Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Cà phê tháng tư - Saigon... cố cựu.

                                         Tòa Đô Chánh Saigon. Ảnh Internet.

Cố cựu, đại khái là cũ, xưa, đồ xưa, nhà cửa xưa, chuyện xưa, hoặc... người xưa... đều có thể gọi là cố cựu. Đây là từ của cố học giả Vương Hồng Sển viết trong "Sài Gòn năm xưa", vừa rồi tôi có nhắc đến, và trong một entry trước cô bạn Thu Thủy ở Hà Nội có vào comment nói tôi "Đúng là người Sài Gòn cố cựu".

Trong những entry trước khi viết về thành phố này, tôi quen gõ Sài Gòn là Saigon. Người Saigon cố cựu đọc là Sài Gòn nhưng khi viết thì lại viết dính 2 chữ Sài và Gòn lại và không có dấu. Cũng như từ Chợ Lớn vậy, phải viết là Cholon, và khi viết Sài Gòn - Chợ Lớn, thì viết là Saigon - Cholon. Đây là cách viết... cố cựu có từ thời... Pháp, trên những văn bản hành chánh, trên báo chí, cái thời tôi mới biết chữ và bố mẹ còn gọi là... thằng Cu thấy đã viết như thế. Một từ khác là Đất Hộ, được ông Tây nhà đèn viết là Datho, Dakho rồi sau thành ra Dakao (tên một vùng đất, một phường ở quận 1). Một tên khác nữa là Chí Hòa, Tây viết là Chihoa, Kyhoa, Ta đọc ba chớp ba nháng thành Kỳ Hòa, Ký Hòa, bây giờ vẫn còn tên...

Tôi hay gõ Saigon, chẳng phải vì tôi "kỵ" gì với cái tên Thành phố Hồ Chí Minh. Chẳng qua là gõ Saigon nhanh hơn, quen hơn, cũng như khi nói về vườn Tao Đàn (cách nói của người cố cựu), hoặc cố cựu hơn thì gọi là vườn Bờ Rô, hay  vườn Ông Thượng (Thượng công Lê Văn Duyệt). Vườn Tao Đàn, có lẽ ai cũng gọi thế, chứ chẳng ai dùng cái tên dài ngoằng là "Công viên Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh", thú thực nghe nó "sáo" và "rỗng" thế nào ấy, cứ như cái công viên đó nó nằm tận đâu đâu, chứ chẳng phải là cái vườn hoa xưa và đẹp nhất ở thành phố này. Trên kệ sách của tôi, tất cả những quyển sách đều có chữ ký của tôi ở trang đầu, và dòng chữ Saigon, ngày tháng năm, cùng một con dấu "triện" mực đỏ. Con dấu này là năm tuổi của của tôi chứ không phải tên, dấu triện là do một người bạn thân ái tặng...

Saigon phải nói là một vùng đất khá lạ lùng, nếu so với lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, thì Saigon còn "rất trẻ", chỉ với hơn 300 năm tạo dựng, từ thời các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi. Những cư dân cố cựu Saigon chắc chắn là những người bổn xứ, mà xứ này xưa kia thuộc Chân Lạp (Khmer), xưa hơn nữa là nước Phù Nam cổ đại. Saigon ở vào cái thời cố cựu ban đầu chỉ là rừng rậm, sông rạch đầm lầy chằng chịt, cá sấu còn dạo chơi dưới sông như mọi nơi khác ở miền Nam, xe ngựa mà dân cố cựu gọi là xe thổ mộ, xe bò kéo còn chạy nhông nhông giữa phố Catinat. Tôi còn nhớ thuở tôi còn nhỏ ở khu vực Trường đua Phú Thọ khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ trước (bây giờ là quận 11). Chung quanh nhà là ao hồ cỏ dại mọc um tùm, ban đêm rắn còn bò vào nhà như ở nhà quê. Tôi lấy cái kim gút bẻ cong thành lưỡi câu, kiếm thêm sợi dây nhợ buộc vào một thanh tre trúc chặt ngoài vườn, thế là có cái cần câu, đào thêm con trùn (giun đất) nữa là thỉnh thoảng tôi câu được con cá rô, cá tràu ngay cái ao trước nhà.

Saigon cố cựu  hình thành, ban đầu gồm những cư dân tứ xứ, còn gọi là dân tứ chiếng, sách vở chép gồm đủ mọi thành phần, lính thú, dân giang hồ đi tìm vùng đất mới để làm ăn, kẻ chạy trốn sự hà khắc của việc cấm đạo Thiên chúa giáo của các triều vua nhà Nguyễn, cả tội phạm bị đi đày, hay phạm tội mà trốn lánh, tiếp đến là những đợt di cư mộ phu đồn điền vào Tân thế giới (thời trước năm 1954 người miền Bắc đi vào Saigon và các vùng phụ cận làm ăn, nói là đi Tân thế giới). Cuộc di cư "tổng lực" năm 1954, 1975,  và "lai rai" ở những năm sau, vân vân...

Cùng với cư dân bổn địa, người Chăm, dân tứ xứ, tứ chiếng giang hồ, còn đủ loại các dân tộc khác, người Minh hương chống nhà Thanh từ bên Tàu chạy qua, được chúa Nguyễn cho vào trú tại vùng Đồng Nai, Mỹ Tho, Saigon, Cholon..., rồi người Chà Và (Java), người Ấn Độ chuyên bán vải và sữa dê... Sau đó thì tới người Pháp, người Nhật, rồi thời mới gần đây là người Mỹ, kéo theo cả một lực lượng Đồng minh đông đảo, Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân... Nơi hội tụ của đủ loại sắc tộc, tôn giáo, loạn xà ngầu...

Nhưng cũng không ít người Saigon cố cựu đã ra đi, vì thời cuộc, và nhiều lý do khác... Một lần ngồi cà phê bạn nói "Muốn biết người Hà Nội thì phải vào Saigon, còn muốn biết người Saigon thì phải... qua Mỹ". Câu nói khôi hài và có vẻ cường điệu, nhưng ngẫm lại cũng phần nào có lý. Tôi có những người thân, những người bạn đã ra đi từ năm 1975, hay một vài năm sau đó, ít năm trở lại đây gặp lại, lạ thay tính cách của họ, nhất là trong cách đối xử, ăn nói, họ như đã dừng lại từ thời điểm ra đi. Đúng là họ không hề thay đổi, vẫn y như người thân và các bạn của mấy mươi năm về trước, đúng là những người Saigon cố cựu...

Saigon cố cựu cũng từng là thủ phủ của nhiều thời. Thời thuộc Chân Lạp là nơi đóng đô của vị Phó vương Khmer, tiếng Khmer gọi Saigon là Prei Nokor, còn Chánh vương đóng tại Nam Vang (Phnom Penh). Thời nhà Nguyễn cũng từng đặt Thái Miếu nơi đây trước khi được dời về Huế. Còn thời Pháp thuộc thì Toàn quyền Đông Dương ở dinh tên Norodom tại Saigon, và Tổng trấn Gia Định Thành cũng đặt dinh nơi Saigon. Hết thời thuộc Pháp sang đến thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa, thì Saigon là Thủ phủ của VNCH. Dinh Toàn quyền Norodom đổi tên là dinh Độc Lập (7-9-1954). Đến tháng 2-1962 dinh bị ném bom hư hỏng nặng trong một cuộc đảo chính bất thành. TT lúc bấy giờ là Ngô Đình Diệm đã cho xây lại dinh, công trình do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế.

Khởi công từ 1-7-1962 đến 31-10-1966 mới hoàn tất. Không biết khi cho đập phá dinh cũ để xây lại dinh mới TT họ Ngô có mời thày coi phong thủy hay không, mà chỉ mới xây ít lâu, đến đầu tháng 11-1963 đã nổ ra cuộc đảo chính tiếp, và nền Đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ. Nền Đệ nhị Cộng hòa dân gian gọi nơi đây là Phủ Đầu rồng, cũng vẫn là nơi ở và làm việc của Tổng thống. Cho đến một ngày tháng 4 năm 1975 (8-4-1975), mấy quả bom của một viên phi công Saigon được ném xuống dinh. Vào cái thời khắc ấy tôi đang ở cách dinh  Độc Lập có vài trăm thước, tiếng phản lực rít lên, mấy tiếng nổ vang rền, tiếng còi hụ báo động inh ỏi, và đủ mọi loại súng bắn rào rào.

Sàigon cố cựu là như thế, mấy trăm năm can qua, từ thưở mở mang bờ cõi. Thoạt tiên là cuộc chiến tranh kéo dài giữa "hai nhà Nguyễn". Bao nhiêu đồn lũy thành quách ở Saigon đã sụp đổ, thành Phụng, thành Quy, lũy Bán bích, đại đồn Chí Hòa... Rồi cuộc kháng Pháp, đến cuộc chiến mang nhãn hiệu "ý thức hệ", và những cuộc đảo chính tranh giành quyền lưc như cơm bữa.. Người cố cựu Saigon đã quen với biến loạn, cho nên đường phố Saigon sau mấy trái bom lúc bấy giờ thoáng chựng lại, ngơ ngác, rồi vẫn bình thản, người ta chặc lưỡi nhìn theo chiếc máy bay, chắc lại đảo chính... Và nền Đệ nhị Cộng Hòa đã cáo chung như thế...

Thời cố cựu Tây thực dân, đã đặt cho Dinh Toàn quyền là Norodom, là tên của vua Cao Mên bấy giờ. Có sách vở chép do ông vua Cao Mên này hiền lành nhất nhất nghe theo Tây, trong khi người Việt chống Tây tưng bừng, thì vua Norodom đã chịu ngay sự bảo hộ, cho nên người Pháp đã lấy tên vua Cao Mên đặt cho dinh Toàn quyền Đông Dương. Sau khi người Pháp "go home" thì dinh được đổi tên lại là Độc Lập. Thời Tây thuộc địa cũng có một con đường ở Saigon trong khu Cholon được dùng ngay tên nước Cao Mên là Cambodge đặt tên, đó là con đường ngày nay mang tên Kim Biên. Thời Pháp đường mang tên Cambodge. Từ ngày 19-10-1955 chính quyền miền Nam đổi lại thành Kim Biên, một từ Hán-Việt. Tuy thay tên Cambodge, nhưng để giữ hữu hảo với người Cao Mên, Kim Biên chính là phiên âm Hán-Việt viết theo chữ Hoa của thủ đô Nam Vang (Phnom Penh) của họ. Đường Kim Biên vẫn còn tồn tại đến nay.

Cũng có một sự trớ trêu về tên dinh Độc Lập và con đường trước mặt đâm thẳng vào dinh. Thời Pháp khi Dinh Toàn quyền được đặt tên là Norodom, thì con đường này cũng được đặt là đường Norodom. Đến thời Đệ nhất Cộng Hòa đổi tên dinh là Độc Lập thì đường được đặt là Thống Nhất. Sau tháng 4-1975, chính quyền Cách mạng Lâm thời đổi tên dinh Độc Lập thành Hội trường Thống Nhất, những tưởng như thế là ăn khớp với con đường trước mặt cũng là đường Thống Nhất, thì con đường trước mặt lại được đổi thành đường 30 Tháng 4 (rối thiệt, có lẽ để phân biệt cái Thống nhất này khác với cái Thống nhất kia), và đến năm 1986 thì lại đổi tên một lần nữa thành đường Lê Duẩn, cho đến ngày nay.

Saigon cũng thay đổi, như cuộc sống ở tất cả mọi nơi. Người Saigon cố cựu có thể là thượng lưu trí thức, nói tiếng Tây như gió, hay công chức tầm tầm bậc trung sáng cắp ô đi tối cắp ô về, hoặc giới bình dân bến xe, ăn nói bỗ bã mở miệng ra từ đầu tiên là tiếng chửi thề, nhưng dù ở tầng lớp nào cũng ít khi xảo ngôn, "chanh chua khế chát" như một lớp tân thời bây giờ. Saigon tân thời có những lớp người mới, nói theo chữ nghĩa bây giờ là thành đạt, nhưng có suy nghĩ khác, cách sống khác..., không còn giống mấy với lớp cố cựu Saigon. Cố cựu rồi đến tân thời, cuộc sống tất phải thế, không thể khác...

Và tháng tư Saigon, có người ngồi cà phê, nhớ chuyện cố cựu...



20 nhận xét :

  1. Đúng là anh Hiệp đã hệ thống hóa lại cả lịch sử mấy trăm năm Saigon. Hồi xưa nhà em có những bưu thiếp luôn ghi là Saigon - Cholon, cũng như xưa ngoài này vẫn viết Hanoi... Hai chữ "cố cựu" nghe thấy thương thương, mà nếu không còn một bộ phận cố cựu thì đó là một đô thành mất quá khứ, chỉ còn lại xô bồ, nhốn nháo thôi. Vì thế, được gặp gỡ với những gì cố cựu, con người, cảnh vật nguyên bản thì thật tuyệt, như ta được thưởng thức những bản gốc chứ không phải những bản phiên một cách lệch lạc.A Hiệp cũng trở thành "cố cựu " rồi đấy ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, may ra Toro, các bạn nào ở xa tới muốn tìm hiểu Saigon không biết tôi có thể đi làm "Guide tour" được không?

      Xóa
    2. nhưng mà còn... khuya mới trở thành kiểu "tân thời , xảo ngôn , chanh chua khế ngọt " như bác nói à nghe (((-:

      Xóa
    3. Hihi, muốn thế cũng phải có một cái "cố cựu" cơ bản gì khác chứ dễ gì mà người Saigon cố cựu thành được :-)))

      Xóa
  2. đọc bài này em lại hiểu đc thêm Saigon. Cái tên Saigon thật thân thương, gần gũi và đậm chất Saigon

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, bây giờ bạn cũng là cư dân Saigon, hiểu về thành phố mình đang sống, sẽ cảm thấy gắn bó hơn.

      Xóa
  3. Nghe bác H nói ,những người ra đi , họ như dừng lại từ dạo ấy , tính cách vẫn giữ đúng của người Saigon cố cựu ... Lại ngẩm nghĩ, còn mình , những người Saigon vẫn tiếp tục hít thở ( với không ít vật vả , ngoắc ngoải ... ), hihi , chắc giờ cũng ít nhiều ... lệch lạc như Toro nói rồi , huhuhu ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, ở bầu thì tròn ở ống thì dài, con người là sản phẩm của môi trường. Thế! như tôi đã nói ở một entry trước, một cô gái mới ngoài 20, có gần trọn số tuổi đó ở ngoại quốc, mà mới về Saigon sống vài năm, đã phải thốt lên, mấy năm ở VN chỉ học được mỗi tính nghi ngờ.

      Tôi cũng thế, biết sao được :-(((

      Xóa
  4. Bài này bác H viết hay nghe . Quá khứ như mới hôm qua ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tháng tư nào cũng thế, tôi luôn sống với quá khứ...

      Xóa
  5. Chỉ biết thốt lên hai tiếng"Cảm Ơn!"
    :)

    Trả lờiXóa
  6. Xem ra tinh hoa của cả một thế hệ đều tập trung phần lớn vào lớp người Saigon cố cựu ấy và được họ giữ gìn trân trọng và nâng niu đến tận bây giờ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cố cựu thời Tây Saigon giờ đa số đã ra người thiên cổ, chỉ còn lớp cố cựu thời Mỹ, hìhì!

      Xóa
  7. Tìm hiểu về Saigon cố cựu thì ngoài blog Ngoc Hiep Pham chỉ còn tìm đọc:Châu về Hiệp Phố của Phú Đức và Tân truyện Bình Nguyên Lộc . :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm sao mà so được với lớp cố cựu Saigon, miền Nam như Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển, Sơn Nam... :-))

      Xóa
  8. Chào Bác 'cố cựu'. Ngày xưa ba tôi hay viết Hanoi, Saigon, nết chữ nghiêng nghiêng, nay còn nhớ và tôi cũng hay viết như vậy theo Người.

    Tiếc cho cái chữ "Tao Đàn", còn tên gọi được dùng bây giờ 'hành chính' quá.Có một thời gọi phố, phường, tiểu khu, khu dân cư... loạn cả lên..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bác, người "cố cựu" trào Tây đặc biệt viết chữ đẹp lắm, người xưa rèn từng nét chữ nên suy nghĩ rất nghiêm túc.
      Chả bù cho thời nay, cái gì cũng nhếu nháo, hời hợt, chỉ chăm chăm làm sao thu được nhiều tiền.

      Xóa
  9. Nhân tìm tài liệu trên mạng, tình cờ vào Blog của anh Hiệp. Tôi rất thích nội dung và cách trình bày. Xin anh cho phép "mượn" bài của anh để phổ biến cho nhóm chúng tôi, dĩ nhiên sẽ nêu rõ nguồn. Dồng thời sẽ xin học hỏi anh để tạo Blog.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn cứ sử dụng, về tạo blog thực ra tôi cũng không rành rẽ, chúc bạn nhiều niềm vui.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))