Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Lại bàn nhảm về nhạc.

Ca khúc Ly rượu mừng. Ảnh Internet.

Trong entry trước tôi có lạm bàn về một vài thể loại nhạc phổ biến ở miền Nam trước năm 1975, như Nhạc tiền chiến, Nhạc sến, Nhạc vàng... Bạn Marguerite vào comments nói về trường hợp một bài hát rất quen thuộc vào dịp tết đối với những ai thuộc lứa tuổi trung niên trở lên, đó là ca khúc Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tôi chép lại bài hát dưới đây:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Á a a à
Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Á a a à
Muôn lòng xao xuyến duyên đời

Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương

Á a a à
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
Á a a à
Chúc mẹ hiền dứt u tình

Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới

Bạn hỡi vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình, hòa bình

Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hòa

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng pbơi phới.

Bài hát Ly rượu mình đã bị cấm hát suốt 40 năm nay, mới được cấp phép cho hát trở lại. Bạn Marguerite nói, trong bài hát có những câu dành cho người lính, mà người lính ở miền Nam thời đó là lính VNCH cho nên có thể vì thế bài hát đã bị cấm. Tôi cũng đồng ý với ý kiến này, có lẽ đây là một trong những lý do bài hát bị cấm, tuy chúng ta đã thấy toàn bộ ca từ bản nhạc Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương không có câu cú nào gọi là phản động, hay đồi trụy. Người binh sĩ hay người lính là những từ danh từ chung, để chỉ những người phải cầm vũ khí bảo vệ cuộc sống, bảo vệ đất nước, ở đâu, thời nào, bên nào cũng phải có người lính, chứ không phải là loại lính đặc trưng "Thiên thần mũ đỏ, mũ xanh, hay lính rằn ri" của chế độ cũ.

Theo thiển ý của tôi thì việc cấm bài hát này (và nhiều bài hát khác nữa) có nhiều lý do. Một trong những lý do hàng đầu, là lịch sử, nhân thân nhạc sĩ trước đây (lý lịch, những hoạt động, công việc của họ trước đây thuộc loại "nhạy cảm"), chẳng hạn như trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông là người thời trẻ theo kháng chiến, rồi trở về thành ("dinh tê", tức là từ Chiến khu trở về Hà Nội), vào Nam, sang Mỹ... Tuy đại đa số nhạc của ông là tình khúc, lời lẽ không có vấn đề gì, nhưng một số trong hàng nghìn tình khúc của ông chỉ mới được cho hát lại đây, khi ông bỏ hẳn nước Mỹ trở về ở lại Việt Nam.

Những yếu tố khác là lời của chính bài hát, ngoài từ "binh sĩ" có thể được hiểu ở đây là người lính "Cộng hòa", thì những từ ta tưởng là vô thưởng vô phạt nhưng có khi với ai đó lại là cả một vấn đề (?!), như tự do, hòa bình, người công nhân ấm no, sáng cuộc đời lành... Có lẽ đây cũng là những từ ngữ "nhạy cảm" (ta có thể thấy những con đường ở Saigon trước năm 1975 như Tự Do, Độc Lập, Công Lý, thì sau năm 1975 đã bị đổi tên. Bây giờ chắc các bạn có nghe từ "diễn biến hòa bình"? "Người công nhân ấm no"? "sáng cuộc đời lành"? Ở nơi bị địch chiếm đóng làm gì có ấm no và cuộc đời lành?).

Ca khúc Chiều mưa biên giới. Ảnh Internet.

Nhân đây tôi cũng xin nói thêm về một vài ca khúc ở miền Nam trước năm 1975, nhưng đã bị chính quyền Sài Gòn thời đó cấm phổ biến mà tôi biết khá rõ lý do cấm, vì nội dung bài hát, hoặc chỉ vì một vài ca từ. Chắc bạn nào ở Saigon còn nhớ bài hát Chiều mưa biên giới qua tiếng hát của Trần Văn Trạch (em ruột của GS. TS Trần Văn Khê), bài hát này là của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Tuy bản thân nhạc sĩ là sĩ quan cao cấp của chế độ (cấp bậc đại tá), nhưng bản nhạc này của ông đã bị cấm, vì nội dung được cho là ủy mị, phản chiến. Ngay những câu đầu của bài hát đã khá u ám:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
Người về bơ vơ.

Ca khúc Áo anh sút chỉ đường tà. Ảnh Internet.

Hai bản nhạc khác của nhạc sĩ Phạm Duy mà tôi biết, đã bị cấm vì một vài lời của bài hát. Sau tác giả phải sửa lại lời mới được cho phổ biến. Thứ nhất là bài Áo anh sút chỉ đường tà, phổ nhạc từ bài thơ Màu tím hoa sim nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan (Nguyễn Hữu Loan). Trong bài hát có câu "Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi...". Như ta đã biết, chỉ có miền Bắc mới gọi người lính là "bộ đội", sau phải sửa lại là "quân đội". Một câu khác "Tôi là người chiến binh xa gia đình đi kháng chiến", hai từ "kháng chiến" phải sửa thành "chiến đấu".

Bìa ca khúc Kỷ vật cho em. Ảnh Internet.

Bài hát thứ nhì là Kỷ vật cho em, thơ Linh Phương, Phạm Duy phổ nhạc. Đây là một bài thơ, một bài hát có những từ ngữ khá thật và trần trụi về chiến tranh. Chẳng hạn những câu, "Anh trở về trên đôi nạng gỗ/ Anh trở về bại tướng cụt chân", hoặc "Anh trở về bằng chiếc băng ca/ Trên trực thăng sơn màu tang trắng", một hình ảnh thất bại. Câu này cuối cùng phải sửa lại thành "Anh trở về bằng khúc hoan ca/ Trên trực thăng vang trời thanh vắng", vớt vát một cách gượng gạo bằng khúc ca khải hoàn ngày trở về... Sau này ca khúc Kỷ vật cho em được phổ biến trở lại bằng những từ ngữ gốc của bài thơ và bài hát.






19 nhận xét :

  1. Sài gòn thời chiến (giai đoạn từ năm 1954 đến ngày 30/4/1975) cũng cấm một vài bài hát như Anh nêu trong bài viết, nhưng nếu tôi không nhầm thì cũng không quá khắt khe vì tôi thỉnh thoảng còn nghe được, nhưng có một bài bị cấm rất triệt để, tôi không nhớ tựa, nhưng lời như thế này: Bà Tư bán hàng có bốn người con, người con thứ nhất...v.v... đại khái liên quan đến cuộc chiến Bắc- Nam, mà hậu quả cho đến bây giờ vẫn như vết thương chưa lành, thửơ đó lớp thanh niên được gọi là "trai thời loạn", già trước tuổi nhưng không hay biết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi bác Toàn, ngày trước cấm nhưng không quá khắt khe, bằng chứng là mình vẫn có thể nghe được đây đó, nên mới biết. Bài hát mà bác nói tôi có biết có tên là Lòng mẹ VN, trước đây do Duy Khánh hát.
      Lớp thanh niên thời đó đúng là già trước tuổi, mười tám đôi mươi đã phải cầm súng đối diện với cái chết hàng ngày, làm sao hồn nhiên như lớp trẻ bây giờ.

      Xóa
  2. Công nhận bác Hiệp hiểu khá " Đáo để" về dòng nhạc. Lão rất mù mờ về nhạc chỉ cảm nhận nó qua cách thể hiện của ca sĩ.
    Sống ở miền bắc lúc bấy giờ chỉ có nhac đỏ ( Cũng phải công nhận dòng nhạc này hay và phát huy tinh thần người dân trước cuộc chiến tranh giải phóng đất nước). Mãi sau này lần đầu xa tết , qua bắc ( Phà) Mỹ thuận những ngày giáp tết , nghe bản " Xuân này con không về" của người hát rong sao nó xúc động thấm thía đến thế. Cảm xúc không cầm được nước mắt đến giờ vẫn còn nhớ. Sau đó đi tiếp chặng đường thì đến phà Cần thơ , lão phải năn nỉ hỏi người hát rong ở đây - Hát bài gì mà con không về xuân này được không ? Tất nhiên móc bóp ra là có ngay...
    Dòng nhạc quê hương thuộc đỏ đen gì cũng hút hồn mỗi lần nghe. Lạ thế bác ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Coi thế mà tôi cũng biết được vài điều trong cuộc sống, hihi. Nhạc đỏ, vàng, nâu, trắng, xám... có lẽ chỉ là cách gọi để phân biệt, ăn thua là bài nhạc phải hay là ô kê thôi.
      Bài hát "Xuân này con không về" hồi đó Duy Khánh hát nghe bá cháy. Tết ở nơi xa ôm cây súng mà nghe bài này là muốn rụng tim luôn Lão Tân.

      Xóa
  3. Cấm "nhạc" là chuyện của chính quyền, nhiều khi, vì những lý do chẳng ra cái lý do gì cả.
    Chuyện cấm nhạc bây giờ thì lắm khi "trào nước mắt" vì ... cười!!!
    Xem ở đây

    Trả lờiXóa
  4. Đúng đó cụ Nô, nhất là chuyện cấm sau 1975, như chuyện cười trào nước mắt cụ Nô trích dẫn "Xem ở đây", chứng tỏ người cấm hoặc cho cũng chẳng cần biết người viết là nam hay nữ, hoặc nội dung bài hát nói về cái gì.

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết hay quá ! Sang năm mới sang thăm anh được học hỏi thêm về kiến thức âm nhạc đã một thời rất vinh quang mà lứa tuổi của em không biết gì hết , chỉ nghe những người đi trước hát hò rồi bắt chước mà thôi . Vậy chứ mỗi ca khúc đều toát lên một nội dung rất có ý nghĩa anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi thời mỗi khác NangTuyet, hihi, tuổi như anh chị em mình bây giờ thì quen với loại nhạc thế này, giai điệu, nội dung rõ ràng, mỗi nhạc sĩ, mỗi ca sĩ đều để lại trong ta một dấu ấn. Loại nhạc bây giờ của giới trẻ, từ ca từ, giai điệu, nghe cả chục lần cũng chẳng để lại cái gì trong đầu. Biết sao, thời nào thức nấy thôi.

      Xóa
    2. Dạ , hình như ở đâu cũng vậy anh Hiệp ơi . Ông xã em cũng thường hay than phiền loại nhạc thời nay thật chẳng ra hồn gì hết : về âm tiết cũng như nội dung ca khúc chẳng để lại một ấn tượng gì trong đầu của người thưởng thức , y chang như anh đã nói vậy đó . Mà thiệt , thỉnh thoảng em cũng vào trang âm nhạc ở nước mình ...trời đất ơi : toàn là những ca khúc thất tình , yêu đương bậy bạ . Nội dung chẳng ra hồn ! Đã vậy về âm tiết càng nghe càng nhức cái đầu thêm thôi , còn nếu không thì ...chán đời ..vì quá ủy mị ! Đúng là thời nào thì thích nghi theo thời đại đó anh Hiệp hén ?

      Xóa
    3. Hihi, có nhiều bài tôi nghe hát trên tivi, lời lẽ rất ngô nghê, nhiều khi hát mà giống như trẻ con ê a đọc bài chịu thua luôn NangTuyet.
      Phải nói là ngày trước muốn được là ca sĩ, nhạc sĩ phải có thực tài, bây giờ làm ra mấy bài hát lăng nhăng cũng mang danh nhạc sĩ, thỉnh thoảng hát đám cưới cũng tự cho mình là nghệ sĩ... Chán thật đó.

      Xóa
  6. nghe nhạc xưa lại sướng và thấm hơn bây giờ nhiều bác Hiệp ơi, bây giờ toàn những bài hát cho vui miệng vui mồm mà thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhạc nay đa số giống như mì ăn liền đó Bố susu, nó nhàn nhạt, vui giả giả, khóc than hời hợt, nó phản chiếu cái đời thực bây giờ...

      Xóa
  7. Nói về chuyện cấm nhạc này, có một còm bác đã nói là do "nội lực" của mấy ông kiểm duyệt bên mình. Nghi ngờ những thứ đâu đâu, đụng gì cũng nghi ngờ ủng hộ chế độ cũ, lời xa đụng chạm.
    Thực ra, kiểm duyệt chỉ là kiểm duyệt trên giấy tờ, để phát hành một ca khúc khi in ra đĩa CD thì các ông mới hiểu. Chứ ca sỹ đi hát ở phòng trà, quán bar hát cũng không ai biết.
    Cách đây mấy năm, có bài hát "Phố đêm" không biết kiểm duyệt kiểu gì mà vẫn "lọt", ca sỹ in đĩa, phát hành bán cả tháng trời mới ngớ người ra là bài hát chưa được phép phổ biến, lại phải thu hồi. Khiến tất cả dở khóc dở cười. Nhưng trên mạng, đĩa lậu nó đã in sao ầm ầm, kết quả bài hát vẫn ngân vang hàng ngày. Chẳng lẽ đi kiểm soát cả người mở bhạc sao. Hì hì.
    Chuyện nghi ngờ còn nhiều cái vui mà con biết lắm. Con xin phép nói sau. Tối rảnh con bàn tiếp. Chúc bác ngày mới vui, khoẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xã hội mình nó thế, cấm một bài hát, nhưng không rõ cấm cái gì trong bài hát đó? biết là cấm không được vẫn cứ cấm (chỉ một vài cái click chuột ta có thể nghe được tất cả những bài hát cấm). Nghĩa là hàng ngày người ta vẫn cứ cố làm những cái vô ích.

      Rất muốn xem anh bạn trẻ HT bàn tiếp...

      Xóa
    2. Con kể 2 ví dụ tiêu biểu, bài Mùa Thu Chết - Phạm Duy, Nhớ Mùa ThU Hà Nội - Trịnh Công Sơn. Cứ liên quan đến mùa thu là "các bác" ở ra nghĩ ngay ra đến mùa thu 1945 ?!?!?
      Bài Mùa Thu chết nguyên là một bài thơ tíeng Pháp, được thi sỹ Bùi Giáng lấy cảm hứng và sáng tác nên bài hát. Bài hát một thời gian rất dài bị "ném đá" vì là "Mùa thu chết". Con nghĩ nếu người am hiểu thì biết rằng cảm hứng từ thơ mà ra. Các bác của ta mắc bệnh đa nghi nên cứ quy là nhạc phản động, trù ẻo chế độ.

      Bài "Nhớ mùa thu HN" của TCS thì có 1 câu: "Nhớ đến một người, để nhớ mọi người". Khi đó vừa giải phóng xong, Chỉ vì câu hát trên mà 2 năm sau bài hát mới được phổ biến. Vì "mọi người" là ai, "một người" là ai????
      Vậy nên chuyện cấm đoán của ta chỉ làm theo căn cứ. Cấm kiểu "giận cá chém thớt". NS Phạm Duy và Hoàng Thi Thơ trước khi bị cấm toàn cõi. Giờ được phổ biến đôi chút, âu cũbg là an ủi với những người yêu nhạc, ca sỹ có tâm huyết muốn hát đường đường chính chính. Không phải lo lắng hát xong đi........đóng phạt. hihi

      Xóa
    3. Đấy, như anh bạn trẻ HT còn nhìn thấy những cái cực kỳ vô lý và khôi hài như thế, quy kết, chụp mũ một cách ấu trĩ. Điều này trong cuộc sống chúng ta thường thấy ở những người trình độ nhận thức kém, thô lỗ, ít tự trọng... luôn cho lẽ phải, cái đúng là ở ta, người khác là sai trái, cho nên cái gì cũng nghi kỵ.

      Cái ngược đời của chuyện cấm đoán (ở đây ta đang nói tới cấm nhạc) là, lẽ ra phải làm như ngày trước, chỉ cần ra quyết định cấm bài nào xét ra cần cấm. Thời nào cũng thế, trong 10.000 bài hát chẳng hạn, thực ra chỉ có 10 bài là "có vấn đề" về nội dung cần cấm (phải do những người có nội lực, tức là thật sự có trình độ thẩm định). Đàng này người ta lại làm ngược, là ghi những bài được cho. Thay vì ra quyết định 10 bài cấm, thì phải ra quyết định 9.990 bài cho, làm sao không có thiếu sót.

      Xóa
  8. Nhớ có lần cũng lâu rồi , đọc báo thấy tin một số bài hát trước 75 ở Sài gòn vừa được xét cho phép hát lại , vào xem thì thấy toàn mấy bài hát có nội dung ... nghèo : " Anh nghèo tôi cũng chẳng cao sang ... " , " đời tôi sinh ra đã là nghèo ... " , đại khái vậy , ngộ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, "nghèo" là cái "bức bình phong" mà các cụ này ưa thích, chắc bạn Marg. còn nhớ có thời khi phải khai lý lịch người ta luôn ưa thích ghi thành phần gia đình là "dân nghèo thành thị", chẳng ai ngu mà ghi "tiểu tư sản", "trung lưu", thậm chí là "trí thức", hoặc "gia giáo, có học hánh"...

      Cho nên nội dung bài hát "nghèo" là "ưa cái bụng" rồi :-)

      Xóa
  9. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))