Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Xích lô đạp & Xích lô máy một thời.

Ảnh 1, xích lô đạp và xích lô máy trên đường phố, phía sau là Thương xá TAX. 
Ảnh Internet.

Trong bài viết trước về mấy loại xe chuyên chở thô sơ xưa kia ở Sài Gòn như xe kéo, xe kiếng, xe bò. Anh bạn trẻ Huy Trường comment... xúi viết về chiếc xe xích lô máy tiếng máy nổ "phành phạch". Cũng hay vì đó là ký ức không phải của riêng một ai ở Sài Gòn, nhưng một khi nhắc đến chiếc xích lô máy, tưởng cũng nên nhắc đến cả chiếc xích lô đạp, cặp "bài trùng" một thời.

- Xích lô đạp:

Theo sách vở, xích lô đạp xuất hiện ở Sài Gòn vào khoảng cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, có lẽ là sự kết hợp giữa chiếc xe kéo và... xe đạp. Xích lô đạp vẫn chạy bằng "nhân lực" nhưng thay vì xe do người kéo trực tiếp chạy bộ phía trước, thì cải tiến thành người đạp ngồi phía sau, thông qua một hệ thống máy móc thô sơ là nhông, sên, bánh xe. Thoạt đầu xích lô đạp được gọi là xích lô, xe xích lô, bắt nguồn bởi tiếng Pháp Cyclopousse, sau gọi là xích lô đạp để phân biệt với chiếc xích lô máy (tiếng Pháp Cyclomoteur), thay vì đạp bằng đôi chân thì xe xích lô máy chạy bằng máy xăng.

Ảnh 2, Xích lô đạp chở khách. Ảnh Internet.

 Ảnh 3, xích lô đạp chở người buôn bán. Ảnh Internet.

Ảnh 4, xích lô đạp chở khách và... vịt. Ảnh Internet.

Ảnh 5, xích lô đạp chở hàng hóa. Ảnh Internet.

Xích lô đạp có 3 bánh bơm hơi, tuy chạy bằng sức người nhưng nhờ có máy móc thô sơ nên chạy nhanh và xa hơn xe kéo, người đạp xe xích lô trông cũng văn minh, thấy đỡ bị... bóc lột hơn. Có lẽ xích lô đạp thoạt đầu chủ yếu chở khách trung lưu đi lại (ảnh 2), sau phổ biến chở luôn khách buôn bán cùng thúng mủng và cả hàng hóa (ảnh 3, 4, 5).

Ảnh 6, xích lô đạp trong cơn mưa. Ảnh Internet.

Xích lô đạp có mui che mưa nắng, nhưng bình thường thì mui này được xếp lại để bớt cản gió, thường thì chỉ khi nào xe chở khách có tuổi yêu cầu, hoặc trời nắng quá hay gặp mưa thì mui xe mới được giương lên, cùng một tấm bạt quây kín thùng xe tránh mưa tạt (ảnh 6). Về mục che mưa nắng này thì chiếc xích lô đạp và xích lô máy giống nhau.


Ảnh 7, Xích lô máy chờ đón khách giữa trung tâm thành phố (phía sau Nhà hát thành phố). Ảnh Internet.

-  Xích lô máy:

Xe xích lô máy (ảnh 7) có nguồn gốc từ nước Lang Sa (Pháp - France), như đã nói được gọi là Cyclomoteur của hãng xe lừng danh nước Pháp Peugeot, du nhập vào Sài Gòn khoảng giữa thập niên 1940, từ chiếc xe 3 bánh chở hàng 125 phân khối (125 cc, ảnh 8). Được cải tiến thành xe chở khách, máy xe là động cơ 2 thì chạy bằng xăng pha nhớt. Xích lô máy cũng có 3 bánh, 2 bánh phía trước và 1 bánh phía sau như xích lô đạp, sức chở khách tương đương thường chở được 2 người lớn, và một vài đứa trẻ con ngồi trong lòng người lớn hoặc ngồi bệt xuống nơi chỗ để chân của người lớn. Nhưng về sức mạnh, sức bền thì xích lô máy hơn xích lô đạp gấp nhiều lần, chạy nhanh hơn, xa hơn, không thua gì xe hơi.

Ảnh 8, xe 3 bánh hiệu Peugeot chở hàng hóa của Pháp. Ảnh Internet.

Nếu chiếc xích lô đạp chạy êm ru, thì chiếc xích lô máy ngày xưa thật ồn ào, khi chạy tiếng máy nổ nghe "phành phạch" (do bộ phận giảm thanh trong ống bô bị gỡ bỏ) ầm ĩ cả phố phường, như anh bạn trẻ Huy Trường nhận xét. Ngoài mức độ ô nhiễm về tiếng ồn, thì chiếc xích lô máy cũng là vua ô nhiễm về khí thải, vì là máy 2 thì chạy xăng pha nhớt, và "thâm niên công vụ" cũng đã cao. Tương đương về mức độ ô nhiễm thì chiếc xích lô máy có một địch thủ đáng gờm là chiếc xe lam 3 bánh chở khách một thời, đây là một cặp "kỳ phùng địch thủ".

Chiếc xích lô máy ngày xưa rất nổi tiếng cho nên thời trước năm 1975 có hẳn một loại tập (vở) của học sinh ngoài bìa in hình chiếc xích lô máy, và mang nhãn hiệu Cyclo Máy, các bạn ở Sài Gòn chắc còn nhớ.

Ảnh 9, xích lô máy thời Tây ở Sài Gòn. Ảnh Internet.

Ảnh 10, Xích lô máy thời Mỹ, phía sau bên phải là chiếc Jeep "cao" của quân đội. Ảnh Internet.

Hồi tôi còn nhỏ thỉnh thoảng được đi chơi đâu cùng người lớn bằng chiếc xích lô đạp hoặc xích lô máy thì mê tơi, tuy thường chỉ được ngồi dưới chân của người lớn, chồm hổm như con cóc, mà cũng chỉ thích ngồi như thế. Chiếc xích lô đạp và xích lô máy có thùng xe chở khách phía trước, tài xế ngồi sau, cho nên "có chuyện" thì khách đi xe thường lãnh đủ trước rồi mới đến tài xế, Ngày xưa đường xá còn vắng vẻ chưa đông đúc như sau này, leo lên chiếc xích lô máy chẳng may gặp bác tài có máu cao bồi thì đứng tim, ngoài tài lạng lách khi cua quẹo cao hứng lên bác ta vặn ga phóng với tốc độ năm, sáu mươi cây số giờ thì thật kinh hãi, gió thổi ù ù, chiếc xe cứ thế mà lao tới cho ta cái cảm tưởng sắp sửa tông vào xe khác tới nơi, người bệnh tim, tăng xông mà ngồi xích lô máy thì thật tổn thọ.

Đối với loại xích lô đạp thì cũng chẳng kém gì, khi đụng phải bác tài có máu ẩu, xe này tuy chạy chậm, nhưng cũng chính vì chạy chậm mà khi thấy nguy cơ sắp đụng xe khác, thì bác tài có đủ thời gian bỏ... của (và khách) để chạy lấy người. Xưa tôi đã nhiều lần thấy cảnh bác tài... trổ tài phi thân nhảy khỏi xe khi nhắm không còn điều khiển được, để mặc xe tự do lao vào xe khác, hoặc sau khi phi thân thì chiếc xe chở khách không còn người điều khiển, lảo đảo như người say rượu rồi đổ kềnh ra đường, dĩ nhiên là cùng với khách trên đó.

Ảnh 11, Xích lô máy chở khách. Ảnh Internet.

Ảnh 12, xích lô máy chở khách và hàng hóa. Ảnh Internet.

Xích lô đạp và xích lô máy tại Sài Gòn thuở trước khi mới xuất hiện, hoặc mới du nhập là loại xe chuyên chở khách thường dành cho khách từ trung lưu chở lên, người ngoại quốc đến Sài Gòn rất thích đi (ảnh 9, 10, 11). Là loại xe chở hành khách không thể thiếu từ thời Tây qua thời Mỹ, sau xã hội hiện đại, nhiều loại xe khác xuất hiện, cuộc sống của người dân khá lên, thì hai loại xe này xuống cấp, trở thành bình dân, từ chỗ chuyên chở khách "lai" thêm cả chở hàng hóa (ảnh 3, 4, 5, 12). Sau năm 1975 gắng gượng thêm thời bao cấp thì dần dần bị thay thế bằng các loại xe khác, tiện lợi và an toàn hơn. Xích lô đạp hiện nay thỉnh thoảng còn thấy vài chiếc chở du khách (ảnh 13, 14), còn chiếc xích lô máy thì hầu như đã tuyệt tích giang hồ.

Ảnh 13.

Ảnh 14, ảnh 13, 14. Du khách ngồi xe xích lô đạp trên đường phố Sài Gòn. 
Ảnh Internet.

Cuộc sống luôn thay đổi, phát triển, cái gì có sinh rồi cũng có diệt. Âu cũng là ký ức một thời của người Sài Gòn cố cựu...


Sài Gòn, tháng 4-2016.




13 nhận xét :

  1. Thật là thú vị khi chứng kiến các bác "lái" xích lô chở đủ các loại hàng. Tôi là dân nhà quê, khi có dịp qua Hà Nội thì chỉ biết loại xích lô đạp thôi. Rồi về sống hẳn ở Hà Nội ba chục năm nay, không thấy một cái xích lô máy nào. Có lẽ đó là "đặc sản" của Sài Gòn chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình như thế bác Vũ Nho, xích lô máy là đặc sản của Sài Gòn, Hà Nội có xe kéo, xích lô đạp nhưng không thấy xích lô máy. Có lẽ xích lô máy phát triển ở Sài Gòn là do nơi này bị người Pháp chiếm đóng, đặt "đại bản doanh", còn Hà Nội chiến tranh suốt cho tới khi Hiệp định Geneve, nên không kịp du nhập.

      Xóa
  2. Bác Hiệp viết khỏe thật đấy, đơn giản nhưng toàn thông tin hay mà thôi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, khỏe gì Bố susu, mọi chuyện đã nằm trong đầu mình rồi, thêm sách vở tra cứu có sẵn, hình ảnh lên mạng lấy, cứ thế mà viết ra thôi :-)

      Xóa
  3. Cám.ơn bác đã cho con thấy những điều thực tế với những gi bác trải nghiệm. Con thì chưa từng được đi xích lô bao giờ. Có lẽ lúc nào đó cũng phải thử cảm giác này mới được. Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đi xích lô bây giờ thì phải làm du khách :-))

      Xóa
  4. Ảnh 13 thật ấn tượng bác Hiệp ạ. Với hình ảnh ấy, ai cũng muốn xích lô đạp đừng bị...diệt! Nếu du khách muốn tham quan trong thành phố, có lẽ xích lô đạp là hay hơn cả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở Saigon bây giờ có một vài đơn vị du lịch tổ chức cho khách đi xích lô ngắm đường phố, điều này nên làm, để giữ lại một hình ảnh một thời, đây cũng là một loại xe thân thiện với môi trường đó NT.

      Xóa
  5. Mấy tấm ảnh Sài Gòn xưa trong entry này của bác làm nhớ hồi xưa quá

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những hình ảnh một thời Sài Gòn hay quá phải không Marg.?

      Xóa
  6. Hihi ...đọc bài viết đã thấy ngất ngư rùi vì rất hay và rất bổ ích rồi cộng thêm hình ảnh minh họa nữa ..ôi chao em thích thật đó anh Hiệp . Cứ nhìn du khách cười tươi trên những chiếc xe xích lô đạp là thấy hạnh phúc ghê đi !!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nào về Saigon rủ ông xã đi xích lô đi NangTuyet :-)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))