Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Lễ hội (2).


Huế đã từng là kinh đô của một thời với nhiều triều vua nhà Nguyễn cùng những đền đài, lăng tẩm , đình, chùa...còn giữ lại được đến ngày nay. Từ xưa Huế cũng là nơi có nhiều lễ hội nổi tiếng, chẳng hạn lễ tế Nam Giao, tế đàn Xã Tắc do nhà vua đứng ra làm chủ tế, những lễ hội đó đã mai một. Nhưng những lễ hội dân gian như hội cầu ngư Thuận An, chợ phiên đầu năm mua bán cầu may Gia Lạc, hay lễ hội điện Hòn Chén vẫn còn tồn tại...

- Hội cầu ngư Thuận An, từ 11 đến 12 tháng Giêng, chính hội vào ngày 12. Người Thuận An có câu ca dao "Vò vọ mà chấm muối rang/ Đi mô cũng nhớ Thuận An mà về", để nhắc nhở người Thuận An có đi đâu cũng nhớ ngày hội của quê nhà. Hội cầu ngư Thuận An ba năm mới diễn ra một lần (tam niên đáo lệ), vào các năm tý - ngọ - mão - dậu. Tuy lễ chính chỉ diễn ra trong một ngày 12 tháng Giêng, nhưng trước đó nhiều tháng người ta đã phải chuẩn bị chài, lưới, thuyền... gần ngày là lễ vật bánh trái, hoa quả... tập luyện công phu.

Hội mở tại đình làng và miếu thờ Thành Hoàng của làng với nghi thức lễ rước Thành Hoàng từ miếu về đình để mở hội. Trò vui chính là hội bắt cá, ngày xưa tất cả người dân tham dự đều có thể làm cá, bây giờ cá là những đứa trẻ. Một số người cầm ngư cụ tung những đồng tiền làm mồi nhử cá và những con cá tranh nhau những đồng tiền như cá đớp mồi. Trong khi người dân tranh nhau thì những tấm lưới được quăng ra để tóm gọn những mẻ cá, sau cùng có một chiếc thuyền đánh cá do các ngư phủ khiêng làm thuyền lưới cá, ngư phủ chọn một con cá to nhất tượng trưng  mang vào đình làm lễ cúng thần...

Ngoài sân những con cá còn lại được gỡ khỏi lưới mang ra bán, người mua là những cô gái ăn mặc đẹp với quang gánh để gánh cá mua được. Sân đình trở nên ồn ào náo nhiệt với cảnh mua bán cá, cá mua được sẽ được bỏ vào quang gánh... Cuộc mua bán tượng trưng vui vẻ để mong một mùa cá bội thu, may mắn...


Đám rước trong buổi lễ cầu ngư. 


Những đứa trẻ làm cá sẽ bị quăng lưới bắt.


Cá được mua bán.

- Lễ hội điện Hòn Chén, điện Hòn Chén nằm trên triền núi Ngọc Trản - Huế, hằng năm có hai lễ tế một vào mùa xuân tháng Hai, và một vào mùa thu tháng Bảy. Điện thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu do các vị vua nhà Nguyễn sắc phong, còn gọi là bà Chúa Ngọc. Thánh Mẫu vốn là một nữ thần của người Chăm Pô Yang Inô Naga, có nghĩa là Mẹ Xứ Sở. Người Chăm thờ Mẹ Xứ Sở nơi các đền tháp từ Thừa Thiên cho tới Ninh Thuận, Bình Thuận. Ở Nha Trang Tháp Bà xưa cũng là đền thờ Mẹ Xứ Sở của người Chăm.

Đến đời vua Đồng Khánh nhà vua đã đổi tên đền thành Huệ Nam Điện có nghĩa là "Ban ân cho nước Nam", nhà vua đã nhận Thánh mẫu là chị, và đã cho xây dựng điện thêm khang trang. Thực ra điện Hòn Chén không chỉ thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu, mà còn thờ thêm hai vị thần phụ tá cho Thánh Mẫu là Thủy Long và Sơn Trung, Đức Phật và Quan Công, cùng hơn một trăm vị thần thánh thuộc hàng đệ tử của các thần linh nói trên. Trong điện có cả ảnh của vua Đồng Khánh.

Sau phần tế lễ mở đầu, đám rước Thánh Mẫu sẽ từ Huệ Nam Điện đến đình làng Hải Cát, đám rước được cử hành long trọng trên những chiếc bằng, gồm nhiều chiếc thuyền ghép lại như chiếc bè lớn, được trang trí lộng lẫy. Đi đầu là chiếc bằng trên đó có bàn thờ và Long kiệu Thánh Mẫu, cùng hòm đựng sắc phong vua ban. Tiếp theo sau là những chiếc bằng chở bàn thờ, kiệu, sắc phong của các thần Thủy Long và Sơn Trung, cùng những vị thần khác. Đến bến thuyền làng Hải Cát đám rước lên bờ đi bộ đến đình làng, ngày xưa đám rước được cử hành vào ban đêm, đèn đuốc trên những chiếc bằng và của đám rước soi xuống dòng sông Hương lung linh. Sau khi rước đến đình làm lễ, ngày hôm sau đám rước lại được long trọng trở về Huệ Nam Điện. Ngày xưa trong lễ hội điện Hòn Chén có cử hành nghi thức lên đồng của tục thờ Mẫu.


Lễ rước Thánh Mẫu trên những chiếc bằng.


Đoàn tham dự lễ rước Thánh Mẫu tại bến thuyền điện Hòn Chén.


Điện thờ Thánh Mẫu.

Vào đến Bình Định vào dịp tháng Giêng đầu năm chúng ta có lễ hội Quang Trung để kỷ niệm chiến thắng Đống Đa và ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, hội xuân Chợ Gò...

- Hội xuân Chợ Gò, diễn ra vào mùng 1 và mùng 2 tháng Giêng tại xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước. Tuy chỉ là một hội nhỏ có tính chất vui chơi của địa phương, nhưng cũng có điểm đặc sắc riêng. Ở hội xuân Chợ Gò người ta bán đủ thứ, trái cây, hoa mai, hương đèn, đồ chơi dân gian cho trẻ con... nhưng có lệ người mua không được trả giá. Tuy thế ngày xưa không vì thế mà người bán nói thách quá, chủ yếu thuận mua vừa bán, và mục đích "vui là chính" cho cả đôi bên. Đây là một loại "chợ phiên", trong phiên chợ có những trò vui khác như bài chòi, lô tô, chọi gà...

Nhà văn Vũ Bằng tả lại một cuộc chơi bài chòi như sau:

Lối chơi bài chòi gần lối chơi tổ tôm điếm ngoài Bắc. Sân đánh bài thường có mười chòi con và một chòi trung ương. Người ta dùng bài trùng dán trên thẻ tre để đánh. Người đánh bài ngồi ở các chòi, được phát một nửa số thẻ. Nửa số thẻ còn lại được bỏ vào ống thẻ ở chòi trung ương do người quản trò của cuộc chơi rút và hô tên bài.

Bắt đầu cuộc chơi, quản trò hát chào mừng làng xã bà con, tiếp đến hô quân bài đã rút, mỗi quân có bài hát riêng. Ví dụ con "học trò": Đi đâu mang sách đi hoài/ Cử nhân không thấy tú tài cũng không".

Thẻ rút ra được đưa đến tay người chơi. Ai đủ ba con bài trúng với thẻ đã rút người ấy tới trước.

Xem ra chơi bài chòi có vẻ na ná như trò chơi lô tô, ở Hội An chơi bài chòi cũng rất phổ biến.



Những cái chòi lá trong chơi bài chòi.


Quân bài chòi.


Chọi gà.

- Hội đua thuyền Phan Thiết - Bình Thuận, thường được tổ chức vào khoảng đầu năm trên dòng sông Cà Ty của TP. Phan Thiết, cùng với lễ cúng thủy thần, cầu cho một mùa cá thuận lợi. Các vạn chài từ các nơi như Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Phú Quý... cũng về tham dự.

Những tay bơi thuyền được lựa chọn từ đám thanh niên trai tráng, giỏi nghề sông biển. Người chèo ngồi hai bên mạn thuyền ra sứ chèo theo hiệu lệnh nhịp nhàng của người chỉ huy, cũng là người cầm mái chèo dọc giữ cho thuyền thăng bằng. Các tay chèo thi đua trong tiếng hò reo cổ vũ chiêng trống vang trời của người xem đứng chật hai bên bờ sông. Ngày hội đua thuyền Phan Thiết cũng thường thu hút nhiều du khách đến từ nơi xa trong dịp đón năm mới.




Hội đua thuyền đầu năm trên sông Cà Ty - Phan Thiết.

- Lễ hội Nghinh Cô - Vũng Tàu Bà Rịa, từ 10 đến 12 tháng Hai âm lịch được tổ chức tại thị trấn Long Hải. Lễ hội Nghinh Cô còn được gọi là lễ rước Bà Thủy. Theo truyền thuyết lưu truyền "Cô" là một người con gái theo cha từ Bình Thuận vào buôn bán ở vùng Bà Rịa, khi người cha trở về quê, cô lưu luyến vùng đất mới xin ở lại không được, trầm mình tại Mũi Nhỏ. Sau hiển linh được dân làng lập miếu thờ.

Trong lễ hội Nghinh Cô có múa lân, lễ cầu an, múa bả trạo, hát bội ngày đêm, thu hút rất đông người dân tron vùng và du khách thập phương đến dự.





Lễ hội Nghinh Cô.

Trên đây là một số lễ hội tại các tỉnh miền Trung dọc theo duyên hải, là một nét tâm linh của người dân Việt từ bao đời nay...

* Ảnh Internet.



10 nhận xét :

  1. Được tìm về cội nguồn với những nét văn hóa đặc trưng cổ truyền của dân tộc qua những bài viết của anh Hiệp thật là thú vị ...

    Trả lờiXóa
  2. Về Huế vừa rồi , khi đi ngang một đình làng ở gần đầm Chuồn cũng thấy mấy thanh niên đang xúm xít sửa soạn cho một chiếc ghe lễ giống như trong hình "đám rước lễ Cầu ngư ".
    Cũng thích đến điện Hòn Chén xem ra sao nhưng không còn thời gian , có lẽ hẹn dịp sau vậy
    Tháng 4/2014 ở Huế sẽ có Festival , nhưng không cảm thấy hào hứng với các lễ hội bây giờ (-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lễ hội bây giờ nhất là phần hội, gần như là "diễn" cho mọi người xem, chứ người dân ít được chủ động tham gia nên nó mất đi tính cộng đồng, những cái gọi là Festival bây giờ cũng thế, làm thì hoành tráng, nhưng cũng toàn là trình diễn cho nên nó cứ nhàn nhạt. Hội hoa xuân, Đường hoa ở Saigon năm nay thấy "đuối" rồi, hình như kinh tế suy giảm những lễ hội kiểu này ít được tài trợ, càng ngày càng kém xuân...

      Xóa
  3. Anh đã chứng kiến hả /-Hay anh người Huế mà viết cặn kẽ và chuẩn xác thế ???
    CHiều an bình anh nhé -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi... nghe nói thôi, hìhì!
      Chúc bạn nhiều niềm vui.

      Xóa
  4. Cám ơn bác Hiệp!
    Tham dự mấy lễ hội ảo của bác bằng mô tả và hình ảnh cũng rất VUI. Thích nhất là không bị chen lấn, xô đẩy như lễ hội thực!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho đã ghé thăm, hôm trước cũng mới sang bác xem vể Đổi mới giáo dục, cũng mong là Giáo dục nước ta sẽ tốt hơn để nước nhà hưng thịnh.

      Đến chỗ đông người chen lấn bây giờ sợ nhất bị... móc túi mất giấy tờ, hihi!

      Xóa
  5. Giáo phái đi lễ hội ảo bên nhà anh hơn coi lễ hội thực, đỡ chen lấn và... khỏi tốn tiền, hehe... Phái nhứt là cảnh đua thuyền ở Phan Thiết, quê tui mừ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi có cả chục quyển sách nói về các lễ hội phong tục cũ mới của ta, thỉnh thoảng đọc và phổ biến để những ai lười lười có dịp đi đây đó... ảo cho biết.

      Mấy năm trước tôi cũng có lần sáng sớm lang thang trên bờ sông Cà Ty xem và chụp hình mấy chiếc thuyền thúng lưới cá. :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))