Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Tên xưa của một số quốc gia.


 Ảnh Internet.

Đọc bên nhà bác Hồng Ngọc thấy có nói về những cái tên cũ của một số nước mà bây giờ ít thấy ai nói hay viết, Chẳng hạn như Hương Cảng (Hongkong), Tân Gia Ba (Singapore, bây giờ hay gọi ngắn gọn là "Sinh"), Nam Dương (Indonésia, cũng rút gọn thành "In Đô"). Tuy nhiên vẫn còn một số nước như Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ... vẫn còn được dùng trong ngôn ngữ và văn viết.

Thời tôi còn nhỏ cách nay năm, sáu mươi năm, đọc sách báo hoặc nghe người lớn nói chuyện vẫn thấy hoặc nghe được những từ ngữ như vậy. Chẳng hạn báo chí viết về một trận túc cầu (ngày ấy cũng không dùng từ đá banh hay bóng đá) giữa đội Nam Hoa của Hương Cảng và đội Ngôi Sao Gia Định của Saigon, hay giữa đội tuyển Tân Gia Ba, Mã Lai Á với đội tuyển Việt Nam. Nước Pháp thì viết là Pháp Lan Tây, nước Nga gọi là Nga La Tư, sau này gọi là Nga Xô, Liên Xô, nước Đức gọi là Nhật Nhĩ Man, hay nước Nam Tư còn gọi là Tư Lạp Phu... Những tên gọi như vậy có lẽ bây giờ nói, hay viết ra chắc có nhiều người thấy lạ.

Những tên gọi như thế bắt nguồn từ đâu? Tôi coi trong sách vở, tra từ điển thấy đó là âm theo Hán Việt. Người Trung Hoa ngày xưa viết tên các nước như thế, và người mình đọc, viết theo âm Hán Việt. Tôi chép lại một số tên nước chúng ta thường thấy, theo mẫu tự a, b, c:

- A (Á) Căn Đình    . Tiếng Pháp: Argentine. Tiếng Anh: Argentina.
 - A Lạp Bá (Ả Rập)     . Arabie - Arabia.
- A Phú Hãn  阿富汗. Afghanistan - Afghanistan.

- Ai Cập    . Egypte - Egypt.

- Ai Lao   . Laos - Laos.
- Anh Cát Lợi   英吉利. Angleterre - United Kingdom.
- Ái Nhĩ Lan    . Irlande - Irland.
- Áo Địa Lợi   . Austriche - Austria.
- Ấn Độ   . Inde - India.
- Ba Lan . Pologne - Poland.
- Ba Lạp Khuê   . Paraguay - Paraguay.
- Ba Lợi Duy Á      . Bolivie - Bolivia.
- Ba Tây   西. Brésil - Brazil.
- Ba Tư . Perse - Iraq.
- Bảo Gia Lợi . Bulgarie - Bulgaria.
- Bỉ Lợi Thì    . Belgique - Belgium.
- Bồ Đào Nha . Portugal - Portugal.
- Cao Ly 高麗. Corée - Korea.
- Cao Miên 綿. Cambodge - Cambodia.
- Do Thái . Juif - Israel.
-  Đan Mạch  . Danemark - Danmark.
-  Đài Loan 臺灣 . Formose - Taiwan.
- Gia Nã Đại     . Canada - Canada.
- Hoa Kỳ   = Mỹ  . États Unis d'Amérique - United States.
- Hà (Hoà) Lan . Hollande - Netherlands.
- Hung Gia Lợi   . Hongris - Hungary.

- Hy Lạp   . Grèce - Greece.
- Hương Cảng . Hongkong - Hongkong.
- Mã Lai Á      . Malais - Malaysia.

- Miến Điện 緬甸. Birmanie - Burma (Myanmar).
- Mông Cổ . Mongolie - Mongolia.
- Nam Dương  . Indonésie - Indonesia.
- Nam Tư . Yougoslavie - Yougoslavia.
- Nga La Tư . Russie - Russia.
- Nhật Bản日本 . Nippon, Japon - Japan.
- Nhật Nhĩ Man (Đức) . Allémagne, Germains - Germany.        
- Pháp Lan Tây   西. France - France.
- Phần Lan  . Finlande - Finland.
- Phi Luật Tân .Philippines - Philippines.
- Tân Gia Ba 新加坡. Singapore - Singapore.
- Tân Tây Lan  西 . Nouvelle Zélande - New Zeland.
- Tây Ban Nha 西班牙. Espagne - Spain.
- Thổ Nhĩ Kỳ 土耳其. Turquie - Turkey.
- Thụy Điển 瑞典. Suède - Sweden.
- Thụy Sĩ 瑞士. Suisse - Swuitzeland.
- Tô Cách Lan 蘇格蘭. Écosse -  Scotland.
- Trung Hoa 中華. Chine - China.

- Xiêm La . Siam - Thailand.
- Ý Đại Lợi  . Italie - Italia.
- Úc Đại Lợi . Australie - Australia.


Tham khảo:

- Hán - Việt Từ Điển, Đào Duy Anh, Trường Thi xuất bản - Saigon 1957.
- Tự Điển Việt - Pháp, Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo - Saigon 1950.
- Pháp - Việt Tân Từ Điển, Thanh Nghị, NXB Thời Thế, Saigon 1961.
- Sổ Tay Các Nước Trên Thế Giới, Vĩnh Bá - Lê Sĩ Tuấn, NXB Giáo Dục - 2005.
- Từ điển mạng Hán - Việt.


45 nhận xét :

  1. Tui lụm tem trước nha Bác Hiệp.......Hihi

    Trả lờiXóa
  2. Nam Dương thì được thay đổi để gọi là Indonesia từ thời đệ nhất VNCH, với yêu cầu của họ là đề nghị gọi đúng tên.
    Còn Ba Lan thì lại tự hào là một trong những nước có tên Việt hóa.
    Các nước còn lại: Trung quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Triều Tiên, Thái Lan, Mỹ (Hoa Kỳ), Pháp, Anh, Nga, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, Na uy, Nam Phi, Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Ai Cập... thì chưa có ý kiến gì. Hỏng biết đã kể đủ hết chưa.
    Vậy là còn khá nhiều tên quốc gia Việt hóa đấy chứ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. dò lại theo bài của bác Phạm thì còn sót: Đài Loan, Đan Mạch, Hy Lạp...

      Xóa
    2. Nhưng thiển nghĩ hai từ "tên xưa" chưa chuẩn lắm bác Phạm nhỉ! Chỉ là tên gọi các quốc gia của VN trước đây thôi! Chứ người ta thì "vũ như cẩn", có xưa nay gì đâu!

      Xóa
    3. Đúng như cụ Nô nói, tên xưa là theo "cách gọi của người Việt Nam" xưa thôi mà cách viết này thì Ta lại theo Tàu :-)))

      Xóa
  3. Tên các nước một thời được chuyển thành âm Hán Việt từ các phiên âm của Hoa ngữ. (một sự nô lệ về ngôn ngữ). Bây giờ nhắc lại thấy chạnh lòng và không thể nhớ hết được. Mà không chỉ tên các nước, còn hàng loạt tên người và tên các tác phẩm văn học nổi tiếng của Thế giới nữa cũng từng được chuyên sang Hán Việt từ cách đọc Hoa Ngữ. Thống kê của bác Hiệp thật thú vị. Có lẽ bác nên thống kê thêm sang một số lĩnh vực khác nữa để tham khảo cũng hay, hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây cũng là "vấn đề của lịch sử", một sự lệ thuộc về văn hóa một thời, sự lệ thuộc này tôi thấy còn đỡ hơn bây giờ, bởi thời ấy có lẽ chỉ "mượn" chữ nghĩa của Tàu để diễn tả những gì chữ quốc ngữ của ta không diễn tả được. Còn bây giờ? Ngôn ngữ, chữ viết của nước mình hoàn toàn có thể đảm đương được, thế mà trên những thông tin đại chúng người ta vẫn hồn nhiên dùng chữ nghĩa nước ngoài (tuổi teen, fan hâm mộ...).

      Tên người Châu Âu chẳng hạn, người Tàu xưa cũng viết theo tiếng Hoa, và mình cũng phiên âm, chẳng hạn Kha Luân Bố (Cristoforo Colombo), Nã Phá Luân (Napoléon)..., hoặc tên biển Thái Bình Dương (Pacific ocean), Đại Tây Dương (Atlantic ocean), tên vùng đất Sibérie của Nga là Tấy Bá Lợi Á... Nhiều lắm khó lòng mà thống kê nổi bác Nano :-)))

      Xóa
    2. Tôi nghĩ hiện tượng này không đến nỗi nặng tới mức "nô lệ" như ý kiến của bác Nano. Những danh từ riêng này được dùng từ khi chữ Quốc Ngữ chưa phổ biến, ta còn dùng chữ Hán Nôm, phiên âm này là tất nhiên thôi!

      Xóa
    3. Cho nên tôi đã không dùng từ "nô lệ", mà dùng từ "lệ thuộc", một "vay mượn" khi ngày trước ta chưa biết phải gọi những tên nước ngoài đó ra sao? Nếu viết hay nói bằng nguyên văn chữ Pháp, hay Anh, hoặc Ý... e ngày đó (cách nay cả trăm năm có lẻ) nhiều người càng không hiểu, mà cũng không dễ gì đọc hay nói, dùng từ Hán Việt có khi dễ tiếp cận hơn.

      Xóa
    4. Chữ Hán hay chữ Việt cổ; ai lấy của ai? vấn đề còn tiếp tục nghiên cứu. Tốt nhất đừng vội vàng và quá cứng nhắc!

      Xóa
  4. Cám ơn bác Hiệp!
    Cho phép tôi chép về trang của mình làm tư liệu và giới thiệu với những người quan tâm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, bác Vũ Nho cứ chép về, tôi nghĩ những vấn đề về chữ nghĩa như thế này các bạn trẻ cũng nên biết, dẫu sao nó cũng là kiến thức phổ thông.

      Xóa
  5. Korea ngoài tên gọi Cao Ly còn gọi Đại Hàn , rồi Bắc Hàn , Nam Hàn phải không bác ? Bây giờ gọi phía nam là Hàn Quốc cũng là từ Hán Việt đấy chứ , cũng như từ Trung Quốc vậy .
    Thật ra hồi M học trung học , cô giáo dạy Địa lý đã cho học một cái list tên các nước bằng tiếng Việt đi kèm tên tiếng nước ngoài , để có đọc sách báo ngoại ngữ thì còn biết là nước nào .
    Còn sau 75 đọc mấy cái tên phiên âm cứ phải cười hoài với mấy cái tên như "Anh Xì Tanh" hoặc đọc nghe lốp cốp... ((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vấn đề bác Phạm nêu ra rất lớn, các vị to to về ngôn ngữ học của ta đang điên đầu về việc phiên âm danh từ riêng này. Ngày xưa ta phiên âm dựa theo Trung Quốc, sau này thì phiên âm (phần nào) dựa theo âm gốc.
      Nhưng Pu-tin hay Pu-chin hay Putin; Mátxcơva, Matxkva, Moskva, Moscow, Moscou... phiên âm cách nào hay để chọn chữ gốc nào (theo phép phiên từ la - tinh) thì còn bàn cãi hơn mấy chục năm nay chưa ngã ngũ...

      Xóa
    2. Còn nữa MB ơi, nghe đọc mà thấy tức anh ách: Niu- oóc, Oa-sinh-tơn! Xin lẫu, chịu không nẫu!

      Xóa
    3. Những vấn đề phiên âm như thế này thường gặp rắc rối xưa nay rồi, dùng từ Hán Việt như hồi xưa (Hoa Thịnh Đốn, Nữu Ước, Ba Lê, Mạc Tư Khoa, Luân Đôn, Bắc Kinh, Đông Kinh...), hay phiên âm theo kiểu Oa-sinh tơn, Niu-oóc... Phơ-răng-xơ (France)? Ở miền Nam trước năm 75 đã chọn cách này mà tôi thấy hợp lý, những từ về địa danh như tên nước có thể dùng phiên âm Hán Việt đã rút gọn quen dùng như nước Pháp, nước Anh, nước Ý, nước Úc... (thay vì Pháp Lan Tây, Anh Cát Lợi, Ý Đại Lợi, Úc Đại Lợi...). Còn những từ không thông dụng vẫn giữ nguyên tiếng nước ngoài thông dụng (chẳng hạn trong tiếng Pháp, tiếng Anh), như Bulgarie, Bulgaria thay vì Bảo Gia Lợi, tên người cũng thế, người Anh, người Pháp thì giữ nguyên gốc chữ Anh, Pháp, còn người Nga hay Ả Rập chẳng hạn, không thể viết bằng chữ Nga hay Ả Rập được nên thay bằng tiếng Anh, Pháp, là 2 thứ tiếng thông dụng trên thế giới. Còn tất cả những từ ngữ khác nếu không chuyên biệt quá thì dịch sang nghĩa tiếng Việt tương đương.
      Tôi nghĩ với trình độ dân trí phổ cập như ở Việt Nam nên dùng như thế, thay kiểu phiên âm như Niu óoc, Anh Xi Tanh, viết như thế nhiều khi muốn tra chữ gốc của nó chẳng biết tìm ở đâu trong từ điển. Hihi!

      Xóa
    4. @ Marguerite: Cao Ly trước đây cũng còn gọi là Triều Tiên, xưa hay thấy dùng từ Nam Triều, Bắc Triều để chỉ 2 miền Nam Bắc Triều Tiên, thời trước năm 75 ở miền Nam gọi 2 miền này là Nam Hàn, Bắc Hàn, Nam hàn cũng gọi là Đại Hàn, bây giờ là Hàn Quốc, cái nước "một trong hai, hai trong một" này thấy rối quá :-)))

      Xóa
  6. - Người Tàu không có vần r, có vần p
    Khi nghe anh Tây nói kinh đô tui là Pa ri thì cha Tàu không thể ghi âm y chang mà phải ghi na ná là Ba lê 波黎 (thực ra âm ba là cách đọc theo Hán Việt , người Tàu chỉ đọc pa chớ không đọc được ba)
    - Ông Mác người Đức viết là Karl Heinrich Marx đọc theo kiểu Đức rất dài dòng, anh Tàu nghe xong ghi lại "Khải Nhĩ Mã Khắc Tư". Tại sao có cái đuôi khắc tư??? là do phần Marx
    - Vấn đề bạn đưa ra khá là lôi thôi, phải có chuyên môn hẹp cỡ tiến sĩ hoặc trên tiến sĩ may ra nói cho tới cùng được
    Bu tui thấy riêng chữ ba đã lắm chuyện rồi
    - Ba Lợi Duy Á 钯 利 潍 亞. Bolivie - Bolivia.: Chữ ba 钯 bộ kim nghĩa là cái bừa, cái bồ cào
    - Ba tây 巴 西. Brésil - Brazil: Chữ ba 巴 bộ kỷ nghĩa là nước ba đất ba
    - Ba Tư 波 斯. Perse - Iraq. Chữ ba 波 bộ thủy là sóng nhỏ, bôn ba
    Tại sao anh Tàu nghe là ba nhưng lại dùng nhiều kiểu chữ ba khác nhau để ghi như vậy???
    Hihihi



    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhân thắc mắc của bác Bu, xin bàn "ẩu" một tí. 3 chữ Ba (Hán tự) đều khác nhau (bộ Kim, bộ Kỷ, bộ Thủy), có thể phát âm cũng có tí xíu khác nhau và theo thứ tự, gần với âm của 3 chữ gốc: Bo - Bre - Per chăng?

      Xóa
    2. Thêm một điều rất thú vị khác mà bác Bu đã nêu. Tại sao cũng cùng một chữ "Ba" (đọc theo âm Hán Việt) mà trong Ba Tây 巴 西. Brésil - Brazil, chữ Ba (巴), khác với chữ Ba (钯 ) trong Ba Lan 钯 蘭. Pologne - Poland, và cũng khác với chữ Ba (波 ) trong Ba Tư 波 斯. Perse - Iraq. Cụ Nô bàn đúng chứ đâu có ẩu, ta nói Ba trong cả 3 chữ là theo "ta", là âm Hán Việt chứ không phải là âm của Tàu (âm Bắc Kinh là âm được coi là chuẩn của người Tàu bây giờ). Người Tàu viết 3 chữ đó khác nhau và chắc đọc cũng khác, mỗi cách đọc chắc là gần với âm gốc hơn.

      Xóa
    3. Cho tôi mạn phép chen chân vào một chút: Có lẽ các bác nhầm tí ti, BA TƯ từ tên PERSIAN mà ra, Persian là tên nước IRAN xưa các bác ạ, không phải IRAQ.

      Xóa
  7. nhờ bác Hiệp mà em lại có cơ hội biết thêm một số kiến thức mới. Cám ơn bác Hiệp nhiều :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, cái này các bạn trẻ chắc là không rành bằng bọn già rồi. Bố susu vui nhé.

      Xóa
  8. Sao mấy " Ông Già" ai cũng biết nhiều những chuyện xưa??????????

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Già mà còn không biết chuyện xưa nữa thì biết chuyện gì???????????? Hihi!

      Xóa
    2. Xưa là nay của quá khứ
      nay là xưa của tương lai
      Cho nên nói ra cái gì cũng là xưa và cũng là nay
      Mấy ông gìa rỗi rãi hơn đám trẻ thì bàn lai rai cho qua ngày vậy

      Xóa
    3. Xin lỗi 2 Bác nha, em chỉ đùa cho vui nhà thôi.....cái tật lanh chanh mà.....( Bác nô noi tui vậy..Huhu,) .nhưng hem sao......chủ yếu là vui thôi mà phải khg các Bác.....??....Hihi

      Xóa
    4. Tôi hay nghe nói "vui là chinh" mà "tiền bạc là... mười", hìhì!
      "Tìm vui chơi cho qua tháng năm", cái bản nhạc gì mà Elvis Phương hát đó :-)))

      Xóa
  9. Dùng hai từ “nô lệ” nghe có vể nặng nề, nhưng theo BoBi tôi thì không thể nói là “phụ thuộc” được. Phụ thuộc là “chịu sự chi phối của cái khác. Không thể tồn tại, phát triển nếu thiếu tác động của cái khác” (định nghĩa Tự điển tiếng Việt – Hoàng Phê). Ví dụ XDCB không thể phục hồi nếu không được ngân hàng cho vay vốn (phụ thuộc tiền của NH), Phạm Tuân không thể “chân dép lốp bay vào vũ trụ” nếu không được LX cũ hạ cố cho đi nhờ,…hihi. Nhưng vấn đề dịch thuật lại khác, nó chỉ phụ thuộc chính nhận thức chủ quan của dịch giả. Nếu dịch tên người, tên vùng, tên các tác phẩm là của TQ thì có thể chuyển sang từ Hán Việt cũng không sao (tính lịch sử), nhưng nếu các đối tượng trên là của một nước thứ ba mà phải dựa vào cách dịch của TQ để phiên âm lại thì không chấp nhận được. Tiếng Hoa cũng là tiếng đơn âm, lại là chữ tượng hình nên phiên âm tiếng đa âm rất khó, đặc biệt là tên các hóa chất, các loại thuốc. Những dẫn chứng mà bác Hiệp đã nêu, thực ra người Hoa đã cố dịch theo kiểu phiên âm chứ không dịch nghĩa (trừ trường hợp một số chữ như Thái Bình Dương, Đại Tây Dương,…,) nhưng độ chính xác cách phiên âm đó chỉ tương đối hoặc gần giống. Một số ví dụ: - Bá lợi duy á 巴利濰亜 (phiên âm đọc là ba-li-vey-ya, gần giống Bolivia) ; - Anh Cát Lợi 英噶利 (phiên âm đọc là ing-ge-li – gần giống Inglish; - Mã Lai Á 馬 來 亞. (phiên âm đọc là ma-lai-a – gần giống Malaysia); - MạcTư Khoa 莫思科 (phiên âm đọc là Mo-sư-ge); - Ý Đại Lợi 意大利 . (phiên âm đọc là yi-đa-li gần giống Italia)) Italie – Italia, - Nã Phá Luân 拿破倫 (phiên âm đọc là na-po-lun- gần giống Napoleon).
    Như vậy nếu không nói nô lệ về ngôn ngữ có thể dùng được cách nói khác không thì BoBi chưa nghĩ ra. Hiện nay cứ đi dọc phố đọc các biển hiệu của các cửa hàng và các Công ty thì biết. Trên TV suốt ngày dùng tiếng nước ngoài như trình diễn thì Sâu-Bit, bóng đá trong nước thì Vi-lích,…
    Còn nếu mở rộng ra thì không chỉ dừng lại ở lĩnh vực ngôn ngữ, chắc phải có các cuộc luận bàn của các nhà trí thức uyên thâm, hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi chỉ xin nói về hai từ "nô lệ" bác BoBi đã dùng, và "phụ thuộc" tôi đã dùng, và cụ Nô có ý kiến là từ "nô lệ nghe "nặng".
      1/ Về từ "nô lệ", bác BoBi đã viết bên trên "Dùng hai từ “nô lệ” nghe có vể nặng nề", tôi không bàn về từ này nữa.

      2/ Về từ "phụ thuộc", bác BoBi đã viết "theo BoBi tôi thì không thể nói là “phụ thuộc” được", và bác BoBi cũng đã trích dẫn Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê giải thích chữ "phụ thuộc" cho ý của mình "Phụ thuộc là “chịu sự chi phối của cái khác. Không thể tồn tại, phát triển nếu thiếu tác động của cái khác”.
      Thật ra trước khi dùng từ "phụ thuộc" tôi cũng đã xem lại từ điển về từ này, và quyển từ điển tôi xem cũng là quyển của Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - TT Từ điển học - 1997). Tôi dùng từ "phụ thuộc" chính là theo cái giải thích mà bác BoBi đã trích dẫn "Phụ thuộc là “chịu sự chi phối của cái khác. Không thể tồn tại, phát triển nếu thiếu tác động của cái khác”. Tại sao ở vào thời cha ông chúng ta không dùng cách viết khác mà lại dùng tiếng Hán Việt mượn của Tàu. Chính là vào thời điểm ấy văn viết trong sách vở, báo chí của ta đã "chịu sự chi phối của cái khác", "cái khác" ở đây là tiếng Hán mà ta đã vay mượn và viết theo âm Hán Việt, và tại sao ta lại phải làm như thế, cũng bởi chính vì "Không thể tồn tại, phát triển nếu thiếu tác động của cái khác”. Thời ấy nếu thiếu từ tiếng Hán của người Tàu, thì cha ông ta sẽ phải diễn tả như thế nào về tên nước, tên người ngoại quốc? Chắc hẳn một thế kỷ trước đây chữ Hán vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn sử dụng, và tác động của chữ Hán, của âm Hán Việt vẫn còn rất phổ biến trong dân gian, đến bây giờ mà 70-80% chữ Việt vẫn đọc viết theo âm Hán Việt.
      Và sau cùng là cũng Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê viết về từ "nô lệ", gồm 2 ý chính:
      a/ Về nô lệ của người, tôi không ghi ở đây vì thấy không liên quan.
      b/ Nô lệ: phụ thuộc hoàn toàn vào.
      Để tránh chữ "nô lệ" nghe nặng nề tôi đã dùng từ "phụ thuộc".

      Xóa
  10. Rất vui vì bác NHP đã "hưởng ứng kịp thời" sau entry "Chuyện cũ" của HN, nhờ đó HN có thêm tư liệu: tên chữ Hán (viết bằng Hán văn) của các nước và được đọc thêm nhiều ý kiến liên quan. Cám ơn bác nhìu nhìu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thấy vấn đề bác HN nêu ra hay hay nên lục tìm tài liệu post lên chơi, :-)))

      Xóa
  11. Hồi nhỏ em có đọc báo thấy tên nước Điểu Hà mà không suy ra dược là nước nào , mong dược các bác chỉ giáo .
    Xin cám ơn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một câu hỏi rất thú vị, không có mấy người nhớ tên nước Điểu Hà. Đó là tên của nước Uruguay, một quốc gia vùng Nam Mỹ. Ngày xưa thời trước năm 1970 báo ở Saigon hay viết là Điểu Hà, nước này đã từng 2 lần vô địch bóng đá Thế giới.

      Tại sao quốc gia này được gọi theo từ Hán-Việt là Điểu Hà (Điểu: chim, Hà: sông). Theo trang Wikipedia, Gọi là Uruguay vì do nước này có vị trí địa lý ở phía đông sông Uruguay, từ Uruguay trong tiếng Guarani (một thổ ngữ vùng Nam Mỹ) có nghĩa là con sông có nhiều loài chim sinh sống.

      Xóa
  12. Bác bổ sung thêm các địa danh của các nước lớn há như: Nữu Ước = NewYork; Hoa Thịnh Đốn = Wasington

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn gợi ý của bạn, tên thủ đô hoặc TP lớn của các nước viết theo Hán-Việt cũng khá nhiều, chẳng hạn Đông Kinh = Tokyo (Nhật), Ba Lê = Paris (Pháp), Luân Đôn = London, Bá Linh = Berlin (Đức), Vọng Các = Bangkok (Thái Lan), Nam Vang = Phnom Penh (Căm Bốt), Vạn Tượng = Vientiane (Lào)... Khi nào rảnh tôi sẽ tập hợp viết trong một entry riêng.

      Xóa
    2. Cũng tương tự như thủ đô Mỹ là Hoa Thịnh Đốn ( Washington ) hay TP Nữu Ước ( New York ) , hoặc tiểu bang quần đảo Hạ Uy Di ( Hawaii ) của Hợp Chủng Quốc vậy !

      Xóa
  13. Ví như xứ Ba Tư ( còn gọi là Iran ) ngày nay thì có thể giữ nguyên tên gốc vì dễ đọc , còn như những quốc gia như Tân Tây Lan ( New Zealand ) , Ái Nhĩ Lan ( Ireland ) , Tô Cách Lan ( Scotland ) thì tên theo nguyên âm Hán Việt dễ đọc hơn . Ngay cả bây giờ sách vở trong nước cũng gọi Turkey là Thổ Nhĩ Kỳ , Polland là Ba Lan và Finland cũng là Phần Lan đấy thôi .

    Trả lờiXóa
  14. Còn xứ Tích Lan là tên ngày xưa của nước Srilanka bây giờ , lúc còn là thuộc địa của xứ Hồng Mao Anh Cát Lợi còn mang tên của nước Ceylon vậy !

    Trả lờiXóa
  15. Những cái tên như thế nghe rất là hay. Nếu có thể thì bác đăng luôn những thành phố và những từ ngữ thường dùng nữa đi bác. Ví dụ như là "đánh dây thép", la dô, vô tuyến, la ve (theo cháu hiểu thì là bia),...

    Trả lờiXóa
  16. Con biết thì theo như Wikipedia Ba Tư là nước Iran chứ không phải Iraq

    Trả lờiXóa
  17. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  18. Và nước A Nặc Nhĩ, nước Xích Mao, nước Hồ Lang là tên gọi của những nướcnào ạ? Anh chỉ giáo giúp em nhé ạ. Cảm ơn anh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bó tay hồi giờ mình chưa bao giờ nghe luôn

      Xóa

:) :( :)) :(( =))