Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Chuyện trong ngày.



Mấy bữa nay, từ trong tết đến giờ tự nhiên cái chân "xi cà que" bị sưng, có thể do "trái gió trở trời", hoặc tết phải đi lại hơi nhiều hơn ngày thường. Thế là chiều qua tôi đi khám lại, lần này không đến bệnh viện mà thử đến bác sĩ tư xem sao. Tập tễnh chống một bên nạng leo 2 tầng lầu xuống đất đón xe. Ra đầu đường chưa vẫy được taxi thì anh xe ôm trong xóm dựng xe ngồi ở đó đã cười mời chào, "Ông đi đâu con chở cho, con chạy cẩn thận lắm ông khỏi lo".

Đây là anh ở gần nhà chuyên chạy xe ôm, anh ta khoảng độ năm mươi, con cái đã lớn, người miền Bắc vào sau này, thường đậu xe một chỗ ở đầu hẻm chở mối quen trong xóm. Thỉnh thoảng tôi đi ngang qua có chào hỏi nói với anh vài câu, có lẽ tại trông tôi già quá hay sao mà anh gọi tôi bằng "ông" xưng "con" như thế, cũng có khi anh gọi bằng "cố". Từ "cố" này ngày xưa còn nhỏ tôi có nghe các bậc tiền bối miền Bắc gọi các linh mục (cố, cha cố), hoặc gọi các vị thân sinh của các linh mục như thế (cố, cụ cố). Chắc tại anh còn giữ lại cách xưng hô xưa của người miền Bắc, còn tôi vẫn gọi anh bằng "anh" xưng "tôi". Có lần anh hỏi tôi "có phải cố làm nghề giáo không?".

Tôi nói với anh chuyện của mình là đi khám cái chân, và muốn anh chở tôi đến phòng khám chờ khám xong chở về luôn cho tiện, anh đồng ý. Anh ta dắt xe xuống đường đội lên đầu mình chiếc nón cối bộ đội chứ không phải chiếc nón bảo hiểm, và nói tôi leo lên ngồi sau. Tôi nói anh ta đưa cho mình chiếc nón đeo ở xe, anh ta nói khỏi cần ông lớn tuổi rồi, giao thông không hỏi đâu. Tôi nói tôi đã bị cái chân rồi còn cái đầu phải lo giữ chứ không phải sợ giao thông, vả lại tôi nghĩ hình ảnh một ông trẻ chạy xe đội nón cối chở theo một ông già xách cây nạng để đầu trần trông nó kỳ cục và "kiêu binh" thế nào ấy. Anh ta cười nói ông cẩn thận còn hơn con.

Mấy ông xe ôm thường chạy ẩu, nhưng có lẽ có tôi ngồi đàng sau nên chạy cẩn thận thiệt không dám lạng lách. Đến nơi hơi sớm phòng khám chưa mở cửa nên tôi mời anh ghé quán nước bên cạnh uống ly nước ngồi chờ.

Ở cùng một xóm đã lâu, nhưng đây là lần đầu tôi có dịp ngồi nói chuyện với anh, chủ yếu là nghe anh nói. Thoạt đầu là anh nói chuyện thời sự, anh có vẻ rành vì khi ngồi chờ khách ở đầu hẻm tôi thấy anh hay đọc một tờ nhật báo. Anh nói về vị tân Bí thư thành ủy Đinh La Thăng, qua báo chí anh biết mới nắm chức vụ ông đã chỉ đạo cho lắp camera an ninh trên các con đường ở thành phố. Anh cho biết hay chở khách trên đường phố nên nhìn thấy rất nhiều cảnh cướp giật, ai cũng có thể là nạn nhân của bọn cướp, nam, phụ, lão, ấu, người ở nơi khác đến, người thành phố lâu năm, du khách quốc tế... Nhẹ thì bị mất của, nặng thì bị lôi kéo té ngã, chấn thương, thậm chí mất mạng...

Anh nói nếu gắn camera và cử người trực theo dõi, nếu có chuyện kịp thời thông báo cho các nơi và lực lượng chức năng thì bọn cướp giật khó lòng chạy thoát, nếu không chúng cũng bị nhận diện sẽ dễ truy bắt. Anh cũng nói khi gắn thì thông báo rộng rãi, bọn cướp giật biết trên đầu có camera theo dõi chắc chắn sẽ ít dám ra tay, cũng như khi lái xe đi trên quốc lộ tài xế sẽ không dám phóng nhanh vượt ẩu nếu có bảng cảnh báo "Đoạn đường thường xuyên bắn tốc độ". Anh cũng nói thêm về việc vị tân Bí thư chi đạo thu gom quản lý người ăn xin, việc ông chỉ đạo lãnh đạo huyện Củ Chi phải liên hệ Vinamilk giải quyết chuyện nông dân nuôi bò sữa mà không bán được sữa.

Anh xe ôm kết luận, ông này "được lắm", từ khi còn làm Bộ trưởng GTVT, làm lãnh đạo là phải biết lo cả những chuyện nhỏ như thế chứ không phải chỉ biết đến chuyện lớn. Như là tuyến xe điện ngầm gì đó cũng tốt nhưng đa số người dân như anh chắc chưa cần đến, mà chuyện an toàn trên đường phố là rất cần thiết với tất cả mọi người...

Tôi ngồi nghe anh nói chỉ biết cười gật đầu đồng ý vì quá đúng, cao hứng anh kể tiếp quê anh ở Thanh Hóa, nơi "Địa linh nhân kiệt", đất của Văn hiến, đã sản sinh ra những anh hùng như Lê Lợi, văn hóa như Nguyễn Trãi. Anh nói Nguyễn Trãi đã dịch truyện Kiều từ chữ Hán sang chữ Nôm, rồi từ chữ Nôm người ta lại dịch sang chữ Quốc ngữ do Cha Cả sáng tạo. Anh say sưa nói chữ Hán và chữ Nôm khó học cho nên khi mấy ông cố đạo Tây sang truyền đạo ở nước ta, mà điển hình là Cha Cả đã chế ra chữ Quốc ngữ để dân dễ học, dễ truyền đạo... Anh còn lan man nói về giấy dó, người xưa đã biết chế ra loại giấy này để viết chữ Hán chữ Nôm, vua chúa dùng viết sắc phong để cả trăm năm giấy vẫn không mục.

Tôi nghe mà rất phục sự hiểu biết của anh xe ôm quen tuy sang đến câu chuyện sau anh đã có một vài nhầm lẫn. Thứ nhất là chỉ có anh hùng Lê Lợi là quê quán Thanh Hóa, còn Nguyễn Trãi thì quê ở Hải Dương. Truyện Kiều của văn hào Nguyễn Du thì anh nhầm sang Nguyễn Trãi, rồi chuyện "dịch" truyện Kiều từ chữ Hán sang chữ Nôm, và sau cùng là chữ Quốc ngữ do Cha Cả sáng chế (có lẽ anh nhầm giữa tên tiếng Việt của Cha Cả để gọi Giám mục Bá Đa Lộc (Pingeau de Béhaine), người đã giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII, với Giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), người đã đến Đại Việt truyền giáo từ khoảng nửa đầu thế kỷ XVII.

Tôi chỉ nghe, thực sự khâm phục anh mà không hề nói gì về những điều anh nhầm lẫn. Những hiểu biết về xã hội, về văn hóa của anh như thế là quá hay rồi, còn hơn là chuyện mới đây tôi đọc trên mạng là trong một chương trình phát sóng của VTV, cô MC trong một chương trình về Văn hóa Du lịch, trả lời một câu hỏi của một anh chàng nước ngoài, ai là người đánh thắng quân Nguyên-Mông 3 lần trên sông Bạch Đằng. Cô MC trả lời chắc như đinh đóng cột: "Chắc chắn là Ngô Quyền, điều này thì người Việt Nam nào cũng biết". Điều oái oăm là người Việt Nam nào cũng biết nhà Trần đánh thắng quân Nguyên-Mông 3 lần trên sông Bạch Đằng, và vị tướng lừng danh Việt Nam Trần Hưng Đạo đã cầm quân hai trong ba trận thắng, chứ không phải Ngô Quyền. Vả lại nếu nói chuyện chiến thắng giặc Tàu trên sông Bạch Đằng, tôi nghĩ tám, chín chục phần trăm người Việt nghĩ ngay đến Trần Hưng Đạo chứ không phải Ngô Quyền.

Một nhầm lẫn như thế trong một câu chuyện ngoài đời là bình thường, nhưng có lẽ khá nghiêm trọng trong một chương trình giới thiệu về Văn hóa trên một kênh tivi chính thống quốc gia. Có thể cô MC không rõ thật, nhưng như ông bà ta nói "Nó lú có chú nó khôn". Một chương trình như thế phải có kịch bản, người viết, người kiểm, người duyệt, người giám sát rồi mới quay, lên sóng. Một ê kíp như thế là bao nhiêu người? Không ai nhận ra cái sai sơ đẳng đó hay sao? Thời buổi này chỉ cần gõ vào cái a lô di động hỏi anh Gú gồ, vài giây sau là ta có thể nắm được sự việc rồi...

Một câu chuyện nhỏ như con thỏ, chắc thế, nói ra có vẻ như "quy kết", "chụp mũ". Nhưng ta có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà lâu nay người ta vẫn nói có vấn đề trong việc dạy sử, học sử trong giáo dục...

Khám bệnh xong, trên đường về đi ngang mấy tiệm bán sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, mấy lâu tôi không có dịp đi xem sách, tôi nhờ anh xe ôm dừng lại ghé vào mua được vài quyển sách khá hay có ý định tìm lâu nay.

Lâu rồi tôi mới lại có một buổi chiều trôi qua khá thú vị...



24 nhận xét :

  1. Hihi..." MANG SỔ TRỦ" rồi. Những chuyện nọ xọ chuyện kia rất là " cafe" sáng rất muốn nghe , mà nghe lại hay . Bài viết có dáng dấp tản mạn kiểu ông "Sơn Nam bộ" ( Nhà văn Sơn Nam.)
    Thế cái chân của bác Đốc tờ bảo có làm sao không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, lâu mới "xuống đường" chứ cũng chưa "sổ trủ" Lão ơi. Quanh quẩn trong nhà mãi nên khi tiếp xúc lại với đời thấy hay. Chừng nào rảnh rỗi được sẽ mời Lão cà phê.
      Đúng là chuyện nọ xọ chuyện kia, xưa nay lung tung, chẳng ra đầu đũa gì cả, nó chỉ là những vụn vặt trong đời thường. Nhưng chắc Lão Tân cũng đồng ý cuộc sống nó thế, nhiều khi chỉ là những vụn vặt gộp lại.
      Bác sĩ khám nói chắc do tết đi lại nhiều, cho uống thuốc, tối qua uống rồi, sáng thấy đỡ. Cám ơn Lão, chắc Lão cũng đã làm ăn lại bình thường, chúc sớm lên chức ông nội.

      Xóa
  2. Lâu nay, nhiều chương trình TV giải trí nhà đài "quốc gia" thường đặt hàng cho các công ty "truyền thông" tư nhân thực hiện. Nên chuyện tắc trách dễ xảy ra như vụ "nhầm lẫn Ngô Quyền với Trần Hưng Đạo".
    Na ná như các NXB tên tuổi, lâu lâu lại "xuất" ra những cuốn sách tào lao là do "liên kết" với bên ngoài.
    Comment cho rộng đường dư luận, chứ Nô vẫn ủng hộ chuyện để tư nhân tham gia dần vào các mảng sách báo, truyền hình này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng đồng ý cả hai tay lẫn hai chưn với cụ Nô là chuyện liên kết làm truyền hình hay xuất bản sách báo với tư nhân là cần thiết, rồi dần "chuyển giao" bớt việc cho tư nhân chứ nhà nước không nên ôm đồm làm gì. Nhưng khi nhà nước còn ôm, tức là anh vẫn là chủ thể chịu trách nhiệm, thì không nên (và không thể) đổ thừa cho anh liên kết nếu có chuyện xảy ra, và điều cuối cùng đối với tư nhân, anh muốn tồn tại trong một lãnh vực nào đó thì phải có năng lực, làm ăn đàng hoàng, nghiêm túc... Tuy chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra những chuyện như thế này, trong liên kết truyền hình hay xuất bản sách báo, nhưng điều này cũng đủ chứng tỏ cái "tầm" lẫn "tâm" của công và tư ở ta vẫn còn nhiều "bất cập".

      Xóa
    2. Nhất trí với bác Phạm.

      Xóa
    3. Bắt tay cụ Nô cái, hì hì!

      Xóa
  3. Bác Hiệp có biết rằng khi con người trở nên già thì đôi chân già trước, vì vậy Bác cố gắng gìn giữ chân khỏe thì người mới khỏe được. Do vậy sáng nào tôi cũng đi bộ khoảng 30 phút ở CV Lê Văn Tám (trước năm 1975 là Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi). Nếu Anh thu xếp được thời gian thì cùng đi bộ với tôi, buổi sáng từ khoảng 7h00 đến 7h30, thú thực tôi không nghiện café, không thuốc lá, cũng chẳng rượu bia mà lại mắc bệnh mạch vành, nên bác sĩ khuyến cáo vận động nhẹ hàng ngày, và tôi đã chọn cách đi bộ (jogging) để duy trì sức khỏe. Nhân đây tôi xin gửi lời chúc Anh sớm bình phục đôi chân để tiếp sức cho hai tay tiếp tục viết blog giao lưu cùng bè bạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Toàn, mọi chuyện còn ở phía trước vì cái chân của tôi không những nó già, mà còn vì té phải thay cái khốp háng nên mới tệ hại thế. Bây giờ đi lại hạn chế chứ không được thoải mái nữa.
      Tôi cũng không rượu, bia, thuốc lá, nói chung là ăn nhậu vui chơi, nhưng uống cà phê mấy chục năm nay, cũng ngày một tách buổi sáng thường là mua cà phê về tự pha lấy. Tim mạch đến giờ may vẫn ô kê.
      Dịp nào đó mà có thể đi bộ công viên với bác được thì hay quá. Đọc sách và viết vớ vẩn bây giờ cũng là cách để ráng giữ cho cái đầu mình khỏi u mê.
      Chúc bác khỏe, vui trong cuộc sống này.

      Xóa
  4. Đúng là một buổi chiều đầy thú vị với những câu chuyện loay hoay trong đời sống hàng ngày của đất nước hiện nay mà em nghĩ anh xe ôm nó cũng chịu khó đọc báo chí nên cũng am hiểu một chút , tuy có nhầm lẫn nhưng ít nhất anh ta cũng đã được xếp vào tầng lớp có niềm đam mê học hỏi về kiến thức , về chữ nghĩa . Điều buồn cười nhứt , nhè ai để anh ta có dịp trút hết " nỗi niềm " của mình lại là sư phụ về chữ nghĩa đó chứ ..hihi ..

    Có lẽ đất nước mình nên chú trọng đến sự an ninh và an toàn xã hội cho tất cả người dân nói chung và khách du lịch nói riêng . Nạn móc túi và giựt dọc , cũng như người ăn xin ở các địa điểm du lịch đã gây nhiều tiếng tăm không tốt về đất nước của mình . Ông bác sĩ gia đình của vợ chồng em , rồi ông nha sĩ gần nhà em , cô thư ký của ông ấy cũng đã sang du lịch ở nước mình rồi , vậy mà khi về họ không nói năng gì hết . Em hỏi chuyến du lịch thế nào ? Họ mỉm cười mà không nói " tốt hay xấu " . Nhiêu đó thôi cũng đủ hiểu rồi ! Gia đình của người vợ trước của ông xã em vào tháng 7 này họ sẽ sang VN du lịch , rồi ông hàng xóm của ba chồng em sắp tới cũng sẽ sang VN du lịch nữa nè ...cầu trời mọi việc đều êm ả , chứ nếu không chắc em " độn thổ " quá anh Hiệp ơi ...

    Chân của anh Hiệp sau khi tái khám thế nào rồi cơ ? Em chúc anh sẽ được bình phục hẳn để việc đi lại sẽ không còn bị khó khăn nữa anh Hiệp nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc anh xe ôm này hằng ngày chờ khách nghiền ngẫm tờ nhựt trình đến te tua, nên rất rành về chuyện thời sự, và có lẽ bao nhiêu năm chạy xe ôm, ở ngoài đường, tiếp xúc nói chuyện nhiều với nhiều người, nghe được nhiều chuyện nên anh mới biết nhiều chuyện kim cổ khác, tuy chuyện này có thể xọ sang chuyện kia. Nhưng không hề gì hết, đối với anh một chi tiết, một cái tên không phải là vấn đề.

      Nói về du lịch VN chẳng hạn, người ta say sưa với những con số du khách đến, tự hào với những di sản có được do thiên nhiên hào phóng ban tặng, mà ít chú ý đến cái gì mới chính thức giữ chân du khách, khiến du khách muốn quay trở lại. Cái thói ăn xổi ở thì, sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi, trong tất cả lãnh vực đang bóp nghẹt xã hội. NangTuyet thử lên mạng nhìn xem "mùa" lễ hội năm nay đang tiếp diễn ra sao. Bất kể văn bản cảnh báo trước đó, bạo lực, mê tín, chặt chém... và đủ mọi thứ tệ nạn khác kéo theo. Mà phải nói thật miền Bắc xảy ra nhiều quá. Nhìn trên clip lễ hội phát ấn đền Trần thấy những ông đạo mạo mặc veston đàng hoàng, nhưng chen lấn cật lực với phụ nữ rồi xông vào giật lộc thánh, lại chen trở ra hí hửng với chút hàng mã gọi là "lộc" trên tay... Thật kinh khủng.

      Đi khám về uống thuốc chân bớt nhiều rồi NangTuyeg. Cám ơn thăm hỏi.

      Xóa
    2. Chắc anh xe ôm này hằng ngày chờ khách nghiền ngẫm tờ nhựt trình đến te tua, nên rất rành về chuyện thời sự, và có lẽ bao nhiêu năm chạy xe ôm, ở ngoài đường, tiếp xúc nói chuyện nhiều với nhiều người, nghe được nhiều chuyện nên anh mới biết nhiều chuyện kim cổ khác, tuy chuyện này có thể xọ sang chuyện kia. Nhưng không hề gì hết, đối với anh một chi tiết, một cái tên không phải là vấn đề.

      Nói về du lịch VN chẳng hạn, người ta say sưa với những con số du khách đến, tự hào với những di sản có được do thiên nhiên hào phóng ban tặng, mà ít chú ý đến cái gì mới chính thức giữ chân du khách, khiến du khách muốn quay trở lại. Cái thói ăn xổi ở thì, sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi, trong tất cả lãnh vực đang bóp nghẹt xã hội. NangTuyet thử lên mạng nhìn xem "mùa" lễ hội năm nay đang tiếp diễn ra sao. Bất kể văn bản cảnh báo trước đó, bạo lực, mê tín, chặt chém... và đủ mọi thứ tệ nạn khác kéo theo. Mà phải nói thật miền Bắc xảy ra nhiều quá. Nhìn trên clip lễ hội phát ấn đền Trần thấy những ông đạo mạo mặc veston đàng hoàng, nhưng chen lấn cật lực với phụ nữ rồi xông vào giật lộc thánh, lại chen trở ra hí hửng với chút hàng mã gọi là "lộc" trên tay... Thật kinh khủng.

      Đi khám về uống thuốc chân bớt nhiều rồi NangTuyeg. Cám ơn thăm hỏi.

      Xóa

    3. Dạ không có chi anh Hiệp ạ . Mong anh sẽ sớm đi đứng bình thường trở lại như xưa thì quả là rất tốt đó cơ .

      Ý mà thiệt là đúng đó anh Hiệp ! Ông xã em nói công ty của anh ấy thường tổ chức cho các nhân viên đi nghỉ mát ở nước ngoài , trong đó có một lần qua Việt Nam mình . Đến khi các bạn đồng nghiệp của anh ấy trở về thì hầu hết họ đều nhận xét là người dân ở miền Bắc kém lịch sự và dữ hơn ở miền Nam . Đầu tiên là họ đến Hà Nội trước , rồi mới đổ về miền Trung , rồi miền Nam . Lúc đó tụi em chưa quen nhau nên ông xã em chưa biết gì về VN hết ! Bên cạnh đó ở miền Bắc tệ nạn xã hội , cướp giựt hay đàn điếm đều ở miền Bắc nhiều hơn miền Nam . Thật là ngao ngán anh nhỉ ?

      Xóa
    4. Hihi, tính cách vùng miền, biết sao được NangTuyet, sự việc không phải do thời gian ngắn làm nên, mà do rất nhiều nguyên nhân, có nhiều nguyên nhân khó nói. Biết sao?

      Xóa
  5. Làm xe ôm cho bác H rồi được vào quán uống cafe , đàm đạo đủ chuyện chính trị , thời sự , văn hóa xã hội , đông tây kim cổ thì thú vị quá xá rồi (-:

    Trả lờiXóa
  6. Quên, mừng bác H có một chiều đầu năm thú vị !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được gặp anh xe ôm thú vị biết nhiều chuyện đông tây, chủ yếu là nghe anh ấy nói chứ không dám có ý kiến, tôi biết những gì anh nói theo anh chắc chắn là đúng.
      Cám ơn Marg. đã hỏi thăm.

      Xóa
  7. Đầu năm bác Hiệp ra đường như thế là gặp may rồi! Gặp ngay anh xe lai chuyện gì cũng thông tỏ. Ngồi nghe chuyện của họ quả thật cũng khoái, bác nhỉ?
    NT nhận thấy bác rất hóm hỉnh trong nhiều chi tiết kể, nhất là đoạn này: "Tôi nói tôi đã bị cái chân rồi còn cái đầu phải lo giữ chứ không phải sợ giao thông, vả lại tôi nghĩ hình ảnh một ông trẻ chạy xe đội nón cối chở theo một ông già xách cây nạng để đầu trần trông nó kỳ cục và "kiêu binh" thế nào ấy." Hì, nếu có camera theo dõi, ghi lại hình ảnh ấy thì chắc đưa vào chương trình táo giao thông "Gặp nhau cuối năm" chắc cái cười nó thâm thúy lắm!
    Rồi nữa, anh xe ôm gặp được "cố" nhưng chắc nhìn trong mắt "cố" ánh thông minh nhạy cảm nên anh ta đã nhiệt tình nói chuyện đến thế.Và quả thực anh ta cũng là người gặp may vậy.
    Có một câu chuyện mang tính ngụ ngôn thế này:Có bốn người ngồi nói chuyện với nhau, một người quê Nam Đàn,Nghệ An, 3 người quê Quảng Xương, Thanh Hóa. Người quê Nghệ An bảo anh ta tự hào vì là đồng hương với Bác Hồ, 1 người khăng khăng bảo Bác Hồ quê Quảng Xương, Thanh Hóa. Cãi nhau không phân thắng bại, họ đành dùng giải pháp bỏ phiếu. Cuối cùng, 3 phiếu đồng ý Bác quê Thanh Hóa, 1 phiếu đồng ý Bác quê Nghệ An. Theo luật, thiểu số phục tùng đa số. Kết luận: Bác Hồ quê Quảng Xương, Thanh Hóa!He he...
    Chúc bác mau mạnh cái chân nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý quên nữa, NT cũng người miền Bắc và cũng trạc tuổi anh chàng xe lai kia, nhưng chỉ gọi "bác" xưng "em" với bác Hiệp thôi nhé.

      Xóa
    2. Hì hì, nếu chạy xe như thế chắc người ta tưởng rằng đó là 2 gã thương binh 1/4 coi trời bằng vung, thảo nào mà trong một entry trước tôi nói ôm cặp nạng đứng đón taxi trên đường, bốn năm cái xe trống chạy qua mà không chịu dừng, nó sợ gặp thương binh kiểu ấy có khi đi quỵt tiền.

      Không biết gặp nhau cuối năm ra sao nhưng không có cái "nâng niu đầu lâu Việt", đụng chuyện thành ra... gặp nhau cuối... đời thì khốn.

      À, anh xe ôm còn nói quê Thanh Hóa của anh ở gần... thành nhật Hồ, quên, cái gì? Thành nhà Hồ, hí hí!

      Chuyện 4 người tranh cãi bác Hồ quê ở đâu? Hay. Tôi đang đọc một quyển sách mới mua trong đám sách hôm đi khám chân nói về lịch sử, bản sắc của xứ Quảng Nam và Đàng Trong, và cũng có bàn thêm về tính cách nói chung của người dân của giải đất miền Trung, từ Trung thuộc Bắc đến Trung thuộc Nam. Không thua ai gì hết. Còn nhớ đội bóng đá Sông Lam Nghệ An luôn nổi danh là đội "chém đinh chặt săt, cổ động viên cũng nổi tiếng luôn.

      Cám ơn NT, cứ bác xưng em là được rùi. :-)))

      Xóa
    3. Hì...câu chuyện của 4 người kia là truyện ngụ ngôn bác ạ. Đấy chính là kiểu bỏ phiếu lấy ý kiến của ta ấy mà.Tư tưởng cục bộ, hiện tượng kéo bè kết cánh để dành "đa số phiếu" khi quyết định một vấn đề quan trọng. Em có nghe đâu đó một câu, đại khái: Khoa học nhiều khi không phải thuộc về ý kiến số đông.
      Trước đây em biết đã có người nuôi ý định viết một cuốn sách thật công phu nghiên cứu về CON NGƯỜI XỨ NGHỆ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy xuất bản.

      Xóa
    4. Chuyện ngụ ngôn thường lấy ý tưởng từ thực tế. Đám đông không phải luôn đúng, ít ra điều này tôi hay thấy trong chương trình Ai là triệu phú gì đó trên tivi, có những câu hỏi người chơi hỏi ý kiến khán giả trường quay, đa số khán giả chọn một đáp án nhưng lại trật lất... Bởi thế cho nên trong đám đông mới nổi lên được người tài, hoặc vĩ nhân.
      Nếu viết được về tính cách vùng miền, hoặc ở một địa phương nhỏ thì hay lắm, nhưng có khi dễ "vạch áo cho người xem lưng" hoặc đụng chạm, thời nay có thể bị ném đá tả tơi cho nên người ta lại ngại chăng?

      Xóa
  8. Sài gòn thật lắm anh tài, bác Hiệp chữ nghĩa mênh mông và đến anh xe ôm cũng đầy mình chữ nghĩa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, cám ơn Toro ưu ái. Tết Toro ăn tết chắc vui?

      Xóa

:) :( :)) :(( =))