Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Chuyện nọ xọ chuyện kia.




Cuối tuần chở bà xã đi chợ, trong khi chờ tôi ngồi quán cà phê cóc vỉa hè ở đầu chợ, nghe mấy ông bàn kế bên luận về bóng đá Word Cup, những Bình luận viên vỉa hè như thế này có lẽ bình về bóng đá không thua gì giới chuyên nghiệp của truyền hình hay báo chí. Họ bàn thấu đáo về sự sa sút của những đội tuyển lừng danh như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha..., đến hiện tượng Costa Rica, một đội bóng thường thường bậc trung khu vực Trung Mỹ, tự nhiên đá lên chân bất ngờ, thắng cả 2 trận đầu hiên ngang vào vòng 1/16 sớm...

Bốn năm ông ngồi cà phê bàn bên bàn luận bóng thật say mê, có ông khoe từ đầu vòng chung kết Word Cup đến giờ chưa bỏ sót trận nào, coi đủ cả 3 trận một đêm. Dĩ nhiên là cũng phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt, ăn cơm tối xong đã phải lo đi ngủ, để đến 11 giờ thức giấc coi trận đầu tiên, rồi cà phê chè lá để thức, còn mấy ông kia dù mê nhưng chịu không thấu phải chọn trận hay mà xem, riêng có một ông than thỉnh thoảng trận nào hay lắm mới dám thức xem, bởi bị tăng xông, mới thức coi một hai đêm mà huyết áp đã lên vùn vụt, có nguy cơ... đứt bóng. Thế là ông ta bị bà xã cấm tuyệt cái chuyện thức đêm xem bóng đá, dân ghiền mà phải coi bóng đá chiếu lại vào ngày hôm sau thì chán chết. Ông ấy than tuy mê thế mà cũng không dám cãi... lệnh bà, và chuyện bị cấm vận bóng đá của ông kia, được một ông khác kết luận bằng câu thành ngữ "lệnh ông không bằng cồng bà".

Hihi, tôi chú ý ngay đến câu "lệnh ông không bằng cồng bà", đây là một câu thành ngữ khá quen thuộc, theo tôi hiểu một cách nôm na thì câu này ám chỉ "vai trò nữ tướng" của các bà nội trợ, ý kiến của "bà" trong nhà là "hết sẩy", "năm bờ oăn". Tuy nhiên tôi định về nhà sẽ thử tra lại sách vở xem câu này trong sách giải thích ra sao?

Sau khi tra thử năm quyển sách có giải thích chữ "lệnh ông không bằng cồng bà", tôi được những câu giải thích như thế này:

1/- Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam, Vũ Dung-Vũ Thùy Anh-Vũ Quang Hào (NXB Văn Hóa - Thông Tin - 1998). "Lệnh ông không bằng cồng bà": (cồng: nhạc khí gõ không định âm, bằng hợp kim đồng, giống cái chiêng nhưng không có núm, dùng để phát hiệu lệnh). Ý kiến, quyền hành của người vợ là quan trọng hơn, là quyết định hơn (trong công việc nội bộ gia đình).

2/- Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam, Nguyễn Lân (NXB Văn Học - 2010).  "Lệnh ông không bằng cồng bà": lời nói đùa để chế các ông chồng sợ vợ. (Có người nói xuất xứ của tục ngữ này là khi Triêu Quang Phục phát lệnh chiêu tập binh mã để đánh giặc ngoại xâm thì kết quả không bằng khi bà em là bà Triệu Thị Trinh dùng tiếng cồng để tập hợp nghĩa quân).

3/- Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ, do nhóm biên soạn Quang Hùng - Khắc Lâm (NXB Từ Điển bách Khoa - 2007).  "Lệnh ông không bằng cồng bà": việc ai nấy lo, đừng xen vào nội bộ của người khác (lệnh là cái ống lối hay cái thanh la để đưa ra hiệu lệnh ở làng).

4/- Sách Kể chuyện Thành ngữ Tục ngữ, Viện Ngôn Ngữ Học, Hoàng Văn Hoành chủ biên (NXB Khoa Học Xã Hội - 1994).  "Lệnh ông không bằng cồng bà": nói về quyền quyết định mọi việc của người phụ nữ trong gia đình... Về mặt ngữ nghĩa, chỉ có chữ "lệnh" là điều băn khoăn duy nhất. nên hiểu "lệnh" là "mệnh lệnh" hay là "cái lệnh", một dụng cụ dùng ở các nhà thờ, đền chùa? Trong thế đối ứng với "cồng" người ta dễ chấp nhận "lệnh" là dụng cụ phát ra âm thanh. Cái đáng quan tâm nhất là tại sao lại lệnh ông không bằng cồng bà? Trong dân gian có 2 cách hiểu về vấn đề này.
Theo nhiều người, thành ngữ này gắn liền với việc chiêu mộ binh lính của anh em Triệu Thị Trinh. Trong khi Triệu Quốc Đạt phát lệnh chiêu tập bính lính kết quả không được bao lăm, thì bằng tiếng cồng vang vọng. Triệu Thị Trinh đã tập hợp quanh mình rất nhiều nghĩa sĩ.
Nhiều người khác lại khẳng định xuất xứ của thành ngữ này gắn liền với tục cưới xin ở một số dân tộc ít người. Số là khi làm lễ cưới, bên nhà trai phải phát lệnh trước để xin dâu, nếu đồng ý bên nhà gái đánh cồng đáp lại. Trong trường hợp không nghe thấy tiếng cồng tức là chưa được rước dâu. Rõ là tiếng cồng nhà gái (cồng bà) có quyền quyết định tối hậu.

5/- Tạp chí Văn Học (số 1 năm 1974 với chủ đề về Văn học dân gian), bài viết Tục ngữ với Truyền thuyết anh hùng của tác giả Trần Đức Các. Bài viết như sau: Lệnh ông cồng bà, theo lời kể của nhân dân vùng núi Nưa Thanh Hóa thì cội nguồn sâu xa của câu tục ngữ này là từ câu chuyện Bà Triệu cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa chống quân Ngô. Trong lúc luyện binh cũng như trong giờ ra trận, binh lính chia làm hai cánh quân, một cánh do Bà Triệu và một cánh do Triệu Quốc Đạt chỉ huy. Để tránh sự nhầm lẫn giữa hai cánh quân, Bà Triệu dùng cồng, Triệu Quốc Đạt dùng lệnh làm hiệu lệnh chiến đấu (cồnglệnh đều là nhạc khí bằng đồng thông dụng ở vùng Thanh-Nghệ, nhân dân thường sử dụng trong việc săn bắn). Từ đó mà binh lính truyền nhau "Lệnh ông cồng bà". Ý nghĩa thô sơ ban đầu của câu tục ngữ chỉ là thế...
Thế rồi trong quá trình phát triển, câu tục ngữ đã tách khỏi ý nghĩa ban đầu để tiếp nhận một nội dung mới. Từ câu "Lệnh ông cồng bà", chuyển thành câu "Lệnh ông không bằng cồng bà" mà nhân dân đã vận dụng để thể hiện vai trò "nội tướng" của nữ giới trong gia đình...

Một câu thành ngữ khá thông dụng trong dân gian, nhưng qua năm quyển sách chúng ta đã thấy có những điều giống và khác nhau trong cách giải thích. Ba quyển sách số 1, 4, 5 nội dung giải thích giống nhau, là đề cao vai trò "nội tướng" của người phụ nữ trong gia đình. Quyển số 2 của Nguyễn Lân giải thích là lời nói đùa để "chế các ông chồng sợ vợ", ý nghĩa đã khác, đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình không hẳn là ông chồng phải sợ bà vợ. Tuy nhiên xét cũng không đến nỗi khác nhau quá. Đến quyển số 3 (Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ, do nhóm biên soạn Quang Hùng - Khắc Lâm) chủ biên, đã thấy cách giải thích khác quá xa.  "Lệnh ông không bằng cồng bà", được giải thích là "việc ai nấy lo, đừng xen vào nội bộ của người khác", thì xem ra câu giải thích không mấy ăn nhập gì đến câu thành ngữ đang giải thích.

Nhưng ở quyển số 2, từ điển của Nguyễn Lân có một sai lầm khá nghiêm trọng về lịch sử khi viết "Có người nói xuất xứ của tục ngữ này là khi Triệu Quang Phục phát lệnh chiêu tập binh mã để đánh giặc ngoại xâm thì kết quả không bằng khi bà em là bà Triệu Thị Trinh dùng tiếng cồng để tập hợp nghĩa quân". Tôi nhấn mạnh những chữ Triệu Quang Phục, bà em và Triệu Thị Trinh, bởi Triệu Quang Phục tức Triệu Việt Vương sinh năm 549, mất năm 571, không thể có bà emTriệu Thị Trinh (Triệu Ẩu) sinh năm 225 mất năm 248 được (bà em lớn hơn ông anh đến mấy trăm tuổi). Theo sách sử thì bà Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa chống quân Đông Ngô (Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim).

Xem ra trong những câu giải thích về thành ngữ "Lệnh ông không bằng cồng bà", thì cách giải thích của quyển sách số 5 là Tạp chí Văn Học số 1 năm 1974 hay và hợp lý hơn cả. "Cồng" là nhạc cụ (cồng chiêng) thì chắc chắn sẽ đối với "lệnh" cũng là nhạc cụ như chú thích, chẳng phải băn khoăn gì nữa. Và theo đó thành ngữ này là câu phái sinh từ câu tục ngữ "Lệnh ông cồng bà" mà Tạp chí đã ghi nhận.

Điều sau cùng tôi nhận thấy chỉ một câu đơn giản,  nhưng nếu có được nhiều nguồn để tham khảo ta có thể tìm thấy được nhiều điều thú vị.


Ghi chú về Thành ngữ & Tục ngữ:

- Thành ngữ: Cụm từ hay ngữ cố định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở trong câu.
- Tục ngữ: Câu ngắn gọn, có cấu trúc tương đối ổn định, đúc kết kinh nghiệm sống, đạo đức, tri thức của một dân tộc. Khác với cách ngôn, tục ngữ không bao hàm ý nghĩa khuyên răn trực tiếp. Ví dụ: Thuốc đắng dã tật. Uống nước nhớ nguồn. sai một li đi một dặm.

(Từ điển Giải thích Thuật ngữ Ngôn ngữ học, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Giáo Dục - 2003).

- Thành ngữ (成 ): Nhóm từ cố định nói lên một ý, thường hiểu với nghĩa bóng.
- Tục ngữ (俗語): Câu nói hoàn chỉnh ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nhiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân.

(Từ điển Từ Hán Việt, Lại Cao Nguyên chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội - 2007).

Xét theo những định nghĩa trên thì câu "Lệnh ông cồng bà", là câu đúc kết kinh nghiệm (nhận biết, phân biệt) giữa tiếng lệnh của ông (Triệu Quốc Đạt), và tiếng cồng của bà (Triệu Thị Trinh) làm hiệu lệnh chiến đấu, không có nghĩa bóng, đây là câu Tục ngữ. Còn câu phái sinh "Lệnh ông không bằng cồng bà" là câu được hiểu theo nghĩa bóng đề cao vai trò nữ giới trong gia đình, đây là câu Thành ngữ.


Tham khảo:

- Các sách đã dẫn.




15 nhận xét :

  1. Có ý kiến thế này

    Thời nước ta còn bị nhà Đông Hán đô hộ, ông Thi Sách chồng bà Trưng Trắc, được viên thái thú Tô Định bổ dụng làm một chức quan nhỏ. Mục đích của Tô Định là dùng người bản xứ trị người bản xứ và thông qua đó lấy họ làm trung gian để phục vụ cho công cuộc cai trị của mình; nhưng khốn nỗi, nước ta thời ấy còn theo chế độ mẫu quyền – vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội được đề cao hơn nam giới – cho nên những điều mà ông Thi Sách ban bố (theo lệnh Tô Định) chẳng được ai nghe và kết quả là ông bị Tô Định giết! Điều đó lý giải tại sao lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán lại là Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và em bà là Trưng Nhị), chứ không phải là một đấng mày râu nào khác, và đó chính là xuất xứ của câu tục ngữ: “Lệnh ông không bằng cồng bà”...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã cho thêm một cách giải thích :-)))

      Xóa
  2. Nô vẫn hiểu "lệnh" là một dụng cụ phát ra âm thanh (gọi nhạc khí có chuẩn không hè?), chứ không phải là "mệnh lệnh" và cái vụ "không bằng" chắc được thêm vô sau này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ nô đặt câu hỏi có lý, "cồng" là nhạc khí (nhạc cụ) thì hẳn rồi bởi một bộ của nó có nhiều cái to nhỏ khác nhau, đánh lên cho nhiều cung bậc, người Thượng thiểu số đánh thành bài bản. Nhưng "lệnh" có phải là "nhạc khí" không, như theo tạp chí Văn Học số 1/1974 đã nói? Theo Việt Nam tự điển của Hôi Khai Trí Tiến Đức và Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê chủ biên, giải nghĩa "lệnh" là cái "thanh la". Có lẽ cái thanh la (bằng đồng) này chuyên đánh lên để có nhiệm vụ báo hiệu (ra hiệu lệnh), cho nên nó mới có tên là "lệnh".

      Mục đích chính của "lệnh" là thế nên tôi nghĩ "lệnh" chỉ có một chiếc (có thể làm ra kích cỡ khác nhau tùy từng vùng), nhưng "lệnh" (thanh la) có lẽ không thành bộ như cồng. Nhưng nếu không xếp "lệnh" vào nhạc khí thì xếp vào loại gì? Chẳng hạn như trống (cũng được sử dụng làm hiệu lệnh - trống lệnh) cũng được xếp vào nhạc khí. "Lệnh" (thanh la) cũng được dùng trong đền, chùa... hoặc trong ban nhạc dân gian (tuy đánh lên chỉ cho một âm thanh), nên tôi nghĩ xếp vào nhạc khí (nhạc cụ) cũng đúng.

      Tôi có thử tra trên mạng, thấy cũng có nhiều bài viết về câu thành ngữ này, nhưng bài tôi tìm được trong Tạp chí Văn Học số 1/1974 theo tôi giải thích hợp lý nhất.

      Xóa
  3. Hihi ...chỉ có một câu " Lệnh ông cồng bà " ...mà dân gian truyền miệng ....rồi cuối cùng cho ra câu tục ngữ " Lệnh ông không bằng cồng bà" nghĩ cũng hay anh nhỉ ? Nói về quyền hạn của một người phụ nữ trong gia đình thì có nhiều câu tục ngữ khác nghe cũng thật thấm thía ...nhưng thật ra vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng rất quan trọng đó cơ ...phụ nữ giỏi và đảm đang thì mới nắm quyền được , chứ phụ nữ chả biết gì để đỡ đần cho chồng ...thì làm sao mà ông chồng " lắng nghe " được anh hén ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vai trò người phụ nữ trong gia đình là quan trọng lắm chứ, nội tướng là từ xưa mà, bây giờ có bà ra ngoài cũng "tướng" luôn, hì hì. Phụ nữ là quan trọng lắm NangTuyet, thật đấy, thế giới mà không có phụ nữ thì đàn ông sống làm gì? :-)))

      Xóa
    2. Dạ ...phụ nữ cũng vậy cơ ...nếu hỏng có đàn ông thì cuộc đời vô cùng tẻ nhạt vì hỏng có ai để " bắt nạt " ...hihi ...

      Xóa
    3. Haha, thì ra "mục đích cuối cùng" là thế, nhưng mà vô cùng chính xác đó NangTuyet. Nói chơi thôi, không bị phụ nữ bắt nạt thì buồn lắm đó :-)))))

      Xóa
  4. 1. Trước hết, phải cám ơn mấy "ông cafe" vỉa hè mới có "chuyện nọ xọ chuyện kia" thú vị này!
    2. Cám ơn bác NHP khá nhạy bén và nhọc công tìm hiểu để chúng ta có thể có cái nhìn về cái gọi là "tính hàn lâm và bác học" của cái gọi là "kính thưa các loại từ điển ở VN" sau 1975.
    3. Cũng là dịp để nhìn rõ hơn tác giả Nguyễn Lân và nhóm của ông ta.
    4. HN cũng thiên về ý kiến thứ 5 và ý kiến nobita cho rằng "lệnh" là nhạc cụ.
    5. Nhân comment của bác Bu, cho rằng chồng bà Trưng là Thi Sách thì HN thưa thêm là hồi đi học, HN được Linh mục Nguyễn Phương (nay đã qua đời) dạy rằng chồng bà Trưng tên là Thi, chữ "Sách" này không viết hoa và giữa 2 chữ có dấu phảy (,) ,sách là sách động, sai bảo. Việc này có nhắc đến trong "Phương pháp sử" của LM nxb Đại học Huế, tư liệu mà cha trích dẫn là đáng tin, câu trích dẫn khá dài đã hơn 40 năm nên HN chữ nhớ chữ quên. Tác giả Lê Thí là học trò của cha đã viết về vấn đề này đăng trên KTNN đã lâu, không thấy ai nói gì!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1. Trong dân gian vùng Thanh Hóa còn truyền tụng nhiều câu vè, ca dao có liên quan đến "lệnh ông, cồng bà", chẳng hạn: Này cò này cấu/ Này đấu này thưng/ Lưng sào cánh ná/ Này lá này lao/ Nghe cồng bà rao/ Nghe lệnh ông gióng/ Nghe voi rông rống/ Chong chóng chạy về/ Hê hê/ Chạy.

      2. Từ điển bây giờ hiếm tìm được quyển thực sự nghiêm túc, như quyển Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên bây giờ được dùng nhiều, tôi tra thấy cũng chưa phải là ô kê. Nhưng còn hơn những quyển khác.
      3. Đúng là nói thì tội, nhưng những quyển từ điển Hán Việt, tiếng Việt... của tác giả Nguyễn Lân sai sót và nhiều khi dùng từ ngữ đến lạ, trong khi NL được nhiều sách vở đề cao là người luôn "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt". Như ông ấy giải thích từ "khu trục" là đánh đuổi thì đúng, nhưng lại kèm theo câu thuyết minh hết sức kỳ quặc "máy bay của ta 'khu trục' máy bay địch", người ta sẽ viết "máy bay của ta đánh đuổi máy bay địch" chứ chẳng ai viết như thế cả.
      4. Câu giải thích số 5 đúng là hợp lý nhất phải không bác HN.
      5. Thông tin bác HN cho biết rất hay, tiếc là tôi chưa được đọc để xem coi LM Nguyễn Phương viết ra sao, và đã căn cứ trên những tư liệu nào?

      Xóa
    2. Tôi tra trên Google (cái gì không biết cứ hỏi Google) mục từ Thi Sách, thì thấy có đoạn liên quan đến điều bác HN nói về nhân vật lịch sử Thi Sách chồng bà Trưng Trắc.
      Ngoài những tư liệu nói ông tên là Thi Sách (詩 索), hoặc Dương Thi Sách, còn có tư liệu nói ông tên Dương Thi, không có chữ Sách, tôi copy lại dưới đây:

      Vào thế kỷ 6, Lịch Đạo Nguyên từ Trung Quốc sang Giao Chỉ, có đến vùng Mê Linh. Khi trở về nước, ông viết sách Thủy kinh chú, trong đó có đoạn:
      Châu Diên Lạc tướng tử, danh Thi, sách Mê Linh Lạc tướng nữ, danh Trưng Trắc, vi thê. Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc. Mã Viện tương binh thảo Trắc, Thi tẩu nhập Cấm Khê (quyển 37, tờ 6a. Nguyên tác không có dấu phẩy).
      Theo GS. Nguyễn Lý Tưởng thì câu văn trên có nghĩa là: "Con trai Lạc tướng huyện Châu Diên tên là Thi, hỏi con gái Lạc tướng huyện Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ. Trắc là người có can đảm và dũng lược, cùng với Thi nổi lên làm giặc. Mã Viện đem quân đánh đuổi. Trắc, Thi chạy vào Cấm Khê" (ở đây "sách" có nghĩa là "hỏi").

      Nhưng vì câu văn chữ Hán ngày xưa không có dấu câu, dễ lẫn lộn câu này qua câu khác, nên khi chú thích phần chính văn viết về Hai Bà Trưng trong Hậu Hán thư của Phạm Việp, Thái tử Lý Hiền đời nhà Đường đã chép lầm là "Thi Sách". Sau, các tác giả khác cứ theo đó mà chép lại nên sai mãi về sau. Người phát hiện ra việc này là học giả Huệ Đống, đời nhà Thanh[7]

      Có lẽ LM Nguyễn Phương dựa trên những tư liệy này?

      Xóa
  5. Giáo cũng hiểu lệnh là một loại nhạc cụ. Vì khi so sánh giữa 2 vật thể hoặc sự vật, thì phải có sự tương đồng trong cái chất giữa 2 cái đang so sánh. Nhưng dù gì thì cái nghĩa bóng ko ai chối cãi được. Ông bao giờ cũng phải nhượng bộ bà thui mà! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lệnh là nhạc cụ thì đúng rồi Giáo, nó khác với mấy cái "kẻng" gõ làm hiệu lệnh thời trước (ở trường học hay tổ dân phố thời chiến, thời bao cấp), có thể bằng bất cứ cái gì bằng sắt, đồng, miễn là gõ lên nghe beng beng.
      Rất hân hoan trong vụ "phải nhượng bộ", hìhì! Thấy cô Giáo qua nhà là mừng rồi. Chúc khỏe.

      Xóa
  6. Ở quê em hiện nay vẫn đang dùng một cái "Lệnh", đó là một cái Cồng ( giống Chiêng nhưng không có núm) đường kính khoảng 50cm, có quai xách. Lệnh được gõ bằng cái dùi học vải ở đầu. Lệnh được dùng trong đám tang. Bắt đầu khởi hành hay hạ huyệt là đánh lệnh. Dọc đám tang, thỉnh thoảng lại đánh vài tiếng lệnh... Dân gian có thành ngữ "Giọng như lệnh vỡ" để chỉ người nói to, nói oang oang bác ạ. Để hôm nào em chụp cái hình đó cho bác xem.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, tôi biết cái "lệnh" này, trong đám tang của người Hoa ở Chợ Lớn có dùng, nó giống cái cồng nhưng không có núm ở giữa, và hình như mỏng hơn cồng cho nên tiếng thanh và vang xa hơn cồng. Cái lệnh này có khi phải 2 người gánh để 1 người cầm dùi bọc vải gõ, nó chỉ cho ra mỗi một âm thanh "phèng, phèng" nhấn nhá thôi, không có bài bản gì hết.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))