Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Những cái tên.

                                                      Chợ Bến Thành xưa. Ảnh Internet.

Ra giêng ngày rộng tháng dài, tôi có thời giờ lai rai đọc lại mấy quyển sách cũ (đọc sách mà lai rai, cứ như dân nhậu). Trong một quyển sách viết về Saigon, Gia Định xưa tôi đọc được như thế này (quyển sách này được xuất bản ở Saigon năm 1973, sau năm 75 được tái bản nhiều lần):

"Bà Chiểu, là địa danh chỉ tỉnh lỵ Gia Định. Có người cho rằng Bà Chiểu là một trong 5 bà vợ của vị lãnh binh đã xây cái cầu Ông Lãnh. Theo phương pháp kinh tế tự túc mà những vị đa thê thời xưa thường áp dụng, vị lãnh binh này đã lập 5 cái chợ, giao cho mỗi bà cai quản một cái.
Bà Hạt (Sài Gòn), Bà Quẹo (thuộc Tân Bình), Bà Chiểu (Gia Định), Bà Hom (Bình Chánh), và Bà Điểm (thuộc Hốc Môn)".

Chuyện này không biết thực hư ra sao?, nhưng tôi cũng có nghe nói như thế, có khi thay một trong những bà kể trên là "Bà Rịa".

Trong một quyển sách khác, quyển Sài Gòn năm xưa, của học giả Vương Hồng Sển, có đoạn viết về vấn đề trên như sau (quyển sách này năm 1968 đã được Nhà sách Khai Trí tái bản lần thứ 2, sau năm 75 cũng đã tái bản thêm nhiều lần nữa):

"Tiện đây tôi yêu cầu các học giả nên thận trọng lời diễn luận chẳng khá làm tàng bịa đặt tên "nhà thương Đầm Đất" (như trong một tờ tạp chí kia), trong lúc dưỡng đường Grall được cất xây trên một đồn đất thật sự, ai ai cũng rõ biết, và cũng không nên vì thấy gần Sài Gòn có những chợ: "Ông Lãnh", "Bà Chiểu", Bà Điểm", "Bà Hom", "Bà Rịa", "Bà Đen" rồi đề quyết Năm Bà vốn là thê thiếp ông Lãnh binh nọ. Tột chết đa! Tuy người mất rồi không nói được, chớ còn người cố cựu nữa chi?".

Như chúng ta đã biết, ở trên là những tên gọi, những địa danh một số nơi, là tên cầu, tên chợ... Ông Lãnh là tên một cây cầu bắc qua rạch Bến Nghé, từ quận 1 sang quận 4, cũng là tên một ngôi chợ kế đó. Trước đây là một ngôi chợ lớn, thuộc loại chợ đầu mối chuyên buôn bán nông, thổ sản, sau do mở đường làm thêm cầu, chỉnh trang đô thị nên chợ đã bị thu hẹp. Lãnh chỉ là chức vụ Lãnh binh của ông, còn có một tên gọi, một địa danh nữa về ông, là con đường Lãnh Binh Thăng ở quận 11, chức vụ và tên của ông kèm theo.

Sách vở chép về ông như sau: Ông Lãnh Binh Thăng tên là Nguyễn Ngọc Thăng, quê ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, sống dưới triều Tự Đức vào thời Pháp đánh chiếm Nam kỳ. Ông đã từng tham gia các trận đánh ở đồn Cây Mai, đồn Thủ Thiêm, và vùng phụ cận khi quân Pháp chiếm thành Gia Định. Ông nổi tiếng với chiến dịch Mù U gây tổn thất nặng cho địch. Về sau ông phối hợp lực lượng của ông với nghĩa quân Trương Định ở Gò Công tiếp tục chống Pháp. Ngày 15-5 âm lịch năm 1867 ông tử trận ở Gò Công và được đưa về an táng tại quê nhà. Hiện ông được thờ với vị Thành Hoàng và đức Trần Hưng Đạo ở đình Nhơn Hòa đường Cô Giang quận 1 (ngôi đình này gần cầu và chợ mang tên ông).

Còn những địa danh là chợ, chẳng hạn như chợ Bà Hạt, Bà Quẹo, Bà Chiểu, Bà Hom, Bà Điểm, Bà Rịa... mà có sách đã gán cho các bà này là những bà vợ của ông Lãnh, sách vở có chép, đại khái: Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Chiểu có lẽ là các bà thoạt tiên buôn bán tại các chợ này, sau lấy tên đặt cho chợ, như chợ Bà Hoa ở khu Ngã tư Bảy Hiền quận Tân Bình, rồi có khi từ chợ đặt thành tên cho con đường. Còn địa danh Bà Rịa, là một tên gọi từ thời... cố hỷ nào, trong Gia Định Thành Thông Chí có nói đến, còn gọi là Bà Lị (có sách chép là Bà Địa), là một nước xưa thuộc Phù Nam, Chân Lạp... Nếu mà có là một bà nào có tên gọi như thế, cũng chẳng thể nào là vợ của ông Lãnh binh được...

Riêng 2 tên gọi Bà Quẹo, Bà Hom thì sách vở cũng có chép. "Bà Hom có lẽ do Bàu Hom (bàu ngâm hom tre) nói chệc, vì Bàu Bèo, Bàu Hói, Bàu Môn cũng nói chệch thành Bà Bèo, Bà Hói, Bà Môn. Năm 1986 còn có một cái bàu nơi đây. Còn tên Bà Quẹo: "có lẽ do Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo đọc chệch, vì đường Thiên Lý cũ ngày xưa (khu Bà Quẹo) có một khúc quẹo rất rõ. Ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh có Cống Quẹo; ở xã Cần Thạnh, huyện cần Giờ, TP. HCM và ở Vĩnh Long có cầu, vùng Lộ Quẹo.

Có lẽ đúng như học giả Vương Hồng Sển đã viết trong sách Sài Gòn năm xưa tôi đã trích bên trên, và qua tiểu sử của ông Lãnh Binh Thăng, là một người yêu nước, cả đời ông cầm quân chống Pháp, lấy đâu ra thời gian cưới đến 5 bà vợ, và thời gian đâu mà dựng đến 5 cái chợ để theo "phương pháp kinh tế tự túc" giao cho mỗi bà cai quản một cái... Có lẽ đấy chỉ là những câu chuyện "trà dư tửu hậu", hoặc chuyện tầm phào bên bàn nhậu mà thôi...

Nhân đây tôi cũng xin nói sơ qua về cách hình thành những tên gọi, những địa danh... Như chúng ta đã biết, tên gọi một nơi chốn (chợ, cầu, con đường, một vùng đất,,,) mà người ta quen gọi là địa danh, ngày xưa chỉ hình thành sau khi có con người sinh sống nơi đó. Một vùng đất hoang vu (có thể có tên gọi trên bản đồ), nhưng tên gọi từng nơi thì chẳng thể nào có tên cụ thể, tên gọi cũng chẳng từ trên trời rơi xuống, chỉ khi con người đến sinh sống những tên gọi, địa danh mới hình thành, và được hình thành trên những nguyên tắc sau:

-Thoạt tiên là dựa trên những đặc điểm của chính đối tượng mà hình thành tên gọi, chẳng hạn cầu Mống, cầu Hang, cầu Chữ Y, cầu Ba Cẳng, Ngã Bảy, kênh Ruột Ngựa... chợ Cũ, chợ Mới, xóm Mới, cầu Tre, cầu Ván...
- Dựa theo những yếu tố có quan hệ mật thiết với đối tượng để gọi, như kênh Tẻ, kênh Tắt (miền Nam đọc trại là Tắc), chọ Vải, chợ Đũi, chợ Cầu Muối, xóm Chiếu, xóm Củi, xóm Chỉ... Ngã ba Ông Tạ, cầu Ông Thìn..., gò Cây Mai, Củ Chi (tên cây mã tiền), Đồng Nai, rạch Cá Sấu... Bến Đá, Bến Cát, Bàu Cát, Rạch Miễu, Bàu Sen, Đầm Sen... Cầu Thị Nghè, chợ Bà Hoa, chợ Bà Chiểu... Lăng Ông, Lăng Cha Cả...
- Dùng từ ngữ Hán Việt để đặt tên, thường mang những ý nghĩa tốt đẹp, Tân An, Bình Long, Thạnh Lộc, Bình Hòa, An Phú, Tân Bình...
- Có nguồn gốc từ xa xưa, là tên cổ của Người Chăm như Nha Trang, Cam Ranh..., Cao Miên như Gò Vấp, cần Giờ, Soài Rạp..., Mã Lai như Cù Lao, Indonesia như Chà Và, Pháp như La Cai, Năng Xi, Calmette... Hoặc đã được gọi trại, hay tên gọi còn đó mà không sao tìm ra được nguồn gốc chính xác, như Sài Gòn...

Đại khái là như thế, và tên gọi, địa danh không có tính cách vĩnh viễn, nó thay đổi theo thời gian, lịch sử... Chẳng hạn tên gọi Lăng Cha Cả ở Sài Gòn, có lẽ chỉ những người khá lớn tuổi ở Sài Gòn lâu mới biết, lớp trẻ 8, 9x bây giờ nhiều khi nghe Lăng Cha Cả chẳng biết là ở đâu. Đây là khu mộ của giáo sĩ Bá Đa Lộc (Pingeau de Béhaine), người đã dắt Hoàng tử cản sang Pháp cầu viện. Ông mất năm 1799 tại Quy Nhơn khi đang giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn. Phần mộ của ông được vua Gia Long an táng cụ thể tại khu vực sau này gọi là Lăng Cha Cả, tại quận Tân Bình thuộc sân bay Tân Sơn Nhất. Đến năm 1983 khu mộ bị giải tỏa để mở đường, làm vòng xoay và nay đang làm một cây cầu vượt tại đó, mộ được cải táng. Khi bốc mộ chỉ còn cây Thánh giá, có thể thời gian đã hủy hoại xương cốt, cũng có ý kiến cho rằng ngày trước vua Gia Long sợ nhà Tây Sơn trả thù, nên mộ của ông ở đây chỉ là mộ giả (mộ gió), còn mộ thật ở Nha Trang, được cải táng năm 1923.


Tham khảo:

- Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức, Viện Sử học-NXB Giáo Dục, xuất bản năm 1999.
- Đường phố nội thành TP HCM, Nguyễn Đình Tư, NXB TP HCM-Chi Cục Bản Đồ và Khảo Sát Xây Dựng, xuất bản năm 1994.
- Gia Định xưa, Huỳnh Minh, NXB VH-TT, xuất bản năm 2006.
- Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển, NXB TP HCM, xuất bản năm 1997.
- Sổ tay địa danh, Lê Trung Hoa-Nguyễn Đình Tư, NXB VH-VN, xuất bản năm 2012.
- Địa danh học Việt Nam, Lê Trung Hoa, NXB KH-XH, xuất bản năm 2011.






17 nhận xét :

  1. "Hoàng tử cản", xin đọc "Hoàng tử Cảnh".

    Trả lờiXóa
  2. Có "bạn" PNH về đây, "chị bà già" thấy trang blogspot vui hẳn lên đó "bạn" ui ùi!

    Bà già viết vài giòng thôi, để tối về mới đọc lại nha.. hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, cám ơn "chị Bà già", TT hà Nội có thắc mắc về cái tên này đấy.

      Xóa
  3. Cái nước Nam mình thời nhà Nguyễn có tiếng là một nước chữ nghĩa (số 1 Đông Nam á) Sách vở nhà Nguyễn để lại đầy cả một lầu tàng thư ở Huế (nay dời vào Đà Lạt cho khỏi ấm mốc). Bộ địa chí đồ sộ 4 tập là Đại Nam nhất thống chí nhưng ghi được quá ít và không cập nhật đầy đủ. (nguyên tắc địa chí là 10-15 năm ghi lại một lần để các nhà hoạch định dùng mà vạch đường lối cai trị)) Một số sách khác chỉ ghi cái lớn lao liên quan đến các vị vua quan ở triều đình. Còn tại sao là chợ bà này bà kia thì không ai biết đến. Bu tui thấy ông Vương Hồng Sển có công trong vụ này, có điều cách hành văn của ông cứ như đang khề khà trong quán nhậu. Bu tui tích cóp ông Khá nhiều nhưng chưa đọc được mấy . Hộ khẩu Nam bộ, công dân Nam bộ như bu tui đây thật là khiếm khuyết huhuhu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như bác nói, vấn đề địa chí cần phải cập nhật, khoảng 10 hay 15 năm một lần, và chỉ có nhà nước mới có đủ thực lực, để làm chuyện này. Có lẽ còn những chuyện quá lớn lao, tỉ như là đường sắt cao tốc, bô xít... nên bỏ quên việc này chăng?

      Ông Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, xưa hơn là Hồ Biểu Chánh viết văn với văn phong như thế, đó là tính cách Nam bộ xưa, cà rề, khề khà..., Nhưng như vậy mới đúng là Vương Hồng Sển, và sách của ông đặc trưng cho một miền, một vùng đất, một thời...

      Xóa
  4. Thật lạ lùng. Ở miền Bắc thì con người phải mượn tên sông núi để ghi danh như Tam Nguyên Yên Đổ, ông Tú Vị Xuyên, cụ Nguyễn Tiên Điền, còn trong Nam CON NGƯỜI cho núi sông mượn tên mình, những cái tên người gần gũi và mến yêu: Bà Quẹo, Bà Hom... Đọc bài của bạn tôi khoái quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đấy chính là một nét khác biệt, người miền Bắc "văn chương" hơn (nơi nghìn năm văn vật mà), còn miền Nam dân dã hơn (đất mới, chỉ mới tồn tại hơn 300 năm nay, và ban đầu di dân Việt đa phần thuộc miền Bắc Trung bộ, và miền Bắc, nhưng thuộc thành phần bình dân, vì một số lý do chẳng đặng đừng phải bỏ quê hương ra đi), cho nên những tên gọi, những địa danh, thường được hình thành nôm na như thế.
      Sau này (sau 2 đợt di cư lớn 1954 và 1975, do thời cuộc), ở Sài Gòn chẳng hạn, mới có những địa danh, những con đường mang tên văn vẻ, sông, núi (khu Bắc Hải quận 10, khu dân cư mới gần sân bay Tân Sơn Nhất), các loài hoa (khu Miếu Nổi, quận Phú Nhuận)... nơi những khu đô thị mới mở...

      Xóa
    2. Người Nam mộc mạc, chân chất, thẳng thắn, đôi khi thằng thừng. Câu ca
      Ra đi thấy vịt cũng lùa
      Thấy duyên cũng kết thấy chùa cũng tu
      Nói lên rất rõ bản tính người Nam tự do phóng khoáng
      Nhà thơ Xuân Diệu nói trên đường nam tiến các cụ vội vã lo cuộc sống nên tên đất tên người gọi nôm na cho khỏi mất thì giờ tra cứu chữ nghĩa.

      Xóa
    3. "Con người là sản phẩm của môi trường", đúng là như thế. Tuy gốc gác từ miền Trung, miền Bắc, nhưng người miền Nam lại có suy nghĩ, phong cách khác, tính chân chất, mộc mạc, có lẽ là do khi xưa thiên nhiên miền Nam thuận hòa, tôm cá đầy sông, cây trái đầy vườn, thậm chí đến lúa không trồng cũng có mà ăn (loại lúa nổi theo con lũ mà người dân gọi là lúa ma). Cuộc sống không phải cạnh tranh nhiều (tuy ban đầu cũng phải lo chuyện thời khí, thú dữ, cướp bóc...), nhưng giữa chốn đất rộng người thưa, con người với nhau mới là quý.

      Nhà thơ Xuân Diệu nói đúng, có thể ban đầu trên đường Nam tiến các cụ bận rộn cuộc sống, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là di dân Nam tiến ngày xưa đa phần thuộc tầng lớp bình dân, ít chữ nghĩa, như lính thú, những người nghèo khổ khó sống được nơi quê hương, những kẻ có máu giang hồ bay nhảy, thậm chí là những kẻ mang tội phải lưu đầy... Cho nên những địa danh thường được đặt rất nôm na, đầm trồng sen gọi ngay là bàu sen, khúc quẹo thì gọi là lộ quẹo...

      Xóa
  5. Chẳng ở Nam bộ người ta mới lấy tên người đặt cho tên đất mà ngay ở Campuchia, cái tên thủ đô Phnom Penh là một minh chứng: Phnom là bà, Penh : tên riêng của bà Penh. Người đã lập ra cái ngôi chùa mang tên: Wat Phnom, Wat: chùa, miếu, và sau bao lần di dời, nay Phnom Penh trở thành thủ đô của Campuchia.

    Kể ra nét văn hóa Nam bộ và các nước lân cận phương nam cũng có những nét tương đồng nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong khi văn hóa Bắc bộ ảnh hưởng nặng phương Bắc, thì văn hóa Nam bộ lại thuộc phương Nam, vùng Đông Nam Á, cũng bởi Nam bộ (kể cả miền Trung) xưa kia là đất của Chiêm Thành, Chân Lạp, là những cư dân có nguồn gốc phía Nam. Cho nên văn hóa Nam bộ có những nét tương đồng với các nước lân cận như "chị Bà già" nói.

      Xóa
    2. Tôi đọc trong Chuyện đông chuyện tây của An Chi thấy nói, tiếng Khmer Phnom có nghĩa là "núi". Trên trang mạng WikipediA viết về Phnom Penh, trong mục "Nguồn gốc tên gọi" có nói, thành phố lấy tên từ Wat Phnom Daun Penh (hay Wat Phnom: đền trên đồi). Tên của nó được đặt theo Daun Penh (Bà Penh), một góa phụ giàu có. Như vậy chữ Phnom có nghĩa là đồi, núi, chứ không phải là Bà, chị M. ơi.

      Xóa
    3. Đúng như anh nói đó anh PNH ơi! M viết nhầm đó, đích thị chữ Phnom là "núi" vì mấy em cứ nói Núi bà Penh, nên tối hôm qua M viết nhầm.

      Về chữ Phnom Penh này thì M cũng viết một entry ở trang Multiply nhân nói về Phnom Penh.

      Xóa
  6. 1. Theo PGS. TS. Lê Trung Hoa, các địa danh mang thành tố chung Bà ở trước, qua tìm hiểu từ nguyên,ông thấy có những xuất xứ chính sau đây:
    - Là người phụ nữ đã có chồng con, có công ở khu vực (xuất hiện phổ biến). Bà là từ gốc Hán Việt (婆 ) và đã được Việt hoá từ xa xưa nên có thể xem như là một từ thuần Việt : Bà Tư, Bà Đồ...
    - Là biến âm của âm tiết hoặc âm tố khác: Bà Hói (biến âm từ Bàu hói), Bà Băng (biến âm từ bờ băng), Bà Nà (biến âm từ Ba Na), Bà Om (biến âm từ mà ơm - Tiếng Khmer, chỉ một loại rau thơm), Bà Rịa (biến âm từ Po Riyak- nữ thần trấn sóng người Chăm), Bà Lý (Việt hoá từ Pang Li, gốc Khmer), Bà Nay (Việt hoá từ Pù Nạy, gốc Khmer và Thái) ...
    - Dịch ý địa danh gốc Khmer, Chăm thành Bà và giữ âm gốc của địa danh: Bà Kè ( dịch từ địa danh Khmer Prêk Năk Yây Kè, nghĩa là “rạch đức bà Kè” )
    2. Trong chữ Hán, Ruchung tôi còn thấy một chữ Bà khác 鄱, chỉ tên đất, mà ở Bắc quốc người ta vẫn dùng để đặt địa danh: 鄱陽 Bà Dương ( hồ Bà Dương, tọa lạc tại tỉnh Giang Tây ). Do ảnh hưởng sâu sắc về văn hoá (trong đó có ngôn ngữ) nên ở Đại Việt (Việt Nam) tồn tại nhiều địa danh có nguồn gốc Hán - Việt và cách đặt địa danh theo kiểu Hán. Không rõ trong hàng trăm địa danh mang thành tố chung Bà ở Sài gòn có địa danh nào được người Việt đặt trực tiếp cho vùng đất mới này không mà không thấy TS. Lê Trung Hoa phân loại và thống kê?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn Ruchung đã ghé nhà, chữ Bà trong những địa danh ở nước ta (hình như tập trung nhiều ở phía Nam?), có nhiều nguồn gốc, nhiều ý nghĩa chứ không hẳn chỉ để nói về phụ nữ. PGS. TS Lê Trung Hoa viết khá nhiều sách về địa danh, nhưng tôi cũng chưa tìm thấy tài liệu nào của ông phân tích riêng về chữ Bà như bạn nói.

      Xóa
  7. "và tên gọi, địa danh không có tính cách vĩnh viễn, nó thay đổi theo thời gian, lịch sử..."
    Dù vậy , nhưng những tên đường nó gắn bó với con người qua năm tháng , đôi khi nằm chết dí trong tiềm thức ... Thỉnh thoảng , leo lên xe , bác tài hỏi đi đâu ? đến đường nào ? Nói đi đến đường Đồn Đất , Tạ Thu Thâu ... Bác tài trẻ ngơ ngẩn , còn mình thì không tài nào nhớ nổi tên đường mới là gì ((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, môt thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, bây giờ mà nói "bát phố Bô Na", nhà thờ Hầm, thậm chí nói "Cầu Mống", có nhiều người sống khá lâu ở Saigon cũng không biết ở đâu.
      Đường Đồn Đất, Tạ Thu Thâu... chẳng còn nên bác tài trẻ mù tịt, nhưng chắc hẳn là rành... Bơ với Bánh (Đoàn Văn Bơ, Huỳnh Văn Banh) tên đường mới... (((-:

      Xóa

:) :( :)) :(( =))