Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Kiến trúc.

Nói về kiến trúc thì mênh mông, vô cùng, cũng như những ngành nghệ thuật khác, kiến trúc Âu, Á, Tây, Tàu,  Ta, Nhật, Mỹ... xưa, nay. Như người ta thường nói, Đông - Tây - Kim - Cổ... Nhân một hai entry trước tôi đã đưa lên và nói về mấy ngôi nhà thờ xưa, được xây theo lối kiến trúc Châu Âu ở Saigon. Có những ngôi nhà thờ được xây theo kiến trúc Gothique, một phong cách kiến trúc Trung cổ Châu Âu, với những vòm mái cuốn nhọn cao vút. Những ngôi nhà thờ khác được xây theo kiểu kiến trúc Roman với những kết cấu bằng đá, hoặc kết hợp cả hai phong cách kiến trúc cổ điển này. Những ngôi nhà thờ này đã tồn tại cả trăm năm nay, và khi ngắm nhìn chúng ta thấy vẫn rất đẹp và rất duyên dáng.

Bây giờ, ở Saigon ít năm trở lại đây, riêng trong lĩnh vực kiến trúc tôn giáo, nhiều ngôi nhà thờ đã được xây dựng mới, với những vật liệu, kiến trúc hiện đại, hoành tráng... Nhưng cũng như trong lĩnh vực nghệ thuật khác, chẳng hạn âm nhạc, chúng ta đã thấy những bài hát bây giờ cứ na ná như nhau, nhàn nhạt, có nghe cả trăm lần cũng cứ như nước đổ đầu vịt, nước đổ lá môn, nó cứ trôi tuột đi chẳng để lại chút gì trong trí nhớ... Hình như những ngôn từ, những nốt nhạc đã được sắp xếp, để làm sao có được một thứ gọi là bài hát, chẳng còn thấy hồn vía âm nhạc nơi đâu. Hiếm thấy một bài hát có hồn, như cái thời âm nhạc của Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn...

Cũng có một vài ngôi nhà thờ ở Saigon được xây dựng gần đây, trông cũng hay hay, lạ mắt, hoặc có vẻ kỳ dị thế nào... Chẳng hạn những ngôi nhà thờ tôi post lên dưới đây:

- Nhà thờ Tân Hòa:


                                                  Nhà thờ Tân Hòa. Ảnh Internet.

Thuộc Giáo hạt Phú Nhuận-Saigon, tọa lạc ở quận Phú Nhuận, ngôi nhà thờ nằm trong một con hẻm gần bên dòng kênh Nhiêu Lộc, được xây dựng từ năm 1960 với kiến trúc mái ngói Á Đông, điểm nhấn là những đầu đao uốn cong trên mái, trông như một ngôi đền Việt Nam, với lối vào tam quan, trên tam quan và mái là những chữ Nho. Chúng ta thường quen thuộc với những nhà thờ kiến trúc Châu Âu (bởi Thiên Chúa giáo đã được truyền sang từ phương Tây), chắc hẳn sẽ ngạc nhiên và thích thú với kiến trúc Á Đông của ngôi nhà thờ này. Bổn mạng nhà thờ: Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ Maria. Nhà thờ được xây trong khu vực đa số là giáo dân di cư năm 1954.

- Nhà thờ Mai Khôi:

                                                      Nhà thờ Mai Khôi. Ảnh Internet.

Thuộc Giáo hạt Tân Định-Saigon. Tọa lạc nơi quận 3 (cuối đường Tú Xương). Trước năm 75, nguyên là một nhà nguyện nhỏ của dòng Đa Minh Lyon, dành cho giới trẻ Sinh viên, học sinh công giáo sinh hoạt. Sau năm 75 nhà nguyện được cải tạo lại, thành Giáo xứ. Bổn mạng của nhà thờ: Đức Mẹ Mai Khôi.

Nhà thờ có mặt tiền được xây dựng thành hình ảnh của một cây thông Noel, trông khá độc đáo.

- Nhà thờ Phú Trung:


                                             Mặt tiền nhà thờ Phú Trung. Ảnh Internet.

                             Mặt bên hông nhà thờ, với mái hình cuốn sách rộng mở. Ảnh Internet.

Nhà thờ Phú Trung thuộc Giáo hạt Tân Sơn Nhì, Saigon, thuộc quận Tân Bình. Bổn mạng: Thánh Phanxicô Xaviê. Được xây dựng vào năm 1974. Ngôi nhà thờ này cũng còn một tên gọi khác là Nhà thờ Hầm. Thật ra bây giờ không còn mấy người biết về tên gọi Nhà thờ Hầm. Đấy là một ngôi nhà thờ được lập khoảng sau năm 1954 bởi những Giáo dân di cư từ miền Bắc vào, vị trí của Nhà thờ Hầm ở sát kế bên nhà thờ Phú Trung, nguyên là một kho đạn xây bằng đá cũ của người Pháp bị bỏ hoang. Những Giáo dân từ miền Bắc vào đã tận dụng kho đạn cũ bị bỏ hoang lập thành giáo đường, đến năm 1974 nhà thờ Phú Trung được xây mới cạnh đó, ngôi nhà thờ Hầm bị bỏ phế. Hiện nay vẫn còn dấu tích bằng đá của nhà thờ hầm cũ, đã được cải tạo thành công viên.

Nhà thờ Phú Trung xây theo một ý tưởng cũng khá độc đáo, tháp chuông phía trước nhà thờ trông như cây viết, còn mái của nhà nhìn từ bên hông trông như quyển sách rộng mở (có lẽ tượng trưng cho quyển Kinh thánh chăng?).

- Nhà thờ Đa Minh:


                                                Nhà thờ Đa Minh-Ba Chuông. Ảnh Internet.

Còn gọi là nhà thờ Ba Chuông, Giáo hạt Phú Nhuận-Saigon, nằm ở quận Phú Nhuận, nhà thờ mới được xây dựng lại vài năm trở lại đây, với những đầu đao trên mái khá kỳ dị. Đầu đao trong những kiến trúc cổ điển Á Đông chỉ là một điểm nhấn của mái ngói, thì ở ngôi nhà thờ này đầu đao trở thành điểm chính của mái bê tông, trông như những cánh tay vươn lên trời... đầu hàng hay cầu cứu...



12 nhận xét :

  1. Cám ơn bạn đã cho mình có cơ hội ĐẠI KHAI NHÃN GIỚI.

    Trả lờiXóa
  2. Vài lần đi ngang nhà thờ Mai Khôi cũng có chú ý đến kiến trúc mặt tiền có hình cây thông trông khá hay . Còn nhà thờ Tân Hòa thì có một kiến trúc rất riêng đường nét hài hòa , đẹp chứ không rối như nhà thờ Ba Chuông

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà thờ Mai Khôi và nhà thờ Tân Hòa có kiến trúc độc đáo, còn nhà thờ Ba Chuông thì đúng là... rối, Tây chẳng ra Tây, Ta chẳng phải Ta, Hồi chẳng phải Hồi, đích thị là cái... lẩu thập cẩm :-)))

      Xóa
    2. Quả đúng như nhận xét của hai bạn!

      Xóa
    3. Hihi, chi tiết đầu đao là của kiên trúc Á Đông, cái hình vòm ở trên 2 cửa nhỏ 2 bên cạnh (hình nhà thờ Ba Chuông thứ nhất), sao chép ở kiến trúc Hồi giáo... :-)))

      Xóa
  3. Kiến trúc đẹp là kiến trúc có bản sắc, hình thức cá biệt, mang hơi thở của thời đại xây dựng... nhưng cũng phải mang đặc trưng do tính mục đích của nó quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ mỗi yếu tố đó nhiều hay ít là chuyện khác. Em nghĩ về kiến trúc như thế, cho nên cả mấy nhà thờ này đều đọc đáo, không trùng lặp... nhưng Nhà thờ Tân Hòa thật sự mang hình thức của một ngôi đền thờ thần thánh theo tín ngưỡng dân gian chứ không gợi cảm giác nào của Thiên chúa giáo. Nhà thờ Phú Trung quá lạ mắt... Nếu OK thì có lẽ nhà thờ hình cây thông chăng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cá biệt, trong kiến trúc, cũng như trong nhiều lãnh vực khác của đời sống có thể là rất hay, nhưng cũng có thể là rất dở. Còn tỉ lệ lại là cái rất quan trọng trong kiến trúc xưa nay, bởi thế mới có từ ngữ "tỉ lệ vàng" trong kiến trúc.

      Riêng nhà thờ Tân Hòa với kiến trúc Á Đông, như một ngôi đền, ngay từ những năm 1960 đã có ở Saigon, thật sự là một nét độc đáo. Như chúng ta đã biết, Giáo hội TCG bây giờ đang cố gắng mang nhiều nét Á Đông vào một tôn giáo có quá nhiều khuynh hướng Tây phương, chẳng hạn cho thắp nhang, lập bàn thờ người thân, bày đĩa hoa quả, hoặc món ăn trong ngày giỗ, điều mà cách nay 50 năm (hồi tôi còn nhỏ), là không tưởng... dẫu sao, cái tinh thần Á Đông nó vẫn tồn tại trong người TCG Việt Nam.

      Xóa
  4. em là dân Đa Minh Ba Chuông đây, đúng như nhận xét của các anh chị kiến trúc của nhà thờ lạ đến mức không còn gần gũi như hình ảnh nhà thờ ngày xưa nữa.
    bên blog nhà em cũng có một bài về nhà thờ Đa Minh.
    http://bosusu.blogspot.com/2010/10/nha-tho-minh-ba-chuong-hat-phu-nhuan.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi ở cách nhà thờ Ba Chuông vài cây số, nơi quận 3, chỉ mấy bước chân là đến Dòng Chúa Cứu Thế, và cũng là dân gốc TCG (bây giờ cái ngọn có phất phơ). Tôi đã vào xem trang của bạn với nhiều hình chụp như bạn giới thiệu.

      Tôi cũng thây bài bạn nói về nhà thờ Cam Ly Đalat. Nhà thờ Cam Ly xây theo kiến trúc nhà rông của người thiểu số với mái hình lưỡi búa như mái nhà rông. Dalat cũng có nhà thờ Du Sinh, kiến trúc mô phỏng những đốt tre VN, và tổng thể nhà thờ là kiến trúc Á Đông, rất hay. Đáng tiếc là những ngôi nhà thờ rất độc đáo này không được giới thiệu du lịch, ít người biết. Tôi thử tìm kiếm hình ảnh xem sao.

      Xóa
  5. 1- Tựa đề của bạn chỉ có hai chữ KIẾN TRÚC nên không biết nói từ đâu và nói như thế nào. Thế giới đã qua bốn thời kì kiến trúc: 1- thời kỳ đồ đá, 2- Thời kiến trúc cổ đại, 3- Kiến trúc phương Tây từ cổ điển đến chiết trung, 4- Kiến trúc hiện đại và sau này. Trong cái mục 4 này thì Việt Nam ta có được thành tựu gì, yếu kém chỗ nào… Cái này phải là nhà chuyên môn tầm cỡ nói ra chứ đặc cán mai như bui tui thì chào thua.
    2- Kiến trúc cũng như mọi lĩnh vực khác , cần phải có một triết lý hắn hoi. Chẳng hạn triết lý giáo dục ở ta là đào tạo ra những cái máy chấp hành cấp trên, nhưng lý thuyết thì kêu lắm. Nào là đào tạo ra trí thức XHCN, nào là làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội tựu trung là làm theo đảng, nói theo đảng. Anh cứ góp ý kiến cho hiến pháp đi, có điều cấm động đến điều 4, nó là bất di bất dịch. Bỏ điều 4 đi là tự sát… hehehe
    3- Rứa thì triết lý kiến trúc của Việt Nam ta cái chi???
    Thời phong kiến, đất là của vua, thần dân cũng của vua, điều này không ai chối cãi gì nữa, cho nên cung điện lăng tẩm nhà Nguyễn xây dựng trên triết lý vua là tấ cả. Nơi vua nằm xuống phải có cung vàng điện ngọc, đây mới là chỗ ở vĩnh viễn của vua theo triết lý sống gửi thác về. Bao nhiêu tinh túy của kiến trúc và triết lý phương đông được huy động tối đa cho việc xây dựng cung điện lăng tẩm. Ngay nay Tây nó cấp bằng di sản văn hóa thế giới là phải lắm. Cụ Hồ là người hiện đại, không muốn nằm trong lăng nhưng đám đệ tử cứ làm lăng cho cụ. Lăng có đẹp không? Đẹp chứ, nhưng là cái đẹp của người Nga thời Liên Xô. Nó lạnh lùng xa lạ với tâm thức Việt. Vào viếng vua còn có chỗ mà đứng thắp nhang, đằng này vào viếng cụ vừa đi vừa vái lia lịa, người nọ vài vào lưng người kia trông vô lễ và vô lối… huhuhu.
    4- Đơn cử một công trình là lăng cụ Hồ để nội suy ra nhiều cái khác. Mà lâu này thì sách vở đều nói triết lý chung của kiến trúc là sự cân bằng. Kiến trúc là một ngành nghệ thuật trong 7 ngành nghệ thuật của nhân loại, nó có tính tổng hợp rất cao những yếu tố màu sắc, ánh sáng, và tỷ lệ. Vì thế cho nên kiến trúc tạo nên sự cân bằng những cái đẹp trong tự nhiên và trong sự sắp đặt của con người. Khổ lắm, con người Việt Nam lâu nay nghỉ bằng cái đầu của người khác. Người ta Hội đồng bộ trường thì mình Hội đồng bộ trưởng, người ta hội đồng Chính phủ thì mình Hội đồng chính phủ. Người ta 5% địa chủ thì mình cũng đấu cho ra 5% để lôi ra bắn. Cái điều 6 của hiến pháp Liên Xô biến tấu ra điều 4 Việt Nam. Trong kiến trúc cũng vậy thôi. Ông Tiến sỹ Tôn Đại cho là kiến trúc VN có bộ phận theo xu hượng phục cổ, gọi là giả cổ, thực ra là đi sao chép nhai lại cái đã có. Xu hướng giả cổ này không được đánh giá cao, thậm chí cần phê phán vĩ lãng phí tiền bạc của nhân dân, sao chép những mẫu đã trở thành quá khứ của nước ngoài, xa rời truyền thống và đánh mất bản sắc kiến trúc dân tộc. Mấy cái đao đình mọc lên trên nhà thờ đạo là tình trạng này chăng?




    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã viết một comment khá dài có "đầu có đũa", để sáng tỏ thêm về hai chữ "Kiến trúc". :-))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))