Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Mới - Cũ & Lớn - Nhỏ.

Chợ Bến Thành (Chợ Mới). Ảnh Internet.

Chợ Lớn (cũ) nay không còn, nằm ở vị trí Bưu điện quận 5 ngày nay. Ảnh Internet.

Chợ Bình Tây (Chợ Lớn Mới, Chợ Quách Đàm). Ảnh Internet.

Chợ Thiếc (Chợ Nhỏ) ngày nay. Ảnh Internet.

Đây là tên của những ngôi chợ ở Sài Gòn năm xưa:

- Chợ Mới và Chợ Cũ: Chợ Mới là một trong những tên gọi của chợ Bến Thành nổi tiếng ngày nay (cũng có tên gọi khác là chợ Sài Gòn), chợ Bến Thành ta thấy ngày nay được xây dựng trong 2 năm từ 1912 đến 1914, đến nay đã được trên 100 năm. Sở dĩ có tên gọi Chợ Mới là để thay thế cho ngôi chợ Bến Thành cũ với tên Chợ Cũ. Thời Pháp thuộc người Pháp cho xây dựng một ngôi chợ chính ở trung tâm Sài Gòn, vị trí nằm ngay bên rạch Bến Nghé nơi có bến sông, và gần thành Gia Định (còn gọi là thành Quy, hay thành Bát Quái, ngôi thành mà Lê Văn Khôi đã dùng để chống lại quân của triều đình suốt 3 năm, sau khi Lê Văn Khôi mất và thành bị chiếm thì triều đình san phẳng cho xây một ngôi thành mới gọi là thành Phụng với quy mô nhỏ hơn).

Khi xây ngôi chợ Mới (chợ Bến Thành ngày nay) thì chợ không còn ở gần bến và thành nữa, nhưng tên Bến Thành vẫn được gọi cho ngôi chợ Mới. Khi có chợ Mới thì khu vực chợ Bến Thành cũ được gọi là Chợ Cũ, tên gọi Chợ Cũ ta vẫn còn thấy dùng gọi khu vực này cho đến hiện nay (ở khu Chợ Cũ bạn nào sống lâu năm tại Sài Gòn chắc còn nhớ tiệm bánh Như Lan nổi danh một thời).

- Chợ Lớn và Chợ Nhỏ: Chợ Mới và Chợ Cũ ở khu vực trung tâm thành phố Sài Gòn, ngày nay là quận 1, thì Chợ Lớn và Chợ Nhỏ ở khu vực ngày xưa là trung tâm thành phố Chợ Lớn, người Hoa gọi là Đề Ngạn (). Thời Pháp thuộc, có thời kỳ người Pháp chia ra Thành phố Sài Gòn và Thành phố Chợ Lớn, sau mới sáp nhập làm một.

Đến đây cũng cần mở một cái ngoặc. Ban đầu danh xưng Sài Gòn là để chỉ khu vực Đề Ngạn nêu trên, nơi có nhiều người Hoa sinh sống, tức là khu trung tâm quận 5 (Bưu điện quận 5 ngày nay). Chỉ sau năm 1861, khi đã chiếm được thành Gia Định (thành Phụng), đặt nền móng cai trị, người Pháp mới quy định Sài Gòn bao gồm cả khu vực Bến Nghé (quận 1 ngày nay). Đến năm 1865 chính quyền bảo hộ lại ký nghị định quy định lại diện tích, qua đó Thành phố Sài Gòn (Ville de Saigon) chỉ còn lại khoảng 3 km vuông tại khu vực Bến Nghé, và Thành phố Chợ Lớn (Ville de Cholon) để gọi khu Đề Ngạn (Sài Gòn cũ). Sau năm 1956 dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa của TT Ngô Đình Diệm, tên gọi Sài Gòn được dùng chung cho cả hai khu vực.

Trở lại tên gọi Chợ Lớn, đây là một ngôi chợ của người Hoa có nguồn gốc xa xưa, khi họ không thần phục nhà Thanh đến xin chúa Nguyễn sinh sống, sau này thêm những người Hoa khác bỏ chạy từ Cù Lao Phố ở Biên Hòa, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi. Ban đầu Chợ Lớn là ngôi chợ tọa lạc tại địa điểm bây giờ là Bưu Điện quận 5, quy mô của chợ lớn hơn hẳn một ngôi chợ khác của người Việt là chợ Tân Kiểng (Tân Cảnh, vùng Chợ Quán ngày nay), và một ngôi chợ khác được gọi là Chợ Nhỏ gần đấy. Ngôi Chợ Nhỏ này vẫn còn cho đến ngày nay, đó chính là Chợ Thiếc (Thiếc chứ không phải Thiết, xưa kia vùng này có nhiều rẫy trồng hoa màu, gần đó còn tên bệnh viện Chợ Rẫy. Chợ Thiếc và khu vực chung quanh chuyên sản xuất buôn bán đồ dùng bằng tôn thiếc các loại, như các thùng tưới rau). Hiện nay thuộc quận 11. Chợ Thiếc sau này còn có tên gọi là chợ Phó Cơ Điều, vì nằm trên đường Phó Cơ Điều, chuyên buôn bán vàng, nữ trang.

Năm 1928, một thương nhân người Hoa là Quách Đàm, chủ nhà buôn Thông Hiệp tự bỏ tiền mua đất xây dựng một ngôi chợ khác gần Chợ Lớn, ban đầu gọi là chợ Quách Đàm, chợ Thông Hiệp, nay là chợ Bình Tây thuộc quận 6. Chợ Quách Đàm với quy mô lớn hơn hẳn Chợ Lớn dần thay thế ngôi Chợ Lớn, người dân gọi là Chợ Lớn Mới, ngôi Chợ Lớn cũ bị phá bỏ. Chợ Lớn Mới (chợ Quách Đàm, chợ Thông Hiệp) sau này gọi là chợ Bình Tây còn tồn tại đến ngày nay, cũng như chợ Bến Thành, đây là hai ngôi chợ nổi tiếng của thành phố. Nổi tiếng về kiến trúc, lịch sử, du lịch...


(Tham khảo từ nhiều nguồn).



8 nhận xét :

  1. Cám ơn bác Hiệp về bài viết thú vị.
    Từ bài viết của bác, tôi hiểu tên chợ Bến Thành ( xây cạnh bến và thành - sau trở thành tên riêng). Nguồn gốc tên chợ thật đơn giản nhưng tự tìm thì khó mà biết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những thông tin thường thức này vậy mà không phải ai ở Sài Gòn lâu năm cũng biết đâu bác Vũ Nho. Người dân Nam Bộ nói chung chất phác, đơn giản, ít dùng từ ngữ, cái chợ xây gần bến thuyền và thành quách thì gọi luôn là Bến Thành, xây mới thì gọi là Chợ Mới, chợ cũ gọi là Chợ Cũ, rồi Chợ Lớn, Chợ Lớn Mới, Chợ Nhỏ... cứ nôm na mà đặt tên.

      Xóa
  2. Em ước ao một lần ghé chợ Bình Tây để xem chợ ngày nay thế nào ? Đọc bài viết của anh mà em lại nhớ đến thời sinh viên của mình : lang thang với các bạn vào ngày cuối tuần bằng chiếc xe đạp khi không về quê ...thật hồn nhiên , thật vui và đầy ắp kỷ niệm !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chợ Bình Tây nhà nước đang có kế hoạch đại tu, chỉ sợ họ đập phá và xây thêm làm mất đi cái cổ của ngôi chợ cũ.

      Xóa
  3. Nhớ hồi đó có câu nói " hàng Hồng Kong bên hông Chợ Lớn " , hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồ "Hồng Kông bên hông Chợ Lớn" là đồ "năm dzố xây lố cố" (hàng dzỏm), hì hì!

      Xóa
  4. Những địa danh ở miền Nam Bộ lại luôn mang tên người, những thôn ấp kênh rạch được gọi là xóm Ông Đồ, ấp Trùm Thuật, sông Ông Đốc, ngọn Ông Trang, rạch Biện Nhan, núi Bà Đen... Núi sông được gọi theo tên con người, mà lại là những người dân chân chất, bình thường, những con người chân lấm tay bùn, không phải những vĩ nhân, nhân vật lịch sử.
    Đến đây lại biết thêm chợ Quách Đàm, chợ Thông Hiệp.
    Cảm ơn bác nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thích tìm tòi để hiểu những gì thuộc về dân gian, thấy bác đưa những bài viết bên Facebook như tượng chùa Tây phương thích lắm :-)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))