Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Cuối năm nói chuyện phiếm về chữ "buồn".


Chỉ còn vài chục tiếng đồng hồ nữa là bước qua năm 2015, một năm mới, người mình sang đầu năm thì không nhắc chuyện "buồn", các cụ nói "dông" cả năm, cho nên tôi muốn kết thúc năm cũ bằng câu chuyện phiếm về chữ buồn chơi đôi chút. Chả là mấy hôm trước có dịp ngồi cà phê tán dóc với mấy người bạn cũ, có anh bạn Nam bộ đã kể một chuyện nhỏ trong gia đình, con trai của bạn có vợ là một cô gái người miền Bắc, "Bắc rặc" luôn, như lời anh bạn nói. Đôi khi cô con dâu nói chuyện anh bạn không hiểu gì mấy, chẳng hạn  hôm qua cô con dâu nói câu chuyện gì đó mà có chữ buồn, theo bạn hiểu cốt chuyện cô con dâu kể nói chung là vui mà tại sao lại có buồn trong đó? Thì ra bạn nói buồn ở đây người miền Nam nói là nhột, như khi bị thọoc léc thì ta thấy nhột, ở đây  thay cho nhột cô con dâu nói buồn.

Đúng là cùng một chữ mà khi nói mỗi miền hiểu mỗi khác. Sống quá nửa đời người ở đất Sè Gòong tôi đã quen với cách nói của người miền Nam, nhưng cũng may là tôi vẫn còn nhớ cách dùng từ của người miền Bắc, như khi xưa nghe các cụ của tôi nói trong nhà. Các cụ kể chuyện lúc mới di cư vào miền Nam, ra chợ thấy hàng quán người ta đông khách, quen miệng khen "hôm nay bán đắt quá" (hôm nay bán đông khách quá), chủ quán là người Nam bộ nghe nói "bán đắt" lại tưởng ông bà này chê họ "bán mắc". Một câu chuyện khác nữa cũng về cách hiểu từ ngữ mỗi miền mỗi khác. Có lần tôi ghé một quán cơm quen mua cơm hộp về ăn, bà chủ quán ngồi bán là người miền Bắc xưa, còn ông chồng lăng xăng phụ một tay lại là người miền Nam. Khi tôi hỏi hôm nay có món gì ngon, bà chủ quán nói "hôm nay nhà hàng có món canh cua rau đay, và món rạm rang giòn"(*). Ông chồng Nam bộ đứng phụ kế bên cười khì "quán cơm bình dân mà bà nói là nhà hàng". Khi một người miền Bắc xưa như bà chủ quán cơm nói nhà hàng , chỉ có nghĩa là nhà bán hàng (hàng ăn) chứ không có nghĩa như ta thường dùng bây giờ, là để chỉ quán ăn cao cấp (restaurant) như ông chồng nghĩ.

Cũng như về chữ buồn mà người bạn miền Nam của tôi nói bên trên. Buồn, cái nghĩa số một, thông dụng, quen thuộc là "trạng thái của con người khi gặp chuyện không vừa ý, hay gặp chuyện đau thương", ta hay gặp trong cụm từ buồn bã, buồn bực, buồn phiền, buồn rầu, buồn teo, buồn tênh, buồn thảm, buồn thiu, buồn xo... Nhưng khi người miền Bắc nói "bị cù nách thấy buồn" (hoặc thấy buồn buồn), thì người miền Nam nói "bị thọoc léc nghe nhột" (hoặc nghe nhột nhột), buồn ở đây có nghĩa là nhột, buồn buồn có nghĩa là nhột nhột. Cũng xin lưu ý một chi tiết nữa về cách dùng từ, người miền Bắc nói "cù nách", người miền Nam nói "thọoc léc", người miền Bắc nói "thấy buồn", thì người miền Nam nói "nghe nhột". Cùng một sự việc mà một đằng "thấy", một đằng "nghe", ngộ!

Khi người miền Bắc nói "nghe nó kể chuyện buồn cười", thì người miền Nam nói "nghe nó nói chuyện mắc cười", chữ buồn cười  mắc cười ở đây được hiểu là không nhịn được cười. Còn câu khác "giờ này buồn ngủ quá", thì ta hiểu ngay là người ấy muốn nói "giờ này muốn ngủ quá", buồn lại có nghĩa là muốn.

Bây giờ tôi không còn nghe ai nói câu thành ngữ "buồn như trấu cắn", "trấu" là lớp vỏ cứng của hạt thóc chứ không phải "chấu" (con châu chấu), câu này là để chỉ một tâm trạng bứt rứt, khó chịu. Khi ta bị những vỏ trấu dính (cắn) vào da sẽ có cảm giác ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu. Như vậy chữ buồn ở đây có nghĩa là bứt rứt, khó chịu. Nhưng còn chữ "buồn tình" thì sao nhỉ? Chẳng hạn như khi nghe nói "Hôm nay nghỉ không có việc gì làm, buồn tình ghé rủ bạn đi chơi", buồn tình ở đây chắc chắn không phải là buồn vì... tình, mà có nghĩa là rảnh rỗi, rảnh rang, có cảm giác trống trải... Hôm nay nghỉ không có việc làm, rảnh rỗi (hay cảm thấy trống trải) nên ghé rủ bạn đi chơi...

Chữ nghĩa tiếng Việt rất phong phú, đến người mình có khi còn ú ớ. :-)))



(*) Canh cua rau đay và rạm rang giòn là hai món ăn bình dân của người miền Bắc. Con rạm là một loài cua nhỏ được tẩm nước mắm, rang giòn trên chảo mỡ ăn cơm với canh cua rau đay có thêm quả mướp hương nữa, ngon tuyệt.


Saigon, những ngày cuối năm 2014.



9 nhận xét :

  1. Cái này bác nói quá đúng. Chỉ những người sống cả ở 2 đầu đất nước mới hiểu được ngữ nghĩ các từ bác à. Hihi.
    Nhân nói chuyện này con cũng xin kể một câu chuyện. Có lần con đi công tác từ SaiGon ra Huế cùng một đồng nghiệp là dân miền Tây. Lúc đó ghé vô một quán bánh canh Huế, quán đang đông khách. Còn dư đúng 1 ghế mà lại có hai người. Bà chủ quán nói với thằng con nhỏ đang xì xụp tô bánh canh bên cạnh: "Mi ăn nhanh mà té ghế cho mấy chú, thằng tê". Ông bạn con ngớ người không hiểu gì cả. Con phải "phiên dịch" giùm, tức là ý bả nói: mày ăn nhanh mà nhường ghế cho các chú, thằng kia!". Như trong Nam mà nói té ghế tức là mắc cười quá nên té. Hihi. Ngoài nớ l"té" tữ là nhường. Cũng hên là con từng ở miền Trung nên hiểu. Ra vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi mà ko hiểu thì chắc tưởng họ chửi mình đó bác! :-))
    Còn câu "buồn như trấu cắn' thì ở quê con hay nói trệch đi là "buồn như chó cắn". Hôm nay con mới biết một bản COPY của câu đó. Cám ơn bác. Chúc bác khoẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy năm trước có lần tôi ra Huế, buổi tối đi bộ ngang mấy hàng quán trên phố họ ra mời mà tôi không sao nghe được họ nói gì? Không nghe được luôn nói chi hiểu từ ngữ.
      Buồn như chấu cắn thì có sách viết, chứ buồn như chó cắn như ở quê của bạn Trường giờ mới nghe :-)

      Xóa
  2. Đúng là từ ngữ ở 3 miền đều khác nhau . Đọc bài viết của anh em lại nhớ đến một cô sinh viên ở ngoài Bắc sang Pháp du học rồi đến làm cuối tuần ở một nhà hàng của người Việt , nhưng ông chủ lại là người dân Nam Bộ chính tông thuộc vùng ĐBSCL , thế là cô ấy đã phải gặp nhiều khó khăn vì ngữ nghĩa khác nhau . Đó là chưa tính đến ngữ điệu cũng khác nhau nên cũng khó mà hiểu được . Càng nghĩ em càng thấy buồn cười gì đâu há ...rõ là phức tạp ghê đi . Chả thế mà người nước ngoài khi học ngôn ngữ của mình họ lại không thể nào tỉ tê than thở sao được ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật buồn cười khi cùng trong một nước mà nói không hiểu nhau, cứ như Tây với Ta. Tây mà học tiếng Việt thì chỉ nội cái xưng hô Cô, dì, chú, bác... là đã tá hỏa, chưa nói đến nhiều chuyện khác.
      Muốn giỏi chữ Việt chỉ có cách tiếp xúc nhiều và đọc nhiều thôi :-)

      Xóa
  3. Một dạo nghe người nam nói "vỏ" ô tô bu tui không hiểu sao xe ô tô lại có vỏ hihi, hóa ra cái lốp theo cách nói của người trung và người bắc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì! Người miền Nam nói "vỏ" (vỏ xe) là nói theo tính chất của vật (vỏ, ruột), còn người miền Trung và miền Bắc khi nói "lốp" là dùng một từ vay mượn của tiếng Pháp "enveloppe" (phiên âm sang tiếng Việt là "ăng vơ lốp pờ"), người Việt rút gọn chỉ còn dùng chữ "lốp" để chỉ cái vỏ xe.

      Xóa
    2. Người miền Trung và miền Bắc nói "lốp, săm", từ "săm" cũng là từ vay mượn của tiếng Pháp. Nhân đây tôi tính viết một entry nữa về vài từ vay mượn này. :-))

      Xóa
  4. Hihi, cũng như ông bố vợ người Quảng nổi xung khi nhờ thằng con rể trong Nam, mà được thưa lại là: "Con kẹt!"

    Trả lờiXóa
  5. Aha, nghe con này ông bố vợ không vác chổi chà rượt ông con rể cũng uổng :-)))

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))