Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Một Công án thiền.




Tôi bắt đầu đọc sách về Phật giáo từ hồi còn nhỏ, từ những năm học trung học đệ nhị cấp (khoảng cuối thập niên 60), ở Saigon khi ấy sách viết về Phật giáo đã có những tên tuổi như Trần Trọng Kim, Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ, ni cô Trí Hải, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, những cây đại thụ... Rồi lớn hơn chút nữa, bước xuống cuộc đời đi đây đó khắp nơi, trong balô của tôi ngoài bộ quần áo, những thứ đồ lặt vặt, thì luôn có những quyển sách, mà không thể thiếu là những quyển sách Phật giáo, Thiền luận, Đức Phật và Phật pháp, Tranh chăn trâu, Vô môn quan, Góp nhặt cát đá, Cốt tủy của đạo Phật...

Các bạn nào ở miền Nam ngày trước hẳn còn nhớ, muốn tìm sách hay chỉ có thể tìm được ở Saigon, đến nỗi khi có thời gian ở Tuy Hòa tôi quen với một anh chủ tiệm sách lớn nhất ở đó, vì hay ghé tìm mua sách. Anh ấy còn phải nhờ tôi kiếm giùm sách cần khi tôi có dịp về Saigon. Sách viết về Phật giáo ngày ấy thì không nhiều lắm, nhưng thật sự là nghiêm túc và có giá trị, đọc một cuốn là đáng đồng tiền một cuốn. Không như bây giờ, sách Phật giáo xuất bản tràn lan như nấm sau cơn mưa. Trong một tiệm sách chuyên bán sách Phật giáo tôi thấy có cả ngàn quyển, nhưng nhiều khi kiếm đỏ mắt không ra một cuốn mình cần tìm...

Trên kệ sách của tôi cũng có vài chục quyển kinh Phật giáo, kinh Nhật tụng, Diệu pháp Liên hoa, Lương hoàng sám, kinh Kim Cương, kinh A Di Đà, Vô lượng thọ, kinh Địa tạng, kinh thuyết Đại thừa, Đại bát Niết bàn... Tôi cũng có đọc qua một vài quyển, nhưng phải thú thật là những gì trong kinh viết tôi càng đọc càng rối, càng thấy mù mịt, kể cả khi tôi đã mua thêm những quyển sách chú giảng, chú giải của những vị cao tăng nổi tiếng viết... Chuyện này chắc phải dùng từ ngữ Phật giáo để biện minh cho cái "ngu lâu" của mình, là tôi chưa có cơ duyên đọc kinh sách.

Có lẽ bạn nào đã là Phật tử, hoặc hay đọc sách về Phật giáo thường gặp chữ "Công án", sách vở giải thích công án đại khái như thế này: nghĩa nguyên thủy là một án công khai, quyết định phải trái trong quan phủ. Đây là một thuật ngữ của Thiền tông, chỉ một phương pháp tu tập thiền định đặc biệt. Công án có thể là một bài kệ, một đoạn kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một cuộc đàm thoại hay đối thoại của các vị tăng, hay của các vị tăng với người đời, hoặc là một cuộc Pháp chiến... Đặc trưng của công án thường là sự nghịch lý nằm ngoài phạm vi lý luận. Công án không phải là một câu đố vì nó không thể được giải đáp bằng lý luận, muốn giải được một công án phải bước qua một nhận thức khác. Về từ ngữ công án thì có thể viết được cả một quyển sách, trích dẫn nữa có lẽ sẽ rối.

Một quyển sách viết về những công án khá thú vị xưa nay mà tôi rất thích, đó là quyển Vô Môn Quan, do thiền sư Vô Môn bình tụng. Sách chép về 48 công án thiền, quyển sách này có lẽ rất quen thuộc với các bạn, nhưng tôi cũng xin trích dẫn vài câu chuyện trong sách:

Phật cầm hoa: Thế Tôn xưa tại pháp hội núi Linh Sơn cầm cành hoa giơ lên trước tăng chúng. Mọi người đều làm thinh, chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười. Phật dạy: Ta có nhãn tạng chính pháp, diệu tâm Niết bàn, tướng thực không tướng, pháp môn vi diệu, chẳng lập thành văn tự, truyền riêng ngoài giáo, nay trao cho ông Ma Ha Ca Diếp.
(Công án thứ sáu).

Ba cân mè của Động Sơn: một ông Tăng hỏi Hòa thượng Động Sơn:
- Phật là gì?
Sư đáp:
- Ba cân mè.
(Công án thứ mười tám).

Một câu chuyện khác về Phật

Que cứt của Vân Môn: một ông tăng hỏi ngài Vân Môn:
- Phật là gì?
Sư đáp:
- Que cứt khô.
(Công án thứ hai mươi mốt).

 Một câu chuyện khác nữa về Phật:

Tức tâm tức Phật: Ngài Đại Mai hỏi ngài Mã Tổ:
- Phật là gì?
Sư đáp:
- Tức tâm tức Phật.
(Công án thứ ba mươi).

Một công án khác:

Cây bách trước sân: Một ông Tăng hỏi ngài Triệu Châu:
- Ý tổ sư sang đông là gì?
Sư đáp:
- Cây bách trước sân.
(Công án thứ ba mươi bảy).

Trong những trường hợp khác một công án thiền có thể là tiếng vỗ của "một bàn tay", một hình ảnh lá phướn lay động bởi cơn gió, hay một tiếng vang trên mặt nước bởi một con ếch...

Cuối tuần tôi nhận được tin nhắn của một người bạn từ thời còn ở trong quân đội vào những năm 71 đến 75, cái thuở tôi và bạn còn lơ phơ lất phất trong những quán cà phê ở Pleiku, Kontum... mỗi khi về phố. Bạn nhắn lâu quá không gặp, rảnh không cà phê tán dóc chơi, thế là ra ngồi quán. Anh bạn này của tôi có thời gian dài sau năm 75 làm nghề bán sách cũ nên bạn đọc khá nhiều, hiểu biết nhiều. Có nhiều quyển sách hay thời đó tôi có được là nhờ bạn. Bạn bè lâu ngày gặp nói đủ thứ chuyện, dĩ nhiên là cũng tán dóc những điều về tôn giáo, Chúa, Phật... Trước khi ra về bạn nói, bây giờ già rồi tao đang tập... Cứ tưởng giờ đứa nào cũng già sức khỏe ngày một "teo tóp", bạn đang tập Yoga hay Thái cực quyền, dưỡng sinh, nhưng bạn tiếp, tao đang tập sống hòa thuận với chính mình.

A ha, điều này ngộ, người ta nói phải tập sống hòa thuận với xã hội, với bạn bè, với người thân, với người lạ... còn bạn thì đang tập sống hòa thuận với chính mình...

Nhưng khi chỉ còn một mình, tôi cũng tự hỏi, phải chăng khi đã đến cái tuổi già như bạn, tôi cũng cần phải tập sống hòa thuận với chính bản thân? Và "sống hòa thuận với bản thân", có phải cũng là một công án thiền?





30 nhận xét :

  1. "Sống hòa thuận với bản thân"- một công án dễ hiểu và cần thiết hơn những công án cổ xưa đó anh H.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Công án này này nghe chừng dễ hiểu và cần thiết hơn "tiếng vỗ của một bàn tay", hay "ba cân mè", nhưng cũng không biết bắt đầu từ đâu và ra sao đó Toro, "thỏa thuận" coi bộ dễ hơn "hòa thuận", hihi!

      Xóa
    2. 1- Mới đọc qua, thấy công án của ông bạn PNH dễ hiểu ở chỗ nhận ra được trong con người ta có sự giằng co nội tâm để hòa thuận với chính mình. Nhưng làm sao hòa thuận được thì bu tui cho là không dễ tý nào. Cứ giả sử bu và TORO nghe một đại lão Hòa thượng nào đó bảo Phật là ba cân mè thì lập tức trong mỗi chúng ta xuất hiện ra hai con người:
      - Con người thứ nhất vâng lời Hòa thượng một cách kính cẩn nghiêm túc, vì nể ông tuổi cao lại là vị sư đức cao vọng trọng.
      - Con người thứ hai đưa cái hiểu biết thông thường vốn dĩ nặng nợ với lý thuyết nhị nguyên sẽ cho rằng ông Hòa thượng kia nói tào lao. Mè là mè phật là Phật sao mè lại là Phật được?
      Người thứ nhất cãi lại: Đại lão Hòa thượng tinh thông Phật pháp nói không sai đâu, đến như bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại là Einstein còn bảo Phật giáo là khoa học, không những thế nó còn trùm lên mọi khoa học nửa mà.
      Thế là hai con người trong mỗi chúng ta cãi nhau, không to tiếng nhưng mà quyết liệt, xem chừng khó hòa thuận cho được, vì Con người thứ nhất tin hòa thượng vì nghĩ đến Einstein chứ không vì sự hiểu biết nào.
      2- Ông bạn của PNH cũng ở trong tình trạng phân thân. Bản chất tham sân si đã thành xương tủy mất rồi, bây giờ giảm bớt nó, loại trừ nó ra khỏi cuộc sống thì phải đấu tranh, phải giằng co, đôi khi căng thẳng và mệt nhọc...
      3- Để chấp nhận được Phật là ba cân mè (hoặc một thứ gì đó) thì phải đi sâu vào Duy thức triết học. Đặc biệt là biết được Đại sư Long Thọ đã nói gì trong Trung quán luận. Trong bài giảng của thầy Nhất Hạnh về Trung quán luận có đoạn thế này: "Nếu Einstein có thuyết Tương đối luận thì Long Thọ có tương đãi luận. Tương đãi có khác với tương đối. Trong tuệ giác của đạo Phật, cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái kia không có mặt thì cái này cũng không. Vì ngắn cho nên mới có dài,vì có cho nên mới có không, vì sinh cho nên mới có diệt, nhờ sáng cho nên mới có tối. Ta có thế vượt thoát tương đãi ấy để đi tới cái thấy bất nhị". Từ điển Phật học có nói về bất nhị pháp môn: "Lý nhất thật, như như bình đẳng mà không có sự khác biệt giữa cái này với cái kia. Phật pháp có 84.000 pháp môn, pháp môn bất nhị là tối thượng"
      Bất nhị là không có hai, chỉ có một (thuyết nhất ngyên) vậy thì Phật cũng là mè, mè ( hoặc bất cứ thứ gì) cũng là phật vậy.

      Xóa
    3. Hay hay, bác Bu xứng danh Trưởng lão mà chị M. đã gọi, bác mà khoác áo vàng áo nâu thì hẳn là phải ăn đứt "cấp bậc" Đại đức, ít ra cũng cỡ xấp xỉ Thượng tọa chứ chẳng chơi.

      Đúng là ở trong bản thân ta luôn có "hai con người", một đứa tạm gọi là ngoan ngoãn, biết nghe lời cha mẹ, thày cô, người lớn..., đứa kia cà chớn, cứng đầu rắn mắt, tham ăn tham tiền, thậm chí láu cá lưu manh... mà chẳng đứa nào chịu đứa nào, sao cho hai đứa này hòa thuận lắm khi quá khó, hihi!

      Xóa
    4. Anh Hiệp ạ! Trường Lão Bulukhin mà nói thì có sách có chứng, anh em mình mà thuộc và tận tường hết từng ấy thì có mà.. bạc tóc.

      Trong thời đại vật vã này, cái tâm con người luôn xao động bất an, để cho cái tâm và thân của ta biết "sống hòa thuận với bản thân" thì khó lắm thay!

      Xóa
  2. Khi đói thì ăn, khi khát thì uống nước.. Làm việc gì ta cũng làm trong chánh niệm.. nghĩa là chỉ chánh niệm mà ăn, mà ngủ, mà.. vệ sinh. Cái tâm lao xao chạy từ trong ra ngoài từ ngoài vào trong làm ta mất ăn mất ngủ, tinh thần ta bấn loạn, cuối cùng chẳng việc gì xong.. dẫn đến bệnh hoạn cả thân và tâm.

    M đã từng được cuộc sống lao xao của mình thử nghiệm và cuối cùng là cái bao tử đã lên tiếng cho việc bản thân đã không biết "sống hòa thuận với chính bản thân của mình". Nghĩ cũng lạ anh Hiệp nhỉ? Tu chính là làm những điều bình thường nhất! Thiền là nhìn thấu suốt bản thân mình trong từng hơi thở, từng hành vi, từng suy nghĩ.. vậy mà ta cứ đi tìm ở tận đâu đâu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Đói ăn khát uống" thì hiểu rồi đó chị M. nhưng làm gì cũng trong "chánh niệm", thì tôi không hiểu rõ lắm, dù tôi có đọc nhiều cái giải thích "chánh niệm" của các vị cao tăng, "chỉ chánh niệm mà ăn, mà ngủ, mà.. vệ sinh", vậy thế nào là "tạp niệm ăn, ngủ... vệ sinh"?

      Tôi thì chỉ "đói ăn khát uống, buồn ngủ thì đi... khò" (nếu có thể được), chứ chẳng quan tâm đến chánh niệm hay chánh giác gì hết.

      Còn "Thiền là nhìn thấu suốt bản thân mình trong từng hơi thở, từng hành vi, từng suy nghĩ..", tôi cũng thường đọc, hay nghe ké mấy đĩa kinh của bà xã nói thế, nhưng làm sao mà nhìn được như thế, mấy vị đại đức, thương tọa... có nhìn được như thê không? Hay họ chỉ nói thế cho chúng sinh nghe chơi? Chị M. có nhớ câu chuyện con rết không? Khi có ai đó hỏi con rết bò chân nào trước? Con rết căng óc ra suy nghĩ chân nào bước trước, thế là nó lăn kềnh không bò được nữa. Rối thật!

      Xóa
    2. Anh Hiệp ơi! Chánh niệm là một trong Bát Chánh Đạo. Anh có thể vào các trang Phật Giáo đọc qua, riêng ở đời thường thì Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói tới Chánh Niệm trong ăn rất hay:

      Thiền ăn:

      Một cách ăn chánh niệm. Chánh niệm, đó là cách hay nhất để tâm an. Đó là thiền. Thiền ăn! Một tiếng đồng hồ dành cho 2 chén cơm, ta được dịp lắng nghe ta, nghe tiếng rào rạo của hai hàm răng nhai nghiền ngấu nghiến, nghe tiếng nước bọt tiết ra trộn lẫn với cơm, hòa tan nó, tiêu hóa nó, nghe chất ngọt chuyển hóa từ glucid thành đường glucose, nghe từng ngụm nhỏ thức ăn nhẹ nhàng trôi qua thực quản, xuống dạ dày, ruột non, nghe các tế bào nhung mao đang hấp thu, chuyển hóa. Ta sẽ có dịp cảm ơn từng động tác một, cảm ơn mình, cảm ơn thiên nhiên. Ta đã hoàn toàn thoát khỏi những vướng bận tranh hùng xưng bá, thiên thu vạn tải, nhất thống giang hồ…

      http://www.dohongngoc.com/web/lom-bom-hoc-phat/thien-va-suc-khoe-nghi-tu-trai-tim/thien-an/

      Xóa
    3. Chánh niệm là một trong Bát chánh đạo thì tôi biết chớ, tôi có đọc sách thấy, và nhiều cái khác nữa bởi tôi cũng có đọc khá nhiều sách nói về những điều này. Hihi, ăn chánh niệm thì như tôi đã nói, đại khái như cha mẹ mình xưa hay nhắc, ăn cho ra ăn, học cho ra học... GS Trần Văn Khê cũng có bài viết rất lý thú về chuyện ăn của người Việt, chẳng hạn như ăn bằng tay, miệng, bằng mũi, bằng mắt, bằng tai..., nghĩa là "nhất tâm", tất cả mọi cơ quan trên con người tận hưởng vào cái khoái đầu tiên của con người...

      Còn ngày xưa đi hướng đạo, sinh hoạt thanh niên..., trước khi vào bữa ăn tập thể, thường có hát một bài để cám ơn thiên nhiên, cám ơn những người làm ra hạt gạo như chị M. nói, tôi nhớ câu "Cơm nước này nặng tình là tình nông dân..."

      Và tôi cũng hiểu rằng, những cái gì gọi là "siêu sao" nhất của ĐẠO, lại là những cái "bình thường" nhất trong cuộc sống, Hihi!

      Xóa
    4. Vâng, chỉ khi đến tuổi của anh em mình thì chợt thấy sông là sông, núi là núi anh Hiệp nhỉ!

      Mà mấy nhỏ nhà M, khi ăn cơm mà thấy mẹ lo ra là chúng lại "rầy" mẹ, muốn mẹ tập trung vào ăn, không cho mẹ nghĩ ngợi và nói tới những việc lo âu vì chúng lo cho cái bao tử của M. Tối đến thấy mẹ mệt là lại cùng tập thở, tập yoga với mẹ. Kể ra thế hệ con cháu của tụi mình cũng khá giỏi lắm!

      Xóa
    5. Tụi nhỏ bây giờ thấy "sông là sông núi là núi" cũng giống mình hồi xưa, nghĩa là đang ở thời kỳ đầu, còn cái "thời kỳ cuối" thấy như thế nó lại khác, giống mà khác, khác mà giống, hihi!

      Nói thế chứ trong chuyện Phật đắc đạo tôi vẫn có một cái ngờ, ngờ là cuối cùng Phật cũng hiểu ra được "nguyên lý của giác ngộ, an nhiên tự tại, là dứt bỏ mọi phiền não, không còn tạp niệm", nhưng người thực sự đạt được đến an nhiên tự tại (dứt bỏ được thất tình, lục dục)là người như thế nào? Có giống như một gã khờ hay một người mất trí đi đứng lơ ngơ không? Chứ nếu còn cái gọi là lý trí, trí khôn tức là vẫn còn biết mưa nắng, buồn vui, đau buồn, sướng khổ..., thì chừng như không thể nào an nhiên tự tại được...

      Xóa
  3. Chánh niệm có được khi ta làm việc gì thì chú tâm hết sức vào việc đó, đầu óc không nghĩ lan man đến những việc khác và chú tâm như thế thì tạp niệm không len vào được.

    Em cũng đang lò dò đọc một số sách Phật nhưng những sách viết cao siêu quá đọc mà không hiểu gì cả hoặc cố để mà hiểu thì...mệt lắm. Chị M nói đúng, tu chính là làm những điều bình thường nhất, tự sửa bỏ những tật xấu tham sân si, biết tự kiềm chế bản thân, mở được lòng thương yêu với mọi người... thế là tu một cách thiết thực nhất, em nghĩ thế!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, thế thì ngày xưa ông bà cha mẹ mình chánh niệm quá xá, xưa tôi hay nghe nói thế này, ăn cho ra ăn, học cho ra học, chơi cho ra chơi, đừng có chưa xong việc này đã lo việc khác...

      TT à, tôi nói điều này, đến chùa là tốt, tụng kinh nghe pháp là tốt, nhưng đừng để vướng mắc vào những sách vở, từ ngữ, nhất là những từ ngữ cao siêu, thậm chí chỉ nghe đến thôi là đã lùng bùng lỗ tai, choáng váng mặt mày... Vướng vào những sách vở, từ ngữ này là... hết có lối thoát, Đạo thì bất lập ngôn...

      Tôi có bà chị bà con, 75 tuổi đi tu từ trước giải phóng, hiện đang trú trì ở một ngôi chùa lớn tại bãi Dâu Vũng Tàu, gặp chị nói, em ơi, chẳng có cái Đạo nào hơn đạo làm người, hãy cứ sống sao cho đàng hoàng tử tế, còn hơn đọc chán vạn kinh sách. Tôi cũng luôn nghĩ thế.

      Xóa
    2. Nếu Thu thuy đã nghe thầy Nhất Hạnh thuyết về CHÁNH NIỆM thì chắc cũng nghe thấy nói về TẬP KHÍ, thầy không đùng từ TẠP NIỆM như một vài học giả khác. Đúng vậy không hay bu nhớ nhầm huhuhu.
      Thầy cũng dùng chữ BỤT thây vì PHẬT
      Theo thầy TẬP KHÍ là thói quen. Giữa CHÁNH NIỆM và TẬP KHÍ có sự loại trừ lẫn nhau. Người tu hành phải luôn luôn dùng chánh niệm bao vây cô lập đi đến tiêu diệt tập khí, như vậy mới đủ vững chãi mà bước đi trên bát chánh đạo dẫn đến giác ngộ và giải thoát.

      Xóa
  4. Những công án đó là con đường riêng của mỗi thiền sư ; mình có muốn đi theo cũng chẳn được . Phải tìm đừơng riêng cho mình thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói đúng, mỗi người phải tìm ra được con đường cho riêng mình, con đường mà người khác đến giác ngộ, có thể là con đường đưa mình đến địa ngục :-)))

      Xóa
  5. Hòa thuận , thỏa thuận ... chả biết đường nào mà lần . Thôi thì cứ chấp nhận cái " hiện trạng " của chính mình cho rồi ...(:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cuối cùng thì cũng phải trở về mà hoan hỉ với cái hiện trạng eo xèo của mình thôi, hihi!

      Xóa
  6. cám ơn anh về 1 entry thú vị. Walk cũng giống ánh điểm, đọc kinh Phật này nọ mà không hiểu và không nhập tâm, haizzzz, chắc là duyên chưa ngộ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hìhì! Qua rất nhiều năm thì tôi "chừng như" nghiệm ra điều này, có một ĐẠO PHẬT và một Tôn giáo Phật giáo, ĐẠO PHẬT thì không thể nói bằng lời, không thể diễn tả bằng giảng pháp, tụng niệm trì, chú, cúng tế, bằng những từ ngữ rất kêu mà vô hồn... Cái mà chúng ta thấy hàng ngày nơi những ngôi chùa, đó chỉ là Tôn giáo Phật giáo, có khi nó "chống" lại ĐẠO.

      Xóa
  7. Chỉ tiếc là "hai người bạn" không đào sâu công án: "Sống hòa thuận với mình" để tác giả đăng lên cho bà con thưởng lãm! Công án này chắc thiết thực hơn những công án sao siêu kia!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng bạn ạ, có lẽ đó là "vấn đề" của mỗi người, nó thiết thực hơn những công án siêu sao Phật tại tâm với Phật ba cân mè...

      "Sống hòa thuận với mình", nghe nó đương nhiên và đơn giản thế, nhưng một khi nó vang lên, nghiêm túc, thì ta mới chợt nhìn lại mình, và tự hỏi, đã có mấy lúc ta sống hòa thuận với chính ta?

      Xóa
  8. Cảm ơn Bác cho biết về Công Án Thiền.
    Tôi yêu ĐẠO PHẬT, không màng tôn giáo Phật vì bây giờ một số là PHẬT THỰC.
    .
    Rồi Cũng Sẽ Qua
    Một đệ tử tìm đến thiền sư của mình và nói: "Con không thể nào nhập Thiền được!"
    "Rồi cũng sẽ qua", thiền sư trả lời.
    Tuần sau, đệ tử đến gặp thiền sư. "Việc nhập Thiền của con rất tuyệt! Thật tuyệt!".

    "Rồi cũng sẽ qua", vị thiền sư trả lời.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng yêu Đạo Phật, Đạo Chúa..., nhưng không thích nhà thờ và nhà chùa, tuy cũng hay phải đến. tôn giáo cũng cần thiết cho đại chúng, dù sao có niềm tin tôn giáo cũng còn hơn vô thần, nó là cái thắng cho chiếc xe...

      Cám ơn bạn, "Rồi tất cả cũng sẽ qua" :-)))

      Xóa
  9. Mấy ông "gọi là thiền sư" cứ tung hỏa mù cho rắc rối thêm sự việc vốn rất
    đơn giản.
    Những cái công án xưa cũ giống như một cách khoe mẽ, chất chứa một cái tôi hợm hĩnh...
    Có khi mỗi cái công án mấy ông đưa ra, chính mấy ông cũng "pó tay"
    Hiểu được chết liền!
    Hihi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải làm cho rối lên thì "gỡ" nó mới "oai" chứ, hihi!
      Tôi không nghĩ thế về công án xưa, ở vào mấy trăm hoặc cả ngàn năm trước có khi họ có những suy nghĩ, đặt vấn đề khác ta bây giờ.
      Nhưng tôi cũng nghĩ như bạn, như mấy quyển kinh, nghe thuyết giảng thấy siêu quá. Có rất nhiều cái ngày xưa đọc thấy nói là "ngộ", nhưng tôi hồ chừng là "ngộ giả"... :-)))

      Xóa

    2. Theo NT biết, cái từ "ngộ" ở miền Bắc (nông thôn)họ hiểu theo cái nghĩa là "khùng"
      Hehe...

      Xóa
    3. Ồ, cái chữ "ngộ" nó mênh mông nghĩa ấy chữ, gặp một đứa trẻ dễ thương hay một cô gái xinh xắn nói "trông ngộ", gặp một ông khật khùng ba trợn cũng nói "cha này trông ngộ quá", đối với đồ vật hay hay cũng nói "cái này ngộ"...

      Xóa
  10. Chào bạn Phạm Ngọc Hiệp .
    Mọi sự cảm nhận cá nhân đều thú vị , miển là ta chịu hòa hợp với nhau .
    Học thuật , tu học , Phật học , Thiền học , lại là một chuyện khác nũa .
    Nếu bạn là một Phật tử , những bài viết về việc học Phật , học Thiền ắt sẽ làm bạn thú vị .
    CT thích bài viết của bạn .
    Chúc bạn thường an

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn son lu, cám ơn bạn đã ghé đọc. Cuộc sống là tất cả những gì đang diễn ra, trong đó có Tôn giáo.

      Tôi chưa bao giờ là một Phật tử (và cũng chưa có ý nghĩ trở thành Phật tử), nhưng từ xưa đến nay tôi vẫn quan tâm nhiều điều về Tôn giáo (không riêng về Phật giáo)...

      Cũng xin chúc bạn những gì an lành.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))