Xôi gấc trong đám cưới. Ảnh Internet.
Trong entry trước tôi có viết về món ăn dân dã xôi lúa (còn được gọi là xôi ngô, xôi bắp), hôm nay sắp cuối tuần rồi, nhân đây xin nói thêm ba điều bốn chuyện chữ nghĩa nữa về... xôi.
Ít nhất nói nghiêm túc xôi cũng có hai nghĩa (ở đây xin không bàn đến nghĩa... giang hồ). Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ (Hoàng Phê chủ biên), xôi được giải thích như sau:
- Xôi: I. danh từ: 1. món ăn bằng gạo nếp đồ chín. 2. (phương ngữ): cơm nếp.
II. động từ (cũ): nấu xôi. Xôi một chõ xôi.
Chữ xôi ở đây (nghĩa thứ II.) có nghĩa là nấu, những từ đồng nghĩa: nấu, xôi, thổi. Như: nấu một nồi cơm, thổi một nồi cơm, thổi một nồi xôi, xôi một chõ xôi). Chữ xôi có nghĩa là nấu còn hiện diện trong câu nấu sử, xôi kinh (hay xôi kinh, nấu sử), cũng được viết là nấu sử, sôi kinh.
Trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội-1931), chữ xôi cũng có hai nghĩa:
- Xôi: 1. Thứ đồ ăn bằng gạo nếp nấu cách thủy.
2. Dôi ra, nở ra. Sinh xôi nảy nở.
Sau này chữ xôi ở nghĩa thứ 2. được viết dưới dạng sôi: Sinh sôi nảy nở.
Trong entry này tôi muốn nói đến từ xôi (danh từ), có nghĩa là món ăn được đồ từ nếp, và một số câu thành ngữ, ca dao nói về món xôi.
- Ăn mày đòi xôi gấc: Là ăn mày đi xin người ta cho thứ gì thì biết thứ ấy, còn đòi xôi gấc (xôi gấc là thứ xôi thường được sử dụng trong đám cưới, đám giỗ), ý chỉ kẻ tham lam.
- Ăn xôi chùa ngọng miệng: đã ăn của người khác cái gì rồi thì không dám mở miệng chê bai phê bình nữa.
- Ăn xôi chùa, quét lá đa: Ăn xôi của chùa thì phải quét lá đa, ý nói khi đã được hưởng cái gì của người khác thì phải làm gì đó bù đắp lại, tựa như câu có qua có lại mới toại lòng nhau.
- Ăn xôi đòi đĩa: Có lẽ câu này có hai ý: 1. đã được cho ăn xôi còn đòi luôn cả đĩa đựng (chẳng hạn kẻ ăn mày ghé đám giỗ nhà người ta xin, được cho nắm xôi ăn, còn đòi phải đựng trong đĩa), ý nói kẻ không biết điều. 2. đựợc ăn xôi còn đòi (lấy) luôn cả đĩa đựng xôi, ý nói kẻ tham lam, tựa như câu được voi đòi tiên.
- Chết chẳng muốn, muốn ăn xôi: xôi là thứ thường có trong đám cúng giỗ, ý nói muốn hưởng nhưng lại không muốn đánh đổi lại cái gì.
- Cho xôi không bằng đòi đĩa: khi cho xôi thường xôi được đựng trong đĩa, đã có lòng tốt cho (biếu) ai xôi, lỡ người ta quên (hay chưa kịp trả đĩa), thì việc đi đòi đĩa là hành động khó khăn, không được tế nhị.
- Cho xôi không bằng đòi đĩa: khi cho xôi thường xôi được đựng trong đĩa, đã có lòng tốt cho (biếu) ai xôi, lỡ người ta quên (hay chưa kịp trả đĩa), thì việc đi đòi đĩa là hành động khó khăn, không được tế nhị.
- Có thịt đòi xôi: Cũng tựa như câu ăn mày đòi xôi gấc.
- Có xôi nói xôi dẻo, có thịt nói thịt bùi: xôi dẻo, thịt bùi là thức ăn ngon, ý nói người thích khoe khoang, món nào mình có cũng cho là ngon.
- Cơm tẻ ăn no, xôi vò chả thiết: xôi vò là món ăn ngon, ngày xưa thường có trong lễ giỗ, lễ cưới, ý nói đã no (đầy đủ) rồi thì không thiết gì nữa.
- Hết xôi rồi việc: Hết xôi thì cũng xong chuyện, ý nói chỉ vì miếng ăn chứ không vì tình nghĩa, cũng tựa như câu hết cơm hết gạo hết ông tôi.
- Xôi giả vạ thật: ý nói lợi lộc đâu không thấy, chỉ thấy tai họa.
- Xôi hỏng bỏng không: xôi và bỏng là hai món ăn dân gian, xôi được đồ từ gạo nếp, bỏng là hạt thóc nếp (lúa nếp) rang nổ bung ra, bỏ đi lớp vỏ trấu bên ngoài, thường hạt bỏng được ngào thêm với mật, đường, nắm lại thành nắm tròn bằng nắm tay hay đóng thành bánh, là món ăn chơi trẻ con ngày xưa ưa thích. Câu thành ngữ ý nói xôi, bỏng cũng hỏng ăn (không được ăn), làm việc gì đó nhìn thấy có lợi mà cuối cùng không thu được kết quả gì.
- Xôi thịt nó bịt lấy miệng: cũng như ăn xôi chùa ngọng miệng.
- Xôi thịt thì ít, con nít thì nhiều: ý nói cái lợi thì ít mà có nhiều người giành giật, như mật ít ruồi nhiều.
Trong bài thơ Làm lẽ của nhà thơ Hồ Xuân Hương có câu:
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Chữ "hẩm" ở đây có nghĩa là đồ ăn bị thiu, ôi, mốc không còn ăn được (cơm hẩm, gạo hẩm, xôi hẩm).
Một vài câu ca dao liên quan đến xôi:
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một như đường mía lau.
- Chuối ba hương: chuối chín thắp ba tuần hương (Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam, Vũ Dung-Vũ Thúy Anh- Vũ Quang Hào, NXB văn Hóa-Thông Tin-1998). Chuối ngon chín tới.
- Xôi nếp một: xôi nấu bằng nếp một (nếp hạng nhất).
- Đường mía lau: mía lau là loại mía cây nhỏ hơn mía thường, có vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt, cũng là vị thuốc, thường được nấu làm nước mát uống mát gan, giải nhiệt, giải độc cùng với một số cây cỏ vị thuốc khác như rễ tranh, mã đề, râu bắp, hoa cúc...
Câu ca dao trên không ví mẹ già với những gì sang trọng, xa vời, mà ví với những sản vật rất dân dã nhưng ngon ngọt, quen thuộc quanh ta...
- Xôi nếp một: xôi nấu bằng nếp một (nếp hạng nhất).
- Đường mía lau: mía lau là loại mía cây nhỏ hơn mía thường, có vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt, cũng là vị thuốc, thường được nấu làm nước mát uống mát gan, giải nhiệt, giải độc cùng với một số cây cỏ vị thuốc khác như rễ tranh, mã đề, râu bắp, hoa cúc...
Câu ca dao trên không ví mẹ già với những gì sang trọng, xa vời, mà ví với những sản vật rất dân dã nhưng ngon ngọt, quen thuộc quanh ta...
Vài câu ca dao khác:
Có duyên lấy được chồng già,
Ăn xôi bỏ cháy, ăn gà bỏ xương.
Ăn trầu thì phải có vôi,
Cúng rằm thì phải có xôi có chè.
Có oản anh tính phụ xôi,
Có cam phụ quýt, có người phụ ta.
Mẹ em tham thúng xôi dền,
Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng.
Bây giờ kẻ thấp người cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.
- Xôi dền: xôi vừa chín đến, Việt Nam Tự Điển, Hội Khai Trí Tiến Đức. Xôi đồ vừa chín tới (cũng như chuối ba hương là chuối được thắp ba tuần hương vừa chín tới), những gì vừa chín tới đều ngon. Thúng xôi, con lợn béo, tiền Cảnh Hưng ngày trước được dùng trong sính lễ cưới, hỏi (Giúp em một thúng xôi vò/ Một con lợn béo, một vò rượu tăm - Tát nước đầu đình).
...
Chắc chắn còn thiếu nhiều, xin mời các bạn bổ sung.
"Hết xôi rồi việc"
Trả lờiXóa"Chán như cơm nếp nát" (câu này ko có xôi mà lại có xôi)
...
"Chán như cơm nếp nát" (câu này ko có xôi mà lại có xôi), hihi đúng quá cụ Nô, không có xôi mà lại có xôi. Theo Từ điển Việt Nam (Hoàng Phê chủ biên), ở nghĩa 2. (phương ngữ) giải thích thì cơm nếp cũng còn gọi là xội :-)
XóaĐọc bài xôi của bạn, sáng nay đi bộ nhìn chăm chú vào hàng xôi của một người đẹp, nàng đon đả: Mời chú xơi xôi cúc. Xôi cúc là xôi gì hở cô. Dạ, là xôi có rau khúc. Nghe lạ, bu tui mưa một gói 10 ngàn. Hóa ra rau khúc ở đây là đậu xanh đánh nhuyển rồi vo viên lại trộn vào xôi nếp...Cũng là một dạng "xôi hỏng bỏng không"....
Trả lờiXóaHìhì! Xôi khúc là xôi của người Bắc đó bác Bu, còn gọi là "bánh khúc" (không phải bánh đúc), bây giờ không hiểu sao người ta lại gọi thành "xôi cúc", xôi khúc gồm một lớp nhân đậu xanh nhuyễn bên trong, có vị mặn chứ không ngọt, thêm một cục thịt mỡ nhỏ. Bao bên ngoài nhân là một lớp bột mịn dẻo, chính lớp bột mịn dẻo này được trộn với nước của một loại lá gọi là "lá khúc" băm nhuyễn, cho nên làm đúng thì lớp bột dẻo bao quanh nhân phải có màu hơi xanh, lấm tấm lá khúc băm nhuyễn. Lá khúc fạo cho món ăn có vị thơm đặc trưng (cũng tựa như bánh gai của người Bắc). Bên ngoài lại được bao thêm một lớp xôi trắng nữa.
XóaCó lẽ cô bán hàng này bán cho bác Bu "một cục" xôi cúc (xôi khúc) như thế là mười ngàn đồng. Ở Saigon những tiệm như Như Lan, Bánh mì Hà Nội bán một cục xôi cúc hai mươi, ba mươi ngàn, nhân nhiều, xôi nhiều, nhưng cái chính là mùi thơm của lá khúc bây giờ không còn nữa.
bác Bu mua 10k là rẻ đó, cháu mua 12k lận đó :)
XóaXứ Saigon là đắt đỏ nhất :-)
XóaBu tui học ngoài bắc làm việc ngoài bắc mà tù mù về miền bắc quá, phải chịu PNH là bắc kì thứ thiệt cho dù bạn chưa về miền bắc hihihi
XóaHihi, không hiểu sao những gì về miền Bắc tôi lại biết khá nhiều, có lẽ tại khi vào miền Nam tôi sống trong khu xóm, đi học từ tiểu học với toàn dân Bắc.
XóaChào bác, ghé tạt vào đọc bài, entry thú vị lắm; mạn phép góp chút chút cho vui vui entry, bác nhé:
Trả lờiXóa1/ Bờ xôi ruộng mật (= Ruộng đất màu mỡ, phì nhiêu, dễ làm ăn)
2/ Mặt đầy xôi thịt (=Miêu tả một người hám danh lợi, luôn vơ về mình, mặc dù đã có nó rồi! Chứ ai chưa có gì thì không gọi là xôi thịt mà chỉ gọi là tham )
3/ “Lốc cốc rồi lại leng keng
Con gà trống thiến thì riêng cho thầy
Đơm xôi thì đơm cho đầy
Đơm mà lưng đĩa thì thầy không ưng…”
4/ “Tay bưng quả nếp vô phòng
Đèn hương đôi ngọn, chữ bá tòng cầu hôn.”
5/ “…Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười”
6/ “ Sống thời con chẳng cho ăn
Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi.”
7/” Có chả, em tính phụ xôi
Có cam phụ quýt, có người phụ ta.”
P/s: Thi sĩ Nam Trân trong ”Huế, đêm hè” có 4 câu thơ...
- “Hai tay xách hai vịm,
Một vài mụ le te,
Tiếng non rao lảnh lót:
Chốc chốc: "Ai ăn chè?"
4 câu thơ, làm gợi gợi nhớ…tiếng rao lảnh lót vang vang vọng đâu đâu đó...trong ngõ nhỏ xóm nhỏ...
- ”Ai ăn…Chè xôi nước…hôôôôô….ôôô..nnnn..!”
Hihihihihihihihi....
Cám ơn bạn Tung Tín đã ghé chơi và đã bổ sung thêm từ ngữ.
XóaNhững tiếng rao thời còn trẻ thơ mỗi tối: ai ăn chè... Ai chè đậu xanh nước dừa đường cát... luôn là một ký ức của tôi :-)
Cũng đồng thời có mỗi chữ " xôi " mà được dùng trong những câu châm ngôn khác nhau thì lại mang ý nghĩa khác nhau nhiều ! Hay và thật là thú vị ! Tiếng việt mình đa dạng và phong phú về nghĩa quá chừng !
Trả lờiXóaTiếng Việt rất hay đó NangTuyet, cũng như cô giáo trẻ kia giở sồ ra gọi Hồ Văn Tèn, hìhì!
Xóa