Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Đọc bút ký.




Tôi thích đọc những bút ký, như những bài viết của ông bạn Hồng Ngọc, hiện đang ở Thái Lan viết về những nơi mà bạn đã có dịp ghé thăm. Những bài viết với nhiều thông tin về những nơi bạn đã đến (và những "tự sự" vừa đủ về bản thân, người thân của bạn trong chuyến đi), cùng những hình ảnh bạn đã chụp, làm cho bài bút ký thêm sinh động. Không ai có thể đi khắp mọi nơi, đến mọi miền, nên những bút ký như thế này thật có ích cho ai muốn tìm hiểu về những vùng đất mình chưa biết.

Trên kệ sách của tôi cũng có một số những bút ký viết dưới dạng du ký, như quyển "Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài" của Jean-Baptiste Tavernier, một người ưa thích phiêu lưu, thám hiểm được triều đình Pháp phong tước. Ông đã đi nhiều nơi như Nhật Bản, Ấn Độ, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ..., và đã đến vương quốc Đàng Ngoài (Tonquin-Đông Kinh) của nước Đại Việt, nơi có kinh đô Checho (Kẻ Chợ) vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII. Người Châu Âu thiên về khoa học, có óc quan sát, phân tích, nên bút ký của ông viết rất cặn kẽ về xứ Đàng Ngoài thời bấy giờ. Ông viết cặn kẽ về diện tích, địa thế, khí hậu, mùa màng, cây trồng, nghề nghiệp thủ công, về văn hóa, phong tục tập quán từ nơi đô hội đến chốn thôn quê... Chẳng hạn vào thời ấy (nửa cuối thế kỷ XVII) thì xứ Đàng Trong (Cochinchine), được coi là xứ sở láng giềng chứ chưa thuộc Đại Việt. Thời ấy theo nhận xét của ông thì người Đàng Ngoài vẫn ưa thích sống trên nước hơn trên cạn, cho nên sông ngòi đầy thuyền bè, và được người dân thay cho nhà ở...



Trong khi quyển bút ký của Jean-Baptiste Tavernier cho ta biết ít nhiều về tình hình, cuộc sống ở Đàng Ngoài dưới thời vua Lê, chúa Trịnh vào nửa cuối thế kỷ XVII, thì một quyển bút ký khác viết về xứ Đàng Trong (Cochinchine, cũng gọi là Nam Hà, Đàng Ngoài - Tonquin được gọi là Bắc Hà), của nhà phiêu lưu người Anh John Barrow trong 2 năm, với tựa "Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793)", cho ta biết phần nào tình hình nhà Nguyễn (Nguyễn Ánh), và cuộc chiến tranh với anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ ở phía Nam, ông cũng tả lại trong bút ký khi Nguyễn Ánh sang Xiêm cầu viện, đã giúp vua Xiêm đánh thắng quân Miến Điện. Barrow cũng có viết về Húe (Huế), Turon (Đà Nẵng), Quin-nong (Qui Nhơn), Don-nai (Đồng Nai), Sai-gong (Sài Gòn)... Cũng như quyển bút ký viết về Đàng Ngoài, Barrow viết khá chi tiết về khí hậu, phong tục, sản phẩm địa phương... Cho ta một cái nhìn khái quát về xứ Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVIII...

Một quyển sách cũng viết dưới dạng bút ký khác nhưng ở trong nước, đó là quyển "Thượng kinh ký sự" của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, khi ông đang ở ẩn tại làng quê Nghệ An, thì được lệnh lên Kinh đô Thăng Long vào phủ chúa Trịnh chữa bệnh cho chúa. Bút ký của ông viết về chuyến đi ấy, bài ký chủ yếu nói về chuyện chữa bệnh ở phủ chúa Trịnh lúc bấy giờ, thời điểm vào năm Nhâm Dần (1781), khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XVIII.

Cùng viết trong một giai đoạn, đọc bút ký của các tác giả Châu Âu chúng ta có thể thấy ngay óc nhận xét, phân tích của họ, bài viết của họ cho ta rất nhiều thông tin về nơi họ đã đến, tuy có những điều chưa chính xác (vì họ không phải là những cư dân địa phương), nhưng thực sự những bút ký của họ là những tư liệu quan trọng ghi chép được rất nhiều điều mà ngay cả sử sách của ta cũng không đề cập. Trong khi bút ký của Hải Thượng Lãn Ông chủ yếu là "tự sự", nói về công việc mình đang làm (chữa bệnh cho chúa Trịnh), nói về chuyện thơ văn trong việc gặp gỡ những bậc túc nho khi ở kinh đô, ông ít đề cập đến ngoại cảnh, ngoại vật chung quanh. Đấy là những điều dễ nhận thấy nhất, có lẽ đó cũng là sự khác biệt giữa văn hóa "phương Đông" và "phương Tây", một bên hướng nội còn một bên hướng ngoại.

Người Việt mình ngày trước không có thói quen ghi chép cặn kẽ, chẳng hạn về tên người, năm tháng. Trong sách sử dễ thấy có những tên người, nhất là phụ nữ cho dù là công chúa chỉ được chép họ, hoặc phổ biến gọi bằng chức vụ của chồng (như Bà huyện Thanh Quan, Thị Nghè...), về năm tháng thường ghi năm Tân Dậu, năm Ất Mùi..., mà tính như thế thì cứ 60 năm tên đó lại quay lại, cho nên thời gian càng xa càng khó tra cứu chính xác (có tra được cũng không rõ ngày, tháng). Bà nội của tôi mất và được an táng tại làng quê miền Bắc vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ trước, mấy năm trước đây người nhà về quê cải táng, thì thấy trên bia mộ về tên chỉ ghi có dòng chữ "Madame Hàn Thu", may mà an táng ở làng quê nhà có người còn nhớ chỗ. Hàn là "phẩm" được phong của ông nội tôi, còn Thu là tên của ông nội, chứ bà hoàn toàn không có tên trên bia mộ. Cháu chắt bây giờ nếu không được nghe người lớn tuổi nói thì chẳng thể biết được bà tên gì.



Những bút ký của các tác giả Việt Nam thời hiện đại viết có khác. Tôi thích đọc những bút ký của GS. Trần Văn Khê, viết về những chuyện ông đi đây đó trong công việc dạy học, nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Bút ký của học giả Nguyễn Hiến Lê (như quyển Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, viết về thời gian ông làm việc tại vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng thập niên 1940-1950), bút ký của học giả Vương Hồng Sển hay nhà văn Sơn Nam viết về Nam bộ trong khoảng thời gian mấy mươi năm của thập kỷ 20. Tôi cũng thích đọc những bút ký của nhà văn Nguyên Ngọc viết về Tây nguyên, của nhà văn Nguyễn Khải viết về nông thôn miền Bắc của những năm 50, 60... thế kỷ trước...

Ngoài những cảm nghĩ của chính người viết, về bản thân, về công việc họ đang làm, thì những bút ký như thế cho ta một cái nhìn khá phong phú và chính xác về xã hội thời họ đang sống. Cũng như những bút ký của các tác giả Tây phương viết về những chuyến thăm viếng Việt Nam ở những thế kỷ trước, những bút ký như thế là những tư liệu hay để bổ sung cho lịch sử.


22 nhận xét :

  1. Bác NHP điểm một loạt những tác giả, tác phẩm trong và ngoài nước viết du ký bút ký khá công phu, chứng tỏ khi đọc, bác đã dành nhiều thì giờ cho tác phẩm. Thấy bác giới thiệu những quyển sách qua hình ảnh mới thấy là kiến thức của HN về sách vở bây giờ thui chột quá nhiều. Không nghĩ là những quyển bác nói được in lại. Sách của Tavernier thì hồi đi học HN có dùng đến dầu không nhiều cho luận văn tốt nghiệp. Bây giờ nghe bác nhắc, nhớ lại ngày ấy biết bao. Cám ơn bác đã dành cho những bút ký - như là kỷ niệm thời sống ở BKK của HN - những thiện cảm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi có 2 nguồn đọc những bút ký và hồi ký của những nhà văn, nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước, sách và trên mạng, cái gì đã in thành sách thì ráng mua, còn không thì tìm đọc trên mạng (đọc sách theo tôi tiện và thích hơn, chắc có lẽ bởi mình đã quen đọc sách cả nửa thế kỷ nay). Bây giờ tôi thường đọc sách với cái viết màu đánh dấu và cây thước kẻ, đoạn nào hay thường đánh dấu nhấn mạnh để dễ tìm đọc lại. Tôi cũng đang đọc quyển Hồi ký Lý Quang Diệu những năm tháng ông ấy làm Thủ tướng Singapore (1965-2000), quyển hồi ký viết rất hay, hết quyển này tôi còn quyển Hồi ký của bà Bill Clinton, Hồi ký của Tô Hoài (Cát bụi chân ai)... Đây thật sự là những quyển sách "buộc" phải có trên kệ sách.

      Hihi, không ngờ nói đến sách lại nhắc đến ký ức và kỷ niệm của bác HN :-)))

      Xóa
    2. Chỉ cần đọc hồi ký bà Bill Clinton ta sẽ hiểu vì sao nước Mỹ được như ta biết từ hơn 1/2 thế kỷ nay. HN cũng sắp đọc "Cát bụi chân ai" để có thể lý giải được chăng vì sao bác Tô Hoài nhận được nhiều "suất" đi nước ngoài trong giới văn nghệ sĩ MB từ sau 1954. Bác đã đọc hồi ký của nhạc sĩ Tô Vũ chưa? Đọc đi nhé, còn hai hồi ký cực xịn nữa, sẽ giới thiệu với bác sau.

      Xóa
    3. Hì hì, đọc hồi ký của bà Bill Clinton ta sẽ biết được nhiều điều về nước Mỹ và thế giới. Có lẽ bác HN muốn nói đến hồi ký của nhạc (nhát) sỹ Tô Hải? Trên mạng thấy có nhiều hồi ký được đưa lên, chẳng hạn của Phạm Duy, Trần Trọng Kim (Một cơn gió bụi), hay của ông Nguyễn Cơ Thạch, của tướng Trần Văn Đôn, hihi, từ từ sẽ đọc.

      Xóa
  2. Ngoài những quyển bút ký như anh Phạm kể, Giáo giới thiệu cho anh một tác giả đương thời nhe, đó là bút ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Anh đọc xong rồi viết một bài nhe. Bảo đảm ko phí công đâu anh Phạm à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sẽ tìm quyển bút ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường như giới thiệu của Giáo, mà quyển này có tựa là gì vậy Giáo?

      Xóa
    2. Trong số vài người viết bút kí hay nhất Việt Nam phải kể đến Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tường là một tầng vỉa văn hóa quá sâu quá nhiều lớp ,quá phong phú. Sức liên tưởng của Tường là siêu việt. Qua một bến đò, xem một quẻ dịch, một lần lên núi Bạch Mã là anh ta có một bút kí để đời. Người đọc không thể đọc một lần vì kiến thức và sự móc nối các liên tưởng dẫn ta đi qua rồi lại muốn vòng lại.
      Qua Tường mới thấy sự đào tạo trí thức của chế độ Sài Gòn trước đây vô cùng bài bản không kém canh gì Âu Mỹ
      HPNT sinh 1937 ở Huế nhưng gốc Triệu Phong Quảng Trị. Tôt nghiệ ĐHSP Sài Gòn khóa 1 ban Việt Hán 1960, Cử nhân Triết Đại học văn khoa Huế 1964 sau đó đi dạy học, lên rừng theo Việt Cộng....Nay tai biến ngồi xe lăn do bà vợ - nhà thơ - Lâm Mỹ Dạ (Lệ Thủy Quảng Bình) Chăm sóc.....
      Tường có tuyển tập 4 quyển tổng cộng 1817 trang tựa đề "hoàng phủ ngọc tường" tuyể tập (không viết hoa) NXB trẻ năm 2002

      Xóa
    3. Tôi sẽ tìm quyển bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, quyển này do NXB Trẻ xuất bản từ năm 2002 sợ đã hết sách.
      Ngày trước năm 1975 nền GD miền Nam VN đã bị chỉ trích nhiều tuy đã theo hệ thống GD Pháp, Mỹ, nhưng thành thật mà nói (theo nhận xét của mình và của nhiều người, không phải chê theo tâm lý đám đông), thì vẫn còn hơn nền GD VN XHCN... Hìhì!

      Xóa
    4. Tứ trụ lịch sử nước nhà là LÂM LÊ TẤN VƯỢNG
      Ông Vượng thì về thiên cổ rồi, ba cột trụ còn lại không ai phản biển nỗi ông sư Lê Mạnh Thát...Ông Thát học ở Mỹ
      Buồn cho trí thức nước nhà quá !!!

      Xóa
    5. Cái khác biệt là tụi tư bản nó tự do trong cả học thuật, không được (hay bị) định hướng, cho nên có được những suy nghĩ "mở", không gò bó.
      Cho nên ngay cả con những người ca ngợi nền GD XHCN cũng đều cho đi học ở Mỹ :-)))

      Xóa
  3. HN cũng sẽ cố tìm để biết ông ta có nói gì về thành tích cùng với các đồng chí của mình chôn đồng bào Huế hồi Mậu Thân?

    Trả lờiXóa
  4. Để có được những bút ký như thế thật tình không phải dễ vì đó là tất cả những tâm huyết , những hồi tưởng có thể nói rất là độc đáo mà em nghĩ chỉ có những nhà văn mới có khả năng như thế thôi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng không hẳn là những nhà văn mới viết bút ký, hồi ký, cũng có nhiều người nổi tiếng viết, có khi họ kể lại có người "hệ thống" lại cho họ.

      Xóa
    2. Ah ...thật hay anh Hiệp hén ? Nhưng nếu thế ít nhất họ cũng có khiếu về văn chương anh nhỉ ? Chứ như em , trời ơi ...moi một chữ cũng hỏng ra nỗi , nếu có ai " hệ thống " lại cho em ...thì cũng vậy thôi hè ...

      Xóa
    3. Hihi, chắc thế đó NangTuyet, những người có khiếu về văn chương thường viết hồi ký hay lắm, nhất là những nhà văn, đọc hồi ký của Nguyễn Hiến Lê hay Vương Hồng Sển rất hay :-)))

      Xóa
  5. Theo bu tui bút kí ở nước Nam này có mấy người xuất sắc
    Nguyễn Tuân
    Hoàng Phủ Ngọc Tường
    Nguyên Ngọc
    Vũ Bằng (Với thương nhớ mười hai)
    (Sức khỏe đang òi ọp nhưng sẽ cố gắng đọc Nhà văn như Thị Nở của Phạm Xuân Nguyên
    do một ông bạn mang từ Hà Nội vào. Nguyên sinh 1956 người Thạch Hà Hà Tĩnh. Bố cậu ta trước đây ở phòng giáo vụ trường Phan Đình Phùng Hà Tĩnh, nơi bu họ. hằng ngày thấy ông đánh trống trường, nói tiếng Tây như Tây. Hội VHNT Quảng Bình có mời Nguyên vào nói chuyên một ngày, 2 ngày còn lại ở nhà bu, Hội có xe nhưng không có xăng, lại thiếu kinh phí tiếp khách ...nhậu!!! Dù chỉ có bằng cử nhân nhưng các em ở Đại học Quảng Bình làm luận văn Tiến sỉ đến nhờ Nguyên hướng dẫn...hihihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu cho biết tên thì chắc chắn những người ấy viết xuất sắc. Toro mới điện thoại cho biết sẽ gởi cho tôi quyển Nhà văn như Thị Nở của PXN.

      Xóa
  6. PNH đọc ĐI TÌM CÁI TÔI ĐÃ MẤT của Nguyễn Khải chưa?? Đó mới là Nguyễ Khải thực sự. Bu xem là một kiệt tác.
    Nguyên Ngọc nói đại ý; Thế hệ nhà văn cỡ tuổi tôi thì Nguyễn Khải là người tài năng số một.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi mới đọc ĐI TÌM CÁI TÔI ĐÃ MẤT của Nguyễn Khải trên mạng.

      Đúng là những lời "rút ruột" của Nguyễn Khải trước khi mất, ông ấy tự nhận là mấy mươi năm đã mất cái "tôi" (bởi thế mới phải đi tìm), nhưng theo tôi NK thời nào cũng chính là ông ấy, tuy có thời gian dài viết phải "lách", thậm chi phải "đeo mặt nạ". Tôi cũng đánh giá NK là nhà văn lớn của VN.

      Xóa
  7. hehehe...bác HN nhắc đến hồi kí nhạc sĩ TÔ VŨ làm bu nhớ đến hai tập hồi kí của nhạc sĩ TÔ HẢI có tưạ đề "HỒI KÍ CỦA MỘT THẰNG HÈN" đọc lên nghe xót xa và oái oăm lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Úi, ông nhạc sĩ Tô Hải này cũng lạ, cuối đời rồi ông ấy theo đạo Kitô, vào nhà thờ làm phép đàng hoàng.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))