Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Chuyện từ chức và những con tò he.

Những con tò he bằng đất nung của Hội An, loại này thổi kêu tò te. Ảnh Internet.

Mấy ngày hôm trước đọc tin trên mạng, thấy có những bài viết nói về việc ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An từ chức dù không thấy phạm lỗi hay bi kỷ luật gì, và cũng còn mấy năm nữa ông ấy mới đến tuổi về hưu. Báo viết ông ấy nói nghỉ để nhường chỗ cho lớp trẻ.

Phải nói ngay đây là một "ca" khá lạ trong xã hội bây giờ. Như ta đã thấy, không dễ gì một quan chức lại chịu từ bỏ chức vụ, có nghĩa là từ bỏ danh lợi. Người ta luôn có muôn ngàn lý do để "tử thủ", cố bám lấy cái ghế quyền lực bằng mọi giá, "văn hóa từ chức" hầu như không hiện hữu trong xã hội ngày nay. Ở nước ngoài một chuyến xe lửa trật đường ray có thể sẽ dẫn đến việc ông Bộ trưởng giao thông từ chức, hay giá điện tăng không kiềm chế được ông Bộ trưởng năng lượng sẽ tự ra đi. Đấy  chỉ là những chuyện chỉ thấy ở xứ người.

Thế tại sao cái ông Bí thư Nguyễn Sự này lại... nhiễu sự thế nhỉ? Ông ấy muốn "chơi trội" hay sao? hay ông đã nhận ra rằng con đường danh lợi với người chính trực coi thế mà không sướng, nó chỉ mang đến cái nặng đầu? Không thể hiểu, nhưng các bạn cứ thử "trông mặt mà bắt hình dong" xem, dân gian hay nói "tai to mặt lớn" để chỉ những quan chức khuôn mặt lúc nào cũng đầy đặn, bóng nhẫy, còn ông Sự này... má hóp, mặt mũi gân guốc. cái khác nhau có lẽ ở chỗ đó. Thú thật, nếu hình ảnh trên báo chí của ông ấy không được ghi chú là Bí thư thành ủy, thì tôi sẽ nghĩ đó là một anh... nông dân hay một ông trưởng thôn nào đó, được báo chí đưa lên trong một đợt thi đua điển hình.

Phải nói ngay trong tất cả những điểm đến du lịch ở Việt Nam mà tôi đã có dịp đến, thì tôi thích nhất Hội An, đây là nơi tôi luôn muốn quay trở lại nếu có dịp. Một Hội An vẫn còn giữ được những nét cổ kinh trăm năm, một nơi mà khi ghé thăm bạn không sợ bị chặt chém, lừa đảo, không bị đội ngũ hàng rong hay ăn mày đeo bám, cũng không lo lúc nào cũng phải chăm chăm canh chừng cái túi bởi thằng móc túi, cướp giựt, và hơn hết là những con người ở đó hiền hòa... ngần ấy thứ thôi cũng đã ăn đứt tất cả những nơi khác, chưa kể những sản phẩm truyền thống địa phương. Tất cả những điều này có lẽ nói không ngoa. có công sức không nhỏ bao nhiêu năm của ông Nguyễn Sự, ông ấy tự rút lui khi đang làm được việc, xứng đáng điểm mười.

Nói đến Hội An, người ta hay nhắc đến những chiếc lồng đèn đủ màu sắc, nhưng tôi lại nhớ đến những con tò he bằng đất nung hơn. Những con tò he này có loại được quét lên một lớp dầu bóng, có loại để mộc, tôi thích loại để mộc. Mấy lần đến Hội An tôi đều mua khá nhiều về làm quà và chưng ở nhà. Người ta hay làm những con tò he theo mười hai con giáp, con tò he rỗng ruột, mỗi con có một hai cái lỗ nhỏ sau đuôi, thổi vào kêu te te, tò te. Người ta nói từ tiếng kêu tò te này mà thành ra tên gọi tò he.

Người bán tò he ở Hội Am. Ảnh Internet.

Bây giờ thì các con thú nho nhỏ từ loại làm bằng bột cho đến đất sét nung, thổi kêu được hay không kêu được đều gọi chung bằng cái tên tò he. Tôi thử tra trong từ điển tiếng Việt hơi xưa (trước năm 1975), chỉ thấy có Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội-1931) giải thích tò he là "đồ chơi của trẻ con, làm bằng bột tẻ hấp chín", và Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Hà Nội-1967) giải thích là "đồ chơi của trẻ em nặn hình loài vật, làm bằng bột tẻ hấp chín và tô màu". mấy quyển từ điển tiếng Việt in trong Nam trước năm 1975, như Việt Nam Tân tự điển của Thanh Nghị, hay Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí đều không có chữ Tò he.


Những con tò he làm bằng bột, loại không thổi kêu. Ảnh Internet.

Trên trang Wikipedia ghi nhận, tò he là một loại trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam xuất hiện ở vùng quê, từ miền Bắc không rõ từ lúc nào. Một nơi có truyền thống về nặn tò he  thấy ghi là làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Có lẽ ban đầu sản phẩm làm để cúng cho nên có hình dạng là đĩa xôi, nải chuối, mâm cỗ... Sau có thêm hình dáng những con vật như chim, công, gà, trâu, bò, cá, lợn... cho trẻ con chơi nên được gọi là "đồ chơi chim, cò". Có nơi gọi là con bánh, con giống. Ngoài màu sắc được pha từ những loại củ, quả như màu đỏ từ quả gấc, màu vàng từ hoa hòe, bột nghệ, màu xanh từ lá chàm, lá riềng... Cho thêm vào bột nặn mật mía có vị ngọt trẻ con chơi chán có thể ăn được. Sau người ta gắn thêm vào một cái còi nhỏ bằng khúc tre, trúc có gắn cái lá mía thổi te te, tò te, thành ra tên gọi tò he.

Về loại hình tò he nặn bằng bột bên trên, tương tự như ở Việt Nam, tại Nhật cũng là một nghệ thuật truyền thống lâu đời. có tên là Amezaiku.

Những con tò he Nhật Bản. Ảnh Internet.

Nghệ nhân nặn tò he Nhật Bản. Ảnh Internet.

So với những con tò he bằng bột với nhiều màu sắc bên trên, những con tò he bằng đất nung thổi lên nghe tò te tò te của Hội An trông không "bắt mắt" và tinh xảo bằng, nhưng nó cũng có những điểm riêng, đó là nét dân dã, mộc mạc, chân phương mà tôi rất thích. Nó xứng danh với tên gọi tò he hơn những sản phẩm bột màu bên trên.





17 nhận xét :

  1. Hơ hơ hơ ! Tò he thì phải có tò huýt , tò hoét đi theo chớ
    Hồi nhỏ Salam cũng hay được Mẹ thỉnh thoảng mua cho những con tò he xanh xanh đỏ đỏ , chơi chán rồi ăn luôn . Sau này đi chơi mấy hội chợ cũng thấy có người nặn tò he bán . Nhưng tụi nhỏ bây giờ chúng chả thiết tha , không có được sự háo hức của mình hồi trước .
    Bàn về văn hoá " Từ chức " bác Hiệp lại làm khó các bác lãnh đạo rồi , không có đâu , trường hợp bác Sự là chuyện hy hữu . Đơn giản là một người làm quan cả họ được nhờ , néu bỏ đi thì mà mất hết à , em chả dại
    Còn quan chức ở các nước thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác . Họ được giáo đục lòng tự trọng từ nhỏ . Dám chịu trách nhiệm về việc là sai cửa mình . Ví dụ như ông kỹ sư người Nhật ở Thổ nhĩ Kỳ khi thi công làm sập dây văng cầu dù không làm chết ai , nhưng vì lương tâm nghề nghiệp , vì lòng tự trọng của bản thân , ông đã tự tử . Còn nhiều trường hợp khác nữa . Điều đó cho thấy tầm tư duy của họ khác hẳn quan chức mình . Cho nên văn hoá từ chức của ta thì mọi người cứ mơ đi , không ai đánh thuế giấc mơ nên Salam mong mọi người cứ tiếp tục mơ đi nghen

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tò he mà không kêu mới lạ bác Salam :-) Những con tò he bây giờ trẻ con ít thích, chúng mê "điện tử" hơn.

      Chuyện ông kỹ sư người Nhật bên Thổ Nhĩ Kỳ thấy tội nghiệp, người ta có lòng tự trọng cao quá, chẳng bù cho quan chức xứ... lạ.

      Cho tôi một giấc mơ, hì hì!

      Xóa
  2. Ông Bí thư Hội An Nguyễn Sự đã từng được nhà văn Nguyên Ngọc viết một bài rất hay trên báo tết ... Dạo này trên Facebook lại thấy ông Sự đèo ông Ngọc đi dạo phố bằng xe đạp, mặt mũi hai ông tươi hơn hớn trông có vẻ ý hợp tâm đầu lắm.
    Bây giờ ai chơi với ông Ngọc coi chừng bị theo dõi, vì ông đã từ giả Hội Nhà văn Việt Nam (do chinh ông tham gia lập ra năm 1957) để thành lập Văn đoàn độc lập…

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay là để được đèo ông Ngọc sau xe đạp mà ông Sự phải... từ quan, hì hì!

      Ai chơi với những người như ông Ngọc, ông Nguyễn Huệ Chi... bây giờ cũng khổ, tưa như ngày trước chơi với những ông Trần Đức Thảo, Phùng Quán, Trần Dần... vậy. Người như ông Ngọc phải từ bỏ "đứa con tinh thần" do mình góp công tạo ra cũng khổ lắm chứ chẳng phải chơi.

      Xóa
  3. Bác nói đến con tò he làm con nhớ về tuổi thơ. Thi thoảng đi theo mẹ đi chợ phiên, ở các cổng chợ hay các dịp lễ hội ở các làng xung quanh (làng con thì không có hội, cả đời đi xem "ké") đều có các ông "nghệ nhân" nặn tò he bán cho con nít. Theo thời giá thì khi đó là 500 đồng 1 con. Thích con gì họ nặn đó, từ chó, mèo, gà, vịt, cô Tiên, ông Bụt. Riêng con thì chỉ thích các nhân vật trong truyện Tây Du nên luôn đòi mẹ phải mua cho đủ Tam Tạng, Tôn Hành Giả, Trư Bát Giới, Sa Tăng thì con mới chịu. Không đủ thì con không mua. Như bác Salam nói ở trên thì chơi chán rồi thì bẻ từng con bỏ miệng ăn ngon lành. Sau này, lớn lên thì con cũng được tới làng Xuân La và cũng biết đây là một nghề truyền thôang của làng. Giờ thì bó đã gần như "tuyệt chủng", thi thoảng có hội chợ hàng truyền thống thì các cụ già được mời đi biểu diễn chứ không thể làm kinh tế bằng cin tò he nữa.
    Còn chuyện từ chức ở trên, có nhiêu ý nghĩ thì bác Hiệp và bác Salam đã nói giùm con hết rồi. Cám ơn hai bác. :)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ thỉnh thoảng tôi cũng thấy những người nặn tò he bán nơi công viên, cũng có những đứa trẻ đòi mua, nhưng có khi người lớn thích nhiều hơn.
      Nhiều nghề truyền thống thế này bị mai một dần, trẻ con bây giờ thích "ai pát" hơn. Thời thế mà, đành phải thế.
      Nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ như bạn HT cũng thích thật.

      Xóa
  4. Góp vui thêm về chủ đề bài viết của bác Hiệp một bài thơ mới sưu tầm được nhân vụ ông Nguyễn Sự từ chức

    KIM THỜI HY NHÂN

    Báo chí truyền lan tựa tiếng mìn
    Rằng ông rũ áo khó mà tin
    Từ quan Bác đúng là hy hữu
    Hám chức , người thôi cứ đỏ khìn
    Danh lợi dửng dưng kiên dạ chối
    Hưu nhàn thanh thản quyết lòng xin
    Dẫu rằng khắp chốn đều chê dại
    Mặc kẻ tham quyền vẫn cố vin
    ( Vũ Quang Huy )

    Trả lờiXóa
  5. Mấy con tò he Nhật nhìn cũng hay , không lòe loẹt màu sắc như của mình , lại đa dạng hơn tò he của Hội An .
    Người ta gọi Ông Sự là con én Hội An nghe cũng hay

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Màu sắc của con tò he Nhật tinh tế hơn, tò he mình thuộc loại xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng, nhưng giờ em nhỏ nó cũng chán rồi.
      Con én này dù sao cũng làm nên mùa xuân Hội An.

      Xóa
  6. 1. Bài này bác NHP viết dễ thương quá, đem chuyện tò he kết hợp với chuyện ông Sự từ chức và điểm cái từ của đông tây kim cổ để thấy ở VN cổ thì nhiều nhưng kim không hề có kể cả chai mặt chịu búa rìu dư luận và báo chí trong, ngoài nước. Hình như quan chức VN thấm nhuần sâu sắc câu "Con ơi nên giữ nghề cha/ Một giờ tham nhũng hơn ba năm làm". Hihi.
    2. HN cũng nghe nói nhiều về ông Sự, qua thời gian, có cảm tưởng rằng đây là người có lòng với thành phố, với dân Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung, một quan chức thanh liêm. Nghe kể rằng ông phải ở trong một ngôi nhà không sang trọng mấy, phải mượn tiền mua xe cho con đi học ở SG mà KHÔNG HỀ LÀ GIẢ CHẾT ĐỂ CHE MẮT, CHE MIỆNG THẾ GIAN! Và cũng có lần, thấy có người viết là ông có vườn cây cảnh rất giá trị, hình như là quà biếu, không nhiều.
    3. Tò he đi vào kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người, ở BKK cũng thấy bày bán đọc đường của những người bán rong, phần nhiều làm bằng bột và nhiều màu sắc.
    Cám ơn bác NHP đã nghĩ về Hội An như suy nghĩ nhiều năm trước của HN và HN nghĩ rằng, trong 40 năm nay, ông Sự là một trong những người làm việc nhà nước, chức vụ cao mà HN quý trọng (HN không dùng chữ người cộng sản). Hihi.
    Cám ơn bác Bu và Marguerite Bangtam cho thêm vài thông tin thú vị trong cmt của mình!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác HN, hì hì, "một giờ tham nhũng bằng ba năm làm", bác HN ví von hay thiệt, thế mới biết dân ta mạt vì chuyện này.
      Chỉ nhìn "bộ dạng" của ông Sự thôi là tôi tin rằng ông ta không ở trong hàng ngũ... chuột (chuột - chữ của người đứng đầu cấp cao, trong vụ "ném chuột vỡ bình"), má hóp, mặt mũi gân guốc, và dĩ nhiên không có cái bụng bia rượu. Và lòng tự trọng của ông này cao. Như bác Bu nói, chơi thân với ông Ngọc nhà văn thì chắc không phải là tay dzởm.
      Rất tiếc những người như thế này lại quá hiếm.

      Xóa
  7. Ông Sự và con tò he đất nung có mối liên hệ. Cùng là sự mộc mạc, chân tình xưa cũ, thành ra lạc lõng giữ thời buổi hoành tráng, rực rỡ nhưng đầy bon chen, tỵ hiềm hiện nay. Ý bác Hiệp thế chăng...

    Em có viết bài cám ơn HA, tức là có cám ơn ông Sự đã giữ được một HA như thế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì! Chính xác luôn Toro, đúng là nhà báo, rất tinh ý. Con tò he mộc mạc bằng đất nung, không sắc sảo, màu mè như loại bằng bột, nhưng quan trọng là nó "đúng là con tò he", tức là biết "lên tiếng", cũng giống như ông Sự, trông như anh nông dân, nhưng làm được việc.

      Hội An luôn để lại những cảm xúc trong tôi.

      Xóa
  8. Hơ hơ hơ ! Hôm nay tìm được bài thơ Tò He , góp vào bài viết của Bác cho đủ bộ nghen

    TÒ HE

    Xanh đỏ trắng hồng , lại lẫn đen
    Nặn nên ông Thánh với bà Tiên
    Trương Phi trợn mắt nom chiều giữ
    Quan vũ râu dài ngó bộ hiền
    Hưng Đạo phất phơ xua Bọ ác
    Trưng Vương rút kiếm giết sâu hèn
    Những phường Tô Định hay Tào Tháo
    Bỏ miệng nhai luôn há giận phiền

    ( Vũ quang Huy )

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))