Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Nhân Hội sách nói về sách.

Sách giảm giá ở Hội sách luôn là quan tâm của nhiều người. Ảnh Internet.

Đang là tuần lễ Hội sách Tp. HCM 2016 (21-3-2016 đến 27-3-2016) tại Công viên Lê Văn Tám. Mọi năm tôi không thể bỏ qua tuần lễ này, thường là phải đáo qua đáo lại vài lần, và tốn khá bộn xu cùng công sức khuân những quyển sách về nhà. Những hội sách như thế này là dịp để các nhà xuất bản, các nhà sách lớn tiếp cận cung cấp sách tới tận tay người đọc, và người đọc cũng có cơ hội tìm được cho mình những quyển sách ưng ý, nhiều khi với giá rẻ vì sách đã được giảm giá do xuất bản đã lâu (dân mê sách trong túi thường không được rủng rỉnh). Năm nay thì đành chào thua, nhiều chuyện bó chân bó cẳng, đành phải hẹn dịp khác.

Nói tới sách thì mấy tháng trước cái chân bị tai nạn, không thể leo 2 tầng lầu về nhà, phải đi tá túc hai tháng trời nơi khác, ở nhà bà giúp việc nói với bà xã, sao không kêu ve chai bán quách đi đám sách vở bề bộn, nhất là những quyển sách cũ, làm sao mà đọc hết, chỉ tổ bụi bám chật nhà. May mà bà xã tôi cũng biết giá trị của những quyển sách cũ tôi có nên nói chị đừng đụng tới, chị mà bán ve chai ông ấy về là có chuyện đấy. May thật! Về nghe kể lại tôi chỉ biết lắc đầu, cũng không thể trách chị giúp việc, những quyển sách, nhất là sách cũ (nhiều quyển xuất bản ở Saigon trước năm 1975 bây giờ không dễ gì kiếm ra), những quyển sách giấy đã ố vàng ấy đối với tôi là quý, nhưng với chị thì chỉ là rác chật nhà, không hơn không kém.

Mấy mươi năm đọc và mua sách tôi có một số sách kha khá của vài tác giả quen thuộc ở miền Nam, viết từ trước năm 1975, như những sách trong Tủ sách học làm người của các học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt. Sách về khảo cứu viết về đề tài Nam bộ của nhà văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, học giả Vương Hồng Sển... Trong số tác giả này tôi vẫn thường xuyên đọc đi đọc lại sách của các cụ, nhất là sách của cụ Vương. Ai quen đọc sách của cụ chắc biết, cụ là một người sống nhiều, đọc nhiều, viết nhiều, bậc thày về chơi cổ ngoạn và chơi sách (sưu tầm sách hay, quý, hiếm). Xưa không có mạng để tra cứu dễ dàng như bây giờ, nên nhất nhất muốn biết gì phải nhờ đến sách, và từ những sách quý hiếm đã đọc, cụ đã gạn lọc viết lại cho hậu thế đủ điều.

Cụ Vương Hồng Sển và sách Sài Gòn Năm Xưa được xuất bản qua nhiều thời kỳ. Ảnh Internet.

Cụ Vương sanh năm 1902, mất năm 1996, sống gần trọn thế kỳ XX, và mất cách nay chẵn chòi hai mươi năm. Văn của cụ viết lan man, tản mạn như người già kể chuyện đời (mà cụ hay kể chuyện đời xưa lẫn chuyện đời nay). Đọc sách của cụ Vương ta không có cảm giác đang đối diện với một quyển sách vô tri, mà như đang đối diện với một con người. Cái cách kể chuyện của một ông già Nam bộ, khề khà, chuyện này xọ sang chuyện nọ lan man không dứt. Tuy trước năm 1975 cụ đã từng dạy nhiều năm ở hai đại học nổi tiếng miền Nam bấy giờ, là đại học Saigon và đại học Huế, cụ đọc sách đông tây kim cổ, nhưng sách của cụ không viết theo kiểu bác học, ta hiếm thấy  trong sách xuống hàng gạch đầu giòng A lớn, a nhỏ, I La Mã, 1 thường, 1a, 1b... Chuyện Tàu, chuyện Tây, chuyện Ta... biết điều gì cụ cứ thong thả nói, thời gian và sự việc cứ quyện lấy nhau. Đọc sách của cụ phải đọc kiểu trà dư tửu hậu, gạn đục khơi trong không thể vội vàng...

Đặc biệt cụ không hề giấu "nghề", những "ngón nghề" chơi công phu của cụ trong lãnh vực sưu tầm cổ ngoạn, sách báo. Hơn ai hết cụ hiểu tri thức là của nhân loại chứ không phải của riêng bản thân. Cụ "dốc hết cả ruột gan" để cống hiến cho đời tất cả những kinh nghiệm "chơi đồ cổ", trong những sách "Thú chơi cổ ngoạn", "Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa", "Cảnh-Đức-trấn đào-lục", "Khảo về đồ sứ men lam Huế", "Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn"... Những hiểu biết khó ai có được về khảo cổ bởi cụ đã từng có thời gian dài làm Quản thủ Bảo tàng Quốc gia tại Saigon. Không chỉ lưu lại cho đời những kiến thức uyên bác, chuyên ngành quý báu, cụ còn để lại những kiến thức tưởng như rất nhỏ nhặt, tầm thường nhưng lại rất thú vị trong cuộc sống, để ý ta có thể học được vô khối điều hay nơi cụ.

Một từ rất quen thuộc ta vẫn thường hay gặp là "Tiệm cầm đồ". Các bạn nào ở Saigon hẳn biết loại tiệm khá đặc biệt này, đã có từ trước năm 1975. Sau giải phóng nó biến mất một thời gian dài, và nay xuất hiện trở lại. "Cầm đồ", chữ "đồ" ở đây có lẽ bất kỳ ai cũng dễ dàng hiểu là "đồ đạc", họ cầm đủ thứ thượng vàng hạ cám, xe cộ, laptop, điện thoại, cho đến vàng bạc, nữ trang... Nhưng cụ Vương cho biết "đồ" trong cầm đồ không phải là "đồ đạc" nói chung. Trong sách cụ viết:

"... danh từ "đồ" nay còn thấy lưu dụng, (tiệm cầm đồ), và "đồ" có nghĩa là "vàng đồ" tức vàng thấp, không đáng gọi "vàng y" và đời xưa không có "hóa nghiệm tư trang tinh xảo"...".

(Nửa đời còn lại, NXB Tổng hợp Tp. HCM - 2013).

Một chữ khác là "Thày cò", thày cò này không phải là cò mối lái ăn tiền trong các loại gọi là dịch vụ bây giờ, hoặc là "Thày cò, thày đội" xưa gọi là "Phú lít". Xưa ở Saigon trong nhà in, tòa báo, luôn có một ông gọi là "Thày cò", thường là một cụ đã lớn tuổi, đeo cái mục kỉnh dày cộm, cụ này phụ trách sửa chữa, hiệu đính phần morasse trước khi in ra sách hoặc báo. Nhiệm vụ của "Thày cò" là sửa những lỗi chính tả, những chữ dùng sai, viết sai nghĩa, hiệu đính những ý nghĩa điển tích... và đây là một việc làm rất quan trọng chứ không phải đơn giản, phải là người có kiến thức rộng mới đảm trách được công việc khó khăn phức tạp này*. Ngày xưa có những nhà in, nhà xuất bản uy tín cho ra những sản phẩm ấn loát hoàn chỉnh, xuyên suốt quyển sách không hề có một lỗi nhỏ, dù chỉ là lỗi chính tả, nó góp phần nâng cao giá trị cho quyển sách. Bây giờ không biết có còn không những "Thày cò" như thế?

Từ "Thày cò" này là từ tiếng Pháp "correcteur" mà ra.

(Tạp bút năm Giáp Tuất 1994, NXB Trẻ - 2014).

Một kiến thức nữa về đặt tên địa danh ở Nam bộ mà cụ Vương cho biết cũng rất thú vị. Chẳng hạn ở Lục tỉnh xưa có vùng người ta đặt tên đất dọc theo mỗi bên kênh, rạch, mé sông tùy theo tả, hữu. Tỷ như mé tả là chữ Nhiêu (tổng Nhiêu Khánh, Nhiêu Hòa), mé hữu là chữ Phong (Phong Mỹ, Phong Điền).

Một chuyện khác như tại sao gọi là "cá linh", "kỳ đà cản mũi"? Chuyện này lại liên quan đến sự tích thời chúa Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy đuổi. Chúa gặp lúc bị Tây Sơn đuổi nà đang ở trên thuyền trong sông tính ra cửa sông chạy ra biển, bỗng gặp nhiều con cá nhỏ lấp lánh ánh bạc bằng ngón tay nhảy váo thuyền, cho là có điềm báo nên thôi không chạy ra biển nữa. May thay thoát được phục binh Tây Sơn chờ sẵn ngoài biển, nên đặt tên cho loài cá ấy là "cá linh".

Lần khác cũng đang trên thuyền tính ra khơi, tự nhiên thấy con kỳ đà lội ngang mũi thuyền, chúa sanh nghi thôi không ra khơi nữa. Sau nghe nhờ thế thoát được quân Tây Sơn đang chờ sẵn.Từ đó có câu "kỳ đà cản mũi"...

(Nửa đời còn lại).   

Trong một bài viết: "Nói chuyện tào lao qua ba ngày tết", cụ có bàn về hai chữ rất thông dụng là "chồng, vợ", cụ viết:

"Tỷ như hai chữ "chồng, vợ" tôi đã ghe phen hỏi nhưng thảy đều lắc đầu, duy trâu già hết sợ đao, xin cứ hỏi: "chồng" có thể hiểu ở trên chồng xuống, còn tiếng vợ có thể hiểu ở dưới bợ lên, như vậy có thể chấp nhận được không, vì trong Nam nầy, "v" thường nói nghe như "b".

(Tạp bút năm Giáp Tuất 1994).

Đọc đoạn văn này tôi giật mình cười khì. Ấy, cái điều cụ Vương nói "chuyện tào lao" coi bộ lại có vẻ rất nghiêm túc về mặt ngôn ngữ. Tiếng Việt ngày xưa thời các cố Tây, chữ "v" dùng ngày nay thường lẫn với chữ "b": "bua quan" = "vua quan", "bòi" = "vòi", "bái" = "vái", "bạt" = "vạt", "bẹo" (béo) = "véo", "bung" = "vung", "buột" = "vuột", "biện" = "viện"...

Xem ra điều cụ Vương gọi là "nói chuyện tào lao" bên trên, nói theo kiểu bây giờ là "hoàn toàn có cơ sở", hì hì!

Bổ sung:

Ảnh Internet.


Ghi chú:

* Ngày trước thời Tây nhà in Maurice ở Saigon có được học giả Lê Thọ Xuân (quê Bến Tre, người đương thời viết nhiều sách và những bài viết khảo cứu rất có giá trị), là bạn của cụ Vương Hồng Sển làm Thày cò sửa bản in, nên sách của nhà in này in ra không có lỗi. Thế mới hay xưa kia một quyển sách in ra đã được nhà xuất bản chăm chút nội dung đến mức nào.
Thời gian gần đây, tôi thấy sách của một số nhà xuất bản, chẳng hạn như NXB Tổng hợp Tp. HCM, NXB Trẻ, NXB Nhã Nam... đã có những tiến bộ đáng kể cả về hình thức lẫn nội dung của sách, rất đáng khen.









24 nhận xét :

  1. Cám ơn bác Hiệp về những điều thú vị trong sách của cụ Vương Hồng Sển!
    Những cuốn sách "xếp chật nhà", tuy vậy không ai nỡ bỏ. Có khi không đụng tới trong vài năm. Nhưng khi cần chỉ giở xem một bài, có khi một chữ. Bây giờ có Google cũng đỡ. Nhưng tra trực tiếp cuốn sách mình có vẫn có cái thú và an tâm hơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho ghé chơi.
      Tôi có những quyển sách xuất bản trước năm 1975, không phải là sách xưa quý, nhưng nay hiếm, giá một quyển nếu kiếm ra cũng bạc triệu theo thời giá. Những sách này nhiều khi đúng như bác nói, chỉ cần một vài chữ, một bài viết ngắn tham khảo mà bây giờ không thể kiếm trên Google.
      Ông Google giờ thật tiện lợi, nhưng độ tin cậy không phải lúc nào cũng cao như sách xưa có giá trị.

      Xóa
  2. áci hội sách thì gần nhà và trên đường cháu đi làm về, chắc phải thu xếp vào một chuyến...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bố susu nên ghé xem, hoặc dẫn sắp nhỏ đi lựa cho tụi nhóc vài quyển.

      Xóa
  3. Con chưa đi được hội sách này nữa bác ah. Chuẩn bị mọi "nguồn lực" để đi hội sách mà công việc lu bu cộng với làm việc quá sức con đã đổ bệnh. Chắc cuối tuần con đi một thể.
    Những hội sách này mới là thực tế và ý nghĩa thiết thực bác àh. Vừa là một "triển lãm" những "hàng hoá sách" của các nhà xuất bản. Một đợt "xả hàng" vừa đem lại kinh tế cho casc nhà xuất bản. Đem lại sự kinh tế, tiết kiệm cho đỗ giả khi mua đươc sách như ý với giá hợp lý túi tiền.
    Quan trọng hơn cả, nó là một "chợ" để bán tri thức cho người ta mà ai cũng háo hức được đi mua sắm. Con rất thích hình ảnh các bạn trể đùm đề, tay xách nách mang các túi sách nặng. Sách là một kho báu, kho tàng tri thức. Ở cái thời đại mà con người ta đổ xô đi "săn" bằng cấp để "làm đẹp" cho cái hồ sơ xin việc thì việc săn tri thức để ra một con người lịch duyệt, văn hoá thì giới trẻ có hứng thú với những hội sách như thế này con rất mừng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gặp anh bạn trẻ HT này thì máu me sách vở rồi, phải tôi mà khỏe hẹn đi kiếm sách cùng thì hay.
      Hôi sách là dịp để các NXB xả hàng mới lẫn tồn kho, là dịp để người đọc có được nhiều nguồn sách hay.
      Thấy các bạn trẻ đến đây rất đông, rất mừng.

      Xóa
    2. Chắc chắn là con sẽ đi rồi bác.
      Còn chuyện đi săn sách với bác, bác cho con xin......kiếu. hè hè. Vì con và bác cùng gu sách, lỡ kiếm đc cuốn nào 2 bác cháu đều mê. Trong khi tiệm chỉ có một cuốn. Con dám chắc là con sẽ không nhường bác, và bác cũng sẽ ko nhường con. Quay ra giận nhau thì mệt lắm.
      Con nói vui vậy thôi, bác khoẻ lại thì bác cháu có nhiều dịp cafe, đi chơi thì đời còn gì thú bằng. Thú chơi đơn giản mà ít tốn kém. Chỉ tốn thời gian. Hibi. Chúc bác mau khoẻ.

      Xóa
    3. Aa, cái vụ sách này nghe hay à nhen, nói vậy chứ bây giờ tôi bớt sắm sách rồi, chỉ những sách nào gặp biết là hay lắm mới mua, trong nhà bây giờ hết chỗ chứa rồi.

      Chừng nào thong thả được sẽ cafe.

      Xóa
  4. "Cụ là một người sống nhiều, đọc nhiều, viết nhiều, bậc thày về chơi cổ ngoạn và chơi sách (sưu tầm sách hay, quý, hiếm)... Từ những sách quý hiếm đã đọc, cụ đã gạn lọc viết lại cho hậu thế đủ điều."
    Có một ngày, sẽ có người viết những dòng này về bác Hiệp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, cám ơn NT ưu ái, chỉ mong được bằng một phần trăm những gì cụ Vương đã cống hiến cho đời thôi :-)

      Xóa
  5. Ôi dào ...nghe thích thật ! Em mà ở VN chắc chắn em sẽ đáo qua cho mà xem ! Đúng là Sài Gòn mình đã có nơi cho những người yêu thích đọc sách có bến dừng chân để mà ngâm cứu rồi đó !

    Hihi ...đọc đến đoạn bà giúp việc đề nghị " dọn sạch sẽ " cái thư viện của anh mà em không thể nhịn cười được đó anh ạ ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những hội sách này không chỉ có những người lớn tuổi đến, mà đa số là các bạn trẻ tìm mua sách, dĩ nhiên mỗi giới, mỗi tuổi có cái gu đọc khác nhau.

      Trong tủ sách của tôi, tôi mua được một số sách hay có những lời đề tặng và chữ ký, con dấu của những người có tiếng, họ đều còn khỏe mạnh, có lẽ những sách này là do những bà giúp việc hoặc con cháu không biết giá trị bán ve chai đây.

      Xóa
    2. Nói về kiến thức và sự hiểu biết về các lĩnh vực thì thật là vô tận mà không phải dễ gì ai cũng có thể hiểu và có được anh Hiệp hén ? Điển hình là em nè hihi ...

      Xóa
    3. Biền học mênh mông, không ai biết hết được đâu NangTuyet, có người giỏi lãnh vực này cũng có người giỏi lãnh vực khác, theo tôi NangTuyet có nhiều cái hay lắm chớ. :-)))

      Xóa
  6. Để Bác Hiệp có được cái nhìn tổng quát của hội sách lần IX 2016, tôi tình nguyện tường thuật mốt số nét chung như sau:
    Hội sách năm 2016 được tổ chức với qui mô lớn, chiếm toàn bộ diện tích CV LVT
    Thời gian: khai trương: 21/3/2016 - Bế mạc: 27/3/2016
    Có 200 đơn vị (nhà xuất bản, nhà sách,...) tham gia với 710 gian hàng trưng bày sản phẩm...
    Khẩu hiệu: SÁCH -VĂN HÓA - HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
    Nội dung triển lãm khá phong phú với các hoạt động giới thiệu sách mới, giao lưu với độc giả, đề tặng và chữ ký của các tác giả,...
    Đa số sách đều giảm giá tối thiểu 20% giá bìa
    Đặc biệt có 01 gian hàng triển lãm sách cũ Hà thành
    Nhắc đến văn hóa, có một chuyện nhỏ mà tôi chú ý hiện nay tại các công trường xây dựng trong khu dân cư đã xuất hiện bảng thông báo ghi rõ: "CT đang xây dựng, xin lỗi vì đã làm phiền" hoặc "Mong quý vị thông cảm vì chúng tôi gây tiếng ồn". Theo tôi đây chính là những tín hiệu đáng mừng trong xã hội phải hôn Bác Hiệp! Hôm nào có dịp đi ra ngoài, Bác Hiệp để ý CT đang xây dựng tại đường Trần Quốc Thảo, gần BV tai mũi họng sẽ thấy điều đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Trọng Toàn đã cho một cái nhìn tổng thể về Hội sách năm nay. Có lẽ bác cũng đã ghé Hội sách rồi.

      Công trình thi công xin lỗi dân vì đã gây cản trở đi lại là nét văn hóa đáng mừng, có thể ban đầu chỉ là kiểu nói cho qua, nhưng lâu dần cái văn hóa cám ơn, xin lỗi nó sẽ được thể hiện rộng và đều khắp. Tôi thấy trên tivi trong các chương trình, có trẻ con thì tụi trẻ bây giờ đã biết chào hỏi, cám ơn người lớn (nhiều hơn là người lớn xin lỗi, cám ơn nhau). Một tín hiệu lạc quan.

      Xóa
  7. Con và anh Minh tối nay đã tới được hội sách. "Xin" được vài cuốn nhưng lại làm "rớt" một số tiền ở đó bác ạ. Hì hì.
    Anh Minh có phần bất ngờ với gu đọc và cách lựa, mua sách của con. :))))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc mừng hai bạn trẻ đã đáo Hội sách và đã "để tiền rơi".
      Anh "Trẻ già" gặp anh "Già trẻ", hà hà!

      Xóa
    2. xem ra thì Trường có duyên với sách hơn con bác Hiệp ơi, đi một vòng nhưng chưa bén duyên đcược với cuốn nào hết
      chắc để trưa mai thong thả cháu đi thêm lần nữa

      Xóa
    3. Có lẽ tại HT quen mua sách hơn Minh, vả lại đi hội sách nhiều sách quá có khi khó lựa :-)

      Xóa
  8. Hội sách năm nay phần lớn các sách bán được in ấn đẹp và được giảm giá . Marg có vào gian hàng sách cũ Hà thành , ngoài các sách cũ của thời bao cấp , có một loại sách về khảo cứu các đề tài liên quan đến văn hóa , phong tục một số vùng miền. Sách bìa dày in trên giấy trắng đẹp , nhưng có điều lạ là thấy cô bán hàng đem cân từng quyển sách trên cái cân nhỏ , chả lẻ định giá tiền sách theo cân nặng , mà sách bày bán đều có giá cả rồi . Tò mò quá, hỏi , thì cô chẳng nói năng chi , ngộ thiệt .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về trường hợp bạn Marg. nói vào gian hàng sách cũ Hà thành, có loại sách chuyên về khảo cứu văn hóa, phong tục, sách bìa dày (bên ngoài bao giấy màu nâu?), in giấy trắng đẹp, có phải loại sách như trên hình tôi đã bổ sung cuối bài viết? Sách được cân lên (như quả củ?), hỏi không được người bán trả lời.

      Tôi post lên một loại sách ít lâu nay đã được bán trong cửa hàng sách cũ, và tôi có mua vài quyển. Đây là sách về văn hóa các vùng, miền, các dân tộc ở nước ta, sách này được nhà nước bao cấp in đẹp, không bán (không in giá), chỉ cung cấp cho các thư viện, những nơi cần trên khắp nước. Sách đặt hàng viết rất công phu, chuyên sâu, vì thế khó đọc, có lẽ dành cho các nhà chuyên nghiên cứu hơn là độc giả bình thường.

      Vừa qua báo chí cũng đã lên tiếng, sách in tiền tỉ nhưng đã bán ve chai (bởi thế mới xuất hiện trong tiệm sách cũ, giá rẻ).

      Nếu đúng loại sách này thì Cô bán sách cân lên bán là phải, giới mua sách cũ gọi là sách "cô ký lân" (cân ký lô) đó.

      Xóa
    2. Đúng là loại sách bìa nâu đó bác . Có một số quyển sách này nói về các tập tục , văn hóa , lễ hội các vùng miền cũng khá phổ thông , không chuyên sâu lắm nên cũng dễ đọc . Còn chuyện cân sách thì không phải kiểu cân ve chai , chất cả chồng sách lên cân đâu . Ở đây họ đặt từng quyển sách một lên một cái cân nhỏ , cân từng cuốn một rồi ghi chép vào một quyển sổ , giống như cân thuốc bắc vậy , hihi

      Xóa
    3. Tôi đã xem loại sách này ở tiệm sách cũ, có chọn mua vài quyển nói về lễ hội, tập tục ở một vài nơi như Marg. nói, loại sách đó còn dễ đọc, chứ đa sô sách loại này, chằng hạn như những quyển Sử thi tôi post bên trên đọc không nổi.

      Có lẽ vì có những quyển... khó xơi và những quyển dễ nhai, nên người bán mới phải cân tứng quyển sách lên như cân trái cây, loại sách dễ đọc sẽ được bán ký cao giá hơn (kiểu như nho, áo), còn loại khó đọc bán giá thấp (như cóc, ổi). Hì hì!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))