ Một sớm thu về chuyển bến xuôi/ Từ nay xa cách rồi bến xưa... Câu nhạc trong một bài hát tiền chiến hình như vẫn mãi vấn vương trong lòng không biết bao nhiêu người...

Bến giác, bến mơ... chỉ là những cái bến tâm linh, cái bến tâm tưởng, mộng tưởng, chẳng phải là một cái bến cụ thể như bến xe. Nhưng cũng còn một bến khác nữa, tuy cũng không có địa chỉ rõ ràng, nhưng lại là một bến để chỉ một nơi chốn không phải đến đó để đi, mà đến đó để dừng lại, đối với người con gái, đó là bến đỗ. Xưa kia không như bây giờ, hôn nhân thường là do mai mối, người con gái quanh quẩn nơi đồng áng, bếp núc trong nhà, không có dịp tiếp xúc với xã hội, cho đến ngày có người mai mối rồi về nhà chồng. Làm thân con gái ai cũng chỉ mong có một bến đỗ tốt đẹp khi xuất giá, một cái bến đỗ không được tìm hiểu và chọn lựa, hoàn toàn do may rủi, trong nhờ đục chịu...



22 nhận xét :

  1. Bến sông, bến đò của ngày xưa thường dưới một tán cây tán lá bên sông, ta ghé vào đó ngồi nghỉ ngơi hóng gió thổi la đà rồi thiu thiu ngủ, đến khi đò cập bến thì ta lại bước lên đò mà qua sông, cái bến ngày xưa trong tuổi thơ, trong sách vở thật êm đềm phải không hở anh Hiệp.

    Còn bến giác thì với tụi mình coi bộ xa xa anh Hiệp nhỉ? Có khi qua sông rồi mà không nỡ bỏ lại con đò.. nữa thì làm sao mà có bến giác cơ chứ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Có khi qua sông rồi mà không nỡ bỏ lại con đò", hihi, ở nhà chị M. có tất cả bao nhiêu đôi giày dép kể từ hồi... 3 tuổi?

      Xóa
    2. Bạn TTM qua sông không nỡ bỏ lại con đò, tức ngón tay chỉ mặt trăng cũng chính là mặt trăng rồi hihihi.

      Xóa
    3. Cái này hình như người ta nói là "khi phương tiện trở thành cứu cánh"? Hìhì!

      Xóa
  2. Còn ba cái bến xe của M muốn nói và so sánh thì để ta thấy cái tầm vĩ mô của từng quốc gia.

    Ở Taipei, người ta có cái bến xe mà ở nơi đó người ta có thể đi chợ búa mua sắm, ăn uống, ngồi nghỉ ngơi, rồi lên và xuống đủ loại xe để đi về khắp các nơi quanh thành phố và về các tỉnh của cả nước mà không bị nắng mưa bụi bặm.

    Ở Campuchia thì có di sản Angkor Wat, đáng lẽ ăn đến ngàn đời chẳng hết của, thế mà cái bến xe ở trung tâm Thủ đô mà nhếch nhác thế đấy.

    Còn bến xe ở VN, mà Sài Gòn mình là Hòn ngọc Viễn đông cơ mà, thế mà cũng chỉ đỡ hơn Campuchia.. tí tẹo. Rõ chán.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Bangkok đã thấy khác, cái bến xe ở VN hơn bến xe ở Cambodia, nhưng không bằng một phần bến xe Đài Bắc, bến xe Đài Bắc chưa chắc bằng nửa bến xe ở Đức, ở Mỹ..., đại loại như thế. Nhưng với tôi cái quan trọng không phải là bến xe to hay nhỏ (vì nó còn liên quan đến nhiều thứ khác trong xã hội), mà khi chúng ta đến cái bến xe ấy chúng ta sẽ cảm thấy gì, thoải mái hay đáng sợ, đấy mới là cái chính.

      Xóa
    2. Chính chỗ ấy mới đáng nói! khi đã che được mưa nắng chính là đã có một phần yên ổn. M mới đi bằng xe bus về nữa, thấy lại ớn sự bất an toàn đó anh H ơi!

      Xóa
  3. BẾN XƯA
    [img]http://blog.yimg.com/1/jPa0ZH17s58W5m38mpjwWXL5i.jWJBxJCnU0UlabA52LpNipxEoYnQ--/37/l/pMnjvkc0RPdcv1AK3BsqPg.jpg [/img]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nào A Ruchung gom tất cả lại những hình ảnh cái BẾN của RC nhé A Ruchung ơi!

      Xóa
    2. Cám ơn bác Ruchung đã gởi vào tấm hình Bến xưa rất dễ thương.

      Xóa
  4. Thuyền ơi có nhớ bến chăng, bến thì một dạ khăng khăng đợi thuỳên...

    Từ xưa BẾN hay gắn với người phụ nữ, với cảnh chia ly và đợi chờ và nghe cứ chênh chao buồn buồn bác nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Người ra đi bến xưa nằm bệnh/ Cỏ xanh rì, cỏ níu chân đi..." (nhạc TCS), hay "Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly..." (hình như nhạc Hoàng Giác).

      Ngày xưa có Bến đợi nữa đấy TT.

      Xóa
  5. "Bến ấy chiều nay người đi vấn vương biệt ly". Hay quá phải không bác NHP? HN nhớ câu này vì ở trên bác nhắc bài "Trở về bến mơ" đấy. Bác biết bài "Dáng đứng bến ...xe" chứ?? Hình của anh Ruchung giống bến đò Thừa Phủ ở Huế sau khi cầu Trường Tiền gãy một nhịp hồi Mậu Thân?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, ông Nguyễn văn Tý chỉ được có mỗi bài Dư âm, còn các bài kiểu như "Dáng đứng Bến Tre (xe)", hay "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" là loại nhạc "làm theo đơn đặt hàng.

      Xóa
  6. Mười hai bến nước là sao các bác ơi. Ai biết nguồn gốc xin chỉ giáo!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng có đâu con số chính xác là mười hai bến, tôi nhớ hồi còn ở Yahoo 360 bên bác Bu cũng có bài về vấn đề này.

      Xóa
  7. Nhiều khi cứ mãi bước , chả biết đâu là bến , là bờ ... (:

    Trả lờiXóa
  8. Hihi, giống thiền sư quá :-))

    Trả lờiXóa
  9. Cái tiếng Việt đúng là phong phú:
    Với ô tô có bến xe, với tàu thủy có cảng, xe lửa có ga, tàu bay có sân (có khi gọi là cảng hàng không)
    Hồi mới giải phóng bu tui nghe tiếng xe đò thấy lạ. Hihihi đã xe lại còn đò...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, bác nói về xe đò tôi mới để ý, xe ở trên đất còn đò thì dưới sông, có phải ngày xưa di chuyển trên sông nước đi đò là chính nên khi có xe mới gọi là xe đò? Cái này hay à nha, bác Bu thử tìm hiều xem?

      Xóa
    2. Xe chở khách nên gọi xe đò (tiếng vùng sông nước) như lội bộ, bùng binh, quá giang..
      .
      Bến, nơi tụ rồi tan, nơi người đến người đi. Thật đẹp và yêu thương.

      Xóa
    3. Bác VanPham nói rất đúng, xưa người Việt dùng sông nước di chuyển là chính, nên những từ ngữ của sông nước đã "đổ bộ" lên đất liền, và hiện diện trong những tên gọi, chẳng hạn xe đò, lội bộ (lội trên bộ, hihi! Riêng chữ "lội" miền Bắc và miền Nam dùng nghĩa cũng có hơi khác nhau), từ bùng binh, ý nghĩa là một khúc vòng trên sông, lên bờ nó thành cái vòng xoay, quá giang (qua sông) lên bờ thành đi nhờ xe một đoạn...

      Bến ban đầu nghĩa là thế, thời buổi văn minh được nâng cấp có đủ thứ, hihi!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))