Luận văn Thạc sỹ Luật của anh bạn Toro.
Vừa qua tôi nhận được quyển luận văn của anh bạn Toro ở Hà Nội, một bạn Blog đã từ lâu rồi trở thành bạn trong cuộc sống. Thỉnh thoảng anh bạn Toro đi công tác vào Saigon lại phone anh em gặp nhau cafe. Quyển luận văn viết về "QUYỀN CON NGƯỜI VÀ HƯƠNG ƯỚC Ở VIỆT NAM (Qua Khảo Cứu Một Số Hương Ước Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ Nửa Đầu Thế Kỷ XX). Đây là quyển luận văn Thạc Sỹ Luật Học của anh bạn Toro (xin bật mí, anh bạn Toro đã tốt nghiệp hạng Ưu với luận văn này).
Để viết luận văn, anh bạn Toro đã sử dụng nhiều tư liệu, trong đó có những tư liệu là hương ước của một số vùng tại Bắc bộ trong nửa đầu thế kỷ XX, như hương ước làng Ngọc Cục (Nam Định, tên làng nghe ngồ ngộ), hương ước xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây)... Biết tôi quê quán ở Nam Định (Làng Ngọc Cục, Tổng Hành Thiện, Phủ Xuân Trường), nên anh bạn Toro đã gởi tặng tôi một quyển luận văn, cùng bản photo hương ước của làng Ngọc Cục, được lập vào năm 1942 tại làng. Ông cụ thân sinh ra tôi sinh quán tại làng Ngọc Cục năm nay đã 89 tuổi vẫn còn minh mẫn, đã rất vui khi tôi đưa cho cụ xem bản hương ước ấy. Trong hương ước có viết nhiều điều khoản nói về trách nhiệm của những người điều hành làng lúc bấy giờ, như Lý trưởng, Xã trưởng, Thư ký, Thủ quỹ...., cùng trách nhiệm của người dân sống trong làng, từ người ngụ cư đến người mới nhập cư.
Một trang photo của bản hương ước làng Ngọc Cục (Nam Định).
Cũng có cả điều khoản chia lễ sau buổi lễ ở đình làng, chẳng hạn điều khoản của hương ước làng Ngọc Cục ghi rõ một con lợn sau khi lễ cái thủ chia cho ai, hai cái cẳng cho ai... Bộ lòng được làm cỗ chung..., rồi đến xôi, oản... thật chi tiết. Người dân ngày xưa nhiều khi cả đời không ra khỏi lũy tre làng, ít người biết chữ (Hán, Nôm, Quốc ngữ, tiếng Pháp), và cũng không dễ tiếp cận được với sách báo để biết luật lệ quốc gia (thời ấy không nhiều sách vở, tài liệu cũng như những thông tin), cho nên chỉ biết đến bản hương ước của làng. Hương ước là trên hết, bởi vậy trong dân gian mới có câu "Phép vua thua lệ làng" là thế. Ở đây xin không bàn đến chuyện hay dở của hương ước, mà chỉ nói đến như chuyện "thế thời phải thế"..
Nói về hương ước, trong một quyển sách** nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết: Sách Tục lệ cổ truyền làng xã Việt Nam kể rằng ở hương ước nhiều làng đàn ông cũng như đàn bà khi gặp viên quan sai trên phái về hỏi, thì việc gì cũng phải bảo là không biết. Nếu máy mồm trả lời, "bản xã phát hiện ra sẽ phạt nặng".
Mới đây tôi đọc được thông tin trên mạng về chuyện tước giải báo chí của một nhà báo (là Tổng biên tập một tờ báo, cũng xin không đi sâu vào tên tuổi, chi tiết) do gian dối (không phải là tác giả của bài báo được giải). Chuyện này có vẻ như đã trở thành bình thường ở xứ ta (một hình thức của đạo văn, đạo nhạc... xảy ra khá nhiều trong xã hội). Tuy nhiên trên một trang mạng tôi chú ý đến một thông tin, một người có chức trách trong Hội nhà báo Việt Nam đã đề nghị tờ báo đã phanh phui việc gian dối, và các báo khác không nên đăng tin về quyết định tước giải này, với lý do là để tránh gây ảnh hưởng xấu tới Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, Hội Nhà báo Việt Nam.
Không rõ thông tin đề nghị không đăng tin tước giải trên trang mạng ấy của vị quan chức có đúng không? Giữa thời buổi thông tin toàn cầu như thế này thì những chuyện như thế làm sao giấu nổi, trang mạng BBC Tiếng Việt cũng đã đưa tin về việc tước giải ấy. Lẽ ra trước một chuyện như thế này thì Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, và Hội Nhà báo Việt Nam cần phải minh bạch thông báo rộng rãi, như thế thì mới có tác dụng răn đe, ngăn ngừa những chuyện tương tự tái diễn. Thông tin rộng rãi như thế theo tôi không làm ảnh hưởng xấu, mà ngược lại, sẽ nâng cao uy tín của các cơ quan hữu trách liên quan.
Chuyện đề nghị các báo Việt Nam không đưa tin làm tôi nhớ đến câu chuyện về hương ước của nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết bên trên. Nếu đúng vậy, thì giữa thời buổi bùng nổ thông tin như thế này, mà người ta còn suy nghĩ và hành xử như ở cái thời còn hương ước?
Ghi chú:
* Hương ước (鄉 約): hương (鄉): làng (lấy nghĩa chính liên quan), ước (約): điều các bên thỏa thuận với nhau (lấy nghĩa chính liên quan). Những luật lệ nơi làng quê ngày trước, do dân làng thỏa thuận với nhau đặt ra.
** Quyển Những chấn thương tâm lý hiện đại, Vương Trí Nhàn, NXB Trẻ & Thời báo Kinh Tế Sài Gòn - 2009.
Thì đầu óc của mấy ổng vẫn còn là đầu óc thời quan quyền như xưa thôi mà anh Phạm! Vậy thì VN cứ lạc hậu dài dái là phải quá rồi! hic... Chuyện xấu thì che đậy, bưng bít, chuyện tốt có chút xíu thì thổi phồng lên như... cái bụng ếch vậy. Cái câu "Tốt khoe xấu che" là một trong những câu nên bỏ đi, và nên giảng giải cho kỹ cái tác hại của nó trong thời buổi hiện nay.
Trả lờiXóaChết cho đất nước là ở chỗ ấy. Bây giờ nhiều người quay qua... cám ơn cái giàn khoan (hichic). Cám ơn ở chỗ nhờ nó mà nhiều chuyện mới được phơi bày (tỉ như chuyện công hàm 1958), rồi những "tư duy kiểu hương ước" mới lộ rõ. Dẫu sao cũng là điều tốt, nhờ thế mà những suy nghĩ của xã hội đang chuyển động, theo hướng tích cực :-)))
XóaĐồng ý với Giáo là cái câu "Tốt khoe xấu che" nhiều khi chỉ là cái cớ cho sự bưng bít.
Ở nước mình là như thế ấy ....;chứ ở nước ngoài quyền tự do ngôn luận , tự do báo chí rất cao nên người dân cứ tìm hiểu và phanh phui ra hết ...chứ không có cái vụ bưng bít che đậy " Tốt khoe xấu che " đâu nè ...ngay cả bộ máy chính phủ đương thời cũng phải không ngoại lệ ....
Trả lờiXóaCái khác biệt là ở chỗ đó NangTuyet, bởi vậy xã hội của họ mới tiến...
XóaMột chính thể minh bạch đến mức cao nhất có thể (dĩ nhiên có những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia không thể công khai) luôn luôn là một chính thể mạnh, hì hì!
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaKhông biết Vương Trí Nhàn trích câu đó ở Hương ước làng nào. Thời xưa rõ là lạc hậu rồi, nhưng nghiên cứu Hương ước mới biết trong đó chứa đựng rất nhiều quy định rất nhân văn, thậm chí có nhiều cái công khai, minh bạch và dân chủ hơn ngày nay. Đáng kinh ngạc anh H ạ.
Trả lờiXóaHương ước đưa ra những quy định phù hợp với nhu cầu của chính dân làng đó, nên tùy làng mà quy định khác nhau. Hương ước Ngọc Cục cho thấy làng rất giàu có và có học vấn.
Đúng là Hương ước là một hình thức dân chủ ở làng quê ngày xưa, mọi thứ đều được công khai minh bạch, và cứ theo đó mà làm, mà xử, không có kiểu "muốn xử sao thì xử", hay "án bỏ túi" như ngày nay. Còn chuyện đưa luôn cả một số điều như ông VTN nói để "bịt miệng dân" thì tầm bậy rồi.
XóaHương ước là tùy theo tình hình mỗi làng mà người dân bàn bạc điều khoản cho phù hợp. Nói chuyện với ông cụ tôi, cụ nói làng Ngọc Cục ngày xưa là làng giàu, phát về buôn bán (xưa nhiều làng có khi không có được ngôi đình, mà làng Ngọc Cục có đủ thứ đền thờ). về học hành cũng tương đối nhưng không bằng Hành Thiện (2 làng cách nhau một con sông), làng Hành Thiện hình như là làng của ông Trường Chinh, ông cụ tôi nói làng ấy phát về khoa bảng.
em rất muốn xin bản hương ước làng Ngọc Cục trọn bộ để gửi về cho các cụ được không ạ>?
Trả lờiXóadạ em em là một người con làng Ngọc Cục người đã lập web langngoctien.vn và sưu tập nghiên cứu văn hóa làng Ngọc Cục ah! rất mong anh Phạm Ngọc Hiệp có tư liệu gì quý giá về làng cho em xin theo địa chỉ hangphimncv@gmail.com ah!
Trả lờiXóaĐược rồi, tôi sẽ chụp lại và chuyển đến bạn theo Email trên.
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaBạn Văn Viễn Dinh ở đâu? tôi có thể cung cấp bản photo cho bạn.
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Xóa