Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Cafe đầu năm.

Mấy ngày hôm nay buổi sáng nhâm nhi tách cafe có một vài thông tin làm tôi chú ý. Thứ nhất là câu chuyện về thể thao, đó là chuyện đội tuyển bóng đá Futsal* Việt Nam đá bại đội tuyển Futsal Nhật Bản vào tối 17-2, trong một trận cầu rượt đuổi tỉ số đầy kịch tính (hòa 4-4 khi luôn bị dẫn trước trong những hiệp đấu, có lúc đã bị dẫn trước đến 3-1, để cuối cùng thắng 2-1 trong loạt sút luân lưu, bước chân vào bán kêt giải bóng đá Futsal Châu Á năm 2016 tại Uzbekistan). Qua đó đội tuyển Futsal Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết bóng đá Futsal thế giới tại Colombia.

Niền vui của các cầu thủ Futsal Việt Nam sau trân thắng đội tuyển Futsal Nhật Bản. Ảnh Internet.

Thể thao Nhật Bản luôn là nền thể thao  hàng đầu Châu Á, trong đó họ luôn là "ông lớn" trong bóng đá. Bóng đá Futsal của họ đã 3 lần vô địch Châu Á vào những năm 2006, 2012, 2014 (tổ chức 2 năm một lần, và họ đang là đương kim vô địch, nhưng sau trận thua Việt Nam họ đã trở thành cựu vô địch). Phải nói rằng trước trận đấu tứ kết vừa qua, ít có người hâm mộ bóng đá Việt Nam nào nghĩ rằng đội tuyển Futsal Việt Nam có thể thắng được Nhật Bản (cũng như chắc chẳng có người Nhật Bản nào "dám" nghĩ rằng họ sẽ thua Việt Nam). Thậm chí bản thân tôi trước trận đấu đã nghĩ rằng, thua họ cách biệt 2 bàn đã là hay lắm rồi (như ta vừa thua Thái Lan 1-3 trong trận tranh ngôi đầu bảng, để sau đó phải đối đầu với Nhật Bản, thay vì nhất bảng sẽ gặp đội Úc yếu hơn, đội Thái Lan nhất bảng gặp Úc họ đã thắng Úc đến 6-1, và cũng đi tiếp vào bán kết như đội Việt Nam).

HLV người Tây Ban Nha Bruno Garcia Formoso (áo xanh bìa phải) của đội tuyển Futsal Việt Nam. Ảnh Internet.

Ta cũng nên biết qua, HLV đội tuyển bóng đá Futsal Việt Nam là ông Bruno Garcia Formoso, người Tây Ban Nha. Hai năm trước khi mới nhận lời làm HLV đội tuyển Futsal Việt Nam, ông đã tuyên bố trong vòng 2 năm ông sẽ đưa đội Futsal Việt Nam lọt vào top 4 Châu Á, đúng là ông đã làm được. Lọt vào top 4 châu lục, và vòng chung kết thế giới trong giải bóng đá Futsal cũng không phải là cái gì ghê gớm lắm, niềm vui này rồi cũng qua đi. Có thể người ta sẽ nói "hay không bằng hên", "ăn may", "tổ đãi"... Cũng có thể như thế thật, nhưng để hên hay ăn may, được tổ đãi, người trong cuộc phải lao động nghiêm túc, đổ mồ hôi sôi nước mắt, phải được huấn luyện, dẫn dắt bởi những người tài và tâm huyết. Một thành công nhỏ trong ngày hôm nay thật đáng trân trọng, tự hào, nhưng nó không phải là cái để tự mãn. Thành công này chỉ là những bước đi chập chững đầu tiên, và cho thể thao Việt Nam nói chung cái tự tin rằng hoàn toàn chúng ta có thể thoát khỏi cái ao làng, hay những con rạch nhỏ đầy lục bình, để vững tin bước ra sông cái và biển lớn...

Sáng nay (19-2) trên tivi tôi có nghe đây đó "đến hẹn lại lên", nhiều nơi khai mạc lễ hội. Trong chương trình Cafe sáng, tôi cũng được nghe một nữ TS. (Đoàn Hương) nói chuyện (chương trình hay mời bà nói chuyện). Trong câu chuyện bà có đề cập đến chuyện lễ hội. Ai cũng biết lễ hội là cần thiết trong cuộc sống, ở bất cứ một xã hội nào. Nhưng lễ hội ở Việt Nam thì quả thật xưa nay là quá nhiều, kéo dài, tốn kém tiền của xã hội, và quá mất thời giờ. Lễ hội ở Việt Nam ngày xưa là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp còn lạc hậu, trông cậy hoàn toàn vào sức ngưới, hay con trâu, thời tiết, thời vụ, mưa nắng... cho nên lúc nông nhàn thì người ta mở hội, vui chơi cho bõ lúc bận rộn, cơ cực, ít thì dăm bảy ngày, nhiều thì kéo dài cả tháng, chẳng cần biết đến đây là thời gian nào trong năm, bởi lễ hội ngày xưa chỉ là lễ hội của một làng, cùng lắm là của Tổng, của Huyện, không liên quan gì đến... hòa binh thế giới...

Một hình ảnh bạo lực trong lễ hội ngày nay. Ảnh Internet.

Trong một chương trình trước vị nữ TS. này nói, có lần bà được dự một lễ hội khá kỳ cục, ngày đầu năm người hai làng kéo nhau đi, gặp nhau giữa đường thì xắn quần áo xỉa xói chửi nhau, thậm chí còn xông vào nhau ẩu đả**... Vị nữ TS. nói, người Việt kiêng kỵ ăn to nói lớn, nói bậy, người lớn dạy con cháu phải biết giữ ý tứ, lễ phép vào dịp năm mới. Đại ý là ta chỉ nên giữ lại những lễ hội có tính chất văn hóa, còn những lễ hội nhuốm màu bạo lực, tranh giành, chửi bới... không còn hợp thời, phản giáo dục thì nên bỏ. Thời buổi bây giờ là thời buổi công nghiệp, văn minh, không nên tổ chức quá nhiều lễ hội rình rang, kéo dài, tốn kém, mất thời giờ...


Ghi chú:

* Futsal: còn gọi là Bóng đá trong nhà, thi đấu ở sân có kích thước nhỏ trong nhà. Tên Futsal có nguồn gốc từ tiếng Bồ Đào Nha "Futebol de salão", hoặc tiếng Tây Ban Nha "Fútbol sala", "fútbol de salón". Được tổ chức dưới hình thức thi đấu đối kháng giữa hai đội, mỗi đội gồm 5 cầu thủ ra sân, chưa kể cầu thủ dự bị. Hai bên có khung thành như bóng đá sân cỏ, nhưng khung thành nhỏ hơn.

Bóng đá Futsal thi đấu trong nhà cho nên sân cũng nhỏ hơn, trái bóng nhỏ hơn nhưng nặng hơn. Bóng đá Futsal cần đến tố chất khéo léo và kỹ thuật hơn là bóng đá 11 người ngoài sân cỏ, cho nên thích hợp với tố chất của cầu thủ Việt Nam.

** Trong quyển Hội hè đình đám Việt Nam của học giả Toan Ánh, có nhắc đến một cổ tục của hai xã tại miền Bắc, đó là xã Sài Sơn, tỉnh Sơn Tây (Hà Bắc), và xã Thụy Khuê ở ngoại ô Hà Nội. Thành Hoàng hai xã này lúc sinh thời vốn thù hằn nhau, nên hằng năm hai làng này phải gặp và đánh, chửi nhau một trận thì trong năm cả hai làng mới yên ổn làm ăn.

Hèm của hai làng là cứ đến sáng mùng 6 tháng Giêng, người của hai làng tụ họp xách gậy gộc kéo nhau. Gặp nhau ở giữa đường mới đầu là chửi nhau, một hồi thì xông vào choảng nhau, choảng thật sự, kẻ sứt trán, người bươu đầu rồi mới kéo nhau về. Ngày hôm sau người dân hai làng gặp nhau lại niềm nở chào hỏi như không có chuyện gì xảy ra.




4 nhận xét :

  1. Chiến thắng Futsal đúng là kỳ diệu. làm nức lòng người hâm mộ , lâu lắm có cảm xúc này. Thể thao - nhất là bóng đá - luôn mang lại những cung bậc khó quên khi theo dõi trận đấu. Hai năm trước ," Những đứa trẻ Bầu Đức" cũng mang lại niềm vui vỡ òa cho người hâm mộ trên sân vận động Cần Thơ ở giải đấu chỉ mang tính chất " ao làng". Dẫn ra như thế để biết nhu cầu thưởng thức và kỳ vọng trong thể thao của người dân là rất cao mang sắc màu Tổ quốc.
    Đành rằng trận đấu diễn ra ở một đẳng cấp khác nhau , chiến thắng có phần may mắn nhưng kỳ tích này thật khó quên với chúng ta vì lần đầu tiên góp mặt chung kết thế giới Futsal.
    Bài viết của bác lan tỏa niềm vui cho người đọc và cùng nhâm nhi với mọi người vị ngọt của thành công trong từng câu chữ. Lão xem xong đổ bệnh luôn , phải nằm bẹp 2 ngày bác ạ .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Futsal là môn bóng đá hoàn toàn phù hợp với tố chất người Việt, sân bóng nhỏ trong nhà,thời gian thi đấu ngắn, không cần nhiều thể lực, trái lại cần nhiều sự khéo léo, kỹ thuật, nhanh nhẹn, điều mà cầu thủ Việt Nam không thiếu. Cái thiếu của mình là cách huấn luyện, tổ chức, quản lý đội bóng, HLV truyền được cho cầu thủ cái chuyên nghiệp, khát vọng thi đấu, chiến thắng... Cứ xem bóng đá Thái Lan thì thấy, họ hơn mình ở tất cả những điểm trên, cho nên khi đối đầu, họ "quất" vào lưới đội mình vài ba trái sao thấy dễ quá, trong khi đá vào lưới họ một trái sao quá khó...

      Xem ra đất nước mình, người Việt mình không dở (như Lee Nguyễn cầu thủ Mỹ gốc Việt ấy, về VN không phát huy được cái hay, thế mà trở lại Mỹ anh này có cơ hội đến World Cup 2018 tại Brasil với đội tuyển Mỹ). Rất nhiều người Việt tài giỏi, thành danh ở nước ngoài, họ giúp được rất nhiều cho nơi họ định cư, thế mà nước mình cứ mãi lẹt đẹt, thậm chí được cho là đất nước không chịu tiến.

      Hy vọng đây là "cú hích" để thể thao VN lấy đà tiến lên Lão Tân.

      Xóa
  2. Rõ là:
    Ngày vui ngắn chẳng tày gang
    I Ran dành trọn vinh quang mất rồi.
    Bao hy vọng , bao trông chờ
    Buồn vui lẫn lộn bao giờ nguôi ngoai.
    Sáng sớm nhâm nhi cafe với bác bằng...thơ cho nó oai , mặc dù món thơ này lão quá dở. Vui là chính bác hầy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, đội tuyển VN là vậy, hay đó rồi dở đó, cái này người ta vẫn nói là đẳng cấp (trình độ chuyên nghiệp). Đội Thái Lan cũng bị loại ở bán kết, nhưng thua chủ nhà trong sút luân lưu, sau khi họ dẫn trước trong trận đấu 2-1, để bị gỡ 2-2, phải sút luân lưu. VN thua Iran tới 1-13, tỉ số của một đội nghiệp dư đấu với một đội chuyên nghiệp.

      Nhưng không sao Lão Tân, trong thể thao thắng thua là lẽ thường, có thể ta lại thua tiếp Thái Lan trong trận đấu tranh ba, tư, và người hâm mộ lại buồn. Nhưng quan trọng là những người có trách nhiệm phải biết ta đang đứng ở đâu? Điểm mạnh và yếu của ta là gì? Từ đó đưa ra hướng đi đúng.

      Tôi tin làm được như thế nước ta sẽ tiến nhanh trong nhiều lãnh vực khác, chứ không riêng gì thể thao.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))