Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Chuyên chở công cộng thô sơ tại Sài Gòn xưa.

Ảnh 1.

Ảnh 2:  Ảnh 1, Ảnh 2: xe kéo ở Sài Gòn năm xưa. Ảnh Internet.

Thỉnh thoảng ta lại thấy nổi lên vấn đề giải quyết chuyên chở công cộng tại một trong những thành phố đông dân nhất nước là Sài Gòn, Nhiều giải pháp, dự án đã được đặt ra, bàn tới, như hạn chế xe cộ, làm hầm chui, cầu vượt, kể cả đang thi công đường xe điện ngầm, chuyên chở công cộng như taxi, xe buýt... đã phổ biến, nhưng mức độ kẹt xe (mà có người trách nhiệm nói là chưa kẹt bởi xe cộ lưu thông còn... nhúc nhích được), vẫn còn trầm trọng, việc giải quyết chưa đi đến đâu. Nhân đọc vài quyển sách có nói đến những phương tiện chuyên chở công cộng thô sơ thuở mới hình thành và phát triển Sài Gòn năm xưa.

- Xe kéo:

Theo sách vở thì xe kéo có xuất xứ từ Nhựt Bổn, xuất hiện ở Sài Gòn vào năm 1886, xe có một cái thùng phía sau dành cho khách ngồi trông tựa như thùng xe xích lô bây giờ, phía trước là hai cái càng dành cho người kéo điều khiển. Bánh xe bằng cao su đặc có nan hoa lớn bằng gỗ hoặc bánh bơm hơi có nan hoa thép như bánh xe đạp. Xe kéo chạy bằng "nhân lực", cho nên tốc độ không cao và khoảng cách hoạt động không xa, chỉ vài cây số đổ lại. Loại xe kéo dành cho gia đình (xe nhà) của riêng những người giàu có quyền thế được chạm trổ công phu, ở hai đầu gọng xe được bịt, mạ vàng. Nhìn hình xe kéo Việt Nam và xe kéo Nhựt Bổn, ta thấy xe kéo Việt Nam trông gọn gàng, đỡ chênh vênh hơn.

Ảnh 3: Xe kéo xưa ở Nhựt Bổn. Ảnh Internet.

- Xe kiếng:

Đây là một loại xe do ngựa kéo thường dùng để chuyên chở công cộng. Nếu xe kéo bằng tay do sức người chỉ có thể chở tối đa được 2 người lớn, thì loại xe kiếng chở được từ 6 đến 8 người. Loại xe chạy bằng... mã lực này xuất hiện trên đường phố Saigon vào năm 1929. Sách vở không thấy ghi xuất xứ của xe kiếng, có lẽ có nguồn gốc từ Châu Âu. Thời đó xe kiếng là phương tiện chuyên chở dành cho người Tây phương, như ta thấy ở ảnh 4, một hàng xe kiếng đậu trước một tòa nhà trông như cơ quan công quyền (như giàn xe du lịch ngày nay đậu trước trụ sở ủy ban khi có họp hành). Nhìn tòa nhà trên ảnh 2, 4 và dãy hàng rào trước mặt, bạn nào ở Sài Gòn sẽ liên tưởng đến tòa nhà Tổng Giám mục ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Trần Quốc Thảo quận 3 hiện nay. Xe kiếng cũng dành cho những ông thông ông phán, khách trung lưu trở lên, tài tử giai nhân trong túi rủng rỉnh nhiều tiền bạc chiều chiều du ngoạn ngắm phố xá Sài Gòn, khi hữu sự như có đám cưới xe kiếng được làm xe đưa rước dâu. Trong sách SÀI GÒN năm xưa, cụ Vương Hồng Sển viết về loại xe kiếng:

Khách phong lưu và người có tiền thì đi xe "kiếng", tức xe đóng bít bùng có cánh cửa gắn kính cho có ánh sáng, nên gọi như thế. Người Pháp gọi xe ấy "voiture malabare" vì người cầm cương phần đông là người Mã Lai. 

Ảnh 4: Xe kiếng ngựa kéo. Ảnh Internet.

Ảnh 5: Xe kiếng và xe kéo tại Saigon xưa. Ảnh Internte.

Ở miền Nam thì Thủ Dầu Một (Bình Dương) năm xưa chuyên về đóng các loại xe ngựa, xe bò, xe kiếng. Nếu xe kéo tựa như xe xích lô, thì xe kiếng giống như taxi chạy nơi thành phố bây giờ. Có một hình ảnh ấn tượng tôi nhớ mãi là trong truyện tranh về anh chàng cao bồi Lucky Luke coi lúc còn nhỏ (coi mê luôn), thấy hình ảnh của xe kiếng trong truyện dùng để chuyên chở hành khách, đưa thư tín, nó tựa như xe đò, xe khách vậy.


Ảnh 6: Xe kiếng trong truyện tranh Luky Luke. Ảnh Internet.

- Xe ngựa (xe Thổ mộ):

Nếu xe kiếng do ngựa kéo chở khách ngày xưa xuất hiện khá sớm ở Sài Gòn, dành cho Tây, đầm và khách phong lưu, thì có một loại xe do ngựa kéo cũng chở được dăm bảy người, cùng hàng hóa như quang gánh, thúng mủng... chất trên mui xe hoặc ràng hai bên thùng xe dành cho dân buôn thúng bán bưng làm phương tiện đi lại, đó là xe ngựa, trong miền Nam còn gọi là xe Thổ mộ, người Pháp gọi là boite d'allumetters (hộp quẹt). 

Ảnh 7: Xe ngựa đậu trước chợ Bến Thành năm xưa. Ảnh Internet.

Ảnh 8: Một bến xe ngựa. Ảnh Internet.

Hồi tôi còn nhỏ ở Saigon quãng gần cuối thập niên 1950 thì ở Sài Gòn không còn thấy xe kéo và xe kiếng, chỉ thấy loại xe ngựa kéo chuyên chở hành khách và hàng hóa như ta thấy ở ảnh 7, 8, và thường nghe gọi đơn giản là "xe ngựa", cũng có khi nghe gọi là "xe thổ mộ", xe ngựa tựa như "xe lam" sau này. Khi đó xe hơi đã chạy khá nhiều nhưng xe ngựa rất phổ biến với giới bình dân, bởi đây là một phương tiện chuyên chở công cộng, rẻ tiền, chở được cả người lẫn hàng hóa, chạy trên một cự ly bán kính trung bình khoảng 10, 15, cây số, nối liền trung tâm Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định với những vùng lân cận, như Hóc Môn, Thủ Đức... là những nơi ngày xưa chuyên cung cấp nông thổ sản cho thành phố. Ở mé bên hông chợ Tân Định ta còn thấy một con đường nhỏ, ngắn gọi là đường Mã Lộ, là nơi ngày xưa có lẽ là bến xe ngựa.

Tại sao xe ngựa còn được người Sài Gòn gọi là xe thổ mộ? Cũng có vài giải thích, theo Cụ Vương Hồng Sển, một người cố cựu ở Sài Gòn thì xe ngựa có cái mui che khum khum trông giống như ngôi mộ đất, nên gọi là "thổ mộ". Các sách vở tôi có không nói rõ xe ngựa có mặt trên đường phố Sài Gòn vào thời gian nào. Nhưng qua những hình ảnh còn lưu lại, và có tài liệu cho biết xe ngựa là một sáng tạo cũa người Việt bắt nguồn từ chiếc xe kiếng ghi trên. Như vậy có lẽ xe ngựa xuất hiện muộn hơn xe kiếng, nếu sách vở nói xe kiếng có mặt tại Sài Gòn năm 1929, thì xe ngựa xuất hiện khoảng từ thập niên 1930 về sau.

Ảnh 9: Xe ngựa chở khách và hàng hóa trên đường phố. Ảnh Internet.

Ảnh 10: Một chiếc xe ngựa với bác xà ích mặc bộ đồ bà ba, tay cầm chiếc roi, đầu đội chiếc nón nỉ. Ảnh Internte.

Xe ngựa chuyên chở có ưu điểm là chạy nhanh, xa hơn, và chở được số người nhiều hơn xe kéo, lại vừa chở khách vừa chở được hàng hóa. Xe ngựa chở khách bình dân, nên trong thùng xe không có ghế ngồi dành cho khách như xe kiếng, khách đi xe cứ việc phủi chân leo lên xe ngồi bệt trên sàn xe thường được trải một chiếc chiếu, khi xe chật, đông người phải bó gối chứ không thể ngồi duỗi chân thoải mái. Ngày xưa tôi còn thấy phía ngoài ở hai bên hông xe còn có mấy chiếc cọc, hoặc mấy cái móc sắt để khách đi xe móc guốc dép của mình.

Hình ảnh chiếc xe ngựa chạy lóc cóc trên đường với bác xà ích (saïs) đã lớn tuổi thường mặc bộ đồ bà ba, một tay cầm dây cương, một tay vung chiếc roi quất ngựa nghe "tróc, tróc", đầu đội chiếc nón nỉ, miệng ngậm điếu thuốc rê loa kèn Gò Vắp, vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi.

- Xe chuyên chở hàng hóa:

Cũng nên nhắc đến việc chuyên chở hàng hóa bằng phương tiện thô sơ khi xưa từ ngoại ô vào nội thành. Như ta đã thấy xe kéo, xe kiếng chỉ chuyên chở khách, xe ngựa vừa chở khách vừa chở được hàng hóa, thùng xe nhỏ cho nên lượng hàng hóa chở cũng không được nhiều (tuy nhiên ở ảnh 11 bên dưới ta thấy chiếc xe ngựa đã thồ được một khối lượng hàng hóa đáng nể, cả trên mui và hai bên thùng xe). Để có thể chở được nhiều hàng hóa hơn người ta đã chế ra chiếc xe cũng do ngựa kéo, thùng chở hàng dài, rộng, chứa được nhiều hàng hóa hơn tựa như một chiếc xe tải, xe có 4 bánh, vì lượng hàng hóa nhiều cho nên xe thường do 2 ngựa kéo (ảnh 12).

Ảnh 11.

Ảnh 12: Ảnh 11, 12, xe ngựa chở hàng hóa ngày xưa. Ảnh Internet.

Xe ngựa dùng để chở hàng hóa ngày xưa thường là hàng nông sản như rau củ, gọi là hàng thanh bông, từ những vùng ngoại ô ven thành phố như Hóa Môn - Bà Điểm vào những chợ đầu mối thời đó như chợ Bến Thành, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Lớn Mới (chợ Bình Tây), chợ Bà Chiểu... Người ta dùng xe ngựa để chuyên chở rau xanh bởi lúc đó xe ngựa chuyên chở nhanh, rẻ, với một khoảng cách mươi lăm cây số thì sau khi thu hoạch từ ruộng rẫy, chất hàng lên xe từ 4 - 5 giờ sáng, thì khoảng 6 - 7 giờ đã tới chợ, kịp giao hàng bán trong ngày.

Ảnh 13.

Ảnh 14: Ảnh 13, 14, xe bò chở hàng xưa. Ảnh Internet.

Với loại hàng hóa cồng kềnh, không phải là loại rau xanh, như nguyên vật liệu, những sản phẩm, đồ dùng tiểu thủ công thì ngày xưa thường được chuyên chở bằng xe bò (ảnh 13, 14). Trong ảnh 13 ta thấy 2 chiếc xe bò di chuyển trên đường phố giữa trung tâm Sài Gòn, phía sau là tòa nhà GMC sau này là Thương xá Tax, cũng là một biểu tượng của Sài Gòn năm xưa, nay còn đâu?.



Tham khảo:

- Tầm nguyên tự điển, Lê Ngọc Trụ, NXB Tp. Hồ Chí Minh - 1993.

- SÀI GÒN năm xưa, Vương Hồng Sển, NXB Tp. Hồ Chí Minh - 1997.

- Cửa sổ tri thức, PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Trẻ - 2005.



8 nhận xét :

  1. Thật tuyệt vời với bài viết cùng những hình ảnh mà anh Hiệp đã chia sẻ với cả nhà . Em nghĩ nếu như đất nước mình còn giữ lại những phương tiện này đến ngày nay để phục vụ du khách nước ngoài là một vấn đề rất hấp dẫn đối với họ . Tuy thô sơ nhưng lại toát lên một nền văn hóa cổ điển Á Đông đầy sức hấp dẫn với người phương Tây đó cơ ! Chỉ khác ở chỗ là người kéo xe sẽ phải có sức khỏe thật tốt mới được , nhưng lại là một phương tiện vận chuyển có sức hấp dẫn tuyệt vời !!!!

    Với những chiếc xe ngựa chở khách và hàng hóa nhìn thật hay và rất thú vị sẽ lôi cuốn du khách nước ngoài đến du lịch nước mình nhiều lắm đó ! Em nghĩ như thế đó anh Hiệp ạ . Em nhớ có một lần ông xã em đã trông thấy một chiếc xe bò chở rơm ở Hốc Môn , ven thành phố Sài Gòn của mình : anh ấy thích lắm nên đã bảo em trai của em dừng xe lại ngay để anh ấy chớp ảnh đó anh Hiệp ơi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ vài nơi du lịch cũng làm loại xe ngựa kéo, nhưng với hình ảnh khác với mấy chiếc xe ngựa ngày trước, nếu mấy nơi này làm thêm loại xe kéo nữa cũng hay.

      Người ngoại quốc chắc chắn là mê tít nếu tình cờ thấy lại được mấy chiếc xe ngựa, xe bò ở mấy vùng quê Việt Nam.

      Xóa
  2. Được chứng kiến hình ảnh các loại xe xưa và công dụng của chúng thật thú vị! Cám ơn bác Hiệp về bài viết và nhất là hình ảnh bác công phu sưu tập!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho, có lẽ xe kéo thì ngoài Bắc cũng có, nhưng không rõ xe kiếng và xe ngựa (Thổ mộ) ngày xưa ngoài Bắc không có?

      Xóa
  3. Trong này có một thứ xe cũng có thể gọi nó là "đặc trưng" của SaiGon. Đó là xe Xích Lô Máy.
    Loại xe này con vẫn nghe mấy bác lớn tuổi nói lúc gần sáng, cả xóm đang ngủ. Tiếng xe này nổ máy "bành bành bành bành" là thức giấc luôn. Chắc bác còn nhớ xe này chứ. Hy vọng bác nhớ bác sẽ viết một bài về xe này. :)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xe Xích lô máy cũng là ký ức một thời ở Sài Gòn, để tôi thử coi xem có viết được không?

      Xóa
  4. chỉ có xe kéo và xe kính bây giờ không còn được sử dụng, mấy cái còn lại chỉ có xe bò là còn được sử dụng thường xuyên, xe ngựa thì giống như đồ kiểng chỉ còn có ngành du lịch chở khách đi một vài đoạn ngắn là chủ yếu.
    2 đứa nhóc nhà cháu được đi xe ngựa thì khoái lắm bác Hiệp ơi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xe bò thì bây giờ về vùng quê xa xa ta còn thấy chạy vô tư ha Bố susu. Hồi xưa vài lần tôi được đi xe ngựa là sướng mê tơi luôn Bó susu.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))