Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Những cái tên (tiếp theo).

                                                 
                                                       Chùa Phước Kiển. Ảnh Internet.


Khu dân cư Phước Kiển. Ảnh Internet.


Qua nhà 2 bạn "cố cựu" là Marguerite, và NguyenThuThuy, đọc được 2 entries viết về đầu năm đi chùa, và tu tập. Bạn Marguerite ở Saigon thì đi thăm chùa Vàng tận nước Xiêm, còn bạn NguyenThuThuy ở Hà Nội  thì lên núi Côn Sơn tu tập. Côn Sơn là nơi xưa kia thi hào Nguyễn Trãi đã chọn làm nơi ở ẩn chắc cảnh vật  phải rất đẹp. Núi Côn Sơn có ngôi chùa Côn Sơn là một ngôi chùa cổ, tên chữ của chùa là Thiên Phúc Tự, trên núi có bàn cờ tiên, còn tên tục của chùa ngày xưa dân gian gọi là chùa Hun. Một cái tên khá hay, và nếu nói theo "cách" của người miền Nam thì khá ngộ nghĩnh.

Ở bài trước tôi đã "tán" về những tên gọi, một vài địa danh ở Saigon và vùng phụ cận. Người Saigon nói riêng và người miền Nam nói chung, ngày xưa rất chân chất, mộc mạc, và thẳng thắn (tôi nói ngày xưa, là để phân biệt với ngày nay, thời thế thay đổi, có lẽ ít nhiều con người cũng thay đổi, người Saigon bây giờ có thể "lanh" hơn cách nay 50 năm). Cho nên những tên gọi, những địa danh xưa cũng được đặt rất chân chất, mộc mạc, và bình dân, đôi khi kỳ cục... Trở lại chuyện chùa Hun ở Côn Sơn, tôi đọc trong sách thấy giải thích tên gọi như thế vì người dân trong vùng ngày trước chuyên hun đốt củi để làm than. May mà chùa ở miền Bắc, chứ nếu chùa ở miền Nam thì tên Hun có thể hiểu theo một nghĩa khác, "hun" theo phương ngữ Nam bộ có nghĩa là... "hôn", và người miền Nam nói là "hung", thêm chữ "g" đằng sau chữ "hun".

Người miền Nam có một cái "tật" khá dễ thương là hay viết sai chính tả, dấu hỏi thành dấu ngã, "Sửa Honda thành Sữa Honda", hoặc dấu ngã thành dấu hỏi. Chữ không có "g" đằng sau thì khi nói thêm "g", chẳng hạn như chữ "hun" phát âm thành "hung", ngược lại chữ có "g" thì khi viết lại bỏ mất "g". Chẳng hạn như chữ "Phước Kiển Tự" trên hình. Chú ý một chút ta sẽ thấy hàng chữ Hán mờ mờ phía trên là "Phước Cảnh Tự" (chữ Cảnh bộ Nhật), đọc từ phải qua, Chùa Phước Cảnh. Vì kỵ húy chữ Cảnh (hoàng tử Cảnh), nên Cảnh đổi thành Kiểng (ở chữ hoa cảnh mới đầu thành hoa kiểng, sau kỵ húy luôn chữ Hoa mẹ vua Thiệu Trị, nên chữ hoa kiểng thành huê kiểng, bông kiểng. Cầu Hoa thành Cầu Bông). Nhưng rồi Kiểng lại viết thành Kiển "Phước Kiển Tự", trong khi chữ Hán gốc là Cảnh còn sờ sờ ra đấy.

Trong địa danh hành chánh của TP HCM có xã Phước Kiểng ở huyện Nhà Bè, đây là một xã mới phát triển sau này, trước đây là vùng bưng biền. Khu dân cư mới mọc lên, gắn luôn cái bảng to tướng "Khu dân cư Phước Kiển A". Thế là từ "Chùa Phước Kiển", hình thành "Khu dân cư Phước Kiển".

Còn rất nhiều những tên gọi, những địa danh nay đã bị gọi, viết chệch đi như thế, bên quận 8 có Cầu và Rạch Bà Tàng ("tàng" hiểu nôm na là không bình thường), thời Pháp viết là "Bà Toàn", hoặc Rạch Bà Môn ở Bình Chánh, đọc chệch từ Bàu Môn, vì ngày xưa có cái bàu trồng môn. Ranh quận 7 và quận 8 có cây cầu tên là cầu Rạch Ông (không biết là ông gì? vùng Saigon ngoài tên gọi Bà cũng có một số tên gọi Ông là tên người, chẳng hạn cầu Ông Lãnh, ngã ba Ông Tạ, Giồng Ông Tố, vườn Ông Thượng...). Thì ra tên gốc là Rạch Ong, vì cầu bắc qua rạch Ong Lớn, hai bên rạch trước đây là rừng có nhiều ong làm tổ, ở gần đấy có cây cầu tên là Cầu Mật, người dân vào rừng lấy mật ra bán ở gần cầu, nên có tên như thế...

Ở huyện Cần Giờ TP HCM có một cây cầu mới xây ít năm nay, đó là cầu Dần Xây, cầu được làm để thay cho bến phà cùng tên Dần Xây. Không biết có phải vì cái "huông" tên "dần xây" hay không, mà khi xây dựng phải mất nhiều năm lâu hơn dự kiến. Thực ra Dần Xây chỉ là tên gọi chệch  của từ Giằng Xay, tên một loại cây gỗ tạp nhỏ dùng làm thuốc được trồng nhiều ở vùng này. Từ Giằng Xay biến thành Dần Xây...

Có một con sông, đoạn hợp lưu của sông Đồng Nai và sông Tắc (tên gốc là Tắt, đi tắt) đến ngã ba sông Nhà Bè, có một cái tên rất nôm na, bình dân, đó là sông Chàng Hảng, cái tên hơi... tục. Chẳng qua chỉ là do 2 con sông hợp lại có địa hình giống như người đứng... chàng hảng, người dân dùng ngay hình tượng này để gọi. Chúng ta cũng thấy ở tên cầu Chữ Y (cầu chia làm 3 nhánh như chữ Y), cầu Ba Cẳng ở quận 5 nay không còn (cầu có 3 chân, người miền Nam gọi chân là cẳng).

 Và cũng không nói đâu xa, ngay tại quận 1 Saigon có một địa danh tên là Đakao (nay là phường Đakao), cái tên có vẻ như tên Tây, nhưng thực ra Đakao có nguồn gốc từ tên Việt. Saigon  cuối thế kỷ 19 được chia thành 18 hộ. Hộ ngày trước là một đơn vị hành chánh lớn hơn phường, nhưng nhỏ hơn quận ngày nay. Đất Hộ là khu đất của một hộ. Thời Pháp Tây nói là Đa - Ka - Ô, rồi trở thành Đakao như ngày nay, mà tên gọi này là từ... Tây chứ không phải tại người mình.

Ở riêng Saigon thôi cũng đã có quá nhiều những tên gọi được hình thành như thế...


9 nhận xét :

  1. hồ Lắk ở Buôn Ma Thuột (Lắk cũng là hồ). Chắc người Thượng gọi là lắk nên người kinh gọi là vậy.
    Bài viết thú vị. Bổ ích.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở Tây nguyên có nhiều địa danh có tên bắt nguồn từ sông, suối, hồ nước của các dân tộc thiểu số. Chữ Lak (Lắk) trong Dak Lak (Daklak-Đắklắk) là "hồ" (M'Nông), còn Dak là "nước" (Daklak = hồ nước). Chuyển sang tiếng Việt thành "Hồ Lắk", đây là hiện tượng "chồng ngữ" trong từ ngữ, dưới miền Tây Nam bộ có sông "Cái Lớn", hoặc ta cũng quen gọi một từ khác "tuyến đường".

      Xóa
  2. Bác Hiệp giỏi về các địa danh ghê, chả bù cho em có những đoạn đường đi mấy lần rồi còn lạc lên lạc xuống, hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, quý bà hình như ít rành đường xá, tên gọi vùng miền, hồi này tu tập tinh tấn chứ TT? Gặp gỡ như thế vui vẻ cũng hay lắm.

      Xóa
  3. Rảnh rỗi , bác H tìm hiểu tiếp các địa danh ở miền Tây thử . Hồi trước hay nghe ba mẹ Marg nhắc những cái tên rất hay : Thanh bình , Hòa An , Tịnh Thới ..., nhưng cũng có những cái tên khá ngộ : Lấp Vò , Cái Vồn ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, để xem sao, địa danh miền Tây hay lắm à nhen.

      Xóa
  4. Tiếng quê miền sông nước thân thương. Bạn có điều kiện viết tiếp nhé.
    Rất hay và ta yêu quê hơn.
    Cảm ơn Bạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi sinh ở miền Bắc (Nam Định), lớn lên và sống tại miền Nam, chủ yếu là Saigon, nhưng yêu thích vùng đất này. Tôi sẽ còn viết tiếp.
      Tình thân.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))