Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Nghĩ trên đường đi..


 
Thiếu nữ Hà Nội năm xưa.
Ảnh: Internet.


Tôi ở quận 3 - Sài Gòn, gần đường Bà Huyện Thanh Quan, hàng ngày phải đi qua con đường này mấy lượt. Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, quê ở làng Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận (thuộc Hà Nội ngày nay), không rõ năm sinh và năm mất của bà. Tên Bà Huyện Thanh Quan là lấy theo chức vụ của chồng bà, ông Lưu Nguyên Ôn (Lưu Nghi 1804-1847), đậu cử nhơn dưới thời nhà Nguyễn, từng giữ chức tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Ninh - Thái Bình). Bà là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích, bà nổi tiếng giỏi thơ văn, từng được triệu vào kinh thành Huế làm Cung trung giáo tập dưới thời vua Minh Mệnh, dạy học cho các cung phi và công chúa.

Bà sáng tác không nhiều, tác phẩm của bà còn lưu được cho hậu thế khoảng mươi bài thơ chủ yếu bằng chữ Nôm, được truyền tụng nhiều hơn cả là những bài Qua đèo ngang, Thăng Long thành hoài cổ, Chùa Trấn Bắc, Chiều hôm nhớ nhà... là những bài đã được đưa vào chương trình dạy học xưa nay cả ở hai miền Nam Bắc. Trong những bài thơ của bà có bài Qua đèo ngang là được nhắc đến nhiều nhất, không hẳn là xuất sắc hơn các bài kia, mà bởi những tranh luận không dứt về chữ "chợ" hay "rợ", trong câu thứ tư của bài thơ. Có lẽ ai cũng thuộc bài thơ này của bà. Tôi chỉ chép lại dưới đây hai câu 3 và 4 của bài thơ thất ngôn bát cú, gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ:

Lom khom dưới núi tiều vài chú/
Lác đác bên sông chợ (rợ) mấy nhà.

Xưa thời tôi học trung học đệ nhị cấp ở Sài Gòn, học môn Cổ văn, sách giáo khoa thời ấy tôi được học viết là chữ "chợ", (chợ mấy nhà), và vì khá thích môn Việt văn, Cổ văn cho nên tôi còn nhớ thày giáo ngày đó, giải thích chữ "tiều vài chú", và "chợ mấy nhà" chỉ có tính cách ước lệ, vì Bà Huyện Thanh Quan đi ở trên đèo Ngang nhìn xuống đám rừng xa xa phía dưới thấy có mấy người, nên cho là tiều phu, và ven sông có lác đác mấy ngôi nhà cho nên coi đó như là một xóm chợ, chứ bà Huyện có đến đó đâu mà biết rõ đó là tiều phu, hay mấy ngôi nhà là chợ. Kể ra xưa thày giáo giảng như thế nghe rất có lý. Hồi xưa đó đám học sinh chúng tôi cũng chẳng có đứa nào thắc mắc lời giải thích của thày giáo hết.

Sau này thì như chúng ta đã biết, người ta tranh luận nhiều về chữ "chợ" trong "chợ mấy nhà", bởi cũng có nhiều sách chép là "rợ mấy nhà", xem "chợ hay rợ" mới là từ đúng. Bây giờ chỉ cần gõ trên Google "rợ - chợ trong bài thơ Qua đèo Ngang", chúng ta có thể đọc được vô số những ý kiến về vấn đề này trên những trang mạng. Người nói là "chợ", người cho là "rợ", với đủ mọi lý lẽ của mình, và tôi thấy đa phần cho là từ "rợ mấy nhà", với cái lý: xưa thế kỷ thứ XIX thời Bà Huyện Thanh Quan đi qua đó đèo Ngang hoang vắng lắm, chỉ có "nhà của rợ" tức là nhà của mấy người thiểu số thôi, làm gì có "chợ" ở nơi hẻo lánh đó... Người nói "chợ" thì bảo: văn chương bà Huyện tao nhã lắm, sao lại mang "rợ" là "mọi rợ" vào được. Cũng có người còn nói "rợ" mới đúng, nhưng không phải "rợ" trong "mọi rợ" như người ta dẫn chứng, mà "rợ" là tiếng cổ của địa phương nơi đèo Ngang, có nghĩa là "nhà bằng lá hay rơm, rạ", và nói "rợ mấy nhà" chỉ là nói mấy ngôi nhà bằng lá, rơm, rạ ngày xưa ở dưới đèo Ngang lúc Bà Huyện Thanh Quanh đi qua thôi (điều này lại càng vô lý, bởi Bà Huyện Thanh Quan là người vùng Thăng Long, chứ không phải là người địa phương đèo Ngang để biết được nghĩa trên, làm bài thơ Qua đèo Ngang là khi bà đi ngang qua vùng này).

Người khác lại nói, không phải "chợ", hay "rợ", mà có lẽ là "rạ" (nhà bằng rơm rạ), cũng có người cho là "vạn" (nhà của vạn đò ở ven sông). Rồi cũng có người nói từ "rợ" mới đúng niêm luật về đối chữ của thơ Đường luật (rợ đối với tiều). Tuy nhiên trên trang mạng Wikipedia nói về niêm luật thơ Đường luật, dẫn chứng cụm từ "tiều vài chú" đối với cụm từ "chợ mấy nhà" trong bài thơ Qua đèo Ngang là chỉnh, bởi "tiều vài chú" là cụm từ chỉ người là "động", thì "chợ mấy nhà" là cụm từ chỉ vật thể là "tĩnh", "động" đối với "tĩnh" là hoàn chỉnh.

Chợ trong chữ Nôm.

Rợ trong chữ Nôm.

Có một điều khá lạ lùng trong những cách giải thích mà tôi đã đọc được, là ai cũng giải thích theo cách suy nghĩ chủ quan của mình, mà hiếm thấy người đặt vấn đề là: Thế thực sự Bà Huyện Thanh Quan viết trong bài thơ Qua đèo Ngang ấy là gì? "chợ" hay "rợ". Như chúng ta đã biết đây là một bài thơ viết bằng chữ Nôm của Bà Huyện Thanh Quan ở vào khoảng nửa đầu của thế kỷ XIX (19), tức là ở thời gian này thì chữ Nôm đã hoàn chỉnh, và chữ quốc ngữ theo La tinh a, b, c đã xuất hiện. Tôi không rõ những bài thơ của Bà bây giờ đã được dịch từ những bản văn chữ Nôm nào, có phải là bản gốc của bà đã viết hay không...?

Như chúng ta đã thấy bên trên, trong chữ Nôm, từ "chợ" và "rợ" hoàn toàn viết khác nhau. Chữ "chợ" bao gồm 2 chữ Hán ghép lại, bên trên là chữ "trợ" chỉ âm, ghép bên dưới là chữ "thị" chỉ ý. Còn chữ "rợ" là chữ mượn chữ "di" (man di), đọc theo âm Hán Việt từ chữ Hán, chuyển sang chữ Nôm đọc thành "rợ". Chắc chắn trong bài thơ chữ Nôm nguyên bản của Bà Huyện Thanh Quan hai chữ "chợ" và "rợ" không thể lầm lẫn được. Không hiểu sao những bản dịch viết theo chữ quốc ngữ bây giờ có bản lại viết là "chợ", có bản viết là "rợ", không rõ cớ sự? Những bài ấy như đã nói đã được dịch từ những bản Nôm nào? Trường hợp này có lẽ cũng tương tự như truyện Kiều của Nguyễn Du (Nguyễn Du cũng là người cùng thời với Bà Huyện Thanh Quan), là thể thơ được viết bằng chữ Nôm, nhưng bản dịch sang chữ quốc ngữ có nhiều câu, chữ khác nhau, cũng bởi bản Nôm của truyện Kiều cũng có nhiều bản, có lẽ là chép qua chép lại rồi "tam sao thất bổn", mỗi bản chép một khác...

Như vậy, nếu không thể tìm ra được bản gốc chữ Nôm của bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, hoặc một bản Nôm nào đó được giới chuyên môn công nhận là bản chép trung thực nhất bài thơ này, thì có lẽ ta phải chấp nhận câu "Lác đác bên sông chợ (rợ) mấy nhà", với chú thích "có bản chép là chợ, có bản chép là rợ". Chứ không thể nào nói "chợ" hay "rợ", hoặc là một từ nào khác theo như suy nghĩ chủ quan của mình được...

9 nhận xét :

  1. Tạm thời như thế đã, mai mới vào tìm bạn bè.
    22/11/2012 11:59PM

    Trả lờiXóa
  2. Nhưng "chợ" thì cứ như không có nghĩa ý anh H ạ !

    Trả lờiXóa
  3. Nghe bác H nói nhà bác sao không com cháo gì được hết . Marg qua com. thử thấy vẫn bình thường mà .

    Trả lờiXóa
  4. ghé thăm nhà mới của bác Hiệp :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn, chỗ này còn lạ lẫm quá, giao diện hơi "rối".

      Xóa

:) :( :)) :(( =))