Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

Sáp nhập & Sát nhập.



Đọc sách báo thỉnh thoảng tôi thấy dùng từ "sáp nhập", hoặc "sát nhập", để chỉ hai cơ quan, hai sở (có thể nhiều hơn), hoặc hai tỉnh thành nhập với nhau làm một. Thử tra từ điển tiếng Việt hiện nay như Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên, thấy hai chữ có nghĩa như nhau (đồng nghĩa).

Nhưng trong những tự điển xưa như Đại Nam Quấc Âm tự vị (Paulus Huình Tịnh Của) thấy ghi:

- Sáp nhập: Nhập lại với nhau (nói về làng xóm).

Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức):

- Sáp 揷. Nhập vào với nhau : Hai làng sáp làm một.

- Nhập 入. Vào. Nghĩa rộng: Hợp lại : Nhập hai món tiền làm một. Nhập bọn.

Sáp nhập 揷入. Nói về đem đất chỗ này nhập vào chỗ khác.

Không có từ "sát nhập" với nghĩa tương đương như "sáp nhập" bên trên.

Hán Việt Tân tự điển của Nguyễn Quốc Hùng (Nhà sách Khai Trí - Saigon 1975):

- Sáp nhập 揷入 : Gom vào làm một. Ta vẫn quen đọc Sát nhập là vô nghĩa.

Như vậy "sáp nhập" 揷入 là từ Hán Việt, trong đó cả hai từ "sáp" 揷 và "nhập" 入 đều có nghĩa là "nhập vào, hợp lại với nhau" (từ song tiết đẳng lập). Từ "sáp nhập" thường dùng để nói về việc nhập lại làm một của các đơn vị hành chánh (như các cơ quan, ban ngành, các tỉnh, quận, huyện... nhập lại làm một), ở nước ta việc sáp nhập như thế thường xảy ra.

Trong từ "sát nhập", thì từ "nhập" 入 là từ Hán Việt, còn từ "sát" là từ Nôm. Nghĩa của từ "sát" là "kế cận, kề bên" (ngồi sát nhau, nhà ở sát nhau). Trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), ghi nhận từ "sáp nhập" và "sát nhập" là hai từ đồng nghĩa. Nhưng từ "sáp nhập" là từ gốc, còn từ "sát nhập" là do cách nói sai mà ra.

Cũng có một từ khác mà ta hay dùng trong khẩu ngữ, là từ "xáp" (xáp viết "x"). Chữ "xáp" thường được chỉ hành động "tiến lại gần, sát lại gần", như trong câu nói "đám học sinh xáp lại với nhau", "xáp lá cà". Cũng còn một từ khác được viết là "xán" hoặc "sán" (Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê chủ biên), với nghĩa "do bị thu hút mà đến ngay gần, đến sát bên", như trong khẩu ngữ "Hai đứa nó hễ gặp là xán lại với nhau", từ "xán" không những tỏ hành động "xáp lại", mà còn tỏ ý "quấn quít, thân thiện".

Bên trên là những từ gần âm, gần nghĩa hay đồng nghĩa, người nước ngoài học tiếng Việt mà gặp chắc thấy rối.

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

Lì xì.


Phong bao lì xì. Ảnh Internet.

Đầu năm mới (âm lịch) người Việt có tục lì xì, đại khái là người lớn tuổi sau khi nhận được lời chúc của người khác, thì gởi cho người đó một số tiền tượng trưng đựng trong một phong bao nhỏ màu đỏ in đẹp đẽ, màu đỏ theo Á Đông là màu của may mắn, với những lời chúc tụng tốt đẹp trong năm mới cho cả năm được hanh thông, may mắn. "Người khác" ở đây có thể là trẻ nhỏ, cũng có thể là con cháu hoặc những người thân quen đã lớn.

Lì xì cũng không chỉ dành cho người lớn đối với người nhỏ tuổi hơn, mà còn dành cho người nhỏ (con cháu đối với những người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ,,,).

Tục lì xì bắt nguồn từ người Hoa, họ lì xì vào đầu năm mới với những lời chúc, lì xì không phải chỉ dành cho trẻ em con cháu trong nhà, mà cho cả những người lớn chưa lập gia đình, ở đây không tính tới chuyện lì xì kiểu nhờ vả, làm ăn, trả ơn trả nghĩa với những số tiền lớn.

Thế từ lì xì là từ đâu và có nghĩa là gì? GS. Lê Ngọc Trụ viết trong quyển Tầm nguyên tự điển:

- Lì-xì, tiền tặng (giọng Quảng Đông lệi xi-ị). Tiếng Hán Việt là "lợi thị" 利 市 (tiền tặng có hàm ý hên).

Lợi thị 利 市 đọc theo giọng Bắc Kinh là "lì shì". Nếu vậy thì từ "lì xì" là từ đọc theo giọng Bắc Kinh.

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

Phó.



Phó - Có nhiều chữ, "phó" ở đây chữ Nho 副 có nghĩa là thứ nhì, ở vào hàng thứ yếu, phụ, hàng giúp việc, chứ không phải là hàng thứ nhứt "năm bờ oăn", hay là hàng chính thức. Ngày xưa người ta gọi những người thợ làm một nghề nào đó là "phó", "bác phó", đấy chính là chữ "phó" 副 này. Chẳng hạn thợ may là "phó may", thợ mộc là "phó mộc", thợ xẻ gỗ tức "kéo cưa lừa xẻ" là "phó xẻ", thợ nề là "phó nề, làm cối đá là "phó cối", thợ rèn là "phó rèn", thợ hớt tóc là "phó cạo", làm nghề chụp ảnh là "phó nhòm" hay khôi hài hơn là "phó nháy"... Ngay cả người đứng đầu một nhóm thợ xưa gọi là thợ cả cũng gọi là "bác phó cả".

Đã lâu tôi đọc một bài báo đại khái nói tại xưa người ta coi khinh thợ thuyền nên mới dùng chữ "phó" là thứ yếu, không phải là chính để gọi. Chắc bởi thế nên mới có từ gọi vui là "phó thường dân", đã là thường dân là hạng chót nhứt trong xã hội rồi mà còn là "phó thường dân" nữa thì hết biết. Đọc vậy thì cứ đinh ninh vậy.

.

Phó rèn. Ảnh Internet.


Phó xẻ. Ảnh Internet.

Mới đây xem trong quyển Tầm nguyên tự điển (Lê Văn Hòe - Hanoi 1942), thấy viết về chữ "Phó" 副 như sau:

- Phó 副: Ta thường gọi tôn các người thợ thuyền là ông Phó, bác Phó, như Phó Mộc, Phó Xẻ, Phó Nề, Phó Ngõa v.v...

Gọi thế là người ta có ý suy tôn thuyền thợ coi như các tay thợ giỏi giúp việc viên đầu-mục thợ nhà Vua. Vì xưa Vua ta có đặt chữ Tượng-mục là đầu-mục coi thợ thuyền, dưới Tượng-mục có chức Phó-tượng-mục.

Theo như tác giả Lê Văn Hòe, té ra xưa gọi các bác thợ là "phó" là "gọi tôn", tức là coi trọng người thợ làm nghề chứ không phải coi khinh.

Ra thế.

Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Chữ nghĩa thú vị.



Trong quyển tự điển Annam Latin của Giám mục Jean-Louis Taberd, có một từ khá thú vị, được viết như sau:

- 曳 Dái, revereri, timere; testiculus.

- kính dái, vereri, metuere.

Những chữ tiếng Latin: "revereri" có nghĩa là "tôn kính". "timere" là "sợ hãi". "testiculus" là "tinh hoàn".

- Kính dái, vereri = lịch sự, metuere = sợ.

Ta thấy chữ 曳 "Dái" (chữ Nôm) được viết trong tự điển Annam Latin có ba nghĩa, hai nghĩa đầu là revereri = tôn kính, và timere = sợ hãi", và nghĩa thứ ba testiculus = tinh hoàn.

Trong mục từ "Dái" còn có tục ngữ "Quen dái dạ lạ dái áo", có nghĩa là "Quen thì tôn kính (sợ) nơi tấm lòng (dạ) của người đó, còn lạ thì tôn kính (sợ) nơi tấm áo".

Với chữ "dái" với nghĩa "tôn kính", "sợ hãi", thoạt tiên tôi nghĩ là do chữ "dái" này được ghi nhận theo phát âm của người Nam bộ V = D, lẽ ra phải là "vái"? Tuy nhiên khi xem mục từ "Vái" thì trong tự điển vẫn có chữ 拜 Vái:

- 拜 Vái, invocare (invocare = kêu gọi).

Khấn vái, vovere (vovere = nguyện).

Xem lại trong tất cả các tự điển xưa như tự điển Việt Bồ La (1651) của Đắc Lộ, Đại Nam Quấc âm tự vị (Saigon 1895) của Paulus Huình Tịnh Của, Việt Nam tự điển (Hanoi 1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức, Tự điển Việt Nam phổ thông (Saigon 1951) của Đào Văn Tập, cho đến Tự điển tiếng Việt (1997) Hoàng Phê chủ biên (chữ "dái" ghi "từ cũ"), đều có chữ "Dái" với những nghĩa như tự điển Annam Latin của Taberd.

Trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, và Tự điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên có thêm tục ngữ "Khôn cho người ta dái/ Dại cho người ta thương" (Khôn cho người kính (nể, sợ)/ Dại cho người thương).

Ngày trước chữ "Dái" với nghĩa là "kính, nể, sợ" được sử dụng... vô tư, bây giờ thì không còn dùng nữa, chắc vì nghe không "vereri" (lịch sự).










Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Ngả - Ngã.




Xem trong tự điển Việt Bồ La (1651) của A. de Rhodes (bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, NXB Khoa học Xã hội - 1991), thấy có nhiều cái hay về ngôn ngữ xưa - nay, chẳng hạn về từ "ngã ba, ngã tư" mà ta dùng bây giờ. Trong tự điển Việt Bồ La ghi nhận là "ngả" (dấu hỏi) chớ không phải "ngã". "Ngả ba đàng", "Ngả ba soũ" (ngả ba sông), phân biệt với chữ "ngã" (dấu ~) có nghĩa là "té, ngã", có cả từ "ngã nước" là "bệnh vì uống nước không trong lành, nước độc".

Chữ "ngả" và "ngã" trong tự điển Việt Bồ La.

Đến Đại Nam Quấc âm tự vị (1895-1896) của Paulus Huình Tịnh Của cũng ghi nhận là "ngả":

我 Ngả (chữ Nôm). Nhánh đàng đi, chỉ về phía nào, ngả nào.

- Ngả ba. Chỗ đường đi phân ra làm ba.

- Ngả tư. Chỗ đường đi phân ra làm bốn.

- Ngả cái. Ngả sông rạch rộng lớn.

- Ngả con. Ngả sông rạch hẹp.

- Ngả bát. Ngả sông rạch ở phía tay hữu cũng là tên rạch.

- Ngả cạy. Ngả sông rạch ở phía tay tả cũng là tên rạch.

Tự điển Tiếng Việt (1997) Hoàng Phê chủ biên: (chỉ lấy từ liên quan)

- ngả d. Đường đi theo một hướng nào đó, phân biệt với những đường đi theo hướng khác.

- ngã d. (dùng trước danh từ chỉ số). Chỗ có nhiều ngả đường, ngả sông tỏa đi các hướng khác nhau. Ngã năm. Ngã ba sông.

Coi bộ ngày xưa viết "ngả" hay hơn "ngã" bây giờ, có lẽ chữ "ngã" trong "ngã ba, ngã tư" được dùng sau này, là từ phái sinh từ chữ "ngả".

Khá lạ là trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi 1931), cũng chỉ có từ "ngả" (ngả ba), với nghĩa là "chỗ đầu ba con đường giao với nhau", không có từ "ngã" với ý nghĩa "ngã ba, ngã tư" như hiện nay.

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Học chữ Nho.



Sách Chữ Nho Tự Học của GS. Đào Mộng Nam.

Chữ của người Trung Hoa ngày xưa ông bà ta gọi là chữ "nho". Hàn nho có nghĩa là nhà nho nghèo, học trò nghèo, nho gia là để chỉ người đi học, người có học, nho nhã là cái dáng vẻ của người có học (chữ nho) thuở trước. Đạo nho là một học phái do Khổng Tử khai sáng, chữ nho là chữ thánh hiền.

Vào khoảng nửa sau của những năm 1960 lúc bắt đầu học trung đệ nhị cấp tôi đã mày mò làm quen với chữ nho. Thoạt đầu học chơi mấy buổi với giáo sư Đào Mộng Nam, hồi đó ông là giáo sư đại học, dạy ở đại học Văn khoa, Vạn Hạnh ở Saigon. Ông mở một lớp học miễn phí để phổ biến chữ nho, ông giảng giải về sự hình thành của chữ nho, hướng dẫn cho cách viết chữ, thế nào là nét ngang, thế nào là nét sổ (nét dọc), nét nào viết trước nét nào viết sau, rồi cứ thế theo mấy quyển sách Tự học chữ nho của ông mà học. Sách của ông dạy rất dễ hiểu, tôi đã học khoảng gần hai ngàn chữ trong mấy quyển sách của ông. Tới bây giờ tôi vẫn còn giữ được mấy quyển sách này của ông, tính ra cũng xấp xỉ 50 năm.

Đến đầu thập niên 1970 tôi vào quân đội rồi chuyển đến Tây nguyên. Xa nhà nhiều khi chẳng biết làm gì nên ghi tên học hàm thụ chữ nho, người ta gởi tài liệu đến tận KBC (Khu bưu chính) đơn vị, mua thêm sách học. Đời lính đây đó, nhưng thời gian rảnh lại khá nhiều, về phố thì quán xá cà phê, còn khi đi công tác thì mang vài quyển sách, tài liệu theo ba lô. Có những khi ở những nơi đèo heo hút gió cả tháng, như trong một làng Thượng ở Pleiku, Kontum, quán xá không có, ngắm mấy cô Thượng mãi cũng chán, đành phải mang sách ra học.

Chữ nho có một đặc điểm là học chữ nào biết chữ đó, học thì khó nhớ vì khá nhiều nét phức tạp, mà quên thì rất dễ vì ta không hay dùng nó. Chữ nho đơn giản nhất chỉ có một nét như chữ nhất (一), và phức tạp nhất có chữ lên đến khoảng 30 nét, rất nhiều chữ mười mấy hai mươi mấy nét, như chữ nghiêm (nghiêm trang) 嚴 (17 nét), chữ chúc (dặn bảo) 囑 (21 nét). Chữ nho khó nhớ mặt chữ vì có nhiều chữ viết na ná giống nhau, Hai chữ đơn giản là chữ nhật 日 (mặt trời) và chữ viết 曰 (nói) nhìn có thể lầm lẫn. Cho nên người ta nói "chữ tác 作 đánh chữ tộ 祚" là thế.

Chữ nho viết chữ nào đọc chữ nấy, nhưng một âm lại có nhiều chữ viết, rồi trong một chữ viết lại có nhiều nghĩa khác nhau, chữ đó khi đi với chữ này thì hiểu thế này, nhưng khi đi với chữ khác lại hiểu khác. Chẳng hạn đọc là "nha", có đến mười mấy chữ nha, nha 牙 là răng, cũng có nghĩa là ngà, nha 鴉 là con quạ, cũng để chỉ màu đen, nha 衙 là sở quan. Nha môn 衙門 là cửa quan, nhưng "liễu nha" 柳衙, cũng chữ nha 衙 trong nha môn, lại có nghĩa là hàng cây liễu... Trong chữ nho có rất nhiều thành ngữ, điển cố, điển tích. Có những câu tưởng dễ nhưng nếu không biết được điển tích của nó cũng chẳng thể hiểu được ý nghĩa, chẳng hạn như "Thủ chu đãi thố" 守株待兔, nôm na là "Ôm cây đợi thỏ". Tại sao lại ôm cây đợi thỏ? Ta thấy khó hiểu nguyên câu dù có hiểu được từng chữ, vì đó là một tích của người Hoa, mà trong sách của người Hoa cơ man những điển tích như thế.

Cho nên nếu có ai đó nói học chữ nho dễ ợt, năm bảy tháng, một năm là đọc được Thủy hử, Tam quốc, chắc người đó chỉ nói chơi hay nói... xạo.

Có tổng cộng bao nhiêu chữ nho? Trong quyển tự điển chữ nho là Khang Hi, soạn vào đời Khang Hi bên Tàu có 47.035 chữ, xấp xỉ năm mươi ngàn chữ. Trong đó có khoảng 4.000 chữ thông dụng. Giả sử một ngày ta học được 5 chữ, thì với 4.000 chữ thông dụng ta cũng phải mất khoảng 800 ngày học miệt mài, mà đấy là ta phải sử dụng chữ nho hàng ngày để không quên, chứ với kinh nghiệm thì học 5 chữ, chỉ vài ngày buông lơi là đã quên tuốt ba, bốn chữ, nhất là những chữ khó, nhiều nét.

Ngày xưa học trò chuyên cần học cũng phải mất cỡ mười năm mới có thể sử dụng được chữ nho để đọc sách thánh hiền, làm được thơ phú, để đi thi có khi còn khó hơn. Tôi học chơi vài năm, chữ nhớ chữ còn, thỉnh thoảng đi đường có thể đọc được tên ba cái bảng hiệu của người Hoa, đến đình chùa cũng ráng đọc được vài ba bức hoành phi, bao lam. Đọc từng chữ thì được, nhưng nhiều khi ghép lại cả câu thì không hiểu. Chữ nho là thứ chữ rất cô đọng, không thật rành rẽ không dễ gì hiểu được một câu, dù có khi chỉ là câu đơn giản.

Trên kệ sách của tôi bây giờ có mười mấy quyển tự điển chữ nho (Hán Việt, Việt Hán), nhưng chữ thì quên gần hết sạch rồi.














Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Bài và bản - Ca và hát.


Xưa nay ta thường nói "ca một bài vọng cổ" hay "hát một bản cải lương", thì các từ "ca", "hát", "bài", "bản" có ý nghĩa như nhau, nhưng đọc trong sách khảo cứu về âm nhạc dân tộc*, thấy Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê viết:

VÀI NHẬN XÉT VỀ BÀI "DẠ CỔ HOÀI LANG" MỘT HIỆN TƯỢNG TRONG CỔ NHẠC VIỆT NAM

Trước hết tôi xin mở ngoặc về hai chữ "bài" và "bản" chúng tôi đã dùng phía trên. Chúng tôi viết bài "Dạ cổ hoài lang" mà bản "Dạ bán chung thinh" vì lẽ ông Sáu Lầu, chẳng những đặt nhạc mà đặt lời ca cho bài "Dạ cổ hoài lang". Bài ca và bản nhạc. Bản "Dạ bán chung thinh" chỉ có nhạc mà không có lời. Mấy bài của ông Nguyễn Tri Khương sáng tác đều có nhạc lẫn lời, nên tôi tôi dùng chữ "bài".

Trong vọng cổ, cải lương, theo GS. TS Trần Văn Khê thì "bản" chỉ có nhạc mà không có lời, còn "bài" thì có cả nhạc lẫn lời.

GS. TS Trần Văn Khê viết tiếp:

Luôn dịp tôi xin các bạn độc giả lưu ý đến hai chữ "ca" và "hát".

"Ca" là tiếng Hán Việt, còn "hát" là tiếng Nôm. Những từ như "quốc ca", "thánh ca", "dân ca", "ca khúc", "ca trù" là những từ Hán Việt. "Hát" là tiếng Nôm. Những từ "hát bội", "hát tuồng", "hát chèo", "hát cải lương", "hát đúm", "hát ghẹo", "hát xoan" là tiếng Nôm. Chữ "ca", có thể dùng trong tiếng nói thông thường, như tôi "ca" một bài Vọng cổ, tôi "hát" một bài Quan họ. Thì hai chữ "ca" và "hát" có nghĩa hơi khác nhau một chút.

"Ca" dùng cho những bài ca có làn điệu nhất định, thường thì nhạc có trước lời ca, và lời ca phải đặt theo làn điệu. Như bài Hành vân, Tứ đại, có nét nhạc cố định, nên chúng ta nói Tôi "ca" bài Hành vân, bài Tứ đại, chớ không nói tôi "hát" bài Hành vân.

"Hát" dùng cho những bài trong đó nét nhạc không cố định mà tùy theo lời, như trong hát tuồng, hát bội, người ta dùng từ "hát khách", "hát Nam" vì các bài hát khách, hát Nam không có một nét nhạc cố định mà nét nhạc tùy theo thanh giọng của lời thơ, lời phú. Lời trong các bài Quan họ là thơ lục bát hay lục bát biến thể, lời trong mấy bài "hát nói" cũng được đặt trước rồi nét nhạc tùy theo lời thơ mà lên xuống bổng trầm.

Khi "ca" người ca ngồi yên một chỗ. Khi thêm một vài "bộ điệu" thì "ca tài tử" đã biến thành "ca ra bộ". Nếu ngồi yên mà ca người ta dùng chữ "ca tài tử". Mà khi lên sân khấu, có cử động nhiều, từ dùng là "hát cải lương".

Khi "ca" thì có đờn phụ họa, thường là loại ti trúc, đờn dây tơ, sáo trúc, chớ không có kèn thổi. Nhịp chỉ có phách, song lan (hay song loan), sanh, nhịp đều theo trường canh chớ không có tiếng trống, chiêng. Trong khi "hát" thì tiết tấu không đơn giản mà rất phức tạp, như nhịp phách hát Ả đào, nhịp hát Chèo so trống đé, mõ, thanh la v.v... phụ họa. Hát Bội, hát Tuồng thì có kèn thổi bao, trống chiến "đầu đường" hay "đồ đường" (tức là đồng la) đánh theo nhịp, theo những "chu kỳ", những "quận" rất phức tạp.

Thường thì chúng ta dùng các từ rất đúng, nhưng cũng có khi không để ý tưởng rằng, "bài" cũng như "bản", "ca" cũng như "hát", nên chúng tôi giải thích cho những bạn nào đặt câu hỏi tại sao khi tôi dùng chữ "bài", khi tôi dùng chữ "bản".

Đọc những ý kiến của một bậc thày về âm nhạc dân tộc trên đây, ta mới hay, tuy ngày xưa xã hội đã coi nghề ca hát, diễn tuồng tích là "xướng ca vô loại", nhưng mà để đạt được, hay hiểu được cái "vô loại" của "xướng ca" cũng toát mồ hôi và không phải là điều đơn giản.

Ảnh Internet.

Ghi chú:

* Sách Văn hóa với Âm nhạc dân tộc của GS. TS Trần Văn Khê, NXB Thanh Niên - 2000.

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Đờn ca tài tử.

Một ban nhạc đờn ca Tài tử năm 1911 ở Nam bộ (ảnh của trang Wikipedia).

Đờn ca tài tử hay ca nhạc tài tử là một hình thức âm nhạc thính phòng, để nghe chứ không phải để xem, với một ban nhạc gọn nhẹ và một không gian thu hẹp. GS. Trần Văn Khê viết về đờn ca Tài tử như sau:

"Vào đầu thế kỷ XX, âm nhạc Tài tử miền Nam đã thành hình, nhờ vào các nhạc sỹ, nhạc quan của triều Nguyễn, theo phong trào Cần Vương vào Nam, đem theo truyền thống âm nhạc đất Thần Kinh, chuyển thành hơi miền Nam, có khi đi ngang qua các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trước khi vào Nam, nên các bực thầy trong nghề thường nói gốc đờn Tài tử là đờn Huế hay đờn Quảng.

Chữ "Tài tử" có nghĩa là "người có tài" mà cũng có nghĩa là "không chuyên nghiệp". Mà không chuyên nghiệp không phải là tài nghệ không cao, không cần luyện tập. Những người nổi tiếng trong giới Tài tử là những bực thầy, bài bản đầy đủ, lại có những ngón đờn, những chữ nhấn độc đáo, tuyệt diệu. Nhưng muốn nghe tiếng đờn kỳ diệu đó, không phải có tiền mà được. Người đờn "Tài tử" chỉ gặp nhau trong những buổi hòa nhạc để thưởng thức tài nghệ chớ không phải đờn để kiếm tiền mưu sống".

Đọc thấy ý kiến của GS. Trần Văn Khê về đờn ca Tài tử, một bậc thày về âm nhạc dân tộc Việt Nam, rất xác đáng. Chữ "Tài tử" ở đây vừa có nghĩa là "người có tài", mà cũng vừa có nghĩa là "không chuyên nghiệp". Tài của đờn ca trong đờn ca Tài tử ai cũng biết, còn "không chuyên nghiệp" ở đây không phải là "không chuyên" về "ngón nghề" đờn ca, mà không chuyên về "kiếm tiền mưu sinh". Bước đầu của đờn ca Tài tử thuộc về những lưu dân từ miền Trung theo chúa Nguyễn vào đất phương Nam mấy trăm năm về trước, họ vì những lý do khác nhau mà phải rời bỏ quê nhà lưu lạc đến chỗ xa lạ, nơi rừng thiêng nước độc, nên những lúc rỗi rảnh dăm ba người tụ tập nhau lại trên một chiếc xuồng, dưới bóng của một tán cây, trên một bộ ngựa hay một chiếc chiếu nơi một góc hè, lấy âm nhạc (với cây đờn kìm, đờn cò...) làm chỗ gởi gắm nỗi niềm, tâm sự... Dần dần đờn ca tài tử phổ biến trong những đám tiệc, lễ hội, đi vào lòng quần chúng, từ bình dân đến quan chức, trí thức.

Mãi về sau này, đến khoảng đầu thế kỷ XX, ở Mỹ Tho mới có một ban nhạc đờn ca Tài tử do ông Nguyễn Tống Triều lập, ông Triều sử dụng đờn kìm, ông Bảy Vô đờn cò, ông Chín Quán đờn độc huyền, ông Mười Lý thổi tiêu, cô Hai Nhiễu đờn tranh, và cô Ba Đắc hát. Mỗi tối thứ bảy ban nhạc này trình diễn tại khách sạn Minh Tân gần ga xe lửa Mỹ Tho. Khách đến nghe ngày càng đông. Ông chủ rạp hát bóng Casino thấy khách đến xem đông quá, mới nghĩ đến việc đem ban nhạc này trình diễn cho khán giả xem ở rạp trước giờ chiếu phim như một phụ diễn (cái chính là chiếu phim, xưa gọi là hát bóng hoặc chớp bóng). Bắt đầu từ đó ca nhạc Tài tử bước lên sân khấu chuyên nghiệp là ở rạp hát bóng. Về sau ca nhạc Tài tử có dịp xuất ngoại (khoảng 1910) đi Pháp trình diễn trong dịp đấu xảo, và sau đó phát triển nơi sân khấu, nhà hàng ca nhạc trong nước, các nhạc công, ca sĩ sống được bằng nghề đờn ca Tài tử. Ông Tư Triều (Nguyễn Tống Triều ở Cái Thia), được xem là người đờn hay nhất.

Riêng về chữ "tài tử" ta thấy xưa nay có hai cách hiểu:

1/- Cách hiểu ngày xưa "tài tử" có nghĩa là "người có tài", như trong truyện Kiều của Nguyễn Du "Dập dìu tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước áo quần như nen" (câu 47-48), hay "Thực là tài tử giai nhân/ Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn" (câu 1457-1458). Trong từ điển truyện Kiều, Đào Duy Anh đã giảng nghĩa chữ "tài tử": chỉ người đàn ông có tài, đối với giai nhân. Trong Hán Việt tự điển, Đào Duy Anh cũng giải thích chữ "tài tử" 才 子: Người có tài (homme de talent).

Đại Nam Quấc âm tự vị (1895-1896) của Paulus Huình Tịnh Của viết: Tài tử. Kẻ có tài riêng; kẻ chuyên nghề cổ nhạc, nhạc công. Và từ "Bọn tài tử": Bọn chuyên nghề cổ nhạc.

Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức viết: Tài tử 才 子: 1. Người có tài. 2. Người chuyên nghề âm nhạc.

Tự điển Việt Nam Phổ thông của Đào Văn Tập (Sài Gòn- 1951): Tài tử: Người có tài. Chỉ người chuyên về một nghệ thuật nào, chỉ vì thích nghệ thuật đó, chứ không dùng tài để mưu sinh.

Ta thấy chữ "Tài tử" trong Tự điển Việt Nam của Đào Văn Tập (1951), có ý nghĩa như giải thích của GS. Trần Văn Khê.

2/- Cách hiểu về sau này ngoài việc hiểu như trên, Việt Nam Tân tự điển (Saigon-1952) của Thanh Nghị ghi nhận:

- Tài tử. 1. Người có tài. Homme de talent. 2. Nghệ sĩ: Tài tử chớp bóng. Artiste. Ngr. (nghĩa rộng). Thường để chỉ một người chơi một môn gì chỉ vì thích mà chơi chớ không phải làm nghề riêng: Nhà nghề, tài tử. Amateur.

Xem ra đến thời gian này (thập niên 1950), theo như Việt Nam tự điển của Thanh Nghị, thì từ "Tài tử" còn dùng đề chỉ "Nghệ sĩ: Tài tử chớp bóng. Artiste", và còn dùng để phân biệt giữa "nhà nghề, tài tử" (amateur).

Từ điển tiếng Việt (1997), Hoàng Phê chủ biên ghi rõ hơn:

- Tài tử:

I. (cũ) 1. Người đàn ông có tài. 2, Diễn viên sân khấu, xiếc hay điện ảnh có tài.

II. 1. Không phải chuyên nghiệp, chỉ do thích thú mà chơi hoặc trau dồi một môn thể thao văn nghệ nào đó. 2. (Phong cách lề lối làm việc) tùy hứng, tùy thích, không có sự chuyên tâm.

Ảnh của trang Wikipedia.

Tham khảo:

- Sách đã dẫn.

- Trần Văn Khê & Âm nhạc dân tộc, GS. TS Trần Văn Khê, NXB Trẻ-2000.
- Sân khấu cải lương Nam bộ, Đỗ Dũng, NXB Trẻ-2003.
- Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Nguyễn Lê Tuyên-Nguyễn Đức Hiệp, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM & Cty Phương Nam-2013.