Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Vườn Tao Đàn.

Lão Đạo sỹ.



Hôm nọ ông bạn Đặng Hồng Kỳ (lúc còn chơi ở Yahoo 360 là Hồng Đăng) gởi cho tấm hình chụp đã lâu khi còn "đương xoan" (ấy là nói tôi, chứ ông bạn Đặng Hồng Kỳ vẫn còn xoan lắm), cái thời còn sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Trong tuần sớm mai rảnh rỗi anh em hẹn nhau ngồi làm một ly đen nóng, mà ông bạn Hồng Kỳ nói đúng chuẩn cafe ở cafe Chim Tao Đàn, ngắm chim chóc trước khi bắt tay vào một ngày làm việc.

Trên ảnh là một lão niên râu tóc, lông mày bạc phơ ra dáng một Đạo sỹ thong dong giữa dòng đời, đặc biệt trên vai còn quảy theo một chú sóc. Tấm ảnh này tôi chụp bằng điện thoại di động của anh Kỳ. Tôi không nhớ thời gian chụp tấm ảnh, anh Kỳ nhắc đã gần chục năm rồi. Gần mười năm? Ô hay thời gian qua nhanh quá, không biết bây giờ lão niên Đạo sỹ đã phiêu bạt nơi đâu?

Nhân đây tôi muốn lan man đôi chút về nơi chốn anh em đã ngồi cafe một thời...

Vườn Tao Đàn là tên gọi quen thuộc của người dân TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM), hình như tên gọi bây giờ là "Công viên Văn hóa TP. HCM". Tôi sẽ sử dụng tên gọi vườn Tao Đàn cho ngắn gọn. Vườn Tao Đàn là một khu vườn với nhiều cây xanh, vườn hoa, không khí luôn mát mẻ nằm giữa trung tâm thành phố, phải nói rất may mắn người Pháp xưa kia đã quy hoạch và lập ra vườn hoa này, cùng với Thảo Cầm Viên Sài Gòn mà người dân quen gọi là Sở Thú. Có lẽ đây chính là hai lá phổi xanh của Sài Gòn xưa nay.

Về lịch sử thì vườn Tao Đàn là một công viên thuộc hàng lâu đời nhất tại Sài Gòn được người Pháp thành lập từ năm 1869, khi làm con đường mang tên Miss Cauwel tách khỏi Dinh Toàn Quyền (nay là đường Huyền Trân Công Chúa, từ năm 1963 đến năm 1975 đường này bị cấm lưu thông vì an ninh của dinh Độc Lập). Thoạt đầu người Pháp gọi là "Jardin de la ville", nhưng trong dân gian quen gọi là "Vườn Ông Thượng", Thượng là Thượng Công Lê Văn Duyệt, vì xưa kia gần nơi đây có dinh Tả Quân và hoa viên của ngài. Phía đường CMT 8 bây giờ trước năm 1975 được đặt tên là đường Lê Văn Duyệt. Nhà văn Sơn Nam thì cho rằng tên "Ông Thượng" trong Vườn Ông Thượng để chỉ toàn quyền Pháp Maurice Long, có lẽ bởi người Pháp còn gọi vườn hoa là "Jardin Maurice Long", nhưng cụ Vương Hồng Sển cho biết tên Vườn Ông Thượng đã có từ thời trước khi Maurice Long sang Việt Nam.

Ngoài tên gọi Vườn Ông Thượng, dân gian cũng quen gọi là "Vườn Bờ Rô", tên gọi này chưa thống nhất cách giải thích, Theo cụ Vương trong Sài Gòn Năm Xưa, thì có người cắt nghĩa chỗ này xưa có làm một cái  "préau" (sân chơi trường học hay tu viện), hoặc "bureau" (văn phòng) nên dân ta dựa theo đó chế ra danh từ "Bờ Rô" mà gọi. Cũng sách cụ Vương viết theo tài liệu của ông giáo Trần Văn Xường do ông Lê Ngọc Trụ thuật lại thì Bờ Rô có thể do "Moreau" là tên của người quản thủ Pháp đầu tiên được cắt trong nom khu vườn này.

Còn tên Vườn Tao Đàn thì có từ sau năm 1950, dưới thời "hỗn mang" của miền Nam, mấy năm qua nhiều đời chính phủ (Thủ hiến Nam phần Trần Văn Hữu - 1950. Chính phủ Nguyễn Văn Tâm - Tháng 6-1952. Chính phủ Bửu Lộc - Tháng 1-1954. Và Chính quyền Ngô Đình Diệm - Tháng 7-1954 trở về sau). Tên gọi Tao Đàn được lấy từ Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, hay Hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông (Hội thành lập từ năm 1495, gồm hai mươi tám vị vua, quan, nho sĩ hay chữ).

Sau năm 1975 vườn Tao Đàn được đổi thành "Công viên Văn hóa TP. HCM" cho đến nay.

Cũng thời gian xây dựng "Jardin de la Ville", xin ghi thêm một vài công trình tiêu biểu đánh dấu sự hiện diện của người Pháp và lịch sử của Sài Gòn: 13-1-1863 khánh thành Nhà Bưu Chính Sài Gòn. Tháng 3-1864 khởi công xây dựng Thảo Cầm Viên với diện tích 20 hecta, khánh thành năm 1865, do nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp  là J.B. Louis Pierre sáng lập và làm giám đốc tiên khởi.

Từ năm 1861 bắt đầu xây dựng những đường phố chính ở Sài Gòn, năm 1865 bắt đầu đặt tên đường, như Bonard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), Catinat (Tự Do - Đồng Khởi)...

Tôi tuy sinh ra tại miền Bắc, nhưng ở Sài Gòn từ lúc còn chập chững biết đi nay tạm gọi là già. Thuở còn học trung học Đệ nhất cấp ở một trường trung học nơi quận một do các vị linh mục quản lý, đi học buổi chiều, trong tuần có một buổi chiều thứ năm dành ra 2 tiếng học giáo lý. Tôi thường không học theo mấy đứa bạn ra vườn Tao Đàn bắt chuồn chuồn chuồn, cào cào chơi, hoặc vào "Sân banh vườn Ông Thượng" xem đá bóng, lúc đó vẫn còn đội bóng Ngôi Sao Gia Định lừng danh một thời.

Ngày xưa vào mùa hè mà đi ngang qua khu vực vườn Tao Đàn và dinh Độc Lập tha hồ nghe ve kêu inh ỏi, điếc cả tai, bây giờ thì tiếng ve đã hiếm rồi.

Một thời đáng nhớ nữa của tôi với vườn Tao Đàn là khoảng thời gian gần chục năm trước như anh Kỳ đã nhắc bên trên, một hai ngày buổi sáng sớm trong tuần trước khi đến nơi làm việc (gọi đùa là "giao ban" cho oai), anh em thường hẹn nhau ra một quán cafe trong vườn Tao Đàn phía bên đường CMT 8 (cũng có hôm thêm vài bạn khác như cô Bơ May N...), ngồi nhâm nhi ly cafe tán dóc chuyện trên trời dưới biển, ăn gói xôi bắp hay ổ bánh mì ốp la, nhìn thiên hạ qua lại, và ngắm những con chim hót trong lồng.

Thời gian trôi qua, như gió thoảng...




8 nhận xét :

  1. Thời gian trôi qua như gió thoảng...
    Cám ơn bác Hiệp về chỉ một cái tên vườn mà biết bao nhiêu sự kiện!
    "mấy năm qua nhiều đời chính phủ (Thủ hiến Nam phần Trần Văn Hữu - 1950. Chính phủ Nguyễn Văn Tâm - Tháng 6-1952. Chính phủ Bửu Lộc - Tháng 1-1954. Và Chính quyền Ngô Đình Diệm - Tháng 7-1954 trở về sau).
    Các chính phủ thay thế nhau. Cái tên vườn cũng đổi. Nhưng khu vườn thì vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt", vẫn gắn bó với mọi thế hệ người dân nơi đây!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ Vườn Ông Thượng (thời vua chúa), cho đến vườn Bờ Rô (thời Pháp), vườn Tao Đàn (thời Dệ nhất, Đệ nhị Cộng hòa), rồi Công viên Văn hóa TP. HCM (thời hiện đại), qua biết bao nhiêu thay đổi, nhưng như bác Vũ Nho. khu vườn vẫn còn đó "trơ gan cùng tuế nguyệt", gắn bó với người dân nơi đây :-)

      Xóa
  2. Cháu qua thăm chú Hiệp, đọc bài để bồi thêm kiến thức về lịch sử Vườn Tao đàn và có một thắc mắc hy vọng chú có thể giúp tháo gỡ.

    Là cháu tìm về lai lịch câu "Mang chuông đi đánh xứ người" chú à. Sách thì cháu không có, lên mạng tìm lại không thấy trang nào giải thích. Nhưng người ta lại vận dụng câu đấy để nói về một vấn đề nào đó có tính khuếch trương hoặc sự ầm ĩ ở một nơi khác.

    Đó có phải câu nói dân gian không hay là do ai nói? Hay là có điển tích điển cố gì không thưa chú?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã thử tìm trong hơn một chục quyển sách Thành ngữ Tục ngữ, Từ điển văn liệu, điển tích Trung Hoa... mà không thấy đâu nói về gốc tích của thành ngữ "Mang chuông đi đánh (đấm) xứ người". Ý nghĩa của thành ngữ cũng dễ hiểu, thường để chỉ những người mang tài năng của mình đến xứ người (nơi khác, có thể trong nước hoặc ngoài nước), để thi đấu, thi thố, chẳng hạn việc các vận động viện của ta đi thi đấu ở Olympic có thể nói là "mang chuông đi đánh xứ người".

      Nếu như bạn Marya Thư nói bên trên "Nhưng người ta lại vận dụng câu đấy để nói về một vấn đề nào đó có tính khuếch trương hoặc sự ầm ĩ ở một nơi khác", thì tôi e người ta đã vận dụng thành ngữ này không đúng.

      Xóa
    2. Dạ, cháu cảm ơn chú. Chúc chú cuối tuần vui ạ.

      Xóa
    3. Cũng chúc Marya Thư những ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ :-)

      Xóa
  3. Một ký ức thật khó quên anh Hiệp nhỉ ? Mà hình như càng lớn tuổi thì mình càng sống quay về quá khứ nhiều hơn , anh Hiệp hén ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, già rồi người ta thường quay về quá khứ :-)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))