Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Những con đường Saigon.

Tháng tư ở Saigon và những con đường, không ngờ có những bạn bè, xưa từng "mòn giày dép" trên những đường phố quen, khi tôi nhắc đến những con đường lại làm cho các bạn nhớ đến những "ký ức đường phố Saigon thuở xưa còn đi học" đến thế. Nhân đây tôi cũng xin viết tiếp về một vài con đường nữa ở Saigon, những con đường mà ai ở Saigon trước năm 1975 cũng quen, cũng nhớ...

- Đường Hồng Thập Tự:

Ở entry trước bạn "Gốc mai đại thụ" có nhắc đến đường Hồng Thập Tự, một trong vài con đường xưa nhất của Saigon hoa lệ. Thuở còn đi học Trung học ngày nào tôi cũng phải đi qua con đường này, nhà tôi thuở ấy ở tuốt Quận 11, chỗ trường đua Phú Thọ, thoạt tiên vài năm đầu đi xe buýt, lớn hơn một chút, khoảng lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) thì được đi xe đạp (sướng mê tơi). Sang đến lớp đệ tam (lớp 10) thì được sắm cho chiếc xe Honda PC 50 (lên tiên chứ chẳng chơi).

Rồi khi phải rời ghế nhà trường vào quân đội, thì đơn vị gốc của tôi nằm ở đầu đường Hồng Thập Tự, đối diện với cổng sau Thảo Cầm Viên, mà dân Saigon quen gọi là Sở thú, kế bên cầu Thị Nghè. Được một hai tháng thì tôi chuyển lên Cao nguyên, chân ướt chân ráo hứng ngay cái "Mùa hè đỏ lửa" nóng bỏng. Tháng tư năm 1975... sống sót từ Cao nguyên dông về Saigon sau gần một tháng trời đi qua Liên tỉnh lộ 7 (đoạn đường kinh hoàng nối từ Cao nguyên đến Phú Yên, đã bị bỏ hoang nhiều năm). Trở về đơn vị gốc vào đầu tháng 4-1975, và sau đó thì... về nhà đến nay...

Đường Hồng Thập Tự, đó là tên đường tồn tại từ 22-3-1955 cho đến ngày 14-8-1975. Đây là con đường huyết mạch ở Saigon có từ trước khi người Pháp đến, gọi là đường Thiên Lý. Khi người Pháp chiếm Saigon họ đổi thành đường Stratégique. Sau đó qui hoạch lại thành đường số 25. Từ 1-2-1865 đặt tên là Chasseloup Laubat. Cho đến 22-3-1955 chính quyền Đệ nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm đổi thành đường Hồng Thập Tự, và đến 14-8-1975 chính quyền Cách mạng Lâm thời đổi thành Xô Viết Nghệ Tĩnh (bao gồm cả Quốc lộ 13, và đường Hùng Vương cho đến Cầu Kinh). Đến quốc khánh 1991, UBND TP đổi đoạn đường xưa là Hồng Thập Tự thành Nguyễn Thị Minh Khai như hiện nay (đoạn từ Công trường Cộng Hòa đến cầu Thị Nghè). Đúng là thời thế đổi thay.

                                          Dinh Norodom. Ảnh Internet.

Trên đoạn tường Hồng Thập Tự cũ, đi qua những công trình "để đời", đó là Thảo Cầm Viên (Sở thú), được người Pháp xây dựng đã trên một trăm năm nay (1864-1865). Người sáng lập cũng là Gám đốc đầu tiên là J.B. Louis Pierre. Ông cũng là người xây dựng vườn Tao Đàn. Dinh Norodom xây từ thời Pháp (1863 đến 1875), sau đó được xây dựng lại là dinh Độc Lập (7-9-1954), và bây giờ là Hội trường Thống Nhất (25-6-1976). Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay là một ngôi trường cũng xưa như con đường đi qua nó. Được xây dựng từ ngày 14-1-1874 lần lượt mang các tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi Collège Chasseloup Laubat (17-8-1928) theo như tên đường lúc đó, học giả Vương Hồng Sển đã học trường này. Sau năm 1954 đổi thành Lycée Jean Jacques Rousseau cũng vẫn do người Pháp quản lý. Từ năm học 1967-1968 giao lại cho Việt Nam, trở thành Trung tâm Giáo dục Lê Quý Đôn (vẫn được học tiếng Pháp 8 giờ mỗi tuần) do người Pháp dạy. Sau ngày 30-4-1975 trường mang tên PTTH Lê Quý Đôn đến nay.

                                   Collège Chasseloup Laubat. Ảnh Internet.

Còn tại sao từ ngày 22-3-1955 đường được đổi tên là đường Hồng Thập Tự? Tại miền Nam ngày 25-12-1951, Hội Hồng Thập Tự Việt Nam được thành lập tại Saigon nằm trên con đường lúc bấy giờ mang tên Chasseloup Laubat. Đến ngày 22-3-1955 chính quyền Ngô Đình Diệm đã đổi tên thành đường Hồng Thập Tự.

- Đường Phan Thanh Giản:

Trước năm 1975 đoạn đường từ Ngã Bảy, đến cầu Phan Thanh Giản được đặt tên là đường Phan Thanh Giản. Đây cũng là một con đường cổ xưa của Saigon. Thoạt đầu đoạn từ cầu Phan Thanh Giản đến đường Lê Văn Duyệt (CMT 8 bây giờ) được mang số 29. Từ ngày 2-6-1871 người Pháp đặt là Baria. năm 1897 đổi thành Legrand de la Liraye. Đoạn từ Lê Văn Duyệt (CMT 8) đến Ngã Bảy lúc đầu mang số 20, sau đổi thành đường Polygone. Năm 1920 lại đổi là Lizé. Ngày 22-3-1955 chính quyền Saigon nhập hai đường Legrand de la Liraye và Lizé thành một đặt là Phan Thanh Giản. Còn đoạn từ cầu Phan Thanh Giản trở đi về hướng Thủ Đức đến năm 1957-1960 thuộc Xa lộ Saigon-Biên Hòa. Ngày 14-7-1975 Chính quyền Cách mạng Lâm thời nhập đoạn từ cầu Saigon đến cầu Phan Thanh Giản và đường Phan Thanh Giản thành đường Điện Biên Phủ cho đến ngày nay.

Trên đường Phan Thanh Giản có một ngôi trường nữ Trung học nổi tiếng xưa nay, đó là trường Gia Long, mà hiện nay là trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai. Trước năm 1975 tôi có vài người bạn học ở Gia Long, hiện nay có những người đã ở nước ngoài, nhưng thỉnh thoảng mỗi lần về nước tôi có gặp lại. Xưa thời còn đi học tôi có chơi với các bạn Hướng đạo, Thanh Sinh Công (Thanh niên học sinh Công giáo), các bạn ở phong trào CPS Việt Nam (Chương trình Phát triển Sinh hoạt học đường VN), cho nên tôi đã quen với khá nhiều các bạn ở các trường học, Chu Văn An, Pétrus Ký, Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt...

                              Trường nữ Trung học Gia Long. Ảnh Internet.


Trường nữ Trung học Gia Long cũng là một ngôi trường xưa ở Saigon, được thành lập ngày 6-11-1913 và khánh thành ngày 19-10-1915 (như vậy đến năm nay 2013 trường kỷ niệm đúng 100 năm thành lập), thoạt đầu mang tên Collège des jeunnes Filles Indigènes (trường Nữ sinh Bản xứ). Nữ sinh mặc đồng phục màu tím nên được gọi là trường Áo Tím. Năm 1940 mở thêm trung học đệ nhất cấp (cấp 2), đổi tên thành Collège Gia Long. sau đó mở tiếp trung học đệ nhị cấp (cấp 3) mang tên Lycée Gia Long. Năm 1953 thay áo dài tím thành áo dài trắng. Sau năm 1955 gọi tên Việt là trường Nữ Trung học Gia Long. Sau năm 1975 đổi tên thành trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai. Như đã nói tôi có nhiều người bạn học ở Gia Long. Bà xã tôi tốt nghiệp trường Gia Long, còn cu cậu con trai tôi tốt nghiệp trường Nguyễn Thị Minh Khai, hậu thân của trường Gia Long...



                                           Báo xuân Gia Long. Ảnh Internet.

Những bạn như chị Tuyết Mai, Marguerite... có lẽ sẽ không quên những tờ báo xuân Gia Long. Ở những năm ấy, năm nào vào dịp Tết tôi cũng được bạn gởi cho một tờ, tiếc thay tôi đã không còn giữ được số nào...


Tham khảo:

- Đường phố nội thành TP HCM, Nguyễn Đình Tư, Chi Cục Bản Đồ và Nhà Xuất Bản TP HCM, xuất bản năm 1994.

- Từ điển TP Saigon - HCM, nhiều tác giả, NXB Trẻ, xuất bản năm 2001.


23 nhận xét :

  1. Những cái tên cũ nghe nó thân thương quá anh H ạ, cái tên mới nghe nó ngùn ngụt ý chí cách mạng, đánh dấu giai đọan loạn lac...
    Dau biet, doi di doi lai cung la le thuong, nhung no gan bo ky niem voi ai thi nguoi do nho thuong. A H thi nang long voi nu sinh Gia Long qua roi. Hii

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Kỷ niệm đầu len lén trở về tâm tư", hihi, như là thơ Nguyên Sa ấy, đối với nhiều người...

      Xóa
  2. Đọc xong, đọc trong giờ làm việc vội vàng mà lòng vẫn thấy rộn ràng.. muốn huhu cho thời sinh viên con gái đã trôi qua giữa giao điểm của của hai thể chế..

    Những con đường anh đi qua thời Trung học cũng là con đường mà M thường đi qua, đi từ Lãnh Bình Thăng ra con đường gì nhỉ, trời ạ, chợt quên tên mất rồi, bây giờ là 3/2 rẽ Cao Thắng rồi ra tới Hồng Thập Tự để ra Trung tâm SG, hoặc rẽ phải để đến trường đại học Khoa học..

    Mà thôi tạm ngưng làm việc đã. Tối sẽ ghé vào hồ than thở tiếp nha anh H ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ủa thời học Trung học trước năm 75 tôi cũng ở gần đường Lãnh Binh Thăng (tôi ở Lê Đại Hành), và học Tiểu học ở trường Tiểu học Phú Thọ gần ngay đường Lãnh Binh Tnăng.

      Đường 3/2 bây giờ trước là đường Trần Quốc Toản, đi tới Cao Thắng là phải qua Chợ cá Trần Quốc Toản, xưa qua chợ cá này là phải bịt mũi, hihi!

      Cái thời đi học vui ha?

      Xóa
    2. Đó đó, bi giờ thì M nhớ rồi, cái chợ cá đó đặc trưng đó chứ!

      Xóa
    3. Mùi vị đặc trưng luôn, có lẽ về sau ô nhiễm quá nên người ta bỏ.

      Xóa
  3. Già tui thì học Hồ Ngọc Cẩn-Gia Định, đến đời con gái út cũng học trường ấy, nhưng trở thành trường cấp một mang tên Nguyễn Đình Chiểu. May hông phải tên liệt sĩ nào hết! Những entry về đường phố xưa của anh khiến Già tui liên tưởng lại hai câu:
    NAM KỲ KHỞI NGHĨA TIÊU CÔNG LÝ
    ĐỒNG KHỞI VÙNG LÊN MẤT TỰ DO!
    :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi có người bạn ở đường Nguyễn Văn Đậu trước năm 75 cũng học ở Hồ Ngọc Cẩn. Mấy trường công lập trung học nam sinh thời trước, Hồ Ngọc Cẩn, Võ Trường Toản, Chu văn An, Pétrus Ký.

      Tiêu thiệt :--(((

      Xóa
  4. Mình không học và không ở Sài Gòn, nhưng những con đường mang tên cũ thì mình biết, còn tên mới thì chịu.. Anh Hiệp viết về những con đường làm mình chợt nhớ đến bài hát "Con đường kỷ niệm" với câu: "nên khi vắng anh, đường đã thay tên.. còn đâu kỷ niệm..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc anh MinhT học ở Biên Hòa, nơi có "Cô Bắc Kỳ nho nhỏ..."? :-)

      Xóa
  5. Oh, bác H tìm được trên mạng những bìa báo Xuân Gia Long hay nhỉ .Marg vẫn còn giữ đủ những tập báo Xuân Gia Long , Petrus Ký ... thời đó .
    " Cố nhân xa rồi , có ai về lối xưa ... "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở trên mạng mà biết tìm thì hình như gì cũng có. Vậy là hay quá rồi, Marg. giữ được những tờ báo xuân này là giữ được cả một trời dĩ vãng, cả một thời tuổi trẻ...

      Tháng tư này có ai về những lối xưa không nhỉ...?

      Xóa
  6. Tôi về Saigon học tiếp là sau tiếp thu .Kỷ niệm thời SV là những con đường luôn có 2 tên :)
    ( Ảnh anh Post cỡ nhỏ quá ;sau khi post xong anh klic chuột phải vào ảnh sẽ hiện chọn lựa cỡ ảnh .)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là bạn cũng có những kỷ niệm với những con đường Saigon. Chắc thời bạn học là khoảng thời gian Saigon khá yên ắng, xe đạp lúc ấy là chủ yếu.

      Cám ơn bạn. Ảnh lấy trên mạng image size của nó thường nhỏ, tôi đã thử phóng lớn thì nó bị mờ bạn ạ, đành ngắm nhỏ nhỏ vậy. :-)

      Xóa
  7. Đúng là thời thế đổi thay. Chiến tranh và chế độ, những con đường vất vả thay tên. Nhưng không thể thay khai sinh nó. Đất gắn với người và người đi thành đường.
    .
    Bức ảnh bìa Báo Gia Long Áo Tím Áo Trắng đẹp quá.
    Một kỷ niệm vui Má và con cùng học một trường.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác xem thử.

      http://i1156.photobucket.com/albums/p568/vanthekt/AoTimAoTrang.jpg

      Xóa
    2. Thời thế như dòng sông, luôn phải đổi thay, nhưng phải là cái đổi thay làm cho dòng sông trong hơn, chứ không phải cho nước sông bẩn đi. Cứ hy vọng như thế :-)

      Kỷ niệm rất vui :-))

      Tôi sẽ vào xem. Cám ơn bác.

      Xóa
  8. Cám ơn anh Hiệp có bài viết hay về " những con đường xưa ai đi ".hihi....và nhưng bức ảnh minh họa thật sinh động làm cho ai đó gắn bó với kỹ niệm xưa thấy mình trở về với dòng sông tuổi thơ thật êm đềm, nhưng như một văn hào đã nói " không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông ", cho nên dù có được lội lại con sông đó,cũng không bao giờ được đắm mình trong cùng một dòng sông anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Con đường xưa em đi/ người ta kéo dây chì/ thế là em hết đi..." Chị Mai còn nhớ câu hát "cải biên" này không? Gặp lại được dòng sông xưa là quý hóa lắm rồi, còn nước sông thì đừng có như kênh Nhiêu Lộc thôi là được. Mà kênh Nhiêu Lộc bây giờ thấy cũng đỡ, người ta câu cá đầy, hihi!

      Xóa
  9. Cậu con trai bu đang ở bên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh gần Hàng Xanh.
    Nhắc cái tên đường ấy lại nhớ khẩu hiệu của Đảng ta "Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rể" Khiếp!!

    Trả lờiXóa
  10. Bỗng nhớ quá một thời lang thang trên những con đường xưa cũ , những cái tên sao quá đỗi thân quen ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những con đường của một thời tuổi trẻ...

      Xóa

:) :( :)) :(( =))