Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Kiêu sa hay kiêu xa?



Trưa hôm nay (21-5-2015) xem trên tivi kênh HTV7 trong chương trình "Trong sáng cùng tiếng Việt" có nói về từ "kiêu sa" hay "kiêu xa"?. Hai nhân vật là vợ chồng tranh luận về một người phụ nữ đẹp, kiêu hãnh, phải dùng chữ "kiêu sa" hay "kiêu xa" viết thế nào là đúng (người vợ cho là viết "kiêu xa" mới đúng, còn ông chồng chọn "kiêu sa"). Đây là một từ bây giờ cũng hay dùng hằng ngày, chẳng hạn ta nghe nói "Nàng công chúa kiêu sa", hay "đấy là một cô gái kiêu sa", và có thể hiểu để chỉ một người phụ nữ đẹp, sang trọng, kiêu hãnh. Có vẻ như bà vợ  sai khi khẳng định phải viết là "kiêu xa".

Diễn giả của chương trình là một tiến sỹ về ngữ văn của một trường đại học đã phân tích hai từ trên và trả lời như sau (đại ý kết luận): Từ gốc của từ bên trên là "kiêu xa" chứ không phải "kiêu sa". Từ "Kiêu sa" là do chữ "kiêu xa" được phát âm trại đi mà thành. 

Thật sự là thoạt đầu tôi cũng nghĩ bà vợ sai khi dùng từ "kiêu xa", bởi  ta chỉ quen thấy từ "kiêu sa" xuất hiện trên báo chí, cũng như trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Thế là tôi lại phải lôi cái đám từ điển trên kệ sách xuống. Quyển từ điển tiếng Việt xưa Đại Nam Quấc Âm Tự Vị không thấy có chữ "kiêu sa" lẫn "kiêu xa".

Hán Việt Tự điển của Đào Duy Anh giải thích chữ "Kiêu xa" 驕 :  kiêu ngạo và xa xỉ

Quyển Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931) thấy có giải thích từ "Kiêu xa" 驕  : Kiêu căng xa xỉ: Con nhà phú quí quen thói kiêu xa. Không có từ "Kiêu sa"

Việt Nam Tân Tự điển của Thanh Nghị (NXB Thời Thế Saigon-1952) giải thích chữ "Kiêu xa": tt. Kiêu căng và xa xỉ. Fastuex luxurieux. Không có từ "Kiêu sa".

Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí (Saigon-1971) giải thích từ "Kiêu sa": tt. Kiêu kỳ xa xỉ. Không có từ "Kiêu sa".

Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ - Nhóm biên soạn Quang Hùng-Khắc Lâm (NXB Từ điển Bách Khoa-2007) giải thích từ "Kiêu xa": trt. Kiêu căng xa xỉ. Cũng không có từ "Kiêu sa".

Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ do nhóm Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng-TT Từ Điển Học-1997) có đủ ghi đủ cả hai chữ "Kiêu sa" "Kiêu xa":

- Kiêu sa: d. (Người phụ nữ) đẹp và kiêu hãnh.
- Kiêu xa: t. (cũ; id). Kiêu căng và xa xỉ.

Như vậy qua khảo sát từ điển của các thời kỳ, ta có thể thấy thoạt đầu chỉ có từ "Kiêu xa", có nghĩa là "kiêu căng, kiêu kỳ, xa xỉ", Từ này mang ý nghĩa xấu, người nào bị cho là "người kiêu xa" có nghĩa là bị chê bai là người kiêu căng, xa xỉ, mà khi nói người kiêu căng, xa xỉ thì có thể dùng để chỉ cho cả nam lẫn nữ.

Còn "Kiêu sa" là một từ phái sinh từ chữ "Kiêu xa", có thể là do ban đầu phát âm sai nhưng sau đó đã trở thành một từ mới, với ý nghĩa khác với từ "Kiêu xa" cũ. "Kiêu sa" được dùng để chỉ người phụ nữ đẹp, sang trọng, đài các và kiêu hãnh. Một người phụ nữ được cho là "Kiêu sa" không hẳn là một người xấu (có thể "hơi chảnh"), và từ "Kiêu sa" chỉ để chỉ phụ nữ không dùng để chỉ nam giới.










15 nhận xét :

  1. giống như địa danh Hàng Xanh đọc trại ra từ Hàng Sanh phải ko bác Hiệp?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này có phần giống mà cũng có phần khác. Hàng Xanh là đọc trại từ Hàng Sanh, nhưng cùng mang một ý nghĩa (chỉ một địa danh). Còn khi đọc từ "Kiêu xa" ra "Kiêu sa" thì nghĩa của nó đã có phần biến đổi rồi Bố susu.

      Xóa
  2. Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí (Saigon-1971) giải thích từ "Kiêu sa": tt. Kiêu kỳ xa xỉ. Không có từ "Kiêu sa".
    Tôi cho rằng bác Hiệp đánh máy nhầm. Có hai lần "kiêu sa".
    Thực tình tôi thấy bây giờ dùng phổ biến "kiêu sa", ít gặp "kiêu xa". Như vậy đây là hai từ với nghĩ khác nhau, chứ không phải là một từ viết sai chính tả
    Cám ơn bác Hiệp!.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi không rõ bác Vũ Nho xem trong quyển từ điển tiếng Việt của Ban Tu Thư Khai Trí-Saigon1971 là bản nào, nhưng bản tôi có in khổ nhỏ, thì chỉ có từ "Kiêu xa" với ý nghĩa kiêu kỳ xa xỉ, chứ không có từ "Kiêu sa".
      Theo như giải thích của chủ biên chương trình tôi xem trên tivi, vị TS ngữ văn của Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP. HCM có giải thích từ "Sa" như bác Bu đã giải thích bên dưới, không có nghĩa trong chữ Hán-Việt, và ông có nói rõ chữ "Kiêu sa" là do biến âm của "Kiêu xa", và được dùng khác với nghĩa của từ "Kiêu xa" ban đầu. Có lẽ "Kiêu sa" là một từ phái sinh từ "Kiêu xa".
      Qua xem xét các từ điển tiếng Việt xưa nay tôi nghĩ ý này là đúng, các từ điển tiếng Việt gần đây như tôi đã xem cũng không có từ "Kiêu sa", từ điển của nhóm Hoàng Phê thì có thêm từ "KIêu sa".
      Cám ơn bác đã vào xem và cho ý kiến.

      Xóa
    2. Thưa bác Hiệp!
      Tôi không có và không tra từ điển đó. Tôi chỉ chép lại trong bài viết của bác câu đó. Và tôi nghĩ là bác đánh máy nhầm. Xin chép lại 3 từ điển bác tra để bác thấy rõ cái nhầm đó. Lỗi ở từ điển thứ 2.

      Việt Nam Tân Tự điển của Thanh Nghị (NXB Thời Thế Saigon-1952) giải thích chữ "Kiêu xa": tt. Kiêu căng và xa xỉ. Fastuex luxurieux. Không có từ "Kiêu sa".

      Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí (Saigon-1971) giải thích từ "Kiêu sa": tt. Kiêu kỳ xa xỉ. Không có từ "Kiêu sa".

      Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ - Nhóm biên soạn Quang Hùng-Khắc Lâm (NXB Từ điển Bách Khoa-2007) giải thích từ "Kiêu xa": trt. Kiêu căng xa xỉ. Cũng không có từ "Kiêu sa".

      Xóa
    3. Hì hì, xem lại thì ra tôi đánh máy nhầm, "Kiêu xa" chứ không phải "kiêu sa" bác Vũ Nho.
      Cám ơn bác.

      Xóa
  3. Xin lỗi vì đánh máy nhầm "với nghĩ" xin đọc là VỚI NGHĨA

    Trả lờiXóa
  4. Cái từ Kiêu Sa ( là một tính từ ) mà TT Từ điển học Việt Nam mới nhắc tới năm 1997. Theo Salam biết thì nó đã có từ hồi xa xưa rồi . Hồi nhỏ đọc những tác phẩm văn học của nước ngoài đã thấy từ Kiêu Sa để chỉ những người con gái đẹp trong giớ thượng lưu
    Từ Sa nhiều lúc cũng chỉ người con gái đẹp ví dụ : nàng ấy đẹp chim Sa , cá lặn
    Theo bác Hiệp thì từ Kim Xa theo thời gian thì bị biến âm và biến nghĩa thành Kim Sa , có lẽ cũng đúng đó Bác
    Còn một trường hợp nữa là : Chữ Sa có nghĩa là hạt Cát , và cũng có nghĩa là dải Lụa mỏng , tượng trưng cho cái đẹp và mong manh
    Chữ Kiêu nếu ghép với nhiều từ sẽ cho nhiều ý nghĩa như: Kiêu ngạo , Kiêu binh , Kiêu căng , Kiêu bạc , Kiêu dũng , Kiêu hùng , Kiêu kỳ v v v . Mà những từ đó không thể dùng để chỉ người con gái đẹp được , nên người xưa ghép thêm chữ Sa vào thành Kiêu Sa chăng ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Salam đã cho thêm ý kiến khá thú vị về từ "Kiêu sa".

      Xóa
  5. Về kiêu sa và kiêu xa các bác bàn thế là kỹ lắm.
    Thời xưa người ta có cách nói về người con gái đẹp là xét về hiệu quả của nhan sắc. Chẳng hạn đẹp đến nỗi chim nhìn thấy hoảng hồn rơi xuống, cá nhìn thấy không bơi được mà phải nhảy, nói gọn là “chim sa cá nhảy”. Chắc chắn bốn từ này được dịch từ “trầm ngư lạc nhạn ” (沉 魚 落 鴈) tức là cá (chết) chìm, chim nhạn rơi. Sa trong chim sa là chữ nôm. Còn sa trong kiêu sa không có nghĩa gì trong 15 chữ sa ở từ điển Hán Việt. Nhưng nói cô gái kia kiêu sa thì đúng là cô ấy đẹp và kiêu kì thiệt. Đẹp đến nỗi ta phải kính nhi viễn chi thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu, ý kiến của bác Bu rất xác đáng.
      Theo tôi "kiêu sa" là từ phái sinh từ "kiêu xa", mang ý nghĩa khác với từ ban đầu.

      Xóa
  6. Từ hồi còn "mài thủng đít quần" trong lớp học, HN đã nghe từ "kiêu sa", bây giờ, khi viết, HN cũng viết vậy nhưng đọc bài này và đọc các cmts thiệt thú vị. (trước đây HN dùng từ "chia xẻ", bạn bè góp ý, bây giờ phải dùng từ "chia sẻ". Hihi.) Cám ơn bác NHP nhiều.

    Trả lờiXóa
  7. Từ ngữ biến đổi theo năm tháng, có thể sai mãi thành... đúng phải không bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sai thành đúng, đúng thành sai. Chẳng hạn như chữ "nguyên thỉ", bây giờ ai viết thế là sai, phải viết "nguyên thủy", hì hì!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))