Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Dưa, dứa, dừa.


Quày dừa trên cây. Ảnh Internet.

Dưa, dứa, dừa, chắc chắn là ba thứ cây trái khác rồi, không giống nhau như dứa, thơm, khóm viết ở bài trước. Mùa hè nóng nực như thế này mà hằng ngày có được ba thứ trái cây này "la séc",  thì khoái khẩu biết mấy. Trong bài viết này tôi không nhằm vào giải thích ba loại cây trái này, mà muốn nói tới một chuyện khác.

Đã khá lâu, hồi còn đi làm, có lần khi gặp gỡ với mấy người bạn cựu hướng đạo sinh ở Saigon, tôi có dịp nói chuyện với một cô gái trẻ người Mỹ làm cho một tổ chức phi chính phủ cùng đi trong nhóm. Cô ta nói tiếng Việt rất giỏi, gần được như người Việt. Tôi hỏi cô ấy khó nhất khi học tiếng Việt là gì? Cô ấy nói là ở cái dấu. Không những nó làm cho tiếng Việt khó nói, như ta hay thấy kiểu người ngoại quốc nói tiếng Việt trên phim ảnh Việt Nam, nó lơ lớ, nghe khó chịu. Mà còn làm tiếng Việt khó nhớ mặt chữ, khó nhớ nghĩa, khi nhìn không rành thì chữ này lộn sang chữ kia. Cô ấy lấy một ví dụ rất cụ thể về ba từ dưa, dứa, dừa, cô ấy nói ba chữ này viết trông giống giống nhau, nhưng lại là ba loại trái cây khác nhau, người ngoại quốc mới học tiếng Việt khi nhìn chữ, khó phân biệt được chữ nào với chữ nào, vì không phân biệt được cái dấu. Cô người Mỹ này nhận xét rất đúng, chẳng hạn khi gặp chữ "sặc máu" (ta hay nghe nói "uýnh cho nó sặc máu"), người ngoại quốc mới học tiếng Việt chưa rành có thể lầm sang từ "sắc màu", là từ phổ thông  dễ gặp hơn. Học tiếng Việt đối với người ngoại quốc không những khó ở năm dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, có lẽ còn khó cả ở những dấu mũ ^, dấu "ơ" nữa.

Nói đến cái dấu trong tiếng Việt, có lẽ những cụ cố phát minh ra chữ quốc ngữ như Alexandre de Rhodes, thuở ban đầu chắc cũng phải chộn rộn toát mồ hôi hột với nó chứ chẳng chơi. Bây giờ ta thấy tiếng Việt hoàn chỉnh rồi, ngon lành sánh vai với ngôn ngữ năm châu, chứ ngày xưa cái thời mấy cụ cố Bồ Đào Nha hay mấy cụ cố Tây mới sang nước ta truyền đạo, khi học tiếng Việt, rồi viết sách, viết từ điển, phải chật vật với nó. Tôi post dưới đây một trang trong Từ điển Việt-Bồ-La của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, bản gốc in tận năm 1651 tại Roma, bản in lại năm 1991 của NXB Khoa Học Xã Hội, để thấy cách viết chữ quốc ngữ thời sơ khai. Có những chữ bây giờ viết "chiếc", "chiêm bao", "chiêm thành", "chùa chiền" thì trong từ điển viết "chiéc", "chiem bao, "chiem thành", "chùa chièn". Nhưng những chữ như "chiến, giao chiến", "cái chiêng", "chiêu hồn", thì ngày xưa đã viết y như bây giờ...

Một trang trong Từ điển Việt-Bồ-La được in lại bởi NXB Khoa Học Xã Hội-1991.

Nhân nói mấy chuyện chữ nghĩa này, ở trên tôi có nhắc tới từ "la séc", đây là một từ mà ngày trước, thỉnh thoảng tôi có dịp đến nhà một người bạn gốc miền Nam, được mời ăn uống trong gia đình (chẳng hạn ăn đám giỗ). Khi ăn xong bữa, người lớn trong nhà (ông bà, cha mẹ), hay kêu con cái "Bay đâu dọn "la séc" lên ăn coi". "La séc" là món trái cây ướp lạnh, bây giờ có tủ lạnh chứ ngày xưa không có tủ lạnh, trái cây thường được ướp nước đá ăn cho mát. Có lẽ từ "La séc", còn được nói là "lát-xê, glát-xê" có nguồn gốc từ tiếng Pháp "Glacer", có nghĩa là ướp lạnh. Còn từ "Bay đâu" là phương ngữ Nam bộ, trong gia đình thường để gọi những người dưới thân thuộc. Xưa ngoài xã hội để gọi người dưới trướng, dưới quyền, thuộc hạ...

Hôm nay thứ bảy cuối tuần, buổi chiều tôi thấy bạn bè hay rủ nhau lai rai, làm vài "ve", nhất là vào mùa nóng nực như thế này. Tôi không biết nhậu thì lai rai chữ nghĩa vậy, hì hì!




63 nhận xét :

  1. Hihi, bây giờ gõ bàn phím không dấu thì cũng dễ "sặc máu" lắm, bác Phạm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ậy, cho nên khi nhắn tin điện thoại không dùng dấu, tôi thường phải hết sức chú ý, tránh gõ những từ "nhạy cảm", khiến hiếu chữ này sang chữ khác :-)))

      Xóa
  2. Dấu tạo ra nhạc điệu của tiếng Việt
    Nhưng âm nhạc thì dân phương Tây không có dấu vẫn giỏi hơn
    Thế mới hay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có cái này cũng rất lạ bác Bu, nghe một em bé người Việt nói đúng là như hát.
      Nhưng bây giờ có nhiều người lớn Việt (có cả mấy cô) nói chuyện ở nơi công cộng thì lại khá ồn ào, giống như cãi nhau.

      Xóa
    2. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai có nhận xét: "Tiếng Việt có thể kể vào những thứ tiếng giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trấm bổng"
      Chả thế mà người nước ngoài nghe người Việt chửi nhau cứ tưởng là họ đang hát đối đáp. Một người mẹ chửi con mà nghe thành nhạc: "Đồ mi là đồ mi phá, cha mi về là cha mi la!" Đó là chưa nói đến chuyện hai bác về huyện Nghi Lộc, Nghệ An mà nghe họ nói, còn hay hơn cả hát
      Còn bác Bu bảo âm nhạc phương Tây giỏi hơn cũng đúng thôi, vì nhạc Việt viết cho phù hợp thanh điệu trong tiếng Việt nên khó hơn, nếu không muốn bị "biến âm" kiểu như là: " Vùng lên hơi các nô lề ợ thê giạn"

      Xóa
    3. Có một câu chuyện về tiếng Việt mà chính tôi gặp phải. Hồi mấy năm trước khi EA Games được tổ chức tại nước Lèo anh em, đang tong lúc tranh giải tôi và bà xã vào một quán ăn, bên bàn cạnh có đôi thanh niên nam nữ chừng 20 ngồi ăn, trông rõ người Việt, nhưng họ nói chuyện với nhau khá nhanh nghe không rõ tiếng gì. Tôi và bà xã thử lắng nghe nhưng không thể nào hiểu lấy một chữ.
      Vì quán có tivi đang chiếu SEA Games bên Lèo nên tôi nói vui, hay họ là người Lào, bởi nói nghe như tiếng dân tộc thiểu số vậy, nước da đôi nam nữ này cũng ngăm ngăm, bà xã tôi nói chắc thế, không phải Lào cũng Thái Lan, Miến Điện. Lát sau đang ăn tự nhiên bà xã tôi phá lên cười, nói người Việt chứ đâu, ông thử nghe lại xem, quả thật nghe thật kỹ lại thì ra họ đang nói tiếng Việt, hình như là tiếng vùng Nghệ An, Hà Tĩnh...
      Cái bài chửi mất gà của dân Bắc nghe hay phải biết, trầm bồng, đầu đuôi, ngọn ngành, không thua gì một bản nhạc giao hưởng Tây phương.

      Xóa
    4. hehe...Đừng hình như..."hình như là tiếng vùng Nghệ An, Hà Tĩnh..." nhé bác.
      Tiếng Nghệ chuẩn mực mà tiếng anh hay Nhật đều phải học theo đấy nhé bác. Người Nghệ nói " NỎ" có nghĩa là không , thì tiếng anh cũng bắt chước là "NO" đó thôi. Còn đất nước mặt trời mọc cũng phải cử người sang học học Nghệ ngữ để về làm thành tiếng Nhật đó bác Hiệp. " Mi đi ga mô ? - Ga ni ga chi ? - Ga ni ga Si!...."
      Bác nghe không biết là đúng , vì chứng tỏ bác hổng biết tiếng ...Nhật !

      Xóa
    5. Haha, quả thực tôi chỉ dám hình như thôi Lão Tân. Trước năm 1975, tôi ở trong lính, đi khắp "Vùng II chiến thuật", tức là miền Trung, Cao nguyên Trung phần, ở từ Bình Định trở vào, nghe được người Bình Định, Phú Yên nói. Có lần tôi ở Pleiku cả tháng trong một ngôi làng của người Quảng Bình di cư, lúc đầu nghe họ nói với nhau cũng không hiểu, cứ như nghe chim hót.
      Sáng nay vợ dặn ra chợ mua một ký lô nho Mỹ. Người bán hàng cân một chùm nói "ký hưa", biết ngay gặp bà quê Bình Định.

      Nhưng người Nghệ An, Hà Tĩnh mà nói chuyện với nhau thì thua luôn. Đúng là Mỹ với Nhật phải sang học tập về làm thành tiếng nước họ.

      Xóa
    6. Cười chết với Lão Tân
      Tiếng Việt nghĩ cũng hay , một từ chỉ thay một dấu thì đã khác nghĩa rồi . Mà cũng lạ , nếu như tiếng Việt không cần xài đến dấu thì chắc cũng chẳng hiểu nổi nghĩa ra sao cả . Hồi này là đã hoàn chỉnh rồi , đọc những truyện hồi trước. Năm 1945 thấy nhiều câu từ khó hiểu . Sau này vào SG đọc chuyện của nhà văn Sơn Nam hay Hồ biểu Chánh cũng vậy , viết theo lối cổ cũng có nhiều từ phải suy nghĩ mãi

      Xóa
    7. Tiếng Việt quá hay phải không bác Salam? Ở miền Nam những nhà văn xưa như Hồ Biểu Chánh, Trương Vĩnh Ký, Trần Chánh Chiếu..., gần hơn có Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển, Sơn Nam... viết theo lối văn kể cbuyên, dùng nhiều phương ngữ cổ Nam bộ, nhiều khi khó hiểu.

      Xóa
  3. Đôi nam nữ chừng 20 tuổi trong quán ăn mà 2 bác gặp, nói gì ? Ta thử tìm hiểu xem họ nói gì để minh chứng bác không biết tiếng Nhật nhé. ( Mà tiếng Nghệ là..."Ông nội" tiếng Nhật). Có thể 2 người ấy đã trao đổi thế này:
    - Nì , mi.
    - Mi ăn chi?
    - Cho tô mì.
    - Mì chi?
    - Mì Omachi
    - Nỏ ăn chi , ăn mì?
    - Ăn mì cho đỡ tý . Còn nhiều cái chi.
    Hehe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cặp này hẳn là sinh viên, trẻ trung, yêu đời, nếu câu chuyện chỉ ngắn như Lão Tân viết thì họ nói chỉ... 30 giây. Họ nói nhiều và rất nhanh, đến nỗi ngồi gần bàn tôi với bà xã cố ý lắng nghe, mà mới đầu không hiểu.
      Xưa tôi ở Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột nghe người thiểu số nói nhiều, họ nói nghe như người thiểu số nói ấy.

      Xóa
    2. Nói nhiều và nói nhanh thì câu dài hơn, là ri:
      - Mi đi mô mà vô trong ni? Vô trong ni mần chi?
      - Tau đi theo mi chơ đi mô ri. Vô trong ni chộ nỏ có chi, mua chi chi cụng đắt ra ri.
      - Đắt ra ri đạ ăn thua chi. Tau đưa mi đến mấy chộ ni, mi mua chi thì nói mau đi.
      - Tau mua kì chạc địu ra ri, cột đàng sau khỏi rớt bị nì, ăn lanh lanh mà đi thôi mi!
      (Đố bác Hiệp dịch được)
      -

      Xóa
    3. Cái anh Tân này làm Salam cười chết thui
      Hồi trước khi Salam mở cửa hàng để kinh doanh , có mấy bà Quãng Ngãi sang mua đồ , các bác biết hôn ? Khách mua đồ nói vầy : Eng bán cho tui một bịch teem giá neem treem , nói thiệt với các Bác nỏ hiểu chi cả . Lâu lâu mới tìm hiểu thì mới biết được là từng vùng miền , từng thổ ngữ mới xảy ra những tình huống dở khóc dở cười như vậy
      P / s : Chơi đố chữ cho dzui bác Hiệp nghen ... Ả ơi Ả bán cho tui một cái đọi có cái bộng xâu chạc địu .. . Lão Tân và bà Sui, không được giải thích hay hỗ trợ bác Hiệp nghen .. Salam giận không thèm nhởi nữa mô

      Xóa
    4. Nếu bạn NT mà nói, dù chậm cũng chịu thua, nhưng viết ra đây thì tôi thử đem hết "Khả Năng - Phi Thoàn" ra dịch xem sao?
      - Mày đi đâu mà vào trong này? Vào trong này làm gì?
      - Tao đi theo mày chứ đi đâu. Vào trong này thấy không có gì. mua gì cũng đắt thế này.
      - Đắt thế này đã ăn thua gì. Tao đưa mày đến mấy chỗ này, mày mua gì thì nói mau đi.
      - Tao mua kì chạc đèo thế này, cột đằng sau khỏi rơi bị này, ăn nhanh nhanh mà đi thôi mày.
      Phù, phù!

      Xóa
    5. kì chạc đèo là dịch chưa thoát nha bác. "địu" không dịch là "đèo"

      Xóa
    6. Nhưng dịch được như thế này cũng đủ để lão Tân gả chị gái ở quê cho bác rồi!

      Xóa
    7. Ậy, vậy là được rôi -:)

      Xóa
    8. Chữ "địu" người Bắc có dùng, "địu con", ngày trước là dùng tấm khăn choàng cột đứa bé trước ngực hoặc sau lưng. Đèo thì không đúng lắm, chắc là cột?

      Xóa
    9. Thử dịch câu của bác Salam ra sao:
      Cô (chị) ơi cô bán cho tôi một cái tô có cái ruột xâu sợi dây cao su, haha! Dịch xong nỏ hiểu luôn.

      Xóa
    10. Bác Hiệp yên tâm về làm rể xứ Nghệ rùi. Chạc địu là dây dun (dây cao su), còn nghe ai nói: "Bán cho tui cì chạc nịt" thì bác "phiên dịch" cho họ là: "Bán cho tôi cái dây thắt lưng", bác nhé
      Ông sui dùng từ không đúng văn cảnh, dịch ra nghe nỏ hiểu chi!

      Xóa
    11. "Nịt" là sợi dây lưng thì trong Saigon có xài gọi là "dây nịt" hoặc có người còn gọi là "búp nịt".
      Dây cao su, dây dun, dây thun, dây thung, người Bắc như cha mẹ tôi ngày xưa nói "dây chun". Trời, "đèo heo hút gió" quá mần răng mà đi mô :-)))

      Xóa
    12. NT không hiểu cũng đúng thôi , câu nói này thì Lão Tân biết , nói cho nghe nè : Hồi xưa ở ngoài Bắc hay xài chiếc bát sắt tráng men của Tung Chảo , ở dưới có một cái lỗ để xỏ dây cho bộ đội buộc vào ba lô . Hồi sinh viên đứa nào cũng có một cái như vậy , khi xuống bếp ăn thì cầm theo , ăn xong thì mang về

      Xóa
    13. Aha, vậy là tôi đã dịch đúng luôn, cái tô mà lại có cái lỗ ở dưới đáy để xâu sợi dây thì quái thật.
      Nói chuyện này làm tôi nhớ đến một chuyện khác. Hồi còn đi làm, thời bao cấp, khoảng thập niên 80, đi làm nhà nước cơ quan còn có bếp ăn tập thể buổi trưa. Trong một bữa ăn nghe ông Phó giám đốc kể chuyện, hồi ông ấy còn ở miền Bắc, chưa hòa bình, bếp ăn tập thể của cơ quan ông ấy giống như lúc ấy, nhưng những cái thìa (muỗng) bằng nhôm thì đục một cái lỗ khá khá ở giữa, mỗi lần múc nước canh đưa được lên miệng húp thì đã bị chảy theo cái lỗ ấy quá nửa. Hỏi sao phải làm thế, thì ông ấy nói, nếu không đục lỗ thìa (muỗng) canh sẽ bị mất hết :-(((

      Xóa
    14. Hihi, 5 năm sau 1975, các quán cá phê mậu dịch ở Nha Trang vẫn còn những cái muỗng đục lỗ ni.
      Còn xếp hàng XHCN cũng "văn minh" lắm, người ta xâu một mớ thẻ bằng sắt vào một sợi dây thép kéo dọc theo lối vào mua hàng, theo thứ tự, ta cầm cái thẻ nó rê lần tới quầy, khỏi ai chen ngang.

      Xóa
    15. Hì hì hì ! Cụ Nô nhắc đến chuyện xếp hàng Mậu dịch thì lại nhớ đến hồi xưa . Hồi đó chỉ có các cửa hàng ăn uống của quốc doanh thôi . Vì hay bị mất muỗng nên người ta phải đục lỗ
      Mỗi lần đi mua hàng thì phải cầm theo cục gạch , trời nắng mọi người chui vào chỗ râm trốn nên nhìn chỉ thấy một hàng gạch , đá , rổ , giỏ xách . Cứ lâu lâu lại có người chạy ra dồn lên . Thịt bán một nơi , các thứ khác bán một nơi , vì thế muốn mua hai thứ thì phải cầm theo hai cục gạch để sắp hàng hai bên , ai cũng thế cả nên thấy cũng quen . Bây giờ nghĩ lại thấy rất buồn cười , mà mấy bà bán hàng quốc doanh hồi đó rất là hách dịch , giờ mà bán hàng kiểu đó có mà ngồi ngáp ruồi
      P / s : Salam cũng có một bài thơ về Nghệ ngữ , để xem bài thơ của Lão Tân có giống không , nếu không giống thì sẽ đăng lên cho vui

      Xóa
    16. Ở Saigon, sau 75 có cảnh xếp hàng đặt cục gạch, nhưng chưa đến mức phải đục lỗ cái muỗng để khỏi bị lấy cắp.
      Nghĩ lại một thời tếu thật.

      Xóa
    17. Bát mà anh Salam nói còn gọi là bát B52. Nhưng không xâu chạc địu, vốn nó có vòng sắt để treo, còn nếu mất vòng sắt thì lấy dây sợi mà xâu vào. Chạc địu hồi đó cũng phân phối chứ có đâu mà sắn thế?

      Xóa
  4. Bà con bên họ ngoại của Giáo gốc Quảng Bình. Khi họ nói với mình, vẫn nghe tiếng được tiếng mất, nhưng khi mấy người QB cùng nói với nhau thì... chào thua, nỏ nghe cái chi mô! hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngay mấy lần gặp bác Bu, thú thật nhiều khi bác ấy nói nhanh cũng không nghe kịp. Nói chi người cùng quê QB nói với nhau -:)

      Xóa
  5. Ở nhà Marg món la séc được hiểu là món tráng miệng sau bữa ăn chính , có thể là trái cây ( không hẳn lúc nào cũng ướp lạnh ) , có thể là bánh ngọt hay chén chè... Món tráng miệng thì tiếng Tây gọi là dessert ( đết xe ) . Cho nên mấy chị em có lúc nói với nhau : từ chữ dessert mà nói trại thành la séc , ngộ thiệt . Giờ nghe bác nói là từ chữ glacer ra , mới biết là vậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ la séc mà từ glacer mà ra, là ngày xưa thày giáo dạy Việt văn lớp đệ nhị của tôi giảng như thế, bây giờ vẫn còn nhớ. Thày nói glacer, người Việt nói glát xê, lát xê, rồi thành la séc, thoạt đầu chỉ người bình dân mới nói la séc, vì không biết được gốc tiếng Pháp, sau thành quen, người trí thức hoặc có học chữ Pháp không dùng la séc, mà chỉ nói dessert để chie món tráng miệng.

      Xóa
  6. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  7. Phải nói bác Hiệp là nhà ngôn ngữ học quả không sai tẹo nào. Tiếng Nghệ bác còn dịch khá sát thì...rất đáng khâm phục lắm . Vì bác hình như chưa từng sống và tiếp với xúc vùng này mà chỉ qua suy luận .
    Để sân chơi có tiếng cười vui vẻ thoải mái sau những mệt nhọc hàng ngày , và cũng là chủ đề về ngôn ngữ , lão xin được đề nghị bác dịch cho một bài thơ tiếng Nghệ. Qua đó bác và mọi người hiểu thêm về phương ngữ này. Nếu bác đồng ý , lão sẽ chuyển vào đây một bài và bác cho ra một entry riêng về bài này. Như một bài dịch thơ . Đây là lời đề nghị chân tình , tạo điều kiện cho bác tiếp cận ngữ Nghệ trước khi quyết định về làm...rể xứ Nghệ. Hụ hụ...
    Bác cho ý kiến để lão chọn bài nhé . Kính mến.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hà hà, không rõ ra sao? Nhưng thôi, Lão Tân cứ chuyển bài thơ, tôi thử xem, chứ còn suy đoán, suy luận kiểu này mệt quá, suy cái này nó ra cái khác thì khổ :-)

      Xóa
    2. Hahà.." Được lời như cởi tấm lòng" . Hứa hẹn vừa bổ ích vừa vui đây. Bổ ích ở chỗ chúng nó có ...chửi mình bằng tiếng ...Nhật mình cũng biết chứ bác nhể.
      Đã là sân chơi ắt phải sự công bằng . Lão đây xin áo dài khăn đóng đi mời 3 vị sau đây vào vị trí giám ...thính.
      1 / Bác Bu
      2 / Nhà thơ xứ Nghệ: Trương Quang Thứ
      3 / Cô giáo - Nhà văn Nhật Thành .
      Lão Tan xin nhận cái chân điếu đóm cho bác. Salam xưa nay ưa quậy cho phụ trách hậu cần. ( Bác thích gì cứ đề xuất với hậu cần ).
      Ban giám thính sẽ do bác Bu làm ...tổng giám . Các giám thính sẽ cho ý kiến về chuyên môn về chuyển ngữ và thơ văn trong bài thơ Nghệ ngữ....
      Hàhà...Tối nay lão đây sẽ tìm và chon thơ . Cám ơn sự...dũng cảm của bác.

      Xóa
    3. Ấy, có gì mà dũng cảm, nếu thấy khó quá thì cứ như "Đấu trường 100", xin dừng cuộc hơi thôi, hì hì!

      Xóa
    4. Chen vô luôn! Ưu tiên cho giám thính được ra đố ở vòng thi thứ nhất bằng bài thơ của mình nha.
      NGHỆ NGỮ
      (Nhật Thành)
      Mời ênh về xứ Nghệ quê em
      Nhút có mặn, trôốc cá tràu nấu dấm
      Cứ ăn đi, gấu quê em trắng lắm
      Cơm cứ là chộ khu đọi ênh nà.

      Trưa gió Lào nóng rứa ngủ được mô
      Em dắc ênh lên rú mà nhởi cấy
      Bòe từng bầy, con mô con nấy
      Béo mượt lôông,ngong rành ưng ênh ơi!

      Và buổi triều ra rọng muống, gừn thôi
      Em xuống hái, ênh cứ dường mà đứng
      Có thương em, ênh cụng đừng có xuống
      Đỉa hấn bu, ênh bứt nỏ ra mô!

      Túi trằng trăng sáng vằng vặc rứa tề
      Em dắc ênh đi nhởi nhà hàng xóm
      Họ có trêu ênh đừng rầy, đừng thẹn
      Trạng mà cười, nỏ can chi mô ênh.

      Nếu khôông chê em tóm, em đen
      Ênh nhủ mẹ sắm trù cau, chai riệu
      Dạm ngọ, bỏ trù, mần dăm mâm liều liệu
      Để mình thành nhôông – gấy của nhau.

      Em sẽ ở ăn có trước có sau
      Dù ngài xấu nhưng lòng em chung thủy.
      Em sẽ thương ênh từ khi còn trẻ
      Đến khi ênh ngồi trúc cúi quá tai…

      Khi nại đến dừ em nói hơi dài
      Ênh có nghe nhưng chắc chi đã hiểu
      Thôi dừ ri: ênh đi mua tài liệu
      Em dạy ênh hòc Nghệ ngự nha ênh!

      Xóa
    5. Chơi luôn, lại ráng vận dụng hết khà năng phi thoàn:

      Tiếng Nghệ
      (Nhật Thành)

      Mời anh về xứ Nghệ quê em
      Mắm có mặn, đầu cá tràu (cá lóc, cá quả) nấu dấm
      Cứ ăn đi, gạo quê em trắng lắm
      Cơm cứ lùa thấy đáy bát (dùng chữ đít bát thì hơi phô) anh à

      Trưa gió Lào nóng chẳng ngủ được đâu
      Em dắt anh lên rừng mà chơi cái
      Bò từng bầy con nào con nấy
      Béo mượt lông, ngon lành lắm anh ơi!

      Và buổi chiều ra ruộng muống, gần thôi
      Em xuống hái, anh cứ đường mà đứng
      Có thương em, anh cũng đừng có xuống
      Đỉa nó bu, anh bứt chẳng ra đâu

      Tối trời trăng sáng vằng vặc thế kìa
      Em dắt anh di chơi nhà hàng xóm
      Họ có ghẹo anh đừng buồnm đừng thẹn
      Ráng mà cười không can chi đâu anh

      Nếu không chê em ốm, em đen
      Anh nhắn mẹ, sắm trầu cau, chai rượu
      Dạm ngõ, bỏ trầu, làm dăm mâm liều liệu
      Để mình thành chồng-vợ của nhau

      Em sẽ ăn ở có trước có sau
      Dù ngoài xấu nhưng lòng em chung thủy
      Em sẽ thương anh từ khi còn trẻ
      Đến khi anh ngồ đầu gối quá tai...

      Khi nãy đến giờ em nói hơi dài
      Anh có nghe nhưng chắc chi đã hiểu
      Thôi thế này: anh đi mua tài liệu
      Em dạy anh học tiếng Nghệ nha anh!

      Hichic, đúng là toát mồ hôi! Giải cảm!



      Xóa
    6. Có mấy chữ gõ sai, như buồnm = buồn, ngồ đầu gối = ngồi đầu gối.

      Xóa
    7. Quá giỏi! Vừa khen bác, vừa khen lão Tân tinh khi chọn anh rể!
      Vẫn còn mấy chỗ phải trừ điểm: Mắm, lùa, đường, ráng, ngoài.
      Theo biểu điểm, mỗi từ sai trừ 0,25 đ, vị chi là trừ mất 1,25. Bài dịch nhanh và hay, khuyến khích 0,5 điểm. Điểm cuối cùng: 9,25.
      Phần thưởng của NT cho số điểm rất cao này là lời chúc cho bác Hiệp và chị lão Tân hạnh phúc trăm rưởi năm! (có kèm theo phong bì nếu được mời dự dám cưới! He he...)

      Xóa
    8. 1.Nhút = nhút (đây là từ chỉ một loại thức ăn được muối từ quả mít non, xơ mít, hoa chuối, măng...rất mặn, từ nhút này không có từ toàn dân tương ứng.
      2.Cơm cứ là thấy đáy bát anh à.
      3. dường= bờ ruộng
      4. trạng = nói vui, nói khôi hài.
      5. ngài = người (dịch là ngoài thì cũng không sai lắm vì ở đây chỉ hình thức bên ngoài. Tuy vậy vẫn bị trừ điểm.)
      Cảm ơn bác đã hiểu nhiều về Nghệ ngữ!

      Xóa
    9. Cám ơn cô giáo NT đã chỉ cho những cái sai, Nghệ ngữ xứng đáng là một "sinh ngữ", đúng như Lão Tân nói, người Nhật, người Mỹ phải học tập chứ chẳng phải chơi :-)))

      Xóa
  8. trong công ty cháu có một bộ phận trong đó 4 người Huế. Họ mà nói chuyện bằng giọng Huế thì ôi thôi, cứ tưởng họ là người ngoài nước đó chứ :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi đó Bố susu, người miền Trung mà gặp nhau nói theo giọng và phương ngữ thi bó tay luôn :-)

      Xóa
  9. Đây là bài thơ cần chiuyển ngữ. Mong bác Hiệp ra tay để mọi người hiểu. Cứ chơi hẳn thanh 1 entry cho nó hoành tráng bác nhé. Lão sẽ đi mời ban giám thính nhé.
    QUÊ EM MÙA VỤ
    Mùa nực với mùa gắt
    Kêu chắc đến rồi tề
    Dừ sốt hơn bựa tê...
    Khát khô mui nẻ họng

    Ung bứt toóc dới rọng
    Mụ cào ló trửa cươi
    Con chắt ả mô ruồi
    Hắn cợi tru vô rú

    Bếp lạnh tanh mun trú
    Cho ga trọi ga bươi
    Nác chát ở mô ruồi
    Múc cho tui một đọi

    O tê ngong rành sọi
    Ả nớ chộ cũng tài
    O ả có thương ngài
    Nấu cho nồi nác chát

    Tui uống vô mát rọt
    Thứ chè gay rành tài
    Nắng ra răng mặc trời
    Cũng thua nồi nác chát.

    Khuyết Danh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vì là thơ - bác chuyển ngữ cũng thành thơ luôn nhé bác. Bác có quyền thắc mắc những gì chưa rõ , lão sẽ trả nhời nhưng không phạm luật. Chúc bác...mồ hôi hột ra nhiều cho phẻ.

      Xóa
    2. Lão à
      Bài của Thành bu tui đọc tại nhà Thành rồi.
      Riêng bài này duy chỉ một chữ bu phải hỏi, ấy là chữ gay: "Thứ chè gay rành tài".
      Nếu gay là địa danh sao Lão không viết hoa.
      Vậy gay là tính từ, thì quả là bu chưa biết, cho dù đã ở Nghệ Tĩnh 3 năm, trọ học trong một gia đình bán chè tươi

      Xóa
    3. Ôi trời...Cám ơn bác Bu đã ghé theo lời mời .
      Thôi thì...lộ rồi nên khai ra để bác Hiệp dễ chuyển ngữ.( Bác bu còn hơn cả người bản địa , soi trúng chỗ yếu điểm của bài thơ )
      Nguyên cả bài thơ này , chỗ này là cái " Gay go " nhứt cho người đọc. Lão cố tình không viết hoa để bác Hiệp vật lộn với nó. Nó là địa danh , chè của xứ Gay. Nếu trong tay bác Hiệp có cuốn TỪ ĐIỂN TIẾNG NGHỆ thì chắc cũng chào thua luôn vì không có từ này. Ý lão là sẽ giải thích thiếu sót sau để thử...IQ của nhà chuyển ngữ ngữ Phạm tiên sinh.
      Phía dưới bài thơ , lão có thả lỏng một câu là " Bác có quyền thắc mắc những gì chưa rõ..." là ý thế nào bác Hiệp cũng vấp chỗ này , phải hỏi. Ý đồ là thế , để xếp loại xuất sắc cho người chuyển ngữ trong câu thơ này lòe nhòe này. Ai dè ...giám thính mần trước.
      Xin sửa lại là Gay , chè xứ Gay bác ạ. Hèhè...

      Xóa
    4. Sẽ sửa chữa lại câu cú cho hoàn chỉnh bài thơ, ngày mai tôi sẽ post lên thành một bài viết để quý vị Giám khảo, Giám khán (Lão Tân dùng là Giám thính), bạn NT chắc là... Giám xúi. v.v... xem xét.

      Xóa
    5. Giám...thúi xin có ý kiến!
      Chẳng có xứ nào là xứ Gay hết! Gay là một danh từ chỉ giống chè thôi. Chè gay lá nhỏ, giòn, nước rất thơm và chát ngọt. Nhà hàng xóm om chè, không cần gọi thì mọi người cũng biết để sang, vì nó thơm lừng thế.

      Xóa
    6. Xin nói thên cho rõ: Chè gay trước trồng nhiều ở xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Hiện nay nhiều xã ở Anh Sơn và Tân Kì cũng đã trồng vì nó xuất khẩu được.Chè gay hợp nơi đất kho cằn Người ta lấy hạt đúc, còn loại chè trồng theo kiểu chiết cành không được ưa chuộng vì nó chát mà không ngọt.

      Xóa
    7. Rất đồng ý với ý kiến của Giám... thúi bên trên. Không thể viết chữ Gay (G viết hoa), vì chẳng có xứ Gay nào ở đây, chỉ có chè gay (g viết thường), đây là một loại chè "đặc sản có tiếng như bạn NT ghi bên trên, cũng tựa như tên gọi chè móc câu Thái Nguyên vậy. Cho nên trong bài dịch, thí sinh vẫn dùng chữ "gay" viết thường.

      Xóa
    8. Lão ơi
      Một nửa bà xã bu là ngài Đô Lương, nàng bảo gay địa danh.
      Bu chưa tin lắm bèn "tê lê gầm" cho một anh bạn thân ở Vũng Tàu quê ngay vùng Gay, anh ta bảo: Gay là địa danh ở xã Cao Sơn và Lĩnh Sơn huyện Anh Sơn Nghệ An. Ở hai xã này có chợ Gay khá sầm uất, người quanh vùng đến họp chợ khá đông. Gay là vùng đồi, chè trồng ở đây lá nhỏ, dày, bẻ gảy tanh tách, ngon nhất tỉnh Nghệ An.

      Xóa
    9. Đồng ý với bác Bu. Quê lão là vùng này , do vậy lão biết. Khi xưa là Gay , bây giờ qua bao đổi thay tên này chắc không còn mà dùng tên khác. Nó là địa danh thuộc Anh sơn như bác và Nhật Thành biết. Như thế , ta viết hoa chữ Gay chắc cũng ko sai.

      Xóa
  10. Đã ghé qua nhà bác Hiệp nhiều lần rồi nhưng chỉ đọc và cảm thấy tâm đắc, học được nhiều điều từ kiến thức uyên thâm của bác Hiệp chứ chưa dám viết cảm nhận gì. Nay có Lão Tan mời qua nhà bác tham dự một chủ đề mới. Từ đọc bài DƯA, DỨA, DỪA của bác, em đã bị cuốn hút vào sân chơi tiếp theo với thể tài hay về tiếng Nghệ.
    Thật ra tiếng Nghệ rất phong phú, đa âm đa nghĩa, nếu ko muốn nói là khá phức tạp. Vì trong tiếng Nghệ (bao gồm cả Hà Tĩnh) mỗi vùng quê lại có phương ngữ riêng hoặc nói, hiểu khác nhau. Chẳng thế mà cố nhà thơ Trần Hữu Thung lần đầu tiên đã có một cuốn TỪ ĐIỂN TIẾNG NGHỆ riêng trong cả nước, xuất bản năm 1972 dày 500 trang mà vẫn chưa thống kê và giải nghĩa hết được Nghệ ngữ. Nói đâu xa, thú thực em là người xứ Nghệ,rất chịu khó tìm hiểu tiếng bản quán quê mình nhưng nhiều khi vẫn thấy lạc vào mê hồn trận của ngữ nghĩa địa phương mình. Năm 1975, em ở Hà Nội, có em gái cùng đi dạo phố, em gái hỏi bà bán bánh đa rằng: "Từng mô cấy bánh khua ri?". hỏi đến 3 lần, bà cụ vẫn ớ mặt ra ko hiểu gì. Sau em phải phiên dịch lại: "Cụ bán giá bao nhiêu tiền một cái bánh đa?
    Lại một chuyện khác ở làng em:
    Hai người đàn bà đi ra đường gặp nhau
    - Cho mánh trù coi ả hoe
    - Lưa trù mô mà xơn. Có hai mánh, đi ra đàng gặp bãi cất chó đánh một mánh rồi, còn mánh nữa nhai đây nà.
    Dịch nghĩa:
    - Cho tôi một miếng trầu chị hoe ơi
    - Thừa trầu đâu mà xin. đi ra đường gặp phải bãi cứt chó, ăn mất một miếng rồi. Giờ còn một miếng nữa nhai tiếp là hết...
    He he...
    Tiếng Nghệ đi vào chương trình văn học địa phương các trường THCS do Bộ GD & ĐT quy định.Trong đề thi môn Ngữ Văn 7, thuộc kỳ thi khảo sát chất lượng học kỳ II năm học 2014-2015 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) vừa qua có câu hỏi 1 điểm yêu cầu dịch hai câu thơ sau bằng tiếng địa phương sang tiếng phổ thông:
    " Mô rú mô ri mô nỏ chộ/ Mô rào mô bể chộ mô mồ."
    Câu hỏi (đề bài) trên ko phải dễ nên học sinh hầu hết chỉ đạt 0,5 điểm...
    Hai câu thơ trên viết đúng theo tiếng phổ thông là như sau:
    " Đâu núi đâu non đâu chẳng thấy/ Đâu sông đâu biển thấy đâu nào."...
    Trở lại đề tài Lão Tân đề xuất bác Hiệp dịch Thơ tiếng Nghệ. Em xin được ngồi nghe và nếu có thể tiếp thu hoặc góp được ý kiến gì thì em sẽ nói sau ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Quang Thứ đã cất công ghé sang nhà, tiếng Nghệ thật phong phú, bây giờ tôi mới biết đến, và không ngờ là có hẳn cả một quyển từ điển giải thích tiếng Nghệ. Tôi có đọc sách thấy nói tiếng Nghệ khá gần gũi với tiếng Chăm, vì xưa kia vùng này có nhiều người Chăm cư ngụ.
      Rất vui được bác đến nhà, mong sẽ học hỏi thêm được nhiều điều, nhất là về "Nghệ ngữ" qua "trò chơi" thú vị này của Lão Tân.

      Xóa
    2. Bác Trương à
      Hoe có phải là người phụ nữ sinh con gái đầu lòng?
      Lưa theo bu tui là còn. Còn trầu đâu mà xin.
      Người Nghệ Tĩnh có nói thừa trong ngữ cảnh này không nhỉ ?

      Xóa
    3. Sau khi khá chật vật, tôi đã tạm dịch xong bài thơ trên. Bởi lỡ post bài "Banh chành", nên định ngày maii sẽ post bài thơ này cho các bác thẩm định.

      Xóa
    4. Kính gửi bác Hiệp!
      Em đọc bài và các lời com của bác, biết bác nhiều tuổi hơn em, nên em chỉ mong bác gọi em là chú hoặc tên thường cho thân mật và đúng vai thứ thôi ạ.
      Về tiếng Nghệ thì chắc bác cũng từng tìm hiểu và nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên em vẫn giới thiệu thêm cho bác và bạn đọc bài văn vần TỪ ĐIỂN TIẾNG NGHỆ khá quen biết của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo để bác tham khảo thêm và chuyển ngữ bài thơ tiếng Nghệ mà Lão Tan đưa ra. Chúc bác thành công tốt đẹp bác nhé!

      TỪ ĐIỂN TIẾNG NGHỆ BẰNG VĂN VẦN

      Con trâu thì gọi “con tru”
      Con dâu thì gọi “con du” trong nhà
      “Mấn” là “váy”, “ngái” là “xa”
      “Đi mô?” để hỏi ai là “đi đâu? ”
      “Nác su” ý nói “nước sâu”
      “Trấy bù” để gọi “quả bầu” đấy nha
      “Gác bếp” thì gọi là “tra”
      “Lông cơn” thực chất đó là “trồng cây”
      “Ra sân” thì nói “ra cươi”
      “Đi nhởi” ý nói “đi chơi” ấy mà
      “Chúng tao” thì nói là “choa”
      “Các bạn”, thân mật gọi là “bọn bay”
      “Tê” là “kia”, “ni” là “này”
      “Mi” “mần” ý nói là “mày” “làm” thôi
      “Chộ” là “thấy”, “nhác” là “lười”
      “Mắm tôm” cứ gọi “ruốc bôi” đúng liền
      “Đọi” là “bát”, ”nôốc” là “thuyền”
      “Khủy chân” đích thị có tên “lặc lè”
      “Đàng” là “đường”, “đấy” là “tè”
      “Thế thôi” thì nói “rứa hè” là xong
      “Rừng” là “rú”,“rào” là “sông”
      “Ngá khu” tức thị “ngứa mông” thật rồi
      “Mơ” là “mớ”, “thúi” là “hôi”
      “Nỏ nhởi” ý nói “không chơi” đó mà
      “Tê” là “kia, “tề” là “kìa”
      “Cái môi” tên gọi “cái thìa” đó em
      “Đánh nhau” – “đập chắc” nhớ liền
      “Ra răng” là muốn hỏi em “thế nào”
      “Ả” là “chị”, “tau” là “tao”
      “Rứa” là “thế”, “răng” là “sao” đó mà
      “Bổ” là “ngã”, “mả” là “mồ”
      “Lọi cẳng” để nói đó là “duỗi chân”
      Vải “đen” ắt hẳn vải “thâm”
      ”Trụt quỳn” ý nói “tụt quần” thế thôi
      “Dốc” là “trôộc”, “đôộng” là “đồi”
      “Mui” là để chỉ cái “môi” trước mồm
      “Đầu” là “trôốc”, “hun” là “hôn”
      “Ló” chưa hết là “Lúa” còn đấy em
      “Ngượng ” là “rầy” “thích” là “sèm”
      Ai hỏi đến “lả” thì châm “lửa” liền
      “Nỏ” là “không” nhé đừng quên
      “Lá trù” chính xác là tên “lá trầu”
      “Mắc” là “bận”, “mô” là “đâu”
      “Ăn nể” , “ăn vã” như nhau cả mà
      Có người gọi “bọ” là “cha”
      “Nương” là “vườn”, “rẫy” gọi là “nương” thôi
      “Bù rợ” “bí đỏ” đúng rồi
      “Nước chè” quê bạn, quê tôi “nác chè”
      “Nướng” là phải “náng” đó nghe
      Gọi mang lọ “mói” thì bê “muối” liền
      Trốc cúi” là “đầu gối” chân
      Nói “đài” múc nước phải cầm “gầu” ngay
      “Chủi” là cái “chổi” đây này
      Nói “rờ” thì cứ đưa tay mà “sờ”
      “Lúc này” tạm nói là “dừ”
      “Luộc kỹ gốc” nhé, “Loọc nhừ côộc” nha,
      “Con ga” để chỉ “con gà”
      “Con bê” choa nói đó là “con me”
      “Con suối” cứ gọi là “khe”
      ”Châu chấu” ngoài đó, ở quê “cào cào”
      “Hồ” nước được gọi là “bàu”
      “Cá quả” cứ gọi “cá tràu” không sai
      “Con người” thì nói “Con ngài”
      ”Cù cu” tên gọi của loài “bồ câu”
      “tối” nói “túi”, “túi” nói “bâu”
      “Con sâu” có chỗ gọi “trâu” thật mà
      “Hổ bắt” thì nói “khái tha”
      “Muỗi”, “giòi” thì gọi đó là “mọi”, “troi”
      “Con ruồi” thì nói “Con ròi”
      Bắt “tôi” “Nhúng” đít thì “tui” “trụng” quần
      “Con giun” phải nói “Con trùn”
      “Với chắc” có nghĩa là cùng “với nhau”
      “Lộ mô” có nghĩa “chỗ nào”
      Nói “vo trôốc” là “gội đầu” đó em
      “Gạo” thì gọi “gấu” đừng quên
      Ai nói đến “trự” nhớ liền “chữ” ngay
      ”Chạc” là để chỉ cái “dây”
      Nói đi “đâm” gạo hiểu ngay “giã” rồi
      Cả anh, em mẹ tới chơi
      Đều chào là “cụ” thế thôi em ờ
      “Sạu” thì phải hiểu là “ngô”
      ”O” là bác gái và “cô” đó mà
      “Mẹ chồng” vẫn gọi “mụ gia”
      “Ràn tru” phải hiểu đó là “chuồng trâu”
      “Ròi bu” ý nói “ruồi bâu”
      Hỏi nơi “rửa bát” là đâu “lộ chồ”
      Gọi “vợ” là “gấy”nhớ cho
      Nói “Nhôông” ắt hẳn chính là “chồng” thôi
      “Dao khoắm” là “rạ” đúng rồi
      Bảo đi lấy “toóc” thì lôi “rạ” về
      “Ruộng” là gọi “roọng” đó nghe
      “Anh nha” cứ nói “eng hè” là xong
      “Suôn” là “thẳng”, “ngoẹo” là “cong”
      “Nỏ mần răng cả” là “không việc gì”
      “Gõ đầu” là “trọi trốc” mi
      “Kệ tau” ý nói làm gì “mặc tôi”
      “Trúp vả” để chỉ cái “đùi”
      “Ả nậy” – “chị lớn” biết rồi chứ em,
      “Ngong” là “ nhìn”, “coi” là “xem”
      “Mệ va” – “chị ấy” mong em chớ cười
      “Lớn” thì nói “nậy” thế thôi
      “Lõi” ngô, lõi mít nói “cồi” đừng lo
      “Cây cọ” choa nói “cơn tro”
      Gọi “tắn”, gọi “tít” “rắn” bò “rết” ra
      “Mạo” là cái “mũ” đó nha
      Trong đó từ “rạc” nghĩa là “xác xơ”
      “Anh” là “eng”, “cô” là “O”
      “Mun” trong bếp củi là “tro bếp” mà…

      Xóa
    5. Tôi sẽ gọi là "bạn" hoặc là Quang Thứ (QT) vậy.
      Cám ơn QT đã gởi cho tôi bài bên trên. Tôi có quyển Từ điển Tiếng Huế của BS. Bùi Minh Đức, một bộ 2 quyển rất dày. Tiếng Huế và tiếng Nghệ có nhiều chữ tương đồng, tôi tra trong này cũng hiểu được ít nhiều.

      Xóa
    6. Tôi đã chỉnh coi như hoàn chỉnh bản dịch, post lên luôn để bạn QT thẩm tra.

      Xóa
    7. Kính gửi bác Bu!
      Em rất vui được gặp bác ở nhà bác Hiệp. Thật ra em đã đến nhà và đọc bài của bác nhiều rồi, cũng như đọc các ý kiến rất sâu sắc và khoa học của bác ở nhà bạn bè. Nhưng em chỉ lắng nghe và học hỏi chứ chưa dám ghi cảm nhận ở nhà bác. Cũng vì biết bác qua bài viết và các kênh thông tin nên em biết về tuổi tác bác là bậc đàn anh của mình. Vậy nên bác đừng gọi em là "bác" nhé. Mong có dịp em sẽ được giao lưu và học hỏi thêm từ bác.
      Về câu hỏi tiếng Nghệ của bác: "Hoe có phải là người phụ nữ sinh con gái đầu lòng?" thì đó là câu trả lời gần chính xác rồi đó bác ạ. Điều đó đã đc nhắc nhiều đến bên nhà Nhật Thành: Ả tức là chị, Hoe là con gái. Cu là con trai. Ả hoe hay Ả cu là chỉ người phụ nữ sinh con gái hoặc con trai đầu lòng. Vì vậy Lão Tan có bài viết Ả HOE là nói Ả giáo viên hôm trước đi du lịch có đến VT thăm nhà bác đó. Hì hì...
      Còn câu thứ 2: "Lưa trù mô mà xơn.". Đúng như bác nói "Còn trâu đâu mà xin". Tiếng LƯA ở đây hiểu theo một khái niệm tương đối và dùng tùy vào hoàn cảnh cụ thể. Lưa có nghĩa là thừa, (còn thừa, còn lại). ở trên là ý người phụ nữ trả lời bạn: không còn trầu nữa, vì có 2 miếng đã "đánh" hết hai lần rồi...
      Cảm ơn bác Bu đã quan tâm và có lời trao đổi. Mong bác luôn khỏe vui!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))