Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

"Đường Mọi".


Ảnh Internet, người Stiêng ngày xưa, hiện nay họ còn sinh sống khá nhiều ở tỉnh Bình Phước.

Đó là tên một con đường ở Sài Gòn thời Pháp, "Đường Mọi" là gọi nôm na theo tiếng Việt, còn tên gọi thời đó theo tiếng Pháp là "Rue des Mois", một cái tên khá ấn tượng. Theo sách vở con đường này đã có từ rất lâu đời, từ khi người Pháp xây dựng thành phố Sài Gòn vào những năm 1860. Lịch sử của "Đường Mọi" được ghi nhận như sau:

- Thời Pháp thuộc đầu tiên được đặt là "Rue des Mois", sau đổi thành "Rue Richaud", đến năm 1955 chính quyền Sài Gòn đổi thành đường Phan Đình Phùng. Ngày 14-8-1975 chính phủ Cách mạng lâm thời đổi thành đường Nguyễn Đình Chiểu đến nay. Đường này một phần nằm trên quận 1, phần lớn còn lại thuộc quận 3.

Tên "Rue des Mois" (Đường Mọi), cũng như tên của nhiều con đường khác thời Pháp, như đường Catinat (Thống chế của nước Pháp), đường Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương)... và sở dĩ có tên Đường Mọi vì khu vực này có nhiều thổ dân cư ngụ.

Trong tiếng Mường thì từ "Mọi" có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là "người Mường" (nói riêng), nghĩa thứ nhì là "người" (nói chung). Theo sách vở, trong đao quân của Nguyễn Tri Phương giữ đại đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa) có nhiều người "Mọi" thổ dân được dùng để xung kích, họ la ó và khá dữ tợn để áp đảo tinh thần quân Pháp. Xa hơn chút nữa vào thời anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa, trong đội quân của họ cũng đã ghi nhận có cả một đạo quân người Mọi, và cũng có những người Mọi biết huấn luyện voi được thu dụng để huấn luyện, điều khiển những con voi trận.

Như vậy xem ra từ "Mọi" có nguồn gốc từ tiếng Mường dùng để chĩ "người Mường", hoặc nói chung là để chỉ "người", rồi được dùng để gọi những dân tộc ít người, chứ không có nghĩa xấu hay kỳ thị.

2 nhận xét :

  1. Cám ơn bác Hiệp! Có lẽ chữ MỌI ban đầu nghĩa gốc như thế, nhưng cùng với thời gian, nghĩa "người Mường" hay "người" đã biến đổi, trở nên nghĩa xấu, có ý kì thị dân tộc. Trong tiếng ta, các từ "man di" hay "mọi rợ" đều có ý nghĩa kì thị khi nói về các dân tộc ít người. Trung Hoa coi những dân tộc ít người phía đông của họ là Di, phía nam của họ là Man. Cũng là một cách kì thị với các dân tộc khác. Vì thế quay trở lại từ MỌI trong tiếng Việt, có thể ban đầu không có ý xấu hay kì thị, nhưng về sau thì lại có. Từ "khốn nạn" gốc Hán, khi nhập vào tiếng Việt, nó chỉ có nghĩa là khó khăn,khốn cùng, nghèo khổ. Tác phẩm Những người khốn khổ của Huy gô, ban đầu dịch ra tiếng Việt là " Những kẻ khốn nạn". Nhưng ngày nay, "khốn nạn" chỉ mang nghĩa xấu thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đúng bác Vũ Nho, ban đầu từ Mọi không mang nghĩa kỳ thị, dần về sau mới mang nghĩa này, cũng bởi phát xuất từ cái kém văn minh của họ (trước năm 1975 tôi ở Tây nguyên trong những làng Thượng, cánh đàn ông nhiều người còn ăn bận như trong hình chụp, đàn bà còn để ngực trần). Một từ khác như từ "tôi mọi" thoạt đầu là để chỉ những người thiểu số thời xưa bị bắt bán làm nô lệ cho những người giàu có miền xuôi, trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn có nói tới điều này.

      Từ ngữ biến đối nghĩa theo thời gian có lẽ cũng là chuyện bình thường phải không bác Vũ Nho?

      Xóa

:) :( :)) :(( =))