Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Ăn.
















Cuối tuần vừa qua tôi đi ăn đám cưới con một người bạn cùng làm trong cơ quan. Bạn là bố cô dâu, thuộc hàng "đại gia" thỉnh thoảng lái xe hơi đi làm, con đang du học bên Úc, lấy chồng Việt kiều đang sinh sống tại Úc. Đám cưới được tổ chức tại một nhà hàng - khách sạn có tiếng từ thời Pháp ở Saigon, nằm bên dòng sông Bến Nghé. Gia đình chú rể từ Úc bay về Saigon. Đám cưới dĩ nhiên thật là hoành tráng.

Một đám cưới bây giờ thường sáu bảy món, tổ chức tại nhà hàng hay tại gia cũng thường thế, thời buổi văn minh,  thực khách được thưởng thức hết món này đến món khác, chứ không như giỗ chạp ngày xưa, thường bày tất cả lên một mâm, khách khứa cứ thế mà nhâm nhi, khề khà... Trở lại chuyện đám cưới, có điều khá lạ là những món ăn nơi những nhà hàng lớn chuyên tiệc tùng cưới hỏi tại Saigon, tôi đã đi ăn không ít lần, nhưng thường không thấy ngon, có lẽ là không hợp khẩu vị...

Nhà hàng sang trọng, cho nên cứ mỗi món ăn lại có người thay chén bát, gắp món ăn để trước mặt, cũng may là món ăn Việt cho nên vẫn dùng đũa, chứ không dùng dao, nĩa, như ăn món ăn Tây... Và tôi lan man suy nghĩ về cái sự ăn uống của cha ông ta ngày xưa, và của chúng ta bây giờ...

Hẳn nhiên ông cha ta, phần đông theo Nho học, suy nghĩ "ăn để mà sống" chứ không phải "sống để mà ăn", "ăn để mà sống", suy nghĩ này có lẽ hơi cực đoan, cũng như người nghĩ "sống để mà ăn vậy. Theo tôi chúng ta nên "trung dung", trước hết là ta phải "ăn để mà sống" đã, đến khi sống được rồi, cũng nên "sống để mà ăn", chẳng thế mà cũng chính ông bà ta đã gán cho cái ăn, là cái "khoái" nhất trên đời...

Ngày xưa ông bà ta ăn cỗ, nghĩa là không phải ăn uống đơn giản thường ngày, mâm cỗ có bao nhiêu món thường bày hết lên mâm, ăn bằng chén, bát, và dùng đũa, muỗng mà gắp, chan, húp... Rồi thời thế thay đổi, người ta cho ăn thế là không văn minh, đi ăn tiệc bây giờ bày ra từng món một, hết món này đền món, có khi ít dùng đũa gắp, mà theo Tây Âu, ăn bằng dĩa, và dùng dao, nĩa... mà xắt, mà xiên...

 Như chúng ta đã biết, nền văn minh Tây phương bắt nguồn từ du mục, săn bắn... Ngày xưa họ dùng giáo, mác... để giết con mồi, và dao để xẻ thịt... Sau này khi đã văn minh thì, dao để xắt, nĩa để xiên trên bàn ăn..., chinh là hành động "nối dài" việc săn bắn khi xưa của họ... Còn người Việt chúng ta có nền văn minh nông nghiệp, trồng cấy. Ngày xưa người ta thờ thần lúa, nơi những dân tộc thiểu số ở Tây nguyên, trước năm 75 sống với họ, tôi thấy họ không dám cả dùng liềm để gặt lúa, mà dùng tay tuốt lúa (gọi là suốt lúa), họ không dám dùng liềm hay dao cắt ngang cây lúa, vì sợ như thế là bất kính với thần linh (thần lúa).

Người Việt dùng đũa chứ không dùng dao, nĩa trong bữa ăn, đấy chính là một nét văn minh và văn hóa, họ không muốn sau khi đã bị giết thịt, cắt tiết, chặt, mổ... con vật khi đã làm món ăn lại còn bị cắt, đâm... trên mâm cơm. Đấy là cái hiền hòa, luôn có trước có sau trong văn minh và văn hóa Á đông...

Còn việc dọn hết tất cả món ăn lên mâm, chứ không ăn từng món như bây giờ lại là một nét văn hóa khác của người xưa, đó là cái tế nhị trong bữa cỗ. Trong bữa ăn dọn từng món, thường ban đầu còn đói, thực khách ăn nhiều những món dọn trước, đến những món sau đã no, có khi chỉ ăn lấy lệ hoặc bỏ dở... Cũng có khi món nào kiêng hay không ăn được, thì người đó đành phải ngồi nhìn người khác ăn cho đến khi dọn món khác. Dọn tất cả lên một lúc, thực khách sẽ "nhắm" phải ăn thế nào cho đừng thiếu món này bỏ món kia, hoặc nếu ăn không được món này, sẽ ăn món khác chứ không phải ngồi nhìn người khác ăn...

Bây giờ đã... về vườn (theo nghĩa bóng), cho nên tôi mới có thời giờ tiếp cận với bếp núc, tìm hiểu về món ăn, cách ăn... Hì hì!


19 nhận xét :

  1. 1- Nếu những tấm ảnh trên PNH chụp trong tiệc cưới mới thấy rằng chạm khắc tỉa tót cho cả trăm mâm như vậy biết bao nhiêu là công mà kể. Ăn no, ăn ngon nay lại ăn đẹp nữa, đúng là phú quý sinh lễ nghĩa
    2- Luận về sự dùng đũa như vậy là có lý, nhưng cũng nên xem dân Mông Cổ săn bắn nuôi súc vật giết thịt thì họ dùng đũa hay dao nĩa....Ba vụ ăn uống bu tui hơi bị lơ mơ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Những tấm ảnh trên tôi chụp ở NVH Phụ Nữ TP HCM, nhân ngày Phụ Nữ VN năm 2012, trong cuộc thi bày bàn tiệc.

      2- Người Mông Cổ hình như ăn... bốc bác ạ (người Việt ngày xưa trước kia ăn gạo nếp là thực phẩm chính cũng ăn bốc), họ ở trên lưng ngựa nhiều hơn đi trên mặt đất, chắc dùng... 5 quân tiện hơn đôi đũa :-). Ấy là tôi đoán thế.

      Xóa
    2. Những món ăn được cắt tỉa trang trí như là một tác phẩm nghệ thuật ấy, thế này là ăn cả bằng miệng và ăn cả bằng mắt nữa bác nhỉ!

      Xóa
    3. PNH đoán họ ăn bốc như người Ấn ĐỘ???
      Vừa cưỡi ngựa vừa ăn thi phải làm như mình ăn củ mì (sắn) luộc chăng, ấy là bu tui cũng đoán mò... hehehe

      Xóa
    4. - NguyenThuThuy, xưa vấn đề trang trí món ăn không phong phú như bây giờ, có lẽ người xưa ăn ít món, chủ yếu ăn no. Giờ bàn ăn nhiều món, trang trí đẹp, ăn bằng miệng, bằng mắt, cả bằng... tai (chẳng hạn bẻ và nhai bánh đa rôm rốp), hihi!

      - Bác Bu, nghe nói người Mông Cổ xưa kia có khi ăn, ngủ luôn trên lưng ngựa, cho nên cứ cầm, nắm mà nhét vào miệng thôi, đũa, thìa, dao, nĩa... chi cho rắc rối, hehe!

      Xóa
  2. chỉ cách ăn thôi cũng đã có rất nhiều ý nghĩa của nó
    qua nhà bác lại thêm đc thông tin mới :)

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cho rằng ăn xôi, lạc rang thì phải bốc thôi.
    Người Việt vùng lúa nước, hay ngồi xổm, nên dùng đũa để nối dài, nếu cúi xuống bốc thì chung chiêng lắm. Còn nữa, người Việt ăn rau, thức ăn nóng, dùng đũa tiện hơn. Đôi đũa như mỏ chim vậy (vùng lúa, chim gắn bó với con người). Đó là tôi tìm lý do cho việc ăn bằng đũa. Còn người Hoa, Hàn và người Nhật ... cũng ăn đũa thì tôi chưa hiểu lý do...
    Chào các Bạn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xưa kia (thời Hùng Vương chẳng hạn), dân ta còn lấy nếp làm thực phẩm chính chắc là ăn bốc, bởi ăn nếp (cơm nếp, xôi), thì ít ăn thức ăn, cũng như ta ăn xôi bây giờ. Sau này chuyển sang ăn cơm gạo tẻ, cuộc sống khá lên, nấu nướng, dọn mâm ăn nhiều món, lúc ấy mới sáng chế ra đôi đũa gắp cho tiện. Đôi đũa như mỏ chim gắp hạt cũng có lý lắm.

      Xóa
    2. Chào bạn VanPham, mời bạn cứ ghé chơi.

      Xóa
    3. Cảm ơn Bạn. Tôi vẫn ghé vui!

      Xóa
  4. Lý giải như bác Hiệp rất hay, ăn đũa hiền hòa hơn. Em thấy ăn đũa còn thể hiện cho lòng chung thủy của người Việt mình nữa. Vợ chồng gắn bó như đũa có đôi, có 1 chiếc thì làm sao gắp thức ăn được. Còn dùng dao hay dĩa, 1 chiếc cũng ăn được ngon ơ.

    Bây giờ Tây hóa rồi, người ta ăn bằng đũa và ăn bằng cả dao nĩa nữa, chả biết nên buồn hay vui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa đôi đũa được ví như vợ chồng, trong sách sử có nói, xưa vợ chồng bỏ nhau thì mang đôi đũa ra bẻ.

      Bây giờ với ngày xưa mỗi thời mỗi khác, giờ chủ yếu làm sao cho tiện, khi ăn cơm bằng bát, phải dùng đũa, nhưng kiểu ăn cơm tấm trong Nam, bằng đĩa, thì lại phải dùng muỗng, nĩa... Thời nào thức ấy thôi...

      Xóa
  5. Mấy món bác H chụp hình ở trên thấy cách bài trí hơi rườm rà nhỉ . Các nhà hàng Tây nó cũng bài trí đĩa thức ăn nhưng trông nhẹ nhõm hơn . Chẳng hạn một miếng thịt ở góc dĩa , vài lát légumes bên cạnh , xốt hoặc tương ớt uốn lượn thành một nét hoa văn , trông thanh thoát lịch sự (((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trang trí món ăn, bàn tiệc, người mình thường rườm rà, nặng nề, đưa nhiều chi tiết vào, trong khi phong cách Tây phương đơn giản, nhẹ nhàng hơn... Đấy cũng là một "nét văn hóa" của từng vùng miền, dân tộc...

      Xóa
  6. Bữa giờ em chưa có dịp ghé tham quan " nhà bếp " của Bác Hiệp, nay ghé lại thấy thật thú vị với những món ăn và cách dùng như Bác Hiệp đã giới thiệu......Hihi. Em định chuyển sang dùng nĩa, dao nhưng nay nghe thấy Bác Hiệp bảo , người mình cầm đũa gắp đồ ăn thấy hiền hòa và... hơn nên em thích làm người hiền hà khg thích làm người ác đâu Bác Hiệp ơi......Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ăn bằng đũa, muỗng hay nĩa, dao... là thói quen, cũng có thể gọi là văn hóa của mỗi dân tộc, tôi viết thế với lòng... tự hào dân tộc thôi. Chứ tôi nghĩ mình cũng không nên cứng nhắc câu nệ quá, có lẽ cũng phải tùy hoàn cảnh, tùy món ăn, tùy nơi mà "quyết" xem dùng thứ gì, chẳng hạn MTB ăn bún riêu, bún ốc thì phải dùng đũa, muỗng chứ có muốn xài dao, nĩa cũng không xong, rồi xơi món Beefsteak chẳng lẽ lại dùng đũa muỗng? Hihi.
      Làm Bà Tiên thì luôn tốt hơn là Bà phù thủy đó MTB :-)))

      Xóa
    2. Vâng, vâng, những lời khuyên của Bác Hiệp em phải học thuộc lòng, để khg thôi mai mốt dìa SÀI THÀNH đi ăn bún riêu lại hỏi người bán hàng có thể đem cho tui dao và nĩa hay khg.......Haha

      Xóa
    3. Về SÀI THÀNH có nhiều món ăn lắm, tha hồ cho bạn lựa chọn :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))